CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A: Dụ ngôn “Gieo giống”: Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Thứ bảy - 15/07/2017 06:00  2310
CN 15 QN A :Dụ ngôn “Gieo giống”

Vì sao Chúa giảng dạy bằng dụ ngôn ?
Mở bài dài : [Các linh mục thường kể cho nhau giai thoại này: Có một cha xứ miền quê, khi đến Chúa nhật 15 thường niên năm A, tức Chúa nhật hôm nay, thì lý luận thế này : Giảng là giải bài Phúc Âm (mà chúng ta vừa nghe). Chúa Giêsu nói về dụ ngôn người gieo hạt giống. Các môn đệ hỏi Chúa ý nghĩa. Chúa giảng giải ý nghĩa đó luôn. Cha xứ miền quê lý luận : Không ai giải hay bằng chính tác giả của dụ ngôn, nhất là tác giả đó lại là Chúa. Nên trước khi đọc Phúc Âm, cha xứ đó nói với dân vài lời : Phúc Âm hôm nay cũng là bài giảng của chính Chúa, nên tôi sẽ đọc thật chậm để anh chị em cùng nghe. Và cha xứ đó đã kéo dài bài đọc Tin Mừng cho đủ giờ khắc của bài giảng Chúa nhật.]
[Xứ chúng ta không phải là xứ miền quê, và giai thoại thì không chắc có thật. Vì thế tôi đã không dám noi gương cha xứ miền quê trong giai thoại trên để chỉ đọc chậm chậm mà không dọn ít lời.]
 
Mở bài : Ít lời hôm nay nhằm vào phần II của bài Tin Mừng. Phần I : Chúa công bố dụ ngôn người gieo giống. Phần III: Chúa giải thích dụ ngôn đó nghĩa là gì. Còn Phần II: Chúa trả lời cho câu hỏi của các tông đồ: Vì sao Chúa lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng.
 
Vì sao Chúa lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng ?
Chúng ta thử trả lời và chúng ta nghe Chúa Giêsu trả lời.
1. Chúng ta thử  trả lời:
Nếu để chúng ta trả lời cho câu hỏi ”vì sao Chúa dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng,” thì nghĩa thật đơn giản : Chúa dùng dụ ngôn để cho dân dễ hiểu. Mầu nhiệm Nước Trời thì cao siêu sâu thẳm, Chúa phải dùng những ví dụ, những hình ảnh quen thuộc trong đời thường của người dân luc đó, như cây nho ai cũng thấy, như hạt lúa ai cũng hay, như mẻ cá ai cũng rõ, như đàn chiên ai cũng tỏ, như đám cưới ai cũng có thể tường và cảm được vv… để diễn tả những mặt khác nhau của mầu nhiệm Nước trời.
Một bài giảng không có những ví dụ, bài giảng đó sẽ khô khan. Một cours triết không có những hình ảnh, sẽ tối nghĩa..., vì thế dj ngôn là những hình ảnh, những ví dụ trong Tin Mừng nhằm làm cho dân chúng dễ hiểu.
 
2. Chúa trả lời
Nhưng câu trả lời rất dễ hiểu của chúng ta lại không phải là câu giải đáp của Chúa khi tông đồ hỏi : Tại sao lại dùng dụ ngôn  Chúa đã trả lời ngược hẳn lại với ý của chúng ta : Thầy dùng dụ ngôn để dân chúng không hiểu được !
“Bởi thế Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. [Rồi Chúa còn trích lời ngôn sứ Isaia xưa làm ta thêm lúng túng: Kẻo mắt họ thấy được, tai họ nghe được và họ hiểu được mà hối cải rồi ta lại chữa lành cho họ].
Quả vậy dụ ngôn khi đẩy đến nghệ thuật cao sẽ trở thành câu đố bí hiểm. Người không được khai tâm, người không có khoá giải mã sẽ không hiểu được.
Trong Cựu Ước đầy dẫy những hình ảnh mật mã câu đố ấy. Như  Samson đố người Philitinh: “Tự đứa ăn của ăn xuất, tự đứa mạnh, ngọt ngào ra” nếu giải được thì thưởng 30 bộ trang phục.
Không có gì mạnh bằng sư tử, không có gì ngọt bằng mật ong.
Con sư tử bị Samson giết bằng tay không hôm nào, nay đàn ong đến đóng tổ trong đầu nó, ong hút nhuỵ hoa, sản xuất mật : tự đứa ăn của ăn xuất. Đàn ong vào làm tổ trong đầu sư tử, Samson lấy mật ong từ đầu sư tử : tự đứa mạnh, ngọt ngào ra. (sách Thủ Lãnh 14,4tt).
Việt Nam có nhiều câu đó tương tự : Một đàn cò trắng phau phau, ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm. Đó là chén bát ăn cơm.
Is 5,17 cho một dụ ngôn khác: “Bạn ta có một vườn nho, rào dậu chăm bón, nhưng nho lại sinh trái dại, chủ vườn nho thịnh nộ : Ta sẽ cấm mây trời đổ mưa xuống trên nó …” Bí mật vẫn còn bao trùm. Tấm màn bí ẩn chỉ bị xé rách khi cuối bài đó, Isaia cho biét: Vườn nho của Đức Chúa các cơ binh chính là nhà Israel.
Một ngày kia, Thiên Chúa cho ngôn sứ Amos thấy một giỏ trái cây chín. Và Người phán: Ngươi thấy gì hỡi Amốt. Tôi thưa : Một  giỏ trái cây chín. Và Đức Chúa bảo tôi: Dân Israel đã chín tới thời tận. Chín có nghĩa là gặt hái, thu lượm kết quả. Nhưng chín cũng có nghĩa là tận cùng, rơi rụng, .. Phải giải thích,  giải mã mới hiểu.
Các dụ ngôn của Chúa Giêsu cũng phải được giải thích và Chúa lại chỉ giải thích cho các môn đệ nhóm người bé nhỏ. Còn đối với dân thì cứ để họ không hiểu.
Câu trả lời kế tiếp của Chúa còn làm ta lúng túng hơn khi Chúa trích lời Isaia: Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Kẻo mắt họ thấy được, tai họ nghe được, lòng họ mở ra, và họ hối cải, thì ta lại chữa lành. Cứ như mạch văn đây thì: dạy bằng dụ ngôn là để cho dân không hiểu. Không muốn cho dân hiểu, kẻo họ hiểu rồi hối cải thì ”Ta” sẽ chữa lành mất.
Ta phải hiểu câu này thế nào. Có nhiều lối giải thích, từ uyên bác đến đơn sơ, từ lịch sử đến đạo đức, kể cả lối giải thích gọi là lịch sử hình thành các bản văn. Nhưng ở đây lối hiểu theo văn phạm giúp ta dễ vượt qua hơn cả.
Khi ta nói : ăn để mà sống. Chữ “để” có nghĩa là mục đích. Ăn có mục đích làm cho sống. Nhưng ta cũng có thể nói : Ăn để chết  chữ “để” không có ý nghĩa mục đích nữa mà là thể liên tiếp, thể hậu quả. Cứ ăn đi rồi tới lúc phải chết. Câu nói của Chúa Giêsu trong trường hợp này cũng vậy, không phải chỉ mục đích, nhưng vì là Thiên Chúa thấu suốt cả tương lai, nên Ngài biết hậu quả là như thế. Giảng bằng ngụ ngôn để họ không hiểu, họ không tin, họ không trở lại.
Câu Chúa Giêsu nói đây trích từ sách Isaia. Thời Isaia, khi được sai đi, Đức Chúa đã cho biết Dân mà Isaia giảng cho, nghe mà không chịu hiểu đâu, để ngôn sứ đừng ngã lòng.
Thời Đức Giêsu, mấy kẻ theo Ngài, chỉ trừ một nhóm nhỏ hiền lành,chất phác.
Thời các tông đồ, dân Do Thái cũng chẳng tin là là bao đến nỗi cuối sách Công Vụ khi Phaolô được giải tới Roma, ngài gặp cộng đoàn Do Thái tại đó trước, nhưng họ chẳng tin, nên Phaolô cũng trích lại câu Isaia trên kia : nghe mà không hiểu, trố mắt mà chẳng thấy (Cv 28, 26-27)
Mãi cho tới nay, 2000 năm sau, một dân Do Thái vẫn vững mạnh với Cựu Ước: 5 triệu người Do thái, đếm được mấy ai tin Đức Giêsu.
Đức Yêsu là người Israel, sống tại Israel, giảng đạo tại Israel. Đức Mẹ, thánh Giuse, các tông đồ đều là người Israel, vậy mà cho đến hôm nay họ vẫn quyết liệt từ chối Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người. Hình  như ”không tin, cứng lòng” là định mệnh của họ. Số của họ là vậy. Ôi Dân Ta mà chẳng nghe lời, Israel nào đâu có chịu, thì Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá, muốn đi đâu thì cứ việc đi. (Tv 80).
Họ có trách nhiệm gì không trong việc cứng tin này, chúng ta không biết được. Nhưng thánh Phaolô trong Rm 11,25 đã hé cho ta thấy kế hoạch của Thiên Chúa: Sau khi chư dân đã tin, thì tất cả Israel cũng được ơn cứu độ. Việc Israel cứng tin chỉ là sự kích thích cho dân ngoại (dân không phải Do thái) tin vào. Và khi nói đến đó thánh Phaolô đã ca tụng sự khôn ngoan vô lường của Thiên Chúa và ý định của Người. Ôi sâu thẳm muôn trùng, sự khôn ngoan thông minh của Thiên Chúa. Ý định Người không ai dò thấu. Đường lối Người không sức dõi theo.
Chúng ta Kitô hữu Việt Nam là Dân ngoại so với dân Israel, nhưng lại là Israel mới, là Dân thánh. Israel cũ cứng tin, nhưng Israel mới là chúng ta vững tin và trong khi cầu nguyện cho Israel cũ tức dân Do Thái tin Đức Kitô, thì chúng ta hãy vững vàng tuyên xưng niềm tin của mình trong kinh Tin Kính : tin Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta.
 
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
 Tags: ai cũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm123
  • Hôm nay18,810
  • Tháng hiện tại673,324
  • Tổng lượt truy cập52,842,272

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây