Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá và cử hành nghi lễ tưởng niệm Thương Khó của Chúa Giêsu

Thứ tư - 08/04/2020 23:35  1835

 
 

ĐTC Phanxicô cử hành nghi lễ tưởng niệm Thương Khó của Chúa Giêsu
Trong bài giảng, cha Cantalamessa suy tư về sự kiện cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cha khẳng định rằng như người cha người mẹ, Thiên Chúa đau khổ với chúng ta để vượt qua đau khổ. Cha mời gọi cầu khẩn xin Thiên Chúa giúp đỡ.

Lúc 6 giờ chiều thứ Sáu Tuần Thánh 10/04, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Cũng như Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trong hoàn cảnh phòng ngừa đại dịch, nghi lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó được cử hành hết sức đơn sơ, không có sự tham dự của đông đảo tín hữu như mọi năm.

Hiệu quả từ sự chết của Chúa GIêsu

Trong bài giảng, cha Cantalamessa, Giảng thuyết viên Phủ Giáo hoàng mời gọi các tín hữu suy niệm về khía cạnh tích cực của một sự kiện, dù là sự ác khủng khiếp nhất như Bài Thương Khó của Chúa Giêsu được thuật lại trong các Tin Mừng. Cha nói: “Nếu chúng ta dừng lại ở các nguyên nhân lịch sử về cái chết của Chúa Giêsu thì chúng ta bị bối rối và mọi người sẽ bị cám dỗ nói như quan Philato – tôi vô can trong vụ đổ máu người này. Thánh giá tốt hơn nên được hiểu bởi hiệu quả của nó hơn là bởi nguyên nhân. Hiệu quả sự chết của Chúa Kitô là được nên công chính nhờ tin vào Người, được hòa giải và giao hòa với Thiên Chúa, và được tràn đầy hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu.”

Một hiệu quả khác là thánh giá Chúa Kitô thay đổi ý nghĩa đau khổ của con người. Nó không còn là hình phạt, sự nguyền rủa. Khi Con Thiên Chúa mang lấy những đau khổ thì Ngài đã cứu độ con người tận gốc rễ của đau khổ.

Đại dịch Covid-19 giúp con người ý thức sự mong manh của mình

Áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, cha Cantalamessa nhìn ra những điểm tích cực trong tình trạng bi thương hiện này. “Đại dịch virus corona đã bất ngờ đưa chúng ta ra khỏi nguy hiểm lớn nhất mà các cá nhân và nhân loại luôn có: ảo tưởng về sự toàn năng của mình.” Con virus nhỏ xíu vô hình nhắc chúng ta rằng chúng ta không bất tử, và các sức mạnh quân sự và kỹ thuật không đủ để cứu chúng ta. Thiên Chúa không phải là đồng minh với virus nhưng là đồng minh của chúng ta. Ngài tham dự vào đau khổ của chúng ta để vượt qua nó.

Con người trở nên liên đới hơn

Cha Cantalamessa nêu lên một điểm tích cực nữa trong cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại là con người trở nên liên đới với nhau, cảm thấy cần nhau. Có khi nào các dân tộc trên thế giới lại cảm thấy mình hiệp nhất, bình đẳng và bớt xung đột hơn trong thời khắc đau khổ này?

Hãy kêu cầu Chúa trong mọi lúc

Cha giảng thuyết kết thúc bài giảng với lời mời gọi hãy kêu cầu Chúa trong mọi lúc. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta “hãy gõ thì sẽ được mở”. Như dân Do thái trong hoang địa bị rắn cắn, vào lúc đau khổ này, chúng ta hãy ngắm nhìn Đấng chịu đóng đinh vì chúng ta. Ai nhìn vào ngài với đức tin sẽ không chết và nếu người ấy chết thì sẽ được bước vào đời sống vĩnh cửu. (REI 10/04/2020)

Đàng Thánh Giá được Đức Thánh Cha chủ sự vào thứ Sáu 10/04
Nội dung suy niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá sẽ được Đức Thánh Cha chủ sự vào thứ Sáu 10/04.
Giới thiệu

Các bài suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay được văn phòng tuyên úy nhà tù “Due Palazzi” ở thành phố Padova biên soạn. Đón nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, 14 người đã suy niệm về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng cách tái hiện nó trong cuộc sống của họ. Trong số này có 5 tù nhân, một gia đình nạn nhân của một vụ giết người, con gái của một tù nhân bị kết án chung thân, một nữ giáo viên của nhà tù, một người giám thị, một bà mẹ của một tù nhân, một giáo lý viên, một tu huynh tình nguyện viên, một nhân viên cảnh sát nhà tù và một linh mục bị tố cáo và sau 8 năm xét xử đã được tuyên bố vô tội hoàn toàn.

Đồng hành cùng Chúa Kitô trên con đường Thánh Giá, với giọng khàn khàn của những người sống trong thế giới của các nhà tù, là một cơ hội để chứng kiến cuộc song đấu phi thường giữa Sự Sống và Cái Chết, và khám phá ra những điều tốt nhất xen lẫn với những điều xấu. Chiêm ngắm đồi Canvê từ phía sau những song sắt là tin rằng toàn bộ cuộc sống có thể được quyết định chỉ trong khoảnh khắc, như đã xảy ra với người trộm lành. Chỉ cần lấp đầy những khoảnh khắc đó bằng sự thật: ăn năn thống hối về tội lỗi đã phạm, xác tín rằng sự chết không phải là mãi mãi, tin chắc rằng Chúa Kitô là người vô tội đã bị chế giễu cách bất công. Mọi sự đều có thể đối với những người tin, bởi vì ngay cả trong bóng tối của nhà tù vẫn vang lên lời loan báo tràn đầy hy vọng: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được” (Lc 1,37). Nếu có ai đó nắm lấy tay họ, thì cho dù  là người có thể phạm tội khủng khiếp nhất, họ vẫn có thể trở thành người được hồi sinh bất ngờ nhất. Chắc chắn là ngay cả khi kể về sự ác và đau khổ, người ta vẫn có thể dành chỗ cho ơn cứu độ khi nhận ra rằng giữa sự ác vẫn có hoạt động của sự thiện, và dành chỗ cho sự thiện (x. Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2020).

Các bản văn mà cha tuyên úy Marco Pozza và tình nguyện viên Tatiana Mario đã thu thập lại được chính các nhân chứng viết, nhưng họ quyết định không ghi tên: người đã tham dự vào bài suy niệm này muốn nói thay cho tất cả những người trên thế giới đang chia sẻ cùng số phận. Chiều nay, trong sự thinh lặng của các nhà tù, tiếng nói của một người mong ước trở thành tiếng nói của tất cả mọi người.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, qua Chúa Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa đã mang lấy các vết thương và thống khổ của nhân loại.
Hôm nay con có can đảm cầu xin Chúa, như người trộm đã hối cải: “Xin nhớ đến con!”
Con ở đây, trước nhan Chúa, trong bóng tối của nhà tù này, nghèo hèn, trần trụi, đói khổ và bị khinh khi, và con cầu xin Chúa đổ dầu tha thứ và an ủi trên các vết thương của con, và đổ rượu của tình huynh đệ củng cố trái tim.
Xin chữa lành con bằng ân sủng của Chúa và xin dạy con biết hy vọng trong thất vọng.
Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, con tin, xin giúp con trong khi con cứng lòng tin.
Lạy Cha thương xót, xin tiếp tục tin tưởng con, xin ban cho con một cơ hội luôn mới mẻ, xin ôm lấy con trong tình yêu vô bờ bến của Cha. Với sự trợ giúp của Cha và ơn của Chúa Thánh Thần, con cũng sẽ có thể nhận ra Cha và phục vụ Cha trong các anh em của con. Amen.

Nội dung

Chặng thứ I: Đức Giêsu bị kết án
                       Suy niệm của một tù nhân bị kết án tù chung thân

Chặng thứ II: Đức Giêsu Vác Thánh Giá
                       
Suy niệm của đôi vợ chồng có con gái bị sát hại

Chặng thứ III: Đức Giêsu ngã lần thứ nhất
                       
Suy niệm của một tù nhân

Chặng thứ IV: Đức Giêsu gặp Đức Mẹ
                        Suy niệm của một người mẹ có con bị tù

Chặng thứ V: Đức Giêsu được ông Simon giúp đỡ
                       
Suy niệm của một tù nhân

Chặng thứ VI: Đức Giêsu gặp bà Vêrônica
                       
Suy niệm của một giáo lý viên của giáo xứ

Chặng thứ VII: Đức Giêsu ngã lần thứ hai
                       
Suy niệm của một tù nhân

Chặng thứ VIII: Đức Giêsu gặp các phụ nữ ở Giêrusalem
                       
(đang cập nhật)

Chặng thứ IX: Đức Giêsu ngã lần thứ ba
                       
(đang cập nhật)

Chặng thứ X: Đức Giêsu bị lột áo
                       
(đang cập nhật)

Chặng thứ XI: Đức Giêsu chịu đóng đinh
                       
(đang cập nhật)

Chặng thứ XII: Đức Giêsu chết trên thánh giá
                       
(đang cập nhật)

Chặng thứ XIII: Đức Giêsu được hạ xác xuống
                       
(đang cập nhật)

Chặng thứ XIV: Đức Giêsu được chôn táng trong mộ
                       
(đang cập nhật)

----

Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử

(Suy niệm của một tù nhân bị kết án tù chung thân)

Trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23,20-25)

Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội. Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.

Nhiều lần, tại các tòa án và trên báo chí, tiếng la hét đó: “Đóng đinh nó vào thập giá!” ào ào đổ xuống. Đó là tiếng thét gào mà tôi đã nghe đổ xuống trên tôi: tôi đã bị kết án chung thân, cùng với cha tôi. Tôi đã bắt đầu bị đóng đinh từ khi còn là một đứa bé: nếu nghĩ về nó, tôi nhìn thấy lại cảnh mình cuộn tròn trên chiếc xe buýt đưa tôi đến trường, bị gạt ra ngoài vì nói lắp, không có mối quan hệ nào. Tôi đã bắt đầu lao động từ khi còn nhỏ, không được học hành: sự dốt nát đã chiến thắng sự ngây thơ của tôi. Sau đó, tình trạng bị bắt nạt đã cướp mất những ánh sáng ít ỏi trong thời thơ ấu của đứa trẻ chào đời ở Calabria vào những năm 1970. Tôi trông giống như tên cướp Baraba hơn là giống Chúa Kitô, nhưng sự lên án dữ dội nhất vẫn là từ lương tâm của tôi: ban đêm tôi mở đôi mắt và tìm kiếm trong tuyệt vọng một ánh sáng chiếu sáng lịch sử đời tôi.

Khi bị nhốt trong phòng giam, tôi đọc lại các trang về cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, tôi òa khóc: sau 29 năm ở tù, tôi vẫn chưa mất đi khả năng khóc, chưa mất đi khả năng xấu hổ về quá khứ của mình, về điều ác mà tôi đã phạm. Tôi cảm thấy mình là Baraba, là Phêrô và Giuđa trong cùng một con người duy nhất của tôi. Quá khứ là điều gì đó mà tôi cảm thấy kinh tởm dẫu biết rằng đó là lịch sử đời tôi. Tôi đã sống nhiều năm trong nhà tù cực kỳ nghiêm khắc theo điều luật 41-bis và cha tôi đã chết khi bị giam trong cùng một điều kiện như tôi. Nhiều lần, vào ban đêm, tôi nghe thấy ông khóc trong phòng giam. Ông che dấu điều đó nhưng tôi nhận ra nó. Cả hai chúng tôi đều chìm trong bóng tối cùng tận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh không có sự sống này, tôi luôn tìm kiếm điều gì đó có thể là sự sống: thật là lạ khi nói điều này, nhưng nhà tù là sự cứu rỗi của tôi. Nếu đối với ai đó tôi vẫn là Baraba, tôi không tức giận: trong lòng mình tôi cảm thấy rằng Con Người vô tội đó, bị kết án như tôi, đã đến tìm tôi trong nhà tù để dạy tôi về sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, mặc cho những tiếng gào thét dữ dội làm chúng con ngoảnh mặt đi, chúng con vẫn thấy Chúa giữa đám đông những người gào thét muốn Chúa phải bị đóng đinh; và có lẽ chúng con cũng nằm trong số đó, không ý thức về sự dữ mà chúng con có thể phạm. Từ các phòng giam của chúng con, chúng con muốn cầu nguyện với Chúa Cha cho những người bị kết án tử hình như Chúa và cho những người vẫn muốn thay thế quyền xét xử tối cao của Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, Đấng yêu quý sự sống, trong bí tích hòa giải Chúa luôn ban cho chúng con cơ hội mới để thưởng nếm lòng thương xót vô bờ của Chúa, chúng con xin Chúa đổ tràn ơn khôn ngoan cho chúng con để nhìn mỗi người nam, người nữ như đền thờ của Chúa Thánh Thần và tôn trọng họ trong phẩm giá bất khả xâm phạm. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

----

Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thánh giá

(Suy niệm của đôi vợ chồng có con gái bị sát hại)

Trích Tin Mừng theo thánh Marco (15,16-20)

Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do Thái!” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

Vào mùa hè khủng khiếp đó, cuộc sống của người cha người mẹ như chúng tôi đã chết cùng với cái chết của hai đứa con gái. Một đứa bị sát hại cùng với người yêu bởi bạo lực mù quáng của một người không có lòng thương xót; đứa kia, nhờ phép lạ, đã sống sót, nhưng vĩnh viễn không còn nở nụ cười. Cuộc sống của chúng tôi là một cuộc đời hy sinh, đặt nền tảng trên công việc và gia đình. Chúng tôi đã dạy các con của mình tôn trọng người khác và giá trị của việc phục vụ những người nghèo khổ nhất. Chúng tôi thường tự nhủ: “Tại sao sự ác vùi dập này lại xảy ra với chúng tôi?” Chúng tôi không tìm được bình an. Ngay cả công lý mà chúng tôi luôn tin tưởng cũng không thể xoa dịu vết thương sâu thẳm nhất: nỗi đau của chúng tôi sẽ còn mãi cho đến cuối đời.

Thời gian không làm cho gánh nặng của thập giá mà chúng tôi đã vác trên vai được nhẹ đi: chúng tôi không thể quên người mà bây giờ không còn nữa. Chúng tôi đã già, luôn là những người thiếu tự vệ nhất, và chúng tôi là nạn nhân của nỗi đau tồi tệ nhất trên đời: sống sót sau cái chết của con gái.

Thật khó để diễn tả, nhưng trong thời khắc mà nỗi tuyệt vọng dường như áp đảo, Chúa đã đến gặp chúng tôi, với những cách thế khác nhau, khi ban cho chúng tôi ơn yêu thương nhau như vợ chồng, nâng đỡ nhau dù mệt mỏi. Ngài mời gọi chúng tôi mở cửa nhà mình cho những người yếu đuối nhất, cho người thất vọng, đón tiếp người đến gõ cửa thậm chí là chỉ xin một bát súp. Làm việc bác ái, giới răn của chúng ta, đối với chúng tôi là một hình thức cứu độ: chúng tôi không muốn đầu hàng sự ác. Thật sự là tình yêu Thiên Chúa có khả năng tái sinh sự sống, bởi vì, trước chúng ta, Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã nếm trải nỗi đau con người để có thể cảm được lòng cảm thương thực sự.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm thấy rất đau khổ khi nhìn thấy Chúa bị đánh đập, sỉ nhục và lột trần, nạn nhân vô tội của sự cứng tin vô nhân đạo. Trong đêm đau khổ này, chúng con dâng lên Chúa Cha những lời cầu xin để phó thác cho Người tất cả những người gánh chịu bạo lực và tội lỗi.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, là công lý và ơn cứu độ của chúng con, Đấng ban cho chúng con người Con độc nhất của Chúa khi tôn vinh Ngài trên ngai Thánh giá, xin đổ tràn tâm hồn chúng con niềm hy vọng của Chúa để nhận ra Chúa hiện diện trong những giờ phút đen tối của cuộc sống chúng con. Xin an ủi chúng con trong mọi phiền não và nâng đỡ chúng con trong thử thách, khi chờ đợi Nước Chúa hiển trị. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

----

Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

(Suy niệm của một tù nhân)

Trích sách Ngôn sứ Isaia (53,4-6)

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.

Đó là lần thứ nhất tôi vấp ngã, nhưng lần vấp ngã đó đối với tôi chính là cái chết: tôi đã cướp đi sự sống của một người. Chỉ cần một ngày là đủ đi từ một cuộc sống không thể chê trách đến thực hiện một việc làm vi phạm đến mọi giới răn. Tôi thấy mình là hình ảnh hiện đại của người trộm đã cầu xin Chúa Kitô: “Xin nhớ đến tôi!”. Còn hơn là thống hối, tôi tưởng tượng anh ta như một người ý thức mình đi trên con đường sai trái. Tôi nhớ về tuổi thơ của mình với môi trường lạnh lẽo và thù oán nơi tôi lớn lên: chỉ cần tìm thấy sự mỏng manh yếu đuối của người khác là đủ để biến nó thành trò chơi giải trí. Tôi đã tìm những người bạn chân thành, tôi đã muốn được chấp nhận như tôi là, nhưng không thành công. Tôi đau khổ vì hạnh phúc của người khác, tôi cảm thấy những cây gậy thọc giữa bánh xe, họ chỉ yêu cầu tôi hy sinh và tuân giữ các quy tắc: tôi cảm thấy mình là người lạ đối với tất cả và tôi đã cố gắng trả thù bằng mọi giá.

Tôi đã không nhận thấy rằng sự ác từ từ lớn lên trong tâm hồn tôi. Cho đến một buổi chiều, giờ đen tối của tôi đã đến: trong một khoảnh khắc, như một trận tuyết lở, tôi nhớ lại tất cả những bất công mà tôi đã phải chịu trong cuộc sống. Sự giận dữ đã giết chết sự dịu dàng, tôi đã phạm một tội ác lớn hơn rất nhiều tất cả những gì tôi đã nhận được. Sau đó, trong nhà tù, sự lăng mạ của những người khác đã trở thành điều sỉ nhục đối với chính tôi: chỉ cần một chút xíu nữa là tôi kết thúc cuộc đời, tôi không thể chịu nỗi nữa. Tôi cũng đã đưa cả gia đình tôi đến bờ vực thẳm: vì tôi, họ mất tiếng tăm, danh dự, họ trở thành gia đình của tên sát nhân. Tôi không tìm cách bào chữa hay xin giảm tội, tôi sẽ hoàn thành án của tôi cho đến ngày cuối cùng bởi vì ở trong tù tôi đã tìm thấy những người giúp tôi khôi phục lại niềm tin đã bị mất.

Việc không nghĩ rằng trên thế gian tồn tại điều tốt chính là sự vấp ngã đầu tiên của tôi. Vấp ngã thứ hai, tội giết người, hầu như là hậu quả: tôi đã chết từ trong tâm hồn.

Lạy Chúa Giêsu, cả Chúa cũng đã chết trên thế gian. Lần đầu tiên có lẽ là lần khó khăn nhất bởi vì tất cả đều mới mẻ: cú đánh quá mạnh và hoang mang bối rối chế ngự. Chúng con phó thác cho Chúa Cha những người đang đóng mình với những lý luận riêng của họ và không thể nhận ra những tội lỗi đã phạm.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, Chúa đã nâng con người vấp ngã đứng lên, chúng con cầu xin Chúa: xin đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng con và ban cho chúng con đôi mắt để chiêm ngắm những dấu chỉ của tình yêu Chúa được gieo vãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con.

----

Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ

(Suy niệm của một người mẹ có con bị tù)

Trích Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 19, 25-27)

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Với việc con trai bị kết án, tôi không có một chút mảy may cám dỗ từ bỏ con mình. Vào ngày con tôi bị bắt, tất cả cuộc sống chúng tôi đã thay đổi: cả gia đình vào tù cùng con. Ngay cả hôm nay, sự phán xét của mọi người vẫn không dịu lại, đó là một lưỡi dao sắc: những ngón tay chỉ thẳng vào tất cả chúng tôi làm đè nặng thêm những đau khổ mà chúng tôi đã mang trong tâm hồn.

Các vết thương lớn dần theo từng ngày, thậm chí lấy đi hơi thở của chúng tôi.

Tôi cảm thấy sự gần gũi của Đức Mẹ: Mẹ giúp tôi không bị đè bẹp bởi tuyệt vọng, Mẹ giúp tôi chịu đựng những điều xấu. Tôi trao phó con trai cho Mẹ: chỉ với Mẹ Maria tôi mới có thể thổ lộ nỗi sợ hãi của tôi, tôi đã thấy chính Mẹ đã trải nghiệm những đau khổ này trong lúc Mẹ đi lên núi Sọ. Trong thâm tâm, Mẹ biết Con Mẹ sẽ không thoát khỏi sự xấu xa của con người, nhưng Mẹ không từ bỏ Con Mẹ. Mẹ ở đó, chia sẻ nỗi đau, đồng hành với Chúa Giêsu bằng sự hiện diện. Tôi tưởng tượng khi đó Chúa Giêsu ngước nhìn lên, bắt gặp đôi mắt đầy tình yêu của Mẹ và không bao giờ cảm thấy cô đơn.

Tôi cũng muốn làm như vậy.

Tôi xin nhận lỗi cho con tôi, tôi cũng xin tha thứ cho trách nhiệm của tôi. Tôi khẩn nài lòng thương xót trên tôi, điều mà chỉ một người mẹ mới có thể cảm nhận được, để con trai tôi có thể trở lại cuộc sống bình thường sau khi mãn hạn tù. Tôi tiếp tục cầu nguyện cho con trai tôi để ngày qua ngày, con tôi có thể trở thành một người khác, một lần nữa có khả năng yêu thương chính mình và người khác.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ với Mẹ Chúa, trên đường Thánh giá, có lẽ là cảm động và đau đớn nhất. Giữa cái nhìn của Mẹ và của Chúa, chúng con xin đặt tất cả người thân trong gia đình và bạn bè, những người cảm thấy xót xa và bất lực trước số phận của những người thân yêu.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội, người môn đệ trung tín của Con Mẹ, chúng con hướng về Mẹ, để phó thác nơi Mẹ ánh mắt ân cần và sự chăm sóc mẫu tử của Mẹ, để phó thác nơi Mẹ tiếng kêu của nhân loại đang rên rỉ và đau khổ chờ mong ngày nước mắt trên từng khuôn mặt sẽ được lau khô. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

----

Chặng thứ V: Ông Simôn vác Thánh Giá đỡ Chúa Giêsu

 (Suy niệm của một tù nhân )

Trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23,26)

Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu.

Với nghề của tôi, tôi đã giúp các thế hệ trẻ em sống ngay thẳng. Rồi một hôm, tôi đã sa ngã. Như thể người ta đã đánh gẫy lưng của tôi: việc làm của tôi khiến tôi bị lên án nhục nhã. Tôi bị vào tù: ngục tù đã vào tận nhà tôi. Từ đó tôi trở thành một người đi hoang trong thành phố: tôi đã mất tên, họ gọi tôi với tội danh mà công lý đã buộc tội tôi. Tôi không còn là người chủ cuộc đời mình nữa. Khi tôi nghĩ đến hình ảnh đứa trẻ với đôi giày bị rách, đôi chân bị ướt, quần áo cũ kỷ: đó chính là tôi, có một thời tôi là đứa trẻ như thế. Rồi một ngày, ngày tôi bị bắt giam: ba người đàn ông mặc đồng phục, một thể thức cứng rắn và nhà tù nuốt chửng tôi vào trong bức tường.

Thập giá họ đặt trên vai tôi thật nặng. Với thời gian, tôi đã học cách sống chung với nó, nhìn trực tiếp vào thập giá và đặt tên cho nó: tôi và nó trải qua nhiều đêm trọn đồng hành với nhau. Trong các nhà tù, tất cả đều biết Simon xứ Kyrênê: đó là tên chỉ những người thiện nguyện, của người leo lên đồi Canvê này để giúp vác đỡ thập giá; đó là những người khước từ luật lệ băng đảng để lắng nghe lương tâm. Rồi Simon xứ Kyrênê là người ở cùng phòng giam với tôi: tôi đã biết ông trong đêm đầu tiên ở nhà tù. Đó là một người đã từng sống nhiều năm trên một băng ghế, chẳng được tình thương cũng chẳng có lợi tức. Của cải duy nhất của ông bấy giờ là hộp bánh ngọt. Ông vốn là người thích ăn đồ ngọt, nhưng vẫn nài nỉ để tôi mang hộp bánh ngọt ấy cho vợ tôi lần đầu tiên khi cô ấy đến thăm tôi: cô ấy đã bật khóc vì cử chỉ bất ngờ rất ân cần như thế.

Tôi đang già đi trong tù: tôi mơ ước trở về một ngày mà tôi có thể tin tưởng vào con người.

Trở thành một người Kyrênê mang lại niềm vui cho một ai đó.

Lạy Chúa Giêsu, từ lúc Chúa được sinh ra cho đến khi gặp một người không quen biết giúp Chúa vác đỡ Thánh Giá, Chúa đã muốn cần sự giúp đỡ của chúng con. Như người Kyrênê, chúng con cũng muốn trở thành người thân cận của anh chị em chúng con và cộng tác với lòng thương xót Chúa Cha để làm nhẹ bớt ách sự dữ đang đè nặng trên anh chị em chúng con.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, Đấng bảo vệ những người nghèo và là Đấng an ủi những người khốn cùng, cùng với sự hiện diện của Chúa, xin ban sức mạnh cho chúng con và xin giúp chúng con mỗi ngày mang lấy ách ngọt ngào của giới răn yêu thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

----

Chặng thứ VI: Bà Vêronica lau mặt Chúa Giêsu

(Suy niệm của một giáo lý viên của giáo xứ)

Trích Thánh vịnh (Tv 27, 8-9)

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con
”.

Là một giáo lý viên, tôi đã lau khô biết bao nước mắt tuôn trào. Những dòng nước mắt không thể ngăn lại từ những con tim đã bị tan vỡ. Rất nhiều lần tôi đã gặp những con người tuyệt vọng, mà trong bóng tối của nhà tù, họ tìm lý do cho sự ác dường như vô tận của họ. Những giọt nước mắt này có vị của thất bại và cô đơn, của hối hận và thiếu cảm thông. Tôi thường tưởng tượng nếu Chúa Giêsu ở vị trí của tôi nơi nhà tù thì Chúa sẽ lau những dòng nước mắt đó như thế nào? Chúa sẽ xoa dịu nỗi buồn phiền cho các tù nhân này như thế nào, những người không tìm được một lối thoát cho điều khiến họ phải đầu hàng trước sự ác?

Tìm một câu trả lời là một bài tập khó khăn, thường không thể hiểu được đối với lý luận nhỏ bé và giới hạn của chúng tôi. Con đường Chúa gợi ý cho tôi là không sợ hãi khi chiêm ngắm những khuôn mặt bị biến dạng do đau khổ. Tôi được mời gọi ở lại đó, bên cạnh, tôn trọng sự thinh lặng của họ, lắng nghe nỗi đau, và cố gắng có cái nhìn vượt lên định kiến, như Chúa Giêsu nhìn sự mỏng manh yếu đuối và giới hạn của chúng ta bằng đôi mắt đầy yêu thương. Mỗi người, ngay cả với các tù nhân, mỗi ngày có cơ hội để trở thành những con người mới nhờ những cái nhìn không xét đoán, nhưng mang lại sự sống và niềm hy vọng.

Và bằng cách này những giọt nước mắt rơi xuống có thể trở nên hạt mầm của một vẻ đẹp, là điều thật khó tưởng tượng.

Lạy Chúa Giêsu, bà Vêrônica đã tỏ lòng trắc ẩn với Chúa. Bà đã gặp một người đau khổ và đã phát hiện ra khuôn mặt Chúa. Chúng con xin phó thác những người nam và nữ của thời đại chúng con cho Chúa Cha, để họ tiếp tục lau khô những giọt nước mắt cho anh chị em chúng con.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Chúa là ánh sáng và suối nguồn ánh sáng, trong sự yếu đuối Chúa biểu lộ quyền năng và tình yêu vĩ đại, xin khắc ghi vào tâm hồn chúng con khuôn mặt Chúa, để chúng con biết nhận ra Chúa trong những đau khổ của nhân loại. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

----

Chặng thứ VII: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

(Suy niệm của một tù nhân)

Trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23, 34)

Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.

Trước đây, mỗi khi đi ngang qua một nhà tù, tôi thường ngoảnh mặt ngó sang nơi khác và thầm nhủ: “Mình sẽ không bao giờ kết thúc ở trong đó”. Có những lần tôi đã nhìn nhà tù, thở dài sầu muộn và cảm thấy tối tăm. Khi đi ngang qua nhà tù tôi cảm thấy như đang đi qua một nghĩa trang của những người sống đã chết. Rồi một ngày, tôi đã kết thúc cuộc đời đằng sau song sắt cùng với em trai. Và dường như điều đó là chưa đủ, tôi đã đưa cả cha mẹ tôi vào trong đó. Từ một lãnh địa xa lạ, nhà tù trở thành nhà của chúng tôi: những người đàn ông trong một phòng giam, và mẹ chúng tôi trong một phòng giam khác. Tôi nhìn cha mẹ, cảm thấy xấu hổ: tôi không muốn được gọi là một người đàn ông. Cha mẹ tôi đã già đi trong tù vì tội của tôi.

Tôi đã ngã xuống đất hai lần. Lần đầu tiên khi cái xấu quyến rũ tôi và tôi đã chịu thua: Tôi buôn ma túy, trong mắt tôi hoạt động này đáng giá hơn công việc của cha tôi, phải nai lưng làm việc 10 tiếng một ngày. Lần ngã thứ hai xảy ra khi tôi phá sạt nghiệp gia đình, tôi bắt đầu tự hỏi: “Tôi là ai tại sao Đức Kitô chết vì tôi?” Tiếng kêu của Chúa Giêsu “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Tôi đọc được điều này trong đôi mắt mẹ tôi: bà đã mặc lấy sự xấu hổ của mọi người trong nhà để cứu gia đình. Và bà mang lấy khuôn mặt của cha tôi, người tự thẳm sâu đã tuyệt vọng trong phòng giam. Chỉ hôm nay tôi mới có thể thừa nhận điều này: trong những năm đó tôi không biết mình đã làm gì. Giờ đây tôi biết điều đó, với sự trợ giúp của Chúa, tôi đang cố gắng xây dựng lại cuộc đời. Tôi mắc nợ cha mẹ tôi: nhiều năm trước họ đã phải bán đấu giá những thứ thân thương nhất của chúng tôi, bởi vì họ không muốn tôi phải sống trên đường phố. Trên hết, tôi mắc nợ chính tôi về ý nghĩ để cho cái ác tiếp tục điều khiển cuộc sống của tôi. Điều này đã trở thành đàng thánh giá của tôi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa lại ngã xuống đất một lần nữa, Chúa bị đè nặng do bởi việc quyến luyến cái xấu của con, do nỗi sợ hãi không thể trở thành người tốt hơn. Với đức tin, chúng con hướng về Cha và chúng con cầu nguyện cho tất cả những ai vẫn chưa biết cách thoát khỏi quyền lực của Satan, khỏi tất cả sức cuốn hút từ việc làm của Satan và hàng ngàn hình thức quyến rũ của nó.

Chúng ta cùng cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa không để chúng con trong đêm tối và bóng tối của sự chết, xin nâng đỡ sự yếu đuối của chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi xiềng xích của điều ác và che chở chúng con bằng khiên sức mạnh của chúa, để chúng con có thể hát ca lòng thương xót Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

Bản dịch: Vatican News Tiếng Việt

ĐTC Phanxicô: Trong thời gian cách ly, hãy chiêm ngắm Thánh giá và suy niệm Tin Mừng

Trong thời gian cách ly không thể đến nhà thờ, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu cử hành Phụng vụ tại gia với Thánh giá và Tin Mừng. Hãy hết lòng cầu nguyện, chiêm ngắm Thánh giá và suy niệm Tin Mừng.
 

Trong bài giáo lý vào sáng thứ Tư Tuần Thánh 08/04/2020, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu sống cuộc Thương khó và sự chết của Chúa Giêsu như một “cử hành phụng vụ tuyệt vời tại gia” khi chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô và suy niệm Lời Chúa. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu mở trọn tâm hồn để cầu nguyện trong những ngày thánh này, để tìm thấy nơi thánh giá Chúa và Tin Mừng câu trả lời cho những vấn nạn chúng ta gặp phải trong thời gian thử thách khó khăn này.

Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô

 Anh chị em thân mến,

Trong những tuần lo lắng bất an vì trận đại dịch đang làm cho thế giới phải đau khổ rất nhiều, trong số rất nhiều câu hỏi mà chúng ta tự hỏi, cũng có thể có những câu hỏi về Chúa: Chúa làm gì trước nỗi đau của chúng ta? Người ở đâu khi mọi thứ bị hủy hoại? Tại sao Người không nhanh chóng can thiệp giải quyết các vấn đề? Đây là những câu hỏi chúng ta đặt ra về Thiên Chúa.

Chúa Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế không?

Tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu mà chúng ta suy niệm trong những ngày thánh này, rất hữu ích đối với chúng ta. Thực tế là trong tường thuật này cũng có rất nhiều câu hỏi. Sau khi chào đón Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, dân chúng đã tự hỏi liệu cuối cùng Người có giải thoát dân tộc khỏi kẻ thù của họ không (x. Lc 24,21). Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế hùng mạnh, chiến thắng bằng gươm giáo. Nhưng ngược lại, một con người có tâm hồn hiền lành và dịu hiền đã đến, Người kêu gọi hoán cải và thương xót. Và chính đám đông, những người trước đó đã tung hô Người, giờ đây gào thét: “Hãy đóng đinh nó!” (Mt 27,23). Những người đi theo Người, vì bối rối hoảng sợ, đã rời bỏ  Người. Họ nghĩ: nếu số phận của Chúa Giêsu là thế này, thì Đấng Thiên Sai không phải là Ngài, vì Thiên Chúa mạnh mẽ, Thiên Chúa bất khả chiến bại.

Một người ngoại đạo đã nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa

Nhưng, nếu chúng ta tiếp tục đọc tường thuật về cuộc Thương Khó, chúng ta sẽ tìm thấy một sự thật đáng kinh ngạc. Khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, viên đại đội trưởng người La Mã, người không phải là tín đồ, không phải là người Do Thái: một người ngoại đạo, đã nhìn thấy Chúa đau khổ trên thập giá, đã nghe Chúa tha thứ cho mọi người, đã chạm vào tình yêu vô bờ bến của Chúa, ông nói: Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Ông nói điều hoàn toàn trái ngược với những người khác. Ông nói rằng có Thiên Chúa ở đó, thực sự là Chúa.

Trên Thập giá, chúng ta nhận biết chân dung của Thiên Chúa

Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: đâu là gương mặt đích thực của Chúa? Thường thường chúng ta phóng chiếu tối đa nơi Người điều phản ánh thực chất của chúng ta: thành công của chúng ta, ý thức về công lý và cả sự phẫn nộ của chúng ta. Nhưng Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không như thế. Người khác với điều chúng ta nghĩ và chúng ta không thể biết Người bằng sức mạnh của chính mình. Đây là lý do tại sao Người đã đến gần, đã đến gặp chúng ta và chính trong lễ Phục Sinh, Người mặc khải chính mình hoàn toàn. Người đã tự mặc khải hoàn toàn ở đâu? Trên thập giá. Ở đó chúng ta học các nét chân dung của Thiên Chúa.

Hãy nhìn vào Chúa chịu đóng đinh để dẹp bỏ định kiến của chúng ta về Thiên Chúa

Anh chị em, chúng ta đừng quên rằng thánh giá là ngai tòa của Thiên Chúa. Sẽ thật tốt khi chúng ta ngắm nhìn Thánh Giá trong thinh lặng và thấy được Chúa của chúng ta là ai: là Đấng không chỉ tay chống lại ai đó, thậm chí không chống lại những người đang đóng đinh Người, nhưng mở rộng vòng tay với mọi người; Người không đè nát chúng ta bằng với vinh quang của Người nhưng để cho mình bị lột trần vì chúng ta; Người không chỉ yêu chúng ta bằng lời nói, nhưng âm thầm ban sự sống cho chúng ta; Người không trói buộc nhưng giải thoát chúng ta; Người không xem chúng ta là người xa lạ, nhưng mang lấy trên mình sự dữ chúng ta làm, tự nhận lấy tội lỗi của chúng ta. Và để xóa bỏ những định kiến của chúng ta ​​về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn vào Đấng bị đóng đinh.

Phụng vụ tại gia

Và  chúng ta hãy mở Tin Mừng. Trong những ngày này, tất cả đang cách lý và ở trong nhà, chúng ta cầm trong tay hai thứ này: Cây thánh giá, hãy chiêm ngắm nó; và mở sách Tin Mừng. Điều này đối với chúng ta giống như một cử hành phụng vụ tại gia tuyệt vời, bởi vì chúng ta không thể đến nhà thờ trong những ngày này. Thánh giá và Tin mừng.

Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu

Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng khi mọi người đến với Chúa Giêsu để tôn vinh Người lên làm vua, ví dụ sau khi Người hóa bánh ra nhiều, Người đã rời đi nơi khác (x. Ga 6,15). Và khi ma quỷ muốn tiết lộ sự cao cả uy nghi của Chúa, Người bắt chúng im lặng (x. Mc 1,24-25). Tại sao? Bởi vì Chúa Giêsu không muốn bị hiểu lầm, Người không muốn mọi người nhầm lẫn Thiên Chúa thực sự, Đấng là tình yêu khiêm nhường, với một vị thần giả, một vị thần trần gian thể hiện và chiến thắng bằng vũ lực. Người không phải là một thần tượng. Chính Thiên Chúa đã trở thành con người, giống như mỗi chúng ta, và thể hiện mình là một con người nhưng với sức mạnh Thiên Chúa của Người. Ngược lại, căn tính của Chúa Giêsu được tuyên bố long trọng ở đoạn nào trong Tin Mừng? Khi viên đại đội trưởng người La Mã nói: “Người này thực sự là Con Thiên Chúa.” Nó được tuyên bố ở đó, ngay khi Chúa hiến mạng sống trên thập giá, để chúng ta không còn có thể nhầm lẫn: chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng trong tình yêu, và không theo bất kỳ cách nào khác. Đó là bản tính của Người, bởi vì Ngài là như vậy. Người là tình yêu.

Quyền lực thế gian qua đi nhưng tình yêu của Thiên Chúa tồn tại

Bạn có thể phản đối: Tôi làm gì với một Thiên Chúa yếu đuối như thế? Tôi thích một vị thần mạnh mẽ, một Thiên Chúa mạnh mẽ!” Nhưng bạn biết đấy, quyền lực của thế giới này sẽ qua đi, trong khi tình yêu tồn tại. Chỉ có tình yêu mới gìn giữ được sự sống mà chúng ta có, bởi vì nó ôm lấy sự mong manh của chúng ta và biến đổi nó. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng mà trong lễ Phục sinh đã chữa lành tội lỗi của chúng ta bằng sự tha thứ của Người, Đấng làm cho sự chết trở thành con đường đến sự sống, Đấng biến đổi nỗi sợ hãi của chúng ta thành sự tín thác, nỗi thống khổ của chúng ta thành hy vọng. Phục sinh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở thành điều tốt đẹp, Đấng mà với Người, chúng ta có thể thực sự tin tưởng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp. Và đây không phải là ảo ảnh, bởi vì cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu không phải là ảo ảnh: đó là một sự thật! Bởi vì vào sáng ngày Phục sinh chúng ta được nghe nói: “Đừng sợ!” (x. Mt 28,5). Và những câu hỏi đau khổ về sự ác không biến mất đột ngột, nhưng tìm thấy trong Đấng Phục sinh nền tảng vững chắc cho phép chúng ta không bị đắm chìm.

Biến đổi lịch sử bằng cách đến gần Chúa và đón nhận ơn cứu độ

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã thay đổi lịch sử bằng cách trở nên gần gũi với chúng ta và biến nó trở thành lịch sử cứu độ, mặc dù vẫn còn những sự ác trong lịch sử. Người đã biến nó thành lịch sử cứu độ. Khi hiến dâng sự sống trên thập giá, Chúa Giêsu cũng đã chiến thắng sự chết. Từ trái tim rộng mở của Đấng chịu đóng đinh, tình yêu của Thiên Chúa đến với mỗi chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi lịch sử của mình bằng cách đến gần Người, đón nhận ơn cứu độ mà Người ban cho chúng ta.

Chiêm ngắm Thánh giá và suy niệm Tin Mừng

Anh chị em, chúng ta hãy mở trọn tâm hồn cầu nguyện, trong tuần này, trong những ngày này: với Thánh Giá và với Tin Mừng. Xin anh chị em đừng quên: Thánh giá và Tin Mừng. Phụng vụ tại gia sẽ là thế. Chúng ta hãy mở trọn tâm hồn cầu nguyện, hãy để ánh mắt của Chúa nhìn chúng ta, và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng ta không cô đơn, nhưng được yêu thương, vì Chúa không bỏ rơi chúng ta và không bao giờ quên chúng ta. Và với những ý tưởng này, tôi cầu chúc anh chị em một Tuần Thánh và một lễ Phục sinh thánh thiện.

Hồng Thủy

Nguồn: .vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay17,612
  • Tháng hiện tại725,292
  • Tổng lượt truy cập52,894,240

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây