Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
Thánh Piô Piêtrelcina tên thật là Phanxicô Forgiône. Phanxicô Forgiône sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 gần thành Napôli nước Ý. Song thân ngài rất nghèo khó và rất vất vả. Từ thơ ấu, Phanxicô Forgiône đã có một lòng yêu thích cầu nguyện sâu xa và một lòng khát khao nên thánh mãnh liệt.
Khi Phanxicô Forgiône lên 10, có một linh mục dòng Phanxicô Capuxinô tới Piêtrelcina. Phanxicô bị ấn tượng bởi lòng đơn sơ và khiêm nhường của ngài. Và Phanxicô quyết tâm rằng một ngày kia cũng sẽ là một linh mục dòng Capuxinô. Để giúp cho ước mơ của con thành sự thật, thân phụ của Phanxicô đã trẩy sang nước Mỹ tìm việc làm và kiếm tiền cho Phanxicô ăn học.
Vào ngày mùng 6 tháng 1 năm 1903, Phanxicô Forgiône gia nhập dòng Capuxinô ở Morcôn. Phanxicô nhận tên là Piô. Vào năm 1910, Piô được thụ phong linh mục. Vì sức khỏe yếu kém, các bề trên tưởng là sẽ tốt hơn nếu để Piô sống một thời gian tại quê nhà. Và Piô được chỉ định về giúp cha xứ tại giáo xứ quê nhà. Chính thời gian này cha Piô nhận được một ơn đặc biệt. Để nên giống Đức Chúa Giêsu Tử Giá hơn, Piô bắt đầu cảm thấy những dấu đinh của Chúa ẩn trong tay và chân và vết thương của lưỡi đòng trong cạnh sườn mình. Sau một thời gian, các vết thương này xuất hiện thường xuyên hơn, nhưng vẫn vô hình. Vào ngày 20 tháng 9 năm 1918, năm Dấu Thánh này tỏ lộ ra bên ngoài và kéo dài suốt 50 năm sau cho tới lúc cha Piô qua đời.
Sau bảy năm sống ở Piêtrelcina, cha Piô được gởi đến đan viện Capuxinô ở Foggia. Cha cảm thấy rất hạnh phúc vì sau cùng cha cũng được ở với các anh em tu sĩ Phanxicô. Và cộng đoàn cũng vui mừng vì có sự hiện diện của cha, bởi Piô luôn vui tính và hóm hỉnh. Cha Piô bắt đầu ban bí tích Hòa giải và chẳng bao lâu từng nhóm đông người đã kéo đến xin cha lời khuyên bảo.
Vào tháng 7 năm 1916, các bề trên của cha Piô gởi cha tới San Giovanni Rôtônđô, một ngôi làng hẻo lánh để cha được hưởng chút yên tĩnh. Ở đây, sức khỏe của Piô được bình phục, và Piô cũng được Thiên Chúa ban cho những ơn lạ. Cha Piô đọc được tâm hồn của người khác, thậm chí cha có thể giúp họ xưng tội bằng cách nhắc họ nhớ lại những chi tiết mà cha nghe được từ nơi Thiên Chúa. Cha Piô cũng có ơn lưỡng tại (tức khả năng hiện diện ở hai nơi khác nhau trong cùng một lúc), và năm Dấu Thánh của cha tỏa ra một mùi thơm của hoa hồng và hoa tím.
Các bề trên của cha Piô đã hỏi cha những đặc ân này là có thực hay không, vì nếu như đó là trò chơi khăm thì Piô sẽ bị cấm dâng lễ công khai và cấm giải tội. Đây quả là một thánh giá nặng đối với Piô, nhưng cha Piô đã chấp nhận nó như một dịp để được nên giống Đức Chúa Giêsu. Một thời gian sau, cha Piô lại được phép cử hành các bí tích, và một lần nữa, rất đông người lại chen chúc nhau trong nhà thờ để xem cha Piô dâng thánh lễ cũng như xếp hàng để được xưng tội với ngài. Thông thường, mỗi ngày cha Piô giải tội cho trên 100 hối nhân.
Cha Piô đã dùng hầu hết cuộc đời linh mục của ngài để ban bí tích Hòa giải và khuyên bảo cùng động viên vô số bổn đạo đến từ khắp các nơi trên thế giới. Cha đã phục vụ như vậy cho tới khi về trời ngày 21 tháng 9 năm 1968. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn cha Piô Piêtrelcina lên bậc hiển Thánh năm 2002.
Nguồn: tgpsaigon.net
23/09 – Thứ bảy. Thánh Piô Pietrelcina.
BÀI ĐỌC I: 1 Tm 6, 13-16
"Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Đấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Đấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Đấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Đáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).
1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.
ALLELUIA: Tv 118, 34
All. All. - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - All.
PHÚC ÂM: Lc 8, 4-15
“Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”. Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.
Đó là lời Chúa.