Suy niệm hằng ngày tuần III Mùa Chay - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 19/03/2017 09:00  1482
Thứ hai Tuần III MC
Lễ Trọng Kính Thánh Giuse
Hôn phu của Mẹ Ngôi Lời nhập thể, Thánh Giuse đã được tuyển chọn làm ‘Đấng bảo vệ lời’. Tuy nhiên chúng ta không biết được lời nào của Ngài cả: Ngài đã phục vụ trong âm thầm, vâng phục Ngôi Lời mà các thiên sứ mạc khải qua giấc mộng.
Sự đồng ý của Giuse, cũng như của Maria, đòi một sự tuân phục hoàn toàn của ý chí. Giuse đã tin những gì mà Thiên Chúa phán; đã làm những gì Thiên Chúa dạy. Ơn gọi của Ngài là trao ban cho Đức Giêsu tất cả những gì mà một người cha trần gian có thể làm được: tình yêu, bảo vệ, đặt tên, nơi trú ngụ.
Lòng vâng phục Thiên Chúa của Giuse bao gồm việc tuân phục quyền bính hợp pháp. Ngài đã cùng bạn mình là Maria trở về Bêlem và như thế đã định nơi Ngôi Lời Nhập Thể hạ sinh. Thiên Chúa làm người đã được ghi vào sổ kiểm tra dân số, mà Hoàng Đế Xêda Augustô truyền lệnh, như là con của Giuse. Sau đó, niềm vui tìm được Đức Giêsu trong đền thờ có phần giảm bớt đi khi Giuse biết rằng Con Trẻ phải làm sứ vụ của Cha trên trời: Ngài chỉ là người cha nuôi. Nhưng, chấp nhận ý Chúa Cha, Thánh Giuse trở nên khiêm tốn giống Chúa Cha, và Chúa Con đã vâng phục Ngài. Đức Giêsu, ngay giây phút chết treo thập giá, đã trao ban sự sống cho Giuse và cho toàn thể nhân loại. Cuộc đời của Thánh Giuse đã dâng hiến cho Ngôi Lời, trong khi lời duy nhất mà Thánh cả ban tặng cho chúng ta cũng chính là cuộc sống của Ngài.
+++
Tiên tri quê hương mình
Thánh Luca cho ta thấy sự đố kỵ và hiềm thù của người do thái là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Đức Giêsu hiểu rõ điều đó. Ngài biết nên tuyên bố: không ai làm tiên tri ở quê hương mình. Ngài đi vào đường khổ nạn một cách hoàn toàn tự nguyện: khi nào đến giờ mà Chúa Cha định sẵn, Ngài sẽ phó mình trong tay họ, nhưng trong thời gian trước khi giờ ấy đến, Ngài quan tâm cứu độ những ai tiếp nhận Ngài.
Đoạn tin mừng hôm nay làm ta suy nghĩ. Chúng ta là những người đã lãnh nhận ơn thanh tẩy, thuộc về một gia đình kitô, một cộng đoàn kitô, chúng ta là những người sống trong một quốc gia vẫn còn nhạy cảm với Tin Mừng, chúng ta có đủ khiêm tốn và niềm tin để tiếp nhận Đức Giêsu không? Chúng ta không mở lòng đủ cho Chúa Thánh Thần giúp ta chiến thắng tội lỗi. Chỉ Thánh Thần mới có thể giúp ta ý thức cách đúng đắn về tội của mình. Ngài không hề ép buộc chúng ta, nhưng trái lại, giúp ta nhận được ơn tha thứ của Đức Giêsu, sự chữa lành và ơn cứu độ.
Thứ ba Tuần III MC 
Mãi mãi thứ tha
Một lần nữa Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc tha thứ, là đặc tính riêng của các môn đệ Ngài. Cần phải tha thứ không ngừng, dù có thể chúng ta bị yêu sách nhiều. Thường thường chúng ta chỉ đạt đến mức độ vừa đủ khi tha thứ cho anh chị em mình, bằng cách ngầm cho họ hiểu rằng sẽ không có lần thứ hai đâu. Thật khó tha thứ luôn luôn, tha thứ như thể đây là lần đầu tiên họ phạm lỗi; khó có đủ kiên nhẫn và yêu thương để giữ mãi tin tưởng nơi người anh em cần được tha thứ, hai lần, mười lần, ngàn lần. Con tim của chúng ta là như thế: chúng ta luôn đặt giới hạn cho tình yêu của mình!
Tình yêu của Chúa Cha, ngược lại, thật vô biên. Chúa Cha mãi mãi thứ tha, và chúng ta biết rằng Ngài đã làm thế hàng vạn lần! Ước mong của Ngài là chúng ta, ngay khi không ngừng lãnh nhận lòng nhân từ của Ngài, chúng ta hãy trở nên nhân từ đối với anh em mình. Những xúc phạm mà chúng ta tha thứ cho anh em mình sẽ luôn ít hơn nhiều so với những xúc phạm mà Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, không chút tính toán!
Thứ tư Tuần III MC 
Định dạng cuộc đời theo luật Chúa
Trang tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hết sức trung thành tuân thủ luật Thiên Chúa, nghĩa là thánh ý của Ngài được tỏ bày qua lời của Ngài.
Đức Giêsu đến hoàn thiện luật cũ: Ngài không chỉ nhìn nhận tầm quan trọng của những giới răn trong Cựu Ước, mà còn thực hiện nơi chính bản thân Ngài điều mà các ngôn sứ tiên báo. Sau khi Thánh Gioan thuật lại việc khổ nạn… người ta rút thăm chia nhau áo choàng của Ngài, tên lính đâm ngọn giáo vào sườn của Ngài, thật cảm động khi đọc những lời sau đây: ‘Những điều ấy đã xảy ra để lời Kinh Thánh nên trọn’. Tôn kính và yêu mến đặc biệt dành cho Sách Thánh, được truyền lại cho chúng ta, nhưng xuất phát từ chính Chúa Cha.
Theo Giao Ước cũ, luật Môsê ban được liên kết chặt chẽ với các ngôn sứ, những người loan báo Đấng Messia: không phải là một bộ luật lạnh lùng và trừu tượng, nhưng là những huấn dụ đầy yêu thương mà Thiên Chúa ban cho dân của Ngài để họ sống.
Theo Giao Ước mới, các huấn dụ của Đức Giêsu trong tin mừng không thể tách rời khỏi sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội, và khỏi Chúa Thánh Thần, được thông ban cho các tâm hồn, Đấng làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu xin cho được sự hoán cải: cho lòng chúng ta luôn quy hướng về Thiên Chúa, khi nghe những điều Ngài đòi hỏi; và nhờ đó, xin cho ta học cách ‘định dạng’ những ngày sống của mình theo tất cả những gì mà Ngài yêu cầu chúng ta qua lời của Ngài.
Thứ Năm Tuần III MC
Thời gian chiến đấu
Mùa Chay là thời gian sám hối trở về. Cũng là thời gian chiến đấu. Chiền đấu trên nhiều bình diện khác nhau: ta chiến đấu với chính mình, với cái tôi của mình, với tính kiêu căng của mình; ta chiến đấu với thần dữ và những cám dỗ của chúng; ta chiến đấu chống lại mọi thực tại kéo ta xa khỏi Đức Giêsu, chống lại mọi trở ngại ngăn cản ta cùng ở với Ngài.
‘Ai không đi với tôi là chống lại tôi’: những lời này mang một ý nghĩa hết sức sâu xa và có thể được dùng như chuẩn mực trong mọi sự. Ở cùng với Đức Giêsu phải là quan tâm hàng đầu và duy nhất của chúng ta. Như vậy, mỗi buổi sáng khi vừa thức giấc, việc làm đầu tiên của ta sẽ là hành vi thờ lạy: ta trình bày với Đức Giêsu mong ước của ta được ở với Ngài và đó sẽ là cách tốt nhất để ra khỏi tình trạng mê ngủ, vô thức mà ma quỷ giăng ra. Trong ngày sống, trước mỗi việc làm, ta lại trở về với Đức Giêsu, cố gắng tìm cách để mình được đồng hành với Ngài. Và như thế, ta ‘thu góp cùng với Chúa’ trong khi ma quỷ tìm mọi cách để ‘phân tán’ chúng ta, làm ta tiêu hao thời giờ, kéo ta ra khỏi điều chính yếu.
Thứ sáu Tuần III MC 
Yêu và được Yêu
Thánh Marcô cho ta được nghe tự miệng Đức Giêsu nói về điều răn trọng nhất, là tâm điểm và tóm tắt cả tin mừng và toàn bộ dự phóng cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta do tình yêu. Ngài đã thực hiện bằng cách cho tất cả chúng ta, thân xác và linh hồn, tình cảm và ý chí, toàn thể con người chúng ta, khả năng yêu thương. Tóm lại, Ngài đã thực hiện bằng cách cho chúng ta sinh ra trần gian này như là sinh vật bé bỏng không thể tự vệ, không những chỉ cần được nuôi dưỡng mà còn cần được mẹ yêu, một sinh vật bé nhỏ chỉ có thể lớn lên và đạt tầm vóc trưởng thành như là một con người trong và nhờ những mối dây yêu thương.
Nhưng càng tiến xa trong cuộc đời, chúng ta càng cảm nghiệm quả thật khó khăn thực hành yêu thương, yêu thương đích thật và vô vị lợi, yêu thật sự Thiên Chúa và anh em. Điều này đòi hỏi sự thanh luyện, và chắc chắn điều này không thể học được qua sách vở đâu! Cách duy nhất để học biết yêu là hãy để cho Chúa yêu mình, bởi lẽ người ta không thể yêu nếu không được yêu, và không có ai khác yêu chúng ta thật sự ngoài Thiên Chúa, vì Ngài là Chúa duy nhất và là Tình Yêu.
Thứ bảy Tuần III MC
Liên kết các bài đọc Lễ Truyền Tin
Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, đã được mong chờ từ xa xưa, được các ngôn sứ loan báo (bài đọc 1), nay được thực hiện cách tròn đầy. Trang tin mừng mà ta đọc hôm nay tóm tắt tất cả lịch sử cứu độ và toàn bộ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài’. Thiên Chúa không đi vào thế gian bằng sức mạnh: Ngài muốn đề nghị. Ngài muốn lời chấp thuận của Mẹ Maria (Tin Mừng). Lời Xin vâng là sự hoàn thành giao ước. Nơi Mẹ hiện diện cả dân tộc Israel và đồng thời hiện diện Giáo Hội vừa mới sinh ra. Thiên Chúa trở thành một người như chúng ta. Vĩnh cửu đi vào trong thời gian. Các bài đọc hướng chúng ta về mầu nhiệm phục sinh. Lời của Chúa Con vang lên: ‘Này Con xin đến, lạy Chúa, để thực thi ý Chúa’ (bài đọc 2), là lời mở đầu của sự vâng phục Chúa Cha cho đến mức chết trên thập giá.
Nội dung
Một ‘sắc chỉ’ tình yêu. Sắc chỉ của Ba Ngôi là sắc chỉ của tình yêu: vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một để cứu thế gian. Con người là chi trước mặt Thiên Chúa, vậy mà Ngài đã sai Con Một Ngài đến tái lập trật tự, kêu gọi con người từ chỗ sa ngã. Là một sắc chỉ của Ba Ngôi: Chúa Cha quyết định yêu thương, Chúa Con chấp nhận vâng phục Cha, Chúa Thánh Thần hoàn thành việc nhập thể cùng với lời ưng thuận của Maria. ĐGH Gioan Phaolô II trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc (số 9b) viết: ‘Việc truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm nhập thể đúng vào lúc mầu nhiệm ấy hoàn thành trên mặt đất. Việc trao ban cứu độ của Thiên Chúa cho cả tạo thành và trực tiếp cho con người chúng ta, đạt đến đỉnh cao trong mầu nhiệm nhập thể.
Ba Ngôi chọn con đường mầu nhiệm để cứu độ con người. Lẽ ra có thể chọn bằng cách ra sắc chỉ, bằng một hành động tỏ bày ý muốn của mình. Vì Thiên Chúa toàn năng. Nhưng chúng ta được mạc khải cho biết một chương trình mà không ai có thể tưởng nghĩ ra, mầu nhiệm được ẩn dấu mà Phaolô đã nói đến. Thiên Chúa đã chọn rẽ khúc ngoặt khi có thể đi thẳng đến đối tượng mà không có trở ngại nào.
Grêgôriô Nisse đã chú giải: những gì về quyền năng thần linh và siêu việt không phải là vũ trụ bao la, chẳng phải vẻ huy hoàng của tinh tú, cũng chẳng phải trật tự của vũ trụ, chẳng phải sự quan phòng liên lĩ trên các tạo vật, nhưng chính là việc hạ cố chấp nhận thân phận hèn yếu con người như chúng ta. Còn chứng cứ nào rõ ràng hơn về lòng tốt lành của Thiên Chúa.
Nên Thiên Chúa không chỉ bằng lòng cứu con người, nhưng còn muốn con người thông phần vào việc cứu độ. Maria xuất hiện như vị tinh tú sáng soi trong bóng đêm của tội lỗi. Được miễn trừ khỏi tội vì Mẹ đã chấp thuận chương trình cứu độ.
Mẹ bối rối. Không thể làm khác hơn trước một lời chào lạ thường như vậy. Sự hiện diện của Thiên Chúa luôn gây kinh ngạc và diệu kỳ, gây niềm kính sợ Thiên Chúa. Làm sao một thụ tạo như Mẹ lại được đi vào trong quỹ đạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tỏ mình cho Mẹ với tình yêu tuyển chọn.
Sứ thần bày tỏ chương trình cứu độ. Là mầu nhiệm ẩn giấu. Là tuyệt đỉnh của chương trình cứu độ, của giao ước giữa Thiên Chúa và con người, là sự hoàn thành tin mừng nguyên khởi : ‘Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ của bà: người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người (St 3,15). Thiên Chúa đã muốn sinh hạ từ một phụ nữ. Trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (13), ĐGH Gioan Phaolô II viết: ‘Thực vậy, khi được truyền tin, Đức Maria đã phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, bằng việc bày tỏ sự vâng phục đức tin vào Đấng phán với Mẹ qua sứ giả của Ngài và dâng lên Thiên Chúa sự quy phục hòan toàn của ý chí và lý trí. Mẹ đã đáp trả với cả con người nhân loại của mình, thân phận người phụ nữ, và lời đáp trả đức tin ấy hàm chứa một sự cộng tác tận tình với ân sủng dự bị và phù trợ của Thiên Chúa và một sự hoàn toàn sẳn sàng tiếp nhận tác động của Thánh Thần, Đấng không ngừng kiện toàn đức tin bằng các ân ban của Ngài’.
Chúng ta ghi nhận hai yếu tố trong lời đáp trả của Đức Maria: hoàn toàn cộng tác với ân sủng, và hoàn toàn sẳn sàng cho tác động của thánh Thần.
Gợi ý Mục vụ
1. Vâng phục con thảo. Thiên Chúa vào đời là một lời mời gọi mỗi người tín hữu thực hành lòng vâng phục con thảo đối với Chúa Cha. Thiên Chúa có chương trình cứu độ cho nhân loại và đặc biệt cho từng người. Còn lại chỉ là việc chúng ta đón nhận chương trình ấy với lòng khiêm tốn, với lòng vâng phục con thảo, biết rằng điều Thiên Chúa muốn cho chúng ta là điều tốt nhất. Duy chỉ dưới ánh sáng của việc Nhập Thể và của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chúng ta mới có thể hiểu được thế giới, nổi đau khổ của bao người, huyền nhiệm của tội và của sự chết; không có nhập thể, thương khó, sự chết và sống lại của Chúa, chúng ta sẽ còn ở trong tội của mình, và cửa trời vẫn còn đóng kín.
2. Mẹ Maria, mẫu gương vâng phục và tình yêu hiến dâng. Cần nhắc lại đây số 46 của thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế: ‘Ở đây, Tôi (GP II) chỉ muốn nhấn mạnh điều này là dung mạo của Đức Maria Nagiarét rọi sáng cho chính thân phận người nữ qua việc Thiên Chúa, trong biến cố nhập thể của con Ngài, đã tín nhiệm vào việc phục vụ tự do và chủ động của một người phụ nữ. Như thế, người ta có thể quả quyết rằng người phụ nữ khi hướng về Đức Maria, tìm thấy nơi Mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của mình, và thực thi sự thăng tiến đích thực của mình. Dưới ánh sáng của Đức Maria, Giáo Hội khám phá ra nơi dung mạo của người phụ nữ những nét phản chiếu một vẻ đẹp như tấm gương dọi lại những tâm tình cao đẹp nhất mà tâm hồn con người có thể có: đó là việc hoàn toàn hiến thân vì tình yêu, đó là sức mạnh chịu đựng những đau khổ lớn lao nhất, đó là trung tín vô hạn và sức hoạt động không mệt mỏi, là khả năng nối kết trực giác sâu sắc với lời nâng đỡ và khích lệ’.
+++
Xin thương xót con là kẻ có tội
Nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải nhìn nhận là tất cả chúng ta đều có khuynh hướng muốn tôn vinh mình. Có lẽ vì chúng ta thực hành đạo cách trung thành, giống như người Pharisêu đạo đức kia, nên cứ nghĩ là ai cũng phải nhìn nhận mình là người xứng đáng.
Chúng ta chưa hiểu những lời Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Hôsê: ‘Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ’ (Hs 6,6). Thay vì ca tụng Thiên Chúa như chính Ngài là, lời cảm tạ của chúng ta thường lại quy về điều chúng ta là, hoặc tệ hơn nữa, còn tự cho mình hơn kẻ khác.
Suốt Mùa Chay này, chúng ta xin Đức Giêsu thay đổi tận căn tấm lòng chúng ta, ban cho ta sự khiêm tốn của người thu thuế, đã có thái độ và lời cầu nguyện đúng đắn trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta chắc sẽ chẳng bao giờ hiểu cách đầy đủ mức độ khắng khít chặt chẽ giữa tình yêu và lòng khiêm tốn. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm được trước mặt Chúa, dù ta có cho mình thánh thiện đến mức nào đi chăng nữa, đó là khiêm tốn trước mặt Ngài.
Có những lúc chúng ta không tài nào cảm tạ Thiên Chúa cách thành thật được; ta có thể cầu nguyện như người thu thuế, lợi dụng tình trạng đáng thương của mình để thưa với Đức Giêsu: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. Đức Giêsu sẽ luôn nhậm lời chúng ta.
Sự khiêm tốn chẳng có liên quan gì với mặc cảm tội lỗi hoặc mặc cảm tự ti nào đâu. Là một thái độ tâm hồn sẵn sàng yêu thương; điều này giả thiết chúng ta đã biết được nhờ trải nghiệm tình trạng tội lỗi của mình, khiến Chúa Cha thương đoái nhìn đến, vì ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Như thế chúng ta đi vào tinh thần của lời kinh Magnificat.

 
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
 Tags: những gì

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập177
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay19,922
  • Tháng hiện tại674,436
  • Tổng lượt truy cập52,843,384

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây