Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nói rằng sự kiện này cho ngài cơ hội bày tỏ lòng kính trọng của ngài và của Giáo hội đối với các bác sĩ và nhân viên y tế liên quan đến lĩnh vực tế nhị này. Nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng công việc của họ, Đức Thánh Cha lưu ý rằng sự dấn thân của nhân viên y tế cho những người bị rối loạn tâm thần là “một điều rất tốt đẹp cho con người và cho xã hội, đặc biệt trong lúc xảy ra đại dịch”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Do đó, một mặt, cần tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe để bảo vệ bệnh nhân tâm thần, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ cho những ai tham gia nghiên cứu khoa học về những bệnh lý này. Mặt khác, cần phải thúc đẩy các hiệp hội và tổ chức tình nguyện làm việc cùng với người bệnh và gia đình của họ”. Hơn thế nữa, theo Đức Thánh Cha, cần phải quan tâm đến môi trường sống của các bệnh nhân tâm thần để họ không bị thiếu sự ấm áp và tình cảm của một cộng đoàn.
Hướng đến các tham dự viên của Hội nghị, Đức Thánh Cha hy vọng hội nghị sẽ truyền cảm hứng trong các tổ chức, cơ quan giáo dục và xã hội, “một sự nhạy cảm mới” đối với những người có các vấn đề sức khỏe tâm thần, để trao cho họ niềm tin lớn hơn vào cuộc sống.
Đức Thánh Cha lưu ý, cần phải khắc phục sự kỳ thị liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và làm cho “văn hóa cộng đồng” chiếm ưu thế hơn so với não trạng “vứt bỏ” - một văn hoá thường coi trọng những người mang lại lợi ích sản xuất cho xã hội, và quên những người đau khổ. Vì thế, cần phải có một hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp không bỏ lại bất kỳ ai, phải chăm sóc tất cả mọi người “một cách toàn diện và có sự tham gia của mọi người”.
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha gửi lời chúc bình an đến những người tham gia hội nghị và bảo đảm với họ về những lời cầu nguyện của ngài dành cho tất cả các nhân viên y tế, tình nguyện viên, bệnh nhân và gia đình của họ. (CSR_4614_2021)
Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn