Chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào?
Đó là tình yêu vị tha
Jaime L. Waters
Chúa Nhật VI PS
Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48; 1 Ga 4, 7-10; Ga 15, 9-17
Tại sao chúng ta phải yêu thương nhau? Bài đọc hai và bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Nhưng câu hỏi còn khẩn thiết hơn cả là chúng ta cần yêu thương nhau như thế nào?
Trong Tân ước thì Tin mừng và cả ba thư của Gioan đều có chung văn phong, nhấn mạnh những điểm thần học giống nhau và bàn đến những vấn đề ảnh hưởng đến các tín hữu sơ khai. Vì những điểm tương đồng vừa nêu, các bản văn này được gọi chung là văn chương Gioan, và chúng dường như xuất phát từ cùng một cộng đoàn.
Tình yêu thương tràn ngập trong bài đọc hai. Các thành viên trong cộng đoàn được gọi là “các con thân mến” (agapetoi), và họ được dạy bảo yêu thương nhau (agape) vì Thiên Chúa yêu thương họ. Hơn nữa, đoạn văn đưa ra một tuyên bố đơn giản, trực tiếp, nhưng vô cùng sâu sắc: Thiên Chúa là tình yêu. Để hiểu được ý nghĩa của câu nói này, chúng ta phải nhìn vào cuộc tử nạn của Đức Kitô, được hiểu như một hành động yêu thương vô vị lợi. Trong những câu tiếp theo (chúng ta sẽ nghe vào tuần sau), thư thứ nhất của thánh Gioan khẳng định việc bắt chước tình yêu của Thiên Chúa qua những hành động yêu thương vô vị lợi của chúng ta đã cho phép Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Người nơi chúng ta được tuyệt hảo (1Ga 4,12).
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng phải tuân giữ lệnh truyền “hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.” Hơn nữa, Chúa Giêsu công bố rằng tình yêu vô vị lợi đến từ sự sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người khác. Trong trình thuật Tin mừng, Chúa Giêsu bị bắt sau liền ngay sau khi công bố giới răn này, vì vậy Ngài đang chuẩn bị cho các môn đệ hiểu và giải thích việc Ngài bị đóng đinh như một mẫu gương về tình yêu vị tha (agape).
Thật không may, thế giới tràn ngập sự thù ghét. Nhiều người không sống vị tha, mà còn sống thù ghét và coi thường người khác. Thậm chí còn tệ hơn nữa, nhiều người nhận mình là môn đệ Đức Kitô trong khi tuôn ra sự thù ghét người khác. Tình yêu mà cộng đoàn của Gioan vạch ra có lẽ khó thực hiện, nhưng quan trọng là tất cả chúng ta phải hành động hướng về tình yêu này. Các bài đọc nói rằng chúng ta sẽ nhận biết Thiên Chúa qua việc trở nên giống Ngài.
Đối với câu hỏi làm sao có thể diễn tả tình yêu vị tha, chúng ta có thể suy ngẫm những ý tưởng của Martin Luther King Jr. về tình yêu và về Cộng đoàn thương mến “Tình yêu có sức sáng tạo và cứu độ. Tình yêu xây dựng và hợp nhất; còn thù ghét thì phá đổ và huỷ diệt.” Tầm nhìn của Luther King về Cộng đoàn thương mến đặt nền móng trên tình yêu, sự hoà giải, phẩm giá và sự tôn trọng đối với mọi người. Nghèo đói, phân biệt chủng tộc, bạo lực và những hoàn cảnh xuất phát từ những sự dữ này thì không thể dung thứ. Bằng việc ra sức chấm dứt thù ghét và chia rẽ, chống lại những hoàn cảnh và thực hành xem thường người khác, chúng ta diễn tả tình yêu thương nhau – và chúng ta sẽ nhận biết Thiên Chúa qua việc trở nên giống Ngài hơn.
Bài đọc: https://www.thanhlinh.net/node/20367
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2021/04/22/sixth-sunday-easter-gospel-reflection-catholic-scripture-240442
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển