Giữa những vụ tai tiếng, lạm dụng và tham nhũng, ngày nay Giáo hội như muốn cố gắng trút bỏ hình ảnh đen tối. Tuy nhiên, Giáo hội có lý do vững vàng để hy vọng và để tự hào về lịch sử của mình. Việc thành lập các bệnh viện, các trường đại học, các tiến bộ trong khoa học… Qua nhiều thế kỷ, Giáo hội đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của xã hội ngày nay. Tiến sĩ lịch sử Christophe Dickès quả quyết: “Lịch sử Giáo hội cho thấy, không có lãnh vực nào mà Giáo hội không phát huy ảnh hưởng của mình.” Ông là tác giả quyển sách “Những gì thế giới nợ Giáo hội” (Ce que le monde doit à l’Église). Thoạt nhìn chủ đề có vẻ quá tham vọng, khoa trương hay lạc lõng để có thể là chủ đề của một quyển sách. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Giáo hội bị nhận chìm trong các vụ tai tiếng, những lời chỉ trích chống Giáo hội vang lên tứ phía. Nhưng… sự đóng góp của Giáo hội cho xã hội rất đáng kể trong nhiều lãnh vực: giáo dục, khoa học, y học, nghệ thuật… Giáo hội đã định hình các xã hội như chúng ta biết ngày nay. Christophe Dickès, tiến sĩ lịch sử, chuyên gia về lịch sử công giáo thẳng thắn lên tiếng: “Trong nhiều năm, tôi rất ngạc nhiên khi thấy chúng ta tiếp tục nói về những trang đen tối của lịch sử Giáo hội mà không đề cập đến sự đóng góp đáng kể và những gì thế giới nợ Giáo hội. Với tôi, khi Giáo hội Tây phương bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng không bao giờ kết, việc quan trọng là phải nhớ lại những gì Giáo hội đã làm tốt trong lịch sử của mình. Không phải chỉ vì hiếu kỳ để chứng tỏ Giáo hội có cơ sở để hy vọng, triết gia Cicero ở thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, bậc thầy về cuộc sống và sự thật đã nói: ‘Quá khứ soi sáng hiện tại để hình dung rõ hơn về tương lai’”.
Vì sao lịch sử Giáo hội không được báo chí quan tâm?
Tiến sĩ Christophe Dickès: Trên hết, có sự thiếu hiểu biết hoặc thậm chí thiếu văn hóa lịch sử ảnh hưởng đến cả những người có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội. Điều này đã được ông Andrea Riccardi (chính trị gia Ý, đồng sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio) nhấn mạnh trong tác phẩm Giáo hội cháy. Sự thiếu hiểu biết về lịch sử dẫn đến sự hiểu biết nghèo nàn về thực tế, đặc biệt với cuộc khủng hoảng Giáo hội đang trải qua ngày nay. Hơn nữa, thật kỳ lạ, Giáo hội đã áp dụng những lời chỉ trích theo đạo tin lành và thậm chí phản giáo sĩ đối với lịch sử của chính mình trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên ăn năn, dù hợp pháp đến đâu cũng không được làm lu mờ thiện ích lịch sử của chính mình. Năm 2000 Đức Gioan Phaolô II đã hiểu rất rõ điều này: một mặt nhìn nhận những lỗi lầm của người công giáo trong quá khứ, nhưng ngài không rơi vào những kế hoạch đơn giản hóa hoặc theo phái phân biệt thiện ác manikêô. Ngài khuyến khích nghiên cứu lịch sử. Là người Ba Lan, ngài gắn bó sâu sắc với danh tính của mình, ngài hiểu đất nước của ngài mắc nợ Giáo hội những gì. Tuy nhiên, ăn năn đã có tác dụng lớn lao trên điều ác đã làm, nhưng lại không xét đến điều tốt Giáo hội đã mang lại.
Giáo hội đã cấu trúc các xã hội như chúng ta biết ngày nay như thế nào?
Lịch sử của Giáo hội cho thấy không có lãnh vực nào mà Giáo hội không có ảnh hưởng. Từ nhận thức về thời gian đến các công việc chăm sóc tại bệnh viện, tại các cơ sở từ thiện; từ việc tổ chức Nhà nước hiện đại và luật pháp quốc tế thông qua vai trò trí tuệ hoặc đơn giản qua giáo dục; cả ở lãnh vực khoa học hay vị trí của phụ nữ trong xã hội… ảnh hưởng của Giáo hội rất đáng kể mà chúng ta không thực sự biết. Giáo hội đã vun trồng trên mọi lãnh vực của xã hội. Và rõ ràng nhất là vai trò của Giáo hội trong nghệ thuật. Tôi có thể nói, đó là điều dễ thấy nhất nhưng không thể giản lược Giáo hội chỉ chừng đó.
Giáo hội thường bị chỉ trích vì phản đối khoa học, nhưng giáo sư nói ngược lại. Những đóng góp và hỗ trợ của Giáo hội cho khoa học là gì?
Mọi người đều biết vụ Galilêô nổi tiếng: năm 1633, tòa án dị giáo đã kết án nhà khoa học Galilê khi ông nói Trái đất quay chung quanh mặt trời. Galilêô là cái cây che khuất rừng khoa học kitô giáo. Hơn nữa, Copernicus, Galilêô, Descartes và nhiều người khác đều là những người được đào tạo trong môi trường kitô giáo. Chúng tôi rất ấn tượng trước số lượng người trong Giáo hội đã nổi bật nhờ khoa học của họ, việc này đã có từ thời Trung cổ với sự xuất hiện của các trường đại học: Tôi đưa ra một danh sách không thể đầy đủ trong quyển sách của tôi.
Thậm chí còn tốt hơn: cách chúng ta nghĩ về khoa học liên kết mật thiết với kitô giáo. Thật vậy, sách Khôn Ngoan thưa với Thiên Chúa “Ngài đã quy định mọi sự bằng thước đo, số lượng và trọng lượng” (Kn 11,20). Vì thiên nhiên là tạo vật thiêng liêng, nên con người của Giáo hội đã tìm cách hiểu và biết những bí mật thiên nhiên. Do đó, kitô giáo đặt ra những trụ cột của trí tuệ khoa học: đặt ra sự nghi ngờ dẫn đến nghiên cứu; sự cần thiết phải chứng minh những gì chúng ta đang nói; ý tưởng cho rằng kiến thức là giải phóng; cuối cùng là hương vị của sự rõ ràng và trật tự. Vì thế Oppenheimer có câu nói nổi tiếng: “Kitô giáo là cần thiết để khai sinh ra khoa học hiện đại”. Thật sai lầm, xã hội đương đại của chúng ta phản đối khoa học và đức tin. Chắc chắn, mối liên kết giữa Giáo hội và khoa học đã bị đứt quãng bởi những do dự, căng thẳng và đôi khi là khủng hoảng. Tuy nhiên, ý tưởng về một Giáo hội chống lại khoa học là một trong những huyền thoại dai dẳng nhất trong nhận thức chúng ta.
Chăm sóc người anh em là một trong những trụ cột của kitô giáo. Giáo hội đã nuôi dưỡng kỷ luật này như thế nào?
Vào nửa sau của thế kỷ thứ 4, thời điểm chứng kiến sự chuyển đổi Đế chế la-mã sang kitô giáo, cái mà chúng ta gọi là vương cung thánh đường xuất hiện, được đặt theo tên của giám mục Basil của Caesarea (329-379). Giám mục đã thành lập các bệnh viện và các cơ sở trợ giúp: bệnh viện, nhà hưu dưỡng, viện mồ côi, nơi tạm trú cho người nước ngoài, v.v. Dưới thời Đế quốc, chăm sóc chỉ dành cho những người có đặc quyền, kitô giáo đã thay đổi mô hình. Giáo hội không chỉ chăm sóc người nghèo, người bệnh tật mà còn đòi hỏi Nhà Nước phải tham gia vào công việc này. Vì Đế quốc đã theo đạo nên giờ đây Nhà Nước có nghĩa vụ hỗ trợ về mặt đạo đức. Đó là cuộc cách mạng lương tâm mà ở phương Tây đã phát triển với sự xuất hiện của Hôtel-Dieu gắn liền với Nhà thờ Chính tòa. Giáo hội đã thực hiện điều mà dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu đã dạy: giúp đỡ người khác, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay quốc gia.
Giáo sư dành một chương để nói về mối liên hệ giữa Giáo hội và chính trị. Xin giáo sư nói thêm về chủ nghĩa thế tục. Ở đây một lần nữa chúng ta có xu hướng chống lại Giáo hội và chủ nghĩa thế tục.
Về mặt lịch sử, chính Giáo hội thiết lập sự phân biệt giữa Giáo hội và Nhà Nước, giữa quyền lực tinh thần và quyền lực thế tục. Sự phân biệt này dựa trên câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu nói người Pharisêu: “Của Xêda trả lại cho Xêda; của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Vào cuối thế kỷ thứ 5, Gelasius là giáo hoàng đầu tiên đưa ra giả thuyết về mối quan hệ giữa hai bên. Ngài làm như vậy theo truyền thống của Thánh Ambrose thành Milan (thế kỷ thứ 4). Chắc chắn, lịch sử giữa Nhà Nước và Giáo hội sẽ không dễ dàng, nhưng chính Kitô giáo, bằng cách tạo ra sự khác biệt này, đã làm cho xã hội chúng ta trở nên khác biệt. Về vấn đề này, sử gia người Pháp René Rémond lưu ý: “Bản đồ của các quốc gia nơi nguyên tắc chủ nghĩa thế tục được công nhận và ít nhiều được tôn trọng trên thực tế gần như trùng khớp với bản đồ của các quốc gia thấm nhuần kitô giáo.”
Chúng ta thường có hình ảnh về một Giáo hội ra lệnh cho hành vi mà không thực sự dành chỗ cho lương tâm. Ngược lại, có phải giáo sư đang ám chỉ lương tâm rất thân thiết của xã hội chúng ta ngày nay phải chịu ơn Giáo hội rất nhiều?
Vấn đề lương tâm của mỗi người gắn liền với sự phát triển của việc xưng tội cá nhân có từ Công đồng Lateran IV năm 1215. Đây là cuộc cách mạng thực sự vì, đứng trước lỗi lầm, Giáo hội đã không còn thiết lập các thang bậc ăn năn nhưng quan trọng là ý chí ăn năn của người phạm tội. Ở đây chúng ta ở rất xa hình ảnh thường gắn liền với Giáo hội: hình ảnh của một thể chế không thể thay đổi, bị lên án bằng mọi giá. Nói cách khác, Giáo hội yêu cầu các cha giải tội phải tính đến hoàn cảnh đặc biệt của mỗi người: điều mà chúng ta gọi theo thuật ngữ pháp lý là nố lương tâm, nghĩa là tùy từng trường hợp. Cuộc cách mạng này cũng báo trước một hình thức chủ nghĩa cá nhân, theo thời gian, phát triển nhờ những hình thức tâm linh mới như lòng đạo đức hiện đại. Từ nay giáo dân qua việc giữ đạo cá nhân, có thể bảo đảm sự cứu rỗi của họ ở bên ngoài các tu viện. Thánh I-Nhã là ví dụ điển hình nhất về những thực hành cá nhân mới này. Tất cả những điều này làm cho lương tâm của mỗi người là nơi tôn nghiêm và cho phép, trong một số trường hợp cụ thể, không tuân theo chính quyền: mọi phản kháng của người công giáo trong Thế chiến thứ hai là kết quả của quá trình tiến hóa lâu dài về lương tâm, từ thời trung cổ đến thời hiện đại.
Liệu Giáo hội ngày nay có còn để lại dấu ấn tích cực trong Lịch sử không?
Có, tôi nghĩ có, nhưng Giáo hội phải muốn. Chúng ta không thể yêu người khác nếu chúng ta không yêu chính mình, nếu chúng ta không cảm thấy ít nhất một chút tự hào về những gì đã đạt được trong quá khứ. Vì thế Giáo hội phải có khả năng dựa vào lịch sử của mình để xây dựng tương lai, nếu không, Giáo hội sẽ bị kết án là một hình thức bất động. Nói cách khác, không kiêu hãnh nhưng cũng không mặc cảm, Giáo hội có thể và cũng phải tự hào về lịch sử của mình.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: Phanxicô (6/11/2024)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn