Suy niệm Chúa Nhật V thường niên C - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ tư - 05/02/2025 18:05
121
NHỜ BỞI ƠN CHÚA!
Trong mỗi bậc sống, chúng ta đều cảm nhận niềm vui lẫn nỗi buồn, những điều thú vị cũng như nhàm chán. Nhưng có lẽ, chúng ta đều có ít nhiều một cảm giác và niềm xác tín giống nhau, đó là: tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa!
Dù chúng ta có tài năng tỏ hiện hay đang tiềm ẩn, dù chúng ta tích cực hoạt động hoặc chỉ hỗ trợ phía sau, thì mọi thành quả do công khó nhọc, nỗ lực, cố gắng của bản thân cũng đều từ Thiên Chúa, ân sủng và hồng phúc của Ngài mà ra.
Vì vậy, trong cả ba bài đọc Phụng vụ hôm nay, ba nhân vật chính tuy khác nhau, nhưng đều chung quy một lòng biết ơn, dấn thân và đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Dẫu cả ba nhân vật này không xứng đáng, nhưng nhờ lòng yêu thương trìu mến, nhờ ơn Chúa, họ đã vâng phục tiến bước trên chặng đường làm chứng cho tình yêu Ngài dù biết đầy chông gai phía trước. Ngôn sứ I-sai-ah kêu lên: “Vô phúc cho tôi!…vì lưỡi tôi nhơ bẩn…” (Is 6, 5); còn Thánh Phao-lô thổ lộ: “…Ngài cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ” (x. 1Cr 15, 9-10); và Thánh Phê-rô sụp lạy, thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” (Lc 5, 8) sau khi làm theo những gì Ngài phán truyền: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4). Đứng trước sự yếu hèn, mỏng dòn, mong manh của con người, Thiên Chúa chẳng bao giờ đầu hàng, và làm theo ý hướng ‘thoái lui’ của con người! Một cách cụ thể, ngôn sứ I-sai-ah được thánh hoá qua hình ảnh “Thần Sốt Mến đặt than lửa vào miệng” (x. Is 6, 6-7). Thánh Phao-lô quả quyết xác tín: “Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (1Cr 15, 10); còn Thánh Phê-rô được Đức Giê-su trấn an và mời gọi: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5, 8).
Quả thật, chấp nhận giới hạn của bản thân là bước đầu tiên của chặng đường đón nhận và đáp lời mời gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta khó lòng đón nhận ý kiến (dù đúng đắn) của người khác với vô số lí do, nhưng thiết nghĩ có lẽ vì chúng ta không muốn ‘đứng sau’ kẻ khác, dẫu biết rằng họ uyên thâm uyên bác, chuyên môn hơn chúng ta về lĩnh vực nào đó! Từ đó, ý nghĩ ‘không muốn xếp sau’ vô hình chung che lấp, ngán đường và khiến chúng ta ‘đui mù’ trước giới hạn của bản thân mình. Ở đây, nếu quan sát thật gần và kỹ lưỡng trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ thấy Thánh Phê-rô không nại vào sự chuyên nghiệp của mình (ngài là một ngư phủ thực thụ) mà bác bỏ hoặc không nghe theo lời chỉ dẫn của Đức Giê-su (một người không chuyên về đánh bắt). Giả sử thánh Phê-rô dựa vào khả năng, kinh nghiệm lão luyện của người ngư phủ chuyên nghiệp, thì Ngài vẫn có quyền không cần nghe theo lời chỉ dẫn của Đức Giê-su là một người ngư phủ không chuyên: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà chẳng được gì hết”; tuy nhiên, thánh nhân đã thêm vào câu nói này sau khi nghe Đức Giê-su dạy “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà chẳng được gì hết, nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5, 5). Thật vậy, đây là một thái độ biết nhìn ra và chấp nhận giới hạn của bản thân, giới hạn trong chuyên môn của mình trước lời chỉ dẫn giản đơn vốn dĩ từ một người không chuyên đánh bắt hải sản như Đức Giê-su: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4).
Hơn nữa, chấp nhận những thiếu sót, những gì chưa hoàn thiện nơi bản thân không có nghĩa ‘hạ thấp bản thân’ và ‘chọn hướng thoát thân’! Thái độ này thường diễn ra nơi mỗi người chúng ta trong thực tế, nào là: “Thôi, tôi chẳng có tài cán gì, nên tôi xin rút lui…”, “Tôi không làm gì nên hồn đâu, tôi xin kiếu nhé!…”, v.v…Nếu ngôn sứ I-sai-ah, hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô cũng xử sự như chúng ta hay làm, thì chắc hẳn, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được biết tới gương sống chứng tá anh dũng của các ngài. Nếu Thánh Phê-rô chỉ thốt lên lời: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” và bỏ cuộc sau khi nghe lời an ủi của Đức Giê-su: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5, 8), thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ tỏ tường một ngư phủ vốn bộc trực, nhưng trở thành Tông đồ cả đã trung thành bước theo Thầy Chí Thánh đến cùng và tử nạn ‘chịu chết treo trên thập tự, chân hướng lên trời, đầu quay về đất’ (chịu chết treo ngược với Thầy Giê-su). Cũng vậy, nếu làm theo thói thường ‘hạ thấp bản thân’ và ‘chọn hướng thoát thân’ thì tiên tri I-sai-ah đã chẳng thưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8), và Thánh Phao-lô không nói: “Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (1Cr 15, 10). Trái lại, sau khi chấp nhận giới hạn bản thân và nhận ra ơn Chúa hằng tuôn đổ dồi dào trên cuộc đời của mình, các ngài đã như Thánh Phê-rô và những Tông đồ khác xác tín bước theo Thầy Giê-su: “Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người” (Lc 15, 11).
Sau cùng, chấp nhận giới hạn bản thân là cách thức chẳng bao giờ ‘để ơn Chúa trở nên vô ích nơi mình’ như Thánh Phao-lô đã bộc bạch trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô (x. 1Cr 15, 10). Tuy vậy, theo thói quen, chúng ta thường nói: “Tôi chẳng có tài năng gì; tôi chẳng có tài lẻ gì; Chúa ban cho người khác tài này, khả năng kia, nhưng tôi thì không…”, v.v…Rồi, chúng ta nhìn vào những tài năng lộ diện nơi người khác mà so sánh với bản thân, và nếu chúng ta không có tài năng ấy, thì vội kết luận: tôi chẳng có tài gì; Chúa chẳng ban cho tôi tài năng chi, v.v…Thật sự, tài năng chỉ là một phần nhỏ của ân phúc, ơn thánh mà Chúa trao ban cho chúng ta mà thôi. Có thể Chúa không ban cho ta ơn này, nhưng chắc chắn chúng ta được lãnh nhận ơn ích khác cần kíp cho bậc sống của mình. Ơn ích, tài năng nơi mỗi người tuy khác nhau, nhưng chắc chắn mỗi người chúng ta đều được nhận lãnh hồng ân từ Thiên Chúa; vì vậy, ‘đừng bao giờ để ơn Chúa nên vô ích nơi mình’, nghĩa là ‘biết cộng tác, vận dụng và áp dụng ơn thánh Chúa’ qua vô số tài năng, khả năng của mình, hầu sinh ích lợi, phục vụ và trở nên chứng tá cho Chúa như Thánh Phao-lô hằng quả quyết: “Hiện giờ tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Ngài ban cho tôi đã không vô hiệu…” (x. 1Cr 15, 10).
Cầu nguyện: Tất cả nhờ bởi ơn Chúa
Con vui mừng hát, nhảy múa hoan ca.
Nhờ ơn thánh Chúa bao la
Rao truyền thương mến thiết tha chan hoà. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng