(Is 8,23b-9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23)
Chủ đề: THEO CHÂN ĐỨC GIÊSU, CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN NƯỚC TRỜI
“Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,23)
***
I. CÁC BÀI ĐỌC
Chúa Nhật III mùa thường niên đưa chúng ta bắt đầu trở lại với Tin Mừng của chu kỳ phụng vụ năm nay, đó là Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu, trong đó bao gồm cả việc chọn gọi các môn đệ đầu tiên. Sứ mạng này của Đức Giêsu, theo ghi nhận của tác giả Tin Mừng, tương ứng với sấm ngôn của Isaia trong bài đọc 1, đó là loan báo về một sứ vụ tại một vùng đất không mấy quan trọng. Bài đọc 2 nói về các tông đồ như là những công cụ thuộc về duy nhất Đức Giêsu.
1. Bài đọc 1
Khởi đầu hoạt động của Đức Giêsu tại vùng Capharnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Giabulon và Nepthali, được thánh Matthêu mô tả như là sự ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia. Bài đọc 1 đã nói về những cư dân ở vùng đất Giabulon và Nepthali, bên kia sông Giođan, như là những người sống trong bóng tối sự chết, vì họ phải chịu cảnh ô nhục vì bị quân thù chiếm đóng tại miền Bắc Israel. Nhưng Isaia đã loan báo rằng, giờ đây, đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
Bản văn hôm nay cũng được đọc trong phụng vụ đêm lễ Giáng Sinh, bởi vì tiếp sau bản văn có nói về sự sinh hạ của một hài nhi. Tuy nhiên, phần đầu của sấm ngôn ám chỉ chính yếu về sứ vụ của Đức Giêsu, bởi chính Ngài là nguồn ánh sáng huy hoàng, được xem như là “ánh sáng của thế gian” (Ga 8,12). Bởi đó, khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng, Ngài tỏ ra thật sự là nguồn ánh sáng rực rỡ này.
2. Bài đọc 2
Thánh Phaolô trong bài đọc này đã nhấn mạnh về ơn gọi và sứ vụ bước theo Đức Giêsu như trong phần 2 của Tin Mừng. Ngài khẳng định tông đồ là khí cụ của Đức Giêsu, và mọi việc làm luôn là của Đức Giêsu và cho Đức Giêsu. Do đó các tông đồ không được xem mình quan trọng hơn những công việc của Ngài.
Sở dĩ Thánh Phaolô khuyên nhủ về vấn đề này là vì tại Côrintô đang dấy lên sự bất đồng giữa các tín hữu vì lý do tôn thờ con người quá mức. Người thì nói: “Tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về Apôlô”. Apôlô không phải là tông đồ, nhưng là một môn đệ có tài lợi khẩu, có kiến thức về Kinh Thánh và có khả năng thu hút nhiều người. Người khác lại nói: “Tôi thuộc về Kêpha”. Đây là tên gọi mà Chúa Giêsu đã đặt cho Simon, có nghĩa là “đá”.
Các tín hữu ở Côrintô bị chia rẽ, bởi họ bám vào nhân vị của các tông đồ khác nhau mà không phải Đức Kitô. Bởi đó thánh Phaolô đã phản ứng mạnh mẽ về thái độ này. Ngài khẳng định rằng sự chia rẽ này thật là điều không phải lẽ, và ngài hỏi họ: “Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao?”. Rõ ràng là chỉ một mình Đức Giêsu đã chịu đóng đinh cho mọi người chúng ta, và chỉ có một phép rửa nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, mà không phải của Phaolô hay của Phêrô.
Chúng ta phải ý thức về chức năng thứ yếu của những thừa tác viên của Chúa. Vị thầy duy nhất, vị Chúa duy nhất chính là Đức Kitô. Vì thế hoạt động rao giảng Tin Mừng là của chính Đức Giêsu, và các tông đồ chỉ là khí cụ, và họ có đặc ân thật sự quý giá khi được kết hiệp cùng với hoạt động của Ngài, nhưng không có nghĩa là họ hoán đổi vị trí, bởi lẽ nếu như thế, họ không còn là tông đồ nữa.
Vì thế chúng ta vui mừng vì biết rằng Đức Giêsu Kitô vẫn đang tiếp tục công việc của Ngài qua các tông đồ, các Giám mục, các linh mục và các tín hữu. Chính Chúa là nơi mà chúng ta phải bám vào, và không bao giờ được đặt tầm quan trọng quá mức vào con người nhân loại, bởi chúng ta chỉ là những dụng cụ của một công trình siêu việt của Chúa.
3. Bài Tin Mừng
Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu, sau khi hay tin Gioan tẩy giả bị bắt, đã lánh qua miền Galilê, một vùng cách xa Giêrusalem và tương đối yên tĩnh. Vùng này còn được gọi là “miền đất dân ngoại”, với sự hiện diện của nhiều sắc dân hỗn hợp khác nhau. Bởi đó người Do Thái không mấy quan tâm đến vùng đất này. Do vậy mà việc Chúa Giêsu đặt chân lên trên vùng đất này rất có ý nghĩa trong sứ mạng của Ngài, đó là tìm đến những người bé nhỏ, hèn mọn và nghèo đói.
Khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu được thánh Mátthêu mô tả như là sự ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia. Ngài bắt đầu rao giảng bằng lời mời gọi sám hối, “vì Nước Trời đã đến gần”. Người Do thái luôn trông đợi điều này, đó là Nước Thiên Chúa được tỏ hiện nơi trần gian, để biến cải thực trạng ảm đạm của cuộc sống này, để thay vào đó là những giá trị như công lý, thái bình, niềm vui và tình mến. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng thời ấy đã đến gần, nhưng để bước vào thì cần một tâm tình hoán cải. Như thế cách nào đó Ngài đã phân biệt cho họ rằng Nước Thiên Chúa không như những thực tại chính trị, kinh tế hay xã hội của thế gian này, vốn không cần bất cứ sự sám hối nào, nhưng là một Vương quốc được thiết lập trong tâm hồn, thông qua việc hoán cải.
Bài Tin Mừng tiếp tục phần 2 với lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Thật ra Đức Giêsu có thể tự mình thực thi sứ vụ, nhưng ngay khi bắt đầu sứ vụ, Ngài đã muốn gọi mời con người chúng ta cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu độ thế gian này.
Ngay khi được gọi, những người ngư phủ bình thường lập tức bỏ tất cả mà theo Đức Giêsu. Quả thật nơi Đức Giêsu họ nhận ra quyền uy vô song của Ngài, và họ hiểu ngay rằng chính Ngài từ đây sẽ là thầy, là Chúa của họ và là Đấng Cứu độ trần gian.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng”. Đức Giêsu đã đến đem nguồn sáng cho nhân loại, nhất là những ai đang trong cảnh tối tăm. Tôi có cảm nhận được Đức Giêsu cũng đã đến bên tôi và những mảng tối đời tôi đang được chiếu rọi bởi ánh sáng Đức Kitô và hối thúc tôi biến cải đời mình?
2. “Tôi thuộc về Đức Kitô”. Là người đang tiếp nối công cuộc làm chứng Tin Mừng cho mọi người trong những công việc bé nhỏ hằng ngày để góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa, tôi có khiêm tốn nhìn nhận vai trò là khí cụ đơn sơ thứ yếu của mình để luôn xem Đức Kitô là vị Thầy, vị Chúa duy nhất của đời mình không? Cuộc sống quanh tôi có nhiều thứ mà tôi đang thuộc về. Còn Đức Giêsu, Đấng mà tôi tuyên xưng hằng ngày là đường, là sự thật và là sự sống thì sao? Liệu tôi có đang thuộc về Ngài?
3. “Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Ngài”. Lời mời gọi hoán cải và lên đường đã được các môn đệ xưa kia lập tức đáp trả. Còn tôi, tôi vẫn đang ì ạch trong nếp sống cũ, hay cũng biết mau mắn lên đường bước theo vị Thầy Giêsu để tìm về những giá trị của Nước Trời?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ đã ban tặng Đức Giêsu Kitô là ánh sáng chiếu soi và dẫn đường cho toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và dâng lên Người những tâm tình và ước nguyện chân thành:
1. “Ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô, trở nên ánh sáng ở giữa thế gian, hầu soi chiếu những người đang ở trong bóng tối của bất công, bạo lực, gian dối, và thù hận.
2. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ với lời mời gọi: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, cách riêng những tâm hồn thành tâm thiện chí nhưng chưa nhận biết Đức Kitô, được đón nhận Tin Mừng cứu độ, hầu thay đổi tận căn đời sống cho phù hợp với Nước Trời.
3. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình.” Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu biết vượt qua những khác biệt gây chia rẽ, tìm được sự đồng tâm nhất trí trong các cộng đoàn và với cộng đoàn khác, để giữ gìn và xây dựng sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô.
4. Các môn đệ đầu tiên đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người cùng các gia đình trong cộng đoàn chúng ta, biết quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa và dấn thân trọn vẹn cho Tin Mừng qua việc từ bỏ triệt để, luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin nhận lời chúng con chân thành cầu nguyện và rộng ban mọi ơn lành hồn xác, giúp chúng con luôn trung thành và sống xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, con Cha. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Nguồn: tgpsaigon.net