Giáo Hội Philippines và tình hình chiến sự tại Marawi trên đảo Mindanao

Thứ ba - 13/06/2017 22:47  1904
Ngày 23 tháng 5 vừa qua hơn 500 phiến quân hồi thuộc nhóm Maute đã tiến chiếm thành phố Marawi trên đảo Mindanao, miền nam Philippines. Các phiến quân đã đột nhập nhà thờ chính toà bắt cóc làm con tin cha Teresito Suganob, thường được gọi là cha Chito, cha chính giáo quận, và 15 tín hữu đang cầu nguyện, trong đó có vài nữ tu. Mọi người đang làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ phù hộ các kitô hữu, bổn mạng giáo quận. Các phiến quân đã nổi lửa đốt nhà thờ chính toà và toà Giám Mục ra tro. ĐC Edwin De la Pena, giám quận Marawi đã cho biết như trên. ĐC đã thoát chết vì hôm trước đó đi thăm mục vụ một giáo xứ ngoài thành phố Marawi. ĐC cho biết các phiến quân đã chiếm thành phố và dân chúng sợ hãi đóng kín cửa không dám ra ngoài. Các phiến quân hồi cũng đốt hai trường học và nhà tù của thành phố, sau khi giải phóng các tù nhân, rồi họ ẩn nấp trong các nhà của dân chúng. Phiến quân đã kéo cờ đen của Nhà nước Hồi trên các dinh thự thành phố.

Tổng thống Duterte đã ngưng chuyến viếng thăm Mastcơva trở về Manila, tuyên bố lênh giới nghiêm trên toàn đảo Mindano,  ra lệnh cho quân đội bao vây Marawi và tấn công tái chiếm thành phố. Các binh sĩ, trong đó có một số binh sĩ Hoa Kỳ được trực thăng yểm trợ, đã bao vây thành phố Marawi. Đã có các đoàn xe tới giúp dân chúng di tản trong những vùng có thể tới được. Ông thị trưởng thành phố Marawi yêu cầu không quân Philippines đừng bỏ bom thành phố, vì còn có hàng ngàn dân, đa số theo Hồi giáo, vẫn còn ở trong thành phố. ĐC Edwin De la Pena cho biết đa số dân chúng đã di tản khỏi thành phố, nhưng có một số gia đình còn bị kẹt giữa hai lằn đạn của quân chính quyền và các phiến quân. Quân chính phủ cố gắng chiếm lại thành phố với số thiệt mạng ít chừng nào có thể. ĐC nói: “Chúng tôi cầu xin Đức Mẹ cứu các tín hữu, vì chỉ có Mẹ có thể cứu giúp chúng tôi trong lúc này. ĐC cũng xin ĐTC và kitô hữu toàn thế giới giúp lời cầu nguyện cho các tín hữu, và yêu cầu các phiến quân trả tự do cho các con tin. Vì bạo lực và thù hận chỉ đem lại tàn phá và chết chóc cho dân chúng mà thôi.” ĐC cho biết đã liên lạc với Giáo Hội và các vị lãnh đạo Hồi giáo, và hy vọng có thể thương thuyết để các con tin mau chóng được trả tự do. ĐC cũng xác nhận sự kiện 9 kitô hữu bị bắt, bị trói và bị giết chết tại cửa vào thành phố. Ngài nói: “Các phiến quân rất thô bạo, và không ai biết họ nghĩ gì trong đầu. Chúng tôi ở trong tay Chúa.” Giáo Hội Philippines đã phát động phong trào cầu nguyện để cho các kitô bị bắt được trả tự do.”

ĐHY Orlando Quevedo, TGM Cotabato trên đảo Mindanao, đã tuyên bố trên đài phát thanh Chân lý Á châu như sau: “Chúng ta cầu nguyện cho các con tin được tự do. Chúng tôi kêu gọi lương tâm của các người bắt cóc để họ đừng giết những người vô tội. Chúng tôi cũng kêu gọi sự trợ giúp của các vị lãnh đạo Hồi giáo trên đảo Mindanao để tìm ra giải pháp  hoà bình cho cuộc khủng hoảng này”.

** ĐHY Luis Antonio Tagle, TGM Manila, cũng bầy tỏ tình liên đới với dân chúng tại Marawi và nói: “Không có lời nào diễn tả được nỗi đớn đau và cay đắng mà chúng tôi cảm thấy. Tại sao lại gây đau khổ cho những người vô tội  như thế? Chúng tôi rất lo âu”. Giáo Hội toàn nước đã phát động phong trào “cầu nguyện cho Marawi” qua các phương tiện truyền thông. Trong khi đó lệnh giới nghiêm tiếp tục có hiệu lực trên toàn đảo Mindanao. Tổng thống Duterte cho các lực lượng quân đội được toàn quyền hành động trong việc duy trì trật tự chính trị xã hội tại đây.

ĐC Edwin De la Pena cũng cho biết thêm là các phiến quân đã tìm cách tiếp xúc với quân đội và các cơ cấu, bằng cách quay và phổ biến một video, trong đó cha Teresito Suganob đưa ra lời kêu gọi tổng thống Duterte chấm dứt các cuộc dội bom và tấn công Marawi. ĐC bầy tỏ vui mừng vì thấy cha còn sống, nhưng ngài lo sợ cho số phận của 200 thường dân bị sử dụng như thuẫn đỡ đạn cho các phiến quân.

Sau khi tổng thống Duterte ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn đảo Mindanao, quân lực của chính phủ đã bắt đầu bao vây Marawi, và sau một tuần giao tranh họ đã kiểm soát phần lớn thành phố này. Phiến quân hồi còn cầm cự trong 9 trên 96 khu phố. Hơn 100.000 dân đã rời bỏ thành phố nhưng vẫn còn có hàng ngàn người chưa kịp di tản  và bị kẹt giữa hai lằn đạn. Theo con số chính thức đã có 174 nạn nhân bị chết, bao gồm các thường dân, 13 binh sĩ, 4 cảnh sát và 89 phiến quân Maute. Trong số các phiến quân có các người gốc Indonesia, Malaysia, Cecinia và Yemen. ĐC Edwin De la Pena còn cho biết các con tin được đưa tới một dinh thự để làm thuẫn đỡ đạn cho phiến quân. ĐC rất đau buồn, nhưng không biết phải làm gì. Ngài cũng không biết quân đội chính phủ sẽ có các động thái nào và phiến quân sẽ phản ứng ra sao. ĐC đã xin các vị lãnh đạo hồi giáo tại Mindanao trợ giúp, trong khi tín hữu công giáo tại đây và Giáo Hội toàn nước Philippines cầu nguyện cho một giải pháp tích cực. Trong vùng cũng có 40.000 người đã phải di tản và hiện đang sống trong các trại tạm trú, hay ở nhờ nhà bà con bạn bè chung quanh Marawi. Giáo Hội cũng huy động tình liên đới và trợ giúp của các cộng đoàn công giáo và hiệp hội bác ái dân sự.

** Theo tổ chức UNICEF có ít nhất 50.000 trẻ em bị liên lụy trong cuộc chiến, và có một số em bị sử dụng như chiến binh. Bà Lotta Sylwander, giám đốc UNICEF Philippines, rất lo âu cho sinh mạng của các em, cũng như đối với  các chấn thương mà các em phải gánh chịu trong việc phát triển tâm sinh vật thể lý. Trong khi đó tại Manila cũng đã xảy ra các vụ khủng bố tại khu thương mại, khách sạn và hàng quán, khiến cho 36 người thiệt mạng. Các nhóm liên hệ tới phiến quân tại Marawi đã thừa nhận họ là thủ phạm của các hành động khủng bố này. ĐC Edwin De la Pena cho biết các phiến quân đe dọa sẽ cắt cổ cha Chito. Ngài cầu mong các thương thuyết và can thiệp của quân đội giúp cho các con tin mau được trả tự do an toàn. ĐC cũng bầy tỏ lòng biết ơn đối với thông cáo của ông Jafaar Ghadzali, phó chủ tịch Mặt trận giải phóng hồi Moro tại Mindanao, kêu gọi các phiến quân Maute trả tự do cho cha Chito và các con tin, vì lý do nhân đạo.

Thông cáo khẳng định rằng các hành động bạo lực như thế không phù hợp với giáo huấn của Hồi giáo. Cả bà dân biểu hồi Samira Gutoc Tomaws cũng bầy tỏ ước mong cha Chito được trả tự do. Cha là người đã cùng bà chia sẻ nhiều cố gắng thăng tiến đối thoại giữa Kitô và Hồi giáo và xây dựng hoà bình. Dư luận trong nước đang nối kết mọi người với nhau, và hy vọng nó có ảnh hưởng giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng và trả tự do cho các con tin.

Để đánh bật các phiến quân ẩn nấp trong các dinh thự của một vài khu phố áp dụng chiến thuật bắn sẻ, lực lượng quân đội của chính phủ Philippines phải tiến chiến từng căn nhà một. ĐC Edwin de la Pena cho biết trong các khu phố này còn có 1500 thường dân bị kẹt, đa số là người già và các người đau yếu đã không chạy trốn kịp. ĐC không biết 200 con tin hiện đang bị nhốt tại đâu. Chỉ biết rằng đã có các tiếp xúc giữa các phiến quân và quân đội chính phủ. ĐC nói ngài rất được an ủi, vì có rất nhiều anh chị em hồi bầy tỏ tình liên đới với cộng đoàn kitô.

Nhân vật chỉ huy các phiến quân hồi là ông Isnilon Hapilon, 51 tuổi, lãnh tụ nhóm Abu Sayyaf, chuyên bắt cóc và chặt đầu các du khách ngoại quốc. Xem ra ông đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi từ năm 2014, nhưng ông tự phong mình là lãnh tụ Nhà nước Hồi Philippines từ năm 2016. Ông cũng là phiến quân quan trọng nhất đang bị truy lùng. Tổ chức FBI của Mỹ đã treo giải thưởng 5 triệu Mỹ kim cho ai cung cấp các tin tức giúp bắt giữ ông. Nhóm Abu Sayyaf của ông Hapilon xuất phát từ đảo Basilan ở phía tây nam Philippines, nhưng trong các năm qua đã đưa người sang đảo Mindanao, và được củng cố bởi các nhóm phiến quân nhỏ hơn. Tổ chức Abu Sayyaf và các nhóm liên minh được thêm vây cánh vì một lý do khác nữa, đó là các thất bại quân sự của Nhà nước Hồi trong các tháng qua bên Iraq và Siria, khiến cho hàng chục phiến quân hồi nhập bọn với các phiến quân Philippines để tiếp tục cuộc thánh chiến của họ. Tuy nhiên, không phải mọi chuyên viên phân tích tình hình đều đồng ý với nhau liên quan tới sức mạnh của các nhóm này. Nhiều người cho rằng khả thể của lãnh tụ Hapilon thành lập một Nhà nước Hồi tại Philippines rất là mong manh, lý do vì sự chia rẽ giữa các chủng tộc và ý thức hệ giữa các phiến quân hồi trong vùng nam Philippines không cho phép thực hiện mộng ước này.

** Một sinh viên dấu tên đã từng theo học tại đại học Marawi trong các năm 1977-1983 cho biết sau khi tổng thống Marcos tuyên bố thiết quân luật hồi năm 1972 Mặt trận giải phóng Moro đã tổ chức các cuộc tấn công tại đảo Mindanao. Chiến tranh và các cuộc ám sát, phục kích, chạy loạn là điều dân chúng Mindanao đã từng phải sống trong bao thập niên qua. Như là sinh viên kitô anh đã phải cúi đầu chịu trận và rất cẩn thận chú ý không xúc phạm tới người hồi sống tại đây. Nhiều người đã phải rời thành phố Marawi để đến sống tại Iligan và các vùng khác có kitô hữu sinh sống.

Ngày nay Nhà nước Hồi Iraq và Siria đã gợi hứng cho các phiến quân Maute tiến chiếm Marawi. Nhưng điều khác biệt tích cực là các kitô hữu và tín hữu hồi tại Marawi trợ giúp và liên đới với nhau trong cuộc chiến mới này. Hồi thập niên 1970 các kitô hữu, bao gồm cả ông nội và các chú các cô của anh, đã phải di tản từ Marawi tới Iligan và các vùng khác có kitô hữu sinh sống, trong khi người hồi thuộc bộ tộc Maranao lại từ các vùng kitô tìm tới sinh sống tại Marawi. Trên bình diện chính trị, cuộc chiến tại Marawi không khác biệt với quá khứ. Các nguồn gợi hứng giữa các nhóm hồi nổi loạn tại Mindanao thay đổi theo dòng thời gian. Nhưng lý do chính khiến cho họ gây chiến và có các hành động bạo lực chém giết vẫn không thay đổi: đó là ước muốn nổi loạn đòi được độc lập và tự trị. Các bộ tộc nhắm mục đích chiếm quyền bính và sự giầu có, và khi có quyền bính họ được phong trào Moro yểm trợ, nhận được nguồn tài trợ, thành lập các nhóm hồi chiến đấu khác với các mức độ và đường lối tách rời, độc lập và thực hành khác nhau nhằm thực hiện một xã hội tương lai mà họ mơ ước.

Tuy nhiên, giờ đây bộ tộc Maranao chắc hẳn đã nhận ra rằng chiến tranh kiểu Nhà nước hồi sẽ chỉ tàn phá xã hội Philippines mà thôi. Nhóm hồi Maute đã sống kinh nghiệm cay đắng này, khi chiếm đóng các thành phố Butig, Lanao và Marawi. Luật giới nghiêm sẽ không giải quyết được cuộc chiến nổi loạn và xung đột trong vùng hồi giáo trên đảo Mindanao, mà chỉ gia tăng các đường lối chính trị phân tán vô tận của người hồi.  Cần thắng vượt hình thức “một nước trong một nước” để người hồi Mindanao có thể phát triển trên bình diện kinh tế, xã hội và chính trị. Cuộc chiến được gợi hứng bởi Nhà nước hồi mà bộ tộc Maute lựa chọn như con đường chiếm hữu quyền bính chính  trị và sự giàu có, bằng cách ngày càng trở thành bạo lực hơn, chắc chắn sẽ lôi kéo nhiều người bảo trợ và các móc nối nhằm thống trị thành phố Marawi và người hồi toàn đảo Mindanao trong tương lai.

 

Linh Tiến Khải

Nguồn: vi.radiovaticana.va
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay15,432
  • Tháng hiện tại669,946
  • Tổng lượt truy cập52,838,894

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây