LỄ CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG
(Đn 7,9-10; 2Pr 1,16-19; Mt 17,1-9)
VÂNG NGHE ĐỨC GIÊSU
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe Người!” (Mt 17,5)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Đn 7,9-10)
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta một thị kiến của Đanien nói về vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đang ngự trên ngai. Từ trước ngai, một dòng sông lửa cuồn cuộn chảy ra, có hàng vạn thiên thần hầu hạ Người. Trong khung cảnh uy nghi này, có ai đó giống như Con Người đang ngự giá mây trời mà đến, và nhận lấy vinh quang, uy quyền, và vương quốc; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phụng sự Người. Và uy quyền của Người là uy quyền vĩnh cửu và vô tận, không gì có thể phá hủy được. Thị kiến này của Đanien đã loan báo về vinh quang Phục sinh của Đức Giêsu sau này, và vinh quang đó có liên hệ mật thiết với cuộc hiển dung của Đức Giêsu. Chính qua cuộc hiển dung, chúng ta hiểu rằng vinh quang phục sinh của Đức Giêsu không phải là một vinh quang nào đó mới lạ, nhưng chính là vinh quang mà Người luôn có nơi Người.
2. Bài đọc 2 (2Pr 1,16-19)
Trong bài đọc 2, thánh Phêrô đã nhắc lại kinh nghiệm thật của mình về cuộc hiển dung đầy vinh quang của Đức Giêsu. Kinh nghiệm này làm nên nền tảng đức tín của thánh nhân, và cũng là của chính chúng ta. Chính thánh nhân đã khẳng định và làm chứng rằng: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến’. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.
3. Bài Tin Mừng (Mt 17,1-9)
Cuộc hiển dung của Đức Giêsu mà Tin Mừng hôm nay thuật lại đã cho chúng ta một cái nhìn về con người Giêsu trong một khoảnh khắc đặc biệt của đời sống nơi dương thế của Người. Truyền thống luôn xem trình thuật này như là một dấu chỉ dành cho các môn đệ, để giúp các ông không chỉ vượt qua scandal thập giá của Đức Giêsu, mà còn là chìa khóa để giải thích về sự phục sinh của Người: Đức Giêsu không phải được Thiên Chúa chọn nhận làm con, tức là Người khoác chiếc áo bào vinh quang cho một con người nào đó, nhưng là một mạc khải trọn vẹn về vinh quang thật sự của Đức Giêsu, vinh quang mà Người luôn có nơi mình, Người chính thật là Con Thiên Chúa. Đây là một mạc khải về thiên tính của Đức Giêsu.
Nhưng kinh nghiệm hiển dung không chỉ là một mạc khải dành cho các môn đệ, mà còn cho chính Chúa Giêsu. Như thế, trình thuật về sự kiện hiển dung này muốn nói rằng để đối diện với thử thách và khổ đau, không nhất thiết cần những chuyên gia về đau khổ. Nhưng đơn giản là chỉ cần nhìn thấy ánh sáng, dĩ nhiên với con mắt của đức tin chứ không phải của xác thịt. Vì thế Đức Giêsu ngay khởi đầu hành trình lên Giêrusalem đã nhận lãnh từ nơi Chúa Cha nguồn sáng cần thiết đó để đi qua hành trình khổ đau đen tối của mình. Ngay chính các môn đệ cũng được ban cho nguồn sáng này để được trợ lực và giúp họ hiểu được sự cần thiết của cuộc thương khó trong mỗi con đường tình yêu thật sự và chân thành.
Bởi thế, trong nguồn sáng mà Thiên Chúa ban cho Đức Giêsu và các môn đệ, có sự xuất hiện của Môsê và Êlia, là Lề Luật và các Ngôn sứ, là Kinh Thánh chứa đựng Lời Thiên Chúa, Lời xác nhận cho hành trình của Đức Giêsu và ánh sáng cho các môn đệ của Người.
Ngoài nguồn sáng chiếu tỏa từ dung mạo của Đức Giêsu, trình thuật hiển dung còn cho chúng ta một chìa khóa khác để hiểu về sự kiện này: đó là tiếng phán của Chúa Cha từ đám mây. Những lời này của Chúa Cha lấy lại trong lời sấm ngôn của ngôn sứ Isaia về người Tôi tớ đau khổ: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 42,1). Như thế, Đức Giêsu được khẳng định từ Kinh Thánh, thật sự là Con Thiên Chúa, là Đấng được yêu mến.
Cũng chính trong giây phút này, Chúa Cha đã xác nhận đặc tính luân lý của cuộc đời Chúa Giêsu, khi Người công bố chính những lời đã phán tại dòng sông Giođan, khi anh thợ mộc thành Nagiarét dìm sâu vào dòng nước, thể hiện một tình liên đới và yêu thương vô điều kiện với con người vốn đã ngập sâu và tê liệt trong tội lỗi.
Hơn nữa, lời khuyên của Chúa Giêsu với các môn đệ: “Đừng nói cho ai hay thị kiến này, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (Mt 17,9) cho thấy ý nghĩa của cuộc hiển dung có thể hiểu rõ trọn vẹn không chỉ qua đau khổ và cái chết, nhưng là chính qua sự phục sinh của Người: chính đây là là giây phút khả thể để cảm thấu hết được dụ ngôn về một cuộc đời tận hiến cho tình yêu kết thúc như thế nào.
Vì thế, nguồn sáng chói lọi của biến cố hiển dung không chỉ đơn giản là một nguồn an ủi trước những chặng đường khổ đau của thập giá, nhưng còn là một lời mời gọi cụ thể: “hãy vâng nghe Người” (Mt 17,5). Những ai cảm nghiệm được lời kêu mời trở nên con cái Chúa trong Đức Giêsu Kitô không thể không mặc lấy sự tuân phục như chính của Đức Giêsu mà Chúa Cha đã rất hài lòng. Chính sự ngoan ngùy tuân phục này cũng sẽ dẫn đưa chúng ta bước vào vinh quang với Đức Giêsu, Đấng đã đón nhận những khổ đau trong thân phận con người trong sự tuân phục trọn vẹn thánh ý của Chúa Cha. Không thể có tình yêu mà không có hy sinh; và không thể có vinh quang nếu không biết chấp nhận đau khổ.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Biến cố hiển dung không dành cho tất cả mọi người, nhưng chỉ có một số người được chọn, đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Biến cố hiển dung cũng không kéo dài và ở mãi trong ba túp lều như Phêrô mong muốn, trái lại, đó là một động lực thôi thúc xuống núi và ra đi. Nhìn lại đời mình, tôi thấy biết bao những ơn huệ rất riêng mà chính tôi đã được yêu thương và trao ban. Vậy tôi có trân quý những ơn huệ ấy và biết tận dụng làm nẩy sinh hoa trái trong cuộc đời tôi hay tôi chỉ muốn ở lại trong ‘túp lều’ vinh quang của đời mình?
2. “Hãy vâng nghe Người”. Mỗi ơn ban luôn được trao gởi cùng với một lời mời gọi và sứ mạng đi kèm. Tôi có cảm nghe được và vâng theo những điều mà Chúa Giêsu đã trao gởi và mời gọi cho riêng tôi?
3. “Hãy chỗi dậy, đừng sợ”. Được làm con cái Thiên Chúa chắc chắn sẽ là một ơn huệ quý báu và niềm vui khôn tả, nhưng đôi lúc cũng không tránh khỏi những chặng đường gian nan thử thách. Với kinh nghiệm của Đức Giêsu và các môn đệ qua biến cố hiển dung này, tôi có nhìn thấy nguồn sáng hiển dung cho đời mình, biết sẵn sàng đảm nhận tất cả và hân hoan, can đảm bước đi trong niềm tín thác vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã bày tỏ vinh quang của Người cho ba môn đệ thân tín và từng người chúng ta, để mời gọi mọi người vững tâm bước theo Chúa trên con đường thập giá mà đạt tới Nước Trời. Cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa và dâng lời cầu xin:
1. “Đức Giêsu đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh biết dành thời gian gặp gỡ riêng tư với Chúa mỗi ngày, để được Người nâng đỡ và thêm sức hầu có thể chu toàn sứ vụ dẫn dắt dân Chúa.
2. “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trắng tinh như ánh sáng.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người thành tâm thiện chí ở khắp nơi trên thế giới được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu, để họ nhận biết và tin theo Đức Kitô là nguồn mạch sự sống.
3. Ông Phêrô thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là tốt.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang gặp khó khăn thử thách trong đời sống hằng ngày tìm được niềm vui và hạnh phúc ở bên Chúa qua việc cầu nguyện và tham dự các cử hành phụng vụ.
4. Có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức về hồng ân lớn lao của bí tích Rửa Tội, luôn nỗ lực biến đổi đời mình theo Tin Mừng, hầu xứng đáng là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, để nhờ mầu nhiệm Chúa hiển dung, chúng con được biến đổi trở nên người môn đệ đích thực luôn trung thành bước theo Chúa trên mọi nẻo đường của cuộc sống hôm nay. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ban Mục vụ Phụng tự
Nguồn: tgpsaigon.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn