Mt 2,13-15.19-23
1. Tại sao vua Hêrôđê lại muốn giết các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận? Đọc Mt 2,16.
2. Đọc Mt 2,13. Đây là lần báo mộng thứ mấy cho Giuse? Ai là người báo mộng cho Giuse? Qua việc báo mộng cho Giuse, ta thấy Thiên Chúa là Đấng như thế nào?
3. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa có hay báo mộng để cho con người biết ý Ngài không? Đọc Sáng thế 28,12; 37,5-9; Dân số 12,6.
4. Tại sao thiên sứ muốn Giuse đem Hài Nhi qua Ai-cập chứ không phải nước khác? Đọc 1 Vua 11,40; 2 Vua 25,26.
5. Đọc Mt 1,24; 2,14.21. Bạn nghĩ gì về thái độ của Giuse khi nghe thiên sứ của Chúa truyền dạy mình trong mộng?
6. Giuse đã giúp gì Thánh Gia trong thời gian sống ở Ai-cập. Đọc Mt 2,21-23. Tại sao Giuse lại đưa Hài Nhi và Mẹ Người về Na-da-rét?
7. Trong bài Tin Mừng này, có mấy câu trích dẫn Cựu Ước? Trích từ những sách nào trong Cựu Ước? Cách trích dẫn những câu ấy có giống nhau không? Đọc Mt 2,15.23.
8. Đọc Xuất hành 2,1-10. Bạn thấy Hài Nhi Giêsu có giống hài nhi Mô-sê ngày xưa không?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Có bao nhiêu cụm từ Hài Nhi và Mẹ Người trong chương 2 của Tin Mừng Mát-thêu? (Mt 2,11.13.14.20.21). Bạn nghĩ gì về việc thánh Giuse thường đi với Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria trong các cuộc hành trình xa xôi vất vả? Bạn có thấy đó là một hình mẫu cho các gia đình chúng ta không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Khi vua Hêrôđê biết mình bị các đạo sĩ đánh lừa thì ông quyết định giết các bé ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống (Mt 2,16). Nhà vua thấy rằng các đạo sĩ đã cố ý không muốn cho vua biết Vị Vua mới sinh của người Do-thái ở đâu. Như thế để bảo vệ ngai vàng của mình, Hêrôđê dùng giải pháp chắc chắn nhất, đó là giết hết các bé trong độ tuổi đã được các đạo sĩ loan tin. Vua Hêrôđê hy vọng trong số các bé bị giết thế nào cũng có Vị Vua mới sinh này.
2. Đây là lần báo mộng thứ hai cho Giuse bởi vị thiên sứ của Chúa (Mt 2,13. Chúa ở đây được hiểu là Thiên Chúa). Qua việc thiên sứ của Chúa hiện ra báo mộng, chúng ta thấy sự quan phòng của chính Thiên Chúa. Ngài bảo vệ Đấng Kitô của Ngài khỏi mọi đe dọa bởi các thế lực trần gian. Thiên Chúa lo cho Đấng Kitô của Ngài và lo cho Đức Maria Mẹ của Đấng Kitô nữa (Mt 1,16). Đấng Kitô là Đấng đã được Đức Maria mang thai do bởi quyền năng Thánh Thần (Mt 1,20). Đấng Kitô cũng được ông Giuse đặt tên là Giêsu vì Ngài sẽ cứu dân Do-thái khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21).
3. Vào thời xưa, người ta tin các thần linh báo tin cho con người qua giấc mộng. Trong Cựu Ước, Gia-cóp chiêm bao thấy một chiếc thang nối liền đất với trời, và từ trên thang, Thiên Chúa tỏ mình cho ông (Sáng thế 28,12). Giuse con ông Gia-cóp cũng hay chiêm bao khiến các anh ghét bỏ (Sáng thế 37,5-9). Nói chung ĐỨC CHÚA có thể phán với các ngôn sứ trong giấc mộng, để tỏ cho họ biết ý Ngài (Dân số 12,6). Nhưng đối với ông Mô-sê, Ngài nói với ông trực diện, nhãn tiền, chứ không trong giấc mộng (Dân số 12,7).
4. Ai-cập vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn cho những người Do-thái cần tỵ nạn. Nơi đây có đông người Do-thái cư ngụ. Ai-cập cũng là nơi rất gần với nước Ítraen và hơn nữa cũng khá thân thiện với dân Do-thái. Ông Gia-róp-am đã trốn qua Ai-cập để khỏi bị vua Sa-lô-môn giết (1 Vua 11,40). Để tránh khỏi bị người Can-đê giết, các tướng lãnh Do-thái và dân chúng đã lên đường đi Ai-cập (2 Vua 25,26). Khi sinh mạng của Hài Nhi Giêsu bị đe dọa bởi vua Hê-rô-đê, thiên sứ đã báo mộng cho ông Giuse để ông đem Hài Nhi trốn sang Ai-cập (Mt 2,13).
5. Tin Mừng Mát-thêu ba lần nói rõ việc thiên sứ của Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse (Mt 1,24; 2,14.21). Trong cả ba lần, ta đều thấy Giuse có cùng một thái độ. Ông chỗi dậy (egertheis), ra khỏi giấc ngủ của mình, và thi hành nghiêm túc và mau mắn điều được Chúa báo trong giấc mộng. Ông đã đón Maria về nhà làm vợ, hay đang đêm lật đật đưa Hài Nhi và Mẹ Người lánh sang Ai-cập, hay đưa Hài Nhi và Mẹ Người về lại Ít ra en. Giuse đúng là một người công chính, vì khi ông tin Thiên Chúa đã ra lệnh cho mình thì ông không hề đặt vấn đề hay nghi ngờ. Ông hành động ngay lập tức, không phàn nàn vì chưa có đủ thời gian chuẩn bị, không bực bội vì những khó khăn mình sẽ gặp phải nếu thi hành lệnh truyền. Giuse cho thấy mình có đức tin mạnh mẽ vào lời Chúa truyền. Ông đã nói những tiếng Xin Vâng quan trọng, nhờ đó Con Thiên Chúa được bảo toàn sinh mạng khỏi tay Hêrôđê và được sống trong một gia đình có cha có mẹ. Giuse đã đứng mũi chịu sào để bảo vệ Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria khỏi những hiểm nguy. Tuy Giuse không thật sự là cha của Giêsu hay thật sự là chồng của Maria, nhưng Giuse đã đóng trọn vẹn vai trò của người cha, người chồng trong gia đình, với rất nhiều tình yêu. Ông đã làm tròn sứ mạng tế nhị và độc đáo mà Chúa trao phó.
6. Chúng ta không biết rõ Thánh Gia đã ở Ai-cập bao lâu. Có thể chỉ trong một thời gian ngắn. Dù sao ông Giuse cũng đã phải lo cho cuộc sống của gia đình, cuộc sống của những người nhập cư tỵ nạn. Ông trải nghiệm những cái khó khi sống nơi đất khách quê người và ông vẫn phải lo bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Người vì có thể Hêrôđê đa nghi chưa chịu buông tha. Giuse vẫn phải luôn sống tín thác từng ngày. Khi được thiên sứ báo là Hêrôđê đã chết, Giuse định đưa Thánh Gia về vùng Giuđê, nhưng vì sợ Ác-khê-lao, con của Hêrôđê đang trị vì ở đó, nên ông đưa Thánh Gia về Galilê, về lại Na-da-rét là quê quán của cả ông và Maria (Mt 2,21-23).
7. Trong bài Tin Mừng này có trích dẫn hai câu trong Cựu Ước. Cả hai đều được giới thiệu bằng câu: để ứng nghiệm lời Chúa phán qua miệng các ngôn sứ. Trích dẫn đầu tiên ở Mt 2,16 lấy từ sách ngôn sứ Hô-sê 11,1. Câu này hợp hơn để chỉ lúc Thánh Gia từ Ai-cập về lại Israen. Trích dẫn thứ hai không rõ xuất xứ trong Cựu Ước (Mt 2,23) nhằm chứng minh Đức Ki tô là người làng Nadarét.
8. Đọc sách Xuất hành 2,1-10 ta thấy Hài Nhi Giêsu có nét tương đồng với hài nhi Mô-sê ngày xưa. Cả hai đều bị đe dọa tính mạng từ lúc mới chào đời, cả hai đều được Thiên Chúa bảo vệ để có thể sống mà thi hành sứ mạng cứu độ dân Chúa. Thiên Chúa luôn là Đấng mạnh hơn, bất chấp những thế lực làm hại con người.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn