Thứ Hai tuần XXV Tn
Ánh sáng. Một từ ngữ đơn sơ, nhưng tuyệt vời. Đối với mỗi người chúng ta đây là một từ ngữ mang nhiều kỷ niệm…Ánh đèn trong đêm tối làm ta sợ, những tia sáng đầu tiên của mặt trời lúc hừng đông mang lại can đảm và hy vọng. Có lẽ không có cảnh tượng nào đẹp hơn, một thời điểm nào khoan khoái hơn khi người ta đến đỉnh cao của một ngọn núi khi mặt trời vừa mọc?
Trước hết đêm tối, một đêm tối tăm và lạnh lẽo, đôi lúc buốt giá, càng khó chịu hơn khi có gió thổi. Thời điểm mong chờ, cần phải chờ đợi, cần biết đợi chờ. Trong khi các ngôi sao dần biến mất, chân trời xa điểm nhẹ một màu sáng mờ rồi dần chuyển sang hồng. Thời điểm chờ đợi đã đến khi một tia sáng hồng cắt ngang bầu trời và lớn dần về phía đông. Mặt trời mọc.
Ánh sáng đức tin, ánh sáng quý giá, cũng thắp sáng theo cùng cách thức ấy trong tâm hồn ta, nếu ta biết chờ đợi và trợ lực bằng lời cầu nguyện. Và ân sủng (vẻ đẹp duyên dáng) theo sau ánh sáng, ánh sáng trở thành ân sủng. Thiên Chúa hiện diện.
Với bí tích thanh tẩy chúng ta lãnh nhận ánh sáng bé nhỏ ấy trong lòng mình, trong thâm cung của tâm hồn. Nhưng ta biết rằng, trải qua năm tháng, lửa của ngọn đuốc bé nhỏ ấy giảm dần và dễ dàng tắt ngúm. Ta cần để ý, tỉnh thức và không để cho nó tắt hẳn. Ta cần làm cho nó sống lại và bảo vệ nó luôn trong tâm điểm của đời sống trước những nghi hoặc và vấn nạn. Ta cần bảo vệ nó và gìn giữ nó cháy sáng để ta được soi sáng, để ta được hướng dẫn trong những chọn lựa, những quyết định hoặc trong những hành động và nó tràn ngập trong cả cuộc sống.
Ta cần bảo vệ và giữ nó luôn cháy sáng để đời sống của ta trở thành ánh sáng cho tất cả mọi người ta gặp gỡ và, như chúng ta, họ cũng đang tìm Đức Kitô, nguồn sáng chân thật nhờ tình yêu vô biên của Ngài
Thứ Ba tuần XXV Tn
Dựng xây nhà Chúa
Bài đọc thứ nhất nói về ‘nhà của Thiên Chúa’, bài tin mừng nói đến gia đình của Đức Giêsu, rất dễ thấy mối liên hệ, vì trong kinh thánh từ ngữ ‘nhà’ vừa để chỉ ngôi nhà, vừa chỉ gia đình. Điển hình như khi thánh kinh nói ‘nhà Davíd’ có thể hiểu là nơi vua David cư ngụ, nhưng thông thường thì được hiểu như gia đình, dòng tộc của David.
Theo lời Đức Giêsu nói, nếu chúng ta nghe lời Thiên Chúa và mang ra thực hành, chúng ta sẽ trở nên anh chị em, mẹ Ngài, làm thành gia đình của Ngài: chúng ta thuộc về ‘nhà của Thiên Chúa’, nghĩa là gia đình của Ngài và đền thờ của Ngài. Thiên Chúa muốn ở cùng với con người, không phải chỉ ở giữa họ, mà trong họ, liên kết họ lại trong một giao ước làm cho họ nên một đền thờ, một gia đình duy nhất, nên một thân thể duy nhất, thân thể của Đức Kitô.
Chúng ta nghe vang vọng những lời kinh thánh: ‘Niềm vui của Ta là ở với con cái loài người’; này sẽ đến những ngày, ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới…Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta…Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân ta (Gr 31,31.32). ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’ (Ga 1,14). ‘Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng’ (1 Pr 2,5).. ‘Vậy anh em không còn là người xa lạ hay tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thưộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa…Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự’ (Ep 2,19.22); ‘Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận’ (1 Cor 12,27). Từ lời sứ ngôn đến việc thực hiện: qua nhiều thế kỷ Thiên Chúa đã cho thấy chương trình kỳ diệu của Ngài, cho đến lúc thực hiện vào thời viên mãn.
Mọi hành động của chúng ta phải hướng về cùng đích ấy: xây dựng nên đền thờ Thiên Chúa, gia đình Thiên Chúa, thân thể Đức Kitô. Để đạt đến mục đích ấy, phương thế chính yếu là lắng nghe lời Thiên Chúa, để cho lời Ngài biến đổi chúng ta nên những viên đá sống động được sử dụng trong công trình xây dựng nhà Thiên Chúa.
Thứ Tư tuần XXV Tn
‘Như thế, Thiên Chúa chúng con đã tỏa ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con rạng ngời, và ban cho chúng con một chút sinh lực giữa cảnh đời nô lệ lầm than.(Esdra 9,8)
Dưới sự hướng dẫn của Esdra và Nêhêmia, cộng đoàn những người do thái từ nơi lưu đày trở về và những người ở lại Israel dần dần tìm thấy con đường tiếp nhận nhau và từ đó có thể tiếp tục tái thiết thành Giêrusalem và nhất là cùng canh tân tôn giáo.
Lời cầu nguyện của Esdra mà phụng vụ hôm nay đề nghị, đưa ta vào một môi trường mà mỗi người tín hữu có thể ý thức về sự bất trung trong lịch sử cá nhân và cộng đoàn của ta, sự bất trung biến ta thành nô lệ tội lỗi. Sự nô lệ thật khó chịu đựng nổi; và cũng khó vượt qua nếu đánh mất niềm tin tưởng và ý thức rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi người gắn bó với Ngài bằng một giao ước vĩnh cữu. Tuy nhiên khi sự ý thức ấy sống động, thì làm cho mắt ta sáng lên và mang lại cho ta nâng đỡ: Thiên Chúa luôn trung tín! Sự trung tín của Ngài nâng đỡ chúng ta khỏi những sa ngã và nô lệ, che chở chúng ta chống lại những tấn công mới, nâng đỡ chúng ta tiếp tục đổi mới giao ước của ta với Ngài.
Và Ngài đồng hành với ta ‘rảo qua các làng mạc loan báo tin mừng’ bằng sự hiện diện cứu độ của Ngài (x. Lc 9,6). Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, trong xứ sở con bị lưu đày và con tỏ ra quyền năng và sự vĩ đại của Chúa
Hãy nghĩ đến Mười giới răn: chúng chỉ cho ta con đường phải kinh qua để trưởng thành, để có những điểm vững chắc trong cung cách sống của ta. Và đó chính là hoa quả của tình thương Thiên Chúa ban tặng cho ta
Thứ Năm tuần XXV Tn
Hêrôđê, vua chư hầu vùng Galilê, biết rõ những điều đang xảy ra nhưng không biết phải nghĩ điều gì…Trong tâm hồn ông có những tư tưởng trái nghịch nhau về căn tính và sứ vụ của Đấng Kitô. Việc Đấng Kitô xuất hiện trong đời sống của ông làm cho ông bối rối và trệch hướng. Ông không hiểu và không muốn hiểu sự thật. Ông vui lòng hiểu: biết rằng sự thật ở gần sát bên cạnh ông nhưng ông không nắm bắt được.
Nếu đây là Gioan Tẩy Giả mà ông đã ra lệnh chém đầu, nay sống lại, Hêrôđê chắc không tránh khỏi bị kết án. Nếu ngược lại đây là Êlia, tình cảnh của Hêrôđê chắc cũng không tốt hơn: Êlia là ngôn sứ của Thiên Chúa, lời nói của ông được xem như là lời của Thiên Chúa. Hêrôđê tự hỏi mình làm sao có thể tự biện minh trước mặt Thiên Chúa. Nếu sau cùng, đó là một trong các ngôn sứ ngày xưa sống lại trong con người của Giêsu, một lần nữa Hêrôđê lại rơi vào một tình cảnh tế nhị, vì chắc ông phải trả lẽ về những hành động của mình nhân danh sự thật.
Hêrôđê quan tâm đến Đức Kitô có thể vì tính kiếu kỳ nhưng cũng có thể do nổi sợ vì trách nhiệm sát hại Gioan Tẩy Giả. Ông luôn bị lương tâm cắn rứt; làm sao có thể giải thoát được?
Việc xuất hiện của Đức Kitô trong cuộc sống của ta cũng gây nơi ta những vấn nạn căn bản. Đời sống và nhất là giáo huấn, lề luật, những nguyên tắc và đòi hỏi luân lý của Ngài không để cho bất cứ ai thờ ơ và vô cảm. Đức Kitô mời gọi ta và thúc bách ta tìm kiếm sự thật. Ngài thúc đẩy ta làm cuộc xét mình nghiêm túc về địa vị và về thái độ của ta trước mắt Ngài và giáo huấn của Ngài. Ta không thể bất động và nín lặng.
Trước khi nói lên lời đáp trả, ta cần phải biết xem ta muốn ở trong sự kiếu kỳ hoàn toàn tri thức và lý thuyết, hoặc ta muốn đi sâu hơn để khám phá ra Con Thiên Chúa đến mang sứ điệp vui mừng cho ta, đấng thiết lập Giao Ước mới, nhưng cũng là đấng kiến tạo Nước Thiên Chúa, đặt nền trên tảng đá góc của tình yêu. Ta có thể bước theo Ngài trên con đường đó không?
+++
Cho vinh quang Chúa
Từ đầu tuần, chúng ta đã nghe sách Esdra tường thuật việc việc dân do thái hồi hương, vào thời vua Cirô. Với ngôn sứ Aggêô chúng ta đang ở vào thời vua Đariô, kế vị Cirô. Sau khi trở về quê hương, dân Israel lập tức bắt tay vào việc dựng lên một bàn thờ khác, mà không tái thiết lại đền thờ cũ. Qua nhiều năm, họ chỉ xây dựng nhà riêng cho họ, chứ không tìm được giờ cũng như vật dụng để tái thiết lại nhà Thiên Chúa. Và Thiên Chúa qua miệng Aggêô, than trách: ‘Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không?
Là cơ hội để xét mình, bởi lẽ chúng ta thường lo cho ‘nhà’ riêng của mình và lãng quên nhà của Thiên Chúa. Những gì liên quan đến tư lợi, chúng ta nôn nóng; còn những gì liên quan đến ích lợi của Thiên Chúa, thì cứ chờ đợi, nhì nhằng. Thời giờ xem TV lúc nào cũng có, nhưng để trau giồi thêm kiến thức về giáo lý, về tôn giáo, thì không có giờ. Chúng ta tự biện minh là cần phải giải trí một tí chứ, nghỉ ngơi đôi chút chứ. Hợp lý. Thành thật trước mặt Chúa, chúng ta phải nhận rằng không phải vì nhu cầu nghỉ ngơi cho bằng vì yêu mình, ích kỷ, lười biếng.
Sau lời quở trách là lời nhận xét của Thiên Chúa: ‘Các ngươi gieo vãi nhiều mà thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm… Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi’. Cuộc đời không làm thỏa mãn thực sự. Dân Israel đặt tư lợi của họ trên lợi ích của Thiên Chúa, họ không hưởng được thành công, niềm vui, vì thiếu điếu tối quan trọng: tìm phục vụ vinh quang Thiên Chúa.
Hãy cầu xin cho chúng ta biết nhanh chóng trong việc phục vụ Thiên Chúa, không tìm lợi ích riêng tư trên hết mọi sự, gia tăng thêm tinh thần tỉnh thức để chúng ta biết thực hiện những việc quan trọng, để được nghe những lời an ủi: ‘Này, hãy tái thiết đền thờ cho Ta. Ta sẽ lấy làm vui và tỏ vinh quang Ta ở đó’.
Thứ Sáu tuần XXV Tn
Các Tổng Lãnh Thiên Thần
Ngôn sứ Đaniel nói đến các thiên thần trong lời sấm ngôn về Con Người, hôm nay chúng ta đọc trong phụng vụ: ‘Một sông lửa cuồn cuộn chảy ra, ngàn ngàn hầu hạ Nguời, vạn vạn túc trực trước Thánh nhan’. Chúng ta trình bày các vị với khuôn mặt dịu hiền, dễ mến, còn trong kinh thánh các vị là những vị đáng kính sợ, vì các vị là biểu lộ quyền năng và sự thánh thiện của Thiên Chúa, các vị giúp ta tôn thờ Thiên Chúa cách xứng hợp: ‘Trước mặt các thiên thần của Ngài, con muốn đàn ca mừng Ngài, con sấp mình hướng về thánh điện của Ngài’. Kinh tiền tụng hôm nay: ‘Lạy Chúa là Cha chí thánh…vẻ huy hoàng của các ngài tỏ cho chúng con thấy Cha là Đấng vô lượng vô biên, trổi vượt trên hết mọi loài’. Trong thị kiến của Đaniel không phải các thiên thần là những vị quan trọng nhất: ‘Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến’, và không phải các thiên thần được tiến cử, nhưng chính là Đấng ấy, được trao quyền thống trị, vinh quang và vương vị, và tất cả đều phải phụng sự Người’. Chúng ta cũng thấy điều y như vậy trong tin mừng: các thiên thần phụng sự Con Người. ‘Các ngươi sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người’, Đức Giêsu đã nói thế, ám chỉ đến thị kiến của Đaniel và của tổ phụ Giacóp.
Chúng ta không tôn thờ các thiên thần, nhưng tôn thờ Thiên Chúa. Các thiên thần là những người phụng sự Thiên Chúa mà, vì lòng nhân lành của, Ngài đã ban tặng để giúp chúng ta hiểu được sự cao cả và thánh thiện, lòng tín thác, vì các vị phục vụ chúng ta, là bạn thân của ta.
Cầu xin Chúa làm cho chúng ta hiểu sự thánh thiện và quyền năng uy nghi vô cùng của Ngài, để chúng ta cung kính sấp mình trước nhan thánh Ngài và trước mặt các thiên thần của Ngài.
+++
Lời kinh về thời gian của Qohêlét là một trong những đoạn nổi tiếng thường gặp thấy trong nhiều nền văn chương khác nhau. Cần tự hỏi mình xem tất cả thời gian, từ khi sinh ra cho đến lúc chết, được Thiên Chúa ban tặng cho con người để con người nỗ lực sử dụng và không thể hiểu lý do về điều Thiên Chúa thực hiện từ nguyên thủy cho đến lúc tận cùng, hoặc là trong điều ‘Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc’ (x. 3,11) ngay cả Qohêlét cũng nhận ra mầu nhiệm của sự hiệp thông tự do giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật của Người, và do đó khả năng tìm thấy một tổng hợp hòa hợp giữa những phản đề về thời gian.
Chính Đấng đã sống cách tràn đầy trong mọi thời, không dành riêng cho mình điều gì, từ khởi sự cho đến tận cùng đã mang lại câu trả lời cho tình thế khó xử này, thật đơn giản và hiệu nghiệm. Đứng trước đám đông đi theo Ngài vì cần cơm bánh, sức khỏe, lời dạy…tình cảm, Đức Giêsu dành thời giờ để rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Động từ này không thấy xuất hiện trong lời kinh của Qohêlét. Nhưng đây lại là một hành động làm vững chắc sự thông hiệp giữa đấng linh thiêng với con người, cho con người nhận ra rằng bất cứ điều gì Thiên Chúa làm, tồn tại mãi mãi (x. 3,14); cho ta nhận ra rằng Đức Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa (Lc 9,20): đấng được xức dầu của Chúa, đấng được sai đi để chữa lành, để làm no thỏa, để ai ủi và làm cho con người thuộc mọi thời đại hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin đưa con vào nơi thanh vắng, xin dạy con cầu nguyện và biết nhận ra Chúa đến trong thời gian và bàn tay Chúa đỡ nâng con trong khi thực hiện bổn phận của con.
+++
Hy vọng nơi Chúa
Lắng nghe lời khích lệ của Chúa: ‘Này thượng tế Giêsua, mạnh bạo lên. Này Zorobabel, mạnh bạo lên. Này toàn dân trong xứ, hãy mạnh bạo lên! Hãy bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với ngươi…Thần khí Ta ở giữa các ngươi, các ngươi đừng sợ!
Nếu ta muốn biết xem Thiên Chúa sẽ hoạt động cùng với ta trong những điều kiện nào, ta phải suy nghĩ về hai bài đọc hôm nay, một cách nào đó bổ túc cho nhau. Làm ta nghĩ đến những chỉ dẫn mà thánh Inhaxiô đề nghị trong lúc chán nản cũng như lúc được an ủi. Khi cảm thấy được an ủi, đầy can đảm và lạc quan, phải nghĩ đến những khó khăn và chán nản sắp tới để chuẩn bị đối phó. Tin mừng cũng theo cách thức đó, mang lại sự an ủi, bởi lẽ mạc khải Đấng Messia. ‘Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa’. Nhưng ngay sau đó Ngài ngăn cấm nói điều đó và tỏ cho thấy Ngài phải kinh qua con đường đau khổ và chết chóc. Còn khi gặp buồn chán, thánh Inhaxiô nói rằng, lúc ấy, phải nghĩ đến sự an ủi sắp tới, biết rằng sự chán nản không kéo dài, Thiên Chúa sẽ trợ giúp, Ngài đã và đang trợ giúp ta. Nên ta có thể tiến bước trong tin tưởng và kiên trì. Bài đọc thứ nhất là giai đoạn gặp buồn chán, ngã lòng: ‘Ai trong các ngươi trong số người còn sót lại, đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của đền thờ ban sơ? Và bây giờ các ngươi thấy đền thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi nó chẳng còn là gì nữa đó sao?
Người do thái từ Aicập trở về với những dự định và tham vọng to lớn. Họ trở về để tái thiết đền thờ Thiên Chúa. Trong số họ, có những cụ già bảy mươi, đã thấy đền thờ trước khi nó bị phá hủy, giờ đây họ chán nản về những gì đang thực hiện. Việc tái thiết gặp muôn vàn khó khăn. Và trong tình cảnh đó, sứ điệp an ủi đã đến: hãy mãnh bạo lên, này đây Thiên Chúa ở cùng các người và cùng làm việc với các ngươi. Ngài hứa sẽ làm rung chuyển trời đất, biển khơi và đất liền để các kho tàng của các dân tộc đổ về cho việc tái thiết đền thờ. ‘Vinh quang đền thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước, tại nơi này Ta sẽ ban tặng bình an’.
Để hiểu được lời sấm ngôn của Thiên Chúa, cần phải nhờ đến tin mừng và mầu nhiệm Đức Kitô. Không chỉ là vấn đề hoàn cảnh ngoại tại thuận tiện; đền thờ cần phải được tái thiết trong khiêm hạ. ‘Con Người phải bị đau khổ nhiều’. Phải bị chối từ, lên án tử và ngày thứ ba sẽ sống lại. Lời ngôn sứ Aggêô được thực hiện nơi đền thờ mới là thân thể Đức Kitô, đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Chính trong thân thể của Đức kitô mà chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhau làm nên đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Nhưng để cho đền thờ ấy được xây dựng, cần phải qua đau khổ và tủi nhục, Đức Kitô phải kinh qua đau khổ trước khi bước vào vinh quang.
Cuộc đời của mỗi người cũng cần có những lúc khó khăn, thử thách, để tình yêu của ta được thanh luyện, để lễ dâng của ta lên Thiên Chúa xứng đáng. Thay vì chán nản, cần gia tăng lòng phó thác vì đó là dấu chỉ Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta.
Ngày nay cũng không thiếu những suy nghĩ giống như ngôn sứ Aggêô. Nhiều người than phiền về hiện trạng của Giáo Hội: Ngày trước mọi sự đều tuyệt vời: thật đoàn kết, thật nề nếp…Còn bây giờ, chẳng biết sẽ đi về đâu! Đời sống tu trì và nhiều thực tại khác, cũng vậy. Đừng ngã lòng, hãy quay về với mầu nhiệm của Đức Kitô: hãy sống khiêm nhu và phó thác, biết rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, Thần Khí của ngài ở giữa chúng ta. Chúng ta không còn phải sợ hãi. Chúng ta phải ở với Thiên Chúa trong tâm tình tuân phục Thần Khí Ngài.
Thứ Bảy tuần XXV Tn
Thánh Hiêronimô. Kho tàng kinh thánh
Cảm tạ Thiên Chúa vì ơn huệ lớn lao qua quyển Kinh Thánh: là hồng ân yêu thương của Thiên Chúa, một ân huệ vừa cũ xưa lại vừa luôn luôn mới mẻ mang nhiều lợi ích cho đức tin chúng ta. Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu bảo kho tàng chúng ta vừa cũ lại vừa mới. Mỗi thời đại được mời gọi để vào trong kho tàng không bao giờ vơi này để tìm gặp những của cải mới, và đã gặp thấy thực sự. Cách thức học hỏi Thánh Kinh hiện nay không giống như cách ngày xưa: chúng ta khám phá những khía cạnh mới, giúp ta cảm nếm tốt hơn sự đa dạng và phong phú. Như thế đổi mới không ngừng hương vị và ích lợi trong việc học hỏi Thánh Kinh.
Ta biết rằng Kinh Thánh chỉ có thể học biết trong đức tin. Phaolô viết cho Timôthêô: ‘Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô’. Tìm hiểu Kinh Thánh nhờ đức tin hướng dẫn. Để có đức tin trước tiên cần phải hiểu đôi chút về Kinh Thánh, bởi lẽ nếu không hiểu gì về lời loan báo ơn cứu độ, không có thể gắn bó, nên để tin cũng cần một chút liên quan đến việc tri thức. Đàng khác để đào sâu kinh thánh, cần phải có niềm tin.
Người hiểu ý nghĩa của các sự thiêng liêng, cũng hiểu cách sâu xa Kinh Thánh cho dù người đó không có học thức, vì niềm tin soi sáng đôi mắt tâm hồn họ và sự soi sáng này đáng quý hơn mọi phương cách tri thức khác, chỉ chiếu soi vào những bình diện thứ yếu, chứ không soi thấu vào chính tâm điểm, là đức tin.
Đừng xem thường việc tìm tòi vất vả của những nhà nghiên cứu, vì các nỗ lực của họ cần thiết để đem đức tin vào mọi ngóc ngách của cuộc sống qua mọi thời đại. Nhưng Thiên Chúa mạc khải kho tàng thánh kinh, không chỉ cho người thông minh, nhưng còn cho cả những người ít học thức nữa, qua đức tin, ánh sáng thần linh.
Cám ơn Chúa vì kho tàng mà chúng ta sử dụng, vì những nghiên cứu giúp khám phá những điều mới mẻ, giúp ta hiểu kinh thánh hơn, và còn giúp ta sống thánh nữa.
Ta sẽ ở giữa ngươi
Hai bài đọc hôm nay nhắc nhớ ta hai khía cạnh trong mầu nhiệm của Đức Kitô, mà Giáo Hội cử hành trong Thánh lễ. Trong bài tin mừng, chúng ta thấy khía cạnh đau khổ: ‘Con Người sắp bị nộp trong tay người đời’. Là một điều khó chấp nhận, vì ngược lại với những ước mơ của con người, trong lúc Thiên Chúa vinh thắng qua những thử thách. Thử thách biến đổi con người để có thể liên kết với Chúa.
Ngay cả chúng ta cũng thường giống các môn đệ, chúng ta không có những suy nghĩ giống như Đức Giêsu; đó là khoảng cách của tự mãn, của những truyền thống ăn rễ sâu, những niềm tin không dễ đánh đổ. Câu này cũng áp dụng cho chúng ta: ‘Nhưng các ông không hiểu lời đó’. Dĩ nhiên không phải là vấn đề hiểu những lời nói của Đức Giêsu. Vấn đề là không hiểu chính bản chất của sứ vụ của Đức Giêsu, tin mừng của Ngài: nghĩa là ơn cứu độ được ban cho nhờ qua cái chết của Ngài để cứu mọi người. Nhưng làm sao có thể chấp nhận một Đấng Messia thất bại được? Đó là điều kỳ chướng đối với người do thái là sự điên rồ đối với dân ngoại. Ơn cứu độ phát sinh từ thánh giá. Các môn đệ buồn phiền bởi lẽ không hiểu.
+++
Khía cạnh vinh quang, ta gặp thấy trong bài đọc của ngôn sứ Dacaria. Giống như Aggêô, Dacaria tiên báo về việc tái thiết đền thờ và thành Giêrusalem. ‘Giêrusalem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đến cư ngụ ở đó. Phần Ta, Ta sẽ là tường lũy bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó’.
Chúa sẽ bao quanh và ở giữa Giêrusalem: mọi nơi trong thành đều thuộc về Ngài. Hình ảnh thành Giêrusalem mới được thực hiện trong Tân Ước. Ngôn sứ nói với Giêrusalem: ‘Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi’. Lời sứ ngôn này được thực hiện cách đặc biệt và tuyệt diệu nơi Mẹ Maria. Sứ thần báo tin: ‘Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà’. Lời ngôn sứ Dacaria gợi lên mẫu tính Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, đồng thời là Mẹ của Giáo Hội, Mẹ các tín hữu: ‘Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa. Chúng sẽ thành dân thánh của Ta’. Chúng ta là những dân tộc ấy, đang ở trong thành mới mà Đức Kitô đã dựng xây bằng sự phục sinh của Ngài, Giáo Hội, thành trì đầy niềm vui vì Chúa ở giữa thành.
Nguyện xin Mẹ Maria giúp ta càng ngày càng hiểu rõ hơn đặc ơn cao cả này.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Một thiếu nữ chết vào tuổi 24, năm mươi năm sau trở thành mẫu gương cho toàn giáo hội. Đức Thánh Cha Piô XI rất sùng kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đã đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo, cho dù đời sống ngắn ngủi của Chị chỉ diễn ra giữa vùng Alenon và Lisieux và sau năm mười lăm tuổi không rời khỏi tu viện.
Thông thường Đức Giêsu cho thấy những tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta, đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta. Tư tưởng của chúng ta xuất phát từ lòng kiêu căng, còn tư tưởng của Thiên Chúa từ sự khiêm cung; đường lối của chúng ta là nỗ lực để trở nên lớn lao, còn đường lối của Thiên Chúa đi theo con đường trở nên bé nhỏ. Người muốn đi về phía Bắc, thì buộc phải đi theo chiều ngược với hướng Nam, cũng thế để đi trên con đường của Thiên Chúa chúng ta cần phải đi theo hướng nghịch lại với hướng mà lòng kiêu căng thúc đẩy chúng ta.
Têrêxa có tham vọng và khát vọng thật lớn lao: Chị muốn vừa là người chiêm niệm vừa hoạt động, là tông đồ, là tiến sĩ, là nhà truyền giáo và tử đạo, và Chị viết rằng chị muốn tất cả mọi hình thức tử đạo. Chúa cho chị hiểu rằng chỉ có một con đường làm vui lòng Chúa: khiêm nhượng và làm người bé mọn, yêu mến Thiên Chúa với lòng đơn sơ, chân thành và phó thác như em bé đối với cha nó. ‘Tôi không đi tìm nhiều điều to lớn vượt quá sức tôi. ‘Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui’. Thánh vịnh 130 được áp dụng từng chữ một cho cuộc đời của Têrêxa.
Như thế cô thiếu nữ trẻ tuổi này mang lại sức sống cho giáo hội, một tinh thần phúc âm tinh tuyền nhắc nhớ một chân lý thiết yếu: trước khi ta dâng gì cho Thiên Chúa, cần phải biết đón nhận. Chúng ta thường thích để ý đến điều chúng ta làm cho một ai đó; Têrêxa đã hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu luôn sẵn sàng ban phát và chúng ta lãnh nhận tất cả từ nơi Ngài. Kẻ muốn đặt sự quảng đại của mình lên trên lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa, là một người kiêu ngạo; kẻ đón nhận điều Thiên Chúa ban cho với lòng đơn sơ của một trẻ thơ, đạt đến sự thánh thiện: bằng lòng với việc chẳng biết làm gì và đón nhận tất cả từ nơi Thiên Chúa. Là một thái độ thiêng liêng và cũng là một ân huệ của Thiên Chúa, thật khác với sự thụ động. Têrêxa tự dâng mình như hy lễ anh hùng và đã sống cơn đau bệnh và thử thách với tất cả nghị lực và sức lực của một người khổng lồ: sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự yếu hèn của Chị, tin tưởng phó thác trong tay Thiên Chúa. Như thế chị đạt được một cách diệu kỳ biến đổi thập giá thành yêu thương, một thánh giá nặng nề. Chính chị nói vào lúc cuối đời rằng chị không tin rằng chị đã có thể chịu đau khổ được đến như thế.
Hãy học bài học của lòng tin tưởng, của sự bé nhỏ, của niềm vui và cầu xin chị thánh Têrêxa giúp chúng ta như chị bước đi trong tinh thần khó nghèo và khiêm nhượng trong lòng. Chúng ta cũng sẽ giống như chị, được dòng sông an bình chảy chan hòa trong lòng.
+++
Cha Thánh Piô
Cha Thánh Piô sinh tại Pietrelcina gần Benevento (Ý) năm 1887. Thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn Cappuccino. Thi hành chức vụ linh mục của mình trong cộng đoàn San Giovanni Rotondo miền Puglia. Phục vụ trong cầu nguyện và trong khiêm tốn dân Chúa qua việc linh hướng, hòa giải hối nhân, nhất là qua việc chăm sóc những người đau bệnh và nghèo khổ. Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh (năm dấu thánh), Ngài kết thúc cuộc đời trần gian vào ngày 23.09.1968. Được ĐTC Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 16.06.2002.
Cha Piô là con người đặc biệt của Thánh Lễ và bí tích hòa giải. Trong Thánh lễ cũng như nơi bí tích hòa giải, Cha Piô sống với cả con người thực sự. Nơi tòa giải tội ngài sống thực những đau khổ như thể đang mang nặng những tội lỗi mà các hối nhân đến bày tỏ với ngài. Thánh Phaolô đã dùng ngôn ngữ mạnh khi nói: ‘Vì chúng ta mà Thiên Chúa đã làm cho con của ngài nên kẻ bị chúc dữ, nên kẻ có tội, Đức Giêsu bị đồng hóa với tất cả tội lỗi nhân loại. Nơi Cha Piô ta cũng thấy đại loại như vậy. Ngài sống, cảm nghiệm và đau khổ vì tội lỗi. Ngài tham dự vào máu Đức Giêsu đổ ra để xóa tội lỗi. Bí tích hòa giải là việc áp dụng máu của Đức Kitô để tha tội. Ngài sống cái ý thức của thảm kịch đẫm máu mà tội lỗi gây ra cho Đức Kitô: là sự thương khó với tất cả sự tàn bạo. Từ đó Cha Piô có thái độ khó chịu với những kẻ tái phạm, xưng tội mà thiếu lòng thống hối ăn năn, do không thành tâm, do không hối cải. Ngài sẵn sàng để cho máu Đức Kitô đổ ra tha tội, nhưng không muốn máu ấy đổ ra cách vô ích.
Một khía cạnh khác trong đời sống của Cha Piô nơi tòa giải tội là ơn biết được những điều trong lòng người khác. Điều này không thường xuyên. Những người đi xưng tội với Cha nhiều năm xác nhận điều này. Họ xác nhận là ngài đã giải tội như bất cứ một linh mục nào. Nhưng đôi lúc, nhiều người chỉ mới vừa quỳ gối, chưa kịp mở miệng, thì Cha Piô đã nói cho họ mọi điều họ đã làm và những gì họ đang chuẩn bị xưng tội. Với vài người khác Cha nói ngay: ‘Con hãy đi đi! Không giải thích gì cả. Nhiều người trong số họ đi ra, thất vọng, hoặc giận dữ: Sao tôi lại đến nơi này nhỉ? Chẳng bao giờ tôi đặt chân đến đây nữa đâu! Nhưng thật tình Cha Piô vẫn theo dõi họ bằng lời cầu nguyện. Vì đó là những người mà Ngài yêu mến hết lòng.
Thụ phong linh mục năm 1910, Cha Pio phải ở lại Pietrelcina một thời gian dài vì lý do sức khỏe (1910-1916). Từ ngày thụ phong linh mục, đối với ngài mỗi thánh lễ ngài dâng đều là ‘thánh lễ đầu tay’, là thiên đàng của ngài. Có điều là: quá dài! Nên giáo dân Pietrelcina than phiền việc đó lên Cha hạt trưởng. Rốt cuộc họ cũng phải vâng lời để thánh lễ tiếp tục, dù đôi lúc xuất thần, Cha Piô dừng lại lâu giờ. Sau lễ, Cha dừng lại thật lâu phía sau bàn thờ để cám ơn Chúa. Có khi kéo dài cho đến trưa.
Một ngày sau lễ phong hiển thánh cho Cha Pio, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến hàng ngàn khách hành hương trong đại sảnh đường Phaolô VI. ÐTC điểm lại những bài học về cuộc sống của vị thánh, và đề cử thánh nhân làm mẫu mực cho đời sống thiêng liêng lẫn đời sống nhân bản. Cha Pio là vị thánh thứ 462 được ÐTC Gioan Phaolô tôn phong, trong triều giáo hoàng của Người. Trung Tâm Hành Hương tại San Giovanni Rotondo, miền nam Ý, nơi Cha Pio sống, tiếp đón mỗi năm hơn 6 triệu khách hành hương, đứng thứ 3 xét về số lượng người đến thăm viếng, sau đền thánh Guadalupe ở Mêhicô và Tòa Thánh Vatican.
Theo ÐTC, bí quyết khiến vị thánh được nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến như vậy trước tiên là do thánh nhân thực sự trở thành một người anh em của mọi người, đúng như đặc tính truyền thống của các tu sĩ Capuccinô. Thêm nữa, cha còn là một vị ‘làm nhiều phép lạ’ thánh thiện, như bao biến cố ngoại thường, trong đời cha, đã chứng minh. Suốt đời sống của cha, là một cuộc tham dự vào mầu nhiệm thánh giá, kể cả về phương diện thể lý.
Trước đây, Ðức Karol Woityla, vị giáo hoàng tương lai, đã đến thăm Cha Pio vào năm 1947, và đã xưng tội với vị thánh này tại tu viện ở San Giovanni Rotondo.