Đức Thánh Cha nhận xét: “những thay đổi của xã hội đang làm thay đổi điều kiện sống của hôn nhân và gia đình trên khắp thế giới. Hơn nữa, bối cảnh khủng hoảng kéo dài và đa dạng hiện nay đang gây sức ép lên các dự án xây dựng gia đình hạnh phúc và ổn định. Tình trạng này có thể được giải đáp bằng cách khám phá lại giá trị của gia đình như nguồn gốc và cội nguồn của trật tự xã hội, như tế bào quan trọng của một xã hội huynh đệ và có khả năng chăm sóc ngôi nhà chung.”
Cần chân nhận rằng “gia đình luôn ở vị trí đầu tiên trong thang giá trị của các dân tộc khác nhau, bởi vì nó được khắc sâu trong chính bản chất của người nữ và người nam. Theo nghĩa này, hôn nhân và gia đình không phải là những thiết chế thuần túy của con người, mặc dù đã có nhiều thay đổi qua nhiều thế kỷ và sự đa dạng về văn hóa và tinh thần giữa các dân tộc khác nhau. Vượt lên trên tất cả những khác biệt, những đặc điểm chung và vĩnh viễn thể hiện tầm quan trọng và giá trị của hôn nhân và gia đình.”
Tuy nhiên, nếu giá trị này được trải nghiệm theo chủ nghĩa cá nhân thì gia đình có thể bị cô lập và phân tán trong bối cảnh xã hội. Theo cách này, các chức năng xã hội mà gia đình đảm trách giữa các cá nhân và trong cộng đồng bị mất đi, đặc biệt là đối với những người yếu nhất như trẻ em, người khuyết tật và người già không đủ khả năng tự lập.
Do đó, vấn đề đặt ra là phải hiểu rằng gia đình tốt cho xã hội, không phải như một tập hợp đơn thuần của các cá nhân, nhưng là một mối quan hệ được thiết lập trong một “mối dây liên kết hoàn thiện lẫn nhau”. Tình yêu lẫn nhau giữa người nam và người nữ là sự phản ánh của tình yêu tuyệt đối và vĩnh viễn mà Thiên Chúa yêu thương con người, được định sẵn để đơm hoa kết trái và được hoàn thiện trong công việc chung của trật tự xã hội và chăm sóc tạo vật.
Lợi ích của gia đình cũng không thuộc loại tổng hợp, nghĩa là, nó không bao gồm việc tổng hợp các nguồn lực của các cá nhân để làm tăng tính hữu ích của mỗi người, nhưng nó là một mối quan hệ của sự hoàn thiện, bao gồm các mối quan hệ chia sẻ của tình yêu chung thủy, sự tin cậy, sự hợp tác, hỗ tương, từ đó tạo nên thiện ích của các thành viên trong gia đình và do đó, là hạnh phúc của họ.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh chào đón trong gia đình. Những phẩm chất của nó được thể hiện một cách cụ thể trong những gia đình có các thành viên yếu ớt hoặc tàn tật. Những gia đình này phát triển những đức tính đặc biệt, giúp nâng cao khả năng yêu thương và sự nhẫn nại trước những khó khăn của cuộc sống. Bên cạnh đó, vấn đề mùa đông nhân khẩu học cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Cần có một chính sách để hỗ trợ các gia đình. Một xã hội thân thiện với gia đình là hoàn toàn có thể.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Nguồn: vaticannews.va
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn