Suy Niệm Thánh Vịnh 18
1 Phần nhạc trưởng. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
2 Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
3 Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
4 Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
5 mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Chúa căng lều cho thái dương tại đó,
6 thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.
7 Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng.
8 Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
9 Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
10 Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
11 thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
12 Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi ;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
13 Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình ?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
14 Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.
15 Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.
Cùng Đọc Với Israel
Cũng như thế giới chỉ được chiếu sáng và có sự sống nhờ mặt trời, thì con người chỉ phát triển và đạt đến mức tràn đầy sự sống nhờ ‘lề luật’, là sự sống của Thiên Chúa, tư tưởng của Người, ý muốn của Người giữa loài người.
Hai phần của Thánh vịnh được liên kết với nhau thật chặt chẽ: Đấng làm ra các luật ‘vật lý’ cho vũ trụ, cũng chính là Đấng thiết định những luật ‘luân lý’ cho con người.
Qua thánh vịnh này, chúng ta tiếp cận tâm hồn của Israel, gắn bó với Lề Luật thánh (Torah) bằng một tình yêu chân thành và cháy nóng. Gợi lên việc vũ trụ ‘nói’ cho những ai biết nhìn nó (vũ trụ, bầu trời, tinh tú, mặt trời), chỉ là dẫn nhập vào xác định này: Thiên Chúa đã nói cho một dân tộc…và Người đã mạc khải những ý định của Người cho nhân loại.
Đối với một người do thái đạo đức, lề luật thay vì là một chướng ngại vật, một mực thước nệ luật và vụ hình thức, thực sự lại là một ‘ân huệ của Thiên Chúa’. Khi mạc khải cho con người lề luật, Thiên Chúa kết giao ước với con người, để giúp con người biết cách sống xứng hợp: cũng như mặt trời ‘kết duyên với trái đất’ để mang lại cho nó sự sống, trong lề luật cũng có điều gì đó tựa như niềm vui của hôn ước, là một mầu nhiệm hôn ước. Việc liệt kê những phẩm tính của lề luật giống như những phẩm tính mà các người yêu nhau trao cho nhau. Phân nửa các phẩm tính này mang tính khách quan, chỉ định chính lề luật: lề luật hoàn hảo…chắc chắn…ngay thẳng…trong sáng…công bình…
Phân nửa kia mang tính chủ quan, kể ra những hiệu quả của lề luật nơi con người: lề luật làm cho con người sống, cho con người khôn ngoan…làm hoan lạc lòng người…làm rạng ngời đôi mắt…
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Chắc chắn Đức Giêsu đã hát thánh vịnh này với tất cả lòng nhiệt thành.
Các dụ ngôn, hầu như đều rút ra từ ‘thiên nhiên’ cho ta thấy Ngài cũng biết chiêm ngắm tạo thành. Những vật tốt đẹp nói cho Ngài biết, nói cho Ngài về Chúa Cha.
Về tình yêu của Ngài đối với thánh ý Cha, ta thấy trải đầy trong các trang tin mừng: ‘Của ăn Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy’. Điều đáng ngạc nhiên là sự ngạc nhiên của con người hiện đại chúng ta trước tình yêu đối với lề luật này. Từ đó ta không còn yêu thích các luật lệ nữa, mọi lề luật. Ta không còn biết những ‘lề luật đáng yêu’ nữa sao? Đừng quên rằng luật duy nhất chính là tình yêu (luật yêu thương). ‘Đây là giới luật của Thầy: hãy yêu thương nhau’. Hãy đọc lại lời ca ngợi lề luật là tâm điểm của thánh vịnh này, với tư tưởng của Đức Giêsu…
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Các triết gia hiện nay đã khám phá tương quan chiều sâu giữa con người và thiên nhiên…Trong một nghĩa nào đó, chúng ta không có bất cứ sự độc lập nào. Chúng ta được liên kết với tất cả những luật vật lý và hóa sinh của vũ trụ. Một cách vật lý chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào ‘mặt trời’: nếu mặt trời tắt ngúm, mọi sự sống đều chấm dứt. Còn hình ảnh nào đẹp hơn nữa để nói với ta về Thiên Chúa! Tác giả thánh vịnh sống giữa các dân tộc thờ mặt trời. Có lẽ ông đã vay mượn từ nơi họ phần đầu của thánh vịnh (có những vịnh ca rất giống như trong các tôn giáo vùng Babylon hay Aicập, trong những thần thoại hy lạp…). Nhưng tác giả không thờ mặt trời…ông biết rằng mặt trời phụng thờ Thiên Chúa và ca tụng vinh quang của Người.
Người trẻ thời nay tìm gặp lại ý nghĩa của thiên nhiên, như phản ứng chống lại lối sống thành thị. Sống giữa bầu trời vào mùa hè là một đặc điểm của thế giới hiện đại, điều mà họ không thể làm được thời gian còn lại trong một năm. Suy tư này cần phải được thực hiện giữa miền quê, vào một ngày đẹp trời mùa xuân: thức dậy sớm để nhìn ngắm mặt trời mọc, nằm lại giữa các cánh đồng để theo dõi đường đi chói chang của mặt trời, và nán lại cho đến chiều tối để ngắm ánh sáng của hoàng hôn…và rồi chờ xem ánh sáng của những vì sao đầu tiên xuất hiện trong bóng đêm, cho đến say mê trước cảnh một bầu trời đầy sao… ‘công trình tay Chúa làm’.
Tác giả thánh vịnh nghe ngày và đêm đáp trả nhau, tựa như hai ca đoàn. Các tầng trời (hashamaim ở số nhiều trong tiếng do thái) tường thuật, loan báo! Loan báo điều gì? Vinh quang Thiên Chúa. Chúng nói thế nào? Trong thinh lặng. Tác giả thánh vịnh biết rõ điều này: chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh. Ta nói rằng đôi lúc Thiên Chúa thinh lặng, vì chúng ta không biết nghe Người. Thiên Chúa cẩn mật. Thiên Chúa ẩn mình. Giả như Người hiển hiện, Người sẽ tiêu hủy tất cả tạo thành. Như thế, Người để dành cho ta một khoảng tự do, bằng cách tự ẩn mình, thinh lặng. Nhưng Người nói trong thinh lặng: tạo thành là lời nói đầu tiên của Người, một lời nói mà mọi dân đều có thể hiểu bởi vì lời đó nói vượt trên những thành ngữ đặc biệt…không cần phải đến trường học để biết đọc điều này. Chỉ cần nhìn và lắng nghe. Vị Thiên Chúa tối cao ấy không ẩn mình trong bài giao hưởng của các tinh tú…nhưng Người cũng đã chọn để kết giao ước với con người, bằng cách ban cho con người lề luật của Người…tình yêu. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu và tình yêu chính là luật thiết định của vũ trụ và con người. Yêu, sống theo lề luật của Đức Kitô, chính là liên kết với hòa điệu của thế giới, với Thiên Chúa.
Đêm này kể lại cho đêm kia vinh quang Thiên Chúa. Nếu ánh sáng mặt trời ca tụng vinh quang Thiên Chúa, cũng cần phải khám phá, như tác giả thánh vịnh, sự diệu kỳ của ban đêm. Ban ngày là tỏa sáng, là hành động, là sự sống. Ban đêm, là sự cẩn trọng, là nghỉ ngơi, là mầu nhiệm. ‘Ôi đêm tối, thật sâu thẳm sự thinh lặng của ngươi’ (Rameau). Thật tốt để mình tràn ngập trong ánh nắng mặt trời, thì cũng tốt khi dìm mình trong đêm tối thinh lặng. Người thời nay, cần những viên thuốc ngủ để có thể ngủ, vì thiếu mất sự quân bình mà ta có thể tìm lại được bằng những phương pháp tự nhiên. Đông phương có nhiều điều để ta phải học: ‘hãy làm rỗng con người mình’, hãy tắt đi những sợi dây tranh chấp đang vang lên trong lòng ta, và suy niệm. Đó là bước chuẩn bị đầu tiên của việc cầu nguyện. Dĩ nhiên ta có thể cầu nguyện với đôi mắt mở. Nhưng cũng cần có trải nghiệm cầu nguyện với đôi mắt nhắm, đi vào trong đêm tối. Là chủ đề thân thiết của Thánh Gioan Thánh Giá. Đối với ngài, con người không có thể gặp được Thiên Chúa nếu không đi vào trong đêm tối: ‘Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, Đức Giêsu nói. Hãy lắng nghe một vài câu thơ của thánh Gioan Thánh Giá.
Suối nguồn vĩnh hằng, thật ẩn khuất
Tuy nhiên tôi đã tìm thấy nơi cư ngụ của suối nguồn
Chính là đêm tối!
Không ai biết cội nguồn, vì nó không có
Tuy nhiên mọi cội nguồn đều xuất phát từ đấy
Chính là đêm tối!
Và dòng nước xuất phát từ suối nguồn
Thật phong nhiêu và mãnh liệt
Chính là đêm tối!
Suối nguồn vĩnh hằng thật ẩn khuất
Cho ta bánh hằng sống
Chính là đêm tối!
Lề luật của Thiên Chúa. Chúng ta, con người hiện đại, có lẽ nên tái khám phá ý nghĩa của lề luật? Đối với tác giả thánh vịnh, ông vui mừng vì có lề luật. Ông không cảm thấy bị bó buộc, áp đặt vì lề luật, như thể lề luật từ bên ngoài đàn áp lên ông. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng…thật quý báu hơn vàng, hơn mật ong nguyên chất. Khi hai đội bóng gặp nhau trên sân cỏ, hàng triệu người chăm chú theo dõi ‘luật chơi’. Người ta để ý đến chơi đẹp (fair-play)…Người ta nói rằng đội tuân thủ luật chơi thì ‘có tinh thần thể thao’ hơn. Qua ví dụ trên, ta thấy luật cần thiết cho hoạt động của một nhóm người. Không có luật, là chiến tranh, là bất thường, là bạo lực, là hổn loạn. Và như thế hạnh phúc của đời sống cũng bị ảnh hưởng. Một gia đình làm sao có thể sống tốt mà không có những luật tối thiểu được mọi người tự nguyện tôn trọng? Luật của Thiên Chúa còn sâu xa hơn: nó điều khiển tự bên trong hoạt động tốt của chính con người. Luật Chúa bổ sức cho tâm hồn…Ai tuân giữ sẽ được nhiều lợi ích.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch