MYANMAR: Giáo hội công giáo Myanmar thất vọng sâu xa vì sự kiện chính phủ nước này từ chối không cấp chiếu khán nhập cảnh cho 3 thành viên của ủy ban LHQ điều tra về những vi phạm nhân quyền đối với nhóm dân thiểu số Rohingya.
Myanmar, hay còn gọi là Miến Điện là một quốc gia có đa số dân theo Phật giáo. Chính quyền tại đây xem nhóm chủng tộc Rohingya theo hồi giáo như là những người nhập cư bất hợp pháp và không nhìn nhận họ là công dân, không cho làm việc hay được hưởng quy chế săn sóc sức khỏe như các công dân khác. Sự kỳ thị nhiều khi đưa đến những tranh chấp bạo lực. Trong năm 2012, bạo lực chủng tộc tại bang Rakhine đã làm cho trên 200 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người Rohingya khác phải trốn chạy vào các trại tỵ nạn. Ngày nay, vẫn còn khoảng 120 ngàn người rohingya sống trong các cơ sở tiếp đón người tản cư. Gần đây hơn, có khoảng 1 ngàn người Rohingya bị giết và 90 ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa chạy trốn chiến tranh ở mạn bắc bang này trong một chiến dịch càn quét bảo vệ an ninh do quân đội chính quy Myanmar thực hiện suốt hơn 4 tháng trời.
Trong những ngày vừa qua, ĐHY C-harles Maung Bo, TGM Yangoon thủ đô Myanmar, đã kêu gọi chính quyền cộng tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc điều tra độc lập về các tội phạm này, để đưa các thủ phạm ra trước công lý. Từ trước đến nay, giáo hội công giáo Myanmar luôn hoạt động tích cực trong cuộc đối thoại giữa các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác nhau tại đây. Ngày 26.06 vừa qua, nhân lễ Eid Al Adha, một trong các lễ hội quan trọng nhất của hồi giáo , DHY Bo đã công bố điện văn chúc mừng, trong đó, ngài nhắc nhớ rằng hòa bình là điều có thể và là con đường duy nhất đưa đến sự sống chung hòa bình. Giáo hội công giáo luôn cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc của mọi người và nỗ lực thăng tiến phẩm giá con người chống lại mọi hình thức bách hại.
Trong khi đó chính quyền Myanmar đang củng cố các biện pháp bảo vệ an ninh tại Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, sau khi một nhóm tín hữu phật giáo đã tấn công và hạ sát 1 người Rohingya, đồng thời làm cho 6 người khác bị thương trầm trọng.. Theo ông James Gomes Giám đốc Caritas vùng Chittagong, cả Myanmar lẫn nước Bangladesh láng giềng phải cộng tác chặt chẽ hơn nữa để giải quyết vấn đề bạo lực đàn áp những nhóm dân rohingya này. (NDC MYANMAR 1200717)
Mai Anh
Nguồn: vi.radiovaticana.va
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn