Truyền thông Mục vụ rất nhiều lần được nhắc đến một cách trực tiếp hay gián tiếp trong các văn kiện khác nhau của Hội Thánh về truyền thông.
Đức Thánh Cha Piô XII ở phần cuối Thông điệp Miranda Prorsus (1957) đã nhấn mạnh một cách đặc biệt về nhiệm vụ mục vụ của linh mục trong lãnh vực truyền thông xã hội. Ngài nói ngài “không thể kết lá thư này mà không nhắc nhớ đến vai trò quan trọng được trao cho người linh mục, đó là họ phải khuyến khích và sử dụng các phát minh ảnh hưởng đến việc truyền thông, không chỉ trong các lãnh vực khác của hoạt động tông đồ, mà đặc biệt trong chính hoạt động nòng cốt này của Hội Thánh. Họ phải có một sự hiểu biết chắc chắn về tất cả các vấn đề tác động đến linh hồn các Kitô hữu liên quan tới phim ảnh, truyền thanh và truyền hình” (Số 151, Ed. Eilers 1977).
“Người linh mục với nhiệm vụ ‘coi sóc các linh hồn’ có thể và phải biết rằng khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật có ảnh hưởng mạnh như thế nào khi chúng tác động đến mục đích của con người và đời sống luân lý cũng như tôn giáo của họ. Linh mục hãy học sử dụng các phương tiện này một cách đúng đắn bao có thể theo... bản chất của sứ vụ được uỷ thác cho họ và nhu cầu giúp đỡ đông đảo các linh hồn đòi hỏi. Sau cùng, nếu các nghệ thuật này được linh mục sử dụng một cách hữu ích, thì sự khôn ngoan, tự chủ và tinh thần trách nhiệm của họ sẽ chiếu sáng như một mẫu gương cho mọi Kitô hữu” (Số 152-154, Ed. Eilers 1997).
Vaticanô II xác nhận lại nhiệm vụ này và mở rộng ra cho mọi Kitô hữu trong Sắc lệnh Inter Mirifica (1963):
“Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn hết sức hăng say sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian. Họ cũng phải ngăn ngừa những dự định tai hại, nhất là ở những miền mà luân lý và tôn giáo đang tiến bộ cần được họ can thiệp khẩn cấp hơn.
Vậy các chủ chăn đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận sự mình trong lãnh vực này, vì nó liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là giảng dạy. Những giáo dân đang sử dụng những phương tiện này cũng phải cố gắng làm chứng về Chúa Kitô: trước hết bằng cách hoàn tất mọi công tác cho thành thạo với tinh thần tông đồ, rồi tuỳ khả năng kỹ thuật, kinh tế, văn hoá và nghệ thuật mà trực tiếp trợ giúp hoạt động mục vụ của Hội Thánh theo phận sự của mình” (Số 13. Bản dịch tiếng Việt của GHHV Thánh Piô X, Đà Lạt 1972).
Inter Mirifica cũng coi việc sử dụng các phương tiện truyền thông là một quyền ‘đương nhiên’ của Hội Thánh cho hoạt động mục vụ của mình:
“Như thế Hội Thánh đương nhiên có quyền sử dụng và làm chủ bất cứ loại nào trong các phương tiện truyền thông xã hội đó, tuỳ theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn. Các vị chủ chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào cho họ biết dùng cả những phương tiện này để theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại...” (Số 3. Bản dịch tiếng Việt của GHHV Thánh Piô X, Đà Lạt 1972).
Tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt điện ảnh, đối với kế hoạch mục vụ đã được nhấn mạnh bởi Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971): “Các phát triển (của phương tiện truyền thông) này phải được nghiên cứu kỹ trong kế hoạch mục vụ, vì chúng là những cánh cửa mở ra cho việc sử dụng một cách hiệu quả các phương tiện này trong hoạt động mục vụ...” (Số 143).
Nhu cầu về một đường lối mục vụ còn được nhấn mạnh thêm bởi cùng văn kiện trên: “Vai trò của các công cụ truyền thông xã hội trong vận mệnh loài người, các cơ hội và các vấn đề chúng đặt ra trước lương tâm Kitô hữu, tất cả đều cho thấy một nhu cầu bức thiết là phải tìm ra một đường lối mục vụ cho lãnh vực này. Phải tìm kiếm những người có đào tạo chuyên môn và kinh nghiệm cho công việc này. Cũng phải thiết lập các cơ cấu mục vụ thích hợp, với ngân sách, thẩm quyền và nguồn lực cần thiết” (Số 162).
Các chi tiết về một đường lối mục vụ sâu hơn đã được phác hoạ bởi Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae (1992), và cũng liên quan đặc biệt tới việc Truyền thông Truyền giáo: “Những người rao giảng Lời Chúa buộc phải lắng nghe và tìm tòi để hiểu những ‘lời’ của những dân tộc và văn hoá khác nhau, để không chỉ học hỏi nơi họ mà còn có thể giúp họ nhận ra và chấp nhận Lời Thiên Chúa. Vì vậy Hội Thánh phải giữ một sự hiện diện lắng nghe và tích cực trong quan hệ với thế giới―một loại hiện diện vừa nuôi dưỡng cộng đoàn vừa nâng đỡ người ta trong việc tìm kiếm các giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề cá nhân và xã hội. Hơn nữa, vì Hội Thánh luôn luôn phải truyền thông sứ điệp của mình một cách thích hợp với mỗi thời đại và các nền văn hoá của mỗi dân tộc và mỗi quốc gia, nên ngày nay Hội Thánh phải truyền thông trong và cho nền văn hoá truyền thông đang phát triển...” (Số 8).
Nhu cầu giáo dục và đào tạo các người hoạt động mục vụ đã được chính Huấn thị này lặp lại (Số 18): “Việc giáo dục và đào tạo về truyền thông phải là một phần cốt yếu của việc đào tạo các người hoạt động mục vụ và các linh mục. Việc đào tạo và giáo dục này đòi hỏi một số yếu tố và khía cạnh khác nhau. Ví dụ, trong thế giới ngày nay chịu ảnh hưởng mạnh bởi các phương tiện truyền thông, những người hoạt động cho Hội Thánh cần phải có một sự hiểu biết ít là thực tiễn về tác động của các công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới đối với các cá nhân và xã hội. Cũng vậy, họ phải được chuẩn bị để phục vụ cả những người ‘giàu thông tin’ lẫn những người ‘nghèo thông tin’. Họ cần biết cách mời gọi người khác đối thoại, tránh kiểu truyền thông mang tính chất thống trị, bóc lột hay trục lợi...”
Chăm sóc mục vụ cho những người hoạt động truyền thông là một quan tâm đặc biệt: “Hoạt động truyền thông hàm chứa những áp lực tâm lý đặc biệt và những vấn đề nan giải về đạo đức. Vì các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quá quan trọng trong việc hình thành văn hoá hiện đại và khuôn đúc đời sống của vô số cá nhân và toàn thể xã hội, nên điều cốt thiết là những người hoạt động chuyên nghiệp trong lãnh vực các phương tiện truyền thông thế tục và các công nghệ truyền thông phải thể hiện trách nhiệm của mình với những lý tưởng cao cả và một sự dấn thân phục vụ loài người. Vì vậy, Hội Thánh có trách nhiệm: triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ có khả năng đáp ứng chuyên biệt cho các điều kiện làm việc đặc thù và các thách thức luân lý mà những người hoạt động truyền thông chuyên môn phải đối diện...” (Số 19).
Đối với việc đào tạo các linh mục tương lai, cuốn ‘Hướng dẫn việc Đào tạo các Linh mục Tương lai về Truyền thông Xã hội’ do Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo xuất bản (1986) đã vạch ra ba mục tiêu cho việc chuẩn bị các linh mục về Truyền thông Mục vụ (1986): “a) đào tạo họ trong việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội... trong các hoạt động mục vụ của họ, khi hoàn cảnh cho phép; b) đào tạo họ trở thành những người thầy và người hướng dẫn người khác... qua việc dạy học, dạy giáo lý, giảng thuyết, v.v..., và trở thành những nhà tư vấn, cha giải tội, cha linh hướng; c) và trên hết, tạo cho họ có một não trạng để họ thường xuyên sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động mục vụ của họ, gồm cả những hoạt động do đòi hỏi của việc hội nhập văn hoá giữa đức tin và đời sống trong những Hội Thánh địa phương khác nhau, trong một thế giới bị ảnh hưởng về tâm lý và xã hội bởi các phương tiện truyền thông và thậm chí đã bị ảnh hưởng bởi tin học và các phương tiện điều khiển từ xa.”
Truyền thông Kitô giáo và đặc biệt Truyền thông Mục vụ phải đóng vai trò dẫn đường và xuất phát từ việc truyền thông của Đức Giêsu Kitô, ‘người truyền thông hoàn hảo’ (Communio et Progressio, số 11), Đấng là và phải là nguồn cảm hứng cho mọi việc truyền thông mục vụ và là mối quan tâm cơ bản của mọi văn kiện Hội Thánh để cổ võ và phát huy lãnh vực truyền thông xã hội của Hội Thánh.
Ngoài các văn kiện trên đây của Toà Thánh Vatican, các thông điệp của các Đức Giáo Hoàng vào Ngày Thế Giới Truyền Thông cũng cống hiến một số hướng dẫn cho việc truyền thông mục vụ. Ngày Thế Giới Truyền Thông đã được tổ chức từ năm 1968 theo quyết định của Vaticanô II. Các thông điệp này luôn luôn liên quan tới một đề tài đặc biệt, thường mang một khía cạnh mục vụ nổi bật. Ví dụ, có một số năm trong đó vấn đề gia đình hay các mối quan tâm về gia đình là một đề tài cho ngày ấy (1969, 1979, 1980, 1994, 2004). Có những ngày chọn đề tài là vấn đề giới trẻ (1970, 1985), người già (1982), phụ nữ (1996), và việc cổ võ công lý và hoà bình (1987, 2003), sự hiệp nhất loài người, tiến bộ, tình liên đới và tự do (1981, 1988, 1991). Cũng có những ngày nói về vai trò của các phương tiện truyền thông khác nhau trong Hội Thánh và đời sống mục vụ như các khía cạnh khác nhau của các phương tiện đại chúng nói chung (1973, 1977, 1989) hay các phương tiện truyền thông đặc biệt như máy tính (1990), băng đĩa nghe nhìn (1993), truyền hình (1994) và phim ảnh (1995).
Nguồn: giaophanthaibinh.org