LỄ KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
(Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)
Chủ đề:
ĐỨC MARIA
MẪU GƯƠNG PHÚC ÂM HÓA
ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”
(Lc 1,38)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc hôm này đề cao vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và là mẫu gương Phúc âm hóa cho người Kitô hữu. Khi suy niệm kinh Mân Côi qua bốn mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng-Sáng, các Kitô hữu đang cùng với Đức Maria học “sống Phúc âm” và tham dự vào công cuộc “Phúc âm hóa” của Chúa Giêsu-Con Mẹ, khởi đi từ gia đình Nadarét. Do đó, có thể nói Đức Maria là mẫu gương cho chúng ta noi theo trong năm phúc âm hóa đời sống gia đình này.
1. Bài đọc I (Cv 1,12-14)
Bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại hoạt động của các môn đệ sau khi trở về nơi trú ngụ ở Giêrusalem từ núi Ôliu, nơi Đức Giêsu được rước lên Trời. Trong số đó có các tông đồ, có một số phụ nữ thường theo Đức Giêsu trên hành trình loan báo Nước Trời của Người, có các anh em họ hàng của Đức Giêsu và Đức Maria hiện diện với họ. Dù đã nhận được lệnh truyền ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người mọi nơi (Cv 1,8) nhưng trước khi ra đi, các môn đệ đã quy tụ quanh Đức Maria -mẫu mực sống Phúc âm qua tiếng “Fiat” với Thánh ý Thiên Chúa- để học cho biết “Phúc âm hóa bản thân” trước khi ra đi “Phúc âm hóa người khác”. Cùng với Đức Maria, các môn đệ đã thực hành những yếu tố nền tảng căn bản và trở thành mẫu mực cho lối sống Tin Mừng trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, đó là:
- quy tụ những người tin;
- đồng tâm nhất trí với nhau;
- chuyên cần cầu nguyện.
Các môn đệ đã học được điều này nơi Đức Maria. Mẹ đã sống trong một gia đình vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng cách nghe tiếng Chúa và suy niệm trong lòng: từ biến cố truyền tin, khi dâng Hài Nhi trong Đền Thờ, suốt hành trình theo Đức Giêsu đến tận đỉnh núi Canvê. Lúc này, sau khi Đức Giêsu thăng thiên, Đức Maria đã “quy tụ” các môn đệ và các tín hữu quanh mình để “đồng tâm nhất trí với nhau” và “chuyên tâm cầu nguyện”. Đó là cách “Phúc âm hóa bản thân”, “Phúc âm hóa gia đình” của Chúa, gồm những người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Nhờ đó, họ mới có thể ra đi “Phúc âm hóa người khác”. Chính Đức Maria đã thực hiện việc “Phúc âm hóa” đời sống của mình và nhất là khi đem “Tin Mừng-là Đức Giêsu Kitô” đến cho người chị họ là bà Êlisabét (Lc 1,39-45). Như thế, Đức Maria có vai trò quan trọng trong việc củng cố đời sống các tín hữu, thúc đẩy họ “Phúc âm hóa” bản thân và sau đó ra đi “Phúc âm hóa” người khác.
2. Bài đọc II (Gl 4,4-7)
Bài đọc II trích thư Galát ngầm so sánh hai người “đàn bà” ở hai giai đoạn trong lịch sử cứu độ, và thuộc về hai thái cực khác nhau: một người thuộc thời Cựu Ước là căn nguyên của sự chết, đem “tin buồn” cho nhân loại; một người thuộc thời Tân Ước là Đấng sinh ra Đức Giêsu-Nguồn sự sống, đem “Tin Mừng” cho mọi người.
Nếu Eva làm cho nhân loại phải nô lệ tội lỗi và vì có tội nên có Lề Luật, do đó cũng làm cho nhân loại bị giam hãm trong Lề Luật (x. Gl 4,23), thì Đức Maria sinh ra Đấng làm cho nhân loại được tự do khỏi nô lệ của tội lỗi và khỏi sự giam hãm của Lề Luật. Nếu Eva làm cho nhân loại mất quyền làm con cái Thiên Chúa, thì Đức Maria sinh ra Đấng đem lại cho nhân loại phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa.
Quả thật, khi đến thời viên mãn, qua Đức Maria, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới để giải thoát con người khỏi mọi ánh nô lệ của Lề Luật và tội lỗi; đồng thời, cho con người nhận lại ơn làm nghĩa tử, làm người thừa kế gia nghiệp Nước Trời.
3. Bài Tin Mừng (Lc 1,26-38)
Bài Tin Mừng thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Maria. Khi ấy, sứ thần Gábrien đã đến loan tin vui cho Đức Maria với lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”. “Mừng vui lên” vì được Thiên Chúa viếng thăm. “Đấng đầy ân sủng” vì có Thiên Chúa ở cùng qua việc được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Đây cũng là ân sủng cao quý nhất và là nguồn gốc của mọi ân sủng khác mà Đức Maria nhận được. Thật vậy, vì được phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên Đức Maria được tiên liệu cho hưởng đặc ân vô nhiễm nguyên tội; vì được phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được ơn trọn đời đồng trinh; và vì được phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được hưởng trước hoa trái ơn cứu độ mà Đức Giêsu, Con lòng Mẹ, mang lại, đó là được hồn xác lên Trời.
Trước ân sủng quá lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình, Đức Maria đã lo sợ với tâm trạng “rất bối rối” và “tự hỏi” về điều mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi mình là “làm Mẹ Đấng Cứu thế”. Tuy nhiên, đó không phải là tâm trạng hoài nghi như trong trường hợp của ông Dacaria khi nghe sứ thần truyền tin (Lc 1,12.18) mà là biểu hiện của một đức tin trưởng thành. Vì vậy, khi đã nhận biết Thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, Đức Maria đã hoàn toàn tuân theo: “Vâng- Fiat, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Như thế, Đức Maria là thầy dạy chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, và vâng theo kế hoạch của Người. Đó chính là “sống Tin Mừng”, là “Phúc âm hóa bản thân”.
Biến cố truyền tin cho Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay là mầu nhiệm thứ nhất trong năm sự vui của chuỗi Mân Côi. Còn lời chào của sứ thần Gábrien trong biến cố này làm nên nội dung phần đầu của Lời Kinh Kính Mừng “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…”. Do đó, Kinh Mân Côi diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể và vai trò cộng tác của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.
Đối với người Kitô hữu, khi suy gẫm Kinh Mân Côi với bốn mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng-Sáng, chúng ta đang cùng với Đức Maria tham dự vào sứ vụ “Phúc âm hóa” của Chúa Giêsu. Đồng thời, Kinh Mân Côi giúp chúng ta kết nối với Đức Maria trong việc “Phúc âm hóa chính mình” và qua Đức Maria, cộng tác với Đức Giêsu để “phúc âm hóa mọi người”; đồng thời kết nối với các Kitô hữu khác “cùng cầu nguyện bằng kinh Mân Côi” để làm nên một gia đình duy nhất: gia đình những người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện…với Mẹ Maria. Quy tụ, đồng tâm nhất trí và cầu nguyện là các đặc tính căn bản của đời sống cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Khi thực hiện như thế, các môn đệ và những người tin có thể liên kết với nhau để sống “Tin Mừng” của Đức Giêsu Kitô Phục sinh và sau đó được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để ra đi “Phúc âm hóa người khác”. Chúng ta có ý thức rằng các nhóm, các hội đoàn, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì của chúng ta là nơi quy tụ như một gia đình để sống Tin Mừng hay không?
2. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con của một người đàn bà, để cứu độ và làm cho mọi người trở thành con Thiên Chúa. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nhờ sự cộng tác của con người. Nếu Eva cũ đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, đã đánh mất ân sủng và đem “tin buồn” phải chết cho con người, thì Đức Maria, Eva mới, nhờ vâng phục, đã được đầy ân sủng và đem “Tin Mừng” cứu độ cho mọi người. Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta là ai: đang là “Eva cũ” hay là “Eva mới”?
3. Vâng, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói. Đức Maria là mẫu gương của chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởng vào, phó thác cho, và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa. Khi soi vào tấm gương Đức Maria, chúng ta thấy bản thân đã sống đạo như thế nào: có hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, tìm kiếm và vâng phục thánh ý Người trên cuộc đời mình hay không?
4. Kinh Mân Côi diễn tả sứ điệp Tin Mừng và có sức “Phúc âm hóa” bản thân và người khác. Kể từ khi Thánh Đa Minh phổ biến Kinh Mân Côi vào thế kỷ XIII, Giáo Hội luôn cỗ võ việc lẫn chuỗi vì thấy Lời Kinh này là phương thế hữu hiệu để các Kitô hữu “bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II), và “Kinh Mân Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức”; là phương thế để “Thiên Chúa ban mọi ơn cho chúng ta, và dấu hiệu lời kinh chung gia đình” (Ðức Bênêđíctô XVI). Con người thời nay có khuynh hướng gây chia rẽ và cảm thấy cô đơn. Chúng ta có ý thức rằng Chuỗi Mân Côi là lời kinh mang tính kết nối: qua Mẹ đến với Chúa và liên đới mọi người với nhau nhờ đọc Kinh Mân Côi chung trong gia đình, thôn xóm, trong cộng đoàn giáo xứ hoặc dòng tu hay không? Trong bầu khí của năm “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình” và nhất là kể từ hôm nay ngày 5 đến 19-10-2014, diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình với chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng”, chúng ta có ý thức rằng Kinh Mân Côi là phương thế hữu hiệu để “sống Tin Mừng” trong gia đình và “loan báo Tin Mừng” khởi đi từ gia đình hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Với tiếng thưa xin vâng khiêm tốn, Ðức Maria đã quảng đại cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho mọi kitô hữu. Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta cùng chung lời ngợi khen Chúa và tha thiết cầu xin:
1. Đồng tâm nhất trí và cầu nguyện là các đặc tính căn bản của đời sống Giáo Hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hàng Giám mục trong tinh thần vâng phục yêu mến; đồng thời, luôn hiệp thông với các ngài trong mọi lời cầu nguyện.
2. Hôm nay là ngày khai mạc kỳ họp chung của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nghị phụ được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, để cùng nhau đưa ra những định hướng phù hợp cho công tác mục vụ gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay.
3. Đức Maria là mẫu gương sống Phúc âm qua lời “xin vâng” với thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu đang trải qua khó khăn hay đau khổ về tinh thần lẫn thể xác biết học gương nhân đức của Mẹ, luôn sẵn sàng đón nhận và mau mắn thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời.
4. Kinh Mân Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức giá trị của kinh Mân Côi, hết lòng yêu mến và siêng năng thực hành lời kinh này như một phương thế hữu hiệu để sống và loan báo Tin Mừng.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn trung thành gắn bó mật thiết với Đức Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.