Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 58: Đức Thánh Cha truyền chức 9 tân linh mục (25.4.2021)
Chủ nhật - 25/04/2021 22:23 864
Vào lúc 9 giờ sáng Chúa nhật 25/4/2021, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để truyền thức linh mục cho 9 phó tế, nhân dịp Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 58. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha là Đức Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản Roma, Đức cha Gianpiero Palmieri, Phó Giám quản Roma, một số hồng y, giám mục, giám đốc đại chủng viện và các linh mục.
Trong số 9 tiến chức lần này, có 5 vị xuất thân từ Đại chủng viện Roma, 2 vị đến từ chủng viện “Redemptoris Mater- Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, và sau cùng, 2 vị khác đến từ hai học viện khác ở Roma. Nghi thức tuyển chọn Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức Truyền chức linh mục, bắt đầu với phần giới thiệu và tuyển chọn. 9 tiến chức khi được gọi tên, đều thưa ”Này con đây” và tiến lên. Đức Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản Roma, xin Đức Thánh Cha truyền chức cho các ứng viên và ngài tuyên bố chọn 9 thầy vào hàng linh mục. Được Chúa Giêsu chọn để thi hành sứ mạng của Người Trong bài giảng, trước hết, hướng về cộng đoàn, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, những người con này của chúng ta được kêu gọi trở thành linh mục. Chúng ta hãy suy tư một cách cẩn thận về thừa tác vụ mà họ sẽ được nâng lên trong Giáo hội. Như anh chị em đã biết, trong Tân Ước, chỉ có Chúa Giêsu là Thượng tế duy nhất; nhưng trong Người tất cả dân thánh Chúa được thiết lập trở thành dân tư tế. Tuy nhiên, trong số các môn đệ, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để nhân danh Người họ thi hành cách công khai chức vụ tư tế trong Giáo hội vì mọi người. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, giờ đây chúng ta chuẩn bị nâng các anh em này của chúng ta lên hàng linh mục để phục vụ Chúa Kitô, là thầy, tư tế và mục tử. Họ sẽ cộng tác xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo hội, trong dân Chúa và đền thánh của Thánh Thần”. Linh mục không phải là một nghề, nhưng là một sự phục vụ Hướng về các tiến chức, Đức Thánh Cha nói: “Còn với các con, những người con rất yêu dấu, các con chuẩn bị được tiến lên chức linh mục, các con hãy suy nghĩ đến việc thi hành thừa tác vụ giảng dạy thánh thiêng, các con sẽ tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô, vị Thầy duy nhất. Như Người, các con là những vị mục tử, và đây là điều Chúa muốn. Những vị mục tử của dân thánh trung tín của Chúa. Những vị mục tử đi với dân Chúa: có những lúc đi trước, ở giữa và sau đàn chiên, nhưng luôn ở với chiên, với dân Chúa”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, ơn gọi linh mục không phải là một nghề nghiệp, đó là một sự phục vụ, một sự phục vụ như chính Chúa đã làm cho dân Người. Vì vậy các linh mục phải học cách phục vụ dân như Chúa. Đó là sự gần gũi, thấu hiểu và dịu dàng. Gần gũi với dân Chúa Đức Thánh Cha quảng diễn về bốn sự gần gũi mà một linh mục cần phải có: Trước hết là sự gẫn gũi với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong các bí tích, trong Thánh lễ. Thưa chuyện với Chúa, ở gần bên Chúa. Trong Người, Con Thiên Chúa đã đến gần chúng ta. Tất cả lịch sử của Người Con: Chúa cũng gần gũi với các con, với mỗi người trong các con, trong hành trình cuộc sống của các con cho đến giây phút này. Ngay cả trong những giây phút đen tối của tội lỗi, Người ở đó. Hãy gần gũi với dân thánh trung tín của Chúa. Nhưng trước hết, hãy gần gũi với Thiên Chúa, bằng cầu nguyện. Một linh mục không cầu nguyện dần dần ngọn lửa Thánh Linh bên trong sẽ bị dập tắt. Gần gũi với Giám mục Sự gần gũi thứ hai là gần gũi với Giám mục. Ngài nói: “Các con hãy gần gũi với Giám mục. Bởi vì trong Giám mục, các con có sự hiệp nhất. Các con không phải là tôi tớ nhưng là những người cộng tác với Giám mục. Cha nhớ có một lần, cách đây rất lâu, một linh mục đã gặp điều không may. Và điều đầu tiên cha nghĩ đến là gọi cho Giám mục. Ngay cả trong những lúc tồi tệ, hãy gọi Giám mục để ở gần ngài. Hãy gần gũi với Chúa trong cầu nguyện, và gần gũi với Giám mục. Mặc dù không thích Giám mục, nhưng Giám mục là cha của các con. Nhưng các con có thể nói Giám mục đối xử với tôi rất tệ! Hãy khiêm tốn, hãy đến với Giám mục”. Gần gũi với các linh mục khác Đức Thánh Cha nói tiếp: “Thứ ba là sự gần gũi giữa các con với nhau. Cha đề nghị một điều này: Đừng bao giờ nói xấu một người anh em linh mục. Nếu các con có điều gì đó không thuận với người khác. Hãy đến với người đó và nói trực tiếp. Nếu không biết phải nói thế nào, hãy đến với Giám mục, ngài sẽ giúp các con. Nhưng đừng bao giờ, đừng bao giờ nói xấu. Sự hiệp nhất giữa các con: trong Hội đồng Giám mục, trong các ủy ban, trong công việc: hãy có sự gần gũi giữa các con và với Giám mục”. Gần gũi với dân Chúa “Và thứ tư đối với cha, sau Chúa, sự gần gũi quan trọng nhất là với dân thánh trung thành của Chúa. Không ai trong các con học để trở thành linh mục. Các con đã nghiên cứu các môn khoa học Giáo hội, điều mà Giáo hội nói phải được thực hiện. Nhưng các con đã được chọn từ dân Chúa, Đừng quên nơi mà từ đó các con đã đến: gia đình, dân tộc các con. Đừng đánh mất ý thức về dân Chúa. Thánh Phaolô nói với Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của con… Và đó là dân của Chúa... Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái nói: Anh em hãy nhớ những người đã giới thiệu đức tin cho anh em. Các con là linh mục của dân, các con không phải giáo sĩ của nhà nước!” Lòng trắc ẩn và dịu dàng Sau khi nói về bốn sự gần gũi, Đức Thánh Cha mời gọi các tiến chức học thêm nơi Chúa lòng trắc ẩn và dịu dàng. Ngài nói: “Các con đừng khép mình trước những vấn đề, những điều dân chúng đến nói với các con. Hãy dành thời gian lắng nghe và an ủi họ. Lòng trắc ẩn, đưa các con đến ơn tha thứ, lòng thương xót. Các con hãy có lòng thương xót và tha thứ, bởi vì Thiên Chúa tha thứ tất cả, Người không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Sự gần gũi và lòng trắc ẩn. Nhưng lòng trắc ẩn dịu dàng, với sự dịu dàng của gia đình, của anh chị em, của một người cha ... với sự dịu dàng đó khiến anh em cảm nhận anh em đang ở trong Nhà Thiên Chúa”. Hãy tránh xa phù vân Đức Thánh Cha còn nhắc nhở các tiến chức một điều thực tế trong cuộc sống: “Hãy tránh xa sự phù vân hư ảo, niềm kiêu hãnh của tiền bạc. Đừng để ma quỷ bước vào túi của các con. Các con hãy sống nghèo, như dân thánh của Chúa. Đừng bao giờ trở thành những viên chức trong Giáo hội”. Theo Đức Thánh Cha, một khi linh mục thi hành sứ vụ như một viên chức nhà nước, trong giáo xứ, nơi trường học và ở bất cứ nơi đâu, linh mục sẽ mất đi sự gần gũi với mọi người. Để minh chứng cho điều này, Đức Thánh Cha kể lại một câu chuyện về một linh mục rất thông minh, có khả năng, nhưng lại quá gắn bó với công việc. Và một ngày kia, khi biết có một cộng tác viên lớn tuổi phạm sai lầm, linh mục đã cho người này thôi việc. Và người này đã chết vì nguyên nhân này. Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tiến chức hãy tìm nguồn an ủi nơi Đức Mẹ. Bởi vì trong vòng tay yêu thương của Chúa và Mẹ Maria, chúng ta không phải sợ hãi, mọi sự sẽ tốt đẹp. Nghi thức truyền chức Sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha, nghi thức Truyền chức được tiếp tục với kinh cầu Các Thánh, rồi ngài và một số linh mục đặt tay trên đầu 9 phó tế quì trước bàn thờ, trước khi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện Truyền chức. Tiếp đến là các nghi thức bổ túc: mặc phẩm phục linh mục, xức dầu trên lòng bàn tay tiến chức, trao đĩa và chén thánh, sau cùng là trao ban bình an cho các tân chức. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đi hôn tay từng vị tân chức và chào thăm gia đình của các tân linh mục.
ĐỨC THÁNH CHA: CHÚA GIÊSU BẢO VỆ, BIẾT RÕ VÀ YÊU THƯƠNG CÁC CON CHIÊN CỦA NGÀI
Sau khi cử hành thánh lễ truyền chức linh mục, bên trong Đền thờ thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật 25/4/2021, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc, tại căn hộ Giáo hoàng ở lầu ba trong dinh Tông Tòa, để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 2.000 tín hữu, tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô dưới trời nắng đẹp. Huấn dụ của Đức Thánh cha Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu tự mô tả Ngài là Mục Tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên. Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Trong Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh này, được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bài Tin mừng (Ga 10,11-18) trình bày Chúa Giêsu như một mục tử đích thực bảo vệ, biết rõ và yêu thương các chiên của Ngài. Mục tử và kẻ chăn thuê Trái ngược với vị Mục Tử ấy là “kẻ chăn thuê”, đối với những kẻ này, các chiên chẳng đáng kể, vì chúng không phải là của ông ta. Ông làm nghề này chỉ vì đồng lương, và không quan tâm bảo vệ chiên: khi chó sói đến thì ông ta chạy trốn và bỏ rơi đoàn chiên (Xc vv.12-13). Trái lại, Chúa Giêsu, Mục Tử đích thực, bảo vệ và cứu vớt chúng ta trong bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, nhờ ánh sáng của lời Ngài và sức mạnh sự hiện diện của Ngài, mà chúng ta đặc biệt cảm nghiệm trong các bí tích. Mục tử biết rõ chiên Khía cạnh thứ hai là Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành, biết các con chiên và chúng biết Ngài (v.14). Thật là đẹp và an ủi dường nào khi biết rằng, Chúa Giêsu biết từng người trong chúng ta, chúng ta không phải là những kẻ vô danh đối với Ngài, Ngài biết rõ tên chúng ta! Đối với Ngài, chúng ta không phải là “một đám”, “một đám đông”. Không phải vậy, chúng ta là những người duy nhất, mỗi người có lịch sử riêng, mỗi người với giá trị riêng, hoặc với tư cách là thụ tạo, hoặc trong tư cách được Chúa Kitô cứu chuộc. Mỗi người chúng ta đều có thể nói: Chúa Giêsu biết tôi! Đúng vậy, đó là sự thực: không ai biết chúng ta như Chúa. Chỉ mình Ngài biết những điểm tốt và điểm xấu của chúng ta, và Ngài luôn sẵn sàng chăm sóc mỗi người chúng ta, để chữa lành những vết thương do lỗi lầm của chúng ta bằng ơn thánh dồi dào của Ngài. Trong Ngài, có thể hiện hoàn toàn hình ảnh mục tử của dân Chúa được các ngôn sứ mô tả: Người lo lắng cho con chiên, tụ tập chúng, băng bó vết thương, chăm sóc chiên bị bệnh ... (Ed 34, 11-16). Mục tử yêu thương đoàn chiên Vì thế, Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành bảo vệ, biết rõ và nhất là yêu thương các con chiên của Ngài. Ngài hiến mạng sống vì chúng (Xc Gv 10-15). Tình yêu thương đối với các con chiên, nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, khiến Chúa chịu chết trên thập giá, vì thánh ý Chúa Cha là không ai bị hư mất. Tình yêu của Chúa Kitô không lựa lọc, nhưng bao gồm tất cả. Chính Chúa nhắc nhở cho chúng ta điều đó trong bài Tin mừng hôm nay: “Và Thầy còn những con chiên khác không thuộc đoàn này: Thầy cũng phải hướng dẫn chúng. Chúng sẽ nghe tiếng Thầy và trở thành một đoàn chiên duy nhất, một mục tử duy nhất” (Ga 10,16). Những lời này chứng tỏ mối quan tâm phổ quát của Ngài: Chúa Giêsu muốn tất cả có thể nhận được tình thương của Chúa Cha và được sự sống. Giáo hội nối tiếp sứ mạng của Chúa Kitô Giáo hội được kêu gọi thi hành sứ mạng phổ quát này của Chúa Kitô. Ngoài những người lui tới các cộng đoàn của chúng ta, còn có bao nhiêu người chỉ tham gia trong những dịp đặc biệt, hoặc không bao giờ. Nhưng không phải vì thế mà họ không phải là con của Thiên Chúa, được Chúa Cha ủy thác cho Chúa Kitô Mục Tử nhân lành. Chúa Giêsu đã hiến mạng cho tất cả và từng người. Và chúng ta, các Kitô hữu, chúng ta phải làm chứng cho tất cả và mỗi người tình thương của Chúa, trong thái độ khiêm tốn và huynh đệ. Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu bảo vệ, biết rõ và yêu thương mỗi con chiên của Ngài. Xin Mẹ Maria rất thánh giúp chúng con đón nhận và là những người đầu tiên đi theo Vị Mục Tử nhân lành, để vui mừng cộng tác vào sứ mạng của Ngài.” Chào thăm và nhắn nhủ Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước sáng thứ Sáu 23/4 vừa qua, tại nhà thờ chính tòa Santa Cruz của giáo phận Quiché, bên Guatemala cho mười vị Tử Đạo, gồm ba linh mục thừa sai thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, người Tây Ban Nha, cùng với bảy giáo dân giáo lý viên, và có cả một thiếu niên 12 tuổi. Họ bị sát hại vì sự oán ghét đức tin trong cuộc nội chiến tại Guatemala, trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1991. Ngài nói: “Được niềm tin nơi Chúa Kitô linh hoạt, họ là những chứng nhân anh dũng về đức công chính và tình thương. Ước gì tấm gương của các vị làm cho chúng ta thêm quảng đại và can đảm trong việc sống Tin mừng”. Kế đó, Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới với dân chúng tại Quần đảo Vincent và Grenadine, nơi mà núi lửa đang gây ra những thiệt hại và khó khăn. “Tôi cầu nguyện và chúc lành cho những người đang cứu giúp các nạn nhân”. Đức Thánh Cha cũng chia buồn về vụ hỏa hoạn tối thứ Bảy 24/4 vừa qua, tại khu điều trị khẩn trương tại nhà thương ở phường Iban al-Khatib, thuộc thủ đô Baghdad của Irak, nơi chữa trị các bệnh nhân bị Covid-19. Vụ hỏa hoạn làm cho 82 người chết và 110 người bị thương. Trong số các nạn nhân bị thiệt mạng, có ít nhất 28 bệnh nhân phải dùng máy thở. Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn rất lớn về vụ 130 người di dân bị chết đuối vì đắm thuyền trên đường vượt biên từ Libia. Đức Thánh Cha nói: Tôi thú nhận với anh chị em rằng tôi rất đau lòng vì thảm trạng, một lần nữa đã xảy ra trong những ngày qua ở Địa Trung Hải: 130 người di dân bị chết trên biển. Họ là con người, đó là những nhân mạng, trong hai ngày kêu cứu trên biển, nhưng không được ai cứu. Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta phải tự hỏi về thảm trạng tái diễn này. Thật là một nỗi ô nhục! Chúng ta hãy cầu nguyện để cho những anh chị em này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người có thể giúp đỡ nhưng họ muốn ngoảnh mặt đi nơi khác. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho họ”. Đức Thánh Cha nhắc đến Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi và cảm tạ Chúa vì tiếp tục khơi lên những ơn gọi trong Giáo hội, nơi những người vì yêu mến Chúa, hiến thân loan báo Tin mừng và phục vụ anh chị em. Sau cùng, Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu Roma và thân nhân của các tân linh mục mới thụ phong vào buổi sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô. Và như thường lệ, Đức Thánh Cha chúc mọi người ngày Chúa Nhật an lành, đồng thời xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.