Lược sử những cuộc hội kiến giữa Vatican và Hoa Kỳ

Thứ bảy - 30/10/2021 09:04  812

LƯỢC SỬ NHỮNG CUỘC HỘI KIẾN GIỮA HOA KỲ VÀ VATICAN

CUỘC GẶP GIỮA ĐỨC PHANXICÔ VÀ TỔNG THỐNG JOE BIDEN
 
James T. Keane
 
Đức Thánh cha Phanxicô đã đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr. vào ngày 29/10/2021, đánh dấu cuộc hội kiến lần thứ 31 giữa một vị Giáo hoàng và một Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm. Những lần gặp gỡ như vậy dường như không nhiều, trong đó có 29 lần diễn ra trong hơn 50 năm vừa qua.

Mãi cho đến năm 1984, Hoa Kỳ mới chính thức công nhận và trao đổi đại sứ với Tòa Thánh, một phần là vì Hoa Kỳ chưa bao giờ có quan hệ với một thực thể chính trị đồng thời cũng là một trụ sở đứng đầu tôn giáo. Đối với Vatican, Hoa Kỳ không còn là “lãnh thổ truyền giáo” vào năm 1908.

Vị Tổng thống Công giáo đầu tiên của Hoa Kỳ là ông Kennedy đã gặp Đức Giáo hoàng Phaolô VI tại Rôma vào năm 1963, ngay sau khi ngài được chọn là giáo hoàng. Dĩ nhiên, nhiều vị giáo hoàng đã gặp gỡ các tổng thống của Hoa Kỳ trước khi họ đắc cử, đặc biệt với những vị phục vụ trong ngoại giao đoàn. Tương tự, một số chính trị gia đã gặp giáo hoàng trước khi lên làm tổng thống, ví dụ ông Dwight D. Eisenhower (tổng thống: 1953–1961) và Đức Giáo hoàng Piô XII (1939–1958) đã gặp nhau vào cuối Thế chiến II.

Vị giáo hoàng nào đã gặp nhiều tổng thống nhất? Một phần vì thời gian trị vì lâu dài và một phần vì đã có nhiều chuyến công du, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giữ vị trí đầu bảng: bắt đầu với Tổng thống Jimmy Carter năm 1979 (lần đầu tiên một vị giáo hoàng đến thăm Nhà Trắng). Ngài cũng đã nhiều lần gặp Tổng thống Ronald Reagan, George Bush, Bill Clinton và George W. Bush, cả ở Vatican và những nơi khác trên thế giới.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một giáo hoàng và một tổng thống Hoa Kỳ diễn ra hơn một thế kỷ trước, đó là lúc Tổng thống Woodrow Wilson gặp Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XV vào tháng 01/1919. Joseph McAuley, Trợ lý biên tập của Tạp chí America, đã tường thuật chi tiết cuộc gặp gỡ giữa hai vị, một cuộc hội kiến có thể sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông Wilson không thu xếp để góp phần vào chiến thắng chung cuộc ở châu Âu theo sau chiến thắng của quân Đồng minh trong Thế chiến I. Trước khi tham dự Hội nghị Hòa bình Paris (đưa đến Hiệp ước Versailles, chính thức chấm dứt Thế chiến I vào ngày 28/6/1919), Wilson đã dành 6 tháng đi đến nhiều quốc gia khác nhau ở châu Âu – là quãng thời gian dài nhất mà một vị tổng thống Mỹ đi ra nước ngoài. Ông đã gặp Đức Bênêđíctô XV khi đến Ý vào ngày 04/01/1919.

Cả hai vị lãnh đạo này đã có những khát vọng tạo nên những kế hoạch hòa bình, và đóng những vai trò quan trọng trong những năm chiến tranh, nếu không thì họ đã không có điểm gì chung. Tổng thống Wilson nói tiếng Đức chứ không biết tiếng Ý, Đức Bênêđíctô nói nhiều ngôn ngữ trừ tiếng Đức và Anh. Điều này không quan trọng, bởi vì ngôn ngữ ngoại giao thời đó vẫn là tiếng Pháp, mà Đức Bênêđíctô biết sử dụng còn ông Wilson thì không. Qua thông dịch viên, Đức Bênêđíctô XV đã ban phép lành cho phái đoàn tháp tùng tổng thống, dẫn đến một cảnh tượng khó xử. Những người Công giáo trong phái đoàn quỳ gối khi nhận phép lành, còn Tổng thống Wilson vốn là con trai của một mục sư Giáo hội Tin lành Trưởng lão thì cúi đầu.

Mãi đến tháng 12/1959 mới có một cuộc gặp gỡ khác tại Vatican giữa một vị giáo hoàng đương nhiệm là Đức Gioan XXIII và Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Khi đó, ông Eisenhower sắp bước vào năm cuối cùng của hai nhiệm kỳ tổng thống của mình. Chỉ một năm trước, ông đã gửi một bức điện chúc mừng khi Đức Gioan XXIII đắc cử giáo hoàng. Ông Eisenhower lãnh phép rửa 6 năm trước đó trong Giáo hội Tin lành Trưởng lão. Lớn lên trong truyền thống Tin lành Mennonite vốn  không thực hành lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh, nên ông đã không thuộc về một hệ phái nào cho đến khi lãnh phép rửa 10 ngày sau khi nhậm chức tổng thống vào năm 1953.

Việc thông dịch lại trở thành vấn đề, bởi vì Đức Gioan XXIII biết nhiều ngôn ngữ trừ tiếng Anh, còn Tổng thống Eisenhower chỉ biết tiếng Anh. Tuy nhiên, cả hai đã cùng nhau chia sẻ một khoảnh khắc hài hước được máy ảnh ghi lại. Ban biên tập của Tạp chí America lưu ý Đức Giáo hoàng đã “bày tỏ niềm tin tưởng rằng người Công giáo ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nêu gương trong việc góp phần duy trì những truyền thống cao quý của Hoa Kỳ bằng ‘hành động, lòng trung thành và kỷ luật’ của họ…”

Cuộc gặp gỡ tiếp theo diễn ra không phải ở Rôma nhưng một thành phố khác mệnh danh là thủ đô của thế giới: New York. Vào chuyến đi nổi tiếng đến Hoa Kỳ vào năm 1965, chuyến tông du đầu tiên của một vị giáo hoàng đương nhiệm đến đất nước này, Đức Phaolô VI đã gặp Tổng thống Lyndon B. Johnson. Cuộc gặp gỡ này xuất phát từ buổi tiếp kiến riêng của Đức Giáo hoàng với ông Sargent Shriver (anh vợ của Kennedy, đã làm việc với hai Tổng thống Kennedy và Johnson). Khi đó, ông Shriver hỏi Tổng thống Johnson liệu Đức Giáo hoàng Phaolô VI có thể phát biểu trước Liên Hiệp Quốc hay không (sau đó trở thành bài phát biểu nổi tiếng của ngài “Không còn chiến tranh, không để chiến tranh tái diễn!”).

Hai năm sau tại Rôma, cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Giáo hoàng và Tổng thống Johnson đã có màn trao đổi quà nổi tiếng cho đến ngày nay. Cuộc thăm viếng diễn ra hai ngày trước lễ Giáng sinh, nên Đức Phaolô VI đã tặng Tổng thống Johnson một hang đá Giáng sinh. Tổng thống đã tặng lại một…bức tượng bán thân của ông bằng đồng và thạch cao.

Đức Phaolô VI còn gặp cả hai vị kế nhiệm Tổng thống Johnson: Richard Nixon (hai lần) và Gerald Ford. Trong bầu khí cuộc chiến ở Việt Nam thời đó, những lời của Đức Phaolô VI với Tổng thống Nixon trong chuyến thăm năm 1969 có lẽ đã được tiếp nhận cách sâu sắc, khi Đức Giáo hoàng thúc giục ông đặt “một dấu chấm hết hiệu quả hơn nữa đối với việc bùng nổ các cuộc xung đột vũ trang mới, bằng cách theo đuổi con đường chắc chắn hướng về hòa bình lâu dài, thăng tiến sự thịnh vượng đích thực bằng một sự hiểu biết bao quát và mang lại hoa trái”. Đức Giáo hoàng nói rằng, Hoa Kỳ được kêu gọi thực hiện “một sứ mệnh hòa bình, hợp tác với tấm lòng cao cả đối với mọi dân tộc, đặc biệt là với những dân tộc đang phát triển, với lòng quý trọng lẫn nhau, tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người và các quốc gia, và trong việc thăng tiến những giá trị nhân bản đích thực”.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I kế nhiệm Đức Phaolô VI và tại vị 33 ngày vào năm 1978 trước khi qua đời. Một thời gian quá ngắn để có thể tổ chức cuộc gặp gỡ!

Vị kế tiếp là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài đã gặp gỡ năm tổng thống khác nhau của Hoa Kỳ vào 15 dịp khác nhau trong triều giáo hoàng 26 năm của mình. Những cuộc gặp gỡ giữa Đức Gioan Phaolô II và Tổng thống Ronald Reagan (1981–1989) đã giúp mở ra mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Vatican và chính phủ Hoa Kỳ, và những cuộc gặp gỡ giữa những nhà lãnh đạo của hai quốc gia này trở nên phổ biến hơn. Đức Gioan Phaolô II cũng là người đi đầu trong các chuyến tông du, với 104 chuyến đi ra nước ngoài, hơn tất cả các giáo hoàng trước đây cộng lại. Vì thế, đã có nhiều cuộc gặp gỡ bên ngoài những địa điểm truyền thống như New York, Washington D.C. hay Rôma, để đến các thành phố như Fairbanks ở Alaska, St. Louis ở Missouri, Newark ở New Jersey, Miami ở Florida, và Denver ở Colorado (tại Đại học Regis ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 1993).

Sự phản đối của Đức Gioan Phaolô II đối với cuộc chiến tại Iraq vào năm 1991 và 2003 đã tạo nên những cuộc gặp gỡ đầy xung khắc trong những năm cuối triều giáo hoàng giữa ngài và các nhà ngoài giao Hoa Kỳ khi họ hy vọng nhận được sự đồng thuận của Vatican. Tuy nhiên, Tổng thống George W. Bush đã tặng Đức Giáo hoàng Huân chương Tự do trong chuyến thăm Rôma năm 2004. Đức Giáo hoàng lưu ý rằng ngài đã nói rất rõ trong hai cuộc gặp trước với Tổng thống Hoa Kỳ về “lập trường rõ rệt của Tòa Thánh” phản đối cuộc chiến tấn công Iraq, nhưng cũng thừa nhận hai thập kỷ quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia “đã thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau trong những vấn đề lớn về lợi ích chung và hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực khác nhau”.

Khi Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đến thăm Hoa Kỳ năm 2008, cũng là lần thứ hai ngài gặp Tổng thống George W. Bush trong nhiệm kỳ của ông, nhưng có điều đáng nhớ hơn nhiều, vì Đức Giáo hoàng đã có bài diễn văn chưa từng có trong khuôn viên Nhà Trắng. Diễn ra vào sinh nhật thứ 81 của Đức Thánh cha, nhóm người hiện diện trong buổi tiếp đón đã bất ngờ hát bài “Chúc mừng sinh nhật” và ông Bush nhiệt tình tán thành lúc kết thúc bài phát biểu: “Cám ơn ngài, Đức Thánh cha. Bài phát biểu thật tuyệt vời”. Đức Bênêđíctô XVI cũng là vị giáo hoàng đầu tiên thăm đài tưởng niệm 11/9 ở thành phố New York và nói chuyện với những người sống sót sau vụ khủng bố.

Tổng thống Barack Obama đã gặp Đức Bênêđíctô XVI một lần và Đức Phanxicô hai lần. Lần gặp thứ hai của Đức Phanxicô diễn ra trong chuyến thăm Hoa Kỳ đáng ghi nhớ vào năm 2015. Trong dịp đó, cuộc gặp gỡ giữa hai vị đã trở nên mờ nhạt khi Đức Phanxicô có bài diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó ngài đã chỉ ra bốn tiếng nói ngôn sứ của các nhân vật trong lịch sử Hoa Kỳ: Abraham Lincoln, Martin Luther King, Dorothy Day và Thomas Merton. Chuyến viếng thăm này cũng được đánh dấu bằng sự kiện chính trị quan trọng, đó là tuyên bố từ chức của Chủ tịch Quốc hội John Boehner, một ngày sau bài phát biểu trước Quốc hội của Đức Phanxicô.

Tổng thống Donald J. Trump chỉ gặp Đức Phanxicô một lần ở Rôma trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên năm 2017, một sự kiện kéo dài 9 ngày bao gồm các chuyến viếng thăm Israel, Palestine và Saudi Arabia. Bất chấp những bất đồng đáng chú ý về những vấn đề nhập cư, người tị nạn, pháp chế về môi trường và chính sách kinh tế, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc gặp thân thiện, và Vatican bày tỏ hy vọng về một “mối quan hệ tích cực” với chính quyền Trump. Sau đó, Tổng thống Trump đăng Twitter gọi cuộc gặp gỡ là “vinh dự cả đời”, và viết rằng “tôi rời Vatican với quyết tâm hơn bao giờ hết để theo đuổi Hòa Bình trong thế giới chúng ta”.

Tổng thống Joseph R. Biden Jr. và Đức Phanxicô đã gặp nhau nhiều lần trong suốt hai thập kỷ qua [khi ông là phó tổng thống], nhưng cuộc gặp vào ngày 29/10/2021 là lần đầu tiên vị Tổng thống thứ hai người Công giáo của Hoa Kỳ gặp Đức Giáo hoàng kể từ khi nhậm chức.

Theo một tuyên bố ngắn gọn của Vatican vào ngày 29/10, Đức Giáo hoàng Phanxicô và Tổng thống Biden đã gặp riêng tại thư viện Toà Thánh khoảng 75 phút, khá dài so với thông lệ.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã cảm ơn Đức Phanxicô “vì sự bênh vực của ngài đối với người nghèo trên thế giới và những người đang chịu đói kém, xung đột và ngược đãi”.

Cuộc gặp riêng giữa Đức Phanxicô và Tổng thống Biden tập trung vào các chủ đề như: dấn thân chung trong việc bảo vệ và chăm sóc hành tinh, tình hình sức khỏe và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thông qua việc chia sẻ vắc xin và phục hồi kinh tế toàn cầu một cách công bằng, cũng như vấn đề người tị nạn và hỗ trợ người di cư. Đồng thời, hai vị lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề bảo vệ các quyền con người, bao gồm quyền tự do tôn giáo và lương tâm.

Sau cùng, Đức Phanxicô và Tổng thống Biden trao đổi về một số vấn đề thời sự quốc tế trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Rôma, và thúc đẩy hòa bình thế giới thông qua các cuộc đàm phán chính trị.

Sau cuộc hội đàm, Đức Phanxicô và Tổng thống Biden đã trao đổi quà tặng như thông lệ. Tổng thống Hoa Kỳ đã tặng Đức Phanxicô một áo lễ kiểu áo xếp được làm bằng tay, do thợ may nổi tiếng người Ý Gammarelli thực hiện vào năm 1930. Chiếc áo được lưu giữ tại văn khố của giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở Washington, nơi ông Biden thường dự lễ.

Đáp lại, Đức Phanxicô đã tặng Tổng thống Hoa Kỳ bức tranh “Người hành hương” trên gạch men, và một số tài liệu khác như Sứ điệp Hòa bình năm 2021, Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại được ký kết tại Abu Dhabi, Tập sách về buổi cầu nguyện Urbi et Orbi ở Quảng trường Thánh Phêrô để xin kết thúc đại dịch ngày 27/3/2020.

 
Ban học tập Sao Biển lược dịch và tổng hợp từ America Magazine (28/10/2021)
Vatican News (29/10/2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại689,978
  • Tổng lượt truy cập52,858,926

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây