Giáo lý cho bài giảng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A
Thứ tư - 14/06/2023 22:29
288
Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 210-211, 604: Lòng Chúa Thương Xót
Số 430, 478, 545, 589, 1365, 1439, 1825, 1846: Tình yêu của Đức Kitô dành cho tất cả mọi người
Số 2669: Trái Tim Đức Kitô đáng tôn thờ
Số 766, 1225: Hội Thánh được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Kitô
Số 1432, 2100: Tình yêu của Đức Kitô lay động tâm hồn chúng ta
Bài Ðọc I: Ðnl 7, 6-11
Bài Ðọc II: 1 Ga 4, 7-16
Phúc Âm: Mt 11, 25-30 |
210. Sau khi dân Israel phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa để quay sang thờ con bê bằng vàng[1], Thiên Chúa đã nghe lời chuyển cầu của ông Môisen và chấp nhận đồng hành giữa đám dân bất trung, qua đó biểu lộ tình yêu của Ngài[2]. Khi ông Môisen xin được thấy vinh quang Thiên Chúa, Ngài trả lời: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Chúa [YHWH] trước mặt ngươi" (Xh 33,18-l9). Và Chúa đi qua trước mặt ông Môisen và hô to: “Chúa, Chúa [YHWH,YHWH], Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,5-6). Lúc đó ông Môisen tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa hay tha thứ[3].
211. Thánh Danh “Ta Hiện Hữu” hoặc “Đấng Hiện Hữu” diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng “giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,7) cho dù con người có bất trung, tội lỗi, đáng phải trừng phạt. Thiên Chúa mạc khải rằng Ngài “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), đến noi trao ban chính Con Một của Ngài. Chúa Giêsu, khi hiến mạng sống mình để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, sẽ mạc khải rằng chính Người mang danh thánh của Thiên Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là ‘Tôi Hiện Hữu’” (Ga 8,28).
604. Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10)[4]. “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
430. Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ của Người[5]. Bởi vì không ai “có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7), cho nên, trong Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Ngài, đã làm người, chính Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Như vậy, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa tóm kết toàn bộ lịch sử cứu độ của Ngài cho nhân loại.
478. Trong cuộc đời của Người, trong lúc Người hấp hối và trong lúc Người chịu khổ nạn, Chúa Giêsu biết và yêu thương mọi người và từng người chúng ta, và Người đã tự hiến mạng vì mỗi người chúng ta. Con Thiên Chúa “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Người đã yêu mến tất cả chúng ta bằng một trái tim nhân loại. Do đó Trái Tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta[6], “được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu, qua đó Đấng Cứu Chuộc thần linh hằng liên lỉ yêu mến Chúa Cha vĩnh cửu và yêu mến tất cả mọi người”[7].
545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[8]. Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ[9], và “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc l5,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
589. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm đặc biệt bởi vì Người đã đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính Thiên Chúa đối với họ[10]. Người còn đi đến chỗ muốn cho người ta hiểu rằng, qua việc Người đồng bàn với các tội nhân[11], Người đón nhận những người đó vào bàn tiệc của Đấng Messia[12]. Nhưng đặc biệt khi Người tha tội, Chúa Giêsu đã đặt các nhà cầm quyền tôn giáo của Israel trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đã chẳng sửng sốt nói rất đúng sao: “Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)? Chúa Giêsu, khi Người tha tội, thì hoặc là Người nói phạm thượng, bởi vì là người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa[13], hoặc là Người nói đúng, thì như vậy, Con Người của Người làm hiện diện và mạc khải thánh Danh của Thiên Chúa[14].
1365. Bởi vì là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, nên bí tích Thánh Thể cũng là một hy tế. Tính chất hy tế của bí tích Thánh Thể được biểu lộ trong chính các lời thiết lập bí tích này: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô ban chính thân mình đã bị nộp vì chúng ta trên thập giá, ban chính máu mà Người đã đổ ra “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
1439. Chúa Giêsu đã mô tả tiến trình hối cải và thống hối một cách tuyệt vời trong dụ ngôn quen được gọi là dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” mà trọng tâm của nó là “Người cha nhân hậu”[15]: sự quyến rũ của một thứ tự do sai lạc, việc rời bỏ nhà cha; sự đau khổ cùng cực sau khi phung phí tất cả tài sản; sự nhục nhã sâu xa khi thấy mình phải đi chăn heo, và còn tệ hơn nữa, ước muốn ăn cám heo mà không được; việc suy nghĩ lại về những điều thiện hảo đã bị đánh mất; sự hối hận và quyết định nhận mình có lỗi trước mặt cha; con đường trở về; việc đón nhận bao dung của người cha; niềm vui của người cha: Đó là những nét tiêu biểu của tiến trình hối cải. Áo đẹp, nhẫn và tiệc mừng là những biểu tượng của một đời sống mới, thanh sạch. xứng đáng, tràn ngập niềm vui, đó là đời sống của người trở về cùng Thiên Chúa, giữa lòng gia đình của Ngài, là Hội Thánh. Chỉ trái tim Đức Kitô, Đấng thấu suốt các tầng sâu thẳm của tình yêu của Cha Người, mới có thể mạc khải cho chúng ta tận đáy lòng thương xót của Thiên Chúa một cách đơn sơ và đầy vẻ đẹp như vậy.
1825. Đức Kitô đã chịu chết vì yêu mến chúng ta, khi chúng ta còn là “thù nghịch” (Rm 5,10). Chúa đòi chúng ta rằng, cũng như Người, chúng ta phải yêu mến cả kẻ thù của chúng ta[16], rằng chúng ta phải trở thành người lân cận cho những kẻ ở xa nhất[17], rằng chúng ta phải yêu thương trẻ em[18] và người nghèo như chính Người[19].
Thánh Tông Đồ Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
1846. Tin Mừng là sự mạc khải, trong Chúa Giêsu Kitô, lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân[20]. Thiên thần loan báo điều này cho ông Giuse: “Ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Cũng chính điều đó được nói đến trong Thánh Thể, bí tích của Ơn cứu chuộc: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
2669. Cũng như việc khẩn nguyện Danh cực thánh của Chúa Giêsu, kinh nguyện của Hội Thánh còn tôn sùng Thánh Tâm Người. Việc tôn sùng này tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể và Thánh Tâm của Người, Thánh Tâm vì yêu thương loài người, đã để cho bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta. Kinh nguyện Kitô giáo cũng mộ mến đi Đàng Thánh Giá, theo chân Đấng cứu độ. Các chặng từ dinh Tổng trấn đến đồi Gôlgôtha và Mộ Thánh làm thành con đường của Chúa Giêsu, Đấng đã cứu chuộc trần gian bằng thánh giá của Người.
766. Nhưng Hội Thánh được sinh ra một cách chủ yếu từ việc hiến thân trọn vẹn của Đức Kitô để cứu độ chúng ta, việc hiến thân ấy được thể hiện trước trong việc thiết lập bí tích Thánh Thể và được thực hiện trên thập giá. “Sự khởi đầu và tăng trưởng của Hội Thánh được đánh dấu bằng việc máu và nước trào ra từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá”[21]. “Chính từ cạnh sườn của Đức Kitô yên nghỉ trên thập giá đã phát sinh bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội Thánh”.[22] Như bà Evà được tạo ra từ cạnh sườn của ông Ađam, thì cũng vậy, Hội Thánh được sinh từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô chết trên thập giá[23].
1225. Trong cuộc Vượt Qua của mình, Đức Kitô đã khai mở các nguồn mạch của bí tích Rửa Tội cho tất cả mọi người. Quả vậy, Người đã nói về cuộc khổ nạn Người sẽ phải chịu tại Giêrusalem như một “Phép Rửa” mà Người phải lãnh nhận[24]. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu chịu đóng đinh[25], là những điển hình của bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, là những bí tích của đời sống mới[26]: từ lúc đó, người ta có thể được “sinh ra bởi nước và Thần Khí” để vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).
“Hãy xem, bạn được rửa tội ở đâu, bí tích Rửa Tội là từ đâu nếu không phải là từ Thánh Giá của Đức Kitô, từ sự chết của Người. Toàn bộ mầu nhiệm là ở đó, bởi vì Người đã chịu khổ hình vì bạn. Trong Người, bạn được cứu chuộc; trong Người, bạn được cứu độ”[27].
1432. Lòng người nặng nề và cứng cỏi. Con người phải được Thiên Chúa ban cho một trái tim mới[28]. Hối cải trước hết là công trình của ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho lòng chúng ta trở lại với Ngài: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Chúa, để chúng con trở về” (Ac 5,21). Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta bắt đầu lại. Tâm hồn chúng ta, một khi khám phá ra sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, sẽ bị chấn động vì sự khủng khiếp và nặng nề của tội lỗi và bắt đầu sợ không dám phạm tội xúc phạm Thiên Chúa và sợ bị xa lìa Ngài. Lòng người hối cải, khi nhìn lên Đấng đã bị tội lỗi chúng ta đâm thâu[29].
“Hãy chiêm ngắm Máu Đức Kitô và nhận biết rằng Máu ấy quý giá biết bao đối với Thiên Chúa là Cha Người, Máu ấy, khi đổ ra để cứu độ chúng ta, đã mang lại cho toàn thế giới ơn thống hối”[30].
2100. Hy lễ bên ngoài, để có thể là hy lễ thật, phải là sự diễn tả của hy lễ tinh thần: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát ...” (Tv 51,19). Các tiên tri thời Giao Ước cũ thường tố cáo các hy lễ được thực hiện mà không có sự tham dự nội tâm[31] hay không được liên kết với tình yêu đối với người lân cận[32]. Chúa Giêsu nhắc lại lời của tiên tri Ôsê: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13; 12,7)[33]. Chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta[34]. Khi chúng ta kết hợp mình với hy lễ của Người, chúng ta có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa.
"Chúa đã yêu thương và tuyển chọn các ngươi".
Bài trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã chọn các ngươi để làm dân riêng của Người giữa mọi dân tộc trên mặt đất. Không phải vì các ngươi đông số hơn mọi dân tộc khác mà Thiên Chúa gắn bó với các ngươi và tuyển chọn các ngươi, vì thực ra, các ngươi ít số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập. Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. Người báo oán ngay những kẻ thù ghét Người, bằng cách tiêu diệt chúng không trì hoãn, trả báo tức khắc như chúng đã đáng tội. Vì vậy các ngươi hãy tuân giữ điều răn, nghi lễ và lề luật mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, để các ngươi thi hành".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 10
Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
2) Người đã thứ tha cho (ngươi) mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
3) Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.
Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.
Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
"Thiên Chúa thương yêu chúng ta trước".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.
Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Ðấng Cứu Thế.
Ai tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.
"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.
"Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là lời Chúa.
Nguồn: hdgmvietnam.com
ĐGH Piô XII, Thông điệp Haurietis aquas: DS 3924; x. Ibid., Thông điệp Mystici corporis: DS 3812.
CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.
CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 5: AAS 56 (1964) 99.
X. Thánh Ambrôsiô, Expositio evangelii secundum Lucam 2,85-89: CCL 14, 69-72 (PL 15, 1666-1668).
Thánh Ambrôsiô, De Sacramentis, 2,2,6: CSEL 73, 27-28 (PL 16,425-426).
Thánh Clêmentê Rôma, Epistula ad Corinthios, 7,4: SC 167, 110 (Funk 1, 108).