Ý nghĩa Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa

Thứ hai - 05/04/2021 05:16  2414

dTrải qua lịch sử, Chúa nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa nhật tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa nhật “Áo trắng” (in Albis), bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm.

Tại vài Giáo hội bên Ấn độ (tục truyền do thánh Tôma tông đồ thành lập), Chúa nhật sau lễ Phục sinh được gọi là chúa nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Người với Chúa Kitô.

Gần đây, Đức Gioan Phaolô II muốn thêm một danh xưng nữa, đó là “Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót”.

Trong Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã ấn định rằng trong toàn thể Hội thánh, Chúa nhật sau lễ Phục sinh, ngoài danh hiệu Chúa Nhật Áo trắng, sẽ còn được đặt tên là Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Việc này đã xảy ra trùng với lễ phong thánh cho chị Faustina Kowalska, một nữ tu khiêm tốn người Ba lan, sinh năm 1903 và qua đời năm 1938, một người nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu Thương xót.

Thực ra lòng thương xót là cốt lõi của sứ điệp Tin mừng, và chính là danh tính của Thiên Chúa, dung mạo đã được mặc khải trong Cựu ước và một cách sung mãn ở nơi Đức Giêsu Kitô, là Tình thương tạo dựng và cứu chuộc nhập thể.

Lòng thương xót của Chúa cũng làm sáng tỏ dung mạo của Hội thánh, và được biểu lộ qua các bí tích, cách riêng là bí tích Hoà giải, cũng như qua các hoạt động bác ái, tập thể hay cá nhân. Tất cả những gì mà Hội thánh nói và thực hiện, đều nhằm bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Mỗi khi Hội thánh nhắc nhớ một chân lý đã bị bỏ sót hay một điều tốt đã bị méo mó, thì Hội thánh làm do lòng thương xót thúc đẩy, ngõ hầu nhân loại được sống và sống dồi dào (xc Ga 10,10). Lòng thương xót của Thiên Chúa mang lại bình an cho tâm hồn, phát sinh bình an chân chính trên thế giới, bình an giữa các dân tộc, văn hoá, tôn giáo.

Cũng như chị Faustina, Đức Gioan Phaolô II đã trở thành một tông đồ của Lòng Chúa Thương xót. Vào buổi tối ngày thứ bảy, mồng 2 tháng 4 năm 2005, Người nhắm mắt lìa trần vào ngày áp Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương xót, và nhiều người đã nhận ra sự trùng hợp đặc biệt đó, liên kết chiều kích Thánh mẫu, ngày thứ 7 đầu tháng, với Lòng Chúa Thương xót. Thực vậy, đây là trung tâm của triều đại giáo hoàng lâu dài của Người: trót sứ mạng của Người để phục vụ chân lý về Thiên Chúa và về con người, về hoà bình trên thế giới được tóm lại trong lời loan báo lòng Chúa thương xót, như Người đã có lần nói tại Cracovia-Lagiewniki năm 2003 vào dịp khánh thành thánh điện kính Lòng Chúa Thương xót: “ngoài lòng Chúa Thương xót ra, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại,”. Như vậy sứ điệp của Người, cũng như của chị Faustina đã nhắc đến dung mạo của Chúa Kitô, Đấng mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Dung nhan của Chúa Kitô: đó là gia sản mà Người để lại cho chúng ta, và chúng ta hoan hỉ đón nhận.

Lòng thương xót Chúa đi theo chúng ta mỗi ngày. Chỉ cần biết để cho trái tim tỉnh thức thì ta có thể nhận ra. Chúng ta thường dễ cảm nhận gánh nặng hàng ngày mà chúng ta phải gánh vác. Nhưng nếu chúng ta biết mở rộng trái tim thì chúng ta có thể nhận rõ rằng Thiên Chúa tốt lành như thế nào đối với chúng ta. Ngài chăm lo từ những chuyện nhỏ nhặt đời ta, nhờ đó giúp chúng ta đạt đến những chuyện lớn lao. Với việc đặt thêm gánh nặng của trách nhiệm, Thiên Chúa cũng tăng thêm sự giúp đỡ cho ta.

ĐT
Nguồn: tgpsaigon.net

Lòng thương xót của Thiên Chúa được cử hành, tôn thờ và cảm mến trong Thánh Thể
Với tựa đề như thế, trước hết là một cố gắng suy tư, tìm hiểu hay tìm về gặp gỡ ý nghĩa cội nguồn trong mối tương quan mật thiết nội tại giữa “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa và bí tích Thánh Thể. Thật vậy, khi “Loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, Thánh Thể là “Bí Tích của Lòng Thương Xót” cách ưu việt. Bởi lẽ Thánh Thể là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, cử hành và hiện tại hoá toàn thể Mầu Nhiệm của Đấng là Tình Yêu Tự Hiến, từ biến cố nhập thể cho đến sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cuộc khổ nạn và sự phục sinh vinh hiển cùng với niềm hy vọng đợi chờ Người ngự đến trong vinh quang (1 Cr 5,7; 10,16).
Theo chứng từ Kinh Thánh, từ muôn thuở cho tới muôn đời, trong công trình Sáng Tạo, Cứu Độ và Thánh Hóa, Thiên Chúa đã không ngừng thực hiện điều gì mà trong đó Người không thông ban chính mình. Vạn thể được tạo thành sinh động, hiện hữu trong mối tương liên tương tác, trong cùng một cội nguồn duy nhất thánh thiện, nguồn “hơi thở” thần linh của Thiên Chúa. Bởi vì Người là “Tình Yêu” (1 Ga 4,8,16), và bản chất của yêu thương là cho đi tất cả: “đến nỗi đã thí ban Con Một” (Ga 3,16,17), nguồn hạnh phúc sung mãn của Người, nhờ đó ơn cứu độ tuôn trào vào thế giới lịch sử. Bởi vậy, nếu trong Cựu Ước, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được mạc khải, cũng như mạc khải đó được đáp trả qua các trung gian lịch sử, con người và biến cố, bằng nhiều cách thế, trong nhiều thời điểm khác nhau, thì vào thời Tân Ước, “lúc đến thời gian viên mãn” (Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo dự định, Lòng Thương Xót được hoàn tất trọn vẹn nơi một “Ngôi Vị”, Đấng được tuyên xưng là Giêsu Kitô. Trong toàn bộ mọi hoạt động cứu thế, rao giảng, yêu thương, nuôi dưỡng, chữa lành, thứ tha, Người đích thực là “Dung Nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha”. Nơi Đức Giêsu Kitô, Lòng Thương Xót trở nên “sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh”.[1] Vì Người là Con Một mà Thiên Chúa hiến ban cho trần gian (Ga 3,16; 1 Ga 4,9), là Ngôi Lời Nhập Thể đã mặc lấy xác phàm, đồng cảm với phận người trần thế, lòng đầy huệ ái, bao dung, trọn vẹn yêu thương để ban vui cứu khổ, biểu dương sự sống mới, giải thoát con người khỏi quyền lực của sự dữ, những thảm kịch của bóng tối âu lo và sự chết (Mt 9,13; 12,7; 23,23; Lc 1,50-78; 10,37; Rm 9,23; 11,31; 15,9; Gl 6,16; Ep 2,4; Hr 4,16; Gc 2,13; 3,17; 1 Pr 1,3; 2 Ga 1,3).
Do đó, tất cả các bữa ăn trong cuộc đời và sứ vụ của Người, với đủ mọi thành phần xã hội, đều là những biến cố tiền dự, phản ánh và quy chiếu về thực tại Bữa Tối Sau Cùng, Bữa Tiệc Thánh Thể. Tin Mừng Mátthêu và Máccô đã ghi nhận nhiều lần Đức Giêsu “chạnh lòng thương” dân chúng (Mt 9,36;14,13;15,52). Rõ nét và tiêu biểu nhất, có thể nhận ra, là trong các bản văn tường thuật về câu chuyện “hóa bánh” nhiều (Mt 14, 13-21; 15, 32-38; Mc 6,30-34; 8,1-10). Đây chính là tâm tình, thái độ và hành động của vị Mục Tử từ bi nhân hậu vào thời cánh chung mà Ngôn Sứ Êdêkien đã từng loan báo, cũng như dân Israel vẫn còn đợi chờ (Ed 34,1-30).
Nếu tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa thật bao la, hải hà và trùng khơi như thế, chỉ vì “chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, thì chẳng phải tất cả hiện hữu của Đức Kitô là vượt qua, là tình yêu xót thương “siêu vượt” bản thân để trần gian được hòa giải, trở về và nên một với Thiên Chúa? (2 Cr 5,19). Theo nghĩa này, Thánh Thể là Hy Lễ Tạ Ơn của “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), đã trở thành hình hài, căn nguyên, mẫu mực của Lòng Thương Xót. Vì Thánh Thể là dấu chứng cụ thể khả nghiệm của một tình yêu xót thương “đến cùng” (Ga 13,1), trong đó, chúng ta gặp gỡ lãnh nhận chính Đức Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Gặp gỡ hiệp thông với Người là gặp gỡ hiệp thông với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Vậy thì Lòng Thương Xót được “cử hành, tôn thờ và cảm nếm” trong Thánh Thể như thế nào? Thiết tưởng xoay quanh cấu trúc cuộc cử hành phụng vụ Thánh Thể, dựa theo từng phần Nghi Thức và Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta có thể nhận thức được biết bao nhiêu ân phúc tận nguồn các ân thiêng, phong phú và nghiệm ra hiệu quả của “Tình Yêu- Xót Thương”, nồng nàn bao dung, tha thiết muôn vàn của Thiên Chúa trong công trình cứu độ và thánh hóa nhân loại.
1. NHƯ HY LỄ TUYỆT HẢO, TINH TUYỀN VÀ THÁNH THIỆN
Vì điều Thiên Chúa ước muốn, đó là Lòng Thương Xót chứ đâu phải “hy lễ toàn thiêu” (Hs 6,6; Xh 22,26; Mk 6,8). Hay nói cách khác, Lòng Thương Xót chính là Hy Lễ duy nhất tuyệt hảo, tinh tuyền, thánh thiện hằng đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 9,12-13; 12,7). Và như thế, Thánh Thể là gì nếu không phải là Hy Lễ của Lòng Thương Xót mà Thiên Chúa muốn dâng tiến để giao hoà với nhân loại? Đó là Hy Lễ Tạ Ơn của Giao Ước Mới, là sự hiện diện đích thân, đích thực trọn vẹn và sống động của Đức Kitô, “Vị Thượng Tế nhân từ và trung tín” trong việc thờ phượng Thiên Chúa (Dt 2,17). Như thư gửi tín hữu Do Thái minh định:
Khi vào trần gian Đức Kitô nóiChúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7).
Chẳng phải trọn đời sống và sứ vụ của Người từng trải qua những khổ đau của kiếp người là một cuộc hy sinh chính mình, vâng phục Thiên Chúa vì xót thương con người, để tất cả được thứ tha và hiệp nhất đó sao? Và do đó, đưa chúng ta tới một khởi đầu mới, hình thành nên những con người của “Lễ Vật” dâng hiến, được tái sinh từ cội nguồn của Lòng Chúa Xót Thương. Và được tái sinh như thế cũng là để trở nên thành phần của Hy Lễ Tạ Ơn nguyên thủy tồn tại đến muôn đời. Theo ý nghĩa đó, “chúng ta được thánh hóa”, nghĩa là “được nên hoàn hảo” vĩnh viễn, “nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,10), cho vĩnh cửu đi vào trong thời gian để Người luôn đứng trên đỉnh viên mãn của thời gian, trong “hiện tại vĩnh cửu”, trong ngày “hôm nay” của ơn cứu độ. Thánh Thể chính là “giờ” hiến tế của Đức Kitô, Đấng là “người và là Thiên Chúa” luôn ở cùng chúng ta, kề cận thương xót chúng ta.

Và đây cũng là văn cảnh giúp chúng ta nhận thức: khi cuộc “cử hành Thánh Thể chuẩn bị bắt đầu”, thì chính “Tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy” lôi kéo mọi thành phần Dân Chúa quy tụ lại với nhau nhờ sức mạnh của Thần Khí tác động trong “Ngày của Chúa” (Dies Domini). Thánh Phaolô đã sử dụng cụm từ “khi anh em họp nhau..., khi họp nhau để dùng bữa tiệc của Chúa” (1 Cr 11,18.20; 14,26) để chỉ về Đức Kitô, Đấng luôn đi trước dẫn đầu một đoàn dân tư tế, Đấng Phục Sinh vô hình, nhưng thực sự là vị chủ tọa trong Thánh Lễ.[2] Chính Người tập hợp Cộng đoàn các tín hữu (1 Pr 2,9). Đặc điểm hiển nhiên của Thánh Thể là quy tụ mọi thành phần trong Cộng đoàn, gồm nhiều người tuổi tác khác nhau, quá trình đào tạo, trình độ, hoàn cảnh và sở thích khác nhau, nhưng có thể đến với nhau, cùng hòa giọng chung lời ca tiếng hát, hiệp nhất trong câu kinh nguyện cầu, một lòng một ý tôn vinh Thiên Chúa. Nơi đây, chúng ta được gợi nhớ đến hình ảnh của Đức Giêsu “khi thấy một đám người rất đông thì Người chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34; Mt 14,13-21; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13) hay “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!” (Mc 8,1; Mt 15,32-39).
Thật vậy, trong Thánh Thể, Người quy tụ chúng ta lại để chữa lành tâm hồn và dưỡng nuôi chúng ta bằng chính “Lời tình yêu xót thương” và “Bánh ban sự sống” hiến dâng, làm cho chúng ta có thể hiệp thông với Người và với nhau trong gia đình của Thiên Chúa, để không còn ai là kẻ xa lạ hững hờ. Và khi vị chủ tế “nhân danh Đức Kitô” (in persona Christi), đồng thời cũng “nhân danh Giáo Hội” (in persona Ecclesiae) mà tiến vào cung thánh với Bài Ca Nhập Lễ. Cuộc rước đơn sơ ấy báo hiệu buổi lễ khởi sự và nhắc nhở chúng ta về chiều kích lữ hành của đời sống Giáo Hội, cùng nhau tiến bước trên một hành trình thánh thiêng.
Như Dân Chúa ngày xưa tiến đi trong sa mạc dưới sự hướng dẫn của Môsê, tìm về miền Đất Hứa (Xh 19,4) và Thiên Chúa đã ban cho họ “manna” làm lương thực dưỡng nuôi trong cuộc hành trình như thế nào (Xh 16,4-35), thì chính trong bối cảnh đó mà ư nghĩa “Danh Thánh” của Thiên Chúa là “Đấng giàu Lòng thương xót” được tỏ lộ. Như Sách Xuất Hành minh giải: “Ta là Đấng Ta là” hay “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Thiết tưởng điều này cũng cho chúng ta thấy Danh Thánh của Thiên Chúa không chỉ hàm chứa một định nghĩa cho bằng cả một sứ điệp về Lòng Thương Xót được thể hiện ngay trong sự can thiệp của Người vào lịch sử: “Ta đây! Ta sẽ đến ở với các ngươi, Ta sẽ giải thoát các ngươi, hỡi dân Ta!” Bởi vì:
Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác, của Giacóp... Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai Cập... Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực... mà lên miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,16-17).
Để rồi Người ngự xuống, “hiện diện trong đám mây... đứng đó với Môsê... đi qua trước mặt ông”, xưng danh là: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,6-7). Biến cố “Xuất Hành” quả thực, là một bằng chứng hùng hồn của Lòng Chúa Xót Thương. Trong Thánh Thể, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm trọng đại: “loan truyền Đức Kitô đã chịu chết và phục sinh vinh hiển” (1 Cr 11,26). Người là vị thủ lãnh, trong tư cách là Môsê mới, hướng dẫn chúng ta trên hành trình về với “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1). Và ở một tầm mức sâu xa, đến với trời mới đất mới, chẳng phải là cùng với Đức Kitô “vượt qua” thế giới này để trở về với Thiên Chúa là “Đấng Thánh, là Nguồn mọi sự thánh thiện”, mà Thần Khí thúc đẩy chúng ta kêu lên với Người: “Abba! Cha ơi” đó sao? Vì cuối cùng “Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự” (1 Cr 15,28).

Thế nên, trong Lời Chào mở đầu Thánh Lễ: “Chúa ở cùng anh chị em” hay “Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Kitô, tình yêu của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”. Chúng ta có thể cảm nhận một thực tại: Đức Kitô đang hiện diện giữa chúng ta (Mt 18,20), và đến “ở với chúng ta” cho chúng ta được ở nơi Người đang ở, nghĩa là ở chính trong cung lòng xót thương đầy sức mạnh sáng tạo của Ba Ngôi chí thánh.[3] Vì nhờ nghi thức phụng vụ, Thánh Thể đưa chúng ta vào bên trong vận hành tình yêu, cho chúng ta được thông phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, chìm đắm vào tận nguồn ơn: “Ân Sủng, Bình An, Tình Yêu và Ơn Thông Hiệp nội tại lưu chuyển giữa Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần”.
Tiếp đến phần Nghi Thức Sám Hối, Cộng đoàn Phụng Vụ dừng lại trong thinh lặng, rồi thú nhận tội lỗi để lãnh ơn tha thứ cũng là ơn chữa lành do lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, không những trong tư cách là những cá nhân, mà còn với tư cách Cộng đoàn hiệp thông với nhau trong một Hy Lễ, cùng với cả triều thần thiên quốc, cậy dựa vào lời khẩn cầu của “Đức Maria, các Thiên Thần và các Thánh” như thể trong ngày Đại Hội Cánh Chung, được mời tới tham dự Tiệc Cưới của Con Chiên (Kh 7,14).
Vì thế, Lời Kinh Thú Tội (Kinh Cáo Mình) và Lời Kinh Xin Chúa Thương Xót vừa biểu tả tình liên đới của Cộng đoàn các tín hữu trong nhu cầu thống hối van xin “Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa đến sự sống muôn đời” với thái độ khiêm tốn của “người thu thuế... chẳng dám ngước mắt lên trời, đấm ngực thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13), đồng thời vừa là Lời Kinh Cầu được lập lại nhiều lần như một điệp khúc hướng trọn về Đức Kitô, đó là “những lời tung hô dâng lên và thiết tha kêu xin Lòng thương xót của Người”.[4]
Nếu như thế, hẳn lời Kinh Thương Xót đó phải là vang âm của một chuỗi những tiếng van lơn thống thiết từ những kẻ khốn cùng, trong Tin Mừng, đã chạy đến với Người để xin Người dủ thương chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Như người mù ở Giêrikhô: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,48; Mt 9,27; 20,30-31). Và mười người bị phong hủi đều kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13). Cũng thế, người phụ nữ Canaan nài nỉ: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Rồi người cha của đứa bé bị kinh phong: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm” (Mt 17,14; Mc 9,30-32; Lc 9,43-45).
Chính trong khung cảnh khẩn cầu, ca ngợi Lòng Chúa Xót Thương, và để kết thúc hành vi thống hối mà Kinh Vinh Danh, Lời Tôn Vinh, Chúc Tụng, Tôn Thờ và Cảm Tạ Thiên Chúa được cất vang lên giữa Cộng đoàn Phụng Vụ vì muôn ơn lành Người đã thương ban, nhưng ơn cao trọng nhất chính là Con Một của Người. Thế nên, lời Kinh Vinh Danh ở đây lại tập trung quy hướng về Đức Kitô, “Vinh Quang của Chúa Cha cùng Đức Chúa Thánh Thần” (Rm 8,9; 1 Pr 3,8; Lc 9,26; Ga 1,14; Pl 2,11). Vì Người là “Chúa xoá tội trần gian” (Ga 1,29) nên “Xin thương xót chúng con, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn” (Ga 14,13), và là “Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (Cl 3,1; Dt 8,1) nên “Xin thương xót chúng con”. Nếu chỉ có Đức Kitô phản ánh trung thực vinh quang tuyệt hảo của Thiên Chúa như thế, thì chẳng phải trong cuộc cử hành Thánh Thể, Dung Nhan của Lòng Thương Xót được tỏ lộ thật gợi hình gợi ý cho chúng ta có thể chiêm ngắm và xưng tụng? Vì thương xót là để thứ tha, và thứ tha là gì nếu chẳng phải là “xoá bỏ” tội đi, và đó cũng là cách “cho đi” trọn vẹn nhất, nghĩa là cho đi chính mình, như Đức Kitô “hiến ban” thân mình để sẵn sàng đón nhận, giao hoà và ôm lấy tất cả chúng ta.
Hơn nữa, để hiểu biết Người và cảm nhận được lòng thương xót vô biên, vô điều kiện của Người, thì Phụng Vụ Lời Chúa sau Lời Tổng Nguyện, quả thực, là một thời khắc quan trọng, vì giúp cho Cộng đoàn họp nhau cử hành để gặp gỡ Đức Kitô trong Lời của Người, Lời của Lòng Thương Xót. Đây là một cuộc gặp gỡ phong phú và hiệu quả, diễn ra trong quyền năng của Thần Khí Thiên Chúa. Chính Chúa đến và đàm đạo với chúng ta qua Lời Chúa được công bố giữa Cộng đoàn. Vì Lời Chúa nói ra không chỉ có chức năng truyền đạt một thông tin, thuật lại những gì xảy ra. Nhưng hơn thế nữa, Lời Chúa có chức năng tác tạo, và do đó, có sức ủi an, khích lệ, tạo lập hay phục hồi tương quan sâu đậm với con người, có khả năng diễn tả tình yêu hay một quyết định mở ra cho sự sống mới ùa vào làm biến đổi cuộc đời chúng ta. Như diễn ý trong Dẫn Nhập Tổng Quát vào Sách Bài Đọc:

“Lời Chúa vẫn mãi được công bố trong Phụng Vụ, nên luôn luôn là một lời sống động và hữu hiệu nhờ quyền năng Thánh Thần. Lời diễn tả tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu không bao giờ không sinh công hiệu cho chúng ta”.[5]
Nếu Thiên Chúa, ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh Cựu Ước, của lịch sử Dân Chúa tường thuật, đã tỏ mình ra là Đấng giàu lòng thương xót, không thể ngồi yên trước những cảnh đau khổ, bất công hoạn nạn mà người nghèo cô thân cô thế phải gánh chịu (Kn 4,9; Xh 6,1-10), thì có thể nói, Phụng Vụ Lời Chúa dẫn chúng ta vào một cuộc đối thoại linh hoạt, trong đó Lời Chúa như một “Ngôi Vị” đích thân hiện diện, rồi cũng như “mưa với tuyết sa xuống từ trời” sẽ không trở về nếu chưa “đạt kết quả” hay “hoàn thành sứ mạng” được sai đi thực hiện (Is 55,10). Trong câu chuyện về hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-32), chúng ta thấy Đức Giêsu Phục Sinh ngắm nhìn đôi mắt sầu thương của họ, chạnh lòng dõi theo cuộc hành trình vô vọng của họ. Nhưng không bỏ mặc, Người đến đồng hành, đi bên cạnh, sẵn lòng đi vào con đường thất vọng đó. Người xót thương thậm chí đến mức liều thân theo họ vào tận cùng lũng sâu sai lầm nơi họ để khơi dậy một niềm tin đã bị đánh mất, và từ trong tâm trí u mê ấy chợt bừng tỉnh lên tia hy vọng, khiến họ “đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem”, trở về với Cộng đoàn Giáo Hội (Lc 24,31.33).
Vì vậy, trước khi mở mắt cho hai môn đệ nhận ra Người lúc “bẻ bánh”, Người đã mở Sách Thánh, kiên nhẫn diễn giải những đoạn liên quan đến Người. Gặp gỡ Người trong Lời của Người hiển nhiên có liên hệ mật thiết với việc bản thân hai ông được gặp gỡ Người qua hành vi “bẻ bánh” để cùng chia sẻ một bữa ăn huynh đệ Thánh Thể. Thật vậy, đây chính là lối đường, là cách hành xử của Lòng Chúa Xót Thương. Thiên Chúa luôn chờ đợi con người, thậm chí khi con người rời xa, buông theo bội tín, nhưng Người lại dõi theo trên mọi nẻo đường đời, khiến chúng ta không khỏi nhớ đến những lời Ngôn Sứ Hôsê nói về tình yêu xót thương, mạc khải tấm lòng của Thiên Chúa:
Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành... Trái tim Ta thổn thức trong Ta, lòng trắc ẩn nung đốt Ta. Ta sẽ không giận dữ trong cơn thịnh nộ, không quay lại để huỷ diệt... vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải phàm nhân, là Đấng Thánh ở giữa ngươi, và Ta sẽ không đến để gieo kinh hoàng khiếp hãi” (Hs 11,8-9).
Tình yêu mãnh liệt như thế đó cũng đồng thời là tình yêu “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả”, thương cảm “như thiêu như đốt” không phải vì mình hay quanh quẩn với chính mình, mà đúng hơn tất cả là vì những người mình yêu thương. Theo nghĩa này, Lời Chúa được cử hành trong Thánh Thể như một cuộc “đối thoại thân mật” để “lòng ngỏ với lòng”, âm thầm chờ đợi con người lắng nghe, tin tưởng và đồng cảm với những gì nghe được hầu có thể đáp trả một cách thiết thực, cho lòng sốt mến đến mức muốn quay về với Người và thực hiện điều Người truyền dạy từng mảnh vụn cuộc sống đời thường (Gc 1,22). Chẳng phải Lời Chúa, Lời của Lòng Thương Xót cũng là “Lời Ban Sự Sống” mà các Tông Đồ trước kia đã nghe được, nhìn thấy, chiêm ngưỡng và đã đụng chạm tới sao? (Ga 1,14; 1 Ga 1,1-3).
“CẦM LẤY BÁNH”
Sau Phụng Vụ Lời Chúa đến Phụng Vụ Thánh Thể, mà khởi đầu là nghi thức chuẩn bị các lễ vật: Bánh và Rượu được mang tới bàn thánh, những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa sẽ trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Như một vũ trụ được thu nhỏ, Bánh và Rượu tiêu biểu cho những quà tặng trong công trình Sáng Tạo mà Thiên Chúa đã rộng ban cho chúng ta, rồi cộng vào những vất vả, lao công sáng kiến của con người góp phần làm nên Hy Lễ Tạ Ơn này.

 
ư


Nếu Phụng Vụ Thánh Thể tương ứng với những lời nói và hành động của Đức Kitô trong Bữa Tối Sau Cùng cũng như trong các trình thuật về dấu lạ “bánh hóa” ra nhiều: “Cầm lấy, đọc lời Chúc tụng Tạ ơn, Bẻ ra và Trao ban” (Mt 26,17- 35; Mc 14,12-31; Lc 22,7-38; 1 Cr 11,23-26), thì phần Chuẩn Bị Lễ Vật, có thể nói, là hành động đầu tiên của việc “Cầm lấy”. Như một cuộc giao duyên kỳ diệu giữa “Đất với Trời”, giữa “Tự Nhiên và Siêu Nhiên” để Siêu Nhiên thăng tiến Tự Nhiên, thánh hoá và kiện toàn mọi cố gắng tế lễ của con người, được biến đổi thành bí tích cứu độ chúng ta. Do đó, trong Bánh và Rượu khi dâng tiến thì Cộng đoàn các tín hữu và toàn thể tạo thành được Đức Kitô “cầm lấy” đón nhận mà dâng lên Thiên Chúa. Bánh biểu trưng cho sự sống và những chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự sống sẽ trở nên “Bánh Ban Sự Sống” (Ga 6,35). Rượu biểu tượng của tình yêu (Dc 2,4) trong mọi nỗi vui buồn sướng khổ của đời người (Tv 104) sẽ trở thành “Tình Yêu Hiến Tế”, “Của Uống Thiêng Liêng” (1 Cr 10,4).

Chuẩn bị lễ vật cũng giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta được đưa vào, được tham gia cuộc vận hành của toàn thể tạo thành tiến về cùng đích tôn vinh Thiên Chúa và biến đổi thế giới thời cánh chung. Chính nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô mà Thiên Chúa đã đi vào tình liên đới với vũ trụ.[6] Và nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người mà tiến trình “thần hóa” công trình sáng tạo đã khởi sự trong Thánh Thể để tất cả được biến đổi cách kỳ diệu đến độ sẽ trở thành “Trời Mới, Đất Mới” (Kh 21,1). Thế nên, trong Phụng Vụ Thánh Thể, cuộc cử hành Hy Lễ Tạ Ơn của chúng ta cũng hàm chứa cả một niềm tin hội nhập vào giá trị phổ quát trong chiều kích vũ trụ đó. Sự kiện “Bánh và Rượu” được tiến dâng lên gợi nhớ về những hạt lúa miến, những trái nho của thiên nhiên, vừa là quà tặng thần linh, vừa là sản phẩm do lao công con người. Tất cả là hy tế trong quỹ đạo cảnh vực môi sinh, để tất cả được tồn tại trong Hy Lễ duy nhất nguyên tuyền của Đức Kitô. Vì Thiên Chúa nhân từ luôn hiện diện trong vũ trụ bao la và trong các loài thụ tạo nhỏ bé nhất. Người xót thương dịu dàng ôm ấp tất cả mọi loài hiện hữu trong Người Con duy nhất của Người (Ep 1,4-12).[7]
Hơn nữa, việc dâng của lễ còn là được tham dự vào chức vụ Tư Tế của Đức Kitô, để cùng chia sẻ trách nhiệm và tình liên đới số phận với mọi thành viên khác trong Cộng đoàn. Vì thế thông thường trong cuộc cử hành Thánh Thể, cũng vào lúc chuẩn bị lễ vật thì việc quyên tiền hay những món quà bác ái được đưa lên bàn thờ. Điều đó biểu tả mối liên hệ mạnh mẽ giữa Thánh Thể với việc thực thi lòng thương xót, biết chia sẻ của cải (Cv 4,32) và giúp đỡ người nghèo (Rm 15,26). Như Thánh Justinô đã từng nhắn nhủ:
Những người khá giả và bất cứ ai muốn sẽ cho tùy ý. Gom được bao nhiêu thì đưa cho vị chủ tọa, để giúp kẻ mồ côi, người góa bụa, hoặc những ai cùng khổ thiếu thốn vì bệnh tật hay vì bất kỳ lý do nào khác, rồi các tù nhân, di dân, và, nói tóm lại, tất cả những ai túng thiếu.[8]
Cũng có thể dẫn những lời làm chấn động lòng người của Thánh Gioan Kim Khẩu:
Nếu bạn muốn tôn kính Đức Kitô, hãy tôn kính Người khi thấy Người trần truồng nơi con người của kẻ nghèo khổ. Thật vô ích, nếu bạn ăn mặc gấm vóc lụa là và đeo vàng bạc quí giá bước vào đền thờ, nhưng để Đức Kitô chịu rét mướt trần trụi bên ngoài. Thật vô ích, nếu đền thờ đầy dẫy bình vàng chậu vàng, nhưng chính Đức Kitô lại đang đói khát... như người tha phương không nhà không cửa đang lang thang ăn mày ăn xin, thay vì tiếp đón Người.[9]
Quả thực, chúng ta được Thiên Chúa đoái thương đón nhận, không bằng cách thức nào khác hơn là được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, trong hành vi hiến tế của Người mà chúng ta tưởng niệm khi cử hành Thánh Thể. Cũng chính “nhờ Người, với Người và trong Người” chúng ta trở thành của lễ hiến dâng hoàn hảo đẹp Lòng Thiên Chúa, nghĩa là trở nên hiện thân sống động của Lòng Chúa Xót Thương trong cuộc đời.
“ĐỌC LỜI CHÚC TỤNG TẠ ƠN”
Chính trong bối cảnh được thông dự vào tình yêu vị tha đầy xót thương như thế của Thiên Chúa, với Kinh Tạ ơn (Kinh Nguyện Thánh Thể), chúng ta thực sự bước vào “trọng tâm và đỉnh cao” của cuộc cử hành Thánh Thể. Kinh Nguyện này tuy chỉ dành cho vị chủ tế đọc lên, nhưng là hành vi tạ ơn, là lời tuyên xưng của toàn thể Cộng đoàn Phụng Vụ dâng về Thiên Chúa Cha nhờ Đức Kitô và trong quyền năng của Thánh Thần. Trong suốt kinh nguyện, chúng ta tưởng nhớ những việc trọng đại Thiên Chúa đã thực hiện từ Khởi Nguyên cho tới Khải Huyền trong toàn bộ công trình Sáng Tạo, Cứu Độ và Thánh Hoá của Người. Để rồi Bánh và Rượu được biến đổi nên Mình và Máu Đức Kitô, nhờ đó chúng ta cũng được hình thành nên một thân mình, một tinh thần trong một niềm tin yêu cậy mến của Giao Ước Mới. Chúng ta được kết hiệp với Hy Lễ Tình Yêu duy nhất, và chỉ có Hy Lễ này mới mang ý nghĩa hoàn tất: Hy Lễ của Đức Kitô, Đấng trao nộp mạng sống mình vì thương xót chúng ta.

Bởi thế, sau nghi thức “Cầm Lấy” Bánh và Rượu tiến dâng thì giờ đây tương ứng với phần Kinh Tạ ơn là “Đọc Lời Chúc Tụng” nối kết các “Lời Kinh Tiền tụng (Praefatio), Tung Hô (Sanctus), Cầu Khẩn Chúa Thánh Thần (Epiclesis), Tường Thuật việc thiết lập Thánh Thể hay Lời Truyền Phép, cho đến Kinh Tưởng Nhớ (Anamnesis), Dâng Tiến (Anaphora) và Vinh Tụng Ca (Doxologia).[10] Trọn vẹn Kinh Tạ ơn, có thể nói, mang âm hưởng của chủ đề xuyên suốt là Lòng Thương Xót. Vì Cộng đoàn tiến dâng Bánh và Rượu trong Thánh Thể là để tỏ bày niềm tri ân đối với Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Người đã thực hiện, như đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta đáp lời, đã đại lượng thi ân giáng phúc, để đến lượt mình chúng ta mới có thể tán dương, cảm tạ và chúc tụng Danh Người.
Như đối với ý thức Dân Chúa trong thời Cựu Ước, thì Kinh Tạ ơn hay Lời Kinh Chúc Tụng (Berakah) không chỉ đơn thuần là một nghi thức chúc lành cho một người hay một lễ vật nào, nhưng đúng hơn là tạ ơn Thiên Chúa vì công cuộc tạo dựng và cứu độ, trong đó vĩ đại nhất là công cuộc giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập (Tv 135). Cuộc “Xuất Hành” này, do đó, được hiểu như là hành động đầy quyền năng của Thiên Chúa trong lịch sử. Và vị Thiên Chúa đã ra tay uy dũng như thế mới là vị Thiên Chúa hằng sống, giàu lòng xót thương, Đấng đã tuyển chọn và cứu độ, đã yêu thương, chăm sóc và giải thoát họ trên mọi bước đường. Hiện hữu và lịch sử của họ, quả thực, đã được tạo dựng trên Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vì đó là lịch sử của một chuỗi dài những lời kêu cầu thống thiết van lơn, những lời tạ ơn và chúc tụng vì được đáp cứu trong mọi cơn nguy khốn (Xh 3,14; 15,1-2; Tl 20,2-4; Is 40,31; Tv 18; 119).
Trong cảnh ngữ Kinh Thánh đó, và nói chung, Kinh Tiền tụng trong Phụng Vụ Thánh Thể cũng là những lời ngợi khen, cảm tạ và tung hô Thiên Chúa bằng cách tường thuật các kỳ công của Người vẫn còn tiếp diễn trong thời gian vì Lòng Thương Xót của Người. Tiêu biểu như đọc thấy trong Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ VII Thường Niên:
Vì lượng từ bi, Cha yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Đấng Cứu Chuộc đến với chúng con. Người vô tội mà Cha muốn Người sống như chúng con, để Cha yêu thương nơi chúng con điều Cha quý mến nơi Con Cha”.
Để rồi từ đây, chúng ta có thể thấy Lời Tung Hô: “Thánh, Thánh, Thánh” và “Chúc tụng Đấng nhân Danh Chúa mà đến” (Tv 118,26; Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38; Pl 2,11) được cất cao trong sự liên tục với Lời Chúc Tụng từ Cựu Ước. Và nếu Lời Tung Hô này phản ánh thần hứng trong thị kiến khai mạc về sứ vụ của Isaia khi ông tự thú mình là tội nhân, “miệng lưỡi dơ bẩn giữa một dân miệng lưỡi cũng dơ bẩn” trong Đền Thờ (Is 6,3; Kh 4,8) để rồi được Thiên Chúa thánh hoá, nghĩa là được chứng kiến cảnh Người ngự trên toà cao sang vinh hiển cùng với muôn lời ngợi khen của triều thần thiên quốc: “Hoan hô Chúa trên các tầng trời”, thì hẳn chúng ta có thể hiểu được từ ngữ “Chúc Tụng” và “Hoan Hô” đó là “Hosana” dành cho Đức Kitô sắp ngự xuống giữa cuộc cử hành Thánh Thể. Vì “Hosana” mang ý nghĩa nguyên thuỷ là “Xin cứu vớt” hay “Xin ban ơn cứu độ” (Tv 118,25) như Đức Kitô thực sự là Đấng “đã được sai đến làm Đấng Cứu Độ và chuộc tội” nhân loại (Lc 2,11; Ga 4,42; Ep 5,23; 1 Pr 1,18-19; Gl 3,3), và được dân chúng tung hô như thế, đặc biệt khi Người tiến vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia (Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38; Ga 12,12-16).

Như vậy, chẳng phải với “Lời Cầu Khẩn Chúa Thánh Thần” (Epiclesis) trong Kinh Tạ ơn, Cộng đoàn Phụng Vụ xin Thiên Chúa thực hiện một kỳ công “sáng tạo mới”, một ân sủng “cứu vớt mới” của Lòng Thương Xót là cử Thánh Thần của Người xuống thánh hoá lễ vật hầu Bánh và Rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô, và làm cho tất cả những người dự phần vào Thánh Thể được tràn đầy mọi ân phúc bởi trời.[11] Nhờ sự hiện diện đích thân của Đức Kitô dưới hình “Bánh và Rượu” mà trong Thánh Thể chúng ta lãnh nhận được sự sống mới (Rm 8,15), có thể cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha (Gl 4,6), cảm nhận được tình yêu xót thương tuôn đổ trong tâm hồn (Rm 5,5), chan chứa niềm hy vọng hướng tới vinh quang tương lai (Rm 15,13). Kinh Tạ ơn IV làm sáng tỏ thêm ý hướng này:
Lạy Chúa, xin đoái nhìn Hiến Lễ chính Chúa đã dọn sẵn cho Hội Thánh Chúa, xin Chúa nhân từ ban cho tất cả những ai sẽ thông phần cùng một bánh và chén này, được Chúa Thánh Thần quy tụ tất cả thành một thân thể, trở nên hiến lễ sống động trong Ðức Kitô để ca tụng vinh quang Chúa”.
“KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN”

Cuộc cử hành tiếp diễn đưa chúng ta vào “tâm điểm”, vào phần quan trọng nhất, đó là phần Tường thuật việc thiết lập Thánh Thể, phần “Truyền Phép” hay đúng hơn là “Lời Hiến Thánh” (Consecratio),[12] lập lại những lời nói, hành động và cử chỉ của Đức Kitô trong Bữa Tối Sau Cùng với các môn đệ. Đặc biệt theo các bản văn Tin Mừng Nhất Lãm thì đây là Bữa Tiệc Vượt Qua trong đêm trước khi chịu khổ nạn (Mt 26,2.17-19; Mc 14,12-17; Lc 22,7-14), vừa biểu lộ ý nghĩa ngôn sứ, vừa hoàn kết và hòa quyện ý nghĩa đó vào sứ mạng cứu thế của Đức Kitô, Đấng hiến mình cho nhân loại. Và vì hiến mình như thế nên chính Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20), là Con Người mẫu mực của Lòng Chúa Xót Thương, vì đã trở nên Lễ Vật hy sinh và đành mất mạng sống, để xuyên qua đó, khai mở sự sống đích thực cho nhân loại.
Bởi vậy, đến “giờ” hiến dâng thân mình, vào lúc Chiên Vượt Qua “chịu sát tế” (Ga 13,1; 17,1), Người cầm lấy Bánh và Rượu, đọc Lời Chúc Tụng, rồi công bố:
Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”, và “ Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là Chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” (Lc 22,19-20; 1 Cr 11,24).
Hành động như thế, Người minh nhiên giải thích cái chết của Người trên Thập Giá như một Hy Lễ Tạ Ơn, trong đó Người trọn vẹn hiến dâng chính mình, vừa là Tư Tế, vừa là Của Lễ, tất cả là một vì thương xót chúng ta và cứu thoát chúng ta khỏi phận nô lệ cho tội lỗi, để rồi đưa chúng ta vào tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa, từ chốn lưu đầy chết chóc về với quê nhà chan hoà sự sống. Như lời diễn giải sâu rộng của Phaolô khi cho thấy nơi Thập Giá, đã có sự hoán đổi vị trí giữa Đức Kitô với chúng ta: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).

Và như thế, “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người” (2 Cr 5,19). Chẳng phải chính Tân Ước cũng trình bày Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đấng “Chịu Đóng Đinh” và “Phục Sinh” như một Hy Lễ hoà giải dâng lên Chúa Cha và Thập Giá cũng được hiểu như “đỉnh điểm” của Lòng Chúa Xót Thương đó sao? Vì “Có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” như tác giả Tin Mừng Gioan ghi nhận? (Ga 15,13). Trong suốt cuộc đời trần thế, Ðức Kitô đã loan báo Hy Lễ Vượt Qua của Người bằng lời giảng dạy và tham dự trước vào mầu nhiệm đó bằng các hành vi chữa lành, cũng như gặp gỡ đồng bàn với mọi tầng lớp con người trong xã hội.[13] Quả thực, Người “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Người là Con Thiên Chúa, nhưng đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang”, lại còn “huỷ mình ra không” (Pl 2,6-8), chịu cảm giác phải “xa lìa” Thiên Chúa, bị “bỏ rơi” trong cõi chết cô quạnh, liên đới với các tội nhân khi yêu thương chúng ta cho đến cùng, ngõ hầu chúng ta có thể trở nên những chi thể sống động trong Thân Mình Phục Sinh của Người.
Không những vậy, Người còn thiết tha mời gọi các môn đệ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1 Cr 11,25). Qua những lời này, Đức Kitô truyền cho chúng ta cử hành trong lịch sử việc tưởng niệm chính Người trong Hy Lễ Vượt Qua đó, nghĩa là hiện tại hoá “cuộc khổ hình hồng phúc, sự sống lại vinh hiển và lên trời” của Người. Trong Kinh Thánh, “Tưởng Niệm” không đơn thuần chỉ là kỷ niệm một biến cố đã qua. Những từ ngữ “Zikkaron, Azkarah” trong Hípri được chuyển dịch sang tiếng Hy Lạp là “Anamnesis, Mnemosunon” mang ý nghĩa rất phong phú, tiềm ẩn trong “Kinh Tưởng Nhớ” của cuộc cử hành Thánh Thể nói lên việc “công bố” những gì Đức Kitô đã thực hiện, không như một bài học lịch sử phải ghi nhớ cho bằng một “biến cố” mà giờ đây có khả năng phát sinh hiệu quả liên quan tới chúng ta vào “lúc này và ở đây”. Quá khứ trở nên đồng thời với Cộng đoàn cử hành Thánh Thể, nhờ đó, “Biến cố Thập Giá và Phục Sinh” của Đức Kitô “vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống”.[14] Và như vậy, phải chăng mỗi lần chúng ta ăn Bánh và uống Chén Thánh này là chúng ta “loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến” (1 Cr 11,26) cũng chính là loan truyền Lòng Chúa Xót Thương cho đến muôn đời? Vì Thiên Chúa đã nói hết tất cả, đã tỏ lộ tất cả khi trao ban tất cả cho chúng ta trong Người Con Yêu Dấu “chịu đóng đinh” làm Của Lễ hoà giải, làm Hiến Tế cứu độ, và trong Người Con đó, Lòng Thương Xót của Người vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm hoàn kết chung cuộc.
Theo nghĩa này, với Lời Nguyện Dâng Tiến (Anaphora) của lễ tuyệt hảo được dâng lên Thiên Chúa là “Bánh Trường Sinh” và “Chén Cứu Độ”,[15] là “Mình” và “Máu Thánh” Đức Kitô, là chính Thân Mình của Đấng “Chịu Đóng Đinh” và “Phục Sinh”. Như trong Bữa Tối Sau Cùng cũng như trên Thập Giá, Người đã sẵn lòng “chịu khổ nạn” và đổ máu đào mà hiến dâng thân mình Người cho Chúa Cha trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần và cho tất cả chúng ta (Ep 5,2; Gl 2,20; Dt 9,14), và chỉ dâng tiến một mình Người, dù một lần mà thôi, cũng đủ để cất đi mọi của lễ trên đôi tay nhân loại (Dt 7,27; 9,12). Thế nhưng, qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã trở thành những chi thể trong Thân Mình của Người, nên trong Thánh Thể, chúng ta không những được tham dự vào Tình Yêu Tự Hiến của Người để dâng tiến chính Người làm Hy Lễ như lời Người truyền dạy mà còn được ban cho một cơ hội ưu việt để tiến dâng toàn thể Cộng đoàn chúng ta, nhờ đó có thể học biết thể thức dâng hiến “bản thân” mình như một của lễ sống động và thánh thiện (Rm 12,1).
Và ở đây, dâng hiến bản thân chất chứa những gì nếu không phải là tất cả cuộc sống, những tâm tình ước mơ, vui sướng khổ đau, những quan ngại cá nhân và gia đình, công việc đang làm, những mối quan hệ, và hoạt động của tình yêu với mọi người thân cận, “lo âu và hy vọng” trong thế giới nhân sinh với niềm xác tín rằng tất cả đều đáng trân trọng trước mặt Thiên Chúa, đều được đưa vào trong quỹ đạo biến đổi của Lòng Chúa Xót Thương, được mặc lấy một giá trị thánh thiêng. Không những thế, trong tâm tình kính nhớ và hiệp thông với toàn thể các Thánh, đặc biệt cùng với Đức Maria, việc tham dự vào Hy Tế Thánh Thể trở nên một lời cầu nguyện hiến dâng chuyển cầu không những cho người đang sống mà còn cho cả các tín hữu, những anh chị em của chúng ta đã ly trần trong Đức Kitô. Như lời thánh Cyrillô thành Giêrusalem:
Khi dâng lên Thiên Chúa lời khẩn cầu cho những ai đã an giấc mà còn vướng mắc tội lỗi, chúng ta... dâng chính Đức Kitô chịu hiến tế vì tội lỗi mọi người, khiến Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương chúng ta, sẽ dủ tình khoan dung với họ và với chúng ta.[16]
Vậy nếu được kết hiệp với Hy Lễ của Đức Kitô, chẳng phải tất cả đều được “thánh hiến”, trở thành thấm đượm tình yêu của Lòng Thương Xót đó sao? Còn của lễ nào “thật là chính đáng, phải đạo, và đem lại ơn cứu độ” cho chúng ta hơn với ý nghĩa thâm sâu tròn đầy như thế? Bởi vì căn cứ theo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì:
Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,18-19).
Thật vậy, trong Thánh Thể, nhờ Thần Khí của Thiên Chúa thánh hoá, chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô và với nhau trong một Hy Lễ Tạ Ơn. Chúng ta đón lấy Tình Yêu Tự Hiến của Người, để cùng với Người và trong Người, chúng ta được trở nên những kẻ thờ phượng đích thực. Như lời nguyện cầu chúc tụng:

Lạy Cha, xin nhìn đến hy lễ chính Cha đã ban cho Hội Thánh, và xin thương cho tất cả những ai cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu này, được Chúa Thánh Thần liên kết thành một thân thể, và trở nên hy lễ sống động trong Đức Kitô để ca tụng Cha vinh hiển”.[17]
Như thế, Hy Lễ của Đức Kitô cũng trở thành Hy Lễ của các chi thể trong Thân Mình Người. Thánh Augustinô đã cảm nhận sâu sắc điều đó:
Đây là Thánh Đô hoàn toàn được cứu rỗi, tức là Cộng đoàn và tập thể các Thánh, được tiến dâng lên Thiên Chúa như một hy tế hoàn vũ, nhờ đôi tay của vị Thượng Tế, Đấng đã mặc lấy thân nô lệ, lại còn hy sinh tới mức dâng hiến chính mình vì chúng ta trong cuộc Khổ Nạn, để làm cho chúng ta nên Thân Mình của Người.[18]
Trong bối cảnh Lòng Chúa Xót Thương đó, có thể thấy các Kinh Nguyện Tạ Ơn khác nhau cũng phản ánh tỏ tường, khởi đi từ những chiều kích ý nghĩa cốt yếu của “Lời Kinh Dâng Tiến” mẫu mực này:
Lạy Cha rất nhân từ, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Cha Chúa chúng con, chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương nhận và ban phúc cho những của lễ hiến dâng, của lễ thượng tiến, của lễ hy sinh tinh tuyền và thánh thiện này... Lạy Chúa, xin thương ban phúc, chấp nhận, chuẩn y, làm cho những lễ vật này được hoàn hảo và đẹp lòng Chúa, hầu trở nên cho chúng con Mình và Máu Con chí ái của Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con... Xin Chúa ghé mắt nhân từ và khoan hậu... Xin Chúa thương ban cho các tín hữu... và tất cả mọi người... Xin cũng cho chúng con là tôi tớ tội lỗi đang hy vọng vào lượng từ bi hải hà của Chúa, được thông phần với Cộng đoàn các Thánh” (Kinh Tạ ơn I).
Chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa... Chúng con nài xin Chúa thương xót tất cả chúng con, cho chúng con được đồng hưởng sự sống đời đời cùng với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa... các Thánh Tông Đồ và toàn thể các Thánh” (Kinh Tạ ơn II).
Vì vậy, lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ cũng một Chúa Thánh Thần, đoái thương thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây... Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến... Xin Chúa thương nhận lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước Tôn Nhan Chúa đây... Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha... Xin Cha thương đến anh chị em chúng con đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con” (Kinh Tạ ơn III).
Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người... Lạy Cha chí thánh, Cha yêu thương thế gian, đến nỗi khi tới thời viên mãn, đã sai Con Một đến làm Ðấng cứu độ chúng con... Người đã yêu thương họ đến cùng, nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ... Lạy Cha nhân từ, xin ban cho tất cả chúng con là con cái Cha được hưởng phần gia nghiệp thiên quốc...” (Kinh Tạ ơn IV).
2. NHƯ “TRÁI TIM” ĐONG ĐẦY TÌNH MẾN VÀ NIỀM THƯƠNG CẢM
Kết thúc Kinh Tạ ơn là phần Vinh Tụng Ca long trọng. Trong đó, tất cả Cộng đoàn cử hành Thánh Thể cùng hợp tiếng tung hô: “Amen”, như một lời thưa “Xin Vâng”, xin hãy là như thế, hết sức sinh động, đầy sức mạnh tôn vinh Thiên Chúa trong hành vi cứu độ của Người với niềm tri ân cảm tạ. Bởi vì, ở đây trong cuộc cử hành Thánh Thể, điều chính yếu không phải là việc chúng ta dâng lên Thiên Chúa công lao hiến tế hay những lời chúc tụng của mình cho bằng biết mở rộng lòng ra đón nhận Lòng Thương Xót của Người.

Việc chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, quả thực, “chẳng thêm gì cho Người, nhưng là “hồng ân” Người ban, “đem lại cho chúng ta ơn cứu độ nhờ Đức Kitô”.[19] Và qua đó, chúng ta công bố chúng ta tin những điều vừa được cử hành trong Hy Lễ Thánh Thể, chúng ta hiệp nhất với nhau trong lời Vinh Tụng Ca, và cam kết sống theo mọi ý nghĩa hàm ẩn, đồng thời nhìn nhận chỉ có Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất, Đấng giàu lòng thương xót mà thôi. Như Abraham và Dân Chúa ngày xưa đã nói tiếng “Amen” với Thiên Chúa, để rồi chỉ cậy dựa vào một mình Người và phó thác tất cả cho lòng từ ái của Người (St 12,1-3; 22,2-19; Gr 28,6; 1 V 1,36; Ds 5,2). Và cũng như các Thánh và triều thần xướng lên: “Amen” thành “Halleluia” trong Phụng Vụ Thiên Quốc (Kh 5,14; 7,12; 19,4), thì lời tung hô long trọng của Cộng đoàn các tín hữu quy tụ quanh Đức Kitô “Chịu Đóng Đinh” và “Phục Sinh” được nâng lên thành lời “tuyên tín”: chính Người là Con Thiên Chúa, là nguồn mạch phong nhiêu của Lòng Thương Xót (Kh 3,14; Ga 1,51; 5,19; 2 Cr 1,19,20; Rm 1,25; Gl 1,5; Ep 3,21; 1 Cl 16,24).
Vì thế, vị chủ tế cầm đĩa Bánh và chén Máu Thánh nâng cao như thể công bố với niềm xác tín: “Mình và Máu Thánh Đức Kitô” được tặng ban cho chúng ta thì giờ đây chính là “danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năngtrong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”. Chẳng phải “Tấm Bánh” thánh thiện, tinh tuyền này cũng tỏ lộ một “Trái Tim” đong đầy tình mến, trọn vẹn và thành tín của Thiên Chúa giữa lòng thế giới, và “Chén Rượu” tuôn đổ nơi đây cũng là dấu chứng sống động của một tình yêu xót thương cho đến tột cùng, độ lượng cao cả như “Tấm Lòng” của Thiên Chúa, chan chứa niềm cảm thương cho muôn người đó sao?
“BẺ RA”

Như thế, Vinh Tụng Ca kết thúc toàn bộ ý nghĩa Kinh Nguyện Thánh Thể để khai mào Nghi Thức Hiệp Lễ. Bánh và Rượu đã được thánh hoá thành Mình và Máu Đức Kitô, và tất cả chúng ta cũng được biến đổi nên một “thân thể, một tinh thần” trong Người, thì giờ đây động tác “Bẻ Ra” để rồi “Trao Ban” tương ứng với phần Hiệp Lễ và khởi đầu với Kinh Lạy Cha.[20] Trong tư thế dang tay đầy cảm xúc linh thiêng để tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời diễn tả tình hiệp nhất, vị chủ tế mời gọi Cộng đoàn tín hữu cùng dâng lời cầu nguyện. Và như những người con vừa nhận biết được Cha mình thật là “Đấng Thánh, là nguồn mọi sự Thánh Thiện”, vừa ý thức về thân phận phàm nhân hèn mọn, tội lỗi yếu đuối của mình, nhưng xác tín được tấm lòng của Cha hay thương xót thứ tha, nên an tâm vững dạ, can đảm “trở về” cùng Người (Ep 3,12; Dt 3,6; 4,16; 10,19, 1 Ga 2,28; 3,21; 5,14). Vì thế, Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất mà Đức Kitô, Con Một của Thiên Chúa đã truyền đạt cho chúng ta (Mt 6,9-14; Lc11,2-4). Và với tư cách là những chi thể trong Thân Mình Người, “vâng lệnh Người và theo thể thức Người dạy, chúng ta mới dám nguyện xin” cho tâm hồn được xứng đáng lãnh nhận chính Người nơi Bàn Tiệc Thánh Thể như tiền dự vào Bàn Tiệc của Nước Thiên Chúa.
Và nếu Kinh Lạy Cha thâu tóm toàn bộ những lời cầu khẩn của Kinh Nguyện Tạ Ơn, thì chẳng phải đó là Kinh của Lòng Chúa Thương Xót? Như các giáo phụ Tertulianô, Cypryanô, Ambrôsiô và Augustinô đã nhận ra Kinh Lạy Cha như bản tóm lược sứ điệp của Đức Kitô nơi những trang đầu tiên của Tân Ước. Và các ngài đã đưa lời kinh đó vào trong chương trình giảng dạy giáo lý cho các dự tòng, trước và sau khi lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm, nhằm giúp họ ý thức về thực tại “cát bụi” của thân phận, nhờ đó có thể cảm thức sâu xa hơn về Lòng Thương Xót hải hà của Thiên Chúa. Vì lời kinh khơi dậy lòng sám hối, thúc đẩy họ quay về hoà giải với Thiên Chúa sau mỗi lần bất trung bội phản để được phục hồi tư cách làm con cái trong gia đình của Người. Và đó cũng là nhu cầu nhận biết rằng mình thuộc về một Cộng đoàn Giáo Hội, một Cộng đoàn bao gồm mọi hạng người trong mọi hoàn cảnh sống và trình độ văn hoá khác biệt, và vì thế, cần được triển nở theo nguyên lý giáo dục của Lòng Chúa Xót Thương đối với mọi người, để có thể đối xử với nhau trong tâm tình từ bi nhân hậu, thương cảm và thứ tha. Quả thực, lòng thương xót là hoa trái công chính của một niềm tin chân thành.[21]
Và nếu được trở nên công chính, nghĩa là được trở thành con cái Thiên Chúa không phải do công đức hay công trạng của chúng ta, nhưng tất cả nhờ Lòng Thương Xót của Người, thì chẳng phải “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng” cũng là “Abba, Cha ơi!” “Nguyện cho Lòng Thương Xót của Cha” như “Trái Tim Mặt Trời” được toả sáng khắp nơi? (Rm 8,14-16; Gl 4,6). Vì Danh Thánh của Cha, theo lời Kinh Thánh đã mặc khải, chính là Cha, Đấng “chạnh thương, tín thành, huệ ái, bao dung” (Tv 103,8; Xh 3,13-15; 34,6-7), để “Dung Nhan Lòng Thương Xót” của Cha được tỏ hiện đầy tràn siêu bội nơi bản thân của Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể (1 Ga 1,1-4; 4,8,16; Mc 6,34; Mt 7,13; Lc 7,13; Ga 11,35). Và cho “Nước Cha trị đến”, chẳng phải là Nước của “Tình Thương” bao la, hằng cửu và trọn vẹn đến muôn ngàn đời? (Tv 136). Hiện hữu trong Nước ấy, chẳng phải là những con người có lòng từ tâm “ăn ở hiền lành”, biết “động lòng trắc ẩn” đối với tha nhân, “xây dựng hoà bình”, “thành tín chân thật”, “khát khao” những điều công chính, những “kẻ đói nghèo thấp kém” và tội lỗi đã được Chúa xót thương cứu rỗi, và cả những ai đã nỗ lực “thực thi lòng thương xót” trong hành trình đời mình? (Mt 5,3-10; 31,34-36).
Và liên hệ với “Nước Cha” chính là lời thỉnh cầu: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”. Ở đây, “Ý Cha” là gì nếu chẳng phải là thiên ý của “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”? (1 Tm 2,3-4; 2 Pr 3,9). Thật vậy, chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã được sai đến trần gian để chu toàn “Ý Cha”, đó là “tự hiến mình làm giá chuộc mọi người”, và “để gầy dựng cho Cha một dân tộc thánh thiện, Người đã dang tay chịu khổ hình để tiêu diệt sự chết và biểu hiện sự sống lại” (Kinh Tạ ơn II). Tin Mừng đã ghi lại nhiều lời giảng dạy của Người về Lòng Thương Xót của Cha trên trời và tỏ bày rõ nét khi Người đi tìm kiếm những kẻ lầm đường lạc lối, cũng như vui mừng khi họ trở về (Mt 9,13; 18,12-14; Mc 2,17; Lc 5,32; 15,1-31). Vì Thiên Chúa đã chẳng bao giờ “vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi họ thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11).Phải chăng công trình cứu độ là kết quả của Lòng Thương Xót? Và do đó, một khi chúng ta đã được Thiên Chúa xót thương, thì đến lượt chúng ta cũng được mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Để “lương thực hằng ngày” mà chúng ta kêu cầu, không những là lương thực vật chất cần thiết cho cuộc sống con người, mà còn có nghĩa, theo chú giải của nhiều giáo phụ, là lương thực thiêng liêng: “Đức tin, Lời Chúa và Bánh Thánh Thể”, Bánh của Lòng Thương Xót mang lại sự sống đời đời (Ga 6,32.33.51).[22] Nhờ vậy, chúng ta mới dám xin Cha “tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha nợ cho những kẻ có nợ chúng con”. Với tâm tình đó, chúng ta thực sự thú nhận và tin tưởng rằng “Mọi đường lối của Thiên Chúa đều là thương xót và chân lý” (Tv 25,10), toả sáng ý nghĩa tương ứng: “chính lúc thứ tha là khi được tha thứ”. Như dụ ngôn hai người mắc nợ: “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33). Bởi lẽ: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Và hẳn nhiên là: “Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Cũng nơi đây, chính lúc chúng ta cảm thụ được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là khi chúng ta “mặc lấy lòng thương cảm” (Cl 3,12) và “tỏ lòng thương xót lẫn nhau” (Ep 4,31-32). Bởi vì chúng ta xin Người “cứu chữa khỏi mọi sự dữ” và “đoái thương cho những ngày... đang sống được bình an” trong mối hiệp thông với Đức Kitô và với nhau, để rồi nhận ra chúng ta có một Cha duy nhất và tất cả đều là anh chị em với nhau. Như thế, “Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp” chúng ta mới “luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn”. Thật vậy, ngôn từ Phụng Vụ Thánh Thể không gì hơn là tuyên xưng Đức Kitô là Đấng Phục Sinh để hiện tại hoá Lòng Chúa Xót Thương con người qua muôn thế hệ trong lịch sử, đồng thời “mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại” của Người trong vinh quang.
Thế nên, sau khi Cộng đoàn tín hữu tung hô: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”, thì vị chủ tế cuộc cử hành Thánh Thể hướng về Đức Kitô van xin Người ban phúc bình an như lời đã hứa với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Căn cứ vào những lời lẽ ân tình ấy, kinh nguyện tiếp tục với việc “Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa”. Đây là ý nghĩa nguyên thuỷ trong lời kinh mời gọi Cộng đoàn tín hữu tin cậy, bám chắc vào tình yêu xót thương của Thiên Chúa[23], Đấng đã phó nộp Đức Kitô làm Chiên Vượt Qua để “xoá tội” trần gian hầu đem lại cho chúng ta một ơn trọng đại giữa muôn vàn ơn thánh, đó là sự “Bình An” mà trần gian không thể tặng ban (Ga 14,27-31). Vì bình an chính là hoa trái trổ sinh từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đấng Phục Sinh. Trong nhiều lần “tỏ mình” ra cho các môn đệ “sau khi trỗi dậy từ cõi chết”, Đức Kitô đều chào chúc họ với lời yêu thương: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19; 21,26; Lc 24,36), “Thầy đây, đừng sợ” (Mt 28,10), “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Trong bối cảnh ý nghĩa đó, sau lời nguyện cầu bình an là lời chúc bình an của vị chủ tế đối với Cộng đoàn tham dự Thánh Thể: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Nơi đây, mọi người cảm nghiệm được mối hiệp thông với nhau, cùng chia sẻ một nguồn bình an duy nhất mà Thiên Chúa đoái thương ban tặng: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Việc cầu chúc bình an và đón nhận bình an như thể được dệt lên từ chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở nên một “Thân Mình” (1 Cr 12,27), qua đó chúng ta nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Kitô “ở đây và lúc này” nơi mỗi người anh chị em của chúng ta, công khai giao hoà với nhau trong tâm tình khiêm cung tương kính. Đồng thời khi cảm nhận được sự hiện diện của Đức Kitô giữa Cộng đoàn các tín hữu như thế, chúng ta có thể cảm nghiệm được Lòng Chúa Xót Thương khi để mình chìm lắng vào trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đấng Cứu Thế và học cho biết lối đường “vượt qua” mọi đổ vỡ, chia rẽ oán hờn, tranh chấp dở dang, để tất cả được sống trong yêu thương hiệp nhất và bình an đích thực.
Chính vì thế, sau Nghi Thức Chúc Bình An, chúng ta chính thức bước vào phần “Bẻ Bánh” với lời kinh đối đáp quyện vào nhau: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Trong đó, với hai lần cất lên lời van xin “Lòng Thương Xót” như thế, để rồi mới khấn cầu: “Xin ban bình an cho chúng con”. Tất cả như thể cô đọng cả Nghi Thức Hiệp Lễ từ đầu đến cuối thành một điệp ca tiếp liên giữa “Chiên Thiên Chúa” với “Lòng Thương Xót” để cho “Bình An” được khơi nguồn tuôn đổ.

Và như thế, chẳng phải sự bình an này đạt được là nhờ cái chết trong cuộc hiến tế tình yêu của Đức Kitô, “đóng đinh” tất cả tội lỗi của nhân gian trên Thập Giá, đỉnh thiêng viên mãn của hồng ân cứu rỗi? Vì tình yêu xót thương, Người đã không chỉ “xoá tội”, cất đi, mà trước hết là mang lấy, gánh lấy vào thân mình mọi đau khổ, chết chóc của chúng ta, của toàn thể thiên hạ, “giương cao lên khỏi mặt đất” (Ga 12,32), rồi mới đem đi đến tận cung lòng xót thương của Thiên Chúa, để tội lỗi, sự dữ và sự ác không phải là tiếng nói cuối cùng.[24] Phải chăng, có thể nói, đây là sự bình an toàn diện, tuyệt hảo, mang đặc tính cốt yếu thẳm sâu của Lòng Thương Xót. Chỉ có lòng thương xót mới đem lại “niềm vui và sự bình an” của ơn cứu độ (Lc 19,5,9-10; Ga 8,11).[25] Vì lòng thương xót là an ủi vỗ về, rộng lượng từ bi, chạnh lòng tha thứ, cảm thông những yếu đuối của con người, bỏ qua điều xấu xa, yêu thương kẻ lỗi lầm, xua tan mọi nỗi lo sợ khổ đau, và do đó mang đến niềm hạnh phúc và bình an cho mọi người chung quanh (Ep 2,4; Rm 11,31; 15,9; Ga 8,11; Dt 4,14-15). Bởi vậy, cử chỉ “Bẻ Bánh” biểu thị ơn bình an và sự hiệp nhất xoay quanh một tâm điểm, đó là Đức Kitô, Con Chiên chịu sát tế, làm nền tảng kiến tạo nên một Cộng đoàn Thánh Thể:
Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17).
“TRAO BAN”
“Bẻ Ra” là để “Trao Ban”, “Hiến Tế” là để “mở toang” tình yêu và sự sống “tuôn trào”: “Máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Chính trong khung cảnh ý nghĩa “Đức Kitô đã chịu sát tế làm Chiên Lễ Vượt Qua của chúng ta” như thế đó (1 Cr 5,7), vị chủ tế nâng cao Mình và Máu Thánh trên Bàn Thờ, mời gọi Cộng đoàn vào phần “Rước lễ” với lời công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Kh 19,9). Các tín hữu cung kính nhìn lên “Mình Thánh” Đức Kitô như thể chiêm ngắm “Trái Tim” của “Đấng đã bị đâm thâu” (Ga 19,37) mà quỳ xuống cầu xin cho mình được chữa lành, để tâm hồn xứng đáng lãnh nhận trong tâm tình khiêm tốn, nhưng đầy niềm tin tưởng. Như lời của viên đại đội trưởng xin Người cứu chữa cho một đầy tớ bị tê liệt: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mt 8,8; Lc 7,6-7). Nơi đây, từ đáy sâu cõi lòng chúng ta có thể nghe thấy gì ngoài liên tưởng đến một chuỗi những lời Kinh Thánh vang vọng niềm cảm thương: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39), “Hãy cầm lấy mà ăn” (Mt 26,26; Lc 22,17-19; 1 Cr 23-26), “Hãy đến mà ăn bánh của Ta” (Cn 9,5; 1 V 19,5), “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51), “Này các con, có gì ăn không?” (Ga 21,4), “Các con đến mà ăn!” (Ga 21,12), “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao... Vì Người gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát” (Tv 34,9,19).
Và những lời khẩn khoản thiết tha ấy, như một điệp khúc về Lòng Thương Xót chẳng lẽ không đưa chúng ta vào sâu hơn trong “Trái Tim” của Thiên Chúa? Như Người Cha Nhân Hậu ôm lấy con với sự đằm thắm dịu dàng, đã không một lời than thở trách mắng, lại “mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,23,24), mặc dù trước đó con đã nghĩ và đã dám thốt ra lời: “Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15, 19,21). Một Lòng Thương Xót như thế trong cuộc đời chỉ có thể có dưới hình thái kiên tâm “đợi chờ”. Vì trong tình yêu chân thực thì không có “ép buộc”, nhưng chỉ biết đợi chờ với thời gian cho lòng se thắt để “tình đáp tình”. Vì yêu thương là trân trọng hiện hữu của người mình yêu, là cho đi chính mình, hoàn toàn “tự do, nhưng không và vô điều kiện”. Vì chắc hẳn Người Cha ấy đã xót thương con mình đến mức vừa chấp nhận cho con ra đi vào đời, tự do liệu lý cuộc sống, nhưng đồng thời vừa tha thiết mong con trở về để kề cận thương yêu chăm sóc. Và hẳn chúng ta nhận thấy, nếu Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, thì Người cũng hằng chờ mong chúng trở về “đón nhận” Lòng Thương Xót của Người. Như người Cha đã “trông thấy con từ đằng xa”, rồi “chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Nhưng làm sao với “tuổi già sức kém, mắt mờ, chân chậm” lại có thể “trông thấy” và “chạy ra” được? Chẳng phải “trông thấy”, “chạy ra” và tất cả là do sức lực phát xuất từ tấm lòng “chạnh thương”, huệ ái đó sao? Và “Áo đẹp nhất đem ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,22-23) chính là những hành vi, những nghĩa cử cao đẹp của Lòng Thương Xót, một tấm lòng biết đợi chờ xót xa qua biết bao nhiêu ngày tháng đêm dài.
Như thế, chẳng phải “Trao Ban” trong Thánh Thể cũng có nghĩa là “chờ đợi” để được “đón nhận” trong ngữ cảnh đó sao? Đến nỗi trong suốt chiều dài của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn “ngỏ lời” với con người và vẫn hằng chờ đợi con người “lắng nghe” đáp lời. Để khi “thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gl 4,4), rồi chờ đợi cho tất cả mọi sự “được quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10). Và chẳng lẽ Đức Kitô đã không chờ đợi bước vào “Giờ” của Người, giờ “hiến tế”, giờ “tình yêu”, giờ “xuất hành”, giờ “siêu vượt bản thân”, giờ “được tôn vinh”, giờ “trao ban” chính mình trong Thánh Thể? Thật vậy, Tân Ước làm sáng tỏ điều này: “Chính vì giờ này”, “Giờ yêu thương những kẻ thuộc về mình..., và yêu thương họ đến cùng” mà Người đã đến (Ga 12,27-33; 13,1-31), và:
Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn Lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,15-16).
Lòng Thương Xót vẫn luôn là Tấm Lòng với những bận tâm và mong mỏi như thế, và chỉ như thế mới thực sự mở ra cho sự sống mênh mông vô hạn. Đây, có thể nói, cũng là “trương lực cánh chung” trong cuộc cử hành Thánh Thể, giữa “Tưởng Niệm” và “Chờ Đợi”: “Chúc Tụng Đấng Nhân Danh Chúa mà đến!” với “Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài hãy đến” (1 Cr 16,22; Kh 22,20). Chúng ta có đón nhận Mình Thánh của Đức Kitô trong hiện tại mới có thể tiếp rước Người trong tương lai nơi Bàn Tiệc của Nước Thiên Chúa, với đức tin sống động cho tâm trí vươn tới trong niềm hy vọng và lòng mến “đợi chờ”. “Thầy đi và Thầy sẽ trở lại với anh em” (Ga 14,28).
Và nếu chúng ta không chờ đợi một tương lai nào khác hơn ngoài tương lai được hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô và với nhau trong Thần Khí của Người như Thiên Chúa đã hứa, thì “Trao Ban” trong Thánh Thể cũng mang ý nghĩa chịu “Tan Biến”, như “hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Bởi thế, khi chúng ta “Rước Lễ” chính là lúc Đức Kitô “trao ban” chính mình Người cho chúng ta, chịu “biến tan” trong chúng ta để chúng ta được kết hiệp với Người. Và hiệu quả đặc biệt của Thánh Thể là làm cho chúng ta thực sự được “biến đổi” cách mầu nhiệm, trở nên chính “Thân Mình” thánh thiêng và tinh tuyền của Người. Như nhận định thâm thuý của Thánh Albertô Cả: “Bí tích này biến đổi chúng ta nên thân thể Đức Kitô, khiến cho chúng ta trở thành xương trong xương Người, thịt trong thịt Người, chi thể nơi các chi thể Người”. Và cũng thế, Hiến chế Lumen Gentium trưng dẫn lời thánh Lêô xưa: “Việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Ðấng mà chúng ta lãnh nhận”. Vì vậy, mầu nhiệm “trao ban” để “biến đổi” này xứng đáng được coi là trung tâm, cốt lõi, và đỉnh cao của Lòng Thương Xót được cử hành và tôn thờ trong Thánh Thể. Ở đây, chúng ta có thể cảm nghiệm được sức năng động của sự hiệp thông Thánh Thể, như lời khẳng định của Đức Bênêđíctô XVI:

Mình và Máu Đức Kitô được ban cho chúng ta, để đến lượt chính chúng ta, chúng ta cũng sẽ được biến đổi. Chúng ta trở nên thân mình Đức Kitô, thành máu thịt của chính Người. Tất cả chúng ta cùng ăn một bánh, và điều này có nghĩa là chính chúng ta trở nên một. Như vậy, thờ lạy trở thành kết hiệp. Thiên Chúa không còn chỉ đứng trước mặt chúng ta như một Đấng Hoàn Toàn Khác nữa. Người ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Sức năng động của Người vào sâu trong chúng ta và sau đó tìm cách lan tỏa sang những người khác cho đến khi tràn ngập thế giới, ngõ hầu tình yêu của Người có thể thực sự trở thành chuẩn mực chủ chi phối cả thế giới.[26]
Với diễn ngữ như thế, tiếp đến phần “Nghi Thức Kết Lễ”, chúng ta thấy trong câu chuyện trên đường Emmaus có một điều hết sức nhiệm mầu trong việc “giải tán” các môn đệ với lời công bố: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Bởi lẽ, khi “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra” Đấng Phục Sinh nơi cử chỉ “Bẻ Bánh” thì “Người lại biến mất” (Lc 24,31.33.35). Người “biến mất” vào đâu nếu chẳng phải khi “trao ban” chính mình cho họ là lúc Người chịu “tan biến”, thấm nhập vào trong Lòng họ, để rồi: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem... và các bạn hữu đang tụ họp tại đó..., thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24,33-35). Chẳng phải Tân Ước cũng trình bày Người “được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”, nhưng lại “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” đó sao? ((Mc 16,19; Mt 28,20; Lc 24,51; Cv 1,1-5).
Và như thế, một khi đã tiếp nhận Thánh Thể là chính Tình Yêu Tự Hiến của Đức Kitô, là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vào trong tâm hồn, chúng ta có thể thẩm thấu sức sống của Đấng Phục Sinh và trở thành “hiện thân” của Người. Bởi vì Người tiếp tục sống trong chúng ta, giữa chúng ta và hiện diện với chúng ta như một dòng chảy đích thật tuôn tràn, lôi cuốn chúng ta vào trong sự hiệp thông của chứng tá về Lòng Thương Xót của Người. Như “các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20). Trong Thánh Thể, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tỏ lộ trong Tình Yêu Tự Hiến của Đức Kitô và được “trao ban” cho chúng ta, để đến lượt mình, chúng ta cũng trở thành những người “trao ban” Lòng Thương Xót ấy cho mọi người trên các nẻo đường trần thế. Như lời lẽ đơn thành nhưng rất sâu sắc được coi là của thánh Têrêxa Avila:

Đức Kitô ngày nay không có thân xác nào khác ngoài thân xác của bạn, không có đôi tay nào khác ngoài đôi tay của bạn, không có đôi chân nào khác ngoài đôi chân của bạn. Cặp mắt mà qua đó Đức Kitô phải động lòng trắc ẩn chăm chú nhìn vào thế giới là cặp mắt của bạn. Đôi chân đưa Người đi đây đó thi thố việc lành là đôi chân của bạn. Đôi tay Người đưa lên chúc phúc cho chúng ta hôm nay là đôi tay của bạn.[27]
KẾT LUẬN
Với những suy tưởng và triển khai như thế, chúng ta có thể kết luận: Thánh Thể là Tin Mừng vĩ đại nhất của Lòng Thương Xót, vì Thánh Thể là “trung tâm, chóp đỉnh của Mầu Nhiệm Đức Kitô”,[28] là “cảnh vực thần linh” nơi diễn ra cuộc biến đổi kỳ diệu của “tình yêu-xót thương” chứa đựng “tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội”,[29] của Đấng “đã yêu mến” chúng ta và “hiến mạng” vì chúng ta (Gl 2,20). Chính Người đã được sai đến trần gian sống trọn vẹn tấn kịch của cuộc đối thoại tình yêu thâm sâu giữa Thiên Chúa với con người, hầu khai mào kế hoạch cứu độ, dẫn lối đưa muôn loài thụ tạo vào trong Thánh Điện đích thực, vào Bàn Tiệc chung cuộc vĩnh phúc.
Tất cả chỉ vì Tình Yêu Xót Thương nhân loại trong kiếp sống phàm trần đa đoan giữa tình trạng tự do và tình cảnh lưu đầy tội lụy, Đức Kitô đã hiến thân đến mức tuyệt đối làm Hy Lễ Tạ Ơn, tuôn đổ máu mình ra để thiết lập Giao Ước Mới, hàm chứa ý nghĩa “vượt qua” từ cuộc “sống cho mình” sang cuộc “sống cho Thiên Chúa”, tuôn đổ “cho muôn người” (Dt 9,11; Mc 10,45; Mt 20,28; Lc 22,19-20). Lời nhận định xúc tích của Đức Phanxicô cô đọng tất cả mối tương quan giữa Thánh Thể và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa:
Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt qua, Chúa Giêsu đã đặt động tác tối thượng này của mặc khải dưới ánh sáng của lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua cuộc khổ nạn và cái chết, với ý thức về mầu nhiệm tình yêu cao cả này sẽ diễn ra trên cây Thập giá. Được chính Chúa Giêsu dùng để cầu nguyện, Thánh Vịnh này càng đáng được quý chuộng hơn nơi các Kitô hữu chúng ta, thúc đẩy chúng ta luôn lập lại trong đời sống hằng ngày điệp khúc: “vì Lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời”.[30]
Chúng ta hẳn có thể nhận thấy Thánh Thể cũng như Lòng Chúa Xót Thương đều là bản quy chiếu, tóm kết và tổng lược đầy đủ toàn bộ đạo lý đức tin Kitô giáo. Trong Thánh Thể, Đức Kitô là Hy Lễ duy nhất vẹn tuyền, hoàn toàn là Con Người Vượt Qua, Con Chiên chịu sát tế, hiến mình “trở về cùng Cha” (Ga 13,1; Ep 5,2; Hr 10,20), để trở thành “Bánh Sự Sống” nuôi dưỡng nhân loại: “Bánh hằng sống từ trời xuống... Và bánh sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Thật vậy, vì Mầu Nhiệm Vượt Qua được cử hành trong Thánh Thể, là “tột đỉnh cho việc mạc khải và thực hiện lòng thương xót vốn có thể công chính hoá con người, khôi phục sự công bằng theo ý nghĩa của trật tự cứu độ mà Thiên Chúa đã muốn khởi nguyên nơi con người và, qua con người, trong thế giới”,[31] nên cũng có thể nói, Thánh Thể là “suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình”.
Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh. Lòng thương xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta.[32]
Như thế, mỗi khi cử hành Thánh Thể, Cộng đoàn các tín hữu tưởng nhớ đến cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, làm cho Hy Lễ Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, bằng chính Tình Yêu Tự Hiến của Người trở nên hiện diện sống động, thành “Thánh Thi” hoàn vũ khẩn cầu lòng thương xót cho những nhu cầu thiết yếu của con người trong thế giới hiện đại. Và chẳng phải đó cũng chính là lúc Thánh Thể cử hành, tôn thờ và làm nổi bật ánh sáng chân lý về một Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng xót thương sao? Thánh Thể chất chứa tất cả những gì Thiên Chúa thực sự đã, đang và sẽ còn thực hiện cho chúng ta, cho toàn thể tạo thành theo dòng lịch sử cứu độ, theo Lòng Thương Xót của Người.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 94 (tháng 5 & 6 năm 2016)

 
 

[1] ĐGH Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus, 1.
[2] Đại hội Thánh thể Quốc tế, Suy Tư Thần Học và Mục Vụ: “Hiệp Thông với Đức Kitô và với nhau”, Dublin, Ireland, 2012, 55.
[3] Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 61.
[4] Quy Chế Sách Lễ, 52; cf. Giuse Phạm Đình Ái SSS, Để Nhớ Đến Thầy: Lịch Sử, Ý Nghĩa của từng yếu tố trong Nghi Thức Thánh Lễ, NXB. Phương Đông, 68-69.
[5] Dẫn Nhập Tổng Quát vào Sách Bài Đọc, 4; Cf. Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 39.
[6] Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 79,80,81,82.
[7] ĐGH Phanxicô, “Lời Cầu Nguyện cho Trái Đất” trong Thông điệp Laudato Si, 159.
[8] Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 83.
[9] Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 83.
[10] Giuse Phạm Đình Ái SSS, Để Nhớ Đến Thầy: Lịch Sử, Ý Nghĩa của từng yếu tố trong Nghi Thức Thánh Lễ, NXB. Phương Đông, 310-311.
[11] Sách Giáo lý Công giáo, 1353, 1375; Quy Chế Sách Lễ, 79.
[12] Quy Chế Sách Lễ, 79.
[13] Sách Giáo lý Công giáo, 1085.
[14] Sách Giáo lý Công giáo, 1985.
[15] Kinh Nguyện Thánh Thể II.
[16] Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 111.
[17] Kinh Tạ ơn IV.
[18] Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 109.
[19] Kinh Tiền tụng, Chúa nhật thường niên, Tuần IV.
[20] Giuse Phạm Đình Ái SSS, Để Nhớ Đến Thầy: Lịch Sử, Ý Nghĩa của từng yếu tố trong Nghi Thức Thánh Lễ, 387-389.
[21] Công đồng Vatican II, trong Hiến Chế Lumen Gentium, 40.
[22] Cf. Kinh Thánh Việt Nam, Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh, ấn bản 2011, tr. 2162.
[23] Giuse Phạm Đình Ái S.S.S, Để Nhớ Đến Thầy: Lịch Sử, Ý Nghĩa của từng yếu tố trong Nghi Thức Thánh Lễ, NXB. Phương Đông, 206.
[24] Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm, “Cảm Nếm Nguồn Ơn” trong Tài Liệu Thường Huấn Linh Mục Đà Lạt, Thánh Thể, Nguồn và Đỉnh Cao của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội (2004), 167.
[25] ĐGH Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus, 13.
[26] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài Giảng tại Đại hội Giới Trẻ Thế giới lần thứ XX, Marienfeld (21/8/2005), Cf. trong Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 118.
[27] Đại hội Thánh thể Quốc tế (2012), 122.
[28] Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, 3,7.
[29] Công đồng Vatican II, Presbyterorum Ordinis, 5
[30] ĐGH Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus, 7.
[31] ĐGH Gioan Phaolô, Thông điệp Dives in Misericordia, 7.
[32] ĐGH Gioan Phaolô, Thông điệp Dives in Misericordia, 7.
 
Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, S.S.S
Nguồn: hdgmvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay27,361
  • Tháng hiện tại193,328
  • Tổng lượt truy cập50,605,935

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây