HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CARITAS VIỆT NAM 2019:
LIÊN ĐỚI TRONG CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ
Kính thưa quý Đức cha, quý Cha và toàn thể Hội nghị,
Trong dịp kỷ niệm 10 năm tái hoạt động, Caritas Việt Nam đã chọn chủ đề “LIÊN ĐỚI” như một sứ mạng quan trọng trong việc thực thi bác ái, như một yếu tố then chốt để xây dựng mạng lưới hoạt động. Con người ngày nay đang đói khát tình liên đới, đang cần những tấm lòng, những bàn tay xoa dịu những đau khổ nơi thân xác và trong tâm hồn như lời nhận định của Đức Thánh Cha Bênêđictô :“Trong một thế giới kỹ nghệ cao, kinh tế phát triển như hiện nay, có thể nói con người không thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng chỉ thiếu tình liên đới”. Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại. Đó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi người trên thế giới như lời mời gọi của Ngài:“Hỡi nhân loại, hãy thay đổi lối sống để tình liên đới được thể hiện. Hãy mở rộng con tim đối với những ai đang đau khổ.” (Sứ điệp Hoà bình thế giới 2009)
Liên đới không chỉ nối kết con người với nhau, nhưng còn là mối tương quan hài hoà giữa chúng ta với Thiên Chúa như Thánh Gíao hoàng Gioan Phaolô II đã nói :‘Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện xã hội, quốc gia và quốc tế” (Sollicitudo Rei Socialis, số 40, năm 1987). Vì thế, liên đới theo chiều kích tâm linh trong việc thực thi bác ái chúng ta cần chú tâm đến 2 khía cạnh: cầu nguyện và phục vụ.
- Liên đới trong cầu nguyện
Ngày nay trách nhiệm liên đới trong xã hội thường được đan xen trong những hoạt động bác ái như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: liên đới không phải là một “cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Ngược lại liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn, vừa kiên định muốn dấn thân cho công ích. Tức là lo cho mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người.” Vì thế, liên đới để thi hành bác ái không chỉ là những hành động xã hội nhưng còn là những hành động tinh thần được thực hiện trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, tại nhà chị em cô Martha và Maria ở Bêthania, cô Martha đã tận tâm tận lực phục vụ và đón tiếp Chúa Giêsu cùng các môn đệ của Người, còn cô Maria thì chú tâm lắng nghe Lời Chúa. Trong cả hai trường hợp, những giờ phút cầu nguyện, lắng nghe Thiên Chúa và các hoạt động thực thi bác ái không trái ngược nhau. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu: “Martha! Martha! Con băn khoăn lo lắng về quá nhiều chuyện, nhưng chỉ có một chuyện cần thiết và Maria đã chọn phần tốt hơn mà sẽ không bị lấy đi mất” (Lc 10, 41-42). Ở đây chúng ta không giải thích về đoạn văn liên quan đến chị em Martha và Maria nhưng muốn nhấn mạnh rằng ngay cả hoạt động bác ái cũng phải được thấm nhuần trong lòng bởi một tinh thần cầu nguyện, bằng ánh sáng của Lời Chúa. Nếu chúng ta không trung thành sống cầu nguyện hàng ngày thì hành động bác ái của chúng ta sẽ trở thành trống rỗng vô hồn.
Cầu nguyện được ví như hơi thở cần cho sự sống của con người, con người không thể sống nếu không được hít thở; cũng không thể khỏe mạnh nếu hít thở không đều. Đời sống nội tâm và những hoa trái thiêng liêng của một nhân viên Caritas không thể triển nở nếu không được bổ sức từ cầu nguyện.
Cầu nguyện là điểm tựa, là sức mạnh cho sự liên đới trong hoạt động bác ái xã hội. Chúng ta là những người đang sống giữa dòng đời để đem tình yêu đến cho những người nghèo khổ đang cần sự trợ giúp. Trong hành trình thực thi sứ mệnh của Giáo hội, chúng ta cũng đã nhiều lần phải đương đầu với những khó khăn, cũng đã bao lần mệt mỏi hay ngã quỵ. Trước muôn vàn thách đố đó, rất cần và rất cần lời cầu nguyện của tất cả thành viên trong Caritas qua lời Kinh quảng đại mà mỗi thành viên dâng lên Chúa mỗi ngày, qua những Thánh lễ hàng tháng do mỗi cha Giám đốc Caritas Giáo phận cử hành, qua những lần chúng ta cùng tĩnh tâm với nhau… Chính nhờ sự kết hiệp với Chúa, nhờ có ơn Chúa đỡ nâng chúng ta mới có thể đứng vững thực hiện tôn chỉ sống cho, sống với và sống cùng tha nhân đặc biệt với những người bé nhỏ, nghèo khổ. Chúng ta không thể hiệp thông với người khác nếu không có đời sống nội tâm như Mẹ Têrêsa Calcuta đã chia sẻ: “Nhờ chiêm niệm, các tâm hồn lôi kéo được các ân huệ một cách trực tiếp từ trái tim Chúa để rồi đem phân phát trong việc thực thi bác ái.”
Cầu nguyện đưa chúng ta đi vào con đường dấn thân và cam kết trong việc thi hành bác ái. Không thể dấn thân vào việc hoạt động bác ái nếu không có tâm hồn sống trong cầu nguyện… Chúng ta nên ý thức mình trở nên một với Chúa Giêsu, cũng như Ngài ý thức nên một với Cha Ngài. Hoạt động bác ái của chúng ta đích thực là sứ mệnh của Giáo hội khi chúng ta để Ngài hoạt động trong và qua chúng ta. Thật không dễ để phục vụ nếu không có được sức mạnh và ân sủng từ nơi Chúa. Không có tâm hồn sống trong cầu nguyện, không thể dấn thân được. Làm gì có sự trao ban, sẻ chia nếu như không cảm nghiệm được tình thương của Chúa đã dành cho mình. Cũng chẳng thuận lợi để gặp Chúa nơi người khác nếu như không có kinh nghiệm về gặp gỡ Chúa trong suy tư, trong chiêm niệm và cầu nguyện. Và cũng không thể xoa dịu nỗi đau của người khác nếu như không có được một sự cảm nghiệm về Chúa đã bị đau đớn, đã chịu chết cho mình thế nào.
Ngày nay, đôi lúc chúng ta quá thiên về bề nổi của hoạt động, quá chú trọng đến thành công trong công việc hơn những giây phút ở lại bên Chúa. Đây là một vấn nạn cho việc thi hành bác ái trong thời đại hôm nay khi mà con người quá chú trọng đến thành công hay lấy thành tích làm tiêu chí. Chính vì vậy, cầu nguyện phải là ưu tư hàng đầu để mỗi người chúng ta ý thức được con người của mình chỉ là yếu đuối, là hư vô, nên cần đến sức mạnh và sự đỡ nâng của Chúa. Tất cả thành công mà chúng ta có được là nhờ ơn Chúa giúp, chứ không phải do sức riêng của chúng ta vì chúng ta hoạt động với Chúa và vì vinh danh Chúa.
- Liên đới trong phục vụ
Hiện nay, dân số trên thế giới ước tính lên đến gần 8 tỷ người, nhưng có tới hơn 1/2 người nghèo, tức là khoảng 4 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khổ (The World Bank 2018) và tỉ lệ người nghèo trong các nền kinh tế giàu có đang ngày càng tăng lên. Riêng Việt Nam, trong số 97 triệu người, có 15% dân nghèo không kiếm đủ 1 USD/ngày. Đứng trước thực trạng xã hội đó, là thành viên của Caritas, chúng ta đều có trách nhiệm ít nhiều trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho nhân loại. Mỗi người chúng ta hãy cùng liên đới trong phục vụ để sống trọn vẹn cho những người nghèo khổ như Chúa Giêsu đã phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Liên đới trong phục vụ là căn bản của việc thực thi bác ái, vì đây không phải là sáng kiến riêng tư của một cá nhân hay một tổ chức nhưng là sứ mệnh mà Giáo hội đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu, là một sự tổng hoà của rất nhiều mối quan hệ có trong xã hội, bao hàm các khía cạnh hiệp nhất, cảm thông, chia sẻ và có trách nhiệm.
Cùng chung trách nhiệm trong khi thi hành bác ái, chính là yếu tố mang tính quyết định sự thành công cũng như sự phát triển bền vững của gia đình Caritas. Tinh thần trách nhiệm được biểu hiện cụ thể qua sự nhiệt thành, qua chính lối sống và trong chính việc làm của mỗi thành viên Caritas cho dù có gặp khó khăn đến đâu.
Tuy nhiên để hình thành nên một tinh thần trách nhiệm không phải là một sớm một chiều mà ai cũng có thể làm được. Chìa khoá giúp chúng ta tháo gỡ vấn đề này chính là cần một sự thay đổi lớn từ trong lối suy nghĩ của chính mình về tinh thần trách nhiệm : đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chị ngã em nâng. Em ngã chị phải nâng kỹ hơn. Tinh thần trách nhiệm cần phải có chất xúc tác, và chất xúc tác đó chính là sự cảm thông và chia sẻ trách nhiệm cho nhau. Sự cảm thông xuất phát từ con tim, chính nó tác động lên ý thức, dẫn con người tới hành động, giúp rút ngắn khoảng cách của thời gian, không gian để xích lại gần nhau, gắn bó với nhau hơn. “Không ai là một hòn đảo”. Con người phải liên kết với nhau để lớn lên trong nhau : không phải sát nhập vào nhau nhưng là đi vào sự hiệp thông với nhau trong tình liên đới. Đó cũng là trách nhiệm của từng chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô. Ngày 9/10 vừa qua ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta là chi thể của nhau. Hãy cho nhau chính Đức Kitô. Hãy cho nhau tình yêu, vì Đức Kitô là tình yêu”.
Yêu thương là biết cho đi và cũng là biết đón nhận. Trong yêu thương, trong tình liên đới chúng ta cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi, cùng chia sớt mọi nỗi vui buồn, cùng đồng cam cộng khổ với nhau để vượt qua mọi thử thách. Tình yêu thương chân chính đưa đến sự đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia để có thể lắng nghe, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ những thử thách khó khăn của họ như là của chính mình. Yêu chính là lúc :“Bạn đau khổ, tôi cũng đau khổ”. Và “Khi bạn tràn trề niềm vui thì tôi cũng vậy”.
Không thể phục vụ đích thực nếu không yêu thương và liên kết với nhau. Không thể yêu thương chân thật nếu không dám chia sẻ cho nhau những vui buồn, những lo âu và hy vọng, những thành công và thất bại, những trăn trở và thao thức của mình … để nâng đỡ và trợ lực cho nhau. Chính Chúa Giêsu cũng đã tìm đến sự cảm thông của tình bạn nơi nhà Bêtania. Ngài cũng đã tìm đến các môn đệ để chia sẻ những nỗi thống khổ của mình trong vườn cây dầu. Nhờ mọi người mà bản thân chúng ta được trợ lực để vượt qua những khó khăn trong đời, và cũng nhờ mọi người mà đời sống chúng ta được nên phong phú.
Chia sẻ, cảm thông không chỉ là điểm tựa, sự động viên, giúp đỡ khi vấp ngã, thất bại nhưng còn là nối kết nên một với nhau trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô.
Thay lời kết
Người nghèo cần nhiều chuyên viên giỏi về xã hội, tâm lý, kinh tế, chính trị, kỹ thuật, v.v., nhưng họ cũng cần những chuyên viên giỏi về Chúa. Người nghèo cần cơm áo và công bằng xã hội, nhưng họ cũng cần tình thương và nhất là cần Chúa để được giải thoát khỏi biết bao sức mạnh vô hình của sự dữ đang áp bức nội tâm. Biết bao người nghèo đang khắc khoải vì thất vọng, vì thù hận và ghen tương; họ mong ước biết tha thứ và thương yêu, biết tin tưởng để tìm lại nguồn vui của cuộc sống.
Trước thực tại đó, sứ mệnh của Giáo Hội là thực thi bác ái rất thiết thực với tình trạng của người nghèo, vì chỉ có Chúa mới có thể giải thoát tâm trí khỏi các sức mạnh vô hình và đem lại an bình cho tâm hồn và ban sức mạnh để có thể sống cách vui tươi và theo đúng phẩm giá con người ngay trong tình trạng nghèo khó. Cũng chính vì vậy, tính liên đới trong cầu nguyện và phục vụ để thi hành sứ mệnh của Giáo Hội luôn cần thiết, và không được nhìn duy chỉ như dụng cụ để giải quyết các vấn đề vật chất xã hội, nhưng còn phải bắt nguồn từ đời sống nội tâm sâu xa trong tinh thần chiêm niệm với tất cả các đòi hỏi của đời sống đó. Chỉ trong những điều kiện đó mới có thể lựa chọn ưu tiên người nghèo theo tinh thần và đường hướng của Giáo Hội. (Evangelii Nuntiandi, số 30-38).
Đức Giám Mục Tôma Vũ Đình Hiệu
Chủ Tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam
CARITAS VIỆT NAM: KHAI MẠC HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN 2019
Không khí trong ngày thứ hai tại khuôn viên Toà Giám Mục (TGM) Nha Trang trở nên nhộn nhip và ấm cúng, vì sự thân thiện và có mặt đông đủ của các thành viên Caritas và các vị khách mời của Hội nghị.
Sau giờ điểm tâm sáng là phần thánh lễ Khai mạc Hội nghị do Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu chủ tế.
Chia sẻ của Đức cha trong bài giảng về đoạn Tin Mừng theo Thánh Matheu chương 25 - cuộc Phán Xét Cuối Cùng là Chúa Giêsu chẳng quan tâm đến việc chúng ta thành công hay không, chúng ta có bao nhiêu của cải, nhà lầu xe hơi… nhưng Ngài phán xét chúng ta dựa trên công việc bác ái chúng ta đã làm hay còn thiếu xót với những người nghèo khó. Chỉ khi chúng ta quan tâm phục vụ, đón tiếp những người nghèo khổ, chúng ta mới được Chúa chúc phúc và ban thưởng xứng đáng.
Thánh Lễ Khai mạc Hội Nghị Thường Niên Năm 2019 là để xin ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ tình yêu của Ngài xuống trên những ngày Hội nghị và xin ơn biến đổi những thành viên Caritas để luôn biết quan tâm và phục vụ những người kém may mắn. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thúc đẩy, canh tân và làm cho chúng ta trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
Sau thánh lễ, các đại biểu bước vào Hội trường của TGM để tham dự phần khai mạc Hội nghị. Tham dự buổi khai mạc hôm nay, Caritas Việt Nam hân hạnh có sự hiện diện của Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Chính toà Giáo phận Nha Trang; Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam; các Cha trong Giáo phận Nha Trang; các Cha Giám đốc, phó Giám đốc và các đại biểu của các Caritas Giáo phận; cùng các vị khách mời.
Đúng 9g00 ngày 23 tháng 10 năm 2019, Hội Nghị Thường Niên Năm 2019 đã được khai mạc. Sau phần giới thiệu và chào mừng của cha Vinh sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, Đức Cha Tôma - Chủ tịch UBBAXH -Caritas Việt Nam, đọc diễn văn Khai mạc Hội nghị Caritas Việt Nam Năm 2019 với chủ đề: “Liên Đới Trong Cầu Nguyện Và Phục Vụ”.
Trong phần mở đầu, Đức Cha Tôma trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Trong một thế giới kỹ nghệ cao, kinh tế phát triển như hiện nay, có thể nói con người không thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng chỉ thiếu tình liên đới”. Vì thế, Liên đới phải trở thành đức tính và bổn phận của mỗi tín hữu. Sau đó, Đức cha đã lần lượt triển khai hai khía cạnh. Thứ nhất là Liên đới trong cầu nguyện. Trong phần này, Đức cha nhấn mạnh một người thực thi công việc bác ái phải được thấm nhuần bởi một tinh thần cầu nguyện, bằng ánh sáng của Lời Chúa. Ngài nói: “Nếu chúng ta không trung thành sống cầu nguyện hàng ngày thì hành động bác ái của chúng ta sẽ trở thành trống rỗng vô hồn. Cầu nguyện đưa chúng ta đi vào con đường dấn thân và cam kết trong việc thi hành bác ái.” Thứ hai là Liên đới trong phục vụ. Đây là sứ mệnh mà Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu chứ không phải sáng kiến của riêng ai hay một tổ chức nào đó. Nó là một sự tổng hoà của rất nhiều mối quan hệ có trong xã hội, bao hàm các khía cạnh hiệp nhất, cảm thông, chia sẻ và có trách nhiệm. Phần kết, Đức cha mời gọi các thành viên Caritas hãy là những chuyên viên giỏi về Chúa vì xã hội có thể cần những chuyên viên về xã hội, kinh tế, kỹ thuật…để giúp những người nghèo khổ có được miếng cơm manh áo nhưng người nghèo cần lắm những chuyên viên giỏi về Chúa, những người có tấm lòng biết ủi an, biết xoa dịu và nâng đỡ họ, giúp họ thoát khỏi biết bao sức mạnh vô hình của sự dữ đang áp bức nội tâm.
Tiếp theo, Cha Giám đốc Vinh Sơn báo cáo tóm lược các hoạt động của Caritas Việt Nam cũng như hoạt động Caritas 27 Giáo phận trong năm 2019.
Sau giờ giải lao là phần chào đón các vị khách mời và các vị chính quyền. Đức cha Giuse Võ Đức Minh có bài phát biểu. Ngài nhắn gởi đến Hội nghị những tâm tình quý báu dựa trên thông điệp của các Đức Giáo Hoàng “hãy trở nên những người công dân tốt, hãy hãnh diện vì mính là người công giáo, hãy yêu thương và phục vụ đất nước. Hãy quan tâm phục vụ người nghèo”. Giáo Hội Việt Nam luôn đi theo đường hướng của Giáo Hội Hoàn Vũ, nên trong thư mục vụ của HĐGM.VN năm 1980: “Hội Thánh sống phúc âm giữa lòng dân tộc.” Vì thế, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam luôn đem tinh thần đạo để phục anh chị em đồng bào của mình.
Tiếp đến là phần chúc mừng của Ban tôn giáo Chính phủ. Dẫn đoàn ông Vũ Chiến Thắng - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Minh Khánh - Vụ trưởng Vụ Công giáo; và ông Nguyễn Hữu Dinh, Trưởng ban Tôn giáo – Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hoà.
Ông Vũ Chiến Thắng đại diện Chính quyền bày tỏ niềm vui và chúc mừng thành công Hội Nghị bằng lẵng hoa. Trong bài phát biểu, ông nhìn nhận và đánh giá cao tinh thần hợp tác và hoà hợp giữa Toà Thánh, Giáo Hội Việt Nam và chính phủ Việt Nam.
Sau đó, toàn thể Hội nghị, quý khách mời và phái đoàn Chính quyền đã cùng dùng bữa trưa thân mật tại phòng tiệc TGM Nha Trang.
Buổi chiều
Điểm nhấn trong buổi chiều của ngày Khai mạc Hội nghị là ba bài chia sẻ. Đề tài thứ nhất là “Liên Đới Trong Cầu Nguyện” do Đức ông Giuse Nguyễn Thế Thoại. Đức ông đã khơi gợi lên đặc tính liên đới giữa con người với nhau. Và điều cần nhất để liên đới với nhau, chúng ta phải có cái nhìn bằng cặp mắt của Chúa để chúng ta có cái nhìn nhân từ, công bằng và yêu thương. Vì thế sự liên đới giữa cầu nguyện và phục vụ không thể tách rời nhau.
Đề tài thứ hai là “Đời Thánh Hiến và Sứ Mạng Phục Vụ” do Linh mục Giuse Trần Hoà Hưng, SDB trình bày. Trong phần này, Cha Giuse đã trình bày mối tương giao giữa sứ mạng phục vụ và người tu sĩ. Người được thánh hiến là người của Thiên Chúa, khao khát tìm kiếm Thiên Chúa và gắn bó mật thiết với Ngài. Như vậy họ phải là chứng nhân của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Vì vậy, họ phải hết lòng yêu mến tha nhân và thể hiện tình yêu ấy qua việc phục vụ cụ thể. Phục vụ bằng tinh thần trách nhiệm và vui tươi, tinh thần từ bỏ. Cha cũng nhấn mạnh đến tác động của sứ mạng phục vụ trên đời sống thánh hiến. “Khi sứ mạng phục vụ được đặt vào vị trí trung tâm của đời thánh hiến, nó sẽ tác động sâu xa đến linh đạo, đời sống cộng đoàn, việc đào tạo và ngay cả đến cơ cấu của Hội Dòng.”
Sau cùng Linh mục Phêrô Trần Huy Hoàng, Giám đốc Caritas Giáo phận Nha Trang chia sẻ về “Mục Vụ Y Tế : Phòng khám Mẫu Tâm”. Đây là con đường mục vụ mà Giáo phận Nha Trang đã đặt nền cho công việc bác ái mà Giáo Hội đã kêu gọi ra đi đến với những người nghèo khổ, để người nghèo được phục vụ xứng đáng. Từ một mảnh đất bỏ trống, được trao lại cho Giáo phận Nha Trang, Giáo phận đã xây lên để làm phòng khám phục vụ cho những người nghèo khó. Phòng khám Y tế có khoa tổng quát, có phòng xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh và chữa trị. Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám và chữa trị do đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và các nữ tu đảm nhiệm. (xem toàn bài phần cuối)
Xen kẽ trong các giờ chia sẻ còn có các tiết mục văn nghệ của Linh mục Gioan B. Nguyễn Tấn Sang, Giám đốc Caritas Giáo Phận Mỹ Tho và tiết mục múa, hoà tấu do các em khuyết tật thuộc Mái ấm của Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang biểu diễn.
Sau giờ giải lao Hội nghị bước vào phần bầu ra ba vị đại diện của ba Giáo tỉnh. Hội nghị cũng dành thời gian còn lại trong ngày để thảo luận trước khi khép lại ngày Khai Mạc Hội Nghị vào lúc 17g00.
GIÁO PHẬN NHA TRANG: HOẠT ĐỘNG
PHÒNG KHÁM TỪ THIỆN “MẪU TÂM”
1- Nhìn vào bản đồ Việt Nam, Nha Trang, tỉnh Khánh hòa là một thành phố dọc theo bờ biển tuyệt đẹp. Phần lớn mọi người nghĩ rằng giáo phận Nha Trang bao gồm nhiều nhà thờ dọc theo bờ biển, hoặc dọc theo đường quốc lộ. Thế nhưng thực tế là, giáo phận Nha Trang không chỉ có các nhà thờ ven biển hoặc trên đường quốc lộ, mà còn có nhiều cộng đồng tín hữu, nhiều nhà nguyện, nhà thờ ở các vùng núi xa xôi. Theo Danh mục Giáo phận năm 2016, giáo phận thống kê được 32 sắc tộc đang sinh sống trong địa hạt giáo phận Nha Trang, nhiều sắc tộc hơn các giáo phận khác, ngay cả các sắc tộc cư trú trên vùng cao nguyên.
2- Giáo phận Nha Trang bao gồm hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2018, giáo phận Nha Trang có 221.000 người Công Giáo, chiếm 11,8 phần trăm dân số trong hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Giáo phận hiện có 9 giáo hạt và 111 giáo xứ, 211 linh mục giáo phận, 63 linh mục dòng và 895 tu sĩ nam nữ.
Vì vậy, một trong những mục tiêu mục vụ mà giáo phận Nha Trang đã đề ra là đến với người nghèo. Chính là định hướng mà Tòa Thánh gợi ra cho chương trình mục vụ của giáo phận Nha Trang, khởi đi từ lời kêu gọi của Giáo hội trong Năm Lòng Thương Xót 2015- 2016. Mục tiêu đó được thực hiện thông qua các tất cả hoạt động của Giáo phận, trong đó có hoạt động của Ban Caritas Nha Trang, đặc trách về bác ái xã hội, dưới sự hướng dẫn của Giám mục giáo phận : nhằm mục đích phát triển con người toàn diện bao gồm : giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đồng hành với người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, và mở rộng các hoạt động cho tất cả mọi người không phân biệt Lương Giáo.
Là một tỉnh của miền trung, Nha Trang Khánh Hòa là nơi bão lụt thường xảy ra trong năm, có khi tới 2,3 lần. Caritas luôn phải ứng phó giúp các nạn nhân, chăm sóc các gia đình HIV, giúp con cái của các gia đình nghèo có học bổng để được đến trường. Hàng tháng Caritas Giáo phận còn giúp 800 gia đình nghèo gồm hai tỉnh, Ninh Thuận và Khánh Hòa thuộc địa bàn của Giáo phận, về lương thực và nhu cầu khác cho cuộc sống.
3- Tuy nhiên, qua tất cả các hoạt động, Giáo phận Nha Trang nhận thấy mục vụ y tế là con đường phục vụ hữu hiệu cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo, bất kể là Công giáo hay không Công giáo. Trong khi các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam nói chung và tại Nha Trang nói riêng không được như ở các nước láng giềng Châu Á. Chất lượng các dịch vụ y tế quá khác biệt giữa thành phố và nông thôn. Người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là người nghèo, người già cũng như trẻ em, đã phải chịu nhiều thiếu thốn vì điều kiện sống và tình trạng hiện nay.
4- Để làm chứng cho Tin mừng của Thiên Chúa, giáo phận Nha Trang đã xây dựng một Trạm xá từ thiện tại thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, ngoại ô thành phố Nha Trang, cách trung tâm thành phố 7 km. Vị trí của trạm xá nằm trong địa bàn của Giáo giáo xứ Bình Cang, giáo phận Nha Trang, gần Nhà Mẹ của Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, là Hội Dòng của Giáo Phận, cũng chính Hội Dòng này đã cung cấp cho Trạm xá các nữ tu bác sĩ, dược sĩ, y tá, …phục vụ bệnh nhân.
Mảnh đất và trường học cũ được giao lại cho Giáo Phận Nha Trang
Ngày 20 tháng 10 năm 2018, trạm xá từ thiện đã được khai trương. Đây là kết quả đạt được sau nhiều năm đối thoại giữa chính quyền địa phương và giám mục, linh mục của Giáo phận Nha Trang. Đây cũng là công trình mà Giáo phận thực hiện từ các nguồn lực hoàn toàn nội bộ bằng sự đóng góp của Đức Giám mục, các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Phòng khám được đặt tên là Mẫu Tâm, trái tim của người mẹ, trái tim của Mẹ Maria an ủi mọi người đau khổ.
Mô hình theo bản vè ban đầu
5-Hiện nay, Trạm xá có 2 bác sĩ y khoa, 2 bác sĩ y học cổ truyền, 3 dược sĩ, 18 y sĩ, điều dưỡng. (nếu tính luôn các nữ tu đang được đào tạo, có đến hơn 30 người) Hầu hết là các Nữ tu của Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ. Ngoài ra, cũng có nhiều bác sĩ Công giáo muốn phục vụ từ thiện cho Trạm xá.
Phòng khám có 2 tầng dành cho việc khám và chữa bệnh, các thiết bị y tế hiện nay, bao gồm :
- Phòng dược và bào chế GPP
- Khoa chẩn đoán hình ảnh
- Máy X quang
- Máy siêu âm màu
- Máy đo điện tim
- Máy đo điện não
- Máy đo loãng xương -
- Khoa xét nghiệm máu
- Khoa Y Học Cổ Truyền
- Khoa Vật lý trị liệu
6- Kể từ ngày khai mạc, 20 tháng 10 năm 2018, mỗi ngày đều có hơn 120 bệnh nhân được phục vụ, nhận thuốc và điều trị tại phòng khám. Nhiều cộng đồng và giáo xứ ở vùng sâu vùng xa thường tổ chức cho những người già và người bệnh, không phân biệt tôn giáo, đến để khám bệnh và nhận thuốc.
Chính quyền địa phương rất hãnh diện vì có một phòng khám trong địa bàn, nơi mà mọi người đều nhận được thái độ ân cần chào đón của các nữ tu chuyên môn, được tiếp cận và chẩn đoán bởi các thiết bị y tế tiên tiến.
Một buổi khám bệnh và nhận thuốc
Với phương châm phục vụ người nghèo, có những người được miễn phí hoàn toàn, những người có thu nhập thấp chỉ trả một số tiền mua thuốc giá gốc được Hội Đồng quản trị chứng nhận, số tiền thu được dùng để duy trì các thiết bị y tế hiện có.
7- Hội đồng Quản Trị: trách nhiệm duy trì hoạt động của Trạm xá:
• Giám đốc: Linh Mục P. Trần Huy Hoàng, Giám đốc Caritas Nha Trang
• Đặc trách phòng khám : Linh mục Antôn Nguyễn Công Nam, Linh mục Quản xứ Giáo xứ Bình Cang.
Đặc trách chuyên môn: Nữ tu Đoàn Thị Thu Hồng, Bác sĩ y khoa
• Ban tư vấn: Nữ tu Nguyễn Thị Bích Hòa, Tổng Phụ trách Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ và Linh mục Antôn Nguyễn Công Nam, Linh mục Quản xứ Giáo xứ Bình Cang.
8- Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại Diện Đức Thánh Cha Phanxico. Đặc biệt là chuyến thăm mục vụ đến giáo phận Nha Trang của Ngài vào ngày 14-12-2018, Ngài đã xin thông tin về Phòng khám và chúng tôi rất vui và thật ngạc nhiên khi trở về Singapore Ngài gửi email ngày 15 tháng 2 năm 2019 cho Đức Giám Mục Giáo Phận, cho biết rằng Ngài đã liên lạc và gặp gỡ Vị chủ tịch và các thành viên của Hiệp hội Y tế Công giáo Thế giới. Liền sau đó, ngày 17- 2- 2019, Đức Cha Nha Trang đã nhận được email của Bác sĩ John Lee, Vị chủ Tịch, đề cập đến sự hỗ trợ hầu giúp cho phòng khám hoạt động hiệu quả. Được phép Đức Cha chia sẻ qua các email nhận được và sau khi thảo luận với Hội đồng quản trị và Ban tư vấn, chúng tôi đề xuất ba nhu cầu để phòng khám từ thiện Mẫu Tâm được hoạt động hiệu quả, hầu đem tình yêu của Chúa cho người nghèo và những anh chị em đau khổ vì bệnh tật. Ba nhu cầu đặt ra cho hoạt động liên tục của Trạm xá.
1- Đào tạo nhân viên y tế : Cần có nguồn tài chính để có những ứng viên được đào tạo bác sĩ, y tá hoặc các lĩnh vực y tế chuyên môn; Cần có nguồn tài chính hỗ trợ cho các bác sĩ theo các khóa tu nghiệp hàng năm để mở rộng kiến thức y tế.
2- Trang bị thiết bị y tế: Cần có nguồn tài chính để trang bị thêm các thiết bị y tế, hoặc được giúp các thiết bị y tế, cho việc khám bệnh, chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.
3- Bảo hiểm y tế : Cần có nguồn tài chính để phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người nghèo vì phần lớn người nghèo không có bảo hiểm y tế. Cần có nguồn tài chính để trả thù lao, bảo hiểm cho các bác sĩ, y tá và những người phục vụ.
Qua một năm hoạt động nhận thấy rằng :
- Trạm xá Mẫu Tâm của Giáo Phận Nha Trang là một cơ sở y tế giúp cho người nghèo, không phân biệt lương giáo, được chữa trị để xoa dịu nỗi đau của người bệnh như các sứ điệp ngày Quốc Tế Bệnh Nhân mà Giáo Hội hằng quan tâm.
- Việc hoạt động của Phòng khám còn là cơ hội để các Dòng Nữ phục vụ lẫn nhau. (có những Hội Dòng sắp xếp một ngày để được khám, xét nghiệm và theo dõi sức khỏe)
- Để Giáo xứ gặp gỡ Dòng Tu, các Linh mục Triều cũng như Dòng tiếp xúc đối thoại làm việc chung với các Dòng Nữ.
Như đã nói trên, nhiều cộng đồng và giáo xứ ở vùng sâu vùng xa thường tổ chức cho những người già và người bệnh, không phân biệt tôn giáo, đến để khám bệnh và nhận thuốc.
Mỗi năm vào các dip thường huấn hoặc tĩnh tâm, tất cả các linh mục của Giáo Phận được xét nghiệm, chẩn đoán, khám bệnh, tư vấn và uống thuốc… hầu có sức khỏe phục vụ lâu dài.
- Để việc đối thoại với Chính Quyền có hiệu quả hơn. Toàn bộ cán bộ xã Vĩnh Trung chọn Phòng Khám là nơi khám bệnh định kỳ hàng hàng năm.
- Các Y Bác Sĩ có nơi để phục vụ từ thiện
- Để người lương tiếp xúc với người công giáo.
- Để các cụ cán bộ về hưu, xưa nay vẫn chưa hiểu được Đạo Công Giáo, nay thấy được Đạo qua việc làm.
Và quả thực, đây là mục vụ y tế. Như Đức Thánh Cha Benedicto nói trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu: “Một ki tô hữu biết lúc nào phải nói về Thiên Chúa, và lúc nào không nói gì thì tốt hơn và để cho một mình tình yêu cất tiếng. Thiên Chúa là Tình yêu, và sự hiện diện của Thiên Chúa được cảm nghiệm qua những con người phục vụ, chính là lúc chúng ta làm là vì Yêu Thương”. (x, TCLTY 31b).
Chuyến viếng tham mục vụ của Đức TGM Marek Zalewski Đại Diện Tòa Thánh