Truyền thông xã hội với người trẻ và gia đình trẻ: những hệ lụy nhìn từ góc độ tâm lý học

Chủ nhật - 20/12/2020 22:03  1168
fKhông thể phủ nhận, kể từ khi những phương tiện truyền thông phát triển cùng với cuộc cách mạng Internet, đời sống xã hội đã có những thay đổi thật rõ nét theo chiều hướng tích cực và phát triển. Những khái niệm mới về truyền thông cũng bắt đầu xuất hiện cùng với sự phát triển này. Nói khác hơn, truyền thông đã bắt đầu một cuộc chuyển tiếp từ truyền thống sang những cách thức hiện đại. Sự chuyển tiếp này là sự phát triển. Tuy thế, nó cũng để lại không ít những hệ lụy. Từ góc nhìn của tâm lý học, bài viết này xin được góp một góc nhìn về một số hệ lụy của nó trên những người trẻ và các gia đình trẻ thời đại @ này.
1. Một số khái niệm
1.1 Truyền thông
Từ ngữ “truyền thông” (communication) bắt nguồn từ gốc tiếng Latinh “communicare” với ý nghĩa là chia sẻ, truyền tải, truyền đạt. Truyền thông, vì thế, được định nghĩa như quá trình chia sẻ, truyền tải dữ liệu, thông tin, ý tưởng, ý nghĩ, ý kiến hoặc tri thức... từ một người hoặc nhóm người đến một người hoặc nhóm người khác. Qua quá trình tương tác qua lại này, hai bên sẽ hiểu biết nhau hơn, hoặc thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi.
Quá trình truyền thông bao gồm các yếu tố cơ bản sau:
- Nguồn: là yếu tố mang thông tin và khởi xướng quá trình truyền thông. Nói cách khác, đây là người phát thông tin.
- Thông điệp: là nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận thông tin.
- Kênh truyền thông: là các phương tiện, con đường, cách thức chuyển tải thông điệp từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận.
- Người nhận: là cá nhân hay nhóm người tiếp nhận thông điệp trong quá trình truyền thông.
- Phản hồi: là thông tin ngược, là dòng chảy của thông điệp từ người nhận trở về nguồn phát.
- Nhiễu: là yếu tố gây ra sự sai lệch thông tin trong quá trình truyền thông.
1.2 Truyền thông xã hội

Theo Andreas Kaplan và Michael Haenlein, truyền thông xã hội là “những ứng dụng Internet xây dựng trên nền tảng công nghệ và lý tưởng của web 2.0, tạo điều kiện cho việc kiến tạo và trao đổi thông tin của người dùng”[1].
Murphy[2] cho rằng truyền thông xã hội đơn giản là công cụ truyền thông mà công chúng có thể tạo ra và trao đổi thông tin trên mạng internet.
Theo tác giả Nguyễn Khắc Giang, cần lưu ý sự khác biệt giữa truyền thông xã hội (social media) và mạng xã hội (social network). Theo tác giả, “Về mặt bản chất công nghệ, hai khái niệm này đều cùng chỉ một bản thể: đó là những website dựa trên nền tảng web 2.0 để giúp người sử dụng có thể tạo lập và truyền tải thông tin. Tuy vậy, thuật ngữ truyền thông xã hội mang nghĩa rộng hơn, bao hàm cả phương tiện lẫn nội dung, trong khi mạng xã hội nhấn mạnh nhiều hơn đến nền tảng công nghệ tạo ra nó”[3].
Truyền thông xã hội là phương thức dựa vào sức mạnh lan tỏa và tương tác mạnh của các mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Youtube, Linkedln, Blog, Forum... để truyền đi những thông điệp. Với đặc tính đa chiều, không gian tương tác rộng, kênh truyền thông xã hội truyền tải thông điệp nhanh hơn, lan truyền rộng rãi hơn và mạnh mẽ hơn. Đồng thời, kênh truyền thông này còn tạo được sự tương tác mạnh mẽ đối với công chúng.
Tóm lại, truyền thông xã hội cũng bao gồm những yếu tố của truyền thông. Hệ thống mạng xã hội chính là kênh truyền thông đặc biệt của quá trình truyền thông xã hội. Vì thế, có thể nói những ảnh hưởng của kênh truyền thông này cũng bao hàm trong những hệ lụy của truyền thông xã hội được đề cập tới trong bài viết.
1.3 Người trẻ trong bối cảnh của truyền thông xã hội
Trong bối cảnh của truyền thông xã hội, giới trẻ/người trẻ được hiểu rộng hơn so với quy chuẩn theo sự phát triển của tâm lý và thể lý. Ở nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam theo Nghị định 27/2018/NĐ-CP, người sử dụng Internet dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp như cha, mẹ sẽ quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó.
Như vậy, trẻ em dưới 14 tuổi dùng mạng xã hội phải được cha, mẹ đồng ý và nếu đồng ý, chính cha, mẹ sẽ dùng thông tin cá nhân của mình để đăng ký tài khoản cho con trên mạng xã hội. Nói cách khác, từ 14 tuổi trở lên, trẻ có thể tham gia vào mạng xã hội, họ có thể tiếp cận thông tin của truyền thông xã hội.
Tình trạng này đã được quan tâm từ nhiều quốc gia. Tại một số nước thuộc liên minh Châu Âu, việc nâng độ tuổi người tham gia hợp pháp từ 13 lên 16 tuổi cũng đã từng được đặt ra. Trong thực tế, hiện nay ở Việt Nam, số trẻ em dưới 14 tuổi tham gia các mạng xã hội không phải là ít. Việc tham gia của các em hầu như không được sự kiểm soát của phụ huynh.
Nói tóm lại, khái niệm người trẻ trong bài viết sẽ nói tới những người từ dưới tuổi trưởng thành đã và đang tham gia vào mạng xã hội.
1.4 Gia đình trẻ
Theo luật hiện hành của Việt Nam, các bạn nữ 18 tuổi và nam 20 tuổi đủ điều kiện để kết hôn. Như thế, các gia đình kết hôn khi đủ tuổi theo luật trong những năm đầu đời hôn nhân được gọi là những gia đình trẻ. Bởi họ là những người vẫn đang trong độ tuổi của những người trẻ.
Tuy nhiên, tính từ “trẻ” cũng có thể hiểu là “mới vào nghề”. Vì thế, chúng tôi cũng hạn định trong bài viết về cả những gia đình dù không còn nằm trong độ tuổi “người trẻ” nhưng mới chỉ sống đời sống hôn nhân và gia đình trong thời gian ngắn.
2. Những hệ lụy
2.1 Những hệ lụy trên người trẻ
Mùa hè năm 2014, liên đoàn Thanh Sinh Công Sài gòn đã tổ chức Đại hội với chủ đề: “Thời mạng xã hội - Sinh viên tìm kiếm giá trị thật”. Sau những ngày làm việc cùng nhau qua việc quan sát, thảo luận, tìm hiểu thực trạng sử dụng Mạng xã hội hiện nay, cũng như những ảnh hưởng của nó đối với giới trẻ các bạn đã ra tuyên bố chung:
“Chúng tôi nhận thức được rằng, mạng xã hội góp phần quan trọng trong cuộc sống của con người.
Lợi ích của mạng xã hội là truyền tải và thu nhận thông tin, kết nối các mối quan hệ, học tập nghiên cứu, chia sẻ cảm xúc suy nghĩ một cách tự do, phục vụ cho công việc và cuộc sống của từng người.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, sử dụng mạng xã hội không đúng cách, dẫn đến nhiều mối đe dọa và ảnh hưởng lớn đến đời sống của giới trẻ như: Nghiện mạng xã hội, mất thời gian cho những việc khác, lơ là những mối tương giao trực tiếp với mọi người xung quanh, sống ảo tưởng, ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm trí nhớ, thông tin cá nhân bị sử dụng theo cách mình không thể kiểm soát. Điều nguy hiểm nhất là không phân định được giá trị ảo - thật trong cuộc sống”. Bài viết này xin được góp thêm cách rõ hơn dưới góc độ tâm lý về các hệ lụy này.
2.1.1 Sự phát triển nhân cách lệch lạc
a. Nhân cách ái kỷ

Trong tác phẩm “Hành trình tự do”, tác giả nhận định: “Các nhà tâm lý trị liệu cũng như thần học đều rất quan tâm đến sự ái kỷ đáng sợ đang gia tăng trong thời đại hiện nay, đó là một thứ não trạng quy ngã chỉ quan tâm đến cuộc sống và cảm xúc của mình. Kẻ ái kỷ thì sa sút ý thức tội lỗi một cách nghiêm trọng, bởi vì tha nhân và quyền lợi của tha nhân chẳng có nghĩa lý gì đối với họ. Chỉ mình họ mới đáng kể. Mọi người khác chỉ là công cụ để họ sử dụng và đáp ứng nhu cầu của mình. Họ chỉ quan tâm đến cảm xúc, kế hoạch và khát vọng của mình, chứ không hề quan tâm đến ai khác. Vì thế, khi họ theo đuổi mục tiêu của mình, nếu có ai bị giẫm đạp hay bị tổn thương, thì điều đó chẳng hề làm họ đau đớn. Thậm chí, họ cũng không nhận ra sự khốn khổ của những người bị tổn thương. Cảm thấy điều gì có lợi cho mình là họ làm, bất chấp người khác có bị thiệt hại và tổn thương hay không. Nếu có điều gì khó khăn, thì cần gì phải nỗ lực, bất chấp sự phiền hà mà người khác phải chịu. Thậm chí kẻ ái kỷ cũng không cần phải biện minh cho mình. Họ đâu cần phải nói: “Cảm xúc của người khác chẳng có gì quan trọng!” bởi vì họ ít khi nhận ra cảm xúc bị tổn thương của người khác. Họ quan tâm về mình đến mức, họ khó nhận biết nỗi đau và niềm vui của tha nhân. Thế giới của kẻ ái kỷ khởi đi từ chính mình và cũng kết thúc nơi mình”[4].
Tuy thế, chúng ta cũng cần phân biệt với “ái kỷ sơ khai” (primary narcissism) theo Sigmund Freud viết trong bài “Ông hoàng sơ sinh” (1914) về giai đoạn đầu tiên của một đứa trẻ sơ sinh. Theo M. Barnett[5], “Trẻ sơ sinh cần phải tự yêu mình và ích kỷ khi mới sinh ra, đây là một cơ chế tiến hóa, giúp cho những nhu cầu cơ bản của chúng được đáp ứng, giúp chúng tồn tại”.
Như vậy, xu hướng ái kỷ là điều mà mọi chúng ta đều đã trải qua khi còn là trẻ nhỏ, nhằm giúp chúng ta sinh tồn và phát triển. Jeffrey Kluger nêu ra ba đặc điểm, mà ông gọi là “hạt giống của chứng ái kỷ” có thể phát triển thành chứng rối loạn nhân cách ở người trưởng thành. Đó là: thiếu đồng cảm, thiếu khả năng kiểm soát ham muốn và thiếu sự ăn năn hối lỗi. Nhưng điều lo ngại là nếu trong quá trình trưởng thành, cơ chế này không được định hình và uốn nắn thì nó có thể dẫn tới chứng rối loạn nhân cách ở người trưởng thành.
Các nhà tâm lý học mới đây đã cảnh báo việc selfie có thể gây ảnh hưởng không tốt, thậm chí có thể gây nghiện và làm tăng sự ái kỷ của cá nhân đó. Nguyên do chứng ái kỷ gắn liền với lối sống xa hoa, chú trọng hình ảnh, danh tiếng. Trường hợp của Danny Bowman, 19 tuổi, sống ở Anh, bị nghiện chụp ảnh selfie là một ví dụ. Do những phản hồi chê bai về những tấm hình selfie, cậu đã đi đến mức tự tử. Tiến sĩ David Veal, một nhà tâm thần học phụ trách chữa trị cho Danny, cho biết trường hợp của Danny khiến ta không thể phủ nhận tính nghiêm trọng của vấn đề. “Đây không đơn thuần là sự phù phiếm nữa. Nó là một căn bệnh tâm lý dẫn tới tỉ lệ tự tử rất cao”.
Trào lưu gắn liền đời sống với mạng xã hội của người trẻ Việt Nam có thể cũng đang là sự góp phần cho việc hình thành nên những nhân cách của một thế hệ trẻ tự yêu mình, ít hòa nhập với xã hội.
b. Nhân cách dửng dưng
Nhà tâm lý học cá nhân Alfred Adler (1870-1937) cho rằng, thiếu “sự quan tâm xã hội” chính là tình trạng không lành mạnh của sức khỏe tâm thần. Nó có nguy cơ dẫn đến tình trạng: thất bại, thần kinh, điên loạn, nghiện ngập, tự tử.... Mục tiêu của những người này là vinh quang cho riêng họ. Theo ông, những “quan tâm xã hội” là kết quả của cả hai quá trình bản năng và học tập. Dù nó đã được lập trình sẵn, nhưng nếu không được nuôi dưỡng và phát huy, nó sẽ biến mất dần.
Theo ông, thiếu hay đầy đủ “sự quan tâm và hứng khởi xã hội” sẽ dẫn tới 4 type nhân cách: 1) người thích điều khiển người khác: hay gây gổ, gạt bỏ người khác để đạt được mục đích của mình; gây sức ép với người khác nhiều khi bằng con đường nghiện ngập, rượu chè và tự sát. 2) Người dựa dẫm: ít nhiệt huyết, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, dễ mắc chứng phobie, ám ảnh, loạn thần kinh, mất trí nhớ. 3) Người né tránh: chạy trốn mọi người, co cụm, cô lập. 4) Người có lợi cho xã hội: suy nghĩ lành mạnh.
Khi những người trẻ tham gia vào mạng truyền thông xã hội, họ “bơi” trong một thế giới tràn ngập những hình ảnh và thông tin mà họ cũng chẳng có đủ thời gian để đọc, để xem xét một cách đầy đủ. Nhìn từ bên ngoài, xem ra những người đang tham gia vào hệ thống truyền thông này biết nhiều vấn đề, sự kiện. đang diễn ra trên thế giới; nhưng có nguy cơ chai lỳ cảm xúc trước những điều đang tràn ngập bên cạnh mình và trở thành những người sống dửng dưng trước mọi vấn đề, mọi con người mà họ gặp gỡ.
Những nút “like” được nhấn vội vàng chỉ để nhằm cho những người khác thấy mình nhạy tin, biết chuyện. Bên cạnh những nút “like”, những nút “share” cũng được bấm một cách vô tội vạ, ngay cả khi họ cũng chưa biết đủ thông tin đó là gì cách sâu xa. Những nút “like” và “share” này, tự nó, không phải là nguyên nhân; chính những người đang sử dụng nó là nguyên nhân chính. Bởi lẽ, họ đang muốn chứng tỏ mình là người nhạy tin, hiểu biết... trong thực tế, hành vi của họ cho thấy họ cần đám đông ủng hộ nhưng lại thiếu mất sự quan tâm xã hội cách đích thực. Chính sự thiếu quan tâm đủ, thiếu đồng cảm cho những vấn đề xã hội, những con người, những sự kiện mà họ đang “like” và “share” cho thấy sự dửng dưng của họ.
c. Nghiện ngập và lệ thuộc
Nghiện là sự lặp lại liên tục của một hành vi bất chấp hậu quả xấu. Nghiện ngập làm hư hỏng thể xác, tiền bạc, tâm trí và thanh danh của con người và gia đình họ.
Khái niệm nghiện ngập đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Từ chỗ khái niệm đó chỉ sự lệ thuộc vào chất gây nghiện như rượu, thuốc lá, các loại ma túy và các loại thuốc gây nghiện tương tự. đến chỗ khái niệm này chỉ cả những người lệ thuộc vào những thứ khác như: cờ bạc, tình dục, mua sắm. và gần đây, là việc sử dụng smartphone, internet, facebook.
Cho tới nay, chưa có mã bệnh nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại thông minh, nghiện máy tính nối mạng Internet. Tuy thế, dựa trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu nhận thấy rằng nét tính cách trầm cảm và việc tự hạ thấp bản thân liên quan đến việc sử dụng và nghiện facebook. Qua quan sát và số liệu thực, người ta thấy ngày càng nhiều bạn trẻ phải nhập bệnh viện tâm thần điều trị bệnh trầm cảm, hoang tưởng vì chứng nghiện mạng xã hội, sử dụng điện thoại liên tục nhiều giờ. Điều này khiến nhiều người không khỏi giật mình vì thói quen “ôm” điện thoại, máy tính, vào mạng xã hội đã trở nên phổ biến ở cả trẻ em lẫn người lớn.
Nghiện ngập tự nó dẫn đến những hành vi lệ thuộc vào chất gây nghiện. Cũng thế, việc nghiện ngập công nghệ truyền thông quá nhiều sẽ gây ra tình trạng phụ thuộc. Đối với nhiều người trẻ và cả người trưởng thành, mạng xã hội đã trở thành một thói quen, đam mê hằng ngày không thể thiếu, dễ dẫn tới hiện tượng “nghiện” ở nhiều bạn trẻ, khi không kiểm soát được thói quen này. Điều này khiến họ bỏ quên thời gian dành cho học tập, công việc, dần biến họ thành những người phụ thuộc và bị thao túng thời gian, thậm chí cả quyền riêng tư, sức khỏe, vật chất... Ví dụ, khi gặp vấn đề nào khó khăn thì điều đầu tiên họ nghĩ tới là “google” và tìm kiếm thông tin. Khi bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ truyền thông, người trẻ sẽ dần cảm thấy không thể thiếu và rời xa được những thói quen này; cảm giác gần gũi, trò chuyện với bố mẹ, người thân và bạn bè sẽ dần mất đi; chúng thường có xu hướng phản ứng dữ dội khi bị ngăn cản chơi và sử dụng các thiết bị công nghệ này, không nghe bất cứ điều gì từ ba mẹ chúng.
Sự lệ thuộc này không hiểu theo nghĩa của chẩn đoán những dạng rối loạn nhân cách lệ thuộc; nhưng đó là nguy cơ tiềm ẩn cho các gia đình trẻ. Chúng tôi sẽ bàn tới ở phần sau.
Theo đánh giá của chuyên gia, việc nghiện ngập mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng, khiến hệ thống não bộ của con người hoạt động mất cân bằng, giảm khả năng tiếp thu, gây những bất thường về tâm lý, thậm chí dẫn tới tâm thần. Dù nghiện ngập là một thứ bệnh làm đảo lộn hệ thống dây thần kinh não bộ, đặc biệt ở giới thanh niên; nhưng sự biến đổi này không phải vĩnh viễn nếu hiểu biết sâu xa vấn đề ta có thể cải thiện và sửa chữa.
d. Sống ảo
Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy, việc lệ thuộc vào những thiết bị công nghệ truyền thông sẽ khiến người trẻ gặp nhiều vấn đề về mặt cảm xúc, kỹ năng xã hội... Đặc biệt, khi bị lệ thuộc vào các công nghệ truyền thông, hay chính xác hơn là mạng xã hội, người trẻ thường xa lánh với cuộc sống bên ngoài, gặp vấn đề khi giao tiếp, các kỹ năng sống cũng bị mất dần đi. Đối với không ít người, việc tiếp xúc và giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ là điều vô cùng quan trọng, nhưng khi bị lệ thuộc vào thế giới công nghệ và mạng xã hội, cuộc sống của trẻ sẽ trở nên đơn giản, vắn tắt, khá đơn điệu và nhàm chán, các kỹ năng xã hội gần như không có.
Điều đáng nói, khi người trẻ có kỹ năng xã hội kém, họ sẽ cảm thấy rất khó để giao tiếp với mọi người vì thế sẽ co mình lại, rất dễ cảm thấy cô đơn, trầm cảm và xa lánh cuộc sống. Theo ThS. Trần Mạnh Hoàng, họ dần bị rơi vào ảo giác: ăn, ngủ, nằm mơ… trong thế giới ảo, cứ như thế chúng tách biệt với thế giới bên ngoài và rơi xuống những hố sâu mà chúng không có phản kháng gì. Và khi chúng bước ra cuộc sống thực, tâm lý cô đơn, bơ vơ, hoang mang và sợ hãi là điều dễ hiểu.
Đàng khác, bước vào thế giới mạng xã hội, người trẻ sống trong một thứ ảo tưởng quyền lực, ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Trong mạng xã hội, họ có thể tô vẽ về bản thân họ theo cách của họ muốn từ vóc dáng, thể hình cho đến tính cách, năng lực và nhiều thứ khác mà họ mong muốn... cũng không sao.
Tại Hội thảo “Tác động của Mạng xã hội tới tâm lý người dùng” gần đây, các nhà chuyên môn ở Việt Nam đã cảnh báo những dấu hiệu từ nghiện mạng xã hội đến sống ảo; dần dần phát triển thành những bệnh lý tâm thần như trầm cảm và đặc biệt là hoang tưởng.

Một vài kết quả và nhận định từ Dailymail cho thấy: thế giới số đang làm thay đổi xã hội theo cách khiến chúng ta có cảm giác như đang bị giám sát. Mọi hành động của chúng ta đang bị theo dõi và mọi việc chúng ta làm được ghi lại theo cách nào đó qua internet. Điều đó có thể gây ra cảm giác lo âu về việc có ai đó muốn gây hại cho bạn hoặc theo dõi bạn[6]. Chứng hoang tưởng có thể được phân loại từ nhẹ tới nặng, từ ảo tưởng tới những nghi ngờ phóng đại. Người trẻ có nguy cơ cao nhất vì họ sử dụng mạng xã hội nhiều[7]. Theo báo cáo, 18.778 trẻ em từ 11 đến 18 tuổi ở Anh và xứ Wales đã được nhập viện vì tự gây tổn thương vào năm 2015-2016 - tăng 14% so với năm trước. Mạng xã hội bị xem là nguyên nhân về sự gia tăng tỷ lệ tự làm hại ở giới trẻ[8].
Evgeny Morozov trong cuốn sách The Net Delusion (Ảo tưởng trên mạng) chỉ trích rằng, các mạng xã hội đã tạo ra một thế hệ của những “slacktivists” (một khái niệm mới xuất hiện, chỉ những người chỉ tham gia những hoạt động xã hội bằng cách cập nhật status hoặc trang hoàng blog với những lời lẽ đãi bôi, thay vì dấn thân hoạt động thật sự). Mạng xã hội đang khiến con người trở nên chây lười và sống trong sự ảo tưởng rằng hành vi nhấn chuột cũng tương đương với việc tham gia một hoạt động nhân đạo cần đến sự đóng góp tiền bạc và thời gian.
Nói cách khác, thế giới của mạng xã hội cho phép họ vượt ra khỏi sự tự ti vốn có của họ. Nó cho họ cái quyền được thể hiện mình như mình muốn và rất tự tin để thực hiện vì nó ảo. Họ cảm thấy mình có được sức mạnh hơn trong đời thực, mình có những quyền lực riêng trong thế giới ảo này và được quyền sử dụng quyền lực đó. Chính khi sống trong một thế giới ảo mà dần dần hành vi và ứng xử của người trẻ cũng dần dần thay đổi mỗi ngày.
e. Thay đổi hành vi và ứng xử bạo lực

Các tác giả H. Long, Phạm Ngọc và Quỳnh Hương trong bài viết “Tội đồ truyền thông”[9] ghi nhận: theo thống kê, cả nước hiện nay có khoảng 5 triệu người chơi game online thường xuyên, trong đó có khoảng 1 triệu game thủ chuyên nghiệp. Số game online người Việt Nam có thể chơi là 35, trong đó, 27/35 game mang tính bạo lực (77%), 9/27 game bạo lực (33%). Ở góc độ nhập vai trong các game bạo lực, có tới 10/27 game có góc độ nhập vai không rõ ràng (đâm chém, bắn giết không phân biệt tốt xấu).
Đàng khác, tràn lan trên internet và các trang mạng xã hội những thông tin, những bài hát, những video clip mang tính bạo lực, cổ võ lối sống tự do tình dục, ... Chúng nhiều đến độ, khi người trẻ nhìn thấy chúng, họ coi đó là những điều bình thường. Những điều bất thường đã trở thành điều bình thường và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi và những ứng xử của người trẻ.
Ở góc nhìn của tâm lý học, thông qua các mạng xã hội, truyền thông xã hội đang làm thay đổi hành vi và ứng xử của không ít người. Theo Watson, một hành vi xuất hiện khi xuất hiện kích thích. Tự nó, đó là một phản xạ có điều kiện. Hành vi đó, theo quan niệm của Thorndike và Skinner, sẽ tiếp diễn hoặc ngừng lại bởi chính sự ủng hộ hoặc cản trở nó.
Tâm lý đám đông đang có ảnh hưởng rất lớn trong tiến trình dẫn dắt hành vi của người trẻ. Hiện tượng tâm lý đám đông có thể là những sự kiện và hiện tượng đang diễn ra và thu hút họ; cũng có thể là những sự kiện đời thường, những nhân vật nổi tiếng. Thông thường, những thông tin từ ảnh hưởng của đám đông thường rất mơ hồ, khó đoán định và thiếu sót. những lại rất dễ bị dụ dỗ và cuốn hút. Và không chỉ như thế, những hành vi của đám đông cũng là hiện tượng dễ bị cuốn hút người trẻ. Họ “ném đá” nhau mà không cần biết sự thực đàng sau tất cả là gì. Họ bày tỏ thái độ với tất cả mọi vấn đề; thậm chí có vấn đề chẳng quan trọng và chẳng liên quan đến họ. Chỉ cần đông người là đủ.
Nguy hiểm hơn, việc thường xuyên chơi game online và sống trong ảo giác sẽ gây ra những hành vi dần ảnh hưởng đến đạo đức, làm tha hóa nhân cách, lệch lạc về nhận thức, từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực, có thể hủy hoại tương lai của giới trẻ. Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục, trộm cắp. xuất hiện ngày càng nhiều cũng một phần có lý do từ những phim ảnh đồi trụy, kích động bạo lực trên internet, những trò chơi khuyến khích con người hóa giải mâu thuẫn bằng việc “thanh toán” lẫn nhau; thậm chí có những bạn trẻ chết trên bàn phím vi tính vì bỏ ăn, quên ngủ để chơi game. Thói quen và những hành vi bất thường mang tính bạo lực đó cũng đã và đang được hành xử ngay trong thế giới thực khi mà những người trẻ đã bị nhiễm cách ứng xử từ sự biến đổi hành vi của họ từ thế giới mạng mà họ đã và đang tham gia mỗi ngày.
Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội cũng xác quyết: “Các phương tiện truyền thông đôi khi được dùng để làm tha hóa con người hay gạt bỏ ra ngoài lề rồi cô lập con người; lôi kéo con người vào những cộng đồng băng hoại được tổ chức xoay quanh các giá trị giả dối và phá hoại; cổ vũ sự thù nghịch và xung đột biến người khác thành ma quỷ, tạo ra một não trạng ‘phe ta' chống lại ‘phe chúng'; phô diễn những điều hèn hạ, thấp kém bằng sự hào nhoáng, trong khi lại không màng tới hay xem thường những gì cao quý và có giá trị, phổ biến những thông tin sai lạc, thất thiệt, hoặc ủng hộ những gì là xoàng xĩnh, tầm thường”.
2.1.2 Mất khả năng phân định

Những năm gần đây, người ta bắt đầu bàn về một thứ quyền lực mềm. Khái niệm này đã được đề xuất (1990)[10] và giải thích (2004)[11] bởi giáo sư Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard.
Theo Nye, quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn. Một đặc điểm của quyền lực mềm là không cưỡng bức, ép buộc; khác với quyền lực cứng, quyền lực mềm đạt được những gì mình muốn bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, và qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn. Đó là quyền lực mềm, thực hiện thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục.
Việc “like” và “share” những thông tin trên mạng xã hội cách vội vã và thiếu kiểm chứng, và được lồng vào trong đó cảm xúc của cá nhân đang tạo nên một hiệu ứng lây lan mang tính bầy đàn. Thậm chí, nhiều khi chỉ cần thấy tên của người đưa thông tin, tiêu đề của thông tin cũng đủ để cho nhiều người bình luận và thể hiện thái độ như những “anh hùng bàn phím” và như “những nhà đạo đức mạng”. Điều đó cho thấy mạng xã hội không có chỗ cho sự phản biện qua lại cách công bằng, thẳng thắn.
Đàng khác, chính sự thôi thúc bày tỏ thái độ như đi tìm và chứng tỏ quyền lực mềm của mình mà nhiều người đã tích cực đưa những thông tin mà mình chưa kiểm soát đủ; hay nói cách khác, thiếu sự phân định đúng/sai, thật/ảo của chính thông tin mình chia sẻ với cộng đồng. Còn nhớ, dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố, một trang mạng đã đưa thông tin với hình chụp một nữ tu trẻ đi trong đoàn diễu hành cùng với một ni cô trẻ với ý định gán ghép sự gian dối của chính quyền khi sử dụng các nữ tu giả. Thế là bức hình được chuyển tải cách chóng mặt và được liên kết với một bài viết cách đó vài năm trước về một trường hợp mạo danh nữ tu một hội dòng để đi lừa đảo. Thực ra, người ta không khó khăn để nhận thấy hình ảnh của hai người này khác nhau và cả tu phục họ mặc cũng khác nhau. Nhưng dường như sự phân định ảo - thật không còn nữa. Khi tìm ra được trang mạng đã đưa tin này lên đầu tiên, bản thân tôi đã viết thư nhắc nhở - chị nữ tu này là thật và là học trò của tôi - và họ đã gỡ bỏ xuống với lời xin lỗi; nhưng những người quen biết được tôi nhắn tin gỡ bài thì lại không thể thực hiện được.
Nicholas Carr, trên một bài xã luận viết cho tạp chí Atlantic, với tiêu đề được nhấn mạnh: Is Google making us stupid? (Google đang làm chúng ta ngu đi?) đã gợi ý rằng việc sử dụng Internet đã làm thay đổi cách thức chúng ta động não, qua đó làm giảm khả năng nhận biết và xử lý những khối lượng lớn thông tin, chẳng hạn các bài viết chuyên ngành hay sách vở.
Thụ động và lười suy nghĩ; nói cách khác, đánh mất khả năng phân định, tư duy phản biện, nhiều người trẻ tham gia mạng xã hội như một thứ robot. Công cụ Google giúp cho việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng, giúp cho việc học tập thuận lợi hơn. Nhưng những gì mà mạng xã hội cung cấp cho thấy rõ là không phải hoàn toàn tất cả đều đúng. Một thông tin được kiếm tìm từ mạng xã hội nếu không được phân định và phản biện sẽ là một điều nguy hiểm. Trong thực tế, dường như khả năng “copy” và “paste” đang gắn liền với không ít người trẻ. Việc đầu tư suy luận, lập luận, phản biện và phân định của người trẻ dường như đang mất dần cùng với sự phát triển của hệ thống truyền thông xã hội với những công cụ của nó.
2.1.3 Hạ thấp phẩm giá của người khác
Nhiều người trẻ khi tham gia mạng xã hội - đặc biệt là các bạn rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội - ít có thời gian tiếp xúc với thế giới thực. Không chỉ suy giảm các quan hệ xã hội, các kỹ năng sống và giao tiếp xã hội... mà nguy hiểm hơn, họ dùng mạng xã hội như một nơi chốn để giảm stress qua việc soi mói, phê bình chỉ trích bất cứ ai, bất cứ điều gì họ bắt gặp trên thế giới mạng. Thậm chí, không chỉ là không phân định mà còn không ít lần là sự cố ý với những ác ý dẫn đến sự vi phạm trắng trợn phẩm giá hay nhẹ hơn là sự hạ thấp phẩm giá của người khác.
Trong Sứ điệp ngày truyền thông lần thứ 43, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết, “nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất bao dung, những gì làm giảm phẩm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị tổn thương”.
Sự tôn trọng phẩm giá của con người trong thế giới truyền thông xã hội được thể hiện qua việc: tôn trọng những quyền giữ gìn sự riêng tư và chọn lựa hình ảnh xuất hiện trước công chúng; nhìn nhận những cảm xúc và phần phẩm chất tốt đẹp của họ, thể hiện bằng niềm tin họ là những con người có nhu cầu tự khẳng định bản thân, tự trọng, lương thiện, hướng thiện... và lắng nghe tiếng nói của họ, lắng nghe thân phận và nguyên nhân sâu xa cái nghèo khổ của họ.
Trong thực tế, những hình ảnh đầy những hành vi xúc phạm nhân phẩm của người khác tràn ngập trên mạng như: như một người bị lột quần áo trước mặt người khác, bị nhốt vào chuồng nuôi súc vật, bị bắt ăn những thứ không dành cho người, bị bắt quỳ lạy hoặc chui háng một người khác... Cùng với không ít những lời nói, thông tin, cử chỉ. mang tính thóa mạ, chửi rủa người khác... đang là những hành vi xúc phạm nhân phẩm con người.

Đàng khác, ngay cả những thông tin về những người nghèo, những dịp bác ái xã hội dành cho người nghèo, già cả, neo đơn được cung cấp không tế nhị cũng đang là những con đường làm cho phẩm giá của con người - đặc biệt những con người đang trải qua những kinh nghiệm đau khổ này tiếp tục bị hạ giá tới mức thấp nhất. Tác giả Trần Thị Thanh Hương trong bài “Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng”[12] đã kết thúc bài viết của mình rằng, “Phẩm giá chỉ được coi trọng nếu họ được nhìn nhận như là những con người có những nhu cầu và quyền lợi như vậy, cái quyền của một công dân lên tiếng về thân phận, hơn là chỉ mô tả họ như những người đang nhận sự ban phát từ thiện của mọi người”.
2.2 Những hệ lụy trên gia đình trẻ
2.2.1 Phá vỡ tương giao thực
Nếu xét dựa trên các yếu tố của một cuộc truyền thông được nêu lên trong phần khái niệm thì rõ ràng các thiết bị kỹ thuật và mạng xã hội đã thay thế những kênh truyền thông trực tiếp. Trong nhiều gia đình, giao tiếp và tương giao liên nhân cách đang được thực hiện qua các thiết bị kỹ thuật và mạng xã hội. Những người trẻ có thể ngồi “chém gió” thâu đêm với bạn bè trên các trang mạng nhưng lại không thể dành chút thời gian để tâm sự, nói chuyện cùng cha mẹ, người thân trong gia đình, dần dần mọi thành viên trong gia đình trở nên lạnh nhạt, xa cách, thiếu quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cảnh báo về điều này: “Thật đáng buồn biết bao nếu ước muốn nâng đỡ và phát triển tình bạn online của chúng ta được thể hiện với giá phải hy sinh sự sẵn sàng của chúng ta cho gia đình, cho bà con thân thuộc của chúng ta và cho những người mà chúng ta gặp gỡ trong thực tế đời thường, nơi làm việc của chúng ta, ở trường học, trong thời gian rảnh rỗi. Quả thế, khi ước muốn kết nối ảo trở nên ám ảnh, thì hậu quả là người ấy tự tách mình, cắt đứt một mối tương tác xã hội thực sự. Thậm chí điều đó cuối cùng phải làm theo xáo trộn thời gian nghỉ ngơi, thinh lặng và suy nghĩ cần thiết cho một sự phát triển nhân bản lành mạnh”[13].
Giáo sư Sherrey Turkle tại học viện công nghệ MIT viết trong cuốn sách mới nhất của bà, Alone Together (Cùng nhau đơn độc) đã cho rằng: công nghệ đang đe dọa thống trị cuộc sống của nhân loại, và làm chúng ta ngày càng mất đi “tính người” của mình. Bằng cách gây ra ảo tưởng rằng những mạng xã hội đang giúp con người giao tiếp và kết nối với nhau dễ dàng hơn; trên thực tế, chúng ta đang ngày bị cách ly với thế giới tương tác thực giữa người với người, dưới hình thức một không gian thực - ảo mà bản chất chẳng qua chỉ là một sự mô phỏng dị dạng của thế giới thật. Bà cho rằng, “Một hành vi tuy đã trở nên phổ cập (như giao tiếp thông qua mạng xã hội) vẫn có thể cho thấy những vấn đề mà chúng ta gọi là triệu chứng bệnh lý”. Khi đề cập đến việc bà từng tham dự những đám tang mà ở đó người ta vẫn không bỏ được thói quen hí hoáy trên chiếc iPhone của họ, bà hóm hỉnh: “Mỗi người đều có cách tạm biệt người quá cố theo cách riêng của mình”.
“Các công nghệ kỹ thuật số mới quyết định những thay đổi căn bản nơi các khuôn mẫu giao tiếp và nơi các tương quan nhân loại. Những thay đổi này đặc biệt rõ ràng nơi giới trẻ mà sự trưởng thành của họ liên hệ chặt chẽ với những công nghệ kỹ thuật truyền thông này. Bởi thế, họ cảm thấy thoải mái trong thế giới kỹ thuật số mà, trái lại, thường dường như xa lạ với một số người trong chúng ta”[14].
Nhiều học giả cũng đã lên tiếng về sự đổ vỡ của tương giao thực này do thế giới mạng xã hội: “Quá nhiều cách giao tiếp khác nhau đang được sử dụng trong việc giao tiếp đã gây ra sự sợ hãi cho nhiều người”. Khái niệm “thế giới thực” mà nhiều người chỉ trích hay nhắc đến thật ra chưa bao giờ tồn tại. Trước khi người ta lên xe buýt hoặc tàu điện ngầm với hai mắt dính vào chiếc iPad hay điện thoại thông minh, thì họ vốn dĩ cũng chưa bao giờ giao tiếp với nhau một cách thật sự. “Chúng ta không bao giờ thấy mình mở lời một cách tự nhiên với người lạ”[15].
Trong thực tế, không ít những gia đình trẻ, vợ chồng chỉ giao tiếp với nhau bằng những công cụ truyền thông kiểu mới ngay cả khi họ đang ở cùng nhau trong một mái nhà. Bởi lẽ, dường như họ không hòa nhập được với cuộc sống thực của họ; họ mải mê sống với thế giới ảo và đến khi tắt máy, đối mặt với thế giới thực tại lại thấy xa lạ, khó hòa nhập.
Việc gì sẽ xảy ra khi hai con người thật, sống trong một mái nhà thực nhưng kết dệt nên một tương giao ảo? Nói cách khác, những con người thực đang đánh mất dần cái thực rất thực của một nhân vị và cũng đang có khuynh hướng hạ giá nhân vị của nhau.
2.2.2 Đổ vỡ quan hệ của gia đình truyền thống
Khi những thiết bị kỹ thuật hiện đại gắn liền với mạng xã hội đang phá vỡ tương giao thực của những thành viên trong gia đình, nó cũng đang hủy hoại mối quan hệ của gia đình truyền thống. Các thành viên trong gia đình, vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, thậm chí cả ông bà với các cháu không còn giờ cho nhau vì quá bận rộn với các thiết bị truyền thông này.

Ngay trong bữa ăn gia đình, mỗi người dán mắt vào trong màn hình thiết bị của mình thay vì đó là khoảng thời gian trò chuyện cùng nhau bên mâm cơm. Bữa cơm được diễn ra vội vàng, mau chóng như một thủ tục của bản năng sống: ăn; để mau chóng tiếp tục với các thế giới rất riêng biệt của mình với những thiết bị trên tay. Những cuộc trò chuyện thân mật giữa các thành viên của gia đình truyền thông đã biến mất. Trong khảo sát năm 2000 về “mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng trẻ”[16], kết quả cho thấy, vợ chồng nào càng dành ít giờ để trò chuyện với nhau, mâu thuẫn càng nhiều và càng cao.
Theo Luật sư Andrew Newbury, người Anh cho biết, hiện nay facebook đã xuất hiện trong các vụ ly hôn, là nguyên nhân gây tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nhiều cặp vợ chồng đã nghi ngờ nhau từ việc sử dụng mạng xã hội đã dẫn đến các cãi vã, bất hòa. Nhiều người ít thời gian dành cho gia đình, biến tổ ấm của mình thành nơi ‘ứng dụng' các công nghệ, khiến cho hôn nhân lạnh lẽo, tình cảm khô cứng[17].
Trong quá trình đồng hành với các gia đình, không ít lần bản thân người viết cũng chứng kiến những đổ vỡ tương quan giữa mẹ chồng và nàng dâu vì bác “Google” xen vào. Câu chuyện đổ vỡ liên quan đến sự tín nhiệm vào bác Google quá mức, không chấp nhận những kinh nghiệm nuôi dạy con của mẹ chồng, dẫn tới chỗ không đồng ý cho bà nội đụng tới cháu vì sợ nguy hiểm, không an toàn vì bà nội nuôi dạy trẻ không đúng phương pháp mà bác Google đã tư vấn.
2.2.3 Gây ra những tổn thương cho con trẻ trong gia đình
Theo những nghiên cứu từ các nhà tâm lý học và sức khỏe nhi thì sự tương tác, tiếp xúc giữa trẻ nhỏ với những người xung quanh những vật chuyển động trước mặt sẽ góp phần rất lớn trong việc hình thành các kĩ năng giao tiếp và ứng xử xã hội. Bởi thế, khi cha mẹ bỏ qua việc giao tiếp thường xuyên với con cái là đang dần đánh mất các mối quan hệ và sự phát triển bình thường của trẻ. Đây chính là những nguyên nhân gây ra hội chứng ngại tiếp xúc, tự kỷ ở trẻ em, thậm chí dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát.
Mạng xã hội, tin nhắn, trò chơi điện tử... đã lấy mất rất nhiều thời gian của những ông bố bà mẹ trẻ khiến họ không còn thời gian để quan tâm và chăm sóc con cái, không có thời gian nói chuyện với con, chơi với con, dạy con học, đọc truyện cho con nghe, nhưng lại có rất nhiều thời gian cho những lần lướt web, cho những cuộc điện thoại tán gẫu với bạn bè. Việc bố mẹ nghiện công nghệ đã đành, ngày nay, các ông bố bà mẹ hiện đại còn mắc sai lầm khi để trẻ tiếp xúc và nghiện các thiết bị điện tử từ rất sớm.
Nhiều gia đình trẻ, không gian buổi tối của gia đình thật “êm ả”; thậm chí “êm ả” ngay cả khi họ đang đi tận hưởng thời gian giải trí bên ngoài cùng nhau. Sự “êm ả” đáng sợ bằng hình ảnh mỗi người một smartphone trên tay. Đứa trẻ, lẽ dĩ nhiên, để tránh phiền toái cho cha mẹ cũng được sắm phần của mình và tha hồ xoay xở với thiết bị của mình. Các bậc cha mẹ trẻ đã quên mất, hoặc chưa từng biết rằng: họ đang đẩy con cái họ vào chỗ nguy hiểm.

Theo các nhà trị liệu[18], các yếu tố ảnh hưởng lớn trong quá trình phát triển của nhân cách kiểu phụ thuộc thường liên quan đến giáo dục từ thời thơ ấu, giai đoạn hình thành và phát triển tốt nhất các tính cách của con người. Đó là thời điểm mà đứa trẻ hình thành phẩm chất con người, và để đạt được điều đó, nó cần được tôn trọng, yêu thương và bảo vệ. Nếu những điều này không được lấp đầy, có nguy cơ hình thành những cảm xúc thiếu an toàn và đẩy nó tìm kiếm sự thỏa mãn bằng mọi giá để đạt được sự nhìn nhận; nó đấu tranh chống lại nỗi sợ bị bỏ quên, bỏ rơi bởi những người nó yêu thương, và nó bắt đầu con đường hình thành nhân cách phụ thuộc. Một đứa trẻ đang ‘tự bơi' một mình với các thiết bị công nghệ được cha mẹ trao cho đang cố gắng xoay sở và dần lệ thuộc vào với những thiết bị này. Đó là một nguy cơ khó tránh khỏi trong tương lai.
Theo khá nhiều nghiên cứu, điện thoại di động tự nó không phải là một rối loạn, nhưng việc dùng quá mức điện thoại di động sẽ làm cho con trẻ bị thiếu kỹ năng giao tiếp, chiếm mất nhiều thời gian, gây mất tập trung, giảm hiệu suất tổng thể cả trong công việc hằng ngày lẫn học tập so với nhóm dùng điều độ. Người nghiện điện thoại thường có thói quen dùng “dế yêu” làm việc thay não bộ trong các công việc cần ghi nhớ. Bởi đã có “bộ nhớ khác” làm thay cho não nên não trở nên trì trệ, làm cho khả năng tái tạo thông tin của não giảm mạnh. Thời gian nghiện càng dài thì mức độ suy giảm trí nhớ càng lớn, chưa kể tác động của môi trường và tuổi tác.
Đàng khác, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, việc trẻ nhỏ mê mệt với các thiết bị điện tử hay việc cha mẹ mải mê với các đồ công nghệ cao đến nỗi lấy mất đi cả thời gian chăm sóc con đã và đang dẫn đến những hệ quả rất xấu. Cô đơn, nghèo cảm xúc, mất sự tương tác với xã hội, thiếu sự gắn kết giữa cha mẹ - con cái, gặp các vấn đề về sức khoẻ như với cột sống, thần kinh... Thực tế, các nhà trị liệu và lâm sàng đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị mắc chứng rối loạn hành vi, suy nhược, lo lắng, cảm tính lưỡng cực, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Tất cả đều có thể liên quan đến việc sử dụng công nghệ quá mức.
Quá trình đồng hành với các gia đình trẻ, tôi cũng nhận thấy rằng, nhiều bà mẹ trẻ mê mẩn với các thiết bị và mạng xã hội ngay cả khi cho con bú. Một phản ứng rất dễ thấy trong trường hợp này là bé không ăn và khóc vì không được quan tâm. Nhiều bà mẹ vẫn cho rằng con mình bị đau bệnh gì đó hoặc phải “vía, hơi lạnh..nên khóc quấy. Giải thích từ các nhà tâm lý cho thấy vào tuổi này, đặc tính của trẻ là sự hòa mình của trẻ với đối tượng chăm sóc nó. Đó là mối tương quan sớm mẹ - con theo quan điểm của Anna Freud và cha mình là S. Freud. Chính sự gắn bó thường xuyên làm cho trẻ và mẹ hiểu nhau hơn. Mối quan hệ này sẽ trở thành nguyên mẫu cho mọi quan hệ tình cảm và các quan hệ xã hội sau này của trẻ.
Erikson và một số nhà nghiên cứu khác như Sroufe & Fleeson (1986), đều có cùng quan điểm như cha con Freud và còn thêm rằng, sự tin cậy và tình thương trong quyến luyến an tâm ở tuổi này sẽ giúp trẻ tương tác thành công và tin cậy với bạn đồng tuổi; và ngược lại sẽ gặp nhiều rắc rối trong tương tác xã hội như thích phê phán, ứng xử thù địch. Vô tình, mẹ đã là nguyên nhân gây ra những vấp váp về mặt tâm lý cho trẻ.
Trong Đại hội của các bạn Thanh Sinh Công nêu ở phần trên, các bạn cũng phân tích rằng: “nguyên nhân chính của việc không hoặc thiếu sự phân định giá trị thật - ảo của người trẻ là thiếu định hướng xã hội, cô đơn, ít giao tiếp với mọi người, gia đình không quan tâm, thiếu tương tác xã hội, không sẵn sàng cởi mở giao tiếp trực diện với người khác, và các ức chế tâm lý cần được giải thoát, cùng với việc muốn thể hiện mình, thích được khen, được tôn vinh, được chấp nhận.
Do những khiếm khuyết, những thiếu hụt, do sợ hãi và cảm nghiệm sự không an toàn, mà người trẻ đăng tải những thông tin không chính xác, tạo nên thông tin ảo. Hoặc do sự “tự do” gần như tuyệt đối trong khi sử dụng, và không có những ràng buộc trách nhiệm hay ý thức nhân bản, người trẻ dễ dàng lên án, phê phán, hùa theo, ủng hộ những trào lưu tràn lan phổ biến... Những điều này tạo nên giá trị ảo.

Mặt khác, những trục trặc từ chính nhân cách của người trẻ cũng góp phần làm cho việc phân định giá trị thật hoặc ảo trong thông tin được tiếp nhận trở nên khó khăn”[19].
Xin dùng kết quả phần xét dưới giá trị của Tin Mừng của chính các bạn trẻ Thanh Sinh Công để kết thúc như một xác quyết và như một gợi mở:
“Chính Thiên Chúa là người thực hiện đầu tiên việc truyền thông. Một cuộc truyền thông đích thực nhằm kéo con người đến gần Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc truyền thông quyết liệt và trọn vẹn, khi Nhập Thể xuống thế và trải qua cuộc Khổ nạn, để truyền một thông điệp trọn vẹn cho Tình Yêu Vĩnh Hằng của Thiên Chúa dành cho con người. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1). Nói cách khác, Chúa Giêsu là người Thầy, là gương mẫu của mọi sứ vụ truyền thông hiệu quả, “Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,5).
Ngang qua con đường truyền thông (communication), Thiên Chúa quy tụ con cái ngài thành một cộng đoàn (community) trong sự hiệp thông (communion) với Ngài và với nhau. Đây chính là mục tiêu của việc Thiên Chúa truyền thông cho con người. Con đường này được trao phó và đang được tiếp nối trong sứ vụ của Hội Thánh. Xuyên qua các thời đại, Hội Thánh dùng những phương tiện khác nhau để thi hành mục tiêu này. Bởi thế, dù có những kênh truyền thông khác nhau, sứ điệp được loan báo vẫn chỉ là một và luôn mang giá trị thật. Chính qua sứ điệp/thông tin (information) được loan báo, dân Chúa được dẫn dắt đi vào trong cuộc đào luyện (formation) để thực hiện cuộc biến đổi (transformation) tận căn đời sống của mình. Nói cách khác, trong mẫu thức truyền thông của Thiên Chúa và Hội Thánh giá trị thật vẫn luôn được biểu lộ cách rõ nét qua mục tiêu và sứ điệp được bày tỏ”.
Ước mong, những người trẻ và những gia đình trẻ gẫm suy và bắt đầu lại với sự đồng hành của những người có trách nhiệm trong giáo Hội.


Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 106 (Tháng 5 & 6 năm 2018)


 
 
[1]   Kaplan Andreas M. and Michael Haenlein, Users of the world, unite! The challenges and opportunities of Social media. Business horizons 53.1 (2010): 59-68.
[2] Murphy, Dhiraj, Towards a Sociological Understanding of Social media: Theorizing Twitter, Sociology 2012, 46:1059.
[3] N.K Giang, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 31, số 1(2015), 12-19
[4] James E. Sullivan, Hành trình tự do, NXB Tôn Giáo 2003, tr.218-219.
[5]   Nhà tâm lý học Mark Barnett của Đại học bang Kansas.
[6]   Philippa Garety - giáo sư Đại học Hoàng gia Anh.
[7]  Theo Tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần Mind.
[8]   Hiệp hội quốc gia về phòng ngừa bạo lực cho trẻ (NSPCC) ở Anh
[9]  Đăng ngày thứ ba (19/7/2011) trên báo Lao động cuối tuần
[10] Nye, Joseph. Bound to Lead: The Changing Nature of American Power (New York: Basic Books, 1990).
[11] Nye, Joseph. Soft Power: The Means to Success in World Politics. (New York: Basic Books, 2004).
[12] Thời báo kinh tế Sài gòn (2009)
[13] Sứ điệp ngày thế giới truyền thông lần 43.
[14] Sứ điệp ngày thế giới truyền thông lần 43
[15] Giáo sư William Kist, chuyên gia đào tạo thuộc đại học Kent State, bang Ohio.
[16] Trần Anh Thụ, Mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng trẻ, khóa luận tốt nghiệp Đại học - chuyên ngành tâm lý học, ĐHSP TPHCM.
[17] Theo suckhoedoisong.vn
[19] Tuyên bố chung của Đại hội Liên đoàn Thanh Sinh Công năm 2004.
 
Nguồn: hdgmvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại686,112
  • Tổng lượt truy cập52,855,060

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây