ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG SÁNG TẠO
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
WHĐ (03.9.2022) – Trong những thập niên gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, từ ‘sáng tạo’ được sử dụng khá nhiều, chẳng hạn như đất nước sáng tạo, dân tộc sáng tạo, con người sáng tạo, con vật sáng tạo, máy móc sáng tạo, công cụ sáng tạo. Do vậy, thật khó để đưa ra một định nghĩa bao quát và ngắn gọn về sáng tạo. Theo nghĩa chung nhất, sáng tạo được hiểu như là việc con người vận dụng các quy luật tự nhiên để làm nên những sản phẩm mới mẻ, phù hợp hơn với nhu cầu xã hội, hầu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Sáng tạo được diễn tả qua những tư duy độc đáo, những phát minh hữu ích, những cải biến trổi vượt trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng như nhiều hình thức khoa học khác. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng ‘nồng độ tri thức’ trong các sản phẩm do con người tạo ra càng ngày càng cao. Hơn nữa, tri thức của con người không chỉ có tính kế tục mà còn có tính phát triển với tốc độ càng ngày càng nhanh và mạnh hơn. Tuy nhiên, sáng tạo của con người không phải là vô hạn bởi vì có rất nhiều thứ con người muốn nhưng không thể làm được. Đặc biệt, con người không thể sáng tạo được ‘cái gì đó’ (something) từ ‘không có cái gì’ (nothing).
Theo mặc khải Ki-tô Giáo, trong tiếng Do-thái, בָּרָא (bara) có nghĩa là sáng tạo: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Sáng tạo bao gồm hành động và đối tượng hay hiệu quả của hành động đó. Thiên Chúa sáng tạo trời đất và muôn vật muôn loài từ hư vô (ex nihilo: St 1,1-2; Tv 33,6; Is 44,24; 2 Mcb 7,28; Ga 1,3; Cl 1,16; Dt 2,10), từ không hiện hữu đến hiện hữu (from non-existence to existence). Sáng tạo từ hư vô được diễn tả qua ngôn ngữ biểu tượng trong sách Sáng Thế là sáng tạo lúc chỉ có sự ‘trống rỗng’, lúc ‘chưa có hình dạng’ của bất cứ cái gì, lúc ‘bóng tối bao trùm vực thẳm’. Thánh I-rê-nê (130-202) khẳng định rằng, với ý muốn và quyền năng của Người, Thiên Chúa đã tạo nên mọi sự từ không có cái gì hiện hữu trước đó (St. Irenaeus, Against Heresies, Book II, Chapter 10,2). Thánh Au-gút-ti-nô (354-430) cũng giải thích tương tự. Sáng tạo từ hư vô là mặc khải quan trọng trong Do-thái Giáo cũng như Ki-tô Giáo, phân biệt với nhãn quan của Aristotle (384-322 trCN) hay một số triết gia Hy-lạp khác. Đối với họ, từ ‘không’ đến ‘có’ là điều không thể hiểu được đối với trí năng con người. Đó là lý do tại sao họ cho rằng vũ trụ luôn tồn tại, vũ trụ là vĩnh cửu.
Ba điểm căn bản liên quan đến chương trình sáng tạo của Thiên Chúa theo nội dung đức tin Ki-tô Giáo: (1) Thiên Chúa không cần bất cứ thứ gì có trước hay sự trợ giúp nào đó để sáng tạo mọi sự mà sáng tạo chúng từ hư vô; (2) Mọi sự được sáng tạo mà không xuất phát từ bản thể Thiên Chúa; (3) Thiên Chúa không tất yếu phải sáng tạo; Người hoàn toàn tự do sáng tạo hay không (Công Đồng Vatican I, DS 3022-3025; GLGHCG 296). Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a giúp chúng ta hiểu thêm về điều này: “Chính Ta là Đức Chúa đã dựng nên vạn vật, một tay Ta đã căng vòm trời, đã trải rộng trái đất, chẳng cần ai giúp đỡ” (Is 44,24). Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, sáng tạo nghĩa là tạo ra điều gì đó từ hư vô (ST, Ia, q.45. art 2). Đồng thời, thánh nhân cũng khẳng định rằng muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo liên quan mật thiết với nhau vì đều được Thiên Chúa sáng tạo (ST, Ia, q.45. art 3). Thánh nhân khẳng định rằng chỉ có đức tin đặt nền tảng trên mặc khải của Thiên Chúa, chứ không phải lý trí, cho chúng ta biết vũ trụ không phải vĩnh cửu, không luôn luôn hiện hữu (ST I, Q.46, a.2, a.2). Điều này cũng được tác giả thư gửi tín hữu Do-thái diễn tả: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3).
Nhờ đào sâu mặc khải của Thiên Chúa, các giáo phụ đã khai sinh thần học sáng tạo, hình thức thần học cho phép con người hiểu rõ hơn về tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với muôn vật muôn loài. Theo thánh Ba-xi-li-ô Cả (329-379), trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và công trình sáng tạo: Chúa Cha là nguyên nhân cội nguồn (the orginial cause) của muôn vật muôn loài; Chúa Con là nguyên nhân sáng tạo (the creative cause: Người được sinh ra từ trước muôn đời, là Lời hằng sống, là Đấng Tạo Hóa chứ không phải thụ tạo, nhờ Người, muôn vật muôn loài được tạo thành); Chúa Thánh Thần là nguyên nhân làm cho muôn vật muôn loài được hoàn hảo (the perfecting cause). Thánh nhân nhấn mạnh rằng ý định của Chúa Cha luôn được thực hiện qua Chúa Con trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, theo thánh nhân, Ba Ngôi luôn hiện diện và hoạt động cùng nhau trong mọi hoàn cảnh và công việc của Ba Ngôi đều toàn thiện, toàn mỹ (St. Basile, on the Holy Spirit, Chapter XVI, 38). Khi đề cập việc sáng tạo con người, thánh I-rê-nê (130-202) viết rằng con người (hồn và xác) được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa bởi ‘đôi tay’ của Người là Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Against Heresies, Book IV, Preface và Book V, 6.1). Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 139 viết: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139,13-14).
Hành trình khám phá nội dung mặc khải Kinh Thánh của các giáo phụ và các thần học gia qua dòng lịch sử giúp chúng ta nhận thức rằng luôn có sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong đời sống nội tại (ad intra) cũng như trong hoạt động ngoại tại (ad extra) là công trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Sự thống nhất không thể tách rời giữa hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với hành động sáng tạo của Chúa Cha đã được thoáng thấy trong Cựu Ước… Sáng tạo là công trình chung của Ba Ngôi Chí Thánh” (GLGHCG 292). Đặc biệt, theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Tuy công trình sáng tạo được coi là của Chúa Cha, nhưng chân lý đức tin cũng dạy: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia được của công trình sáng tạo” (GLGHCG 316). Nói cách khác, sáng tạo là hành động của Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, khi muốn quy một hoạt động chung cho một Ngôi Vị cách đặc biệt, biểu trưng, chúng ta thường nói Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu độ, Chúa Thánh Thần thánh hóa.
Trở lại với mặc khải Kinh Thánh, sách Sáng Thế chương một cho chúng ta biết rằng con người là đỉnh cao của chương trình Thiên Chúa sáng tạo. Bởi vì, trước hết, Thiên Chúa sáng tạo mọi sự cho con người. Sau đó, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Sách Sáng Thế chương hai cho chúng ta biết rằng con người là trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo: “Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra” (St 2,8). Đặc biệt, “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Sách Sáng Thế chương ba cho chúng ta biết con người đã vô ơn, kiêu ngạo, phạm tội (St 3,1-7). Công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã bị con người phá vỡ, xáo trộn trật tự, đánh mất sự hài hòa. Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và hứa ban ơn cứu độ (St 3,15). Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với con người không gián đoạn nhưng tiếp tục sau khi con người phạm tội, bởi vì Thiên Chúa đã chúc lành và thiết lập giao ước với con người sau Hồng Thủy (St 9,1-17). Lời chúc lành được bắt đầu và kết thúc với những ‘công thức’ như: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều’, ‘cho đầy mặt đất’, và ‘chúng được trao vào tay các ngươi’ (St 1,28; St 9,1-7). Đối chiếu với cuộc sáng tạo lần thứ nhất trong sách Sáng Thế chương một và chương hai, các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng những lời trên trở nên dấu chỉ cho thấy Hồng Thủy là một cuộc ‘sáng tạo mới’. Bởi vì, Thiên Chúa nói với Nô-ê: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa. Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất" (St 9,12-16).
Trong Cựu Ước, ngoài sách Sáng Thế, chủ đề sáng tạo còn được trình bày cách đặc biệt trong các sách khôn ngoan (Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca). Trong đó, Khôn Ngoan hay Đức Khôn Ngoan (σοφία/ sophia) là vĩnh cửu như Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, chẳng hạn: “Nguồn gốc cao sang của mình, Đức Khôn Ngoan làm rạng ngời vinh hiển, bởi Đức Khôn Ngoan luôn sống cùng Thiên Chúa; và Chúa Tể muôn loài vẫn hằng yêu quý Đức Khôn Ngoan” (Kn 8,3); “Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa, biết những việc Chúa làm, hiện diện khi Ngài tạo thành vũ trụ, biết rõ những gì đẹp mắt Chúa và phù hợp với huấn lệnh của Ngài” (Kn 9,9); “Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất” (Cn 8,27-29). Đức Khôn Ngoan tồn tại trước muôn vật muôn loài và nhờ Đức Khôn Ngoan, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài: “Đức Chúa dùng khôn ngoan đặt nền cho trái đất, dùng hiểu biết thiết lập các tầng trời. Nhờ tri thức của Người, vực sâu được khai mở và mây trời đổ mưa” (Cn 3,19-20); “Ta [Đức Khôn Ngoan] hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,30-31); “Nếu như con người vận dụng trí thông minh mà làm nên việc này việc nọ, thì hỏi có ai hơn được Đức Khôn Ngoan là tay thợ đã làm nên tất cả?” (Kn 8,6). Những trích đoạn này cho chúng ta nhận thức rằng Khôn Ngoan hay Đức Khôn Ngoan được ngôi vị hóa hay nhân cách hóa (personification) như là bước quan trọng chuẩn bị cho mặc khải về Đức Giê-su là Khôn Ngoan Nhập Thể hay Lời (Λόγος/ Logos) Nhập Thể của Thiên Chúa.
Chủ đề sáng tạo tiếp tục được đào sâu và diễn tả cách cụ thể hơn trong Tân Ước. Những câu đầu tiên của Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cho chúng ta biết điều này: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,1-4). Chúng ta thấy sự tương đồng giữa trình thuật của thánh Gio-an về Ngôi Lời của Thiên Chúa trong trích đoạn này và Khôn Ngoan hay Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong những trích đoạn ở trên. Đặc biệt, theo thánh Gio-an: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Đức Giê-su là Khôn Ngoan, là Lời sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này đã được tiên báo trong Cựu Ước: “Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên” (Kn 9,1-2). Như vậy, các trình thuật Cựu Ước và Tân Ước giúp chúng ta nhận thức rằng muôn vật muôn loài không phải là sản phẩm của ngẫu nhiên, của những biến đổi may rủi hay của các quyền lực đối nghịch mà là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa sáng tạo nhờ Khôn Ngoan cũng là Lời vĩnh cửu của Người.
Ngôi Lời của Thiên Chúa tiếp tục chương trình sáng tạo trong dòng lịch sử bằng sự tái tạo, phục hồi và hoàn thiện những gì bị đổ vỡ và hư hỏng do tội lỗi. Biến cố Đức Giê-su là Ngôi Lời Nhập Thể được xem là biến cố sáng tạo mới, sáng tạo đạt đỉnh điểm. Bởi vì, trong biến cố này, Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa đã trở thành con người, giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Vũ trụ chết chóc, ảm đạm vì tội lỗi sau biến cố sa ngã của Nguyên Tổ nay trở nên sinh động trở lại, mới mẻ và tốt đẹp hơn nhờ Ngôi Lời của Thiên Chúa ‘đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’. Với Biến Cố Nhập Thể, Đức Giê-su diễn tả Người là con người thật và Thiên Chúa thật. Đặc biệt, nhờ Đức Giê-su, con người nhận biết Thiên Chúa cách thích hợp và hoàn hảo hơn: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Sự hiện diện của Đức Giê-su lịch sử là sự hiện diện đầy tính sáng tạo. Đây là sự hiện diện phục hồi và quy tụ tất cả những tinh hoa tốt đẹp của lịch sử thế giới thụ tạo, đồng thời mở ra chương mới cho con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Chính Đức Giê-su trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ đã tỏ bày ý nghĩa sâu xa và đầy đủ của mầu nhiệm Thiên Chúa sáng tạo, đồng thời, chỉ cho con người biết cách thức và lý do để cộng tác vào chương trình sáng tạo.
Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su diễn tả việc Thiên Chúa tiếp tục quan tâm, chăm sóc muôn vật muôn loài đã được sáng tạo, chẳng hạn như Người nói: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6) hay: “Hãy nhìn hoa huệ mà suy: Chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Lc 12,27). Trong Cựu Ước, chúng ta cũng gặp nhiều trích đoạn diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với muôn vật muôn loài, chẳng hạn: “Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn. Ngài ban xuống, chúng lượm về, Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước. Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104,27-29). Hơn ai hết, Đức Giê-su sống hòa hợp với thế giới thụ tạo, chẳng hạn như sau khi Người dẹp yên biển động, mọi người ngạc nhiên và thốt lên: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,27). Đức Giê-su đề cao tầm quan trọng của thế giới thụ tạo trong việc nuôi dưỡng con người: “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7,34). Hơn nữa, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Trong việc cử hành bí tích này, bánh và rượu (hoa màu ruộng đất và công lao của con người) trở thành Mình và Máu thánh Đức Giê-su hầu nuôi dưỡng đời sống tâm linh của các tín hữu trong hành trình trần thế.
Nếu chúng ta hiểu ‘sáng tạo’ là biến đổi hay đem lại những gì mới mẻ hầu nâng cao phẩm giá và chất lượng cuộc sống con người thì hơn ai hết, Đức Giê-su là ‘con người sáng tạo’. Hành trình trần thế của Người có thể được gọi là ‘hành trình sáng tạo’. Bởi vì, mọi lời nói và việc làm của Đức Giê-su luôn đem lại sự đổi mới nơi con người, chẳng hạn như khi Người chữa bệnh cũng là khi Người khôi phục sức sống cho bệnh nhân; khi Người trừ quỷ cũng là khi Người xua đuổi quyền lực ma quỷ, quyền lực tối tăm ra khỏi nạn nhân; khi Người tha tội cũng là khi Người đem lại sự tươi mới cho tâm hồn người tội lỗi; khi Người chọn Nhóm Mười Hai cũng là khi Người thiết lập Giáo Hội là Ít-ra-en mới; khi Người công bố những tiêu chuẩn luân lý mới cũng là khi Người kiện toàn lời của Thiên Chúa đã được diễn tả trong Cựu Ước. Những hình ảnh hay tước hiệu của Đức Giê-su đều có thể mang ý nghĩa ‘sáng tạo’, chẳng hạn như chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-su là Thầy Dạy sáng tạo, Mục Tử sáng tạo, Con Chiên sáng tạo, Chàng Rể sáng tạo, Đầy Tớ sáng tạo, Người Bạn sáng tạo, Trưởng Tử sáng tạo. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng Người là Đường và rằng không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người (Ga 14,6). Đường của Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo. Bởi vì, nhờ Đức Giê-su, muôn vật muôn loài được dựng nên, được duy trì và được biến đổi cho sự hoàn hảo chung cuộc. Đặc biệt, nhờ Đức Giê-su, con người được hiện hữu và hoạt động, được thứ tha tội lỗi và được biến đổi, trở nên thụ tạo mới.
Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su khi Người đi vào lịch sử nhân loại được thực hiện qua sự vâng phục đến nỗi bằng chịu đau khổ tột bậc. Trong sách Sáng Thế, sau khi con người phạm tội vì bất tuân, Thiên Chúa nói với con người: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra” (St 3,17-19). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng khi bất tuân Thiên Chúa, đi ngược lại với luật tự nhiên và tiếng nói lương tâm, mọi người trong gia đình nhân loại luôn phải chịu nhiều đau khổ, khác nhau chăng cũng chỉ là hình thức và mức độ đau khổ mà thôi. Không một giây phút nào trong hành trình lịch sử lại vắng bóng đau khổ. Khi nói đến tái tạo hay sáng tạo mới, dân Do-thái cho rằng Thiên Chúa sẽ ‘ra oai quyền lực’ theo cách thức phù hợp với nhãn quan của họ. Tuy nhiên, chương trình tái tạo hay sáng tạo mới của Thiên Chúa lại được Đức Giê-su thực hiện qua việc tuân phục thánh ý Chúa Cha để đón nhận đau khổ, đón nhận thập giá hầu diễn tả sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,22-25). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10). Xét theo kinh nghiệm thông thường của con người, sáng tạo và đau khổ không nhất thiết đi đôi với nhau. Tuy nhiên, thật nhiệm mầu, Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su lại được thực hiện qua đau khổ của Người theo thánh ý Chúa Cha.
Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su đi xuyên qua vực thẳm sự chết. Đây là vực thẳm mà mọi người trong gia đình nhân loại đều phải trải qua. Đây là vực thẳm mà ai cũng sợ hãi. Trước cái chết, Đức Giê-su đã thưa lên cùng Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha" (Lc 22,42). Trong các hình thức hiện diện của Đức Giê-su với con người, đây là hình thức hiện diện bi thương nhất nhưng lại mạnh mẽ và kỳ diệu nhất. Đức Giê-su là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ lại phải chịu chết. Tuy nhiên, sự chết của Đức Giê-su là ‘sáng tạo mới’ bởi vì nhờ đó mà những ai liên kết với Người trong cái chết sẽ được sinh vào sự sống vinh quang bất diệt, mọi hình thức của sự chết sẽ vĩnh viễn bị tiêu diệt đối với họ như lời thánh Phan-xi-cô Át-xi-di: ‘Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời’. Thánh Phao-lô viết: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Cũng theo thánh nhân: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,5). Còn tác giả thư gửi tín hữu Do-thái thì viết: “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15).
Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su đạt đích điểm là sự phục sinh vinh hiển của Người. Với biến cố này, Đức Giê-su mở ra viễn cảnh mới cho thân phận con người. Điều này có nghĩa rằng thân phận con người không chỉ kết thúc với sự chết nhưng là được phục sinh vinh hiển. Đức Giê-su phục sinh vào ‘ngày thứ nhất trong tuần’, điều này gợi lên trong chúng ta ngày đầu tiên của chương trình Thiên Chúa sáng tạo. Đức Giê-su khai mở ngày mới cho mọi người trong gia đình nhân loại. Với sự phục sinh, Đức Giê-su đã bắc cho gia đình nhân loại chiếc cầu kiên vững qua vực thẳm sự chết. Hay nói đúng hơn, nhờ sự phục sinh, Đường Sáng Tạo của Đức Giêsu không chỉ xuyên qua vực thẳm sự chết mà còn biến đổi nó thành điểm sau cùng của con đường, là ngưỡng cửa qua đó nhân loại bước vào sự sống đời đời. Với sự phục sinh, Đức Giê-su ban sự sống mới cho con người, sự sống được kết hiệp với Người luôn mãi trong Nước Thiên Chúa. Thánh Phê-rô nói với những người Do-thái: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3,15). Như vậy, sự phục sinh của Đức Giê-su là ‘sáng tạo mới’ (new creation) đúng nghĩa nhất. Nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su, con người có được niềm tin và hy vọng vững chắc vào sự sống vĩnh cửu giữa những bấp bênh, đau khổ và khó khăn của cuộc sống hằng ngày. Sự phục sinh của Đức Giê-su là mô mẫu cho sự phục sinh của những ai tin tưởng, gắn bó và thực thi thánh ý Người trong hành trình trần thế (Pl 3,10-11).
Tương tự như thánh Phao-lô và thánh Gio-an Tông Đồ, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta biết vai trò của Đức Giê-su đối với chương trình Thiên Chúa sáng tạo lúc khởi đầu: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Hơn nữa, Đức Giê-su là “Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1,3). Như vậy, quyền năng của Đức Giê-su thật cao trọng, quyền năng Người cũng chính là quyền năng của Thiên Chúa trên trần gian. Chắc rằng độc giả của thư này sẽ rất ngạc nhiên bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới làm những việc vĩ đại như vậy. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái muốn cho mọi người biết rằng sự hiện diện của Đức Giê-su chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong môi trường văn hóa và truyền thống Do-thái.
Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái còn cho mọi người biết quyền năng trổi vượt của Đức Giê-su so với các nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân Do-thái, chẳng hạn như Mô-sê: “Ông Mô-sê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa, với tư cách là tôi tớ để làm chứng về các điều Thiên Chúa sẽ phán truyền. Còn Đức Ki-tô thì trung thành với tư cách là người Con đứng đầu nhà Thiên Chúa” (Dt 3,5-6). Hơn nữa, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho mọi người biết sự cao trọng trổi vượt của Đức Giê-su so với các thụ tạo, kể cả các thiên thần: “Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta. Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người” (Dt 1,5-6). Như vậy, một mặt, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái đề cao sự trổi vượt của Đức Giê-su đối với con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Mặt khác, Đức Giê-su là vị Thượng Tế siêu phàm đã hiến dâng chính mình để thực hiện chương trình sáng tạo mới của Thiên Chúa (Dt 4,14-16).
Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô cho chúng ta biết căn tính của Đức Giê-su cũng như vai trò của Người trong chương trình sáng tạo lúc khởi đầu: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,15-17). Đồng thời, thánh nhân cũng cho chúng ta biết vai trò của Đức Giê-su trong sáng tạo mới: “Người cũng là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình” (Cl 1,18-20). Tương tự thánh Phao-lô, tác giả sách Khải Huyền viết: “Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian” (Kh 1,5). Như vậy, Đức Giê-su vừa là ‘trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo’, vừa là ‘là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại’. Nói cách khác, Người vừa là nguyên lý chương trình Thiên Chúa sáng tạo lúc khởi đầu, vừa là nguyên lý chương trình cứu độ, chương trình Thiên Chúa tái tạo hay sáng tạo mới.
Đối với thánh Phao-lô, con người cũng như muôn vật muôn loài được đổi mới nhờ Đức Giê-su và cùng nhau hướng về Người vào thời quang lâm (παρουσίᾳ/ parousia). Thánh Phao-lô diễn tả rõ ràng rằng: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10). Như vậy, nhờ Đức Giê-su, con người và muôn vật muôn loài được tạo thành, được tồn tại, được biến đổi. Trong Đức Giê-su, con người và muôn vật muôn loài được yêu thương, được ánh sáng thường hằng bất biến chiếu tỏa và tình yêu vô bờ bao bọc. Theo thánh Phao-lô: “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36). Chúng ta để ý đến ba động từ trong trích đoạn này (có, tồn tại, quy hướng). Như vậy, nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa không chỉ dựng nên con người cũng như muôn vật muôn loài mà còn luôn duy trì và định hướng con người cũng như muôn vật muôn loài về với Thiên Chúa.
Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, tương lai cánh chung không chỉ thuộc về con người mà còn muôn vật muôn loài nữa. Điều này có nghĩa rằng muôn vật muôn loài được biến đổi, được quy tụ, trong đó Đức Giê-su là trung tâm của mọi biến đổi và quy tụ. Bởi vì, Người là khởi đầu (An-pha) và cùng đích (Ô-mê-ga) của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Đức Giê-su là An-pha có nghĩa rằng Người là khởi nguyên, có trước muôn vật muôn loài (Cl 1,17). Đức Giê-su là Ô-mê-ga có nghĩa rằng Người là cùng đích muôn vật muôn loài được quy tụ về (Ep 1,10). Như vậy, không chỉ con người mà thôi, muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo cũng có ‘một tương lai!’ Mọi người trong gia đình nhân loại, qua mọi thời và khắp mọi nơi, được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo và tái tạo của Thiên Chúa cho đến khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức Giê-su. Theo lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước: “Chính là Đấng từ nguyên thủy đã an bài cho các thời đại nối tiếp nhau. Chính là Ta. Ta là Đức Chúa, Ta là khởi nguyên, và giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta” (Is 41,4) hay: “Hãy nghe Ta, hỡi Gia-cóp, hỡi Ít-ra-en, kẻ Ta đã gọi! Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên, Ta cũng là cùng tận” (Is 48,12). Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được ứng nghiệm trong Tân Ước, nhất là trong sách Khải Huyền, trong đó An-pha và Ô-mê-ga vừa áp dụng cho Thiên Chúa vừa áp dụng cho Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo (Kh 1,8; 21,6; 22,13).
Chúng ta có thể khẳng định rằng các trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế cũng như một số sách khác trong Cựu Ước được sáng tỏ hơn nhờ các trình thuật sáng tạo và tái tạo hay cứu độ trong Tân Ước, nhất là của thánh Gio-an Tông Đồ, thánh Phao-lô và tác giả thư gửi tín hữu Do-thái (Ga 1,1-3; Cl 1,15-20; Ep 1,3-10; Dt 1,1-3). Nội dung căn bản của sáng tạo trong Cựu Ước là ‘Thiên Chúa phán thì muôn vật muôn loài được dựng nên’, không chỉ được làm sáng tỏ hơn mà còn được hoàn hảo cách trổi vượt nhờ mặc khải của Tân Ước về vai trò của Ngôi Lời trong công cuộc sáng tạo và tái tạo, tức là ‘nhờ Ngôi Lời muôn vật muôn loài được dựng nên’ và ‘những ai đón nhận [Ngôi Lời Nhập Thể] thì Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa [τέκνα Θεοῦ]. Họ được sinh ra... do bởi Thiên Chúa’. Quả thực, với Lời sáng tạo của Thiên Chúa hiện diện ‘bằng xương bằng thịt’ trên trần gian, các trình thuật sáng tạo trong Cựu Ước được kiện toàn. Theo Công Đồng Vatican II, “Thiên Chúa Ðấng linh ứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước” (DV 16). Còn theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Cuộc sáng tạo thứ nhất đã tìm ra ý nghĩa và đạt tới đỉnh cao trong cuộc sáng tạo mới nơi Chúa Ki-tô, sự rực rỡ của sáng tạo mới này vượt xa vẻ huy hoàng của sáng tạo trước” (GLGHCG 349). Nói cách khác, nhờ Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế, con người mới có thể hiểu rõ hơn ý định và chương trình của Thiên Chúa đối với nhân loại và muôn vật muôn loài. Nhờ Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su, con người và muôn vật muôn loài không còn lâm vào cảnh thất vọng, tàn lụi, chết chóc nhưng được tái tạo, đổi mới và quy hướng về Người.
Như đề cập ở trên, một lần nữa chúng ta cần phân biệt giữa khái niệm sáng tạo hay sáng tạo lúc khởi đầu và tái tạo hay sáng tạo mới trong chương trình của Thiên Chúa: Sáng tạo lúc khởi đầu là sáng tạo vạn vật từ hư vô, còn sáng tạo mới là khôi phục, biến đổi, thăng tiến vạn vật. Chúng ta thấy có sự tiếp tục và biến đổi của sáng tạo lúc khởi đầu và sáng tạo mới như thánh Phao-lô đề cập trong thư thứ nhất của ngài gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 15,42-49). Trong sáng tạo lúc khởi đầu, Thiên Chúa phán thì muôn vật muôn loài xuất hiện. Trong sáng tạo mới, Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm giữa lòng nhân loại và với biến cố khổ nạn, sự chết và phục sinh, Người đã tái tạo một nhân loại mới cho Thiên Chúa. Sáng tạo mới không chỉ cho phép phẩm giá con người trở về tình trạng ban đầu là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mà còn cho phép con người trở nên con cái Thiên Chúa (Ga 1,12; Rm 8,16; Gl 3,26). Thánh Phao-lô viết: “Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Nói cách khác, sáng tạo lúc khởi đầu tốt đẹp, nhưng vì tội lỗi của A-đam, con người và muôn vật muôn loài chịu ảnh hưởng bởi ‘nền văn hóa A-đam’, nền văn hóa bị tội lỗi và sự chết chi phối. Với sáng tạo mới, con người và muôn vật muôn loài được hiện diện trong ‘nền văn hóa Đức Giê-su’, nền văn hóa đầy tràn ân sủng, bình an và sự thật.
Khi so sánh giữa A-đam và Đức Giê-su, thánh Phao-lô viết: “Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm, 5,15). Thánh nhân cũng viết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Sau này, thánh An-sen-mô (1033–1109) khẳng định rằng Thiên Chúa phục hồi bản tính con người cách kỳ diệu hơn khi tạo con người (St. Anselm, ‘Cur Deus Homo’, Basic Writings, Ed. and Trans. by Thomas Williams, 309). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Ngay cả khi đã đánh mất nét giống Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, vẫn hướng về Đấng dựng nên mình. Mọi tôn giáo đều nói lên khát vọng tìm kiếm căn bản này của con người” (GLGHCG 2566). Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo đi vào lịch sử nhân loại để biến đổi thân phận con người từ tình trạng vô ơn, bất tín, phản nghịch, tội lỗi tới tình trạng biết ơn, trung tín, vâng phục, thánh thiện. Nói cách tổng quát, Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su không chỉ đem con người và muôn vật muôn loài trở về tình trạng nguyên thủy mà còn đưa đến tình trạng trong đó muôn vật muôn loài được quy tụ, được biến đổi thích hợp để thuộc về trời mới đất mới vĩnh cửu.
Chúng ta thường nghe nói rằng ‘yêu ai yêu cả đường đi’. Con người không thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không màng quan tâm đến muôn vật muôn loài do Người sáng tạo. Theo Công Đồng Vatican II: “Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng về Mình trước mặt loài người qua các thụ tạo” (DV 3). Con người không thể thực thi sứ mệnh của mình cách phù hợp nếu không nhìn nhận tầm quan trọng của thế giới thụ tạo. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Nếu ‘sự độc lập của thực tại trần thế’ có nghĩa là: Các thụ tạo không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần quy hướng về Ðấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, thụ tạo đều tiêu tan” (GS 36). Do đó, con người được mời gọi luôn có thái độ trân trọng, gìn giữ, chăm sóc, bảo vệ thế giới thụ tạo vì Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Cách cụ thể, con người không chỉ thể hiện mình như là người ‘chủ’ nào đó, mà còn là ‘nhà quản lý’ được Thiên Chúa, Chủ Tể tối cao, đặt lên trông nom thế giới thụ tạo như được diễn tả trong sách Huấn Ca: “Họ giữ cho thế giới được trường tồn” (Hc 38,34).
Tác giả Thánh Vịnh 33 viết: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Từ khởi đầu vũ trụ cho tới hôm nay cũng như tương lai, muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo liên kết chặt chẽ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Con người được gọi là ‘tiểu vũ trụ’, con người không thể ‘độc lập tuyệt đối’ với muôn vật muôn loài trong ‘đại vũ trụ’. Do đó, một hơi thở, một lời nói, một bước đi của con người đều ‘đụng chạm’ đến muôn vật muôn loài. Theo Công Đồng Vatican II: “Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo” (GS 13). Trong ‘Bài Ca Thụ Tạo’, thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (1181-1226) tán dương Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện. Đồng thời, ngài gọi trái đất là mẹ; mặt trời, gió, lửa là anh; mặt trăng, nước, bệnh tật là chị. Đối với thánh nhân, muôn vật muôn loài thật đẹp đẽ, thật gần gũi, thật thân thương. Muôn vật muôn loài phản ánh quyền năng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đối với ngài, ai là môn đệ của Đức Giê-su cần phải quan tâm đến muôn vật muôn loài, phụng sự Thiên Chúa trong tinh thần khiêm hạ và luôn quy hướng về Thiên Chúa chứ không phải về mình.
Muôn vật muôn loài được in đậm dấu ấn của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô viết: ”Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,19-20). Công Đồng Vatican II tiếp tục khẳng định tư tưởng sâu sắc và quan trọng này của thánh nhân (DV 6). Qua thế giới thụ tạo, qua sự hiện hữu và vận hành có trật tự, có mục đích của muôn vật muôn loài, con người có thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Nói cách khác, Thiên Chúa mặc khải chính mình qua công trình của Người. Nhờ thế giới thụ tạo, nhờ ánh sáng tự nhiên, con người có thể nhận biết cách chắc chắn về Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Đặc biệt, con người được mời gọi không dừng lại ở thế giới thụ tạo nhưng hãy chiêm ngưỡng Thiên Chúa qua thế giới thụ tạo, bởi vì: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19,2-3). Đối với tâm hồn của người tin nhận Thiên Chúa sáng tạo thì thế giới thụ tạo luôn chúc tụng Thiên Chúa và được mời gọi tiếp tục làm như vậy: “Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt, ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi. Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút, cả khối nước phía trên bầu trời” (Tv 148,3-4). Theo giáo huấn Công Đồng Vatican II: “Tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của thụ tạo, giá trị của chúng, và cùng đích của chúng là ca tụng Thiên Chúa” (LG 36).
Con người có thể cảm nhận được tình yêu, quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua cuốn sách thế giới thụ tạo. Theo Công Đồng Vatican II: “Mọi tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn nghe tiếng Thiên Chúa và thấy Ngài hiển hiện qua tiếng nói của thụ tạo. Lại nữa, quên mất Thiên Chúa, mọi thụ tạo đều trở nên mờ tối” (GS 36). Còn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì minh định: “Trước khi tự mặc khải cho con người bằng lời chân lý, Thiên Chúa đã tỏ mình qua ngôn ngữ phổ quát của công trình sáng tạo lao động, tác phẩm của Lời và Đức Khôn Ngoan của Người, qua trật tự và sự hài hòa của vũ trụ mà cả trẻ thơ lẫn nhà khoa học đều khám phá được” (GLGHCG 2500). Thế giới thụ tạo là cuốn sách kỳ diệu diễn tả muôn kỳ công của Thiên Chúa. Càng chú tâm ngắm nhìn, suy gẫm và đọc cuốn sách này bao nhiêu, con người càng hiểu biết tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với con người và vạn vật bấy nhiêu. Đặc biệt, cùng với cuốn sách Kinh Thánh, cuốn sách thế giới thụ tạo giúp con người nhận diện rõ hơn các tương quan của con người trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội cũng như tương quan giữa con người với muôn vật muôn loài. Khi được đọc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cuốn sách Kinh Thánh và cuốn sách thế giới thụ tạo giúp con người biết luôn định hướng về Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo.
Chúng ta biết rằng chủ thuyết quy nhân hiện đại (modern anthropocentrism) đặt trọng tâm nơi con người. Thay vì hướng về Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo, người ta lại chủ trương hướng về con người như là trung tâm và cùng đích của tất cả. Thực ra, con người là đỉnh cao và trung tâm chương trình Thiên Chúa sáng tạo đã được đề cập trong sách Sáng Thế (St 1,1-2,4a; St 2,4b-25). Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng ‘đỉnh cao’ và ‘trung tâm’ của con người trong thế giới thụ tạo là ‘tương đối’, là có tương quan ở trên, là ‘có hướng’, hướng về Đức Giê-su, về Thiên Chúa, chứ không đơn thuần hướng về chính mình. Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 24 viết: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 24,1). Trong Tân Ước, thánh Phao-lô cũng như tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho mọi người biết rằng, con người chỉ có thể hướng về Thiên Chúa nhờ hướng về Đức Giê-su (Rm 11,36; Dt 12,1-2). Trong Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi mọi người hướng về Thiên Chúa bằng cách ‘trút bỏ chính mình’ và thánh Phao-lô cũng diễn tả tương tự (κένωσις/ kenosis: Mc 8,34; Lc 9,23; Pl 2,6-8). Do đó, bao lâu con người còn sống trong tình trạng ‘quy ngã’, bấy lâu con người còn sai lối lạc đường. Khi con người quy hướng về mình, cũng là khi mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của con người xa rời Đường Sáng Tạo và hậu quả là con người xa rời Thiên Chúa, xa rời anh chị em đồng loại cũng như xa rời muôn vật muôn loài.
Theo thánh I-rê-nê (130-202), nếu xác phàm không được cứu độ, Ngôi Lời sẽ không trở thành người phàm như chúng ta (Against Heresies, Book V, Chapter 14,1). Còn thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en (330-389) viết rằng cái gì không được nhận vào [Ngôi Lời Nhập Thể] thì không được chữa lành [what has not been assumed has not been healed] (Letter 101). Theo ý thánh nhân, Đức Giê-su đã trở nên xác phàm, đã mang lấy tất cả những gì thuộc về con người để biến đổi con người cách toàn diện. Các giáo phụ khác như Te-tu-li-a-nô (155-220 AD), thánh A-tha-na-xi-ô (296 - 373) cũng có nhãn quan tương tự như vậy. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Dt 2,17). Với biến cố Nhập Thể, Đức Giê-su mang lấy bản tính con người. Đấng Sáng Tạo lại mang lấy những yếu tố thụ tạo. Điều này vượt quá khả năng hiểu biết của lý trí con người. Đức Giê-su mang lấy những yếu tố thuộc thế giới thụ tạo để biến đổi và quy tụ tất cả nơi Người khi thời gian tới hồi viên mãn. Nói cách khác, hành trình trần thế của Đức Giê-su không chỉ liên quan đến con người mà còn liên quan đến tất cả những gì nhờ Người mà được hiện diện.
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: Cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-22). Trong lịch sử chú giải, có những học giả cho rằng ‘muôn loài thụ tạo’ có nghĩa là mọi người trong gia đình nhân loại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hôm nay, nhất là khi so sánh bản văn này với các bản văn khác của thánh Phao-lô hay sách Khải Huyền, chúng ta có thể nhận ra rằng việc cứu độ của Đức Giê-su liên quan đến toàn thể công trình sáng tạo (Pl 2,10-11; Kh 21,1-8). Xét về khía cạnh tự nhiên, muôn vật muôn loài có thể tồn tại mà không cần con người nhưng con người không thể tồn tại mà không cần muôn vật muôn loài. Xét về khía cạnh siêu nhiên, con người và muôn vật muôn loài chỉ có thể được giải thoát nhờ Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo. Trong đó, sự giải thoát muôn vật muôn loài gắn liền với sự giải thoát của con người nhờ Đức Giê-su.
Khi con người nhận thức rằng muôn vật muôn loài gắn liền với định mệnh của mình cũng là khi con người ý thức rằng mình không chỉ được mời gọi luôn hoán cải hầu có thể hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em, mà còn ‘hòa giải’ với thế giới thụ tạo nữa. Cụ thể là: Những gì con người không làm để giúp cho thế giới thụ tạo được tốt đẹp hơn hay đã làm cho thế giới thụ tạo bị xuống cấp đều có thể được gọi là ‘tội’, chẳng hạn như khai thác môi trường thiên nhiên quá mức, gây ô nhiễm không khí, làm phát sinh dịch bệnh, sa mạc hóa đất đai, đảo lộn trật tự hài hòa của muôn vật muôn loài. Việc hoán cải của con người đối với thế giới thụ tạo vừa mang chiều kích cá nhân (personal conversion), vừa mang chiều kích cộng đoàn (communal conversion) cũng như hình thức tập thể (collective conversion). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Con người đầu tiên không phải chỉ được sáng tạo tốt lành mà thôi, nhưng còn được đặt trong tình thân với Đấng Tạo Hóa, hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân và sự hài hòa này chỉ thua kém vinh quang của sáng tạo mới trong Đức Ki-tô” (GLGHCG 374). Do vậy, để có thể xứng danh là thụ tạo mới, con người được mời gọi không ngừng hoán cải hầu luôn có trái tim nhân hậu đối với Thiên Chúa, với anh chị em và quan tâm, chăm sóc muôn vật muôn loài.
Như đề cập ở trên, dưới nhãn quan Kinh Thánh, sáng tạo là tiến trình tiếp diễn hơn là sự kiện hay biến cố (event) thuộc quá khứ. Nói cách khác, sáng tạo được hiểu như là một chương trình, một dự án, một con đường, một sự tiến triển hướng về sự toàn thiện trong Đức Giê-su cũng là trong Thiên Chúa. Do đó, ‘Thiên Chúa phán’ muôn vật muôn loài được dựng nên và Thiên Chúa ‘tiếp tục phán’ để duy trì, nâng đỡ muôn vật muôn loài. Nếu Thiên Chúa không tiếp tục phán thì muôn vật muôn loài không thể tồn tại. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Trong sự khôn ngoan và nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới trong ‘tiến trình’ hướng về sự trọn hảo tối hậu” (GLGHCG 310). Trong lịch sử nhân loại, có những người chủ trương rằng Thiên Chúa sáng tạo ngay giây phút khởi đầu và thiết đặt quy luật cho muôn vật muôn loài như người thợ làm chiếc đồng hồ và sau đó để muôn vật muôn loài ‘tự thân vận động’. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với mặc khải Kinh Thánh trong đó Thiên Chúa đã sáng tạo, đang sáng tạo và sẽ sáng tạo cho tới thời viên mãn.
Chúng ta có thể nhận định rằng mặc khải Ki-tô Giáo về việc Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo khơi dậy cuộc đối thoại nghiêm túc giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và khoa học, giữa Ki-tô Giáo và các tôn giáo khác trên thế giới. Điểm căn bản để tiến hành cuộc đối thoại là sự nhìn nhận rằng muôn vật muôn loài không chỉ được xem xét trong trạng thái tĩnh (static state) mà là trong trạng thái động (dynamic state). Điều này có nghĩa rằng chúng ta cần nhìn con người và sự vật trong tiến trình hiện diện, tồn tại, phát triển, thành toàn chứ không như là những ‘thì’ riêng lẻ, rời rạc, vô hướng. Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra” (GS 36). Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su mở ra cho mọi người chân trời hy vọng về sự biến đổi và thăng hoa của con người cũng như muôn vật muôn loài, trong đó những gì bị giới hạn trong không gian, thời gian tìm được ‘chỗ đứng thích hợp’ trong chương trình tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Với kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh và được Người hoán cải, thánh Phao-lô viết về cảm nghiệm tâm linh của ngài như sau: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2 Cr 4,16). Thánh nhân cũng đề cao những gì vô hình hơn là hữu hình bởi vì những gì hữu hình chỉ là tạm bợ, còn những gì vô hình thì tồn tại muôn đời (2 Cr 4,17-18). Theo Công Đồng Vatican II: “Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bằng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một thụ tạo mới” (LG 7). Quả thực, với thời gian, thân xác con người càng ngày càng tàn lụi, càng ngày càng gần hơn với cái chết, cho dù chết dưới bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, tâm linh con người ngày càng tiến triển cho đến khi có thể hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì tội lỗi, con người phải đương đầu với biết bao gian lao khốn khó, nhưng nhờ ân sủng Đức Giê-su, con người trở nên tốt đẹp, lành thánh. Trước khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, con người là ‘thụ tạo cũ’; sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, con người là ‘thụ tạo mới’ với hình ảnh biểu tượng là chiếc áo trắng. Tuy nhiên, việc trở thành thụ tạo mới qua Bí Tích Rửa Tội chỉ là khởi đầu hoàn hảo cách nhưng không. Do đó, con người cần phải cộng tác với ân sủng, trung thành và tăng triển trong việc kết hợp mật thiết với Đức Giê-su cũng như sống theo giáo huấn của Người. Tiến trình trở nên thụ tạo mới tiếp tục cho đến khi con người hoàn tất cuộc hành trình trần thế và được hiện diện trọn vẹn trong sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Sau khi phục sinh, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Thông thường, chúng ta hiểu việc loan báo ở đây là cho mọi người, qua mọi thời và khắp mọi nơi. Tuy nhiên, những ai thấm nhuần Tin Mừng của Đức Giê-su thì những tư tưởng, lời nói và việc làm của họ đều có âm hưởng tích cực đối với muôn vật muôn loài. Như vậy, trước hết, việc loan báo Tin Mừng là cho mọi người nhận ra Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo. Người là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, đồng thời, Người cũng là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại. Sau nữa, nhờ thấm nhuần Tin Mừng, con người ý thức rằng mình được mời gọi luôn mở rộng trí lòng để nhận diện, gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ thế giới thụ tạo. Nhờ vậy, con người ngày càng ý thức hơn rằng các thực thể trong thế giới thụ tạo có tương quan phụ thuộc nhau trong chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giê-su là Con yêu dấu của Người.
Chúng ta có thể kết luận rằng Đức Giê-su là Đường Sáng Tạo. Nhờ Người, Thiên Chúa dựng nên muôn vật muôn loài từ hư vô. Nhưng vì Tội Nguyên Tổ, bản tính con người bị tổn thương, biến dạng. Tự thân, con người không thể làm cho mình trở nên tốt lành, thánh thiện và biết luôn quy hướng về Thiên Chúa. Hậu quả là con người thường nghiêng chiều về sự dữ và băn khoăn, lo lắng, sợ hãi trước cái chết. Do liên đới với con người, muôn vật muôn loài phải ‘lâm vào cảnh hư ảo’ và ‘rên siết, quằn quại như sắp sinh nở’. Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và muôn vật muôn loài. Người đã tặng ban con người và muôn vật muôn loài chính Con yêu dấu của Người là Đức Giê-su: Người đã mặc lấy thân phận con người, mặc lấy những yếu tố của thế giới thụ tạo hầu phục hồi, sửa chữa, biến đổi và kiện toàn chương trình sáng tạo. Những tư tưởng, lời nói và việc làm của Đức Giê-su đầy tính sáng tạo, mang lại lợi ích tốt đẹp cho con người cũng như muôn vật muôn loài. Trong mọi hoàn cảnh, Đức Giê-su luôn diễn tả Người vừa là An-pha (nghĩa là Đầu), vừa là Ô-mê-ga (nghĩa là Cuối), vừa là Trung Tâm của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Đặc biệt, Đường Sáng Tạo của Đức Giê-su được thực hiện qua đau khổ, sự chết và phục sinh của Người. Với hành trình trần thế của Đức Giê-su, con người được cứu độ, được tha thứ tội, được giải thoát khỏi cảnh diệt vong đời đời và cùng với muôn vật muôn loài được biến đổi chung cuộc trong trời mới, đất mới, nơi ân sủng, bình an và tình yêu vĩnh cửu ngự trị.
Nguồn: hdgmvietnam.com
Xem thêm: