ĐTC cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng Y, Giám mục qua đời
Thứ tư - 02/11/2022 22:17 701
ĐỨC THÁNH CHA CỬ HÀNH THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC QUA ĐỜI TRONG NĂM QUA
Vào lúc 11 giờ trưa ngày 2/11/2022, lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục qua đời trong năm qua. Theo thông tin từ Vatican, từ tháng 11 năm 2021 đến hết tháng 10 năm 2022, có 9 Hồng y và 157 Tổng Giám mục và Giám mục của Giáo hội đã qua đời; trong đó có Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục giáo phận Vinh, qua đời hồi tháng 8 năm nay. Trong bài giảng Đức Thánh Cha chia sẻ về hai từ được nói đến trong các bài Sách Thánh được đọc trong Thánh lễ: niềm mong đợi và ngạc nhiên bất ngờ. Đức Thánh Cha nhắc chúng ta, khi chờ đợi gặp Chúa, đừng để mình bị bất ngờ vì cách phán xét của Thiên Chúa: tất cả phần thưởng hay lời buộc tội chúng ta đều chỉ dựa trên tình yêu nhưng không và lòng thương xót của chúng ta đối với tha nhân; nhưng sự ngạc nhiên của chúng ta sẽ trở thành niềm vui khi chúng ta gặp Chúa giữa những người nghèo khổ và thương tật trên thế giới. Đức Thánh Cha giải thích về hai từ trên: Mong đợi Mong đợi diễn tả ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì chúng ta sống trong mong đợi gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là lý do của lời chuyển cầu của chúng ta hôm nay, đặc biệt là cho các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong năm qua, những người mà chúng ta dâng Hiến lễ Thánh Thể để cầu nguyện cho họ. Mong đợi Chúa Tất cả chúng ta đang sống trong niềm mong đợi, với hy vọng một ngày nào đó sẽ được nghe những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy đến, những người được Cha Ta chúc chúc” (Mt 25,34). Chúng ta đang ở trong phòng chờ của thế giới để đi vào Thiên đàng, tham dự vào “bữa tiệc dành cho muôn dân” mà ngôn sứ Isaia đã nói với chúng ta (x. 25,6). Những lời của ngôn sứ sưởi ấm lòng chúng ta vì sẽ hiện thực những mong đợi lớn nhất của chúng ta: Chúa “sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần” và “lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (câu 8). Thật tuyệt vời khi Chúa đến lau khô nước mắt! Nhưng thật tồi tệ khi chúng ta hy vọng người khác chứ không phải là Chúa lau khô nước mắt cho chúng ta. Và tệ hơn nữa là không có nước mắt. Do đó, chúng ta sẽ có thể nói: “Đây là Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, Đấng lau khô những giọt lệ; nào chúng ta cùng hoan hỷ vui mừng vì được Người cứu độ” (câu 9). Đúng vậy, chúng ta đang sống trong niềm mong đợi nhận được những thiện ích to lớn và tuyệt vời đến nỗi chúng ta không thể tưởng tượng nổi, bởi vì, như Tông đồ Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, “chúng ta là những người được Thiên Chúa cho thừa kế, đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8,17) và “chúng ta chờ đợi để được sống đời đời, chúng ta chờ đợi sự cứu chuộc thân xác chúng ta” (x. câu 23). Mong đợi về Thiên đàng Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nuôi dưỡng lòng mong đợi về Thiên đàng, chúng ta hãy thực hiện ước muốn về Thiên đàng. Thật tốt cho chúng ta hôm nay khi tự hỏi xem những mong muốn của chúng ta có hướng đến Thiên đàng không. Bởi vì chúng ta có nguy cơ khao khát những thứ qua đi, nhầm lẫn giữa mong muốn với nhu cầu, đặt những kỳ vọng thế gian lên trên sự chờ đợi Chúa. Nhưng đánh mất đi những gì quan trọng để đuổi theo mây gió sẽ là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời. Chúng ta hãy hướng nhìn lên, bởi vì chúng ta đang trên đường hướng đến Trời Cao, trong khi những thứ dưới thế này sẽ không đi lên đó: sự nghiệp tốt nhất, thành tựu vĩ đại nhất, các danh hiệu và giải thưởng danh giá nhất, tài sản tích lũy và thành quả trần thế, tất cả sẽ biến mất trong chốc lát. Và mọi kỳ vọng đặt vào chúng sẽ thất vọng mãi mãi. Tôi có chờ đợi sự sống đời sau? Vậy mà, chúng ta dành bao nhiêu thời gian, công sức và sức lực để lo lắng và buồn phiền vì những điều này, để cho sự hăng hái hướng về quê hương phai nhạt, mất đi ý nghĩa của cuộc hành trình, đích điểm của cuộc hành trình, sự vô hạn mà chúng ta hướng tới, niềm vui mà chúng ta mong đợi! Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có sống những điều tôi đọc trong Kinh Tin Kính, “Tôi mong đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” không? Và sự chờ đợi của tôi như thế nào? Tôi có khả năng đi đến những điều cốt yếu hay tôi bị phân tâm bởi quá nhiều thứ dư thừa? Tôi nuôi dưỡng hy vọng hay tôi cứ phàn nàn vì tôi coi trọng quá nhiều thứ không quan trọng, những thứ sẽ qua đi? Ngạc nhiên bất ngờ Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng: Trong khi chờ đợi ngày mai, bài Tin Mừng hôm nay giúp ích cho chúng ta. Và ở đây nổi lên từ thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em: sự ngạc nhiên bất ngờ. Bởi vì chúng ta rất ngạc nhiên mỗi khi nghe chương 25 của Phúc âm thánh Mátthêu. Giống như những nhân vật chính, họ nói: “Lạy Chúa, có khi nào chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có khi nào chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han?" (cc. 37-39). Có khi nào? Những từ này thể hiện sự ngạc nhiên bất ngờ của tất cả mọi người, sự ngạc nhiên của những người công chính và sự bất ngờ của những kẻ bất lương. Lòng thương xót là tiêu chuẩn phán xét của Chúa Có khi nào? Chúng ta cũng có thể nói như vậy: có lẽ chúng ta mong đợi rằng cuộc phán xét về cuộc sống và thế giới sẽ diễn ra dưới ngọn cờ công lý, trước một người giải quyết các vấn nạn tại toà án, người mà bằng cách xem xét mọi yếu tố, làm rõ các tình huống và ý định cách dứt khoát. Ngược lại, trong tòa án của Thiên Chúa, phần công đức và lời buộc tội duy nhất là lòng thương xót đối với người nghèo và người bị bỏ rơi: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, Chúa Giêsu phán quyết (c. 40). Đấng Tối Cao ở trong những kẻ bé nhỏ nhất, Đấng ở trên trời cư ngụ giữa những kẻ tầm thường nhất đối với thế giới. Thật bất ngờ! Nhưng sự phán xét sẽ xảy ra như vậy bởi vì nó sẽ được công bố bởi Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa của tình yêu khiêm hạ, Đấng đã sinh ra và chết trong nghèo khó, đã sống như một người tôi tớ. Thước đo của Người là một tình yêu vượt ra ngoài các thước đo của chúng ta và thước đo của sự phán xét của Người là sự nhưng không. Vì vậy, để chuẩn bị cho bản thân, chúng ta hãy biết điều phải làm: yêu thương cách nhưng không và không cần đền đáp, không chờ đợi sự đáp lại từ những người ở trong danh sách yêu thích của Người, từ những người không thể trả lại cho chúng ta bất cứ điều gì, những người không thu hút sự chú ý của chúng ta. Không giảm nhẹ đòi hỏi của Tin Mừng Có khi nào? Chữ “khi” gây bất ngờ đó, lặp lại bốn lần trong những câu hỏi mà con người đặt ra với Chúa (x. cc. 37.38.39.44), Đấng đến muộn, chỉ “khi Con Người đến trong vinh quang của Người” (c. 31). Thưa anh chị em, chúng ta đừng để mình bị bất ngờ. Chúng ta hãy cẩn thận để đừng bọc đường cho hương vị của Phúc Âm. Bởi vì thông thường, vì sự thuận tiện hoặc vì tiện lợi, chúng ta có xu hướng làm giảm nhẹ sự đòi hỏi của sứ điệp của Chúa Giêsu, giảm nhẹ những lời của Người. Hãy thừa nhận điều đó: chúng ta đã trở nên khá tài tình trong việc thỏa hiệp với Tin Mừng: cho người đói ăn, được! Nhưng vấn đề đói rất phức tạp và tôi chắc chắn không thể giải quyết được! Giúp đỡ người nghèo, được! Nhưng rồi phải đối mặt với những bất công theo một cách nào đó và do đó tốt hơn là chờ đợi, và cũng bởi vì khi dấn thân thì chúng ta có nguy cơ luôn bị quấy rầy và có thể bạn nhận ra rằng mình có thể đã làm tốt hơn! Gần gũi với người bệnh và tù nhân, vâng, nhưng trên các trang nhất của báo chí và trên mạng xã hội có những vấn đề khác cấp bách hơn và vậy tại sao tôi phải quan tâm đến họ? Đón tiếp những người di cư, đúng, nhưng đó là một vấn đề chung phức tạp, liên quan đến chính trị... Và như thế, bằng cách xen kẽ giữa “nhưng” và “thật ra”, chúng ta biến cuộc sống thành một sự thỏa hiệp với Tin Mừng. Chương trình của người Kitô hữu là một trái tim biết nhìn thấy Từ những môn đệ đơn sơ của Thầy, chúng ta trở thành bậc thầy của sự phức tạp, những người tranh luận nhiều mà làm ít, những người tìm kiếm câu trả lời trước máy vi tính hơn là trước Thánh giá, trên mạng internet hơn là trong mắt anh chị em; những Kitô hữu bình luận, tranh luận và phơi bày các lý thuyết, nhưng không hề biết tên một người nghèo, chưa đến thăm một người bệnh nào trong nhiều tháng, chưa bao giờ cho ai đó ăn hoặc cho quần áo mặc, chưa bao giờ kết bạn với người thiếu thốn, quên rằng “chương trình của người Kitô hữu là một trái tim biết nhìn thấy” (BENEDICT XVI, Deus caritas est, 31). Sống chờ đợi Chúa bằng tình yêu Có khi nào? Cả người công chính và người bất lương đều hỏi cách bất ngờ ngạc nhiên. Câu trả lời chỉ có một: khi nào là bây giờ. Nó nằm trong tay chúng ta, trong công việc của lòng thương xót của chúng ta: không phải trong những lời giải thích và phân tích tinh tế, không phải trong những lời biện minh của cá nhân hoặc xã hội. Hôm nay Chúa nhắc nhở chúng ta rằng cái chết đến để làm rõ sự thật về cuộc sống và loại bỏ bất kỳ sự giảm nhẹ nào đối với lòng thương xót. Thưa anh chị em, chúng ta không thể nói là không biết. Tin Mừng giải thích cách sống niềm mong đợi: chúng ta đến gặp Thiên Chúa bằng tình yêu vì Người là tình yêu. Và, vào ngày chúng ta từ giã cõi đời, điều bất ngờ sẽ là hạnh phúc nếu bây giờ chúng ta để cho mình ngạc nhiên trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi chúng ta giữa những người nghèo khổ và thương tật trên thế giới. Và Người chờ đợi được yêu thương không phải bằng lời nói, mà bằng hành động.