Suy Niệm Thánh Vịnh 15 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thứ sáu - 16/11/2018 02:57
1513
Suy Niệm Thánh Vịnh 15
Thánh vịnh 15 – Đức Chúa là phần gia nghiệp
1 Se sẽ. Của vua Đa-vít.
Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
2 Con thưa cùng CHÚA : "Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?"
3 Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,
4 vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.
Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,
tên của thần, môi con không tụng niệm !
5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
6 Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.
7 Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
9 Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
11 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !
Tiếng kêu ‘xin giữ gìn con’, lạy Chúa Trời của con, là nơi ẩn náu, là hạnh phúc của con.
Một chọn lựa triệt để: chống lại các ngẫu thần …một phong trào ngoại giáo đang lan tràn…tuyệt đối chối từ các ngẫu thần.
Hạnh phúc được sống thân tình với Thiên Chúa: Không, tôi không hối tiếc, tôi đã chọn phần tốt nhất. Thiên Chúa là vị cố vấn của tôi… Ngài luôn đồng hành và bảo vệ tôi…Thiên Chúa là niềm vui, là sự sống và là sự sống lại….Thiên Chúa là con đường, là ý nghĩa cuộc đời tôi. Thiên Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu của tôi.
Cùng Đọc Với Israel
Thánh vịnh này được liệt vào số các Thánh vịnh về “Người nhà của Giavê”. Người cầu nguyện, ở đây, là người đang sống trong một thế giới trần tục, nơi các việc phụng tự ngoại giáo tràn đầy xã hội: “Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ...” Vào thời đó, người ta sát tế con trẻ cho thần Moloch. Tác giả tố cáo niềm tin, các việc thực hành và những tệ nạn vô nhân của ngoại giáo.
Hơn nữa, con người đó cũng bị môi trường xung quanh lôi cuốn, bởi “thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,” người ấy đã trở về với Thiên Chúa thật, nhưng cũng cảm thấy giao động trước những vẻ thành công và giàu sang của các nước lớn thuộc dân ngoại. Chủ nghĩa duy vật không-Thiên Chúa thật hấp dẫn: “Thiên hạ tới tấp chạy theo.” Phải can đảm lắm mới có thể lội ngược dòng. Cơn cám dỗ lớn nhất của mọi thời là “chủ nghĩa tổng hợp”: nghĩa là, cố gắng thích nghi tất cả, một chút đức tin và một chút duy vật chủ nghĩa, một chút tôn giáo thật và một chút các ngẫu tượng, một chút Thiên Chúa và một chút Thần Tài…
Bị cám dỗ, giao động bởi thế giới chung quanh, tác giả Thánh vịnh chạy đến cầu khẩn Chúa cho mình hiểu được ý nghĩa cuộc đời, như một dân được tách biệt, tuyển chọn. Tận thâm tâm ông cảm thấy bảo đảm vì đã được “phần tuyệt hảo”. Người tín hữu khi chọn lựa sống đạo, thay vì cảm thấy là một gánh nặng, một ràng buộc khó chịu, lại cảm thấy trào dâng nguồn hạnh phúc mà người dân ngoại không sao hiểu được, và ông diễn tả đời sống thân tình của mình với Thiên Chúa bằng một loạt các từ ngữ: nơi ẩn náu, hạnh phúc, phần gia nghiệp, chén say nồng, phần phúc, hoan lạc…
Câu 5 và câu 6 làm ta liên tưởng sự kiện chi tộc Lêvi (những người phục vụ Thiên Chúa trong đền thờ), vào lúc bốc thăm để phân chia đất đai Palestine, không có phần riêng cho mình, vì gia nghiệp của họ chính là Thiên Chúa. (Ds 18,20; Đnl 10,9; Kn 45,22) Vì vậy, đời sống của các Lêvi, sống trong đền thờ, trở nên dấu chứng tình thân với Thiên Chúa: đất Canaan, miền đất thánh của Chúa, được ban cho dân tuyển chọn… Nhà Chúa, là nơi thánh, nơi ngài dành cho người nhà của Ngài… loan báo thời đại cứu thế đã đến, Thiên Chúa sẽ ở với người nhà của Ngài và họ ở với Ngài.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
“Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ”. Trong tiếng Do thái, từ ngữ Hassid rất khó dịch. Chính con người là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu nhân từ. Con người là bạn trung thành của Thiên Chúa, phải đáp trả lại tình yêu. Chouraqui đã dịch câu này “không để người yêu này hư nát trong phần mộ”. Tình yêu đích thực chính là Đức Giêsu. Người duy nhất có thể đọc Thánh vịnh này, chính là Đức Kitô phục sinh, chiến thắng sự chết “Ngay cả đêm trường (trong nấm mộ), tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan… thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn… Chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để người Ngài yêu và kẻ yêu Ngài hư nát trong phần mộ. Không chắc là Thầy Lêvi khi viết điều này, đã nghĩ về mầu nhiệm phục sinh, nhưng một cách lờ mờ, ông đoán rằng theo đòi buộc của tình yêu, thì những người thương nhau không chấp nhận xa lìa nhau: niềm tin của chúng ta về sự sống lại cũng dựa trên điều này, hàng ngàn lần được lập đi lập lại, Thiên Chúa yêu thương ta.
“Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp và là phần chén của con.” Đức Giêsu cầm lấy chén…và đến lượt chúng ta cũng cầm lấy theo lệnh Ngài: Hãy cầm lấy mà uống. Phần tuyệt hảo may mắn đã về chúng ta, và chúng ta không ngừng họp nhau để nâng chén chúc tụng tạ ơn, Thánh Thể.
“Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, niềm vui…được ở bên hữu Ngài, hạnh phúc…chẳng nao núng bao giờ”. Chúng ta nghe những lời nóng cháy tình yêu của Đức Giêsu. Chúng ta cũng tự hỏi không biết Đức Giêsu đã cầu nguyện gì với Chúa Cha suốt những đêm dài (Lc 6,12; Mt 5,1; Mc 3,13). Có lẽ Ngài đã cầu nguyện bằng những lời của Thánh vịnh này. Và khi ta cầu nguyện, ta lập lại lời kinh nguyện của Ngài.
Để diễn tả sự thân tình với Chúa Cha, Đức Giêsu thường dùng hình ảnh “nơi cư ngụ”, nhà của Thiên Chúa. ‘Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em’ (Ga,15,4). ‘Này đây, ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta’ (Kh 3,20). Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giêsu đã dùng bữa ăn như dấu chỉ để nói lên sự hiện diện của Ngài và mời gọi ta.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Khía cạnh bi thảm của đời sống người tín hữu đích thực
Người có đức tin là người chìm ngập trong một thế giới khác với mình. “Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô” (1Cr 4,10). Chúng ta cũng giống như thầy Lêvi trong Thánh vịnh, cảm thấy cô độc. Dân ngoại bao quanh khắp nơi. Các ngẫu tượng thật hấp dẫn: tiền bạc, tình dục, quyền thế, khoái lạc…Nhìn thật kỹ đời sống mình, tôi khám phá nơi tôi cũng có ngẫu tượng riêng…là cái thật sự chẳng giá trị gì, nhưng tôi lại bám chặt vào đó. Thánh vịnh này giúp ta biết xin Chúa cho ta đừng bao giờ tuyệt đối hóa sự gì ngoài Thiên Chúa. Khi tôi tuyệt đối hóa một điều gì đó, điều đó đã trở thành ngẫu tượng đối với tôi rồi, và rồi một ngày nào đó ta sẽ thấy nó tan vỡ trong tay. Xin giải thoát con khỏi mọi ngẫu tượng.
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đêm ngày ta chuyện vãn với Ngài: chiêm niệm, trò chuyện, cầu nguyện… Người ta chọn các ngẫu tượng, Lạy Chúa, còn con, con chỉ chọn mình Ngài, tình yêu tuyệt đối của con.
Chủ đề hạnh phúc. Hãy đọc một đoạn trích dịch của P.Claudel: ‘Hãy để tôi lượng giá với lòng kính phục gia tài từ trời cao ban tặng cho tôi…Ngài đã cho tôi tràn đầy…Hãy nghe con thưa với Ngài từ nơi đây, bởi vì chỉ mình Ngài lắng nghe: Ôi! Vị tôn sư mà con chẳng phải trả chút thù lao nào…Thật tuyệt vời! Phần tuyệt hảo đã thuộc về con, không còn gì để nói nữa. Ngài làm cho lòng con say đắm, ngài đã tháo buộc lưỡi con, xin ban cho con tràn đầy hoan lạc với Nhan Thánh Ngài, nơi mọi người quy tụ’.
Cùng với Thánh vịnh này, chúng ta cố gắng cùng với Thiên Chúa khám phá ngôn ngữ của những người yêu nhau, những người tín trung (hassidim)
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch