Suy niệm hằng ngày tuần XXIX thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ tư - 23/10/2019 06:06  913
Thứ Hai tuần XXIX Tn
Nền tảng thực của cuộc sống
Trong thư Roma, Phaolô quay lại chủ đề về tổ phụ Abraham, ‘đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa’. Thật trái ngược với người giàu có mà tin mừng nói đến hôm nay! Anh ta đặt nền tảng của cuộc sống nơi của cải vật chất: ‘Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã’. Abraham đặt nền tảng cuộc sống của ông trên một thực tại xem chừng ra chẳng vững vàng chút nào: một lời nói, không phải ông nghe được từ một con người mà ông thấy, ông biết và ông có thể đánh giá để quyết định có nên tin hay không; đàng này lại là một lời nói ông nghe được từ Thiên Chúa. Chính trong mối liên hệ với Thiên Chúa mà ông đạt đến sự bảo đảm tuyệt đối. Abraham cũng là người giàu có, có bảo đảm của cải và có thể nghĩ rằng mình sẽ trải qua những chuỗi ngày còn lại đời mình tại phần đất Canaan. Nhưng ông biết rằng sự bảo đảm đích thực là ở nơi làm theo điều Thiên Chúa muốn.
Ai trong hai người có lý? Dụ ngôn Đức Giêsu kể: ‘Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi’. Và Ngài kết luận: ‘Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng giống như vậy’. Cậy dựa vào của cải trần gian, thật vô ích: kho tàng đích thực là mối quan hệ của ta với Thiên Chúa, trong việc lắng nghe tin tưởng và vâng phục lời Chúa.
Hãy tìm kiếm nền tảng vững chắc cho cuộc sống chúng ta, điều đó sẽ làm cho ta đối diện với cái chết cách thanh thản, bình an, bảo đảm rằng qua cái chết chúng ta sẽ đạt đến kho tàng duy nhất đích thật.
+++
Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!
Đừng bao giờ ngừng ‘hít thở’ những lời này trong lòng. Những lời này không phải là một bông hoa xoa dịu cho những tâm hồn chán nản. Trái lại chúng là sức mạnh của sự thật mang lại chiến thắng cho đời sống kitô hữu của ta, trong một thế giới luôn thấm đầy chủ nghĩa duy vật và lòng tự mãn cho rằng mình tự cứu chính mình và một thế giới không có Thiên Chúa. Với một con tim được đức tin soi sáng, ta biết rằng mình được cứu rỗi nhờ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, đưa ta vào trong chân lý và bình an. Thánh Phaolô còn nói ‘chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa’, chúng ta ‘được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta’. Ta rơi vào tình thế khó xử: ‘quan trọng là đức tin hay các việc làm? Là đức tin trong tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, suối nguồn mang lại sự thanh thản cho đời ta, cho hành trình tiến bước khiêm tốn và dấn thân trên đường làm điều lành theo gương Đức Kitô. Nhờ Ngài và ân sủng của Ngài chứ không phải do sự tài giỏi của ta, mà ta được cứu độ trong khi thực hiện việc lành.
Trong phút hồi tâm, tôi để cho lời an ủi của Phaolô và của Đức Giêsu trong tin mừng thức tỉnh tôi: ‘Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu’ và ngay cả những việc tốt lành mà tôi tưởng mình đã thực hiện nhờ sức riêng mình.
Lạy Chúa, mạng sống con ở trong tay Chúa. Con tin cậy nơi Chúa và nhờ ân sủng Chúa, con sống niềm tin của mình trong việc thực hiện bác ái mỗi ngày. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: ‘Thiên Chúa không bao giờ ngừng tha thứ cho ta, chỉ có ta mỏi mệt cầu xin lòng thương xót của Người!
+++
Làm sao giải thích phản ứng mạnh của Đức Giêsu đối với người đặt cho ngài một câu hỏi chính đáng?
Quả thực Đức Kitô không từ chối người này, nhưng muốn giúp anh ta không dính bén với của cải, như thể tất cả ý nghĩa cuộc sống tùy thuộc vào đấy. Và trong một dụ ngôn Đức Giêsu nói về một người, quên mình thuộc về Thiên Chúa, khép kín mình cùng những của cải giàu sang trong một tình trạng khắc khoải cô đơn và sống như lướt qua cuộc đời này.
Đức Giêsu đã đến vì điều nghiêm túc hơn là việc đặt dấu chấm hết cho những tranh luận của ta. Ngài muốn chia sẻ với ta mầu nhiệm hoàn toàn thuộc về Chúa Cha. Ngài mời gọi ta nhìn cuộc đời mình dưới ánh sáng của mầu nhiệm này và tự mình đưa ra những quyết định.
Như thế ngài dẫn ta đến điều hết sức nghiêm túc, chứ không phải quyết định thay ta. Ngài dẫn ta đi trong sự tự do của con cái Thiên Chúa, có khả năng sống bằng Thiên Chúa ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống, như việc chia gia tài.
Thứ Ba tuần XXIX Tn
Chủ đến bên từng người mà phục vụ
Bài đọc 1 xác quyết nguyên tắc của tính liên đới với mọi người là một tính liên đới hai chiều, trong sự dữ cũng như trong sự thiện: ‘Thật vậy, nếu vì duy một người đã sa ngã mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người’.
Là một nguyên tắc mà chúng ta khó chấp nhận, nhất là trong bình diện tiêu cực: ‘vì một người duy nhất mà mọi người bị kết án’. Hình như quá nghiêm khắc và bất công, chúng ta không muốn bị liên đới trong tình cảnh đó. Chúng ta không muốn mình lẫn lộn trong số các tội nhân: chúng ta cầu nguyện cho họ, tự tách mình ra khỏi tình trạng tội lỗi của họ. Nếu chúng ta không chấp nhận liên đới trong tội và trong án phạt, chúng ta sẽ không nhận được ân sủng chứa chan. Đức Kitô, Đấng thánh thiện, vô tội, không chút tì ố, tách biệt khỏi tội nhân (Dt 7,26) đã chấp nhận mang lấy tội lỗi nhân loại. Là mầu nhiệm khôn dò, cho thấy một tình yêu vô biên mà trí khôn con người không thể tưởng nghĩ đến.
Đối nghịch với người giàu ngu dại bị cái chết bắt chợt, Đức Giêsu nêu hình ảnh người môn đệ tỉnh thức chờ đợi chủ về. Tỉnh thức là một trong những đức tính thiêng liêng căn bản của đời sống kitô. Người khép kín mình, ngủ mê trên những của cải của mình, Chúa kêu gọi hãy nhìn lên và chờ đợi Chúa trở về. Là một hạnh phúc cho người tín hữu: chờ đợi Chúa. Nhưng Chúa hàng ngày đứng bên cửa tâm hồn ta và gõ cửa, như sách Khải Huyền viết. Phúc cho người biết mở cửa cho Ngài. Ông chủ trở nên người hầu hạ; ông thắt lưng, đưa họ vào bàn và đến bên từng người mà phục vụ. Đức Giêsu trong bữa tối cuối cùng, đã thực hiện như thế. Chiều hôm ấy, sau khi bưng lấy chậu nước, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, từng người một. Điều ấy cũng xảy ra cho ta mỗi lần chúng ta đón Chúa trong kinh nguyện, trong việc phục vụ các người nghèo nhất là trong Phụng vụ, nơi đó Chúa chuẩn bị cho ta bàn tiệc để nuôi sống ta bằng lời và máu thịt của Ngài.
+++
Đức Kitô đòi chúng ta nên những người đầy tớ tỉnh thức chờ chủ trở về. Ước gì toàn thể cuộc sống của ta tập chú vào cuộc chờ đợi này! Tỉnh thức: nhìn thấy mọi tình huống cuộc sống của ta mở ra cho Đức Kitô và không quên rằng chính Ngài là phần thưởng cho những lời nói và hành động của ta. Chỉ Ngài có tiếng nói cuối cùng để nói ra ý nghĩa của tất cả những gì ta sẽ sống.
Đức Giêsu nói với ta rằng vào lúc ngài trở lại, sẽ xảy ra điều bất ngờ: chủ sẽ phục vụ các đầy tớ.
Tình yêu của Thiên Chúa vượt trổi tất cả những gì ta có thể tưởng nghĩ, ngay cả những hy vọng thâm sâu nhất của lòng ta. Là điều bất ngờ đối với con người khi Thiên Chúa tự làm người phục vụ. Tất cả cuộc đời của Đức Kitô thúc đẩy ta tin điều này, để ta nếm trước niềm vui Nước Trời.
Thứ Tư tuần XXIX Tn
Ai được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều
Đức Giêsu cảnh giác chúng ta để khỏi lạc đường. Chắc chắn Ngài hứa cho ta niềm vui, nhiều niềm vui ngay trong cuộc đời này, khi tỏ cho ta thấy tình yêu của Ngài. Nhưng tình yêu của Ngài là tình yêu đích thực và là tình yêu đòi hỏi. Trong tin mừng, câu hỏi của Phêrô nêu lên cái cám dỗ rất tự nhiên, của bất cứ con người nào cảm thấy mình được đặc ân của Thiên Chúa và do đó, cho rằng mình được ‘miễn trừ’. Thực vậy, sau khi nghe bài dụ ngôn về sự cần thiết phải tỉnh thức, Phêrô đã hỏi Chúa: ‘Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?’ Chúng ta là người được ưu tiên, chúng ta có thể yên tâm về điều này. Cốt lõi của câu hỏi như thế này: chúng con là môn đệ của Ngài, Ngài đã bảo rằng chúng con có quyền trên kẻ khác, địa vị chúng con phải hơn bất cứ ai khác chứ! Điều đó là có thực, nhưng ở địa vị của Phêrô và của các Tông đồ lại bị đòi hỏi nhiều hơn, bởi lẽ quyền của họ là quyền phục vụ, chứ không phải là đặc ân để tìm tư lợi, thỏa mãn tính ích kỷ. Tích ích kỷ luôn tìm cách lèn lách vào trong tư tưởng của ta và cần phải chiến đấu để loại trừ nó ra khỏi tâm trí, như Phaolô viết, phải giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi để phục vụ Thiên Chúa, trở nên những đầy tớ của sự công chính. Là một phục vụ tự do nhưng đòi hỏi, vì đó là đòi hỏi của tình yêu đích thực.
Thánh sử diễn tả tính ‘lễ hội’ của lòng ích kỷ. Ông chủ về trễ và người quản gia bắt đầu ‘đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa’. Lễ hội của lòng bác ái hoàn toàn trái ngược, đổ tràn tâm hồn niềm vui thanh khiết, bởi vì mỗi người không nghĩ tận hưởng niềm vui của mình mà là trao ban niềm vui cho kẻ khác. Như vậy, ai có địa vị phải làm theo ý của Chủ.
‘Ai được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều; ai được giao phó nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn’. Là những lời cho ta biết ý của Thiên Chúa. Cảm tạ Chúa vì những ân huệ Ngài ban và cầu xin Ngài cho ta hiểu thấu ý nghĩa của việc phục vụ, trong tình bác ái hỗ tương.
+++
Đời sống là một nhiệm vụ cần phải thực hiện
Như được thuật lại trong sách thánh, ngay từ ban đầu Thiên Chúa nhân lành đã giao phó cho con người một nhiệm vụ; Người đã dựng nên con người giống hình ảnh Người, ban cho trí thông minh và ý chí, cho mỗi người những khả năng đặc biệt để làm phát sinh hoa quả cùng với sự phục vụ khiêm tốn vâng phục chính Thiên Chúa.
Đức Giêsu, người tôi tớ của Chúa Cha, đã thực hiện cách hoàn hảo nhiệm vụ của mình, bằng cách chấp nhận sự khổ nạn, cái chết trên thánh giá. Hình ảnh hai người đầy tớ trong tin mừng hôm nay có hai cung cách khác nhau. Người đầy tớ tỉnh thức, chờ đợi ông chủ trở về bằng cách sống trung tín với lệnh truyền. Là người thi hành mệnh lệnh đã nhận. So sánh với dụ ngôn khác, ta có thể nói rằng đây là người đã biết làm phát sinh hoa lợi những nén bạc lãnh nhận. Người đầy tớ kia, đã không coi trọng những lệnh truyền và không sống như một ân huệ của lòng tin từ nơi Chúa, sống tự mãn; ông chủ đi xa nhưng chỉ trên bình diện thể lý, nên người ấy cho mình được tự do hành động theo sở thích. Ông chủ trở về lúc bất ngờ khi nó đang sống bất tín như vậy, nên bị chủ phạt.
Ta không nhìn thấy Chúa và tưởng rằng Ngài ở thật xa và chẳng có liên quan gì đến đời sống của ta, khi mà niềm tin bị tắt và tinh thần ra tăm tối. Hôm nay hãy cầu xin Chúa ban cho ta sức mạnh để luôn sống chờ đợi Chúa đến…
Thứ Năm tuần XXIX Tn
Chiến đấu cho điều thiện
Trong thư Roma, Phaolô tìm cách cất đi một ảo tưởng. Ngài khẳng định rằng ơn cứu độ được ban cho ta nhờ ân sủng chứ không phải do các việc ta làm; nên Ngài khuyên nhủ các kitô hữu: trước đây vì nô lệ tội lỗi, ta làm những việc ô uế và vô luân thì nay, được giải thoát khỏi tội mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa, ta phải thực hiện những điều thánh thiện và mang lại sự sống đời đời. Đó là sự mới mẽ của những việc làm đức tin, bắt nguồn từ nơi Đức Giêsu Kitô. Chân lý này không luôn luôn được hiểu cách đúng đắn. Ân sủng của Đức Kitô không chỉ là chiếc áo choàng, nhờ công nghiệp của Đức Kitô, che đậy những tội lỗi của ta trước mặt Chúa Cha. Không phải thế.
Tin mừng hôm nay Đức Giêsu cũng cất đi một ảo tưởng nơi các môn đệ. Ngài đến mang lại hòa bình, chính Ngài là sự hòa bình, như Phaolô đã viết cho tín hữu Êphêsô, nhưng hòa bình của ngài không theo kiểu thế gian. Sứ điệp hòa bình của Ngài chống lại một thứ yên phận biếng nhác, không muốn nỗ lực, né tránh những chiến đấu với sự dữ. Nên Ngài nói: ‘Anh em tưởng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là sự chia rẽ’. Đối diện với Đức Kitô, con người phải chọn lựa. Và chính sự chọn lựa này gây những xung đột nơi chính chúng ta và nơi những người xung quanh chúng ta: ‘Họ sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba…’
Người kitô phải biết can đảm bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thống trị của tình yêu chống lại những điều ác đang hoành hành. Sứ điệp của tin mừng hôm nay đòi hỏi lòng can đảm. Xin Chúa cho ta thấy rõ để biết phân biệt điều gì là hòa bình thật điều gì là hòa bình giả, và có can đảm để phục vụ cho sự thật, với bất cứ giá nào. Trong thư do thái, tác giả mời gọi các tín hữu phải biết kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, ‘mắt hướng về Đức Giêsu Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin…Anh em hãy tưởng nhớ đến Đấng đã cam chịu để cho người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.
Khuyên nhủ các môn đệ sống tỉnh thức, Đức Giêsu cũng loan báo cho họ biết đã đến lúc phải quyết định, không được trì hoãn việc chọn lựa theo Ngài. Đức Giêsu nói đến lửa mà Ngài mang xuống thế gian. Sách Khải Huyền lấy lại hình ảnh này khi nói về vị sứ thần vào thời sau cùng sẽ ‘ném lửa xuống thế gian’ (Kh 8,5). Đức Giêsu muốn các môn đệ mình bỏ đi mọi thái độ ươn lười, chậm trễ, thờ ơ để họ cũng có được cái ưu tư lo lắng của Ngài, ‘Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn thành’: ngọn lửa của tình yêu đốt cháy tâm hồn mọi người. Người môn đệ không được kêu gọi để sống yên ổn cách ích kỷ. Sự gắn bó với tin mừng đòi hỏi một sự ‘lột xác’ khỏi lối sống cũ của tội lỗi. Chỉ có tin mừng mới là ngọn lửa làm thay đổi thế giới, khởi đi từ tâm hồn mỗi người.
+++
Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. Ep 3,14-19
Thánh Phaolô bị chiếm lấy tâm hồn bởi sự vô cùng thâm sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa, đấng được mạc khải nơi Đức Kitô. ‘Được đầy tràn sự viên mãn của Thiên Chúa’ là ý nghĩa thâm sâu của ơn gọi kitô hữu của ta; là mở rộng một chân trời vô biên, điều chỉ được rộng mở trong mức độ ngay trần gian này.  Đó là chiều kích chiêm niệm của niềm tin của ta. ‘Ước gì Đức Kitô ngự trong tâm hồn anh em nhờ lòng tin’. Vài người cho dù nói rằng mình tin và làm một vài thực hành tôn giáo, nhưng lại luôn sống cách ì ạch. Dường như họ đang kéo một chiếc xe chất nặng những điều phải làm: trên bình diện đạo đức, thiêng liêng và thực hành. Hình ảnh họ có về kitô giáo là ngộp thở và buồn chán. Thiếu vắng sự tỏa sáng của tình yêu, thiếu chân trời chiêm niệm, thiếu niềm vui được Đức Kitô ở cùng và làm cho vững vàng.
Trong phút hồi tâm tôi nghĩ đến Đức Giêsu đang ở trong tôi. Tôi cầu xin Ngài cho tôi được bén rễ sâu và xây dựng trên đức ái trong cuộc sống mỗi ngày. Và như thế, cùng với Đức Giêsu, gieo vãi những việc làm bác ái, tôi có thể mở lòng mình cho kích thước dài rộng cao sâu của tình yêu Đức Kitô vượt quá mọi hiểu biết. Nhờ ân sủng, nếu tôi tin tưởng chờ đợi kiên trì trong lòng tín thác, tôi sẽ được tràn đầy sự viên mãn của Thiên Chúa.
Thứ Sáu tuần XXIX Tn
Đấng cứu độ chúng ta
Sự có mặt của sự ác trong lòng con người là điều khủng khiếp, thánh Phaolô mô tả trong đoạn thư Rôma và Đức Giêsu cũng lên tiếng trong bài tin mừng: đồ đạo đức giả. Tự mình, con người không có khả năng làm điều thiện, dù nó thích và mong muốn: ‘Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không’. Tự mình, con người hướng đến sự ác. Nhiều lúc những ý hướng tốt lại dẫn đến những hành động xấu. Con người muốn tình yêu, là điều thiện hảo nhất trên đời, thế nhưng nhân danh tình yêu chúng ta lại thấy mỗi ngày biết bao gia đình tan rã, con cái bị bỏ rơi…Ước muốn sự công bình là điều tuyệt vời trong lòng con người, nhưng nhân danh sự công bình biết bao bạo lực xảy ra đưa đến những bất công tệ hại. Cả ước muốn sự thiện hảo, nhưng nếu tự hào cho rằng tự mình thực hiện được, ta mắc vào tội của người biệt phái: ‘Lạy Chúa, con sống tốt lắm, con không như bao kẻ khác…’
Con người không thể tự mình thực hiện điều thiện mình mong muốn. Chúng ta cần Đấng cứu độ, cần một ai đó cứu chúng ta không phải chỉ một lần, Đấng luôn ở cùng ta, luôn hiện diện trong ta, để cứu chúng ta mỗi khi chúng ta hành động. Khi chúng ta hành động cùng với Đấng cứu độ, được Ngài giúp đỡ, thúc đẩy, hướng dẫn, hành động của chúng ta sẽ là hành động tốt, không làm cho chúng ta tự cao tự đại, bởi lẽ không quy về chúng ta mà về Đấng ban ân sủng cho chúng ta.
Đức Giêsu là dấu chỉ duy nhất về tình yêu vô cùng của Thiên Chúa. Thông thường con người chỉ quan tâm đến chính mình, những việc của mình, không nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa. Cần phải hướng nhìn lên để hiểu thời cứu độ đã đến, cần đi ra khỏi những thói quen cứng nhắc làm xơ cứng chúng ta, cần tách mình ra khỏi tính vị kỷ làm ta mù lòa. Lắng nghe tin mừng của Chúa và mang ra thực hành là việc làm ưu tiên của người tín hữu. Những dấu chỉ khác: các bí tích, đặc biệt phụng vụ thánh cho ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa. Những người nghèo và tất cả những ai đang mong chờ được giải thoát khỏi những hình thái nô lệ thế gian: không quan tâm đến tình cảnh của họ cũng có nghĩa là không hiểu được nỗi lòng của Thiên Chúa.
+++
Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiên tốn, hiền từ và nhẫn  nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau (Ep 4,1-3).
Phaolô đang ở tù vì làm chứng cho Chúa, và từ trong tù, ngài không ngừng khuyến khích các con cái của ngài trong Đức Kitô Giêsu. Điều ngài đề nghị là một phong cách sống đời kitô hữu, luôn có giá trị. Trong một xã hội đang khủng hoảng sâu đậm văn hóa xã hội như ta ngày nay, những cung cách mà thánh Phaolô đề nghị cho thấy chúng có thể là những phương thuốc giải độc cho những điều dữ hiện nay. Thái độ tự mãn của con người đương thời có thể giảm bớt nhờ cung cách sống khiêm tốn. Sự hống hách, dối trá và bất bao dung (ngay cả trong tôn giáo) tìm gặp thấy nơi sự hiền từ, nhẫn nại như phương thuốc chữa trị chính xác. Sự chịu đựng lẫn nhau, không phải là một cam chịu người khác nhưng là ‘mang người anh em với tình yêu trong lòng mình’. Trở thành một phương cách thực hiện sự hiệp nhất và hiệp thông là điều thiện hảo cho gia đình và cộng đoàn. Và tất cả những điều ấy làm nên mối dây của An Bình. Trong Đấng là mối dây nối kết vì An Bình của ta là Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, An bình của con, xin giúp con trở nên một người bất bạo động, một người ủng hộ và kiến tạo hòa bình, bằng cách sống theo cung cách giản dị nhưng thật cần thiết mà thánh Phaolô đề nghị và Chúa, với ân sủng của Ngài giúp con thực hiện.
Mọi người đều nói về hòa bình, nhưng không thể thực hiện ra bên ngoài nếu lòng vẫn còn chỗ cho giận hờn và ghen ghét.
Thứ Bảy tuần XXIX Tn
Sống theo Thần khí
‘Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy’. Nhưng nếu chúng ta ở trong Đức Giêsu, chúng ta không còn bị lên án nữa, Phaolô viết trong đoạn thư Rôma, như tiếng reo mừng chiến thắng: ‘Những ai trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Vì Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết’. Thần Khí của Đức Kitô là một năng lực mạnh hơn bản năng của chúng ta, hơn xác thịt hướng chúng ta về đất thay vì hướng về những giá trị linh thiêng. Thần Khí, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, ngự trong chúng ta, sẽ đổi mới tất cả.
Tin mừng ngày hôm qua thuật lại việc Đức Giêsu quở trách những người không biết đọc những dấu chỉ của thời đại dưới ánh sáng đức tin. Hôm nay Chúa lại mời gọi suy nghĩ về những biến cố đang xảy ra trong những ngày ấy (Philatô giết chết một số người Galilêa, Tháp Siloe đổ xuống đè chết 18 người), vẫn tiếp tục xảy ra trong lịch sử nhân loại. Người do thái thời ấy tin rằng bất cứ một điều không may nào cũng xuất phát từ hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi con người phạm. Đức Giêsu đến sửa chữa quan niệm ấy: phải đọc như lời cảnh cáo để biết sám hối, như lời mời gọi để thay đổi cuộc sống, như lời nhắc nhớ thân phận mỏng giòn của kiếp người. Dụ ngôn cây vả không sinh trái minh họa những gì Ngài vừa nói: nếu chúng ta không biết nghe theo lời khuyến dụ của Chúa mà thay đổi cung cách sống của mình sao cho mang lại nhiều hoa quả thánh thiện, chúng ta sẽ bị loại trừ.
Cầu xin Mẹ Maria cho ta được ơn biết đón nhận, với lòng vâng phục hoàn toàn, hoạt động của Thần Khí, để chúng ta được hướng về Chúa Cha và Chúa Con. ‘Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an’.
+++
Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng theo mức độ Đức Kitô ban cho. Vì thế có lời kinh thánh nói: Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù, Người ban ân huệ cho loài người.
Sự buồn chán và thất vọng nhiều lúc xảy ra cho ta là vì ta không hiểu được sự tích cực trong ‘ân sủng của Đức Kitô’, nghĩa là những gì là quý giá làm phong phú cho đời sống chúng ta. Là điều không liên quan đến những giác quan của ta, nhưng chắc chắn rất lớn lao. Đức Giêsu, trở về với Chúa Cha, kết thúc cuộc vượt qua của ân sủng tình yêu vô biên của Ngài, đã có thể trao ban ân sủng cho con người. Mỗi người chúng ta được nên phong phú nhờ ân sủng khi ta sống với Chúa Cha và ở giữa anh em. Sự đặc biệt của ân sủng làm cho mỗi người là chính mình: duy nhất, độc đáo. Như thế ta tiến đến sự viên mãn của Đức Kitô và đồng thời giúp những người khác đạt đến sự viên mãn ấy. Như trong cùng một thân thể được ăn khớp và kết cấu chặt chẽ, năng lực của bất cứ chi thể nào của Thân Thể Đức Kitô (Giáo hội) đều thông truyền sức mạnh làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.
Lạy Chúa Giêsu, con cám tạ Chúa. Xin ban cho con sống vì vinh quang của Ngài và cho sự thiện hảo của gia đình của con, cộng đoàn của con, Giáo hội và thế giới.
Có những họa sĩ biến mặt trời thành một chấm màu vàng, nhưng có những họa sĩ khác nhờ sự trợ giúp của nghệ thuật và trí thông minh của mình, biến cái chấm vàng thành mặt trời  (Pablo Picasso)
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Lễ Kính Thánh Simon và Giuđa Tông Đồ
Lễ các Tông đồ là dịp giúp ta ý thức hai chiều kích không thể tách rời của Giáo hội, thân thể Đức Kitô và đền thờ của Thánh Thần, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Là ảo tưởng nếu nghĩ rằng có thể nhận lãnh Thánh Thần mà không thuộc về thân thể Đức Kitô, bởi lẽ Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô và ta nhận lãnh Ngài trong thân thể Đức Kitô. Giáo hội như thân thể Đức Kitô cũng có một khuôn mặt hữu hình: vì thế Đức Giêsu đã chọn Nhóm Mười hai và theo dòng thời gian, Ngài chọn những đấng kế vị, để làm nên cơ cấu hữu hình của thân thể ngài, như là tiếp tục mầu nhiệm nhập thể. Thuộc về thân thể của Ngài, ta có thể nhận lãnh Thần Khí của ngài và kết hiệp mật thiết với ngài trong chỉ một thân thể và một Thần Khí.
Bài đọc thứ nhất gởi tín hữu Êphêsô diễn tả rõ hai chiều kích này. ‘Anh em đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là Đức Giêsu Kitô’: là khuôn mặt hữu hình của thân thể Đức Kitô, là một cơ quan với cấu trúc riêng. Và trong Đức Kitô ‘toàn thể công trình ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa’: mỗi một chi thể đều có chức năng và vị trí riêng. Thánh Phaolô còn viết: ‘và chính Người (Đức Kitô) đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo tin mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ…’ Mỗi người lãnh nhận ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho.
Còn đây là chiều kích thứ hai, chiều kích vô hình: ‘Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí’. Trong thư thứ nhất gởi Corintô thánh Phaolô cũng nêu bật quan niệm này: ‘thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô…thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần’ (1Cr 6,15.19)

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay16,403
  • Tháng hiện tại724,083
  • Tổng lượt truy cập52,893,031

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây