Thiên Chúa hiện diện nơi người nghèo

Thứ bảy - 25/11/2023 03:51  340
THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN NƠI NGƯỜI NGHÈO
 

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật XXXIV Thường niên A - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ.

Ed 34,11-12;15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46.
 



Thật khó để hình dung được các bài đọc sâu sắc  hơn để kết thúc năm phụng vụ và chuyển sang Mùa Vọng. Vào Chúa nhật XXXIV Thường niên, khi Giáo hội cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, thánh Matthêu đã đồng hóa Con Người với những ai cùng khổ. Hình ảnh đầy ấn tượng này trong bài Tin mừng khiến nhiều học giả đặt câu hỏi rằng các Kitô hữu nên hiểu sự đồng hóa này đến mức nào. Như hai học giả đã tự hỏi trong phần chú giải bài Tin mừng này: “Nơi Mt 25,31-46, liệu có sự hiện diện cá vị đích thực của Con Người nơi những người nghèo không?” (David và Allison, International Critical Commentary, 2004). Nếu có, thì chúng ta phải chấp nhận rằng Thiên Chúa mặc khải ít là một phần mầu nhiệm của Hữu thể thần linh thông qua kinh nghiệm của người nghèo.

Đây không phải là một khái niệm xa lạ với truyền thống Do Thái-Kitô giáo, như được mô tả trong các bài đọc Chúa nhật này. Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng” (Ed 34,11). Những con chiên lạc mà Êdêkiel đề cập đến là những người Israel đang lạc lối, bị tổn thương và ốm đau. Nói cách khác, họ lạc lối vì những mục tử giả [chỉ biết lo cho mình] đã bỏ rơi họ. Bài Thánh vịnh đáp ca tiếp tục mối bận tâm với người túng thiếu “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23,1). Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, dù Thiên Chúa quan tâm đến những nhu cầu của người nghèo, nhưng Ngài không phải là một trong số họ. Trong Tin mừng Matthêu, Chúa Giêsu bày tỏ sự đồng hóa mật thiết giữa Thiên Chúa với những con chiên bị lạc, thương tích và ốm đau.

Dụ ngôn trong bài Tin mừng tuần này thường được gọi là “Cuộc phán xét các dân tộc”. Con Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển và triệu tập “các dân tộc” để kiểm tra lần cuối việc làm của họ, phân tách họ ra như mục tử tách biệt chiên khỏi dê. Trong một động thái đáng ngạc nhiên, tiêu chuẩn của việc phán xét này rất cụ thể: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Tuy nhiên, vẫn còn một số câu hỏi. Các “dân tộc”  đang bị phán xét này là ai? Và ai là người “túng thiếu” đang được phục vụ hoặc bị bỏ rơi?

Có nhiều cách để giải thích dụ ngôn này, nhưng có hai cách đặc biệt hữu ích. Cách thứ nhất là dựa trên những tham chiếu được lặp đi lặp lại của Matthêu về “các dân tộc”. Một số học giả Kitô giáo tin rằng Matthêu đang nói đến những người chưa nghe sứ điệp của Đức Kitô trên khắp thế giới. Do đó, đoạn văn này đề nghị một con đường cứu độ cho những người ngoài Kitô giáo. Như Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo trình bày, Thiên Chúa dự liệu cách đặc biệt cho những ai “thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ân sủng, cố gắng chu toàn thánh ý của Ngài bằng các công việc theo sự hướng dẫn của lương tâm” (GLCG 847). Đối với những người chưa gặp được đức tin, việc chăm sóc người nghèo là hành động làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng mà họ tìm kiếm. Lối giải thích này, mặc dù hiếm khi được nghe, nhưng đáng được suy ngẫm vì một con đường cứu độ rộng mở cho những người ngoài Kitô giáo đã có nơi một trong những bản văn đức tin đầu tiên của chúng ta.

Cách giải thích thứ hai, “các dân tộc” bị phán xét đại diện cho toàn thể nhân loại. Đối với nhiều người trong chúng ta, đây có thể là cách hữu ích hơn giúp chúng ta cầu nguyện với đoạn Tin mừng này khi chuyển sang Mùa Vọng. Chúng ta đang chuẩn bị cho việc ngự đến của Đấng sẽ nâng nhân loại lên, nhưngđồng thời cũng chịu đau khổ nơi những anh chị em mình thấp hèn nhất. Chúa Kitô, Vua vũ trụ, phán rằng: “Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25,35). Mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong đoạn văn này là một mầu nhiệm về sự khiêm nhường tuyệt đối, một sự đồng hóa với kinh nghiệm cụ thể của nhân loại đau khổ, đói khát và bị bỏ rơi. Mùa Vọng chuẩn bị cho chúng ta sự khiêm nhường được tỏ bày nơi lễ Giáng Sinh. Mầu nhiệm về người nghèo phần nào cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa ngay trung tâm đức tin của chúng ta.

CẦU NGUYỆN
Làm thế nào chúng ta có thể đồng hóa với người nghèo theo cách Chúa Kitô dạy trong bài Tin mừng?
Chúng ta là người “cứu giúp người khác” hay là người cần được cứu giúp?
Chúng ta chuẩn bị mùa Vọng như thế nào từ kinh nghiệm thế giới đổ vỡ của mình?

 

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (22/11/2023)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay23,955
  • Tháng hiện tại347,641
  • Tổng lượt truy cập51,678,976

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây