Thứ hai tuần XXXIV Tn
Sự mẫn cảm của Đức Giêsu trong tin mừng hôm nay gợi lên trong ta lòng kính phục và niềm khích lệ lớn.
Thật vậy bà goá nghèo đã không kiêu hãnh về của dâng cúng của mình, chỉ muốn ẩn mình đi khi bỏ mấy đồng xu vào thùng tiền đền thờ: có đáng là gì so với những của dâng của những người giàu có! Những kẻ này ắt hẳn kiêu hãnh lắm: vì họ cho nhiều mà! Đức Giêsu lật ngược tình thế: ‘Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết’. Chúa không nhìn vẻ bên ngoài, ngài nhìn tấm lòng và biết đâu là lòng quảng đại đích thực.
Điều này khích lệ chúng ta khi ta ở trong cùng hoàn cảnh ấy, nhưng cũng khuyến khích chúng ta khiêm tốn, nếu ta có khả năng để cho đi nhiều; chúng ta đừng nên kiêu căng, vì tất cả đều là của Chúa ban. Thứ đến, khiêm tốn khi ta cho đi ít, khi ta thấy mình nghèo trong mọi phương diện: nghèo về mặt thể lý, về khả năng sánh với kẻ khác. Trong những trường hợp ấy, thật khó mà quảng đại, vì ta ngã lòng và thường bị cám dỗ không cho gì cả, dù một ít cũng không: vì có đáng gì đâu! Chúa nói với ta rằng, đáng giá, đáng giá hơn điều mà người khác làm với khả năng dư thừa, nếu với khả năng ít ỏi của mình, ta cho đi tất cả những gì có được: những lễ dâng này đẹp lòng Chúa hơn nhiều.
Nếu với khiêm tốn và tình yêu chúng ta phục vụ Chúa chỉ một chút điều ta có, ta làm một điều lớn lao và gần gũi Chúa hơn khi ta có khả năng cho đi cách vui vẻ những điều lớn lao bên ngoài.
Cám tạ Đức Giêsu về ánh sáng Chúa ban cho ta và xin Chúa cho ta và cho những ai thật lòng quảng đại khiêm tốn và bác ái đích thực.
Thứ Ba tuần XXXIV Tn
Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống
Chỉ trong vài từ nhưng có tầm quan trọng: nhị thức ‘sống-chết’. Bí quyết, vì đây là lời cuối cùng của đời sống, là sự trung thành với Đức Kitô Giêsu. Chúng ta dấn thân cùng với ân sủng của ngài để sống những giáo huấn Tin mừng, nhất là giới răn yêu Chúa và yêu người.
Lời hứa của Chúa thật tuyệt vời! Sự trung thành là chìa khóa để đi vào căn tính sâu xa của tình yêu. Nếu bạn yêu một chút và rồi vứt bỏ bổn phận của mình, vì thấy mỏi mệt khi phải yêu thương, thì còn ý nghĩa gì cho đời sống của bạn? Lời hứa của Chúa nâng đỡ ta, làm cho ta vui mừng và ban sức mạnh cho ta.
Vâng, tôi sẽ có triều thiên sự sống và nhìn thấy sự chết bị tiêu diệt vì Ngài là Sự Sống, thần linh và bất tử, tôi sẽ không còn chán nản nữa nhưng hạnh phúc yêu thương mãi mãi.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ân sủng cần thiết để nơi con tỏa sáng niềm vui sống và làm cho nhiều người cảm nhận niềm vui ấy.
Niềm vui là hình thức tri ân giản đơn nhất.
+++
Hôm nay Thầy Giêsu mời gọi ta không đặt lòng ta dính kết với những viên đá, dù đẹp thật, của những nơi nhà ở của ta, của những di tích, của các thành phố. Trải nghiệm của các cư dân Giêrusalem, nhìn thấy đền thờ vĩ đại do Hêrôđê xây dựng hơn bảy mươi năm, bị đốt cháy và tiêu hủy do quân đội la mã, ghi ấn tượng sâu xa cho cộng đoàn kitô. Đức Giêsu quả quyết: sự sống ở nơi khác, ta sống trên trần gian này như những lữ khách, vui hưởng biết bao niềm vui Chúa ban tặng nhưng không để lòng mình dính kết với những điều ấy. Và rồi Chúa còn bảo ta: không ai biết lúc nào là ngày sau cùng. Ta thường có cảm tưởng rằng thế gian này sắp nổ tung: những hiện tượng thiên nhiên, chiến tranh, biến cố chính trị luôn thúc đẩy ta đến ngày sau hết…Đừng sợ, nhưng hãy ngẩng đầu lên! Sự kết thúc đối với ta chỉ là khởi đầu xác định việc Thiên Chúa đến và việc hoàn tất vuuơing quốc của Đức Kitô. Hãy luôn ghi nhớ điều chỉ dẫn này của Đức Giêsu, nhất là khi có ai đó, nhân danh mình bày tỏ cho ta những cái gọi là cuộc hiện ra riêng tư không bao giờ có thể đối nghịch lại với mạc khải chung do Thiên Chúa
Thứ Tư tuần XXXIV Tn
Đoạn tin mừng hôm nay đề ra một vài vấn nạn căn bản của đời sống: ơn cứu độ, những cuộc bách hại, ngày sau cùng. Khi nào thì tất cả những việc ấy xảy ra? Những vấn nạn ấy, luôn hiện thực, diễn tả sự bối rối trong cuộc sống của ta. Nên ta muốn biết, khám phá ý nghĩa của qúa khứ và tương lai của mình. Bằng cách đó ta tìm vượt qua sự thất vọng, sợ hãi của mình khi đối diện với ngày sau cùng, đứng trước những đau khổ được liệt kê ra trong đoạn này. Niềm tin của ta vào quyền năng của Thiên Chúa thường bị dao động.
Nhưng tất cả những tra tấn, những bách hại chịu đựng vì vinh quang Thiên Chúa đối với ta là cơ hội làm chứng quyền năng của Đấng Cứu Thế và Tình Yêu của Thiên Chúa.
Tin mừng không mang lại cho ta giải pháp tức thời cho mọi vấn đề. Chỉ nhắc cho ta rằng điều quan trọng là cần kiên trì và cắm rễ vào chân lý của Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc sống trần gian chúng ta không thể tránh khỏi những cám dỗ, những đau khổ, những khó chịu, những hiểu lầm.
Nhưng tất cả những việc ấy là những điều của trần gian và cuộc sống, chiến thắng trên mọi sự nằm trong tay Đức Kitô (Lc 21,8-9).
Các môn đệ và những người tin vào Đức Kitô, những người đã xây dựng cuộc đời mình trên lời của Chúa, có thể đối mặt với mọi nghịch cảnh và chiến thắng, vì được thêm sức mạnh bằng ân sủng của Chúa chúng ta. Do đó, là những người tin Chúa, ta phải bảo vệ những giá trị nhân văn mà thế gian thường chà đạp. Là bổn phận của ta: bảo vệ những giá trị này và phẩm giá con người, vì là anh em của ta trong Đức Kitô.
Giữa thế giới xem thường và chế nhạo những giá trị thánh thiêng của con người và của Thiên Chúa, ta cần phải bảo vệ và tiếp tục thực hành những giá trị ấy.
+++
Giữa bài đọc thứ nhất và bài tin mừng hôm nay, thoạt đầu dường như chẳng có liên quan gì với nhau. Một đàng, trình thuật về bữa tiệc nhà vua thiết đãi bị quấy rầy vì một sự kiện lạ lùng; đàng khác lời tiên báo Đức Giêsu về những bách hại chống lại các môn đệ. Tuy nhiên vẫn tìm thấy một liên hệ đối nghịch hết sức ý nghĩa.
Quả vậy, trong bài đọc 1 ta thấy chiến thắng của một nhân vật giàu có, quyền lực, đạt đến đỉnh cao thành đạt của con người: nhà vua Balthasar thực thi quyền hành trên một đế quốc rộng lớn và có khả năng cho những tổ chức hoành tráng: ‘mở tiệc khoản đãi một nghìn đại thần’ (Đn 5,1). Còn trong bài tin mừng, Đức Giêsu loan báo số phận khác biệt cho các môn đệ ngài: ‘Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù…sẽ bị mọi người thù ghét’ (Lc 21,12.16.17). Thay vì hạnh phúc được dự tiệc là số phận đau khổ của những người bị xem như tội phạm.
Sự đối nghịch giữa hai hoàn cảnh gây căm phẫn, vì không phù hợp với đòi hỏi của sự công bình chút nào cả. Nhà vua Balthasar, lạm dụng quyền hành để gây ra những hành động phạm thánh: ra lệnh cho mang ra dùng trong bữa tiệc những chén thánh lấy trong đền thờ Giêrusalem và phàm tục hoá các đồ thánh này bằng cách dùng để uống rượu (Đn 5,23). Đúng là hình ảnh của kẻ thù địch đắc thắng và táo bạo mà thánh vịnh 73 nói đến (Tv 73, 3.12).
Cũng gây phẫn nộ không kém, nỗi bất hạnh của các môn đệ Đức Giêsu, vì họ không đáng phải bị đuổi bắt, bỏ tù và thù ghét như vậy. Nguyên do duy nhất dẫn đến sự chống đối họ là vì họ liên kết với Đức Giêsu, tin vào ngài. Đức Giêsu nói: ‘Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em…vì danh Thầy’ (Lc 21,12); ‘vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người ghen ghét’ (Lc 21,17). Thật lạ lùng! Tại sao liên kết với một con người tốt lành và nhân hậu mà lại gây ra bách hại và đố kỵ? Hoàn toàn vô lý! Đây là mầu nhiệm của sự gian ác (2 Tx 2,7).
Kinh thánh không để ta bị ấn tượng của gương xấu, đã chứng minh cho thấy tình trạng của các môn đệ bị bách hại thì đáng chuộng hơn tình trạng của vị vua đắc thắng. Chiến thắng của nhà vua thì mỏng manh; những vui thích của vua chỉ hời hợt bên ngoài. Xét về chiều sâu, nhà vua hoàn toàn ở trong tình trạng bất ổn, vì ông thiếu một chỗ nương tựa duy nhất vững chắc thực sự quan trọng, là mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa. Sự xuất hiện của bàn tay ‘viết lên bức tường của hoàng cung’ (Đn 5,6) đã khiến cho vua biến sắc, tâm trí bàng hoàng, ruột gan đòi đoạn, gối run cầm cập.
Trái lại, các môn đệ bị bách hại vì niềm tin vào Đức Giêsu ở trong tình trạng hoàn toàn an bình. Tự thâm tâm, họ cảm thấy bình an thanh thản. Bị kéo đến trước toà án, họ không lo phải nói gì để tự bảo vệ mình. Đức Giêsu hứa: ‘Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được’ (Lc 21,15). Quả vậy, các thù địch của thánh Stêphanô ‘không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông’ (Cv 6,10). Các môn đệ của Đức Giêsu biết rằng chính khi mất sự sống là lúc cứu được nó (x.Mt 16,25; Mc 8,35; Lc 9,24). Không có gì bị thiệt mất cả. ‘Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu’ (Lc 21,18). Cho dù có bị mọi người ruồng bỏ, như thánh Phaolô trong cuộc xét xử (2 Tm 4,16), thì người môn đệ đích thực có Chúa ở bên cạnh, có Chúa ban sức mạnh (2 Tm 4,17) và sẽ giải thoát họ khỏi mọi sự dữ, sẽ cứu và đưa họ vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa (2 Tm 4,18).
Điều duy nhất quan trọng là mối tương quan cá biệt của ta với Đức Kitô phải đích thực. Nếu ta sống thực sự cho Người, không gì có thể làm hại chúng ta, tất cả đều trở thành cơ hội cho tiến triển và chiến thắng. Trong mọi thử thách, ‘chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’ (Rm 8,37).
Thứ Năm tuần XXXIV Tn
Lễ thánh Anrê Tông đồ
Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Anrê tông đồ, anh của Simon Phêrô và bạn của Giacôbê và Gioan. Bài Tin mừng thuật lại việc Anrê nghe lời Chúa nói với ông: ‘Hãy theo Ta. Ta sẽ làm cho các ngươi thành kẻ chài lưới người’. Và lập tức họ đã bỏ lưới mà đi theo Ngài. Sự liên kết ngay lập tức này đã giúp cho các tông đồ loan báo tin mừng cứu độ. Đức tin đến từ việc lắng nghe và điều được nghe chính là lời của Đức Kitô, mà cho đến ngày nay Giáo hội vẫn còn loan báo cho đến tận cùng trái đất.
Chúng ta được mời gọi nghe lời và đón nhận vào trong lòng mình. Đó là phương thế cứu độ. Là một lời yêu sách và đây chính là lý do tại sao ta dễ dàng muốn đóng tai lại trước lời của Thiên Chúa: vì ta biết rằng việc nghe lời kéo theo những hệ quả. Ta nên nghĩ rằng lời Thiên Chúa thật sự là một phương thuốc chữa lành, cho dẫu đôi lúc làm ta đau khổ, nhưng nhằm lợi ích cho ta, để chuẩn bị cho ta nhận lãnh những ân ban của Chúa.
Nhưng lời không chỉ là một phương thuốc mà còn là một lương thực, nhu yếu phẩm cho linh hồn. Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa để cho thế giới phải trải qua cơn đói, không phải đói cơm bánh, nhưng đói nghe lời của Người. Chúng ta cần cơn đói này, vì giúp ta không ngừng tìm kiếm đón nhận lời Thiên Chúa, vì biết rằng lời Chúa nuôi dưỡng toàn bộ đời sống của ta. Chẳng có gì trong cuộc đời có thể có tính nhất quán, chẳng có gì có thể thực sự thỏa mãn chúng ta nếu nó không được nuôi dưỡng, soi sáng hướng dẫn bởi lời Chúa.
Đồng thời lời Chúa là một lời yêu sách. Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt giống cần phải được gieo vãi khắp nơi và lớn lên. Lời Chúa mang lại sự phong nhiêu cho người tông đồ. Nếu chỉ nói lời của con người thì ta không được xem là tông đồ, nhưng nếu ta đón nhận lời Thiên Chúa vào lòng mình, lời này sẽ thúc đẩy ta loan báo khắp nơi để con người hiệp thông với Thiên Chúa.
Nhờ thánh Gioan ta biết rằng không phải dễ dàng nghe lời Thiên Chúa, không phải công việc của loài người.
Đức Giêsu khiển trách những người biệt phái không có khả năng nghe lời của Ngài, vì họ không ngoan ngùy với Thiên Chúa: ‘Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi’ (Ga 6,45); để nghe lời Thiên Chúa cần phải sống ngoan ngùy với Chúa Cha.
Lời Chúa là hạnh phúc đời ta vì đó là cách thế hiệp thông với Thiên Chúa. Nếu ta muốn hiệp thông với Thiên Chúa, ta cần phải đón nhận lời Người vào lòng ta.
Hơn nữa, chính lòng nhân hậu và khoan dung của Người trao ban cho ta lời của Người, giúp ta sống thông hiệp với Người, chính Người là Đấng nói đầu tiên, đấng mở tai để ta có thể nghe như lời thánh vịnh viết, và là niềm vui cho ta được thân thưa với Người. Lời Chúa còn là phương thế tốt nhất để ta sống hiệp thông với nhau. Đừng ảo tưởng: tình huynh đệ đích thực chỉ có thể nơi lời của Chúa. Nếu ta khước từ lời Ngài, những ước mong đẹp nhất, những dự tính hay nhất để hiệp thông với tha nhân cũng sẽ thất bại, vì thiếu nền tảng đích thực là chính sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Hãy cầu xin thánh Anrê dạy ta biết lắng nghe, đón nhận lời Chúa cách hết sức quảng đại, giản đơn, huynh đệ, để có thể sống thông hiệp với Thiên Chúa và với anh em.
+++
Một đối nghịch lớn giữa điều Đức Giêsu nói về những biến cố tận cùng, biến đổi trời đất và lời khích lệ sau hết của Ngài: ‘Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc’. Thay vì sợ hãi, các tín hữu phải vui mừng, chờ đợi sự giái thoát gần kề.
Đoạn tin mừng này làm liên tưởng đến một sự kiện cá nhân. Trong chiến tranh có người bị bắt phải làm trong một nhà máy chế thuốc súng của quân đội Phátxít. Một đêm nọ anh ta bỗng tỉnh giấc vì tiếng động cơ máy bay và những đốm loé sáng trên bầu trời. Anh vội vàng chạy ra cánh đồng gần đó. Trong khi chạy anh thấy các bạn đồng đội la hét, hoảng hốt; khi đó ngược lại anh ta cảm thấy một niềm vui thật lớn trong lòng: các máy bay ấy chống lại quân địch Phátxít và mình sắp được giải thoát rồi.
Đọc lại đoạn tin mừng ‘‘Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc’, ta mới hiểu rõ ý nghĩa lời Chúa nói hơn. Như thế mọi thử thách đều là cơ may của chiến thắng, nếu trong đó ta biết ngoan nguỳ theo hướng dẫn của Thần Khí đấng đổi mới mọi sự; như thế đau khổ sự chết là giải thoát về với Đức Kitô, trong cuộc sống đời đời. Ta nhớ lời thánh Phaolô: ‘tôi muốn lìa thân xác để được ở cùng Đức Kitô’.
Hãy mặc cho mình cái nhìn kitô giáo này, để đọc những biến cố dưới ánh sáng đức tin và hy vọng. Ta sẽ luôn ở trong bình an, bình an mà Đức Giêsu phục sinh mang lại cho ta.
Thứ Sáu tuần XXXIV Tn
Hai suy tư mang tính khải huyền làm nên bản văn này: một dụ ngôn về những dấu chỉ của thời sau cùng (Lc 21,29-31) và một phán quyết bí ẩn về sự Triều Đại Thiên Chúa sắp đến gần (lc 21, 32-33).
Như cây cối đâm chồi nẩy lộc vào mùa xuân, những biến cố được Luca nêu lên trong chương 21 là những dấu chỉ tiên báo sự kết thúc thế giới này: chiến tranh, bách hại những tín hữu, khiếp sợ và sự chết (Lc 21,26-27).
Đọc cẩn thận đoạn tin mừng giúp ta khám phá dấu chỉ của sự kết thúc được ghi ẩn trong chính bản tính của con người. Sự sống của con người là một chuyển động, một đàng đi đến một khám phá luôn lớn hơn thế giới này, đàng khác đi đến sự chết và biến mất.
Cái chết và sự sống lại của Đức Kitô làm ta hiểu rằng sự sống con người nơi trần gian này âm thầm tiến đến sự tự hủy và chính sau cái chết của Đức Kitô ẩn chứa sứ điệp của sự sống mới trong Thiên Chúa, được tỏ bày cách hiển nhiên dịp lễ Phục sinh mang lại cho ta niềm vui sống. Dấu chỉ thập giá của Đức Kitô là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và ơn cứu độ tặng ban cho con người. Toàn thể đời sống con người được bao vây bằng những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và hôm nay, thế giới ta sống đang ở trong tình trạng tồi tệ, ngọn lửa của niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô – ngài cứu chuộc ta bằng cái chết trên thập giá – cần phải tiếp tục chiếu sáng lòng ta.
Tình yêu của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sự chết! Thiên Chúa không quên chúng ta khi ngài chết. Ngài hứa ban cho ta hạnh phúc viên mãn.
Trong thế giới này tất cả đang qua đi như những bông hoa mùa xuân. Cũng xảy ra như thế đối với con người. Điều này làm cho ta buồn phiền, nhưng sự sống lại của Đức Giêsu mang lại cho ta hy vọng mới: hy vọng sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
+++
Tin tưởng và vui mừng
Bài đọc 1 hôm nay cho ta hiểu một điều nghịch lý: quyền lực của con người thì ‘vô nhân’; triều đại duy nhất mang tính ‘nhân văn’ là triều đại của Thiên Chúa.
Đanien nhìn thấy bốn con vật: một con sư tử khủng khiếp, đứng trên hai chân như một người và có quả tim của con người; một con gấu: ‘Đứng lên, ăn thịt cho nhiều đi’; một con beo, được ban cho quyền thống trị và sau cùng, con thú thứ tư đáng kinh, đáng sợ, ‘nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại’. Đó là quyền lực con người không phục tùng Thiên Chúa, luôn mang đến tàn bạo, vô nhân thật đáng ghét và không vững chắc.
Đối nghịch lại với thị kiến đó, Đanien nhìn thấy quyền uy của Thiên Chúa: ‘Có ai như một Con Người’, lãnh nhận quyền thống trị, vinh quang và vương vị từ chính Thiên Chúa. Là đức vua thích chịu đau khổ hơn là làm cho người khác đau khổ, đấng chấp nhận thân phận con người để thấu hiểu con người và để hướng dẫn họ một cách ‘người’, bằng hiền lành và khiêm hạ.
Sấm ngôn của Đanien đi trước mạc khải Tân Ước. Con Người, Đấng mà Thiên Chúa trao ban vinh quang, uy quyền và vương vị gợi lại hình ảnh của Đức Kitô đáp lại câu hỏi của vị Thượng Tế: ‘Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không? Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá trên mây trời mà đến’. Các kitô hữu vui mừng khi đọc lại lời sứ ngôn và chiêm ngắm Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Trong lần gặp sau cùng với các môn đệ, Ngài đã tuyên bố thực hiện lời sứ ngôn trên: ‘Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy’.
Viễn ảnh đó phải là động lực thúc đẩy ta tin tưởng phó thác và vui mừng: Đức Kitô đã lãnh nhận vương quốc vĩnh cửu, là vua hiền lành và khiêm hạ của chúng ta, Đấng làm cho chúng ta nên tư tế của Chúa Cha.
Thứ Bảy tuần XXXIV Tn
Đức Giêsu yêu cầu chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng: ngày sau cùng đã gần kề. Cần phải chuẩn bị cho ngày đó.
Lời cảnh báo này nhắc nhở ta rằng có Sự Thật và đời sống của ta có ý nghĩa sâu xa. Sự Thật chính là Chúa, đấng làm nền tảng cho sự hiện hữu của ta và bằng ân sủng của ngài, soi sáng tâm hồn ta. Do ân sủng này và lời mời gọi này mà ta cần phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Vì vậy, bổn phận sống tỉnh thức là một yêu cầu ưu tiên cho thế giới tương lai. Mỗi người đều có bổn phận chăm lo cho sự sống chính mình, làm sao không để cho tội trọng làm thiệt hại mình. Lời cảnh báo, khích lệ tạo nên đoạn tin mừng này, áp dụng cho tình trạng hiện nay của ta, cho tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị thời gian mà ta đang sống.
Để hiểu được cách đúng đắn sự kết thúc của thế giới, cần phải nhớ rằng: Nước Thiên Chúa (triều đại Đức Giêsu) ngày mai sẽ đến và càng gần đến ngày ấy sẽ có nhiều hơn những cám dỗ và cần phải chiến đấu nhiều hơn; nhưng đồng thời cũng mang đến cho ta niềm hy vọng được tham dự vào sự sống lại của Đức Kitô. Cuộc sống hiện nay của ta vừa mang dấu chỉ của sự chết và sự sống lại. Do đó ta phải lưu tâm đến lời nói của Đức Giêsu và hãy để cho lời ngài thấm đầy cuộc sống của mình để không rơi vào nguy cơ bị kết án vào giây phút phán xét sau cùng.
+++
Tin tưởng và bình an
Câu tung hô Alleluia diễn tả thái độ mà giáo hội muốn gợi lên hôm nay, ngày kết thúc năm phụng vụ: tỉnh thức và hy vọng: ‘Hãy tỉnh thức và trông cậy vào ân sủng sẽ được ban cho vào ngày Đức Giêsu Kitô trở lại’. Chúng ta hy vọng, bởi lẽ, như đọc thấy trong đoạn sách Đanien, ‘còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ, sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao’. Vậy hình ảnh Con Người mà chúng ta đọc trong đoạn sách Đanien ngày hôm qua có tương ứng với đoàn dân thánh này không? Cách diễn đạt ý nghĩa tập thể này luôn mang tính thiên sai và cũng không loại trừ ý nghĩa cá vị, vì Con Người vừa là thủ lãnh, vừa là vị đại diện và là mẫu mực của dân thánh: Nhiều lần, Đức Giêsu tự ví mình như Con Người. Các thánh, một thời gian bị nằm trong tay kẻ thù, nhưng rồi Thiên Chúa sẽ kéo họ ra vào trao cho họ vương quyền. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. ‘Các con hãy vững tin, vì Thầy đã chiến thắng thế gian’. Đức Giêsu đã chiến thắng, còn chúng ta tham dự vào chiến thắng của Ngài nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, bằng tỉnh thức và cầu nguyện.
Ngày cuối năm phụng vụ đưa ta vào bầu khí tin tưởng và an bình và chúng ta có thể hân hoan chúc tụng Thiên Chúa bằng những lời Đáp Ca: ‘Chúc tụng Chúa đi hỡi phàm nhân dương thế. Chúc tụng Chúa đi, dòng dõi Israel. Chúc tụng Chúa đi, tư tế phụng thờ Chúa. Chúc tụng Chúa đi, tôi tớ phục vụ Người. Chúc tụng Chúa đi, hồn thiêng hàng công chính. Chúc tụng Chúa đi, người thánh kẻ khiêm nhường’.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê