Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần II Mùa Chay: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ bảy - 24/02/2018 20:21  1169
Thứ hai Tuần II MC
Như Cha nhân từ

Đức Giêsu một lần nữa kêu gọi chúng ta bắt chước Chúa Cha trên trời là Đấng nhân từ. Xem chừng rất dễ dàng vì tất cả chúng ta ai cũng có cảm nghiệm về sự khốn khổ của mình và qua trải nghiệm đó, chúng ta có thể hiểu lòng nhân từ là gì. Nhưng cũng rất nghiêm túc, vì Đức Giêsu báo cho chúng ta biết rằng lòng nhân từ của Chúa Cha đối với chúng ta tùy thuộc mức độ chúng ta thương xót anh em mình. Một câu đáng cho ta suy nghĩ. Thiên Chúa yêu thương ta đến mức độ đặt vào trong tay ta ‘thước đo’ chính Ngài dùng để rộng ban tình yêu của Ngài. Nhưng Ngài muốn chúng ta sử dụng thước đo ấy giống như Ngài, để ban tặng không giới hạn.
Đức Giêsu chỉ cho ta 4 phương cách thực thi lòng thương xót: đừng xét đoán, đừng kết án, hãy tha thứ, hãy cho. Trong suốt Mùa Chay chúng ta hãy quyết tâm không xét đoán ai. Chúng ta cố gắng ‘chay tịnh’ những xét đoán bộc phát thường ngày, trong lời nói cũng như trong tư tưởng. Ngay đối với những người chúng ta có trách nhiệm, cũng đừng xét đoán những ý hướng của họ; chúng ta không biết đâu là những tình cảm sâu kín của họ, và bí mật của lòng họ chỉ thuộc về Thiên Chúa.
Lên án lại càng tệ hại hơn nữa: là một quyết đoán. Chúng ta hãy tránh lên án dù việc nhỏ nhặt nhất, trong lời nói cũng như trong cử chỉ. Trái lại, hãy cố gắng tha thứ, xin lỗi; cố gắng tha thứ luôn để nhận được sự thứ tha của Chúa Cha. Và như vậy nước Thiên Chúa sẽ được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Thứ ba Tuần II MC (Is 1,10.16-20; Mt 23,1-12)
Khiêm hạ như Mẹ Maria

Ngay từ đầu Mùa Chay Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành việc bố thí, cầu nguyện và chay tịnh không phải ‘để được người ta ca tụng’, nhưng chỉ để được Chúa Cha khen ngợi. Cái ‘tôi’ của chúng ta luôn đi tìm sự tán thưởng, thích tất cả những gì làm cho mình được biết đến, thích được tâng bốc. Đừng sợ khi phải cầu xin cho cái ‘tôi’ ấy chết đi, để tâm hồn chúng ta được sống lại cùng với Đức Giêsu.
Hãy nhìn gương Mẹ Maria, nữ tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa, hiện thân cái lôgíc của tình yêu, cái quy tắc căn bản này: ‘Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên’. Mẹ Maria, vô nhiễm nguyên tội, nên chi Thiên Chúa đoái nhìn ngay đến ‘phận nữ tỳ hèn mọn’ của Mẹ. Còn chúng ta là tội nhân, chúng ta cần hạ mình xuống, vì thế nên sự sỉ nhục là trường dạy tuyệt vời nhất. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho ta biết yêu mến những sự sỉ nhục. Đừng lấy làm khổ sở vì những khiếm khuyết của mình, nếu những khiếm khuyết ấy giúp mình khiêm hạ hơn; chỉ nên khóc than cho tội lỗi của mình. Người ta ít thích bị sỉ nhục! Khó thật! Chúng ta không chọn những sự sỉ nhục, không đi tìm chúng, nhưng chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta những sỉ nhục mà chúng ta cần đến, và cố gắng sống trong niềm vui!
Sỉ nhục là một ơn, nó ‘hạ’ chúng ta xuống thấp, nhưng nếu chúng ta chấp nhận, nó sẽ dìm chúng ta vào trong lòng nhân từ của trái tim Đức Giêsu, Đấng ‘nâng’ chúng ta lên cao cùng với Ngài đến tận Chúa Cha.

Thứ tư Tuần II MC (Gr 18,18-20; Mt 20,17-28)
Một chỗ cho danh vọng

Loan báo lần thứ ba về sự thương khó. Và một lần nữa các môn đệ chẳng những không hiểu gì mà còn có cái nhìn làm cho Thầy Giêsu lo sợ. Họ không thể đi vào trong tâm tình của Thầy, vẫn tiếp tục lý luận theo kiểu thế gian.
Trong khi đó, thập giá luôn trước mắt Đức Giêsu. Mục đích của đời Ngài, sắp đến lúc hoàn tất. Là hy sinh hiến dâng cách tự nguyện, chứ không như một sự tử đạo: Đức Giêsu nói rõ cho các môn đệ biết điều gì sắp xảy ra cho Ngài. Đứng trước cái chết được tiên báo, những tình cảm của Giacôbê, Gioan và bà mẹ quả là không đúng chỗ tí nào. Một chỗ cho danh vọng luôn là mơ ước tiềm ẩn nơi mỗi người chúng ta. Luôn muốn là tâm điểm sự chú ý của mọi người, khao khát thống trị.
Đức Giêsu cảnh báo chúng ta, như đã cảnh báo cho Giacôbê và Gioan: ‘Các ngươi có uống được chén Ta sắp uống chăng’? Chén là hình ảnh của buồn phiền, của đau khổ; Đức Giêsu muốn dạy cho biết rằng cái ‘ngai’ mà Ngài sắp bước lên chính là thập giá và do đó chỗ ngồi bên tả bên hữu chẳng thoải mái chút nào đâu.
Các con ông Zêbêđê không hiểu; cả 10 vị kia cũng chẳng hiểu gì, khi bực tức với hai ông, nghĩ rằng hai ông muốn chơi trội, qua mặt họ, họ chẳng hiểu đâu là con đường Đức Giêsu đi: tri thức thập giá.
Nền tảng của cộng đồng kitô chính là thay đổi não trạng, thay đổi cái nhìn về uy quyền, địa vị. Thật nhiều lần Thầy Giêsu đã sống và chỉ dạy: ‘Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng vì mọi người’.
Cầu xin Đức Giêsu đặt vào tâm hồn ta viễn ảnh cuộc thương khó và thái độ tình yêu khiêm hạ của Ngài.

Thứ năm Tuần II MC (Gr 17,5-10; Lc 16,19-31)
Tên gọi của bạn trước mặt Chúa

Trang Tin Mừng hôm nay mang tính tạo hình, chỉ trong vài dòng diễn tả cả tiểu sử cuộc đời của hai nhân vật hoàn toàn khác biệt, nếu không muốn nói đối nghịch nhau: Người phú hộ và người nghèo Lagiarô. Người phú hộ: vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lagiarô: mình đầy ghẻ chốc, ước được mụn bánh từ bàn ăn rơi xuống. Lagiarô là người nghèo đáng thương, không nhà, bệnh tật, đói khát, không được ai quan tâm.
Lưu Ý: Có sự khác biệt tận căn, qua hai câu đầu tiên của đoạn tin mừng: Một người phú hộ - Một người hành khất tên Lagiarô. Người phú hộ, không tên. Loại người này không có tên trước mặt Thiên Chúa!!!
Vậy ai là nhân vật chính? Người nghèo hay người phú hộ? Giả sử là người nghèo, vậy thì dụ ngôn kết thúc hơi có vẻ ‘nguy hiểm’, vì tất cả đều đưa về thế giới bên kia nơi đó sẽ đảo lộn tất cả tình trạng hiện nay: người giàu trong hỏa ngục và kẻ nghèo trong thiên đàng, vậy là công bình. Kẻ nghèo chỉ cần chờ đợi một tí, đúng lúc mà người giàu chấm dứt yến tiệc và được đem đi chôn…và rồi trên thiên đàng các Lagiarô đích thực của lịch sử sẽ phục thù. Lưu ý: loại cam tâm chịu đựng kiểu này không phải là tinh thần của Tin Mừng.
Nhân vật chính là người phú hộ. Lạ lùng, vì cho dù là nhân vật chính, chúng ta thấy Sách Thánh đã quên mất tên gọi (điều đã không xảy ra cho người nghèo Lagiarô). Càng lạ lùng hơn nữa nếu ta biết rằng tên gọi trong môi trường do thái mang một ý nghĩa, gắn liền với con người, tóm tắt lịch sử của một người (Lagiarô nghĩa là Thiên Chúa cứu giúp).
Vì sao người giàu không có tên? Vì ông ta không có lịch sử. Cuộc đời của ông được xây dựng trên cái rỗng không. Ông đánh mất tên gọi vì ông đã đánh mất lý do đích thực của cuộc sống. Không thể sống để yến tiệc mà quên lãng anh em đang thiếu thốn.
Người giàu có đánh mất tên gọi trước mặt Thiên Chúa, không phải vì giàu có, mà vì sử dụng sai sự giàu có của mình, chỉ biết sử dụng cho chính mình. Có khi nào ta đánh mất tên gọi của mình như thế không? Bao nhiêu tên gọi khác chúng ta đã chọn cho mình: tiền bạc, nghề nghiệp, quyền lực, thành công, sở thích riêng…
Làm sao để lấy lại tên gọi của mình trước mặt Thiên Chúa? Hãy nhắc lại điệp khúc của một bài hát: Hãy yêu và bạn sẽ hiểu tại sao. Tình yêu đối với anh em và sẻ chia cho ta cảm nghiệm một cuộc sống tròn đầy, hoa quả sự gặp gỡ Thiên Chúa. Hãy yêu và bạn sẽ hiểu bạn là ai, tên của bạn là gì và căn tính của bạn. Bạn sẽ trải nghiệm cuộc sống đích thực, tròn đầy ngay bây giờ dù những khó nhọc không thiếu trên cuộc hành trình về thiên đàng.
Ghi nhớ tên của những người nghèo và quên mất tên của những người giàu, đó là cái lôgíc của tin mừng. Còn lôgíc của thế gian thì khác…bạn đang ở bên nào?
Trong tuần này bạn hãy thử ghi trên mảnh giấy tên của những người nghèo mà bạn gặp… Cuối ngày, bạn dâng lên cho Thiên Chúa những tên gọi của họ: bạn sẽ có thêm một vài người bạn.

Thứ sáu Tuần II MC (St 37,3-4.12-13a.17b-28; Mt 21,33-43.45-46)
Loại trừ Người Thừa Tự

Thứ sáu hôm nay Hội Thánh chọn đọc cho chúng ta hai đoạn sách để chuẩn bị tâm hồn ta bước vào mầu nhiệm của ngày Thứ sáu Tuần Thánh, Đức Giêsu bị giết chết để cứu độ chúng ta.
Abel bị người anh ghen tị của mình giết chết, là hình ảnh trong Cựu Ước về Đức Giêsu. Tiếp đến là Giuse bị anh em mình bán. Những chặng đường của sách Sáng Thế cho thấy rõ vết thương tâm hồn của con người sau tội nguyên tổ, là chướng ngại ngăn cản tình cảm huynh đệ. Lòng ghen tị mặc muôn vàn hình thái, có thể mang cách thức tao nhã một tí khi dứt bỏ một ai đó đang làm phiền ta; nên biết rằng đó là một cám dỗ thường xuyên, ngay cả trong cộng đoàn kitô. Ta cần mãi mãi xin Chúa thanh tẩy ta để ta không bao giờ chấp nhận cách tự nguyện trong tâm hồn một chút tình cảm đố kỵ nào chống lại anh em. Sự đố kỵ sẽ dễ dàng trở nên căm thù.
Dụ ngôn thợ làm vườn nho sát nhân nhằm vào các thủ lãnh tư tế và kỳ lão trong dân. Cho ta hiểu đuợc nỗi đau riêng của Đức Giêsu, đồng thời cho phép ta đi sâu vào trong mầu nhiệm của Hội Thánh. Đức Giêsu đã đau khổ vì tội chúng ta, nhưng một cách đặc biệt đã chịu đau khổ vì bị loại trừ và cuối cùng bị các đầu mục dân chúng giết chết.
Khi ta nhìn lại lịch sử Hội Thánh và thế giới, chúng ta thấy rằng con người thường muốn bảo vệ sự kế thừa kitô giáo: một cái nhìn mới về con người, về phẩm giá con người, ý nghĩa của sự công bình, của sự chia sẻ…Thế những họ lại muốn loại trừ Người Thừa Tự. Họ bằng lòng với một linh đạo vắng bóng Thiên Chúa! Suốt Mùa Chay này, ta hãy xin cho được ơn liên kết chặt chẽ không chỉ vào tin mừng mà còn vào con người của Đức Giêsu, và xin cho sự liên kết ta với Chúa trở nên tâm điểm của đời ta.

Thứ bảy Tuần II MC (Mk 7,14-15.18-20; Lc 15, 1-3.11-32)
Người Cha mãi mong chờ

Hôm nay Đức Giêsu nói dụ ngôn cho mỗi người chúng ta: tất cả chúng ta là đứa con tội lỗi cách xa Cha, mỗi ngày cần phải tìm lại con đường về nhà, con đường của tâm hồn. Việc hối cải là thế đấy: là hành trình từ bỏ tội lỗi và tình trạng khốn khổ để đi về với Cha.
Điều gây ngỡ ngàng trong dụ ngôn này là sự kiện người Cha luôn mãi mong chờ. Chúng ta đã bỏ Cha, nhưng Cha chẳng bao giờ bỏ chúng ta. Ngài động lòng khi vừa thấy bóng dáng đứa con trở về. Đôi lúc chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ sự tha thứ của Ngài, nghĩ rằng tội của ta quá lớn. Nhưng người Cha vẫn tiếp tục yêu thương ta. Ngài hết mực trung tín. Không phải tội lỗi ngăn cản chúng ta đến với tình yêu Ngài, nhưng chính là sự kiêu căng của ta. Vừa khi chúng ta nhận biết mình tội lỗi, Ngài liền trao ban mình cho chúng ta, với một tình yêu còn lớn lao hơn nữa, một tình yêu chữa lành tất cả, một tình yêu bất cứ lúc nào cũng có thể từ điều dữ mang lại sự lành cho ta. Lòng tha thứ của Ngài không đơn thuần là khoan hồng, nhưng là trào tuôn lòng nhân từ và tình thương của Ngài mãnh liệt hơn tội lỗi.
Đức Giêsu muốn chúng ta có lòng tín thác như chúng ta làm với những người khác. Trong tâm hồn mỗi người luôn tiềm ẩn khả năng trở về với Cha, và chúng ta cần hy vọng không ngừng. Khi chúng ta thấy anh chị em mình trở về lãnh nhận ân sủng sống thân tình với Thiên Chúa, chúng ta hãy hân hoan không chút nghĩ ngợi gì, và tham dự vào niềm vui của Cha.

 
(Đn 9,4b-10; Lc 6,36-38)
Lập Tông Tòa Thánh Phêrô
Phụng vụ hôm nay được soi sáng bằng tư tưởng về tình phụ tử của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu xác quyết là Phêrô nhờ Chúa Cha linh hứng mới có thể tuyên xưng Ngài là Đấng Messia, Con Thiên Chúa: ‘Này anh Simon con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời’. Mọi sự tốt lành đều đến từ Chúa Cha, đặc biệt là sự sống siêu nhiên khởi sự và nền tảng nhờ lòng tin vào Đức Giêsu.
Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Ngài không tự ý tuyển chọn người đứng đầu các Tông đồ, mà chờ Chúa Cha tỏ ra cho biết và chỉ sau khi biết rõ ý của Chúa Cha, Ngài mới nói với Phêrô: ‘Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy’. Simon nhận ra nơi Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, còn Đức Giêsu nhận nơi Simon tảng đá nền tảng của Hội Thánh của Ngài.   
Trong bức thư Thánh Phêrô tỏ cho thấy việc Ngài vâng phục mạc khải của Chúa Cha. Trong những đoạn đầu Ngài nói về sự biết trước của Chúa Cha: tất cả mọi sự khởi sự từ Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn những kẻ được chọn nhờ ‘Thần Khí thánh hóa để vâng phục Đức Giêsu Kitô’. Đây là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa.
‘Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô’, do lượng hải hà của Người mà chúng ta được tái sinh. Người đã ban cho ta sự sống và giờ đây còn cho ta được tái sinh, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô từ cõi chết. Lòng hải hà của Chúa Cha trong quá khứ giờ đây lại được hiển nhiên như lời hứa cho tương lai. ‘Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động. Chúng ta đã có sự sống vĩnh cửu, nhưng đang trong mầm mống, mầm mống tràn đầy hy vọng, hướng đến sự hoàn tất trong tương lai. Thánh Phêrô không có đủ từ ngữ để diễn tả điều mà Thiên Chúa sẽ ban cho ta: ‘một gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai…dành ở trên trời’.
Đây là một viễn ảnh hết sức tích cực. Thánh Phêrô nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa trong quá khứ và trong tương lai. Nằm giữa hai thời điểm hân hoan lớn lao đó có một chút thử thách: ‘anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách’. Thực tế những khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường che mờ hết tầm nhìn của ta, thánh Phêrô cho biết đó chỉ là điều chóng qua, một thời gian ngắn. Những thử thách ấy được xem một cách tích cực, cần thiết để tinh luyện đức tin của ta, như lửa thử vàng.
Đây là cái nhìn hết sức an ủi cho đời sống kitô hữu của chúng ta. Cầu xin thánh Phêrô giúp ta biết vâng phục Chúa Cha và luôn tin tưởng phó thác cho tình yêu của Người.
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm106
  • Hôm nay23,730
  • Tháng hiện tại304,675
  • Tổng lượt truy cập53,289,710

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây