Suy niệm chú giải Lời Chúa Chúa nhật XXVIII TN C - Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Thứ sáu - 11/10/2019 21:55
1131
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm C nêu lên cho chúng ta một bài học: Con đường đức tin là tâm tình cảm tạ và tri ân. Con đường này rộng mở cho hết mọi người.
2V 5: 14-17
Sách Các Vua quyển thứ hai thuật lại chuyện một quan đại thần ngoại bang, kẻ thù của dân Ít-ra-en, ông Na-a-man xứ Xy-ri-a, được chữa lành bệnh phong hủi, nhờ sự can thiệp của ngôn sứ Ê-li-sa. Ông Na-a-man nhận ra hành động của Thiên Chúa Ít-ra-en và bày tỏ tấm lòng cảm tạ tri ân bằng lời tuyên xưng đức tin của mình.
2Tm 2: 8-13
Trong những lời tâm huyết của ngài cho người môn đệ thân tín của mình, là ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô nhắc nhở ông rằng đức tin được đặt trên sự kiện vững chắc: cuộc Phục Sinh của Chúa Giê-su. Những ai chia sẻ đau khổ và cái chết của Chúa Ki-tô, sẽ được sống lại với Ngài.
Lc 17: 11-19
Tin Mừng là chuyện Chúa Giê-su chữa lành mười người phong hủi. Chỉ một người duy nhất, một người Sa-ma-ri, trở lại bày tỏ tấm lòng cảm tạ tri ân. Tâm tình cảm tạ tri ân này mở ra cho anh con đường đức tin và cứu độ.
BÀI ĐỌC I (2V 5: 14-17)
Hai sách Các Vua ghi lại các triều đại của mười chín vị vua Ít-ra-en (vương quốc miền Bắc) và của hai mươi vị vua Giu-đa (vương quốc miền Nam). Hai sách này cũng dành một vai trò quan trọng cho các vị ngôn sứ: Ê-li-a, Ê-li-sa và I-sai-a.
Hai cuốn sách này chứa đựng một số lượng những giai thoại vừa mang tính lịch sử vừa có tính dân gian. Giai thoại về việc chữa lành bệnh phong hủi của quan đại thần Na-a-man xứ Xy-ri-a không phải là không có cơ sở lịch sử. Công trình biên soạn sau cùng của hai tác phẩm này được đặt vào niên biểu cuối thế kỷ thứ sáu, nhưng những chứng liệu và truyền thống cổ xưa lại được nhà biên soạn sử dụng. Tên Na-a-man được chứng thực trong những bản văn ngoài Kinh Thánh.
1.Quan đại thần Na-a-man xứ Xy-ri-a:
Ngôn sứ Ê-li-sa là môn đệ của ngôn sứ Ê-li-a. Như thầy mình, ông thi hành sứ vụ của mình ở vương quốc miền Bắc, mà kinh đô là Sa-ma-ri, vào giữa thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên.
Ông Na-a-man là tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram (miền Đa-mát). Danh tánh của vị vua này chưa được xác định. Vị tướng này đã lừng danh trong cuộc chiến thắng quân đội Ít-ra-en. Nhưng ông lại mắc bệnh phong hủi. Cốt yếu là chứng bệnh phong hủi nào? Sách Lê-vi đặt dưới tên gọi này những chứng bệnh ngoài da khác nhau (Lv 13: 14). Người ta có thể nghi vấn về chứng bệnh của quan đại thần Na-a-man, vì nếu như ông mắc bệnh phong hủi thật sự chắc chắn ông không thể nào dẫn quân đánh trận từ nước này sang nước khác được.
2.Cuộc vận động của quan đại thần Na-a-man:
Đoạn trích hôm nay chỉ nói đến tình tiết chính yếu về việc quan đại thần của vua A-ram được chữa lành. Những chi tiết trước đó thì rất ý nhị không thể bỏ qua. Trong những cuộc xuất chinh vào đất Ít-ra-en, quân đội A-ram đã bắt đưa về nhiều tù nhân. Vì thế, bà vợ của quan đại thần Na-a-man có một tớ gái người Ít-ra-en giúp việc. Người tớ gái này gợi ý với bà chủ: “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phong hủi” (5: 3).
Sau nhiều diễn biến ngoại giao, quan đại thần Na-a-man đến kinh đô Sa-ma-ri để mong được ngôn sứ Ê-li-sa chữa lành bệnh cho mình. Ngôn sứ Ê-li-sa không đích thân ra đón tiếp quan đại thần Na-a-man mà chỉ sai sứ giả đến nói với ông Na-a-man là đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan thì ông sẽ được khỏi bệnh. Quan đại thần không ngờ cách tiếp đón và cách chữa trị như thế nên ông đã nổi giận và tức giận bỏ đi. Bấy giờ, các tôi tớ của ông khuyên ông cứ thử thi hành đều ngôn sứ chỉ dạy xem sao. Đại thần Na-a-man bình tâm lại, xuống tắm bảy lần trong dòng sông Gio-đan như lời ngôn sứ truyền và ông được lành sạch.
3.Niềm tin của quan đại thần Na-a-man:
Chính ở đây bắt đầu chuyện tích về việc ông Na-a-man được chữa lành mà chúng ta đọc hôm nay. Ở nơi chuyện tích này, tác giả đã biết nêu bật những yếu tố tinh thần. Quan đại thần Na-a-man nhận ra hành động của Thiên Chúa Ít-ra-en và tuyên xưng rằng: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en”. Để tỏ lòng tôn kính và tạ ơn, ông muốn dâng những lễ vật cho vị ngôn sứ. Nhưng vị ngôn sứ nhất quyết từ chối, bởi vì mình chỉ là người trung gian. Chủ đích của vị ngôn sứ chính là hướng tất cả tâm tình cảm tạ và tri ân của quan đại thần Na-a-man về tác giả duy nhất, Đấng đã chữa lành ông, đó là Đức Chúa. Nước sông Gio-đan chỉ là yếu tố vật chất, yếu tố “bí tích”. Phải nói rằng Đức Chúa đón nhận tấm lòng thành tín và ban ân huệ cả cho những người ngoại bang lẫn cho con cái Ít-ra-en.
Quan đại thần Na-a-man không chỉ tuyên xưng đức tin của mình mà còn làm một cử chỉ thật ý nghĩa: ông xin được đem về quê hương của ông một số đất Ít-ra-en để xây dựng cho mình một bàn thờ dâng hy lễ kính Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Dưới nhãn quang của ông, đất xứ sở ông không là đất thánh.
Chúng ta nên đọc quá khuôn khổ đoạn trích hôm nay, vì những chi tiết tiếp liền sau đó đáng quan tâm: quan đại thần Na-a-man rất cẩn trọng: ông biết rằng khi trở về quê hương ông, vì những chức vụ ông đảm nhận, ông buộc phải tham dự vào những nghi thức tôn kính các vị thần linh của đất nước ông. Vì thế, ông ngỏ lời với ngôn sứ Ê-li-sa: “Xin Đức Chúa tha thứ điều ấy cho tôi tớ ngài”. Lúc đó, ngôn sứ Ê-li-sa, người của Thiên Chúa, cầu chúc cho ông một cách giản dị: “Ông đi bằng an”. Với câu chuyện này, chúng ta sống rồi trong bầu khí Tin Mừng.
BÀI ĐỌC II (2Tm 2: 8-13)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi cho người môn đệ, đồng thời cũng là cộng tác viên của thánh nhân, là ông Ti-mô-thê.
1.Bối cảnh:
Thánh Phao-lô, lúc đó đang bị giam cầm và biết rằng cái chết của mình sắp gần kề, gởi cho ông Ti-mô-thê những lời tâm huyết của mình. Trong đoạn trích tuần trước, thánh nhân đã khuyên người môn đệ của mình hãy can đảm và kiên vững; trong đoạn trích tuần này, thánh nhân kêu mời người môn đệ hãy cậy trông. Đức Giê-su đã chết và sống lại, vì thế những ai chia sẻ đau khổ và cái chết của Ngài, thì cũng được dự phần vào vinh quang Phục Sinh của Ngài.
Chúng ta có thể khảo sát những lời tâm huyết này trong bố cục của đoạn văn: phần mở (2: 8) và phần kết (2: 11-13) có cung giọng phụng vụ. Ngoài ra, phần kết chắc chắn là một bài thánh thi về phép Rửa. Chúng ta cũng có thể khảo sát những lời tâm huyết này trong khía cạnh tín lý: biến cố Phục Sinh là trọng tâm giáo huấn của thánh nhân. Cuộc Tử Nạn cứu độ khai mở ánh sáng và vinh quang của biến cố Phục Sinh và đặt nền tảng đức cậy trông của Ki-tô giáo. Nhưng chúng ta cũng có thể đọc đoạn trích này khi để cho mình thấm nhuần niềm xúc cảm của một bức thư vĩnh biệt và cố gắng nhận thức rõ nhân cách của một con người kề cận với cái chết.
2.Lòng nhiệt thành đối với ơn gọi:
Lời tâm huyết đầu tiên là lòng nhiệt thành của thánh Phao-lô đối với ơn gọi của ngài. Lời tâm huyết ấy hiện rõ trong tiếng kêu “Tin Mừng” mà thánh nhân không ngừng loan báo bằng cả mạng sống mình. Thánh nhân đã nhận lãnh một sứ mạng đặc biệt, chính vì sứ mạng ấy mà thánh nhân đã tận hiến trọn cuộc đời mình không một chút đắn đo dè sẻn.
Ngoài ra, chúng ta đọc thấy ở đây tiềm ẩn kỷ niệm mà thánh nhân đã kinh qua trên đường đi Đa-mát: Đấng Phục Sinh đã tỏ mình ra cho thánh nhân. Thánh Phao-lô đã trở nên sứ giả của Đấng Phục Sinh, đúng hơn, chứng nhân của Đấng Phục Sinh: “Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít”. Đây là tín điều đầu tiên, tín điều đặt nền tảng cho đức cậy.
3.Giá trị của những đau khổ:
Biến cố Phục Sinh khởi đi từ cuộc Thương Khó và Tử Nạn. Thánh Phao-lô chịu đau khổ trong cảnh giam cầm, ở đó thánh nhân “còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi”, dụng ngữ này cũng là dụng ngữ chỉ những tên gian phi bị đóng đinh với Đức Giê-su; nghĩa là thánh Phao-lô đã trở thành người đồng chịu đau khổ với Chúa Ki-tô. Thánh nhân cho rằng những đau khổ này ngang bằng giá trị với lời loan báo: “Lời Thiên Chúa không thể bị xiềng xích”. Như vậy, đối với thánh nhân, đau khổ là một cách thức khác để loan truyền ơn cứu độ, vì những gian nan thử thách mà thánh nhân phải chịu sinh nhiều ơn ích, như thánh nhân nói trong thư gởi cho các tín hữu Cô-lô-xê: “Bấy giờ, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đúng mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội Thánh” (Cl 1: 24). Đây thật là một bài học quý giá cho ông Ti-mô-thê, hiện nay ông cũng đang chịu trăm chiều gian nan thử thách.
4.Đức cậy trông của Ki-tô giáo:
Đức cậy trông của Ki-tô giáo là niềm hy vọng vào vinh quang đời đời. Thánh Phao-lô đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại điều này; nhưng vào lúc cái chết cận kề, thánh nhân nhắc lại điều đó khi áp dụng vào chính bản thân mình: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người”. Trước đây, thánh nhân đã khai triển tư tưởng này trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê và trong thư gởi các tín hữu Rô-ma. Lúc đó, tư tưởng này mặc lấy cường độ bi thảm hơn: “Vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8: 17).
Đoạn kết bằng văn xuôi có vần có điệu xem ra là một bài thánh thi thịnh hành trong Giáo Hội tiên khởi, chắc hẳn là lời tuyên xưng đức tin vào dịp lãnh nhận phép Rửa. Câu cuối cùng khai mở lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”.
TIN MỪNG (Lc 17: 11-19)
Câu chuyện chữa lành mười người phong hủi là nguồn riêng của Tin Mừng Lu-ca. Như thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô, thánh Lu-ca đã tường thuật rồi câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành một người phong hủi vào lúc khởi đầu sứ vụ của Ngài (Lc 5: 14; Mt 8: 2-4; Mc 1: 40-41). Trong câu chuyện mới này, thánh Lu-ca mời gọi người đọc chú ý đến thái độ của một người trong số họ, người Sa-ma-ri, hơn là số lượng những bệnh nhân được chữa lành.
1.Chúa Giê-su ưu ái những người phong hủi:
Nhiều lần Chúa Giê-su bày tỏ tấm lòng ưu ái của Ngài đối với những người phong hủi. Ngài đã trả lời cho những sứ giả Gioan Tẩy Giả sai đến: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch…” (Lc 7: 22; Mt 11: 5). Với các môn đệ Ngài sai đi thi hành sứ vụ, Ngài vạch ra như một chương trình: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh…” (Mt 10: 7-8). Hơn bất kỳ bệnh nhân nào khác, bệnh nhân phong hủi này, được xem như nhũng người tội lỗi, cần đến lòng xót thương của Đức Ki-tô. Họ bị xem như đồ ô uế, vì thế cấm mọi hình thức tiếp xúc. Ấy vậy, Chúa Giê-su không ngừng công bố rằng sự ô uế không đến từ bên ngoài; chỉ những tư tưởng gian tà phát xuất từ lòng con người mới gây nên ô uế đích thật.
2.Lộ trình lên Giê-ru-sa-lem:
Thánh Lu-ca nhắc lại rằng Chúa Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Đây là lần thứ ba thánh nhân kể ra việc Chúa Giê-su nhất quyết lên Giê-ru-sa-lem như mục đích tối hậu sứ mạng của Ngài (x. 9: 51; 13: 22). Dường như thay vì băng qua miền Sa-ma-ri để lên Giê-ru-sa-lem, thì Đức Giê-su lại rẽ qua hướng Đông, giữa Ga-li-lê và Sa-ma-ri, đến thung lũng sông Gio-đan, xuống thành Giê-ri-cô, và từ đó đi lên Giê-ru-sa-lem. Vì thế, mười người phong hủi mới có thể gặp Ngài ở nơi hoang vắng này, vì họ không được vào bất cứ nơi nào có đông dân chúng sinh sống. Tuy nhiên, thánh ký không định rõ lộ trình địa lý; chỉ lộ trình tinh thần mới là mối bận lòng của thánh ký. Từ tình tiết mà thánh nhân sắp thuật lại những bài học sẽ được rút ra.
3.Lời khẩn cầu của những người phong hủi:
Một nhóm mười người phong hủi đến gặp Đức Giê-su. Họ đứng cách xa như Luật quy định và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”. Việc kêu cứu Ngài bằng tên thì họa hiếm trong các sách Tin Mừng. Tại Tin Mừng Lu-ca việc gọi tên Ngài như vậy chỉ được gặp thấy ở nơi tiếng kêu cứu của người mù thành Giê-ri-cô (18: 38) và của người gian phí sám hối cùng chịu đóng đinh với Ngài (23: 42); nhưng trong sách Công Vụ, danh xưng này được dùng thường hơn, các Tông Đồ sẽ công bố: “Chính nhờ danh Giê-su mà ơn cứu độ được thực hiện”.
Còn đối với tước vị “Thầy”, chung chung chỉ các môn đệ mới gọi Ngài như thế. Đây là một trường hợp hi hữu khi thánh Lu-ca đặt tước vị này trên môi miệng của những người phong hủi như lời tuyên xưng niềm tin của họ vào quyền năng chữa lành của Chúa Giê-su.
4.Lệnh truyền của Đức Giê-su:
Đáp lại lời kêu cứu của họ, Chúa Giê-su truyền lệnh: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Theo tâm thức thời đó, mọi bệnh hoạn đều được cho là do tội lỗi. Bệnh phong hủi, vì ấn tượng ghê tởm mà bệnh gây nên nơi thân xác, lại càng chứng tỏ tình trạng tội lỗi bị Thiên Chúa giáng phạt (Đnl 28: 27-35); thế nên, việc lành bệnh thuộc lãnh vực tôn giáo và phải được các tư tế kiểm nghiệm (Lv 14: 1-32). Vì thế, Chúa Giê-su mới ra lệnh cho mười người phong hủi: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.
Nhưng các tư tế can dự chỉ để chứng thực là bệnh đã được lành và nhận hy lễ thanh tẩy; chỉ như thế người được lành bệnh mới có thể được tái nhập vào đời sống xã hội. Trước đây, trong trường hợp một người phong hủi, Chúa Giê-su đã ra lệnh cho người ấy đi trình diện tư tế chỉ sau khi đã chữa lành bệnh cho anh ta. Ở đây, Chúa Giê-su lại truyền cho mười người phong hủi đi trình diện tư tế trong khi họ chưa được lành bệnh. Xem ra Chúa Giê-su muốn thử thách đức tin của họ.
5.Một trong số họ quay trở lại, một người xứ Sa-ma-ri:
Tất cả giá trị của câu chuyện cốt ở nơi phần khai triển sau cùng này. “Đang khi đi thì họ đã được sạch”, chỉ một người quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. “Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su”, đây là cử chỉ thờ lạy vì đối với anh chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chữa lành chứng bệnh khủng khiếp này. Và anh bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với vị ân nhân đã thi ân giáng phúc cho mình.
Chỉ vào lúc này, thánh Lu-ca mới chỉ ra “anh ta lại là người Sa-ma-ri”. Người Do thái xem người Sa-ma-ri như tên ngoại bang đáng nguyền rủa, kẻ lạc giáo đáng khinh bĩ. Một lần nữa, chính qua cách hành xử của người Sa-ma-ri mà Chúa Giê-su đưa ra một bài học cho đám đông, cho những người Pha-ri-sêu, và cho tất cả môn đệ Ngài. Ơn cứu độ được dâng hiến cho người ngoại bang này vì đức tin ở nơi anh còn lớn hơn nơi chín người Do thái kia. Trước những đồng hương Na-da-rét cứng lòng tin của Ngài, Chúa Giê-su cũng đã trích dẫn cho họ hai mẫu gương của hai người ngoại bang, mà niềm tin của họ còn lớn hơn những đồng hương của Ngài: bà góa xứ Xa-rép-ta và ông Na-a-man, người phong hủi xứ Xy-ri-a (4: 25-27).
6.Đền Thờ đích thật: con người của Đức Giê-su:
“Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?”. Chín người kia là những người Do thái, họ tiếp tục con đường lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem để chu toàn những nghi lễ thanh tẩy. Bản văn không nói điều này, nhưng lời Chúa Giê-su hàm chứa như vậy: “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?”.
Tôn vinh Thiên Chúa chính là ngỏ lời với Đức Giê-su. Từ nay chính qua con người của Ngài mà người ta đến với Chúa Cha. Đền Thờ đích thật không còn là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem hay Đền Thờ Ga-ri-dim. Chúa Giê-su đã loan báo điều này cho người phụ nữ xứ Sa-ma-ri: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không ở trên núi này (Đền Thờ Ga-ri-dim) hay tại Giê-ru-sa-lem… (Ga 4: 21), Và Ngài cũng đã công bố: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2: 19). Thánh Gioan giải thích: “Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2: 21).
Người Sa-ma-ri nhận ra ở nơi Đức Giê-su chính là Thiên Chúa hiện thân. Với người Sa-ma-ri này và chỉ một mình anh, Chúa Giê-su không chỉ chữa lành thân xác của anh, nhưng Ngài còn ban cho anh ơn cứu độ: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Đức Giê-su đến để cứu thoát con người khỏi chứng bệnh phong hủi của tội lỗi.