Đứng bên thập giá Chúa, Mẹ là “ Nữ vương các Thánh Tử đạo “,
mở đường cho các thế hệ làm chứng cho Chúa.
Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,
Thật hạnh phúc cho chúng ta được hiện diện tại linh địa La Vang dịp bế mạc Năm thánh mừng 30 năm Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam. Các bài đọc Lời Chúa trong Thánh lễ hướng tâm hồn chúng ta đến mầu nhiệm Đức Mẹ Sầu Bi, để nhờ việc chiêm ngắm đời sống chứng tá của Mẹ, chúng ta thêm phần xác tín về tiếng “ Xin Vâng “ lịch sử mà Mẹ đã thưa với Thiên Chúa, đưa Mẹ đi vào cuộc hành trình đức tin; và nhờ đó, để thấy Mẹ đứng vững bên thập giá của Chúa; nêu gương và mở đường cho các thế hệ môn đệ trung kiên làm chứng cho thập giá cứu độ; trong số đó, có các Thánh Tử đạo Việt Nam là những bậc Tổ tiên của chúng ta. Vì thế, khi kính nhớ mầu nhiệm Đức Mẹ sầu bi, nhờ Lời Chúa và trong bầu khí kính nhớ, tri ân các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta càng thêm hảnh diện về triều thiên vinh quang “ Nữ vương các Thánh Tử đạo “ mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ của chúng ta.
- Tiếng “ Xin vâng “ đưa Mẹ đi vào cuộc hành trình đức tin của mầu nhiệm thập giá.
Từ giây phút truyền tin, cùng với lời chào của sứ thần Gabriel : “ Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà “ , Mẹ đã nghe rõ sứ điệp mà Thiên Chúa nhờ sứ thần loan báo cho Mẹ : “ Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao….Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa “. Những lời đó càng làm cho Mẹ thêm phần xao xuyến và bối rối; Mẹ tự hỏi những lời như vậy có nghĩa gì ?! Chính trong bầu khí thánh thiêng và trọng đại như thế, nhờ nền giáo dục trong gia đình theo truyền thống đạo đức tốt đẹp từ ngàn đời của dân Chúa, thêm vào đó, với bản chất của Mẹ là “ trinh nữ lắng nghe và suy niệm Lời Chúa “, nên Mẹ nhận ra ngay Mẹ được Thiên Chúa chọn để cưu mang Đấng muôn dân trông đợi, Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa cho các bậc Tổ tiên và dân Chúa; đó là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng mà ngôn sứ Isaia đã công bố với danh hiệu là “ người tôi tớ của Thiên Chúa … ánh sáng rạng soi muôn dân “ và sứ mạng của Ngài là sứ mạng của “ người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa “. Rồi, không ngần ngại, Mẹ đã hướng lòng về cùng Thiên Chúa và thưa : “ Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Tôi xin vâng. Xin Thiên Chúa thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói “. Kể từ giờ đó, cùng với tiếng “ Xin vâng “ rất trong sáng của người nữ tỳ hèn mọn trung kiên của Thiên Chúa, Mẹ đi vào con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra và định sẳn để đem lại ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người : con đường đức tin của mầu nhiệm thập giá. Mẹ đã sinh hạ Chúa trong hang lừa máng cỏ ; Mẹ đã dâng Chúa trong Đền thờ để được nghe lời ngôn sứ của cụ già Simêon : “ Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà “ ; Mẹ phải vất vả trong cuộc hành trình sang Ai cập ; Mẹ phải hốt hoảng, cực lòng khi lạc mất Chúa trong Đền thờ ; nhất là khi đồng hành với Chúa trên con đường khổ nạn, Mẹ chứng kiến cảnh Chúa bị sỉ nhục, bị đóng đinh và chết đau thương trên thập giá; Mẹ đã cùng với các môn đệ tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá và an táng Chúa trong mồ… Tiếng “ Xin vâng “ thật sự đưa Mẹ đi vào con đường của mầu nhiệm thập giá.
- Mẹ đứng vững bên thập giá của Chúa, nêu gương và mở đường cho các thế hệ môn đệ trung kiên làm chứng cho thập giá cứu độ.
Đứng bên thập giá Chúa, Mẹ đối diện trực tiếp với cuộc khổ nạn của Chúa, trong khi người môn đệ lại đứng bên cạnh Mẹ. Qua hình ảnh nầy, Thánh Gioan như muốn cho chúng ta hiểu con đường thập giá mà đỉnh cao là cái chết đau thương và nhục nhả của Chúa là một thử thách vượt quá sức chịu đựng tự nhiên của con người. Sở dĩ Mẹ Maria đứng vững, vì Mẹ đã thưa tiếng Xin vâng và xác tín đó là thánh ý của Thiên Chúa; nhờ đó, Mẹ đã trung kiên đến cùng; còn người môn đệ, nếu tựa vào sức riêng của mình, thì sẽ như Phêrô và các người khác, không đủ sức đối diện trực tiếp với cuộc khổ nạn. May sao có người môn đệ Chúa yêu quý, khiêm tốn nép mình bên tà áo của Mẹ, đứng dưới bóng của Mẹ và nhờ Mẹ, mà thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa. Như vậy, theo tinh thần của bài Phúc âm và kinh nghiệm của Hội thánh trong dòng lịch sử, chính Mẹ đã nêu gương và mở đường cho các thế hệ môn đệ trung kiên làm chứng cho thập giá cứu độ của Chúa.
Trải dài bề dày lịch sử trên 400 năm, Tin mừng của Chúa đã được loan báo trên Quê hương Việt Nam yêu quý. Thập giá cứu độ của Chúa trở nên dấu chỉ hữu hình cho các tín hữu tại các vùng đất Bắc-Trung-Nam của Tổ quốc Việt Nam. Theo sử liệu, trên 130.000 tín hữu của Chúa là các Bậc Tổ tiên, Cha Ông của chúng ta đã hy sinh vì chính đạo. Trong số đó, 117 vị đã được Hội thánh tuyên phong là Hiển thánh và 1 vị là Á thánh. Làm sao chúng ta quên được ngày diễm phúc của Giáo hội Việt Nam, ngày 19 tháng 6 năm 1988, ba mươi năm về trước, khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, đã tôn vinh các Ngài lên đài vinh quang trong hàng ngủ các Thánh. Hôm đó, trong bài giảng lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng đã ban lời nhắn nhủ: ‘’ Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu các Thánh Tử đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của Cha Ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin nầy là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với Quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô ‘’.
Và kể từ ngày lịch sử đó, tại các Nhà thờ, Nhà nguyện và trong tâm hồn của mọi tín hữu Công giáo Việt Nam, đã vang lên lời kinh thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với các Bậc Tổ tiên Tử đạo, đồng thời hàm chứa ý nguyện cầu cho Tổ quốc Dân tộc của mình được thái bình thịnh vượng ; vì máu các Thánh Tử đạo đổ ra, không phải chỉ để trổ sinh các tín hữu của Chúa, mà còn liên lỉ khẩn cầu cùng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, khấng ban muôn phúc lộc trên Quê hương Dân tộc yêu quý của mình.
- Mẹ được tôn vinh và lãnh nhận triều thiên “ Nữ vương các Thánh Tử đạo “.
Hôm nay, tại linh địa La Vang lịch sử nầy, trong dịp hành hương về bên Mẹ để khép lại Năm thánh tôn vinh, tưởng niệm và tri ân các bậc Tổ tiên tử đạo, chúng ta tưởng nhớ lại cuộc hành trình của các thế hệ tổ tiên tiền bối, đón nhận đức tin công giáo, trở nên môn đệ của Chúa, hiên ngang đi vào con đường của mầu nhiệm thập giá mà Mẹ đã đi : “ Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo “ (Mc. 8, 34). Vì thế, Thập giá là dấu chỉ người môn đệ đích thực của Chúa và đường thập giá chính là đường Mẹ đã nêu gương và mở ra cho tất cả những ai chọn Chúa và muốn làm môn đệ của Chúa.
Như vậy, Mẹ thật xứng đáng lãnh nhận triều thiên và tước hiệu là “ Nữ vương các Thánh Tử đạo “. Cùng với Mẹ, học với Mẹ để sống trọn vẹn tiếng Xin vâng, noi gương các bậc Tổ tiên đã anh dũng đi trọn cuộc hành trình đức tin, chúng ta nguyện sẽ làm rạng rở dòng máu anh hùng Tử đạo, vì “Máu các Vị Tử Đạo là hạt giống từ đó nẩy sinh nhiều tín hữu Kitô”.
Câu nói lừng danh này của Tertulianô năm xưa có giá trị trước tiên đối với dòng Máu của Chúa Giêsu, Đấng, vì yêu thương, đã đổ ra trên Thập Giá để khơi nguồn ân sủng của Thiên Chúa cho mọi người. Câu nói nầy cũng khiến chúng ta nhìn vào đời sống của Mẹ và hảnh diện tung hô Mẹ là “ Nữ vương các Thánh Tử đạo. Lời kinh mà cả Giáo hội chúng ta đọc mỗi ngày để tưởng niệm, tôn kính và tri ân các bậc Tổ tiên Tử đạo Việt Nam phải trở nên ánh sáng soi dẫn cho cuộc hành trình đức tin của chúng ta là hậu duệ, là con cháu của các ngài; để không những chúng ta trung thành với con đường thập giá, mà còn thêm xác tín tiếng xin vâng khiêm tốn và kỳ diệu của Mẹ cũng như của các bậc Tổ tiên tử đạo thật sự mở ra kho tàng ân sủng và phúc lộc của Thiên Chúa, không những cho cho Giáo hội Việt Nam, mà còn cho đồng bào Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta. Amen.
Giuse Võ Đức Minh
Giám Mục Giáo Phận Nha Trang