Suy niệm hằng ngày tuần II Mùa vọng - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ bảy - 09/12/2017 23:58  1562
Thứ Hai Tuần II MV
Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em
‘Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em’. Những lời của ngôn sứ trong cả đoạn trích hôm nay làm vang lên một niềm vui tiên báo Lễ Giáng Sinh.  Và cả tác giả thánh vịnh (Đáp ca) cũng gợi lên âm vang của lời sấm ngôn: Ơn cứu độ gần bên ai kính sợ Chúa, vì vinh quang Ngài cai trị mặt đất. Tình yêu và chân lý gặp nhau, công lý và hoà bình hôn nhau. Chân lý mọc lên từ mặt đất và công lý nhìn xuống từ trời cao’. Bài tin mừng là một giáo huấn tốt đẹp cho mọi người chúng ta. Một gương mẫu của tình liên đới kitô giáo: Người bại liệt hoàn toàn bất lực không thể tự mình di chuyển, nhưng chắc chắn khao khát được chữa lành, đã được người ta khiêng tới trên một chiếc giường; và vì đám đông dân chúng họ đã dỡ mái nhà và thả người bại liệt xuống trước mặt Đức Giêsu. Đức Giêsu luôn là đấng cứu chữa, tha thứ bằng quyền năng Thiên Chúa nhưng tất cả những điều đó cũng xảy ra nhờ vào niềm tin của những người mang người bại liệt đến. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: ‘Này anh, tội anh được tha rồi’… để chứng tỏ mình là Đấng Chúa Cha sai đến có quyền tha tội; Người nói: ‘Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà’.
Cần xác quyết rằng trong cuộc đời ta cần nâng đỡ những ai không tự mình đi được, những kẻ bại liệt phần linh hồn, để mang họ đến hang đá, đến bàn thờ, đến toà cáo giải để họ được cứu chữa và tha thứ. Chúa Giêsu vác thánh giá là vì tội lỗi của mọi người chúng ta, đã chịu đau khổ và đã chết để mang lại cho ta sự sống. Công việc ấy cũng được trao cho các môn đệ của Người, cho mỗi người chúng ta.
+++
Cách thức Đức Giêsu ban ơn tha tội cho anh bại liệt khiến những người quan sát tự hỏi Ngài là ai. Đối với họ Ngài là một kẻ phạm thượng dám cả gan cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Đức Giêsu không trả lời họ bằng những giải thích lý thuyết, nhưng bằng hành động chữa lành bệnh bại liệt cho anh. Ngài giải thoát khỏi những đau khổ, khỏi sự cô độc và khỏi tật bại liệt cho những ai tin Ngài. Ngài đưa họ ra khỏi bóng tối cuộc đời để dẫn đưa họ vào trong ánh sáng. Ngài ban cho họ sức khỏe và một can đảm mới để hòa nhập với cộng đoàn. Nhờ Ngài mà ta trở nên một con người mới.
Những dấu chỉ của Đức Giêsu hôm nay đang cần cho thời đại chúng ta để nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến.
Thứ Ba Tuần II MV
Qua dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu mạc khải vài tình cảnh trong cộng đoàn: xảy ra là một trong những kẻ bé mọn lầm lạc và hư mất do những người khác.
Lời chỉ trích của ngài nhằm vào các cộng đoàn của một thời cũng như các cộng đoàn của ngày hôm nay, lãng quên những nhóm người bền lề, những người ít được ưu đãi, những kẻ nghèo hoặc khách lạ, không hòa nhập.
Nên chẳng có gì lạ khi họ lầm đường và lầm lạc, mất định hướng và mất đức tin.
Trong dụ ngôn Đức Giêsu đưa ra những tiêu chuẩn liên hệ công bình hơn, đáp ứng cho cung cách này hơn: người bé nhỏ hư mất có tầm quan trọng đến độ ngài để tất cả những người khác lại để đi tìm bởi lẽ Thiên Chúa thực sự đứng về phía những người bị loại bỏ bên lề xã hội và bị quên lãng. Nước của Ngài ngược lại với xã hội chúng ta: những giá trị là lòng khoan dung, lòng kính trọng và sự giúp đỡ. Đó là lý do vì sao sứ vụ của các cộng đoàn là quan tâm đến những vấn đề của những người có hoàn cảnh khó khăn, và bảo vệ những lợi ích của họ để họ khỏi rơi vào những con đường nguy hiểm.
+++
Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.
Hôm nay Isaia mang đến một sứ điệp an ủi và vui mừng: Đây Thiên Chúa các ngươi đang đến. Đây Đức Chúa đến với quyền năng như mục tử chăn dắt đoàn chiên. Và đoạn sách tiếp tục với hai hình ảnh thật đẹp: Thiên Chúa đấng cứu độ chúng ta là vị chiến thắng quyền uy và đồng thời cũng là vị mục tử khiêm nhu ấp ủ các con chiên. Ngỏ lời cho dân do thái lưu đày, lời loan báo thật là một nâng đỡ làm cháy lên niềm tin yêu hy vọng vào những lời hứa của Chúa. Đối với chúng ta ngày nay, đây là lời mời gọi phó thác vào Chúa, đấng điều khiển mọi biến cố lịch sử và dẫn đưa chúng nhằm đến ơn cứu độ. Đứng trước Lời Chúa, dân do thái ngày xưa cũng như chúng ta ngày nay, được mời gọi đừng đối đầu lại với ân sủng của Thiên Chúa và ý định cứu độ của Người. Sự đối nghịch giữa hai hình ảnh mà vị ngôn sứ nêu ra, có ý làm sáng tỏ, vào thời điểm cuối năm phụng vụ, điều này là nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này nhưng lại thấm đẫm bằng tình yêu thương vô bờ trong toàn bộ những gì thuộc về con người, vì chương trình cứu độ của Người dành cho tất cả mọi người không trừ ai. ‘Kìa Thiên Chúa các ngươi đang đến! Người đã phán và Lời của Người luôn luôn được thực hiện.
Lạy Chúa, con có biết bao tư tưởng sai lạc, lầm lẫn về Chúa. Con nhìn Chúa với đôi mắt của thế gian chứa đầy những chọn lựa sai lạc của những kẻ kết án Người là nguyên do của mọi sự dữ, đau khổ cho con người. Con đã không biết nghe điều Người nói qua miệng các ngôn sứ và nhất là qua Đức Giêsu và Giáo hội của Người. Lạy Chúa xin tha thứ cho con, xin soi sáng con bằng lời chân lý của Chúa, xin nâng đỡ sự mỏng giòn của con để con ý thức sự hiện diện của Chúa trong lịch sử đời con và trong thế giới này. Amen.
Thứ Tư Tuần II MV
Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà không chùn chân.
Thế nào là cậy trông vào Chúa? Có ý nghĩa gì? Hay chỉ là một cách nói để không phải giải quyết vấn đề ngay bây giờ, dường như cái hiện tại chẳng có ý nghĩa gì.
Hy vọng (cậy trông) là ‘đã’ thấy trước điều chưa xảy ra. Hy vọng là tìm thấy cách để kiên vững giữa cái ‘đã’ và cái ‘chưa’ tới. Tạo nên những năng lực để tiến tới trước. Hy vọng là cảm thấy trước sẽ kết thúc thế nào và học cách đánh giá đúng đắn gánh nặng của những chán chường và sai lạc. Bởi vì ngay cả những người thanh niên cũng mệt mỏi, những người trưởng thành cũng sai lạc. Hy vọng là biết chờ đợi điều mình cảm thấy trước được thực hiện. Hy vọng là chia sẻ cùng với Thiên Chúa mỗi ngày điều ấy và cùng Người biệt phân trong những điều đang xảy ra cái ‘thế nào’ và cái ‘nếu’điều ấy có thể được thực hiện. Với lòng nhẫn nại, với sự can đảm, không sợ hãi, không loại trừ. Điều này giúp ta có được sức mạnh để đối diện ngay cả điều vô nghĩa.
Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho những người chán nản thất vọng, cho những người giận dữ vì bị xử cách bất công, cho ai không còn muốn tin vào lòng tốt của con người.
Hãy đưa mắt cao mà nhìn
Sống trên mặt đất, con người nhìn thấy những điều xung quanh, dừng lại nơi những sự cố xảy ra bên trong và bên ngoài ta. Ta đang sống trong kỷ nguyên truyền thông; hình ảnh, lời nói và tiếng động dội vào đầu ta. Hôm nay ta được mời gọi để đưa mắt lên cao, để chú ý nhìn, để có giây phút suy tư, cầu nguyện. Ngôn sứ Isaia nói: ‘Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực Người làm cho nên cường tráng….những người cậy trông Đức Chúa, thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mệt mỏi và đi mãi mà không chùn chân’. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta: ‘Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng’. Chỉ cần ý thức tình trạng mệt mỏi của mình và đôi lúc bị đàn áp nữa để với lòng khiêm tốn và hăng hái đến gặp Đấng sắp đến một lần nữa giữa chúng ta. Người đến bẻ gãy sự cô độc nặng nề của ta, làm triển nở sự sống và mang lại niềm vui. Đó là điều ta mong chờ trong lễ hội Giáng sinh. Tất cả những gì còn lại chỉ là những đốm sáng có lẽ cũng đem đến một nụ cười thoáng qua nhưng không có khả năng mang lại hạnh phúc đích thực.
Thứ Năm Tuần II MV
Israel mong đợi Ngôn sứ Êlia trở lại trước khi Con Người đến, để chuẩn bị cho Người con đường. Chính Gioan Tẩy Giả đã thực hiện công việc này cho Đức Giêsu. Gioan đã chuẩn bị cho Chúa đến bằng cách mời gọi dân chúng sám hối và đoan hứa ơn cứu độ trong Nước Trời tương lai dành cho những ai đáp lại mời gọi của ông. Vì thế nên Đức Giêsu nói về Gioan: ‘Gioan chính là Êlia, người phải đến’.
Bởi vì Gioan đã nhận ra những dấu chỉ của thời đại nên ông đã được ban cho một vai trò đặc biệt giữa muôn người. Nước Thiên Chúa thuộc bình diện khác. Trong khi Gioan chỉ giới hạn trong việc loan báo ơn cứu độ, thì Đức Giêsu làm cho ơn cứu độ ấy sống động nơi mọi người: khi người ta đến với Người, họ được biến đổi, được giải thoát khỏi đau khổ, khỏi cảnh cô độc và bần cùng. Ta mới hiểu được vì sao những con người này phấn khởi vì Nước Thiên Chúa đến và dấn thân tiến bước trong cuộc đời.
+++
Đừng sợ, hỡi Giacóp, loài sâu bọ, hỡi Israel, kẻ mọn hèn
Giả như có ai bảo ta là đồ sâu bọ hoặc kẻ mọn hèn, chắc ta cảm thấy bị xúc phạm lắm vì chạm đến phẩm giá của ta.
Trong bài đọc sách Isaia thì ngược lại chính Thiên Chúa đã gọi người đối thoại với mình như thế và hai từ chỉ định ấy không gây ra một hậu quả giống như vậy.
Không phải chỉ vì trước mặt Chúa mọi kẻ khôn ngoan đều cảm thấy bé nhỏ, là kẻ mọn hèn nhưng nhất là vì cả hai từ ấy được sử dụng trong một bối cảnh rõ ràng: có những từ ‘đừng sợ’, ‘chính Ta phù trợ ngươi’, ‘Ta sẽ biến ngươi thành một cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn’.
Đàng sau hai từ ngữ ấy là một vị Thiên Chúa yêu thương luôn hiện diện, là đấng ‘cầm lấy tay phải ngươi’, là Đấng trong khi nhìn thấy những giới hạn và sự nghèo hèn cũng đồng thời nhìn thấy những khả năng: ‘Còn ngươi, vì Đức Chúa, sẽ mừng vui hoan hỷ, vì Đức Thánh của Israel, sẽ hãnh diện, tự hào’.
Lời Chúa không bao giờ làm tổn thương, cho dẫu nói sự thật về chúng ta. Không hạ bệ, nhưng cách khôn ngoan kết hợp việc sửa dạy với sự an ủi. Tỏ cho thấy sự mỏng giòn nhưng không cắt đứt chân.
Ta nên để cho mình ‘bị tổn thương’ theo nghĩa nêu trên. Ai làm điều này trở nên giống Gioan Tẩy Giả mà tin mừng hôm nay nhắc đến, đón nhận sự thật từ Thiên Chúa, trở nên người có khả năng nói sự thật và cảm nghiệm Tình yêu biến đổi mình thế nào.
Cảm tạ Chúa vì đã cho con biết con là ai, cho con biết tất cả phẩm giá của con. Cảm tạ Chúa vì đã quý mến con và những khốn cùng của con thay vì làm con xa cách Chúa, lại kéo Chúa đến gần con hơn.
Thứ Sáu Tuần II MV
Trong dụ ngôn Đức Giêsu trình bày một gương mẫu cho người đương thời. Họ giống như những đứa trẻ bướng bỉnh, cứng đầu: những kẻ khác phải nhảy múa như chúng muốn. Tất cả phải làm theo ý chúng muốn. Và vô phúc cho ai không đáp lại ý muốn của chúng, hoặc ai không nằm trong số những đặc loại mà chúng quy định sẵn, chẳng hạn như Đức Giêsu. Chúng dán cho Người cái ‘mác’ của người bệnh hoạn, chẳng làm tích sự gì, và loại trừ Người khỏi xã hội của chúng.
Thực ra, họ bị thiệt hại trong chính sự cứng đầu của họ. Bọn trẻ này không có khả năng vui chơi,  tự mình làm hỏng cuộc chơi. Trái lại, Đức Giêsu đến chỉ cho ta biết rằng trong Nước Thiên Chúa, người ta được xét xử theo những tiêu chuẩn khác: hành động chính trực, dấn thân cho những ai sống bên lề xã hội, liên đới với những người tội lỗi và những người thu thuế, đó là điều phân biệt giữa Đức Giêsu với những kẻ đương thời. Đức Giêsu khuyến khích những người đương thời và cả chúng ta ngày nay, hãy bỏ những thành kiến sẵn có, xét lại cách suy nghĩ của mình, hướng chúng ta đi theo nguyên tắc tình yêu của Người.
Như thế những đứa trẻ bướng bỉnh kia sẽ được giải thoát và gặp được niềm vui.
+++
Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi
Hôm nay ngôn sứ Isaia nhấn mạnh rằng Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt lành cho dân Người, và do đó chính Người đích thân dạy họ con đường phải đi. Nhưng sự thường, con người hành động như một đứa trẻ hay thay đổi, không để mình bị lôi vào trong dự tính của người khác, cho dầu người khác ấy là Thiên Chúa. Đức Giêsu so sánh thế hệ của ngài như thế và mời gọi ta, thế hệ hôm nay, hãy giũ bỏ một lối sống buồn chán chỉ quan tâm gia tăng của cải cho mình trong ảo tưởng đạt đến mức sống hạnh phúc. Thiên Chúa, trái lại, mời gọi ta chọn lựa những con đường của chia sẻ, của sự quan tâm đến người kém hơn mình. Đây không phải là kỹ năng của chúng ta dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc đích thực. Cần phải lưu tâm đến những lệnh truyền của Chúa để cảm nếm điều thiện hảo, sự công bình và một dòng dõi đông đúc, để hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, xin hãy kiên nhẫn trước tính hờ hững của con khi con để mình bị lừa dối bởi bao điều thực sự không mang lại điều tốt lành cho con, cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho tha nhân. Xin dạy con biết con đường con phải đi, con đường đưa con đến với Chúa. Xin ban cho con can đảm và ý chí bắt đầu cuộc hành trình và không quay lại đàng sau. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!
Thứ Bảy Tuần II MV
Xử với ông theo ý họ muốn
Qua câu hỏi, các môn đệ diễn tả những dè chừng của các tiến sĩ luật đối với Đức Giêsu. Nếu Ngài là Đấng Messia mọi người mong đợi, thì ngôn sứ Êlia đã phải đến trước từ lâu để dọn đường rồi. Và giả như Êlia đến rồi thì đã bắt đầu đổi mới biết bao điều rồi: sẽ không còn đàn áp chính trị, không còn người thống trị người, không còn đối nghịch giữa người giàu kẻ nghèo, một thời đại hòa bình sẽ ngự trị.
Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ biết thời đại hòa bình đã bắt đầu ngay bây giờ, cho những những ai biết tận dụng đáp lại lời mời gọi sám hối và tái tạo an bình trong tâm hồn họ.
Nhưng nỗi mong chờ của con người lại nằm ở chỗ khác: họ cậy dựa vào một vị quyền thế có thể giúp họ thiết lập hòa bình. Vì thế mà những lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả rơi vào trong khoảng không. Và còn tệ hơn nữa, bạo lực đe dọa những con người mang lại hòa bình: Gioan bị chém đầu, Đức Giêsu cảm thấy trước Ngài cũng sẽ bị đối xử giống như vậy.
+++
Để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu
Những lời liên quan đến sứ vụ của ngôn sứ Êlia được thánh sử Luca lập lại đễ diễn tả sứ vụ của Gioan Tẩy Giả: ‘Em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa’ (Lc 1,17).
Nhiều lúc chúng ta quên mất khía cạnh này của công việc các ngôn sứ. Ta nghĩ rằng công việc của họ là một việc mang tính thần học, loan báo ý định của Thiên Chúa, ‘hình phạt’ của Người như sự tha thứ, giúp cho những người đương thời nhận biết sự hiện diện của Chúa trong mọi nghịch cảnh của lịch sử.
Hơn thế nữa, còn là một công việc rất bình thường nhưng không kém quan trọng: tái lập lại những mối tương quan, liên kết những tình cảm, dẫn đưa lòng cha ông về với con cháu.
Ta không nên quên điều này là Lời Chúa đâm rễ hết sức dễ dàng nơi mà những vết thương lòng được lắng nghe và chữa lành.
Chuẩn bị một đoàn dân không có nghĩa chỉ là dâng cho Người những con người công chính nhưng còn là làm vơi đi gánh nặng cho những tâm hồn do sự chia rẽ, gánh nặng của sự cách xa tình cảm, còn là an ủi, làm dịu đi những cứng cỏi tâm hồn.
Con người ngôn sứ của chúng ta đòi hỏi nhiều: không chỉ là ‘tôi tớ phục vụ Lời’ mà còn biết quan tâm đến mảnh đất mà ta đang gieo để nó không còn bị bỏ hoang, nhưng được đào xới, cất đi những khoảng trống của sự cô độc, loại trừ những viên đá của những xung đột, xây dựng lên những hàng rào tình cảm thân thiết, mến yêu.
Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ hòa giải và hòa bình, xin thúc đẩy con phục vụ các tâm hồn đang đau khổ vì chia rẽ, vì cô độc vì xa cách.
+++
Ngôn sứ Êlia
Hai đoạn kinh thánh trong phụng vụ hôm nay gặp nhau nơi hình ảnh của ngôn sứ Êlia. Nhắc lại những ảnh hưởng và cá tính mạnh mẽ của ông hơn hết các ngôn sứ làm cho tác giả sách Huấn ca hết lòng thán phục, qua việc liệt kê những việc lạ lùng ông đã thực hiện để bảo vệ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực trong lòng con người và lòng xã hội lúc bấy giờ. Vị ngôn sứ kết thúc cuộc đời của mình bằng việc lên trời với một chiếc xe bằng lửa và mong đợi thời Đấng thiên sai. Tình yêu của ngài dành cho việc thờ phượng chân chính Thiên Chúa là cho ngài xứng đáng hiện diện trong thời viên mãn, khi mà chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, khẳng định rằng tinh thần của Êlia đã được sống lại nơi Gioan Tẩy Giả. Êlia được biết đến như vị ngôn sứ của lửa, vì lời của ngài đốt cháy, nóng bỏng như lửa, nhưng cũng vì ngài đã xin lửa từ trời xuống đốt cháy lễ vật trên núi Carmel, trên đám lính được sai đi bắt ngài...Lòng nhiệt thành của ông vì vinh quang Thiên Chúa, vì sự trung thành của dân đối với giao ước, sự tức giận của ông chống lại mọi tục hóa danh Chúa nhắc ta đến sứ vụ của Đức Giêsu, đấng đến mang lửa tình yêu cho mọi người và mong muốn cho lửa ấy bừng cháy lên.
Tiếc thay, Êlia đã bị bách hại, Đức Giêsu cũng thế, bị khước từ bởi các lãnh đạo dân chúng, họ hài lòng khi thấy Ngài bị treo trên thập giá.
Lạy Chúa, ước chi ngọn lửa tình yêu, lòng trung thành và biết ơn đối với Đấng Cứu Độ cũng cháy lên trong lòng chúng con. Lời Chúa phán: ‘Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta’. Trong thánh lễ tạ ơn, lòng chúng ta mở ra cho Chúa Giêsu, nhưng chỉ lãnh nhận Ngài trong bí tích chưa đủ. Cần phải để cho ta được biến đổi nhờ tinh thần của Ngài và nuôi dưỡng trong ta những tâm tình của Ngài. Như vậy mới là sự hiệp thông (hiệp lễ) đích thực.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay23,955
  • Tháng hiện tại347,708
  • Tổng lượt truy cập51,679,043

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây