Anh chị em thân mến,
Anh chị em có thể là tín hữu đang sống trong tình trạng “ly dị tái hôn”, được hiểu là đã kết hôn thành sự theo Giáo luật, nhưng đã ly dị và kết hôn mới, hoặc đã sống như vợ chồng với người khác. Hành vi này được coi là vi phạm trầm trọng đến luật Chúa, chiếu theo Lời Chúa Giêsu dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” và Ngài cũng dạy: “Ai rẫy vợ mà cưới người vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai bỏ chồng để lấy người khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (x. Mc 10, 2-11).
Hoặc anh chị em có thể là tín hữu đang ở trong tình trạng kết hôn “bất hợp luật”, được hiểu là anh chị chưa có kết hôn thành sự theo Giáo luật, mà chỉ có kết hôn dân sự, hoặc sống chung như vợ chồng. Hành vi này được coi là vi phạm nghiêm trọng luật Giáo Hội, chiếu theo luật về thể thức kết hôn (x. đ. 1108).
Cả hai tình trạng sống đó, ở Việt Nam, đều thường được gọi là sống “rối hôn phối”. Tuy mức độ tội có khác nhau, do vi phạm luật Chúa thì tội nặng hơn vi phạm luật Giáo Hội, nhưng đã thường bị chế tài giống như nhau: Không được lãnh nhận Bí tích Giải tội và Thánh Thể; không được lãnh Bí tích Xức dầu nếu không có dấu hiệu ăn năn thống hối khi nguy tử.
Là một linh mục, tôi có ý hướng dẫn anh chị em như là như một người “bạn đồng hành”, giúp anh chị em tự “biện phân” về tình trạng của mình, để có thể sống đạo tốt hơn, và có thể lãnh nhận các Bí tích theo như hướng dẫn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Familiaris Consortio, năm 1981, và của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Tình Yêu), năm 2016.
1- Bị đánh giá về đạo đức luân lý và hệ quả
Theo quan điểm thông thường lâu nay, bạn được coi là đang “ngoan cố sống trong tội trọng”, bị coi là mất mọi ơn thánh hóa, và đôi khi được coi là “bị dứt phép thông công”. Vì vậy, bạn không được phép đón nhận các Bí tích Giải tội, Thánh Thể... Một số nhỏ khác lại bị từ chối khi xin cho con cái được Rửa tội.
Do vậy, về phần bạn, bạn có thể rơi vào những tâm trạng tiêu cực như sau:
- Mặc cảm tội lỗi, thấy mình bị khinh khi, sống tách lìa khỏi sinh hoạt cộng đoàn dân Chúa, tách lìa khỏi Giáo Hội.
- Chán nản, thất vọng, không màng tới việc giữ đạo nữa; bỏ việc tham dự Thánh Lễ, đọc kinh cầu nguyện.
- Cho rằng đi Lễ mà không được rước Lễ thì không được lợi ích gì, nên ít khi đi tham dự Thánh Lễ.
- Mất tin tưởng nơi Chúa hoặc Giáo Hội, có thể đi đến phê bình chỉ trích Giáo Hội...
“Đây là một đại họa”, “không thể bỏ mặc”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh giác như vậy, và ngài đã chỉ dẫn các mục tử:
Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được Rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh (Familiaris Consortio, 84).
Cũng với tâm thức như vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cải tổ thủ tục Tòa án hôn phối với Tông thư Mitis Iudex, năm 2015, và dành cả chương VIII Tông huấn Amoris Laetitia, năm 2016, để giúp các bạn được sống hiệp thông với cộng đoàn Giáo Hội.
2- Tội bạn có thể là “nặng” nhưng cũng có thể là “nhẹ”
Đang sống “rối hôn phối”, nghĩa là, đang sống và sinh hoạt vợ chồng nghịch lại với Giáo luật, nghịch điều răn thứ sáu. Tuy nhiên, không phải tất cả tín hữu rối hôn phối đều là những người ngoan cố trong tội nặng, như vẫn thường quan niệm trước đây. Bạn có thể nằm một trong các trường hợp sau:
- Đã mắc tội nặng và cứ ngoan cố sống trong tội nặng;
- Đã mắc tội nặng nhưng đã ăn năn thống hối và không còn ngoan cố sống trong tội nặng;
- Đã có thể chỉ mắc tội “nhẹ”.
2.1. Phân biệt tội nặng, tội nhẹ
Chúng ta cần phân biệt với điều kiện nào thì mắc tội nặng và với điều kiện nào thì mắc tội nhẹ một cách rõ ràng hơn.
Giáo lý căn bản được học khi mới xưng tội rước Lễ lần đầu dạy: Ta mắc tội nặng khi cố tình vi phạm một điều luật nặng và đã hiểu biết tỏ tường. Vậy, để xét mình xem có tội nặng hay không, thì bạn hãy xem mình có hiểu biết và cố tình vi phạm một điều luật nặng hay không.
- Sự “hiểu biết” này tức là sự “nhận thức” của mình về hành vi phạm tội. Nhận thức được một điều nào đó cũng có nhiều mức độ, từ rõ ràng đến lờ mờ hay không biết, hoặc cũng có thể hiểu biết một cách sai lầm. Sự khiếm khuyết về nhận thức khiến cho hành vi phạm tội, không còn nặng, vì hành vi nhân linh lúc đó bị khiếm khuyết.
- Sự “cố tình” xuất phát ý muốn tự do trong việc chọn lựa làm điều gì đó. Tuy nhiên, ý muốn tự do hoàn toàn cũng có thể bị suy giảm hay khiếm khuyết một cách trực tiếp bởi: 1- Đam mê, dục vọng, 2- Sợ hãi, cưỡng ép. Ý chí tự do có thể bị khiếm khuyết một cách gián tiếp do tính khí, di truyền, tập quán. Sự khiếm khuyết về ý muốn tự do làm cho hành vi nhân linh bị khiếm khuyết, do đó, khiến tội không còn nặng.
Như vậy, trách nhiệm tội phạm là nặng hay nhẹ thì tùy vào sự nhận thức và ý muốn tự do. Điều này cũng có nghĩa tội là nặng hay nhẹ tùy thuộc vào sự phân định chủ quan hay lương tâm của phạm nhân.
Tuy nhiên, Giáo Hội, trong nhiệm vụ cai quản, một số tội gây ảnh hưởng đến cộng đoàn thì được xét định tội theo hành vi bên ngoài, để quy định những hình thức chế tài, để giữ kỷ luật tự hay để tránh cớ vấp phạm trong Giáo Hội. Theo ý hướng này, tội ly dị tái hôn hay sống rối hôn phối, có thể bị không cho đón nhận Bí tích Thánh Thể (x. Familiaris Consortio, 84; Tuyên Bố năm 2000).
2.2. Có thể bạn chỉ mắc tội nhẹ chủ quan
Sự phân biệt rõ hơn ở đây sẽ giúp bạn nhận ra mình đang còn mắc tội nặng hay nhẹ, dưới khía cạnh lương tâm chủ quan của bạn.
Tội nặng (grave sin) cũng là tội chết (mortal sin)
Một số nhà thần học cũng như một số nghị phụ trong Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1984 đề nghị phân biệt tội chết, tội nặng và tội nhẹ. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II không chấp nhận sự phân biệt này. Trong Tông Huấn về Hòa Giải và Sám Hối, số 17 (Reconciliatio et Paenitentia), ban hành năm 1984, ngài nói:
Trong khóa họp Thượng hội đồng, một vài nghị phụ đã đề nghị phân biệt tội thành ba loại theo thứ tự là tội nhẹ, tội nặng và tội chết. Sự phân biệt ba loại như vậy có thể cho thấy rằng có một cấp độ nghiêm trọng giữa những tội nặng, nhưng một điều vẫn đúng là sự phân biệt chính yếu và tất định vẫn là giữa tội phá hủy đức ái và tội không hủy diệt đời sống siêu nhiên: không có cái gì khác nằm giữa sự sống và sự chết.
Cũng trong Tông huấn này, ngài đã đồng hóa tội nặng (grave sin) với tội chết (mortal sin) với giáo huấn như sau:
Vậy nếu nhìn vào chất thể của tội, vào ý tưởng của sự chết, của sự đoạn tuyệt với Thiên Chúa, Đấng thiện hảo tối cao, của sự gián đoạn hành trình hướng về Ngài (tất cả những cách thức định nghĩa tội chết), được nối liền với ý tưởng về sự trầm trọng của nội dung khách thể của tội: Do đó, trong giáo thuyết và hoạt động mục vụ của Giáo Hội, tội trọng được đồng hóa một cách thực tiễn với tội chết.
Chữ “tội nặng” được dùng đồng nghĩa với “tội chết”, thực ra, đã được thấy trong những tài liệu quan trọng. Chữ “tội nặng” thường được dùng trong bộ Giáo Luật, như trong quy định về sự không được lãnh nhận Thánh Thể, ở điều 915 và 916. Hai chữ “tội nặng” và “tội chết” lại được dùng lẫn lộn ngay trong sách GLHTCG (x. số 1385, 1395, 1854-1864).
Ý niệm tội trọng hay nặng (grave sin) được đồng hóa với tội chết (mortal sin), khiến chúng ta thấy trường hợp bị tội chết quả là ít có, vì không lẽ Thiên Chúa quá nghiêm khắc đến nỗi gán tội chết cho nhiều người! Tội của chúng ta có thể là nghiêm trọng nhưng có thể chưa là tội chết, chưa mất mọi ơn thánh hóa.
Đức Giáo Hoàng phân biệt chỉ có hai loại tội nặng và nhẹ. Vậy thì, nếu không nặng tức là nhẹ; cũng như, nếu không chết, tức còn sống. Điều này có nghĩa là, cho dù tội ta có thể rất nghiêm trọng, như người đang hấp hối đi chăng nữa, vẫn chưa chết, vẫn chưa trong tình trạng tội chết, vẫn còn ơn thánh hóa; vẫn được kể trong hàng tội nhẹ nhưng với mức độ tội nghiêm trọng.
Tình trạng tội của bạn như thế nào?
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Familiaris Consortio (Hôn Nhân Gia Đình) số 84, kêu gọi “Các mục tử, vì lòng yêu sự thật, buộc phải phân biệt rõ những hoàn cảnh khác nhau”, nghĩa là, trong số những người ly dị tái hôn, mức độ tội của họ khác nhau:
a- “Người do tội nặng của mình đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự”;
b- “Người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công”;
c- “Người đã kết hôn lần thứ hai nhằm để giáo dục con cái”;
d- “Người chủ quan trong lương tâm tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, đã bị phá huỷ không thể sửa chữa, không hề thành sự".
Trong trường hợp (a) ngài nói đến người “do tội nặng của mình”, có ý nói đến người có tội nặng.
Ngài có ý nói đến những người khác không có tội nặng như trường hợp người thứ nhất, tức là mắc tội nhẹ, theo nghĩa như đã phân biệt ở trên, không chết tức còn sống, không nặng hay ít nặng hơn tức là nhẹ. Mặt khác, khi ngài nói đến người đã “thành tâm”, “để giáo dục con cái”, “chủ quan trong lương tâm”... thì ý ngài nói đến tội nặng được giảm vì sự “thành tâm”..., tội không là nặng.
Trong giáo huấn của ngài, giáo lý truyền thống về sự quy trách nhiệm tội được nhắc lại. Tội là nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng biệt mỗi người và vào nhận thức chủ quan của lương tâm phạm nhân. Nói cách khác, trách nhiệm về tội còn tùy thuộc vào nhận thức chủ quan của lương tâm phạm nhân, chứ không tùy thuộc hoàn toàn vào tội danh được ghi trong các giới răn. Nếu chỉ dựa vào tội danh được ghi trong các giới răn để quy tội bất kể tình trạng bên trong tâm hồn hay lương tâm, thì đó là sự quy tội duy ngoại hay duy luật, đi ngược lại với giáo huấn của Đức Kitô và Giáo Hội.
2.3. Thử biện phân về tội trong một số trường hợp
Chúng ta hãy thử suy xét về các trường hợp mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập trong Tông huấn Familiaris Consortio, số 84.
a- Người do tội nặng của mình đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự theo Giáo luật
Chúng ta có thể nêu ra một vài trường hợp điển hình:
1- Anh Khoa và chị Hoa yêu thương nhau và tự do tiến tới một hôn nhân thành sự và hợp luật Giáo Hội. Tuy nhiên, sau mười năm kết hôn, tình yêu vợ chồng phai nhạt, anh thấy vợ mình có nhiều khuyết điểm và đã yêu một phụ nữ khác. Cuối cùng anh đã bỏ vợ con để kết hôn với người phụ nữ đó.
Anh Khoa đã phá hủy hôn nhân thành sự với chị Hoa, đã phản bội lại giao ước tình yêu mà anh đã ký kết trong nghi lễ kết hôn theo luật Công giáo: “ ... nhận em làm vợ... Hứa sẽ yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh... ”. Nhưng anh đã dễ dãi chạy theo cảm tính để rồi yêu thương một phụ nữ khác. Sau đó, anh đi đến ly dị và tái hôn một cách chủ động. Anh chịu trách nhiệm nặng nề trong việc phá hủy hôn nhân của mình.
2- Anh Tuấn có tính lười biếng, thích vui chơi rượu chè với bạn bè, cũng hay cá độ. Vợ anh cũng đã đau khổ và chịu đựng khá nhiều về sự thiếu trách nhiệm của anh. Nhưng rồi sau mười năm anh lại trở nên tệ hại, bài bạc nợ nần khiến xã hội đen đến đòi nợ. Anh còn mắng chưởi đánh đập vợ nhiều lần, khiến bà chịu không nỗi. Để bảo vệ sự sống của mình và con cái, vợ anh đưa đơn ra tòa án dân sự để ly dị.
Anh Tuấn đã làm cho gia đình tan nát do những hành vi xấu xa, tội lỗi của mình. Anh chịu trách nhiệm nặng nề trong việc phá hủy cuộc hôn nhân.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể kể những trường hợp người do lỗi ít nặng hơn nhưng đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự theo Giáo luật: Sống ích kỷ, ham mê tiền bạc, kiêu căng tự phụ, lười biếng... khiến cuộc sống hôn nhân hóa ra nặng nề, kình chống nhau và đi đến tan vỡ. Phạm nhân cũng phải trả lẽ trước mặt Chúa về tội lỗi và những hành vi xấu xa của mình.
b- Người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công.
Chúng ta có thể nêu ra một trường hợp điển hình:
Chị Hạnh, là người Công giáo, quen biết và kết hôn với anh Hùng, người lương. Anh Hùng bằng lòng học giáo lý và theo đạo trước khi kết hôn theo yêu cầu của chị Hạnh. Anh cũng được dạy rằng hôn nhân là duy nhất một vợ một chồng, và bất khả phân ly. Lúc cử hành Bí tích Hôn phối, anh cũng đã cầm tay chị Hạnh nói lên lời thề ước kết hôn: “ ... nhận em làm vợ... Hứa sẽ yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh... ”. Tuy nhiên sau đó anh chẳng còn giữ đạo, rồi ngoại tình với người khác. Vợ anh có ghen, thì anh cải vã, mắng chưởi, thậm chí đánh đập vợ. Anh đã làm giấy ly dị dân sự, bỏ vợ để kết hôn với người khác. Năm đó, chị Hạnh 23 tuổi, nuôi đứa con 2 tuổi. Sau đó 2 năm, vì cuộc sống chị kết hôn với một người khác.
Khi tái hôn, chị Hạnh, xét theo lương tâm, chị có thể không sa phạm tội trọng hay tội chết vì chị đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân nhưng cuối cùng đã bị chồng bỏ rơi. Không có lý lẽ nào để kết tội phản bội lại giao ước tình yêu, để quy tội trọng cho chị.
Nếu cho rằng chị đã cố tình vi phạm “luật kết hôn” Công giáo, sống trong một hôn nhân không thành sự, rồi cho rằng chị sống trong tình trạng tội tà dâm, nghịch điều răn thứ sáu, thì chúng ta cũng bị sai lầm trong phán đoán về tội.
Ở đây, hành vi kết hôn lần thứ hai có thể bị áp lực làm mất tự do chọn lựa. Chị không thể chọn sống độc thân vì đời sống tâm sinh lý của một con người, vì chính cuộc sống hiện sinh gây áp lực, buộc chị phải kết hôn. Một cách khách quan mà nói, trong trường hợp một phụ nữ trẻ, khó có ai có thể sống đơn thân như một nữ tu suốt đời. Các nhân tố tâm lý hay xã hội gây áp lực quá mạnh, khiến ý chí tự do chọn lựa của hành vi nhân linh bị suy yếu, và vì thế tội được giảm khinh. Tội trọng, vì vậy đã không hình thành.
Tông Huấn Amoris Laetitia dạy: “Giáo Hội sở đắc cả một tổng hợp suy tư chắc chắn liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh” (Amoris Laetitia, 301). Điều này được nói rõ hơn ở số 302 của Tông Huấn:
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc đến các nhân tố này một cách rõ ràng: “việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác” (Amoris Laetitia, 302).
c- Người đã kết hôn lần thứ hai nhằm để giáo dục con cái
Chúng ta có thể nêu ra một trường hợp điển hình:
Anh Tâm bị vợ bỏ, để lại hai đứa con thơ. Anh tìm không được người để chăm sóc chúng. Anh thấy mình có tội trọng khi để con mình thiếu tình thương của một người mẹ, thiếu cảnh gia đình êm ấm để những đứa bé được giáo dục và phát triển tâm lý bình thường. Anh đã quyết định tiến tới kết hôn với một phụ nữ khác, với ý định chính yếu là để nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Trong trường hợp này, trước tiên ta phải đón nhận đây là một Giáo huấn của Giáo Hội, do Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ dạy. Không được xem người kết hôn lần thứ hai nhằm để giáo dục con cái là có tội trọng.
Luận xét là tội nhẹ trong trường hợp này, cũng có thể được giải thích về tác động của sự sợ hãi trong hành vi, như Tông Huấn Amoris Laetitia đã nói trên:
Việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác (Amoris Laetitia, 302).
Anh Tâm, trong trường hợp này, sợ và rất sợ rằng, những đứa con thơ không được nuôi dưỡng và giáo dục sẽ trở nên hư đốn hay lệch lạc tâm lý. Hoặc theo lương tâm, anh sẽ thấy mình phạm tội nặng nếu mình không kiếm được cho chúng một người mẹ.
Trường hợp anh Tâm cũng có thể suy xét theo Tông huấn Amoris Laetitia về trường hợp không thể làm “mà không phạm tội mới”. Tội mới ở đây là tội để con cái bị đau khổ, thiếu giáo dục hay bệnh tật.
Đức Hồng Y Coccopalmerio, chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Bản Lập Pháp, tức là vị đứng đầu giáo triều Roma trong việc giải thích các văn bản pháp lý, đã viết một cuốn sách nhỏ giúp hiểu Chương Tám Tông Huấn Amoris Laetitia (Il capitolo ottavo della esortazione apostolica post sinodale Amoris Laetitia), được Nhà Xuất Bản Vatican phát hành và giới thiệu vào ngày 14-2-2017 tại cuộc họp báo của Vatican. Ngài đã đưa ra một trường hợp điển hình:
Để minh họa tốt hơn điều đã được nói, chúng ta hãy nại đến một trường hợp cụ thể, đó là trường hợp một phụ nữ đi chung sống với một người đàn ông đã kết hôn theo Giáo luật và bị vợ bỏ với ba đứa con còn rất nhỏ dại. Nói một cách chính xác là người phụ nữ này đã cứu người đàn ông ra khỏi một tình trạng thất vọng tột cùng, có thể là khỏi ý định tự tử. Chị đã không kể gì hy sinh để nuôi nấng dạy dỗ ba đứa con chồng; và chị cũng đã sinh thêm một đứa con trai. Sự chung sống đã được khoảng mười năm và người phụ nữ này biết mình đang ở trong tình trạng bất hợp luật, thành thật muốn thay đổi cuộc sống. Nhưng, rõ ràng là chị không thể. Nếu, thực ra, chị từ bỏ sự chung sống, người đàn ông bị trở lại tình trạng cũ, những đứa con bị bỏ rơi không có mẹ. Sự từ bỏ chung sống, vì vậy, có nghĩa là không chu toàn nghĩa vụ đối với những đứa con vô tội. Và, do đó, rõ ràng là không thể làm “mà không có tội mới” (Coccopalmerio, Mục. 3.3).
Chúng ta thấy rằng, khi thực hiện một hành vi [chia tay] mà “lương tâm chắc chắn sẽ cảm thấy có tội mới”, theo như Amoris laetitia chỉ dạy, thì ta buộc phải tuân theo tiếng nói của lương tâm, nghĩa là không được thực hiện hành vi [chia tay] đó, theo như lời dạy của Gaudium Spes số 16 về lương tâm: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng phải tuân theo”.
d- Người chủ quan trong lương tâm tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, đã bị phá huỷ không thể sửa chữa, không hề thành sự
Chúng ta có thể nêu ra một trường hợp điển hình:
Chị Hồng sống trong một gia đình Công giáo đạo đức. Mẹ chị thấy con gái mình dễ tính có thể bị hư hỏng nên lo cho nó có chồng sớm. Bà cũng sợ con gái mình yêu và kết hôn với người ngoại đạo. Bà e sợ rằng người chồng ngoại đạo sẽ không chung thủy suốt đời, và cháu ngoại của mình sẽ không được giáo dục tốt theo tinh thần Kitô giáo. Vì vậy, bà thúc giục, năn nĩ chị Hồng hãy kết hôn với anh Hoàng, là người Công giáo và là một giáo lý viên trong xứ đạo. Vì yêu thương mẹ, nhất là bà lại hay yếu đau bệnh tật, chị chấp nhận kết hôn với anh Hoàng, mặc dù chị không yêu thương anh, không muốn kết hôn với anh. Hôn nhân sau đó mười năm thì đỗ vỡ hoàn toàn không hàn gắn được. Hai người chia tay và chị Hồng tiến tới một hôn nhân khác.
Chị Hồng vẫn tin rằng mình đã kết hôn vô hiệu, vì mình đã không muốn kết hôn với anh Hoàng, nhưng vì kính sợ mẹ, chị đành phải chấp nhận kết hôn. Chị xin tòa án hôn phối Giáo phận xét cho chị được tiêu hôn. Tuy nhiên, hoặc ở Giáo phận không có Tòa án hôn phối để giải quyết cho chị, hoặc đã có Tòa án nhưng vị thẩm phán đã ra phán quyết rằng: hôn nhân của chị vẫn thành sự, chứ không vô hiệu.
Trong trường hợp này, cho dù hôn nhân được tòa án xét là vẫn thành sự và sự tái hôn của chị Hồng là tội nặng xét theo khách quan, chị Hồng vẫn có thể có tội nhẹ theo phán quyết của lương tâm chủ quan.
Theo Giáo luật, chúng ta có thể kể những trường hợp hôn nhân được tin là vô hiệu với một trong những lý do:
- Thiếu khả năng phán đoán hay vì bệnh tâm lý không thể đảm nhận trách nhiệm hôn nhân (đ. 1095);
- Thiếu trưởng thành về hôn nhân (đ. 1096)
- Bị lầm lẫn nghiêm trọng về người mình kết hôn (đ. 1097);
- Bị lừa gạt do phía bên kia, có ý để được kết hôn (đ. 1098);
- Kết hôn simulatio (giả hình) (đ. 1101#2);
- Kết hôn với điều kiện tương lai (đ. 1102#1)
- Kết hôn vì sợ hãi nghiêm trọng, như bị ép buộc bởi cha mẹ hoặc vì kính sợ cha mẹ mà miễn cưỡng kết hôn (đ. 1103).
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau khi đã kêu gọi các mục tử là phải phân biệt rõ những hoàn cảnh khác nhau, mức độ tội khác nhau, để rồi thấy rằng những tín hữu ly dị tái hôn vẫn có thể nhận được ơn phúc từ Thiên Chúa, chứ không phải là bị mất mọi ơn thánh hóa.
Hội Thánh tin rằng ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái (Familiaris Consortio, 84).
Vì vậy, ngay cả khi bạn “đang tiếp tục sống trong tình trạng” ly dị tái hôn, hay rối hôn phối, bạn có thể “không ở trong tình trạng tội chết” nếu bạn kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái.
3. Ăn năn thống hối và lãnh nhận Bí tích Giải Tội
Tiên tri Isaia có ghi lại: "Chúa phán: ‘Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông’" (Is 1,18).
Trong Tin Mừng Thánh Marcô, Chúa Giêsu nói: "Thầy bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời" (Mc 3,28-29).
Cha Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn giải thích về tội phạm đến Thánh Thần có nội dung sau đây:
- Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ;
- Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô;
- Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người;
- Không còn nhìn nhận tội lỗi để xin được tha thứ;
Vậy thì, cả khi bạn do lỗi của mình mà gây ra sự tan vỡ hôn nhân gia đình hay cả khi bạn tái hôn, tội bạn có nặng mấy chăng nữa, bạn vẫn có thể được Thiên Chúa tha thứ, miễn là bạn nhận ra tội của mình, tin vào lòng thương xót của Chúa và quyết tâm hoán cải.
Giải thích về sự ngoan cố và hoán cải
Nhiều người sẽ thấy bất ổn với xác định ở trên về sự khoan dung tha thứ của Thiên Chúa nơi những người vẫn cứ đang sống ly dị tái hôn, công khai trái luật Chúa và luật Hội Thánh. Vì họ cho rằng bạn vẫn còn “ngoan cố” trong “tội trọng” khi chưa từ bỏ cảnh sống rối hôn nhân, hay không tiết dục trong hoàn cảnh tội đó.
Vì vậy, theo ý kiến của họ, bạn không thể được tha thứ, không thể được lãnh nhận Bí tích Giải tội, Thánh Thể, Xức dầu... Việc bạn lãnh nhận Bí tích Thánh Thể được coi là phạm sự thánh. Bạn đi xưng tội cũng bị chối từ, với lý do là bạn đang ngoan cố sống trong tội trọng. Đến chừng nào bạn từ bỏ sống rối hôn phối thì bạn mới có thể được xưng tội.
Đây là điều khúc mắc khó giải thích nhất là từ trước đến nay, do có sự hiểu sai lầm về sự “ngoan cố”. Đáng tiếc là sự sai lầm ấy lại rất phổ biến, đến nỗi cha giải tội cũng e sợ rằng, mình giải tội thì mình cũng bị tội phạm sự thánh.
Căn cứ vào đâu mà chúng ta có thể khẳng định: cho dù đang vẫn ở trong tình trạng rối hôn phối mà bạn vẫn có thể có thể không còn “ngoan cố” và có thể lãnh nhận được ơn tha thứ qua Bí tích Giải tội?
Chúng ta hãy căn cứ vào những giáo huấn của Hội Thánh.
Năm 2000, Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Văn Bản Lập Pháp, đã ra Tuyên Bố về việc lãnh nhận Thánh Thể của người ly dị tái hôn. Cũng đáng lưu ý là Bản Tuyên Bố này có sự đồng thuận của Bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Phụng Tự Bí Tích. Bản Tuyên Bố đã định nghĩa sự “ngoan cố” như sau:
Ngoan cố, được hiểu như sự hiện hữu của một tình trạng khách quan của tội mà tồn tại trong thời gian và ý muốn của người tín hữu không muốn nó chấm dứt, không cần đòi hỏi có những yếu tố khác (thái độ thách thức, cảnh cáo trước…) để mà xác định về sự nặng nề nghiêm trọng của một tình trạng trong Giáo hội.
Như vậy, ngoan cố bao hàm hai yếu tố: “tồn tại trong thời gian” và “không muốn nó chấm dứt”. Điều này có nghĩa là khi “muốn nó chấm dứt” thì không còn ngoan cố nữa.
Sau khi đã định nghĩa khái niệm “ngoan cố”, Bản Tuyên Bố cho thấy, khi tội nhân “muốn” hay “có chủ tâm” thực hiện hay hoàn thành việc chia tay hay tiết dục, nhưng vì “những lý do nghiêm trọng” ngăn cản việc hoàn thành [chia tay hay tiết dục] thì tội nhân vẫn không còn ngoan cố, không còn được coi là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên nữa. Bản Tuyên Bố viết rõ như sau:
Không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên.
a- Những người mà không thể, vì những lý do nghiêm trọng - như là giáo dục con cái – “hoàn thành việc buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dành riêng cho vợ chồng” (Familiaris Consortio, 84).
b- Và dựa trên nền tảng của chủ tâm (proposito, intention) như vậy đã lãnh nhận Bí tích Thống Hối.
Điểm (a) cho thấy tín hữu này vì một lý do nghiêm trọng nào đó (giáo dục con cái...) khiến không thể thực hiện ngay được điều mà Tông huấn Familiaris Consortio đòi hỏi là phải chia tay hay tiết dục, được diễn tả qua nguyên văn trích từ Tông huấn Familiaris Consortio: “hoàn thành việc buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dành riêng cho vợ chồng”.
Điểm (b) cho thấy, khi có “chủ tâm” muốn chia tay hay tiết dục, mà không thể được, thì cần lãnh nhận Bí tích Thống Hối để không còn “ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên”nữa.
Tuyên Bố trên, như vậy, không cấm cản việc bạn lãnh nhận Bí tích Thống hối hay xưng tội; nhưng ngược lại, mặc nhiên coi đó như là một điều kiện cần thiết để bạn sám hối và chấm dứt tình trạng tội trọng thường xuyên của bạn.
Nên lưu ý rằng, đây không chỉ là giải thích riêng của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Những Văn Bản Lập Pháp năm 2000, mà còn có sự đồng thuận của Bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Phụng Tự Bí Tích.
Đặc biệt là, Tông huấn Amoris Laetitia, năm 2016, đã chỉ dẫn với luận cứ rõ ràng hơn. Hồng Y Coccopalmerio, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Những Văn Bản Lập Pháp, từ những phân tích Tông huấn, đã giải thích tương tự rằng, sự hoán cải bao hàm “chủ tâm” muốn (il proposito) thay đổi tình trạng tội khách quan của mình, nhưng vì lý do nào đó, không thể thực hiện chủ tâm đó. (x. Coccopalmerio, Mục 3.7):
Liên quan đến việc lãnh nhận các Bí tích, Đức Hồng Y nói:
Chủ tâm như vậy (tale proposito) chính xác là yếu tố thần học mà cho phép được Xá giải và đón nhận Thánh Thể, chúng ta nhắc lại rằng, luôn luôn có sự không thể thay đổi ngay lập tức tình trạng tội (Coccopalmerio, Mục 3.7).
Ngược lại, Đức Hồng Y cũng nêu ra trường hợp tuyệt đối không được xưng tội và rước Lễ. Đó là tín hữu mà biết mình trong tình trạng tội nặng và có thể thay đổi được, nhưng lại không có ý định chân thực nào để thực hiện chủ tâm đó (Coccopalmerio, Mục 3.7).
Vấn đề tiết dục
Đức Hồng Y Coccopalmerio cũng đặt vấn đề: “Như vậy, sẽ có phản biện hiện nay: những người sống chung nói trên phải thực sự sống “như anh trai em gái”, nói cách khác họ phải tiết dục hoàn toàn”. Ngài chỉ tới chú thích chân trang 329 của Tông Huấn ghi nguyên văn như sau:
Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22-11-1981), 84: AAS 74 (1982), 186. Trong những hoàn cảnh như thế, nhiều người, tuy biết và chấp nhận khả thể sống “như anh trai em gái” mà Giáo Hội đề xuất với họ, nhưng đã nhấn mạnh rằng nếu một số bày tỏ thân mật không có, “thì lòng chung thủy thường gặp nguy cơ và gây thiệt hại tới lợi ích con cái” (Gaudium et Spes, 51).
Đức Hồng Y, cũng đã dựa vào Tông huấn về vấn đề “phạm thêm tội mới” để giải thích rằng họ có thể không bị bó buộc phải tiết dục:
a) Nếu cam kết sống “như anh trai em gái” mà thấy có thể được mà không có khó khăn cho mối liên hệ đôi bạn, thì lúc đó thì hai người chung sống đó có thể tự nguyện chấp nhận.
b) Tuy nhiên, nếu sự cam kết này (sống như anh trai em gái) tạo ra những khó khăn, đôi bạn chung sống dường như không bị buộc, bởi vì họ ở trong trường hợp của người được nói đến ở số 301, với diễn ý rõ ràng: “rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm một tội mới” (Coccopalmerio, Mục 3.4).
Thống hối để được tha thứ trong Bí tích Giải tội
Cũng nên lưu ý rằng, bạn cũng có thể sai lầm nếu đi xưng tội và tin rằng mình được tha thứ nhưng lại không có một chút thành tâm hoán cải nào.
Hiệu quả tại sự của Bí tích Giải tội chính là ơn tha thứ. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, trong Bí tích Giải tội, ơn tha thứ được ban qua lời xá giải của linh mục giải tội, không phải là vô điều kiện về phía hối nhân. Ơn tha tội trong Bí tích luôn đòi hỏi có sự hoán cải, quyết tâm sửa mình. Giáo Luật điều 987 chỉ dạy:
Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình.
Nếu không ăn năn sám hối hay quyết tâm sửa mình, mà chỉ coi lời xá giải của cha giải tội là đủ để được tha tội, thì Bí tích Giải tội sẽ như một pháp thuật hay một lời bùa chú. Hậu quả sẽ là sự yên chí sống trong tội lỗi.
Sự hoán cải hay ăn năn tội của ta có thể ở nhiều mức độ. Có thể đó là ăn năn tội cách trọn, nghĩa là ăn năn tội một cách hoàn hảo, rồi đến mức độ không còn hoàn hảo, ít oi, quá hời hợt... Hoán cải cũng có thể có rất nhiều và cũng có thể rất ít. Vì vậy ơn tha thứ, hay nói cách rộng hơn là ân sủng của Thiên Chúa ban, sẽ có thể là nhiều hay ít, và thường là tùy thuộc vào sự hoán cải của chúng ta.
Ví dụ, nếu như bạn đã cờ bạc, rượu chè khiến cho hôn nhân bị tan vỡ nhưng rồi bạn cũng cứ cờ bạc, rượu chè; nếu như bạn đã quá ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ riêng mình và rồi bạn vẫn cứ ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ; hoặc nếu như bạn cứ coi trọng tiền bạc hơn tình nghĩa vợ chồng... thì bạn thử nghĩ xem bạn được tha thứ mức độ nào?
Hơn nữa, mọi người chúng ta luôn phải hoán cải vì luôn sống trong tội lỗi, chứ không chỉ ăn năn thống hối về một tội nặng đã phạm. Để hưởng nhờ ơn Chúa, bạn luôn phải canh tân đời sống; bạn không chỉ thống hối về sự gây tan vỡ gia đình do lỗi của mình hay thống hối về tội tái hôn, nhưng phải luôn ăn năn sám hối về các tội phạm hiện nay trong cuộc sống.
4. Khả thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể
Theo Tông Huấn Amoris Laetitia, như được Đức Hồng Y chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Văn Bản Lập Pháp giải thích, thì các tín hữu ly dị tái hôn vẫn có thể lãnh nhận Bí tích Giải tội và Thánh Thể. Tuy nhiên, đó là luận thuyết về phương diện thần học. Còn về phương diện áp dụng thực tiễn ở tòa ngoài, thì việc cho lãnh nhận Giải Tội hầu như không còn cấm cản, nhưng việc cho lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể thì còn hạn chế, chỉ được một số ít các Đấng Bản quyền địa phương cho phép.
Vì sao vậy?
Đó là nguy cơ của cớ vấp phạm (scandal) sẽ phát sinh. Dù bạn không còn tội trọng, bạn vẫn không được rước Lễ. Bạn được phép xưng tội để được tha tội trọng nhưng vẫn không được rước Lễ.
Bạn cần biết rằng, cho dù bạn được thanh sạch trong lòng, cho dù bạn không xúc phạm đến Mình Thánh Chúa do tội trọng, bạn vẫn không được rước Lễ. Kỷ luật chung của Hội Thánh đã được định như vậy, để tránh gây cớ vấp phạm (scandal).
Tông huấn Familiaris Consortio đã dạy:
Ngoài ra còn có một lý do mục vụ riêng biệt khác: nếu chấp nhận cho những người ấy được rước lễ, điều đó sẽ dẫn các tín hữu đi tới chỗ rối rắm và lầm lạc về giáo lý của Hội Thánh về sự bất khả phân ly của hôn nhân (Familiaris Consortio, 84).
Bản Tuyên Bố năm 2000 cũng cho biết:
Thực sự là, việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn, sự vấp phạm (scandal), được hiểu như là hành vi thúc đẩy người khác về điều xấu, ảnh hưởng đồng thời đến cả Bí tích Thánh Thể cũng như đến sự bất khả phân ly của hôn nhân.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn Amoris Laetitia đồng ý với các nghị phụ là tránh gây cớ vấp phạm:
Tôi nhất trí với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng khi nhận định rằng “Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây cớ vấp phạm” (Amoris Laetitia, 299).
Bản Tuyên Bố năm 2000 nói đến khả thể cho lãnh nhận Thánh Thể: “Chỉ có thể được nhận đến lãnh nhận Thánh Thể “remoto scandalo”, nghĩa là, chỉ có thể lãnh nhận Thánh Thể khi tránh được cớ vấp phạm.
Việc bạn cũng được rước Lễ bình thường như những người khác sẽ gây cảm thức rằng Giáo Hội cho phép ly dị tái hôn. Nếu bạn ly dị tái hôn mà vẫn được sinh hoạt bình thường như những tín hữu khác, thì xem ra Giáo Hội không coi trọng luật bất khả phân ly mà Thiên Chúa đã truyền ban.
Cớ vấp phạm tệ hại nhất là làm cho các đôi vợ chồng dễ dàng ly dị nhau. Họ sẽ dễ dàng chia tay khi họ hết yêu nhau; khi họ tức giận nhau; khi người kia ngoại tình... Họ sẽ không còn cố gắng vun đắp tình yêu; không còn nhường nhịn nhau; không còn tha thứ cho nhau... để hàn gắn vợ chồng. Họ dễ dàng đưa đơn ra tòa án dân sự để ly dị và kết hôn mới với người khác. Họ có thể nghĩ rằng, tuy mình đã có ly dị nhưng nếu mình có tái hôn thì cũng không đến nỗi tội lỗi lắm, vì mình vẫn được lãnh nhận các Bí tích bình thường như những người khác.
Do việc tránh những cớ vấp phạm (scandal) là rất cần thiết, cho nên hầu như các Giám Mục hay Hội Đồng Giám Mục các vùng miền khác nhau trên thế giới còn đang rất hạn chế cho các bạn lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
5. Nên sống đạo thế nào?
Những phần trên đã phần nào giúp bạn “biện phân”, nghĩa là phân tích để hiểu biết đúng đắn về tình trạng của của bạn, liên quan đến tội nặng, tội nhẹ, ân sủng và khả thể lãnh nhận các Bí tích. Những kiến thức bạn thu nhận được dự phần vào phán đoán lương tâm của bạn. Và điều cần lưu ý là bạn cần có một lương tâm đúng đắn và ngay thẳng.
A- Sống theo lương tâm đúng đắn và ngay thẳng
Lương tâm đúng đắn đòi hỏi bạn có đủ kiến thức về luân lý đạo đức (những giới luật, những nguyên tắc luân lý...) để có thể đưa ra những phán phù hợp với hoàn cảnh riêng biệt của mình. Các mục tử hay người khác không thể quyết định thay cho lương tâm của bạn, nhưng chỉ có thể giúp bạn biện phân, để rồi chính bạn phải tự biện phân và có được một lương tâm đúng đắn trong đời sống.
Xin đơn cử về một lương tâm không đúng đắn hay sai lầm:
Một phụ nữ Công giáo chỉ mới sống với chồng mới được vài tuần lễ, đã bỏ về nhà mẹ, làm đơn ra tòa án dân sự để ly dị và sau đó làm đơn lên tòa án hôn phối giáo phận để xin xác nhận hôn nhân của chị vô hiệu. Khi được hỏi lý do, chị nói: “Tại vì mẹ ảnh ham tiền bạc, đối xử bất công với con. Con cải nhau với mẹ ảnh nhưng ảnh vẫn không bệnh vực con!”.
Phải chăng chị mày đã phán đoán theo một lương tâm đúng đắn? Không; chị ấy đã sai lầm, vì phán đoán của chị đã không dựa trên nguyên tắc hay lý lẽ của giao ước tình yêu, với những sự nhường nhịn hy sinh cho nhau, nhưng lại dựa trên cái lý lẽ công bằng giao hoán. Chị đã không nghĩ đến sự hiếu thảo cần có của chồng đối với cha mẹ. Không lẽ anh ấy đứng về phía vợ để chống lại mẹ mình? Nếu vẫn cứ có cách sống như vậy, chị ấy không thể có được hạnh phúc vợ chồng và hôn nhân sẽ tan vỡ một cách mau chóng.
Chúng ta cũng cần nói đến một lương tâm thiên lệch; lương tâm dễ dãi hay phóng túng. Một lương tâm ngay thẳng là lương tâm không bị thiên lệch bởi những lợi ích riêng tư. Một lương tâm dễ dãi hay phóng túng thì dựa vào những lý do không đủ nghiêm trọng để bạn vi phạm một luật lệ, hoặc cho là tội nhẹ một hành vi đáng lý ra là một tội trọng.
Xin đơn cử một lương tâm dễ dại hay phóng túng:
Một người mới có một vài đứa con, cuộc sống không đến nỗi đói rách, liền áp dụng phương pháp ngừa thai trái tự nhiên, vì cho rằng nếu sinh thêm mình sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hoặc không đủ sức nuôi dạy con cái.
Lương tâm người này có thể là quá dễ dãi hay phóng túng.
Một lương tâm thiên lệch, dễ dãi hay phóng túng, dĩ nhiên, phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về những lỗi lầm của mình.
Có lẽ bạn, cũng như nhiều người khác, có xu hướng biện hộ cho những lỗi lầm nghiêm trọng của mình. Họ hầu như gán lên người vợ hay chồng mình những tội lỗi, những thói hư tật xấu, và là người đã gây ra tan vỡ gia đình. Ít ai nhận ra mình có lỗi hay bị sai lầm nghiêm trọng trong sự tan vỡ đó.
Bạn hãy nhận ra lỗi lầm của mình, vì mục đích cuối cùng của chúng ta để đến với Chúa, để đón nhận ơn tha thứ, nhận ơn cứu rỗi linh hồn, chứ không phải để tự biện minh cho mình. Vậy thì, có một lương tâm đúng đắn và ngay thẳng là điều cần thiết.
Về một tiếng nói của lương tâm
Một phụ nữ đã khoảng 55 tuổi, đến trình bày với một linh mục về một vấn đề là có nên chia tay chồng hay không.
Trước đây, khi khoảng 25 tuổi, bà đã kết hôn với một người đàn ông không Công giáo, đã bị vợ bỏ. Bà đã sống trong một hôn nhân rối vì chồng bà đang mắc ngăn trở dây hôn phối, không thể được cử hành thể thức hôn phối theo Giáo luật. Ba đứa con của hai ông bà nay đã lớn khôn. Có đứa đã lập gia đình.
Đến nay, bà muốn sống đạo, được lãnh nhận các Bí tích nên quyết định chia tay chồng. Tuy nhiên, những đứa con không đồng ý và người chồng phản đối kịch liệt: “Chúa nào mà bảo bà chia tay tôi? Giáo Hội nào mà bắt bà chia tay tôi? Chúa nào lại muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình mà tôi đang có với bà?”
Nghe chồng phản đối sự chia tay với những lời lẽ như vậy, bà ấy đâm ra lưỡng lự.
Nếu bạn rơi vào trường hợp của bà ấy, bạn sẽ thực hiện việc chia tay để được lãnh nhận các Bí tích, hay là bạn vẫn cứ giữ nguyên cuộc sống vợ chồng bất hợp pháp đó?
Tôi xin trả lời rằng: Quyết định như thế nào là tùy vào sự phán định của lương tâm, và khi đó bạn không có tội.
- Nếu bà ấy theo lương tâm: quyết định chia tay để sống đạo, với ước ao được lãnh nhận các Bí tích, thì đó cũng là điều tốt, theo tiếng nói của lương tâm đúng đắn.
- Nhưng nếu bà ấy theo lương tâm: quyết định cứ giữ nguyên cuộc sống vợ chồng để giữ nguyên tình nghĩa vợ chồng trong hoàn cảnh của hôn nhân bất hợp pháp đó, thì đó cũng là điều tốt, theo tiếng nói của lương tâm đúng đắn.
Cả hai giải quyết khác nhau, nhưng đều làm theo lương tâm đúng đắn và ngay thẳng. Vì làm theo lương tâm là phẩm giá cao cả của con người, như Công Đồng Vatican II truyền dạy (x. Gaudium et Spes, 16), bà ấy vẫn không có tội trước Thiên Chúa, vẫn làm đẹp lòng Ngài, cho dù bà vẫn ở trong tình trạng tội bên ngoài.
Bạn có thể hỏi tại sao bà ấy có thể chia tay mà không chịu chia tay. Bà ấy đâu lý do nghiêm trọng ngăn cản việc chia tay như là giáo dục con cái... Con cái bà ấy đã lớn khôn, có người đã lập gia đình!
Đức Hồng Y Coccopalmerio giải thích sự giảm khinh tội không chỉ do những yếu tố khách quan, mà còn do những yếu tố chủ quan:
Trong những trường hợp đã nói trên, việc không thể hành động khác đi, nghĩa là chấm dứt tình trạng tiêu cực, được xác định không từ những lý do khách quan như những trường hợp trước, mà là từ những lý do chủ quan, nghĩa là từ những điều kiện của cung cách ăn ở cư xử (condizionamenti comportamentali). Do đó kết quả xem ra cũng như nhau (Coccopalmerio, Mục 3.5).
Để chứng tỏ mạnh mẽ hơn về tình trạng được giảm khinh, Đức Hồng Y trích dẫn lời Tông Huấn Amoris Laetitia:
Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này (Amoris Laetitia, 305).
Như vậy, trong câu chuyện kể trên, nếu bà ấy, theo tiếng nói của lương tâm, thấy khó có thể xa ông chồng vì tình nghĩa vợ chồng sâu đậm, hoặc để con cái phải buồn lòng khi thấy cha mẹ xa cách, thì trách nhiệm tội của bà ấy có thể được giảm khinh hoặc triệt tiêu, cho dù bà ấy vẫn sống trong hoàn cảnh rối hôn phối, nghĩa là vẫn sống trong tội lỗi khách quan. Bà ấy “vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái” (Amoris Laetitia, 305).
B- Nhận ra lỗi lầm nghiêm trọng của mình
Theo lương tâm đúng đắn và ngay thẳng, bạn hãy suy xét và nhận ra những lỗi lầm nghiêm trọng của mình, khiến gây ra tan vỡ gia đình. Đó có thể là do phạm trọng tội ngoại tình; dung dưỡng các thói hư tật xấu; tham lam cao ngạo; không khoan dung tha thứ; không chu toàn trách nhiệm vợ chồng hoặc trách nhiệm làm cha, làm mẹ; không hy sinh đủ để bảo toàn tình yêu chung thủy; không đủ can đảm sống theo luật Chúa và luật Hội Thánh…Tông huấn Amoris Laetitia khuyên dạy:
Điều hữu ích là việc xét lương tâm trong những giờ phút suy niệm và thống hối. Người ly dị và tái hôn nên tự vấn: mình đã hành xử ra sao với con cái khi kết hợp vợ chồng lâm khủng hoảng; mình có cố gắng hay không để hòa giải; điều gì đã xảy ra cho bên bị bỏ rơi; mối liên hệ mới gây ra những hậu quả nào cho những người khác trong gia đình và cho cộng đồng tín hữu; và mình đã làm gương ra sao đối với những người trẻ đang chuẩn bị hôn nhân (Amoris Laetitia, 300).
C- Nhận ra lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa
Tội nặng cách mấy cũng được tha, miễn là bạn có lòng ăn năn sám hối. Bạn không chỉ là ăn năn về những tội trong quá khứ mà còn những tội lỗi mà bạn đang còn sa phạm.
Riêng về cảnh sống rối hôn phối, bạn phải thực hiện cụ thể sự rời bỏ nó khi có thể được.
Bí tích Hòa giải là phương tiện rất tốt để giúp bạn hoán cải đời sống và đến với Chúa, lãnh nhận ơn tha thứ. Những lỗi phạm cho dù có nặng nề đến đâu vẫn có thể được tha thứ, được phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa. Bí tích này giúp bạn giao hòa với Chúa và với Hội Thánh, làm cho sự hiệp thông của bạn với cộng đoàn dân Chúa biểu lộ một cách tốt đẹp.
Việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải cũng biểu lộ sự tôn thờ và tin tưởng vào lòng nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa, và do đó, bạn được hưởng nhiều ân sủng, thêm niềm tin yêu Thiên Chúa.
D- Nhận ra những thiệt hại nghiêm trọng do mình gây ra
Bên cạnh việc ăn năn thống hối, tin tưởng vào lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa, bạn cũng cần nhận ra những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người vợ hay chồng mình và con cái. Chúa có thể thứ tha mọi tội cho bạn, nhưng theo sự công bằng, bạn phải đền bù những thiệt hại về tinh thần lẫn vật chất mà mình gây ra cho người khác.
Giả như bạn đã không quý trọng, và cố gắng bảo vệ đời sống hôn nhân chung thủy một vợ một chồng. Bạn đã giao tiếp rộng rãi để rồi ngoại tình với người khác hoặc đã tiến tới kết hôn với người khác. Bạn đã gây ra một vết thương trầm trọng cho người vợ hay chồng mình, nhất là khi bạn có con với người khác.
Bạn có biết không; đã có những trường hợp, khi bất chợt nghe biết chồng mình ngoại tình, người vợ quá đau đớn, khủng hoảng, không còn bình tĩnh để giữ được tay lái trên đường, đã gây ra tai nạn khủng khiếp, gây tử thương cho mình hay cho những người khác.
Hoặc khi bạn bỏ vợ để kết hôn với người khác, thì người vợ đó sống trong cô đơn tủi nhục cả cuộc đời còn lại, hoặc phải kết hôn mới ngoài luật Giáo hội, chịu mặc cảm tội lỗi, chịu nhiều thiệt thòi về đời sống đạo. Con cái cũng phải chịu thiệt thòi, tổn thương và chịu những ảnh hưởng xấu về tâm lý khi cha mẹ chúng chia tay, rối ren như vậy. Bạn có nghĩ đến những thiệt hại đó do chính bạn gây ra là có nghiêm trọng hay không?
Hoặc, giả như bạn đã chủ động ve vãn và yêu thương một người đã có vợ có chồng, rồi bạn muốn chiếm hữu người đó cho mình, thì bạn được coi là một ác nhân. Nói là một “ác nhân”, vì bạn đã phá tan hạnh phúc của một gia đình, phá tan một tổ ấm yêu thương. Thiệt hại bạn gây ra quả là quá khủng khiếp.
Bây giờ đã nhận ra tội lỗi nặng nề của mình, bạn làm gì để đền bù lại? Làm gì để bù lại những thiệt hại trầm trọng đã gây ra cho người vợ hay chồng, người mà mình đã cầm tay, thề nguyền sẽ yêu thương và tôn trọng suốt cả đời?
Bạn không thể biện minh cho lỗi lầm của mình đã gây những thiệt hại đó. Nếu bạn còn lấy lý do người chồng hay vợ mình, là tham lam, là xấu nết, là hư hỏng... để bào chữa cho mình, thì bạn chưa thật sự thành tâm hoán cải.
Bạn hãy thành tâm nhận ra những khiếm khuyết những lỗi lầm nghiêm trọng của mình và tìm cách để đền bù cho cân xứng.
E- Làm việc lành cho xứng với lòng thống hối (Mt 3,8)
Bạn hãy nhớ đến lời dạy của Kinh Thánh: “Hãy duy trì lòng yêu thương nhau liên lỉ, vì lòng yêu thương che phủ rất nhiều tội lỗi” (1Pr 4,8); “Hãy đoái tội lập công, bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo, may ra thời thịnh vượng của ngài sẽ được kéo dài” (Đn 4,24); “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi” (Hc 3,30), (Amoris Laetitia, 306).
Vậy bạn hãy chu toàn bổn phận cha mẹ đối với con cái, yêu thương giúp đở lẫn nhau và sống bác ái yêu thương phục vụ tha nhân, trong giáo xứ, trong xã hội. Và bạn cũng đừng quên chạy đến kho tàng ân xá của Giáo Hội; hãy tìm dịp để lãnh nhận những ơn lành đó.
G- Nhận ra giá trị vô song của Thánh Lễ
Thánh lễ cũng chính là Hy Tế của Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Hy lễ Thập Giá này, bạn được ơn tha thứ và đón nhận biết bao ân sủng hay ân xá khác. Nếu bạn không được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể thì cũng có thể rước Chúa thiêng liêng trong Thánh Lễ. Đức Ratzinger, cũng chính là Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, trong thư gởi các Giám Mục trên thế giới năm 1984 đã khuyên dạy:
Các tín hữu (ly dị tái hôn) phải được giúp đở để hiểu thấu giá trị của sự chia sẻ hiến tế của Đức Kitô trong Thánh Lễ, của sự rước lễ thiêng liêng, của sự cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, của việc bác ái và công bằng.
Quả là sai lầm trầm trọng khi bạn cho rằng, “Đi Lễ mà không rước Lễ thì lợi ích gì!”; hoặc coi Thánh Lễ chỉ như là việc linh mục đưa tay truyền phép để bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Nếu quan niệm như vậy bạn đã không biết đến ý nghĩa chính yếu của Thánh Lễ. Đó chính là Hiến tế của Đức Kitô đang được tiếp tục nhờ tay linh mục. Ta được hiệp thông Thánh Thể, tức là hiệp thông với mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Vì vậy, khi không được lãnh nhận Thánh Thể cách hữu hình thì hãy rước lễ thiêng liêng.
Một tấm lòng khiêm nhu, hoán cải, rước Chúa thiêng liêng còn được nhiều ân sủng của Chúa hơn là được rước Chúa hữu hình mà không có tấm lòng như vậy.
Nếu như bạn muốn rước Lễ mà có ý để cho người khác thấy rằng bạn cũng đủ đạo đức như những người khác, thì bạn đã lạm dụng ơn thánh, đã chưa thành tâm hoán cải. Hoặc khi được rước Lễ, bạn cảm thấy bấy nhiêu là đủ cho đời sống tâm linh, hoặc cảm thấy an lòng cho sự sống đời đời của mình, thì bạn quả là bạn đã sai lầm hay đã lừa dối với chính mình!
Bạn cần cậy nhờ ơn Chúa qua Thánh Lễ và hãy coi việc không được rước Chúa hữu hình như một chế tài đáng với tình trạng tội lỗi của mình. Nếu bạn không được tham gia một số sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ thì hãy xem những sự thiệt thòi đó như là của lễ hy sinh nho nhỏ hiệp thông với hy tế của Chúa Giêsu.
H- Nhận ra khả năng phát sinh hoa trái thánh thiện
Do nhận ra tội lỗi của mình và lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa, nhận ra khả năng thông hiệp vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, tín hữu thấy mình có khả năng tăng tiến đời sống đạo đức, ngay trong hoàn cảnh khó khăn của mình, theo như lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:
Giữa các giới hạn lớn lao của con người, một bước nhỏ cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn cả một đời bề ngoài có vẻ đàng hoàng, nhưng không ngày nào phải đối đầu với khó khăn lớn lao (Evangelii Gaudium, 44; Amoris Laetitia, 305).
I- Có thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể miễn là không gây cớ vấp phạm
Khi bạn đã có lòng ăn năn thống hối thật sự, hoặc theo lương tâm, bạn thấy mình không còn mang tội trọng, và với lòng ao ước, bạn có thể lãnh nhận Thánh Thể, nhưng phải tránh cớ vấp phạm. Theo nguyên tắc này, việc lãnh nhận Thánh Thể của người rối hôn phối có thể chấp nhận được trong một số trường hợp sau:
Rước Lễ ở một nhà thờ, mà ít người biết đến bạn
Khi bạn đến cư ngụ ở nơi xa lạ hoặc ở một thành phố mà các tín hữu không biết tình trạng rối hôn phối của bạn. Bạn có thể rước Lễ mà không gây cớ vấp phạm (scandal).
Bạn có rước Lễ ở một giáo xứ khác
Bạn cũng có thể rước Lễ ở một giáo xứ khác, nếu ở đó không ai biết và quan tâm đến tình trạng rối hôn phối của bạn.
Có thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể theo quy định của Bản Quyền địa phương
Các Giám Mục giáo phận, sẽ có những cách thức giúp bạn hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, nhưng cần tránh mọi dịp gây cớ vấp phạm (Amoris Laetitia, 299).
Bạn hãy hỏi thăm cha sở xem Giáo phận bạn đang ở, có những quy định nào cho việc bạn có thể đón nhận các Bí tích, và bạn hãy tuân phục theo những quy định đó. Tông huấn Amoris Laetitia dành cho các Giám Mục có quyền ấn định những phương thức để bạn có thể hội nhập vào cộng đồng Giáo hội địa phương. Trong nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của mình, các ngài sẽ có những sáng kiến và áp dụng cụ thể dành cho bạn.
Phần kết
Qua những phân tích giúp bạn biện phân để sống đạo, hy vọng bạn sẽ lấy lại niềm tin, nếu bạn đã chán nản thất vọng. Bạn có thể bạn đã thấy mình không phải là bị dứt phép thông công, bị tội nặng, bị mất mọi ơn thánh hóa. Tuy nhiên, không nên dừng lại ở câu hỏi: Có được xưng tội, được rước Lễ hay không, nhưng bạn cần an tâm tiến bước trên con đường đến với Chúa. Sự cố gắng hoán cải, canh tân đời sống là quan trọng hơn hết. Ngay trong hoàn cảnh bên ngoài được coi là không đàng hoàng, là tội lỗi của bạn, bạn vẫn có thể tiến đức, ngay cả có thể nên thánh trong hoàn cảnh đó. Hãy nhớ tới lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:
Vì suy nghĩ mọi sự đều đen và trắng, nên đôi khi ta đóng kín đường ơn thánh và đường tăng trưởng, không khuyến khích các nẻo đường nên thánh nhằm đem vinh quang lại cho Thiên Chúa. Ta hãy nhớ điều này “giữa các giới hạn lớn lao của con người, một bước nhỏ cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn cả một đời bề ngoài có vẻ đàng hoàng, nhưng không ngày nào phải đối đầu với khó khăn lớn lao” (Amoris Laetitia, 305).