Về phương pháp luận, chúng ta sẽ đi từ trên xuống, bắt đầu từ mầu nhiệm Ba Ngôi để tìm hiểu mầu nhiệm Gia đình loài người. Như vậy, ta sẽ khởi đi từ Mầu nhiệm Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng tất cả mọi sự trong Chúa Kitô, rồi ta sẽ thấy ơn huệ thánh thiện được ban cho các đôi vợ chồng và gia đình như thế nào bởi Chúa Thánh Thần, là Đấng đã thôi thúc các đôi bạn sống và hiểu mầu nhiệm làm cha làm mẹ trong đức tin bằng cách để mình được khuôn đúc theo bởi Trẻ Bé Giêsu là Chúa Con, đã được trao ban cho Thánh Gia Nadaret. Chúng ta sẽ suy tư lần lượt theo hướng sau đây: 1. Ơn gọi làm cha làm mẹ hướng tới tình yêu trọn hảo;
2. Thăng tiến nhân vị trong gia đình, cộng đoàn sự sống và tình yêu theo hình ảnh của Thiên Chúa;
3. Thánh Gia, mẫu gia đình thánh thiện sẵn sàng phục vụ cho sự phong nhiêu của Cha trên Trời.
I.ƠN GỌI LÀM CHA LÀM MẸ HƯỚNG TỚI TÌNH YÊU HOÀN HẢO
Kết thúc diễn từ long trọng trên núi, thánh sử Matthêu đưa ra một lời khuyên quyết liệt của Đức Giêsu : «anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Đức Giêsu là Môsê mới, là Tôn sư đích thật của Luật Mới, đã công bố các mối phúc thật với các môn đệ đang qui tụ quanh Người. «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, Phúc thay ai xót thương người, Phúc thay ai bị bách hại, vì Nước Trời là của họ». Người đặt những mối phúc này đối lập với sự công chính của những người Biệt Phái và Kinh sư. Như thế, Người khẳng định sự công chính mới của Nước Trời làm tôn vinh Thiên Chúa Cha. Người dạy hãy kiện toàn Luật Cũ bằng một thái độ tôn giáo là sự công chính trong tâm hồn vượt trên sự công chính bởi Lề Luật Cũ.
Thế nhưng, cũng nên lưu ý rằng mặc dù nhấn mạnh đến tính chất mới mẻ của Nước Trời, Đức Giêsu vẫn tự đặt mình trong truyền thống Israel. Quả thật, diễn từ của Người lặp lại luật về sự thánh thiện được sách Lêvi công bố rất chi tiết : «Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các người, Ta là Đấng Thánh» (Lv 19,2). Trong Lề Luật Cũ, giới răn này xuất hiện sau bảng liệt kê các qui định về lễ nghi và giới luật về sinh dục; những giới luật này được nối tiếp với các chỉ thị về luân lí, mà chỉ thị đầu tiên là : «Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ. Các ngươi phải giữ ngày sabat của Ta. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi» (Lv 19,3). Mặc dù có rất nhiều luật điều về phụng tự và luân lí, bản văn trên hết vẫn nhấn mạnh đến sự thánh thiện của Thiên Chúa, một sự thánh thiện vốn đòi hỏi dân phải có một thái độ phù hợp với phẩm giá của Giao ước. Sự thánh thiện của Thiên Chúa cũng được đặc biệt nhấn mạnh trong diễn từ về sự thánh thiện của hôn nhân Kitô giáo trong Tin mừng Matthêu.
1. Hôn nhân, một ơn gọi
Đã có một thời hôn nhân từng được xem như là bậc sống “thông thường” của các Kitô hữu, đang khi đó chữ “ơn thiên triệu” hay “ơn gọi” chỉ được dành riêng cho bậc sống tu sĩ hay linh mục. Ngày nay, khái niệm ơn gọi liên hệ mọi bậc sống trong Hội thánh, và Công đồng Vatican II dùng từ ngữ ấy cách minh nhiên chỉ hôn nhân (LG 35; GS 49.52). Hiến chế Lumen Gentium nói đến ơn gọi phổ quát cho mọi người là nên thánh, như sau : «Vì thế hiển nhiên là mọi tín hữu Kitô dù thuộc bậc sống nào cũng đều được mời gọi hướng tới một cuộc sống Kitô hữu viên mãn và bác ái trọn hảo» (LG 40). Tiếp đến, Hiến chế nói rằng những người cha và những người mẹ được mời gọi biểu lộ «sự hiến thân không mệt mỏi và quảng đại, trong khi xây dựng tình huynh đệ yêu thương và trở nên nhân chứng và hợp tác với mẹ Hội thánh làm cho sự sống nên phong nhiêu, làm dấu chỉ và tham dự vào tình yêu mà Đức Kitô đã dành để yêu mến Hội thánh khi hiến thân vì Hội thánh» (LG 41). Vì vậy, đối với câu hỏi: «Có hay không một ơn gọi hướng tới hôn nhân?» ta phải đưa ra một trả lời tích cực rõ ràng. Thế nhưng, phải nhìn nhận rằng trong thực tế người ta còn chưa thực sự ý thức giá trị của hôn nhân Kitô giáo xét như là con đường để nên thánh. Bởi thế, chúng ta cần nhắc lại một chút nền tảng của nó trong Tân ước.
Đức Kitô đã khai mạc một triều đại hoàn toàn mới đồng thời Người kêu gọi một số trong các môn đệ sống độc thân trinh khiết hoặc đảm nhận thừa tác vụ Tông đồ, thế nhưng thừa tác vụ này, như các sách Tin mừng cho thấy rõ, không loại trừ ơn gọi hôn nhân (ơn gọi này vốn được diễn tả một cách khác, nhưng rõ ràng, qua thái độ, các hành vi và lời nói quyết định liên quan). Trong Tin mừng thánh Matthêu, sau phần tranh luận về việc li dị, các môn đệ tỏ lộ sự kinh ngạc nói với Đức Giêsu : «Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn». Người trả lời các ông : «Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu» (Mt 19,11). Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô cũng diễn tả cùng ý tưởng ấy : «Tôi ước muốn mọi người đều như tôi ; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác» (1Cr 7,7). Như vậy, hôn nhân không phải thuần túy là “chuyện thế gian” như Luthêrô nghĩ, nhưng là một ơn gọi có kèm theo một “đặc sủng” riêng. Nói đúng hơn, theo Ligier, đó là một «đặc sủng thánh hiến»[1], điều này đã được Công đồng Vaticanô II gần như xác nhận theo vết chân của đức Giáo hoàng Piô XI trong Thông điệp Casti Connubii[2]. Nền tảng bí tích của ơn gọi hôn nhân Kitô giáo được thể hiện qua một vài đoạn Kinh thánh Tân ước sau đây. Trong Tin mừng Gioan (Ga 2,1-12) sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới ở Cana miền Galilêa bộc lộ vinh quang Người qua dấu lạ đầu tiên mang một ý nghĩa bí tích hàng đầu. Thật thế, dấu lạ tại Cana là chìa khóa để đọc tất cả các dấu lạ khác, xét vì nó nâng hôn nhân con người lên tới phẩm giá của biểu trưng cho sự hoàn tất cánh chung của Nước Thiên Chúa trong Giờ của Thập Giá. Hơn nữa, trong bối cảnh của diễn từ về cộng đoàn Hội thánh trong Tin mừng Matthêu, Lời Chúa Giêsu nói về hôn nhân “thuở ban đầu”, rất quan trọng, nhấn mạnh đến chính sự can thiệp của Thiên Chúa vào định chế hôn nhân : «Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly» (Mt 19,6). Cuối cùng, hiến tế Vượt Qua của Đức Giêsu được nối kết minh nhiên với hôn nhân trong Thư gửi các tín hữu Êphêsô : «Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh» (Ep 5,32). Do đó, Hội thánh đã hiểu hôn nhân như là bí tích bắt đầu từ những đoạn Kinh thánh nền tảng đó, những đoạn văn ấy đức Gioan Phaolô II đã chú giải rất rộng và ngài nhấn mạnh đến chính giá trị “nguyên mẫu” của hôn nhân khi so với các bí tích khác[3]. Bởi thế, ơn gọi hôn nhân tiến triển từ mầu nhiệm Giao ước mà Thiên Chúa đã kí kết với nhân loại trong Đức Kitô đồng thời Ngài làm cho hôn nhân trở thành biểu tượng bí tích của Giao ước ấy. Như lời đức Gioan Phaolô II nói: «Mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người đạt tới sự hoàn thành cuối cùng trong Đức Giêsu Kitô, Người là Phu Quân yêu thương và hiến thân mình như Đấng Cứu Độ nhân loại, kết hợp nhân loại với mình như thân xác mình vậy. Người mạc khải sự thật “nguyên thủy” của hôn nhân, sự thật của “thuở ban đầu” (St 2,24; Mt 19,5) và giúp con người có thể thực hiện sự thật đó cách toàn vẹn bằng cách giải thoát họ khỏi lòng dạ chai đá»[4]. Ơn gọi này là đi theo Đức Kitô, Đấng Hôn Phu yêu thương Hội thánh và hiến thân vì Hội thánh đến nỗi chịu chết trên Thập giá. Đức Kitô nhận lấy mối tương quan nam – nữ, vốn là biểu tượng hoàn hảo nhất của tạo thành đầu tiên, và đem nó vào trong tương quan phu thê của Người với Hội thánh. Bởi thế Người mời gọi đôi vợ chồng, trong tình yêu và nhờ tình yêu của Người, sống một “bậc sống” riêng của Kitô giáo đặt nền tảng trên sự hiến thánh hôn nhân. Đó là một đức tin dấn thân sống một tình yêu trung thành, bất khả phân li và phong nhiêu như một cuộc bước theo Đức Kitô (sequela Christi) thực sự. Như vậy, ơn gọi hôn nhân không chỉ đặt nền tảng trên việc tạo thành người nam và người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26-27; FC 11), mà còn dựa trên “ơn huệ” bí tích thông truyền cho đôi vợ chồng được tham dự đặc biệt vào tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội thánh. «Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được nâng đỡ và làm cho thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi của Hội thánh, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong sứ vụ cao cả làm cha làm mẹ» (GS 48). Nhờ sự tham dự đó, đôi vợ chồng «được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, nhờ đó toàn thể cuộc sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn hảo riêng của họ và thánh hóa lẫn nhau, và bởi đó, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa» (GS 48), từ đó mà hoàn thành sứ vụ của mình trong Hội thánh.
2. Cha mẹ nên thánh: theo hình ảnh Cha trên trời
Nếu sự thánh thiện của đôi vợ chồng hệ tại nơi sự kết hợp với Chúa Kitô là Đấng Phu Quân hiến thân trên thập giá, thì sự kiện họ nên thánh xét trong vai trò làm cha làm mẹ cũng không đi ra ngoài sự kết hợp ấy. Một biến cố tự nhiên được Tạo Hóa chúc lành như thế có tạo nên kết quả gì mới không? Hoặc có gì cốt yếu hơn phát sinh từ bí tích? Đâu là mối quan hệ giữa tình phụ tử của Thiên Chúa và tình phụ tử - mẫu tử của hai vợ chồng Kitô hữu? Thánh Phaolô hướng chúng ta đến một lời giải đáp qua việc gợi đến mầu nhiệm tình Phụ tử thần linh, trong Thư gửi tín hữu Êphêsô: «Tôi quì gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất, thể theo sự phong phú vinh quang Ngài, nguyện xin Ngài ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Ngài, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng» (Ep 3,14-16).
Thánh Phaolô nhấn mạnh mọi gia tộc trên trời hay dưới đất đều có nguồn gốc từ Người Cha Duy Nhất mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải như là Cha của Người và là Cha của mọi người. «Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái [...] để anh em nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa» (Ep 3,17-19). Để hiểu mối tương quan giữa tình Phụ tử thần linh và tình phụ tử - mẫu tử nhân loại, chúng ta không thể loại suy đơn giản, từ dưới lên, bằng cách khởi đi từ thực tại nhân văn để tìm hiểu Thiên Chúa. Chúng ta hay có cám dỗ nghĩ về tình Phụ tử nơi Thiên Chúa dựa trên khuôn mẫu của tình phụ tử nhân loại, trong khi thực ra sự kiện Thiên Chúa là Cha không hề phụ thuộc vào hành động tạo dựng của Ngài. Ngược lại, mọi gia tộc trên trời dưới đất đều có nguồn gốc từ Ngài, vốn là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Thế nên, loại suy phải đi từ trên xuống qua trung gian Đức Giêsu Kitô, Người Con Một Đấng mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm tình Phụ tử thần linh trong Ba Ngôi. Bởi thế, chúng ta phát xuất từ Đức Giêsu Kitô Đấng mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha, để rồi được soi sáng tự trên cao về tình phụ tử - mẫu tử của con người.
«Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha các môn đệ mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta» (Ga 17,11). Chúa Giêsu đã cất lên lời cầu nguyện này với Cha Người chính trong giờ phút trọng đại và quyết định trước cuộc tử nạn hiến tế của Người. Người xin cho các môn đệ được nên một như Chúa Cha và Chúa Con hiệp nhất trong Tình Yêu Thương. Chúa Giêsu nói «Lạy Cha chí thánh, xin hãy thánh hiến họ trong sự thật». Sự thật của Tình Yêu, «để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa» (c.26). Lời cầu nguyện sâu thẳm này phải mở toang mọi cánh cửa linh đạo Kitô giáo nói chung, và linh đạo hôn nhân – gia đình nói riêng. Chúng ta được kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa là đấng Thánh, tức là nên một như Thiên Chúa là một trong Tình Yêu. Chúng ta hãy dừng lại ở mầu nhiệm sự thánh thiện này của Chúa vốn khởi xuất từ Chúa Cha và trải rộng trong Ba Ngôi thần linh.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa được Đức Giêsu mô tả như mầu nhiệm hiệp nhất trong Tình Yêu. Thiên Chúa là Thánh vì Ngài là Một (Nhất) và là Ba (Tam), tức Nhất Thể Tam Vị. Thánh Gioan khẳng định lại điều ấy khi nói «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8). Thánh sử khi ấy nghĩ đến tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, nhưng trước hết ngài qui chiếu đến Hữu Thể thần linh Ba Ngôi trong Tình Yêu. Gioan nói đến Chúa Cha (O Theòs) là Đấng đã yêu thương chúng ta trước và đã sai «Người Con Một» (c.9) đến trong thế gian để chúng ta được sống nhờ Người và «đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta» (c.13). Không phải vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên Ngài mới yêu thương chúng ta, nhưng Ngài yêu thương chúng ta trước vì tự thân Ngài là Tình Yêu. Thiên Chúa là Agapè, tự thân Ngài chỉ là sự hiến thân vô cầu, trước khi là ơn huệ này hay ơn huệ kia cho ta. Sự thánh thiện của Ngài là tối thượng, vinh quang của Ngài là cao cả vô cùng vượt quá mọi hiểu biết của chúng ta, vì do chính Hữu Thể Tam (Vị) – Nhất (Thể) của Ngài trong Tình Yêu.
Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, thì sự thánh thiện của Ngài bắt nguồn từ tình yêu vốn được biểu lộ ra theo ba cách khác biệt và có tương quan với nhau như Ba Ngôi. Cách biểu lộ tình yêu của Chúa Cha như là Nguồn mạch trao ban, sinh hạ Chúa Con. Chúa Cha sinh hạ xét vì Ngài là Tình Yêu mà cơ bản là tự hiến thân trọn vẹn. Nhà thần học H. U. von Balthasar nói: «Xem xét nghiêm túc giáo thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo người ta như thấy rằng Ba Ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, nếu muốn giữ vững tính duy nhất của Thiên Chúa, không thể là gì ngoài tình yêu tinh tuyền hay sự khước từ chính mình (Selbstlosigkeit). Chúa Cha từ muôn đời đã trở thành mầu nhiệm tuyệt đỉnh như sau: “Ngôi thứ nhất không sinh hạ theo nghĩa một ngôi vị đã thành rồi mới thêm vào đó hành động sinh hạ một Người Con, mà đúng hơn Ngôi vị ấy là chính hành động sinh hạ, là sự tự hiến thân và tuôn tràn chính mình ra [...]; là hiện thể tính thuần túy”»
[5]. Chúa Cha là sự trao hiến tuyệt đối chính bản thân mình, bản thể ấy là của Ngài chính vì nó được trao ban và được Chúa Con đồng bản thể đón nhận. Sự trao hiến tương ứng này được xác nhận bởi Chúa Thánh Thần Đấng nhiệm xuất từ Tình Yêu tương hỗ đồng bản thể. Còn F. Ulrich thì viết: «Uy quyền của tình yêu tự hiến hiện hữu tự nguyên thủy trong chính Tình yêu: Thiên Chúa tự bản thể là sự sống được cùng chia sẻ; các ngôi vị thần linh trong Ba Ngôi là tương quan, là trao hiến và nhận lại lẫn nhau [...] Bởi thế uy quyền tuyệt đối của Chúa Cha không hoạt động trong thế giới được Ngài tạo thành và giải thoát; [...] uy quyền ấy tự thân đã được củng cố trong Ba Ngôi nội tại»[6] Chúa Cha là Tình Yêu với tư cách là Tặng Phẩm – Nguồn Mạch, là Mầu Nhiệm nguyên thủy và khôn dò. Chúa Con là Tình Yêu xét như là tiếng “Xin Vâng” đáp lời Chúa Cha, trong lòng biết ơn vô hạn và sẵn sàng vâng phục tuyệt đối vì yêu thương như Chúa Cha đã yêu thương. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu trong tư cách như là hoa quả của sự hòa hợp vĩnh cửu ấy, là trái chín xum xuê, là niềm vui vô biên và được chia sẻ hiện thân trong một Ngôi vị. Thánh Thần được gọi là Thánh chính vì Ngài chứng thực sự thánh thiện của Thiên Chúa, qua việc bản thân tôn phong Ba Ngôi Tình Yêu. Khi Hội thánh ca tụng Thánh, Thánh, Thánh trong phụng vụ, là Hội thánh kết hợp trong nét khác biệt sự thánh thiện của Thiên Chúa liên hệ đến Ba Ngôi. Thiên Chúa là Thánh xét như là Cha, Con và Thánh Thần. Phẩm tính siêu việt của Thiên Chúa, vinh quang bao la của Ngài, sự thánh thiện của Ngài là Tình Yêu. Chúa Cha là nguồn mạch vô biên của Tình Yêu, mầu nhiệm tuyệt đỉnh từ đó Tình Yêu trong Ba Ngôi duy nhất tuôn trào và quay về.
Từ nguyên mẫu đó của Tình Yêu Ba Ngôi phát sinh ra toàn thể thực tại tạo thành, và đặc biệt, là con người tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa, người nam cũng như người nữ[7] Chiều kích nội tại của sự trao hiến thân xác-ngôi vị sau đó được phong phú thêm bởi hồng ân bí tích, nó đem sự kết hợp tự nhiên giữa đàn ông với đàn bà vào trong mối tương quan Chúa Kitô-Hội thánh. Nếu ân sủng của phép Rửa (là cho làm con Chúa) đưa người Kitô hữu vào trong tương quan Ba Ngôi giữa Chúa Con – Chúa Cha, thì ân sủng của bí tích hôn nhân trao ban cho đôi vợ chồng ơn được tham dự cách mới mẻ vào sự hiệp thông giữa các Ngôi vị thần linh. Được Chúa Cha sai đến, Đức Kitô vị Hôn Phu «đến gặp gỡ đôi vợ chồng» và «ở lại với họ» trong cuộc sống hằng ngày để chúc phúc, cứu chuộc và thánh hóa tình yêu của họ. Chúa Con mang theo Thánh Thần Tình Yêu là Đấng nhận lấy tình yêu vợ chồng đích thực đưa vào tình yêu Thiên Chúa, để biến nó thành một diễn tả ưu việt sự phong nhiêu của Chúa Cha bên trong Giao ước của Đức Kitô Hôn Phu với Hội thánh Hôn thê.
3. Một sự thánh thiện dưới khía cạnh phong nhiêu
Nói về sự thánh thiện trong bậc hôn nhân – gia đình theo khía cạnh phong nhiêu (tức sự sống sinh sôi nảy nở) có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi lẽ thường người ta mong đợi đề cao chiều kích hiệp thông giữa các ngôi vị hoặc chiều kích sứ vụ của Hội thánh. Ở đây ta muốn kiến tạo sự thánh thiện của người làm cha mẹ xoay quanh phạm trù phong nhiêu. Công đồng Vatican II không chỉ muốn dừng lại ở chỗ xem sinh sản là mục đích hàng đầu của hôn nhân nhưng mong đợi một xây dựng tình yêu liên vị sâu sắc hơn trong thần học về hôn nhân[9] Ta thấy sự thánh thiện cũng là phong nhiêu ngay trong lôgic nội tại của mầu nhiệm Ba Ngôi. Cha là sự trao hiến phong nhiêu sinh hạ ra Con. Con cũng phong nhiêu cùng với Cha nhiệm xuất ra Thánh Thần như hoa trái của Tình Yêu Thương lẫn nhau. Phần mình, Thánh Thần không là nguồn gốc cho một Ngôi vị nào khác, nhưng bản thân mình, một Tặng Phẩm-Ngôi vị, là dấu ấn của sự hiệp nhất của Cha và Con. Đời sống Ba Ngôi là Hiệp thông trong sự phong nhiêu. Một cách tương tự, các mối quan hệ hôn nhân và gia đình sống trong đức tin thì phong nhiêu trong Thiên Chúa, với Thiên Chúa và đó là sự phong nhiêu thuộc về Thiên Chúa. Việc người nam và người nữ trao hiến cho nhau trong đức tin sinh hạ trước hết chính đôi vợ chồng xét như là một đôi và đây đã là một “kẻ thứ ba” so với hai cá thể kia đã tạo nên nó. Kẻ thứ ba này là một tặng phẩm của ân sủng, là sự hiện diện của Thánh Thần giữa đôi bạn thông ban cho họ một sự hiệp nhất mới, không chỉ có tính con người nhưng còn là thần linh (ba ngôi). Trên cơ sở ân sủng được Chúa Cha ban cho đó, các người cha và người mẹ mới xây dựng những mối tương quan yêu thương thánh thiện và phong nhiêu theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Trong viễn tượng ấy, không ai cấm chúng ta nghĩ những người cha những người mẹ trên thế gian này được liên kết mật thiết với mầu nhiệm Cha trên trời. Mối liên kết này không có được bởi một tiếp nối tự nhiên giữa tình phụ tử thần linh và tình phụ tử (và mẫu tử) nhân loại. Ở đây có một khoảng cách vô hạn giữa Tạo Hóa và thụ tạo. Thật vậy, tình phụ tử nơi loài người không tự mình có riêng một nội dung nào ngoài “tặng phẩm” của Cha trên trời, Đấng tạo dựng con người theo hình ảnh mình để rồi thông truyền cho họ tình phụ tử của Ngài. Chúa Cha yêu thương con người tự do do Ngài tạo dựng và ban tặng cho con người tất cả bản thân Ngài. Bởi thế, con người, nam cũng như nữ, được kêu gọi mở lòng ra với Chúa Cha để đón nhận các ân huệ thiêng liêng và thể xác mà chỉ mình Ngài mới có thể tạo thành. Eva đã thốt lên thuở ban đầu : «Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một con người» (St 4,1). Thế nhưng Tặng phẩm tuyệt nhất của Chúa Cha chính là Người Con một của mình, Người đã nâng tương quan phụ tử-mẫu tử của loài người lên hàng phẩm giá của những kẻ được tham dự vào mầu nhiệm phụ tử thần linh của Ngài. Khi những người cha mẹ Kitô hữu đón nhận một đứa con từ Đấng Tạo Hóa, họ nghĩ ngay đến cho con lãnh nhận phép Rửa tội, để bé được bước ngay vào mối quan hệ thâm giao trực tiếp với Cha của Đức Kitô. Khi ấy, tình phụ tử-mẫu tử của họ chạm tới một chiều kích bí tích đối với sinh linh bé bỏng vừa được trao phó cho họ chăm sóc.
Tình phụ tử thiêng liêng này đòi hỏi đôi vợ chồng phải có một đời sống đức tin vâng phục trong yêu thương Chúa Kitô, Đấng đã chết và phục sinh. Quả thật, tình phụ tử thiêng liêng của đôi vợ chồng Kitô hữu tuôn trào từ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, Đấng mạc khải vinh quang của Chúa Cha. Bởi thế, họ phải đặt tình yêu đối với Cha lên trên tất cả mọi tình yêu khác, dù là tình yêu cha mẹ, tình yêu vợ chồng hay tình yêu đối với con cái. Trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa được hoàn thành bởi Đức Kitô, tình phụ tử thiêng liêng là nguồn gốc và là nền tảng của sự phong nhiêu thể lí, đây vốn lại là bí tích của tình phụ tử thiêng liêng kia. Nhưng rủi thay, tội nguyên tổ đã làm đứt đoạn sự thông truyền sự sống con người và việc thông ban ân sủng. Phép Rửa tội và đức tin tái lập tình bằng hữu với Thiên Chúa nhưng không khôi phục sự nhất thống hoàn toàn giữa sự phong nhiêu thể lí và phong nhiêu thiêng liêng. Bởi thế, những người cha và người mẹ Kitô hữu không thể thông truyền trực tiếp cho con mình ơn được làm nghĩa tử cùng với hồng ân sự sống. Họ phải cầu xin Chúa Kitô điều đó, và Người đã để lại bí tích Rửa tội, là bí tích của phận làm con Cha trên trời của Người. Sự kết giao thân tình của những người cha và người mẹ với Cha trên trời, vì thế, phải nhờ đến Đức Kitô, qua phép Rửa và Thánh Thể Người nối kết tương quan phụ tử và mẫu tử của họ với sự phong nhiêu của hy tế Vượt Qua của Người.
II. THĂNG TIẾN NHÂN VỊ TRONG CỘNG ĐOÀN SỰ SỐNG VÀ TÌNH YÊU
1. Hồng ân Thánh Thần, nguồn mạch của xây dựng nhân vị
Với những gì chúng ta đã triển khai về tính phong nhiêu của Ba Ngôi thần linh, giờ đây chúng ta có thể đào sâu việc phát triển nhân vị với ý thức rằng «nguyên mẫu của gia đình phải được tìm kiếm trong chính Thiên Chúa, trong mầu nhiệm sự sống của Ba Ngôi. Cái “Chúng ta” thần linh là nguyên mẫu đời đời cho cái “chúng ta” phàm nhân, cho cái “chúng ta” trước hết hình thành từ người nam và người nữ, vốn được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa»[11]. Cái “Chúng ta” đời đời sống bởi các Ngôi vị thần linh trao hiến cho nhau đặc trưng bởi một Tình yêu vô cầu, tương hỗ, phong nhiêu, hiệp nhất. «Còn gia đình là một cộng đoàn các ngôi vị, với lối sống riêng là sự chung sống hiệp thông giữa các ngôi vị (communio personarum)»[12]. Thế nhưng, sự sống vĩnh cửu của Tình Yêu được đổ tràn vào lòng con người các tín hữu bởi Chúa Thánh Thần, Đấng vốn là Tặng Phẩm của mọi tặng phẩm, là ấn dấu của sự hiệp nhất trong Thiên Chúa, là nguồn mạch tối hậu của sự hiệp thông và xây dựng các ngôi vị. «Thánh Thần được đổ tràn xuống khi cử hành bí tích, đã ban tặng cho đôi vợ chồng Kitô hữu một ơn hiệp thông mới, hiệp thông trong tình yêu, đó vốn là hình ảnh thực và sống động của sự hiệp nhất hết sức độc đáo, làm cho Hội thánh trở thành Nhiệm Thể bất khả phân li của Chúa Giêsu» (FC 19). Hồng ân Thánh Thần đó, mang nét riêng của Ngôi Ba Thiên Chúa, là ấn dấu của Tình Yêu, là sự thân mật sâu thẳm nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, đồng thời lại là một Ngôi vị khác, rất riêng với cách thức yêu thương của mình.
Đôi vợ chồng phản chiếu mầu nhiệm ấy vì rằng họ được kết hợp cách bất khả phân li bởi dây liên kết hôn nhân, đồng thời trở thành một đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống đang luân lưu giữa họ như năng lượng được truyền lưu trên những dây cáp vô hình với các sóng điện từ. Đối thoại vợ chồng được kiện cường bởi một “kẻ thứ ba”, vô hình nhưng hết sức cụ thể, Ngài khuấy động lên tự bên trong mối hiệp thông giữa họ. Nhân vật thứ ba này không xa lạ với tình yêu của đôi bạn, mà đúng hơn Ngài là mạch nguồn sâu thẳm và kín ẩn của tình yêu ấy, và giữ cho niềm hy vọng yêu thương mãi mãi sống. Thánh Thần được tuôn tràn vào đời sống hôn nhân là khởi đầu cho một tiến trình tình yêu (nguồn gốc từ Ba Ngôi) hướng về cõi sâu thẳm của Thiên Chúa Cha.
2. Những dạng biến hóa khác nhau của một Giao ước vô điều kiện
Đôi vợ chồng Kitô hữu được sinh hạ từ bí tích của đôi Hôn Phu-Hôn Thê là Chúa Kitô-Hội Thánh như một em bé chào đời, cần được tập đi tập đứng và tăng trưởng trước khi đạt tới mức trưởng thành để rồi dấn thân vào cuộc sống làm cha làm mẹ đầy mạo hiểm. Bởi thế, Chúa Thánh Thần tập qui ân sủng ban đầu của hôn nhân vào mối hiệp thông giữa hai người, “tôi” và “em”, để hai người tìm thấy lại chính mình bên ngoài bản thân nơi tha nhân kia, là kẻ sẽ từ nay cùng với mình tạo lập một cuộc đời, một con người mới: duy nhất nhưng mới mẻ. Ađam, Eva khi cả hai ước muốn nên một thì lại khám phá mình nơi một đệ tam nhân. Họ không còn là hai nữa mà đã trở thành một cộng đoàn có Chúa hiện diện. Chúa Kitô ở lại với họ. Như thế, đôi bạn được thánh hiến cho Chúa Kitô, bước vào đời sống của Chúa Con, theo một cung cách mới, đúng theo cách thức của tình yêu hôn phối Người dành cho Hội thánh, đồng thời nỗ lực thực thi trong Người và với Người toàn thể thánh ý của Chúa Cha về tình yêu và cuộc sống của họ.
Thế nên có một giai đoạn tăng trưởng trong đời sống của đôi vợ chồng, có thể sánh với thời kì khởi đầu của đời sống công khai của Chúa Giêsu khi Người chịu Phép Rửa và rồi được đưa vào hoang mạc cô tịch để suy niệm về sứ vụ được Chúa Cha giao phó. Đôi vợ chồng mới cưới cần có sự thân mật và chốn riêng tư để học sống cùng nhau, học biết chia sẻ với nhau mọi sự, học đối thoại với nhau thường xuyên để hiểu thấu cách sống của người kia, để chấp nhận người ấy đúng với con người thật của người ấy, chứ không chỉ đón nhận con người như mình đã mơ tưởng. Dung mạo đầu tiên của đôi vợ chồng đặc trưng bởi giai đoạn chuyển tiếp từ sự phải lòng nhau đến yêu thương đích thật con người của nhau. Sự phải lòng luôn luôn đi theo mình là những ảo tưởng, là sự phóng chiếu bản thân cái tôi của mình ra. Không loại trừ những ích kỉ kín đáo chỉ lộ hiện vào những hoàn cảnh thích hợp. Trái lại, tình yêu thì đón nhận con người thật như thực tế của tha nhân, chứ không chỉ con người lí tưởng mà mình hoài bão. Bước chuyển tiếp từ ái tình hay sự phải lòng nhau sang tình yêu đích thực được Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Ngài là Đấng trợ giúp con người sống hiến dâng và trung tín với nhau, đang khi ta biết rằng ước vọng của con người lại thường rất khác biệt và đôi khi gây thất vọng cho nhau. Thánh Thần giúp ta chuyển từ một tình yêu vị kỉ sang vị tha, yêu thương tha nhân vì chính bản thân người ấy. Ngài thúc đẩy tiến trình tăng trưởng đó bằng việc gìn giữ đôi vợ chồng mới, đang sống giữa những cám dỗ khêu gợi của Ma Quỉ, luôn biết vâng lời Chúa Giêsu.
Dung mạo biến đổi thứ hai của giao ước vợ chồng được Familiaris Consortio mô tả như sau: «tình yêu vợ chồng đạt tới mức viên mãn của nó vốn đã được sắp định tự bên trong tức là đức ái hôn nhân. Đó là cách thức riêng và đặc biệt của đôi vợ chồng để họ tham dự và được kêu gọi sống chính đức ái của Chúa Kitô Đấng hiến thân trên Thập giá» (FC 13). Chúa Thánh Thần Đấng thánh hóa dần dần chụp lấy tình yêu vợ chồng và biến đổi nó từng ngày để nên giống với nguyên mẫu, tức là Tình yêu hôn phối của Chúa Kitô dành cho Hội thánh. Như thế, Ngài thúc đẩy đôi bạn đón nhận cách trọn vẹn hơn tình yêu vừa thần linh vừa nhân loại ấy, là nền tảng cho sự kết hợp của họ. Tình yêu của Chúa Kitô từng chút một trở thành “mô thức” của tình yêu của đôi vợ chồng, với những đặc trưng như sự vô cầu (cho không vô điều kiện) thuần khiết nhất, trung tín trải nghiệm, và trường cửu. Thánh Thần dạy biết yêu thương tha nhân như một ngôi vị “vì chính người ấy”, nhưng luôn yêu mến hơn nữa trong Đức Kitô và vì Đức Kitô. Chuyển tiếp từ tình yêu sang đức ái đối thần giả thiết ta phải có một đời sống cầu nguyện, vâng phục Đức Kitô triệt để, từ bỏ chính mình, kiên nhẫn lắng nghe tha nhân, sẵn sáng bắt đầu lại sau những khó khăn thử thách.
Dung mạo biến đổi thứ ba của tình yêu này xuất phát từ tặng phẩm sự sống là con cái. Đôi vợ chồng mà chân thành trao hiến tự bên trong sẽ dẫn đến chỗ họ vượt lên trên bản ngã mình để phục vụ sự sống của con cái họ, một cuộc sống vừa thiêng liêng vừa nhân loại. Trong khi đôi vợ chồng dâng hiến cho nhau hoàn toàn trong sự kính trọng, «họ trở thành người cộng sự với Thiên Chúa», «ngoài chính bản thân mình, họ cho chào đời đứa con, một phản chiếu sống động tình yêu của họ, một dấu chỉ thường trực của sự kết hợp hôn nhân, và là một tổng hợp sống động và bất khả phân li của tình mẫu tử và phụ tử của họ» (FC 14). Sự phong nhiêu thiêng liêng và thể lí này trong tình yêu hàm chứa một đòi hỏi là người làm cha mẹ phải có trách nhiệm, nghĩa là đòi hỏi của bổn phận giáo dục con cái[13]. Khi một đứa con chào đời, tình yêu trao và nhận giữa hai vợ chồng đã thành cha và mẹ cũng mang một nét năng động bí tích mới. Tình yêu của họ trở thành tình yêu mang tính phụ tử và mẫu tử theo hình ảnh của Cha trên trời, tình yêu nhân lành ấy phải tỏa lan trên con cái họ. Chiều kích mới này của tình yêu giúp họ khám phá sâu sắc mầu nhiệm Chúa Cha và sứ vụ được giao phó cho tình yêu của họ. Bởi đó, những người cha và những người mẹ Kitô hữu được Thánh Thần ban cho một ý thức mới về «sứ vụ bảo vệ, mạc khải và thông truyền Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người, để tình yêu họ phản chiếu sống động và trung thực Tình Yêu ấy và tham dự vào Tình Yếu ấy» (FC 17). 3. Kinh nghiệm tăng trưởng thiêng liêng trong tình phụ tử và mẫu tử
Tiến trình mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy đôi bạn tín hữu như thế đạt tới kinh nghiệm trong chừng mực nào đó tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, nhờ kinh nghiệm làm cha mẹ thiêng liêng bởi đức tin vào Chúa Kitô và nhờ kinh nghiệm làm cha mẹ thể lí qua phúc lành sinh hạ con cái. Đôi vợ chồng Kitô hữu được hiến thánh cho Thiên Chúa trong đức tin được mời gọi hội nhập tương quan phụ tử thể lí của họ ngày càng sâu hơn nữa vào trong tình phụ tử và mẫu tử thiêng liêng. Qua cuộc sống chung và giáo dục trong đức tin, họ chia sẻ cho con cái không chỉ những giá trị nhân văn của dân tộc và văn hóa, mà đặc biệt là các kho tàng đức tin. Bởi thế, họ mang con của họ đến giếng Rửa tội, bởi vì tự nó đứa con của một cuộc hôn nhân bí tích có quyền được rửa tội. Đứa con ấy đã được Chúa Cha trao ban cho đôi bạn để rồi họ trao nó lại cho Chúa Con trong đức tin. Vì con cái của họ thuộc về Chúa Kitô, cha mẹ phải học để nhìn thấy Chúa Kitô trong chúng và phục vụ để Chúa Kitô được lớn lên trong chúng. Đang khi họ lớn lên trong Tình Yêu của Chúa Kitô đang hiện diện trong con cái họ, những người cha những người mẹ như thế tỏ hiện ngày một trong suốt hơn Tình Yêu của Chúa Cha nhờ Con của Ngài.
Sự trưởng thành của con cái cùng những khó khăn của chúng trong cuộc sống được phản hồi trực tiếp trên sự tăng trưởng thiêng liêng của kẻ làm cha làm mẹ. Cha mẹ có nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất của gia đình thì mới tạo nên bầu khí cho con cái trưởng thành nhân bản, và đặc biệt cho kinh nghiệm đức tin của chúng. Quả thật, kinh nghiệm về một gia đình hiệp nhất cho thấy sự gia tăng của niềm vui và lòng tri ân đối với Chúa Cha khi dâng Lễ Tạ Ơn. Đời sống của con cái, sự phát triển của chúng và những chọn lựa của chúng thường dẫn đưa cha mẹ chúng trở về với Thiên Chúa là Cha, trong nguyện cầu, ca tụng, khấn xin và tạ ơn vì những hồng ân sự sống phong nhiêu, bất ngờ và không đong đếm được.
Theo dòng thời gian của cuộc sống gia đình trong đức tin, cha mẹ bận tâm đến những điều mỗi ngày một cốt yếu hơn. Họ ngày càng tránh can thiệp trực tiếp vào những quyết định của con cái đã trưởng thành, càng gia tăng cầu nguyện và hy sinh nhiều hơn, và đối thoại trong tôn trọng sự độc lập, hầu đỡ nâng những đứa yếu đuối, động viên những đứa gặp thử thách, cứu vớt những đứa đang sa ngã trong lầm lỡ. Những người cha người mẹ như thế đạt được một mức nội tâm sâu sắc nhất, hiệp nhất trong Thánh Thần, là Đấng mở rộng hoa trái hiệp thông của họ không những cho con cái họ, mà còn cho cộng đoàn Kitô hữu, và cho toàn thể Hội thánh. Khi ấy, tình phụ tử và mẫu tử của họ đạt tới sự trưởng thành tâm linh hơn trong sự phục vụ Chúa Kitô và Hội thánh.
Ngày nay, có một số trường hợp khá phổ biến, con cái càng lớn cha mẹ càng mang vác Thập giá nặng nề, chúng càng khiến cho cha mẹ thêm thất vọng, tạo nên những bi kịch bất công. Rất nhiều cha mẹ buộc phải im tiếng, phải tôn trọng sự tự do của người khác, phải chấp nhận niềm tủi nhục vì con cái đi ngược lại các giá trị truyền thống của gia đình. Đây chính là mầu nhiệm Thập giá, tự hủy (kenosis) mình ra không của Con Thiên Chúa trong sự hoàn toàn phó thác, lộ ra thấp thoáng trong trái tim bị đâm thâu của Người Tình yêu thương tích của Chúa Cha. Theo hình ảnh đó, những người cha người mẹ trần gian đau khổ nhiều vì những đứa con tội lỗi hư đốn gây ra bao nhiêu là vấn đề. Dẫu can dự sâu nặng vào những bi kịch của con, nhưng cha mẹ phải để cho chúng tự do chọn lựa và đau khổ chịu đựng những hậu quả do tội lỗi chúng gây ra. Bấy giờ, hình ảnh Đức Maria dưới chân Thánh Giá trở thành điểm tựa, mẫu gương cho mọi người cha người mẹ sống tình phụ tử thiêng liêng trong Hội thánh tại gia. Tiếng “xin vâng” của Mẹ khi Chúa nhập thể trở thành lời “xin vâng” đối với mầu nhiệm tử nạn của Người Con mẹ, cũng là Con Thiên Chúa. Kết quả của tiếng “xin vâng” này là một người con mới, người môn đệ Chúa yêu (Ga 19,26) đại diện cho toàn thể nhân loại. Thế đó, chính dưới bóng của Thập giá ấy, những người cha người mẹ Kitô hữu học biết được Thập giá phong nhiêu, đó cũng là lựa chọn của những người độc thân trinh khiết tận hiến vì Nước Trời.
III. THÁNH GIA, MẪU GƯƠNG SẴN SÀNG PHỤC VỤ SỰ PHONG NHIÊU CỦACHA TRÊN TRỜI
Sự thánh thiện của những người làm cha làm mẹ không giới hạn chỉ trong vòng khép kín của gia đình, nơi ân sủng Chúa thanh luyện, thánh hóa và làm cho tình yêu của họ nên phong nhiêu. Khi kết hợp với Chúa Cha trên trời trong sự vâng phục Chúa Kitô, Hôn Phu của Hội thánh đôi bạn và gia đình vươn mình ra khỏi biên giới nhỏ bé của mình để chiếu tỏa ánh sáng Tin mừng lên Giáo hội và xã hội. Để phục vụ cho việc khuếch trương sự phong nhiêu này đôi vợ chồng được trợ lực mạnh mẽ bằng lời cầu khẩn và sự chiêm ngắm Gia đình Thánh, mẫu gương duy nhất và là nguyên mẫu cho các gia đình.
1. Mẫu gương Thánh Gia
Còn hơn là một mẫu gương, Thánh Gia là Hội thánh tại gia nguyên thủy[14].Trước hết, Đức Maria và thánh Giuse đã sống một cuộc hôn nhân đích thực là nền tảng mở ra cho gia đình và thực hiện theo luật Môsê. Thánh Augustinô bảo vệ cuộc hôn nhân của Maria và Giuse là một hôn phối thực sự rất nhân bản. Mặc dù các đấng sống trinh khiết, nhưng không thiếu một đòi hỏi nào để tạo nên một cuộc hôn nhân đích thực. «Mọi thiện hảo của một hôn phối thực sự đều có nơi cha mẹ của Đức Kitô: con cái, sự trung tín, bí tích. Con cái (proles) là chính Chúa Giêsu; sự trung tín (fides) vì không hề có ngoại tình; bí tích (sacramentum) vì không hề có li dị»[15]. Đức Maria và thánh Giuse, đã nói tiếng «xin vâng» với Thiên Chúa trong đức tin để tận hiến hoàn toàn phụng sự thánh ý Thiên Chúa. Sự ưng thuận các ngài trao đổi cho nhau đã được Thiên Chúa chúc lành vượt quá mọi dự kiến. Đối với Đức Maria, tiếng xin vâng ban đầu bày tỏ ưng thuận cuộc hôn phối đã được nâng tới cực điểm của ân sủng biến cố Truyền Tin, xác định sứ vụ làm mẹ của Con Thiên Chúa. Đối với thánh Giuse, sự ưng thuận hôn phối đã được ghi dấu bởi lời ưng thuận của Đức Maria bởi đó ngài đã phải thích nghi các dự phóng và trách nhiệm của mình. Cả hai đấng, trước mặt Chúa, đã bày tỏ sự ưng thuận đối với ơn gọi hôn nhân thật huyền nhiệm của họ. Thế nhưng, lời tỏ bày ưng thuận của thánh Giuse phụ thuộc vào Đức Maria, thánh nhân bằng lòng đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa về Mẹ và gia đình của các ngài. Như thế, thánh Giuse chấp nhận ơn sống quan hệ đồng trinh. Phải từ khước sự phong nhiêu thể lí (nghĩa là không làm cha đẻ), ngài đã nhận thêm sức mạnh để thể hiện dung mạo người cha bằng trách vụ làm cha nuôi của Chúa Giêsu[16]. Đức Maria và thánh Giuse kết hợp với nhau không chỉ bởi mối dây tình cảm của con người và theo Lề Luật Môsê, nhưng nhất là bởi tặng phẩm thần linh, là Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa đã chọn các ngài để trao phó Người Con Duy Nhất nhập thể làm người của mình, để rồi các ngài trao ban Người lại cho thế giới. Trong cuộc sống thường nhật của gia đình, đức Maria và thánh Giuse được kết hợp với Chúa Cha trên trời trong mối quan hệ vừa nhân bản vừa thiêng linh với Chúa Giêsu. Bởi lẽ, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu vừa là Người thật vừa là Thiên Chúa thật đã hiệp nhất nơi ngã vị mình Ba Ngôi thần linh với ba ngôi thế trần đến muôn đời. Xuyên qua kinh nghiệm sống rất đơn sơ khi làm việc, cầu nguyện, chuyện vãn, đức Maria và thánh Giuse kết hợp với Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, các đấng đã góp phần vào giáo dục, nhờ ơn làm cha làm mẹ khiết trinh.
2. Phụ tính và mẫu tính bí tích
Thánh Gia dẫu được ưu tuyển nhưng không sống điều ấy như một đặc ân dành cho riêng mình, mà như là sứ mệnh thiêng liêng phục vụ cho ơn cứu độ thế giới. Chúng ta cần nêu bật chiều kích bí tích của các tương quan giữa các thành viên trong Gia đình Thánh. Thiên Chúa hiến mình cho nhân loại trong Chúa Giêsu Kitô. Điều đó được hiện thực nhờ trung gian đích thật của đức Maria làm mẹ, cũng như của thánh Giuse làm cha. Việc làm mẹ hay mẫu tính của đức Maria là hiển nhiên. Ở đây, chúng ta suy nghĩ một chút về phụ tính hay vai trò làm cha của thánh Giuse[17]. Theo đức Gioan-Phaolô II, chúng ta thấy rằng : «Được dìm trực tiếp vào mầu nhiệm Nhập thể, bản thân Thánh Gia Nadaret cũng là một mầu nhiệm đặc biệt. Và, cũng như mầu nhiệm Nhập thể, sự kiện ngài (thánh Giuse) làm cha thật cũng thuộc về mầu nhiệm này. Mô thức phàm nhân của gia đình Con Thiên Chúa, một gia đình đích thật là người, được hình thành nên (mô hiệp) bởi mầu nhiệm Thiên Chúa. Trong gia đình ấy thánh Giuse là người cha. Sự kiện làm cha ấy không do việc ngài sinh con, nhưng không vì thế mà phụ tính của ngài chỉ như là “bề ngoài”, hoặc “thay thế”, mà là một phụ tính nhân bản đích thật và trọn vẹn, nhờ sứ mệnh làm cha trong gia đình»[18]. Sự thật ấy là một hệ luận của mầu nhiệm ngôi hiệp. Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa khi nhận lấy nhân tính, cũng đảm lấy các mối tương quan căn bản làm người, đó là tương quan với Mẹ của Người và cả tương quan (dẫu không sánh bằng) với cha nuôi của Người. Bởi thế, «phụ tính của thánh Giuse cũng được gồm thâu. Trên cơ sở của nguyên tắc đó những lời sau đây mới có được ý nghĩa đúng đắn: “Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con”, những lời Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu năm mười hai tuổi trong đền thờ»[19]. Thánh Giuse có một liên hệ cá biệt với Chúa Cha trên trời, bởi Ngài đã chọn thánh nhân làm dung mạo người cha trong tiến trình thành nhân cho trẻ Giêsu Con Cha làm người. Thánh Giuse là người, và với một cách thức như thế nào đó, Thiên Chúa là Cha đã chia sẻ cho thánh nhân phụ tính thần linh của Ngài. Giữa người Cha trên trời và người cha trần thế đó có một cái gì đó như thể là giao ước riêng liên hệ tới tình phụ tử, trong đó Giuse có phần còn lớn hơn cả Abraham. Chúng ta có thể nói phụ tính nhân loại của thánh Giuse đối với Chúa Giêsu là bí tích của Phụ tính vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô. Cùng với trách nhiệm làm cha, Thiên Chúa còn ban cho thánh Giuse một tình yêu phụ tử tương ứng, tham dự vào nguồn mạch Tình yêu Phụ tử là chính Chúa Cha. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi “phục vụ trực tiếp” chính bản thân và sứ vụ của Chúa Giêsu qua thực thi vai trò làm cha. Chính bằng cách thức đó, khi thời viên mãn đến ngài cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ cao cả và ngài thật sự là một “thừa tác viên ơn cứu độ”[20]. Chúa Cha đã ban con trẻ Giêsu cho Thánh Gia Nadaret như một giai đoạn của tặng phẩm Ngài ban cho Hội thánh và cho toàn thể nhân loại. Ngài còn tiếp tục ban trẻ này cho các gia đình Kitô hữu, đặc biệt qua bí tích Rửa tội, là dịp sinh hạ Con của Ngài trong các thành viên của Nhiệm Thể Người. Bởi thế, Chúa Giêsu sống ở trong họ và Người phải lớn lên trong họ nhờ cha mẹ trong gia đình giúp đỡ cho đến khi đạt đến sự trưởng thành của một con người hoàn thiện. Những gì thánh Giuse và đức Maria đã sống vì thế cần được kéo dài trong các gia đình, là Hội thánh tại gia. Những quan hệ hằng ngày của cha mẹ với con cái ẩn chứa một “mầu nhiệm cao cả”, đó là mầu nhiệm làm cha làm mẹ thiêng liêng đối với những đứa con của mình, những đứa con mà họ đón nhận từ Thiên Chúa Cha, chúng như anh chị em của Người Con Duy Nhất của Ngài. Trong mỗi người con ấy Chúa Cha trên trời nhìn thấy Người Con Duy Nhất của mình và yêu cầu cha mẹ tỏ lộ một tình yêu bí tích mang bộ mặt nhân loại của Ngài đối với Người Con ấy đang ở trong chúng. Từ đó, những đứa con của họ có thể cảm nhận được, qua tình yêu rất nhân loại của cha và của mẹ chúng, tiếng đập của con tim của Người Cha vĩnh cửu. Chúng thức tỉnh như thế đó trước mầu nhiệm Chúa Con đang lớn lên trong chúng và học biết nhận ra “quà tặng của Thiên Chúa” trong trái tim của bố và mẹ mình, hiện thân của Trái Tim Cha vĩnh cửu.
3. Mầu nhiệm của sự phong nhiêu Kitô giáo
Hỡi các cha mẹ, hãy nên trọn lành như Cha của các người là Đấng Trọn Lành! Chúng ta đã xem xét sự thánh thiện trong hôn nhân kitô giáo như là một sự tham dự thật sự vào sự phong nhiêu của chính Thiên Chúa trong Đức Kitô. Việc tham dự ấy không phải bởi hai cá nhân riêng biệt, nhưng bởi một cộng đoàn mới được hình thành do sự thánh hiến dây liên hệ vợ chồng, bởi một cặp “tôi và em” đã trở thành một “chúng ta” vừa là chủ thể vừa là khách thể. Cái “chúng ta trong tình yêu” này được thiết lập từ đó trên nền tảng của đức tin tức ân sủng. Cả đôi vợ chồng tín thác trong bàn tay Thiên Chúa qua tiếng “xin vâng” của lời ưng thuận, và chính từ đó sự phong nhiêu tự nhiên và siêu nhiên của hôn nhân trong Chúa Kitô hiển lộ huyền nhiệm của nó. Hôn nhân có phong nhiêu đặc biệt là bởi tình yêu vợ chồng đã được thánh hóa, điều ấy vốn giúp đôi bạn mở lòng ra hoàn toàn không chút e dè trong đức tin đối với sự phong nhiêu Thiên Chúa muốn ban cho họ. Ân sủng của bí tích hôn nhân trước hết hẳn là đã thánh hóa cuộc sống đôi vợ chồng, hiểu theo nghĩa, tất cả những gì người này có là cho người kia và bởi thế mà phong nhiêu. Bởi đức tin, tình yêu và những hi sinh của một người luôn thánh hóa cả hai. Sự thánh hóa ấy, vốn phát xuất từ lời ưng thuận công bố (là tiếng ‘xin vâng’) thuở ban đầu của đôi vợ chồng, cũng bao hàm sự ưng thuận đón nhận con cái , không như kết quả ngẫu nhiên của cuộc tình hai người, mà như là một hồng ân vì tình yêu của họ đã được thánh hiến cho Thiên Chúa trong đức tin. Bởi thế, tình yêu và hoa quả của tình yêu, dù là thiêng liêng hay thể lí, là những hồng ân của Chúa phải lãnh nhận trong niềm hân hoan và tri ân.
Tình yêu đôi vợ chồng dành cho nhau trong Chúa, một đàng, thật lớn lao đến nỗi chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy, và đàng khác, được trao ban như ân sủng chất chứa lời hứa phong nhiêu, một lời hứa hẹn vẫn trọn vẹn nằm trong tay Thiên Chúa đôi vợ chồng không nắm được sở hữu. Thế nên, bởi cái lôgich của sự trao tặng, đôi vợ chồng phải có thái độ mở ngỏ sẵn sàng đối với sự sống Chúa có thể trao ban mà không “tính toán” hơn thiệt. Sự tính toán loại trừ có con cách tiên thiên (ngừa thai) hoặc yêu sách có con đòi hỏi như một quyền lợi (thụ tinh nhân tạo), không có ý nghĩa gì cả đối với các đôi vợ chồng Kitô hữu sống trong ân sủng. «Đứa con là biểu hiện của sự tự do của mọi thực tại phong nhiêu, và do đó, là hình ảnh của Chúa Thánh Thần»[21]. Bởi thế, việc thực hiện lời hứa phong nhiêu hàm ẩn trong tình yêu của vợ chồng là thuộc về Thiên Chúa và tự do của ân sủng Người. «Mọi cuộc hôn phối Kitô hữu đều được Thiên Chúa chúc lành và phong nhiêu trong Người hoặc với phúc lành con cái, hoặc với phúc lành hy sinh. Nếu Thiên Chúa chọn khả năng thứ hai, thì sự phong nhiêu của hôn nhân sẽ khuếch trương và tăng trưởng một cách thiêng liêng và vô hình hơn trong cộng đoàn»[22]. Khi ấy, sự phong nhiêu của vợ chồng, vì trải qua con đường hy tế, nên giống với sự phong nhiêu siêu nhiên của bậc sống đồng trinh. Trong đức tin, việc hiến thánh tình yêu vợ chồng cho Chúa Kitô đưa họ tham dự vào sự phong nhiêu của hy tế Thập Giá, vốn là nguồn mạch và là nguyên mẫu của mọi sự phong nhiêu, là mô thức trực tiếp của sự phong nhiêu của bậc độc thân trinh khiết và là mô thức gián tiếp của sự phong nhiêu hôn nhân. Balthasar nói rằng: «Tận hiến cho sự sống và sự chết như thế, cách nào đó, là mô thức của một lời khấn vĩnh viễn không thể xóa bỏ, ẩn chứa trong mọi thứ tình yêu; là một hành động dứt khoát tương đương với việc “mất linh hồn mình” thực sự (Mt 16,25). Và chỉ vì linh hồn đã hiến dâng quyền lợi là mạng sống mình, thì quyền trên thân xác mình cũng có thể được hi sinh. “Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ” (1Cr 7,4)»[23]. Bởi sự hiến dâng lớn lao này mà đôi bạn trở nên «những người hợp tác với Thiên Chúa phục vụ hồng ân sự sống sinh hạ một nhân vị mới» (FC 14). Đứa con không đơn giản chỉ là kết quả của tình yêu “tự nhiên” của họ nhưng là hoa trái của việc đôi bạn tận hiến cho Chúa trong đức tin, vì Thiên Chúa chúc lành cho mọi sự tận hiến bằng một tặng phẩm là con cái hay là sự sống siêu nhiên.
Tông huấn Familiaris Consortio khẳng định mạnh mẽ rằng «hôn nhân và đồng trinh là hai cách thức biểu lộ và sống Mầu nhiệm Giao ước duy nhất giữa Thiên Chúa với Dân Người» (FC 16). «Cả bậc sống này và bậc sống kia, với kiểu thức riêng của mình, đều là sự cụ thể hóa sự thật sâu xa nhất của con người, là hữu thể được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa”» (FC 11). Những người cha và những người mẹ kiện toàn họa ảnh Thiên Chúa là Cha ở nơi mình, khi họ vun đắp thái độ sống làm con thảo cởi mở với Cha trên trời và khi họ sẵn sàng đón nhận mọi hình thức phong nhiêu mà Ngài muốn ban cho. Trong khi họ lớn lên trong tương quan yêu thương cùng với con cái họ và hiệp nhất với Hội thánh, «họ nhằm ngày một nên trọn lành hơn và thánh hóa lẫn nhau, và bởi đó, cùng tham dự vào việc tôn vinh Thiên Chúa» (GS 48).
KẾT LUẬN
Để kết thúc suy tư về việc nên thánh của các đôi vợ chồng Kitô hữu, chúng ta có thể tóm tắt những đặc điểm của một linh đạo hôn nhân và gia đình như sau: hành trình nên thánh của những người làm cha và làm mẹ trong gia đình là một cuộc hành trình yêu thương của kẻ vừa sống tình con thảo vừa sống một giao ước hôn phối thần linh, trên nền tảng đức tin và được Thánh Thần, ấn tín và nguồn mạch của tình yêu của họ, nâng đỡ . Đôi bạn, với tâm tình tri ân về tình yêu được ban cho họ, bước theo Đức Kitô Phu Quân và Hội thánh Hiền thê, là cặp vốn đã hợp hôn sống vâng phục thánh ý Cha trong mầu nhiệm Thập giá. Khi tham dự vào tình yêu hôn phối của Đức Kitô dành cho Hội thánh, đôi bạn sống mầu nhiệm sự sống phong nhiêu vô hạn của Chúa Cha trên trời, thể hiện qua sự mở ngỏ tiếp đón trước mọi hồng ân sự sống thể lí cũng như thiêng liêng. Nhưng trước hết, mỗi ngày họ «quì gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất» (Ep 3,14).
Ngoài ra, một nét nổi bật nữa trong sự thánh thiện của người cha người mẹ, đó là, sự thánh thiện là một quà tặng của ân sủng lan tỏa trong các mối tương giao của họ biến các tương giao ấy thành bí tích, theo mẫu Thánh Gia Nadaret, dẫu họ có ý thức về điều đó hay không. Điều quan trọng hơn đối với các đôi vợ chồng khát khao sự thánh thiện là tâm hồn họ được dưỡng nuôi bằng cầu nguyện và “mầu nhiệm” sự sống, chứ không phải là ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Trong các tương giao yêu thương hằng ngày trong gia đình nổi lên tình phụ tử, con thảo, sự hiệp nhất yêu thương phong nhiêu như là hình ảnh bí tích của phụ tính thần linh hay sự thánh thiện của Ba ngôi. Ngôi Lời làm người, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần qua bàn tay nắn đúc của đức Maria và thánh Giuse, đã mang trong mình mầu nhiệm này khi sống giữa chúng ta, và nhờ Người mà có cuộc gặp gỡ bí tích của Ba Ngôi trên trời và ba ngôi dưới đất, tức gia đình, biểu tượng của Đấng Tối Cao.
Mọi gia đình đều được chúc phúc nhờ mầu nhiệm này, kể cả các gia đình, vì không được Phúc âm hóa nên chưa biết huyền nhiệm ẩn giấu nơi các mối quan hệ của họ và định mệnh siêu việt của đời sống của họ. Cả các gia đình thiêng liêng, tức các cộng đoàn độc thân dâng hiến, cũng làm chứng một cách khác nhưng bổ túc cho chứng từ đời hôn nhân. Sự phong nhiêu của hi tế của người độc thân dâng hiến và sự hiệp thông huynh đệ trong các mối tương quan của họ đã biến thực tại cánh chung là Vinh Quang của Tình Yêu Ba Ngôi thành hữu hình rồi trong tình yêu con người. «Nhờ chứng từ này, những người sống đời độc thân dâng hiến giữ cho ý thức về mầu nhiệm hôn phối được sống động trong Giáo hội và bảo vệ nó khỏi mọi cách nghĩ giản lược làm nó nghèo nàn đi» (FC 16).
«Vì tình yêu phụ tử của thánh Giuse không thể không có ảnh hưởng trên tình yêu “con thảo” của Chúa Giêsu và, ngược lại, tình yêu “con thảo” của Chúa Giêsu không thể không tác động trên tình yêu “phụ tử” của thánh Giuse, vậy làm sao người ta bỏ qua được chiều sâu của mối quan hệ hết sức độc đáo này? Những người tinh tế hơn đối với nhịp đập của tình yêu Thiên Chúa nhìn thấy nơi thánh Giuse một mẫu gương sáng ngời của đời sống nội tâm. Hơn nữa, nơi thánh nhân, sự căng thẳng bên ngoài giữa đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm được vượt qua hết sức lí tưởng, điều đó có thể được cho ai có một đời sống đức ái trọn lành»[24] (dựa theo tác giả M. Ouellet, Padri e Madri ... come Il Vostro Padre Celeste in Renzo Bonetti (ed.), Padri e Madri per crescere a immagine di Dio)
[1] X. L. Ligier, Il matrimonio. Questioni teologiche e pastorali, Città Nuova, Roma 1988,114tt [2] «[Các đôi vợ chồng] sẽ được tăng thêm sức mạnh, được thánh hóa và gần như được thánh hiến (roborati, sanctificati et quasi consecrati) bởi một Bí tích cao trọng như thế», Pio XI, Insegnamenti pontifici. Il matrimonio, n.304 (221), AAS 22 (1930) , 583. [3] Giovanni Paolo II, Uomo e donna lo creò, Città Nuova Editrice / Libreria Editrice Vaticana, Roma 20015 373-382. [4] Gioan Phaolô II, Th. Familiaris Consortio, 13a. [5] H. U. von Balthasar, Homo Creatus est. Saggi teologici, V, Morcelliana, Brescia 1991, 109. Có trích dẫn từ J. Ratzinger, Dogma e predicazione, Queriniana, Brescia 1974, 178. [6] F. Ulrich, L’humble autorité du Père, trong «Communio», 3, 1/1976, 16. [7] Gioan-Phaolô II, Familiaris Consortio, 11; Mulieris Dignitatem, 6-7. [8] Giovanni Paolo II, Uomo e donna lo creò, cit., 90-92. [9][9] Cf. A. Mattheeuws, Les «dons» du mariage. Recherche de théologie morale et Sacramentelle, Culture et Vérité, Paris 1996, 146tt. [10] H. U. von Balthasar, Gli stati di vita del cristiano, Jaca Book, Milano 1984, 212. [11] Gioan-Phaolô II, Thư gửi các Gia đình, 6. [12] Gioan-Phaolô II, Thư gửi các Gia đình, 7. [13] Cf. A. Mattheeuws, Les «dons» du mariage, cit., 520tt. [14] Gioan Phaolô II, Tông huấn. Redemptoris Custos (RC), 7. [15] Th. Augustino, De nuptiis et concupiscentia, I, 11, 13, in PL 44, 421. [16] A. von Speyr, L’Ancella del Signore, Jaca Book, Milano 1986, 53tt. [20] Cf. RC 8; St. John Chrysostom, In Matth. Hom. V, 3: PG 57, 57f. [21] A. von Speyr, Il Verbo si fa carne, Jaca Book, Milano 1985, 81. [23] H. U. von Balthasar, Gli stati di vita del cristiano, Jaca Book, Milano 1984, 212. Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: ubmvgiadinh.org