Tháng 02: Đức Giê-su Ki-tô – Đường hòa hợp

Thứ ba - 01/02/2022 20:59  791
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG HÒA HỢP
d
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Trong tiếng Hy-lạp, ‘αρμονία’ (harmonia/ hòa hợp) diễn tả sự phối kết các thành phần của thực tại phức hợp hầu thực hiện chức năng nào đó mà tự thân các thành phần đơn lẻ không thể thực hiện được. Điều này có nghĩa rằng mỗi thành phần trong thực tại phức hợp đóng vai trò bổ sung cho nhau và cùng nhau tạo nên điều tốt đẹp. Chẳng hạn, một bản giao hưởng (συμφωνία/ symphony) cần sự tham dự của nhiều người với những nhạc cụ phù hợp. Mỗi người, mỗi nhạc cụ đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành bản giao hưởng hầu đem lại niềm vui hay cảm giác thư giãn, bình an cho thính giả. Thuật ngữ hòa hợp được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, đặc biệt, trong âm nhạc và mỹ thuật. Dưới nhãn quan một số nền văn hóa Á Châu, sự hòa hợp của thiên – địa – nhân (trời – đất – người) là nền tảng cho các hình thức hòa hợp khác trong vũ trụ.
Trong Kinh Thánh, ngoại trừ bản LXX (bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Do-thái sang tiếng Hy-lạp được thực hiện khoảng thế kỷ III trước Công Nguyên) sử dụng ‘hòa hợp’ (αρμονία) 2 lần (Ed 23,42: Âm thanh pha trộn; Ed 37,7: Các xương ăn khớp với nhau), phần còn lại thì thuật ngữ này vắng bóng. Sự vắng bóng của thuật ngữ hòa hợp trong các bản gốc Kinh Thánh có thể được giải thích rằng Ít-ra-en thuộc Á Châu nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi các nền văn hóa Âu Châu và những vùng phụ cận. Với Đức Giê-su, trong thời thơ ấu, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đưa Người sang Ai-cập để tránh sự lùng bắt của Hê-rô-đê, phần còn lại trong hành trình dương thế của Người diễn ra trên miền đất Pa-lét-tin. Vào thời Đức Giê-su, những dân tộc ở Pa-lét-tin chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hy-lạp và sự cai trị của đế quốc Rô-ma. Các tác giả sách Tin Mừng sống trong sự giao thoa của ba thực thể chính: (1) Về tôn giáo là Do-thái Giáo; (2) Về văn hóa là Hy-lạp; (3) Về chính trị là Rô-ma. Đặc biệt, Tin Mừng được loan báo chủ yếu sang Âu Châu trước khi lan rộng khắp hoàn cầu. Do đó, khi diễn tả Tin Mừng, nhất là khi đề cập đến tương quan giữa các thực thể, người ta thường dùng thuật ngữ hiệp thông (communion) hay hiệp nhất (unity) hơn là hòa hợp (harmony). Ngay cả hiện nay, thuật ngữ hòa hợp vẫn ít được sử dụng trong việc diễn tả nội dung đức tin Ki-tô Giáo.
Câu cửa miệng của người Do-thái khi gặp nhau hay tạm biệt là ‘שָׁלוֹם’ (shalom/ bình an). Shalom trong tiếng Do-thái còn có nhiều nghĩa khác như phồn thịnh, hoàn thành, phong nhiêu, yên tĩnh. Đặc biệt, shalom trong tiếng Do-thái được xem là từ gần nghĩa nhất với từ hòa hợp của Á Châu. Tương tự như hòa hợp, shalom cũng có nghĩa là sự cùng nhau (togetherness), tốt lành (goodness), toàn vẹn (wholeness) hay hoàn hảo (perfection), cân đối (balance). Thuật ngữ hòa hợp không xuất hiện cách minh nhiên trong Kinh Thánh bằng tiếng Do-thái hay tiếng Hy-lạp (bản gốc). Tuy nhiên, hàm ý của thuật ngữ này hiện diện trong hầu hết các sách của bộ Kinh Thánh cũng như Truyền Thống và Giáo Huấn của Giáo Hội qua dòng lịch sử. Không nghi ngờ gì nữa, hòa hợp là một trong những chủ đề trọng tâm của nội dung đức tin Ki-tô Giáo.
Với sự giao thoa ngày càng tăng giữa các nền văn hóa trên thế giới, trong các bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Do-thái và Hy-lạp (bản gốc) sang các ngôn ngữ hiện đại, thuật ngữ hòa hợp lại xuất hiện khá nhiều. Chẳng hạn, trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-xê, bản Kinh Thánh bằng tiếng Anh ‘the New Revised Standard Version’ dịch “ἐπὶ πᾶσιν δὲ τούτοις τὴν ἀγάπην, ὅ ἐστιν σύνδεσμος τῆς τελειότητος” là “above all, clothe yourselves with love, which binds everything together in perfect harmony” (Cl 3,14). Chúng ta thấy thuật ngữ hòa hợp (harmony) xuất hiện ở đây. Thực ra, ‘ὅ ἐστιν σύνδεσμος τῆς τελειότητος’ có thể được dịch là ‘which is a bond of perfection’, lại được dịch là ‘which binds everything together in perfect harmony’ [hòa hợp]. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, bản Kinh Thánh bằng tiếng Anh ‘the New Jerusalem Bible’ dịch “καὶ τούτῳ συμφωνοῦσιν οἱ λόγοι τῶν προφητῶν, καθὼς γέγραπται” là “this is entirely harmony with the words of the prophets, since the scriptures say…” (Cv 15,15). ‘τούτῳ συμφωνοῦσιν’ có thể được dịch là ‘with this is in agreement’ lại được dịch là ‘this is entirely in harmony [hòa hợp]’. Như vậy, chúng ta thấy các dịch giả Kinh Thánh ý thức được tầm quan trọng của thuật ngữ hòa hợp cũng như hàm ý của thuật ngữ này và đã chuyển tải sứ điệp Kinh Thánh theo cách thức hội nhập văn hóa (inculturation) sao cho con người thời nay có thể lĩnh hội được nội dung mặc khải cách đầy đủ nhất. Cũng cần lưu ý rằng, trong Cv 15,15, động từ συμφωνέω (symphôneô) là gốc của danh từ symphonyTân Ước sử dụng từ này sáu lần với các nghĩa: Hợp lời (Mt 18,19); thỏa thuận, đồng ý (Mt 20,2.13), ăn khớp (Lc 5,36), đồng lòng (Cv 5,9), phù hợp (Cv 15,15).
Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo mọi sự từ hư vô (2 Mcb 7,28). Sự hư vô (nothingness) được diễn tả qua những câu đầu tiên của sách Sáng Thế và cũng là những câu đầu tiên của bộ Kinh Thánh: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1,1-2). Như vậy, chương trình sáng tạo diễn tả quyền năng của Thiên Chúa cho phép muôn vật muôn loài được hiện diện từ hư vô, từ trống rỗng, từ tối tăm. Với quyền năng của Thiên Chúa, cảnh hỗn mang (χάος/ chaos), cảnh hư vô trở thành trật tự và hòa hợp. Nói cách khác, với quyền năng của Thiên Chúa, sự hòa hợp đã chiến thắng hư vô và từ đây muôn vật muôn loài được hiện diện và vận hành theo chương trình của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta ví vũ trụ như là bản nhạc thì mỗi thực thể trong vũ trụ là một nốt nhạc. Bản nhạc này chỉ có thể diễn tả chức năng đúng đắn khi các nốt nhạc hòa hợp với nhau. Trong vũ trụ, muôn vật muôn loài hòa hợp với nhau. Hòa hợp cho phép con người xác định căn tính của thực tại, đồng thời, xác định tương quan giữa các thực tại. Sự hòa hợp của vũ trụ (cosmic harmony), sự hòa hợp của đất trời, sự hòa hợp của muôn vật muôn loài, sự hòa hợp của con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể diễn tả sự hòa hợp của Thiên Chúa. Sản phẩm mang dấu ấn nhà sản xuất, thế giới thụ tạo mang dấu ấn Thiên Chúa, Đấng sáng tạo. Tuy nhiên, mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng con người đã vô ơn, kiêu ngạo nên tội lỗi xâm nhập trần gian. Vì tội lỗi, tương quan hòa hợp nguyên khởi giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và với muôn vật muôn loài bị tổn thương, méo mó, biến dạng. Đó là lý do tại sao, xét về mặt vật lý hay thể lý, con người và vạn vật càng ngày càng tàn lụi theo thời gian. 
Lịch sử thế giới thụ tạo, lịch sử nhân loại, cũng là lịch sử diễn tả tình thương của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài hầu biến đổi và quy tụ tất cả về với Thiên Chúa là Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối. Sách Xuất Hành cho chúng ta biết rằng khi Mô-sê hỏi tên của Thiên Chúa là gì, Thiên Chúa đáp ‘אֶהְיֶה אֲשֶׁר אֶהְיֶה’ / ‘ἐγώ εἰμι’/ ‘I am who I am’ (Ehyeh asher ehyeh/ ego eimi/ tôi là tôi) (Xh 3,14). Theo sách Thủ Lãnh, trong cảnh khó khăn, Đức Chúa đã đàm đạo với ông Ghít-ôn ở Óp-ra và an ủi ông, khuyến khích ông chu toàn sứ vụ là cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ma-đi-an. Sau khi ông Ghít-ôn dâng lễ vật lên Đức Chúa thì Đức Chúa phán: "Bình an cho ngươi! Đừng sợ: Ngươi không chết đâu” (Tl 6,23). Chính tại nơi này, ông đã xây bàn thờ kính Đức Chúa và ông gọi nơi này là Đức Chúa – Bình An (Tl 6,24). Như đã được đề cập ở trên, bình an (shalom trong tiếng Do-thái) gần nghĩa với hòa hợp. Do đó, Đức Chúa – Bình An cũng chính là Đức Chúa – Hòa Hợp.
Cùng với mặc khải Tân Ước, chúng ta có thể nhận thức rằng sự hòa hợp của Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) là sự hòa hợp tuyệt đối, đồng thời là Nguồn Gốc, Tiêu Chuẩn và Cùng Đích của các hình thức hòa hợp trong thế giới thụ tạo. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng các Ngôi Vị Thiên Chúa luôn hòa hợp với nhau trong đời sống nội tại (ad intra) cũng như trong chương trình sáng tạo, cứu chuộc, thánh hóa con người và muôn vật muôn loài (ad extra). Thông thường, chúng ta nói rằng Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức rằng Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hòa hợp với nhau trong mọi hoàn cảnh. Mầu nhiệm hòa hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa được Đức Giê-su diễn tả trong hành trình trần thế. Căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su cho phép chúng ta khẳng định rằng Người không chỉ là Đấng mang hòa hợp của Thiên Chúa cho gia đình nhân loại mà còn là Con Người Hòa Hợp giữa thế giới với muôn hình thức bất hòa hợp.
Nơi Đức Giê-su là sự hòa hợp huyền diệu giữa thiên tính và nhân tính. Nói cách khác, nơi Đức Giê-su là sự hòa hợp tuyệt đối giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Trong lịch sử hình thành các tín điều Ki-tô học, chúng ta thấy những lạc giáo phổ biến như: (1) Quá nhấn mạnh thiên tính của Đức Giê-su đến mức xem nhân tính của Người chỉ là ảo ảnh (Docetism); (2) Quá nhấn mạnh nhân tính của Đức Giê-su đến mức xem Người như là thụ tạo của Thiên Chúa (Arianism) hay (3) Đức Giê-su có hai ngôi vị riêng biệt liên quan đến hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính con người (Nestorianism). Chúng ta có thể nói rằng những lạc thuyết này diễn tả căn tính Đức Giê-su cách bất hòa hợp. Trong khi đó, mặc dù không dùng từ hòa hợp, Công Đồng Can-xê-đô-ni-a (451 AD) tuyên tín cách hòa hợp về căn tính Đức Giê-su như sau: “Trong cùng một Đức Ki-tô duy nhất, là Đức Chúa, là Chúa Con duy nhất, chúng ta phải tin nhận có hai bản tính, không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt. Sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn và hợp nhất trong cùng một ngôi vị duy nhất và một ngôi hiệp duy nhất”. Tuyên tín Ki-tô học của Công Đồng Can-xê-đô-ni-a là nền tảng cho những nghiên cứu, suy tư và khai triển căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su qua dòng lịch sử. 
Sinh ra, lớn lên và hoạt động ở miền đất Pa-lét-tin, Đức Giê-su chứng kiến biết bao cảnh bất hòa hợp trong đời sống cá nhân, cộng đoàn, xã hội. Chẳng hạn, trong tuổi ấu thơ, Người phải cùng với cha mẹ trốn sang Ai-cập để tránh sự truy lùng của Hê-rô-đê; khởi đầu hành trình rao giảng, Người chịu ma quỷ cám dỗ; khi trở về Na-da-rét, Người đối diện với sự nghi kỵ của các đồng hương; nơi hội đường hay đền thờ Giê-ru-sa-lem, Người bị nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư chống đối; đến miền thôn quê, Người gặp gỡ những kẻ nghèo khổ, đau ốm, bệnh tật, bị quỷ ám. Trong mọi hoàn cảnh, Đức Giê-su minh chứng rằng sự hiện diện của Người là sự hiện diện của hòa hợp. Chẳng hạn, sau khi chịu phép rửa và trải qua bốn mươi đêm ngày chịu cám dỗ trong hoang địa, Người trở về Ga-li-lê. Sau đó, Người đến Na-da-rét và vào hội đường như những người Do-thái khác. Khi được trao sách ngôn sứ I-sai-a, mở sách ra, Người gặp đoạn này: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; Is 61,1-3). Đức Giê-su nói với những người hiện diện: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Những người nghèo hèn, bị giam cầm, mù lòa, chịu áp bức là những người trong tình trạng bất hòa hợp. Đức Giê-su đến trần gian để đồng hành, chia sẻ và giải thoát họ. Đồng thời, Người mời gọi họ hướng về sự giải thoát chung cuộc khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết.
Đức Giê-su còn thực hiện nhiều điềm thiêng dấu lạ khác hầu minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa, Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối, mà đến và làm những công việc của Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi giảng dạy tại Ca-phác-na-um, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người bại liệt có bốn người khiêng. Vì đám đông, họ không thể đem người bại liệt đến gần Người nên đã dỡ mái nhà và đưa người bệnh đến ngay chỗ Đức Giê-su. Thấy lòng tin của họ, Đức Giê-su nói với người bệnh: “Này con, tội con được tha rồi” (Mc 2,5). Các kinh sư cho rằng Đức Giê-su nói phạm thượng vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Sau khi giải thích cho những người đó, Đức Giê-su nói với người bệnh: “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (Mc 2,11). Khi người bệnh thực hiện theo lời Đức Giê-su, mọi người vô cùng bỡ ngỡ và tôn vinh Thiên Chúa (Mc 2,12). Câu chuyện cho chúng ta thấy Đức Giê-su không chỉ quan tâm đến tình trạng bại liệt tâm hồn (tội lỗi) mà còn quan tâm đến tình trạng bại liệt thể xác của người bệnh và cho anh được khỏi. Nhờ Đức Giê-su, người bại liệt có được sự hòa hợp giữa ‘sức khỏe tâm hồn’ và ‘sức khỏe thể xác’. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho thấy điều chính yếu không phải là sự hòa hợp xác - hồn của con người trong môi trường thế giới thụ tạo mà là sự hòa hợp xác - hồn trong môi trường vĩnh cửu. 
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ rằng Người là Đường (Ga 14,6). Chúng ta có thể xác tín rằng Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Hòa Hợp. Tuy nhiên, Đường Hòa Hợp của Người không bao giờ vắng bóng những dị biệt, căng thẳng hay xung khắc. Dưới nhãn quan những người Rô-ma đang cai trị vùng Pa-lét-tin, Đức Giê-su đe dọa quyền bính của họ. Dưới nhãn quan của những người lãnh đạo tôn giáo Do-thái, Đức Giê-su gây xáo trộn truyền thống dân tộc. Trong khi đó, Đức Giê-su luôn giảng dạy mọi người sống tinh thần hòa hợp: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42). Đối với nhiều người, Đường Hòa Hợp của Đức Giê-su khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, chính Đức Giê-su đã thực hiện và cao điểm là Biến Cố Thập Giá của Người.
Chúng ta biết rằng, vào thời Đức Giê-su, thập giá là công cụ trừng phạt rùng rợn mà con người nghĩ ra để hành xử tội nhân. Nói đến thập giá là nói đến đau khổ, hận thù, chết chóc. Hình ảnh thập giá là hình ảnh bất hòa hợp nhất trong môi trường nhân loại. Tuy nhiên, với Đức Giê-su, hình ảnh bất hòa hợp nhất lại trở thành hình ảnh hòa hợp, hòa giải giữa sự sống và sự chết, giữa tình yêu và hận thù, giữa Thiên Chúa và con người. Nhìn vào thập giá Đức Giê-su, chúng ta thấy rằng thanh đứng là dấu chỉ sự hòa hợp giữa con người và Thiên Chúa; thanh ngang là dấu chỉ sự hòa hợp giữa con người với nhau. Hòa hợp giữa con người với Thiên Chúa (chiều đứng) chỉ có thể thực hiện khi hòa hợp giữa con người với nhau (chiều ngang) được thi hành (Mt 5,16; Mc 12,31; Lc 6,31; Ga 15,12; 1 Ga 4,20). Theo thánh Phao-lô, nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16). Trên thập giá Đức Giê-su, Phi-la-tô cho viết dòng chữ “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái” bằng ba thứ tiếng: Do-thái, Hy-lạp và La-tinh (Ga 19,19). Khi cho viết như vậy, Phi-la-tô muốn kết án và sỉ nhục Đức Giê-su. Tuy nhiên, trong chương trình của Thiên Chúa, đây là dấu chỉ cho thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện hướng tới sự hòa hợp của mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.
Đức Giê-su chịu cảnh bất hòa hợp nhất trên thập giá đã được loan báo trong Cựu Ước (Is 53,7-10; Gr 11,18-20). Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a cho mọi người biết rằng Đức Giê-su chính là Người Tôi Tớ Đau Khổ cho hòa hợp, hòa giải giữa lòng nhân thế: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (53,5). Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, cách thức Đức Giê-su mang lại hòa hợp cho gia đình nhân loại vượt quá tâm thức tôn giáo và triết lý của con người (1 Cr 1,22-23). Tại sao Đức Giê-su lại chọn cách thức hồi phục hòa hợp và diễn tả hòa hợp bi thương như vậy? Không ai có thể đưa ra câu trả lời xác đáng giúp thỏa mãn tâm trí con người khi Đức Giê-su lại chịu cảnh bất hòa hợp nhất trong môi trường thế giới thụ tạo.
Đức Giê-su là Con Người Hòa Hợp. Do đó, Tin Mừng của Người là Tin Mừng Hòa Hợp. Theo tác giả sách Tông Đồ Công Vụ, tại nhà viên đại úy có tên là Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô nói: “Thiên Chúa đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an [hòa hợp], nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người” (Cv 10,36). Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Đức Giê-su đã đến loan Tin Mừng bình an [hòa hợp]: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,17-18). Cũng trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô mời gọi họ trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng Hòa Hợp của Đức Giê-su: “Hãy đứng vững: Lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an [hòa hợp]; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6,14-16). Tiếp tục ý tưởng đó, Công Đồng Vatican II minh định: “Sứ điệp Phúc Âm hòa hợp với những cố gắng và khát vọng cao cả hơn của nhân loại, rực sáng lên ở thời đại chúng ta bằng luồng sáng mới, khi công bố phúc cho những người kiến tạo hòa bình ‘vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’” (GS 77).
’Đức Giê-su là ai đối với Thiên Chúa, đối với con người và muôn vật muôn loài?’ vẫn luôn là câu hỏi quan trọng cho mọi người trong gia đình nhân loại. Kinh Thánh có hơn một trăm năm mươi hình ảnh, biểu tượng hay tước hiệu Đức Giê-su. Nếu hòa hợp là đặc tính cao quý mà mọi người trong gia đình nhân loại hằng mong ước, chúng ta có thể nói rằng những hình ảnh, biểu tượng hay tước hiệu này đều có thể diễn tả bằng ngôn ngữ hòa hợp, chẳng hạn, chúng ta có thể nói rằng: Đức Giê-su là Đức Chúa Hòa Hợp, Lời Hòa Hợp, Đấng Ki-tô Hòa Hợp, Con Người Hòa Hợp, Khôn Ngoan Hòa Hợp, Mục Tử Hòa Hợp, Chàng Rể Hòa Hợp, Đấng Giải Phóng Hòa Hợp, Đấng Trung Gian Hòa Hợp, Người Bạn Hòa Hợp, Tôi Tớ Đau Khổ Cho Hòa Hợp, Tư Tế Hòa Hợp, Ngôn Sứ Hòa Hợp, Tôn Sư Hòa Hợp, Hoàng Tử Hòa Hợp. Mỗi hình ảnh, biểu tượng hay tước hiệu của Người đều gắn liền với căn tính, đời sống và sứ mệnh hòa hợp, đồng thời, giúp chúng ta nhận ra tình yêu hòa hợp mà Người thực thi trong hành trình trần thế. Do đó, những ai đi Đường Hòa Hợp của Đức Giê-su thì được mời gọi quan tâm đến bốn hình thức hòa hợp căn bản sau đây: (1) Hòa hợp trong chính mình, (2) hòa hợp với người khác; (3) hòa hợp với muôn vật muôn loài và (4) hòa hợp với Thiên Chúa.  
Về sự hòa hợp trong chính mình: Con người cần có sự hòa hợp giữa thể xác, tinh thần và tâm trí (body, spirit and mind) hay sự hòa hợp xác - hồn mới có thể được bình an, hạnh phúc thực sự. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng những người không có sự hòa hợp của các chiều kích nơi bản thân mình cũng là những người gây đau khổ cho người khác hay các hình thức cộng đoàn nơi họ sinh sống. Xét về thể lý, với thời gian, con người càng gần hơn với cái chết, tức là gần hơn với sự bất hòa hợp lớn lao nhất. Quả thật, cái chết của mỗi người hay sự phân rẽ xác - hồn dưới bất cứ hình thức nào có thể được xem là đỉnh điểm của sự bất hòa hợp (ultimate disharmony). Đó là lý do tại sao con người ham sống, sợ chết và tìm cách duy trì sự sống thể lý càng lâu càng tốt. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng cái chết hay sự phân rẽ xác - hồn không tồn tại vĩnh viễn, bởi vì Thiên Chúa, Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối, cho phép sự hòa hợp nơi con người được tái tạo theo khuôn mẫu Đức Giê-su phục sinh. Con người trở thành thụ tạo mới, thụ tạo lành thánh và được chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa (Mt 25,34; Lc 19,11-27; 2 Pr 1,11; Cl 1,13).
Về hòa hợp với người khác: Giữa những khác biệt về nhiều mặt, chẳng hạn như môi trường văn hóa, truyền thống, xã hội, mọi người được mời gọi sống hòa hợp với anh chị em đồng loại và luôn xác tín rằng ‘không ai là một ốc đảo’ trên trần gian này. Căn tính, đời sống và sứ mệnh của mỗi người chỉ có thể được xác định trong tương quan với người khác. Mỗi người được mời gọi ‘sống với’, ‘sống cùng’ và ‘sống cho’ người khác. Đặc biệt, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa con người không phải như là những thực thể đơn lẻ nhưng là những thực thể trong cộng đoàn. Mỗi người cần ý thức sự hòa hợp giữa lợi ích bản thân và lợi ích của người khác cũng như lợi ích của các hình thức cộng đoàn mà mình đang hiện diện và hoạt động. Bằng không, lợi ích của bản thân sẽ bất hòa hợp hay xung khắc với lợi ích của người khác hay cộng đoàn. Các tương quan trong xã hội cần phải dựa trên sự hòa hợp lợi ích chung sao cho phẩm giá của mỗi cá nhân được tôn trọng, sự phát triển của cộng đoàn được thực hiện và tình liên đới giữa người với người được biểu lộ.
Về sự hòa hợp với muôn vật muôn loài: Như đã được đề cập ở trên, con người không phải là hữu thể độc lập với muôn vật muôn loài. Cái gọi là ‘con người’ và cái gọi là ‘muôn vật muôn loài’ lệ thuộc lẫn nhau. Như Đức Giê-su, con người mang lấy những yếu tố của thế giới thụ tạo. Do đó, con người được mời gọi thiết lập tương quan hòa hợp với muôn vật muôn loài, bởi vì thế giới thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên cho con người và vì con người. Do đó, con người không chỉ là ‘ông chủ’ của thế giới thụ tạo mà còn là ‘nhà quản lý’ thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa là con người không ngừng cộng tác với Thiên Chúa hầu làm cho thế giới thụ tạo ngày càng tốt đẹp hơn. Theo tác giả Thánh Vịnh: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Quả thực, “ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Muôn vật muôn loài mang dấu ấn Thiên Chúa, dấu ấn của Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối. Các hình thức hòa hợp trong thế giới thụ tạo hướng về sự hòa hợp cánh chung, sự hòa hợp đích thực, sự hòa hợp mà ở đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” [ἵνα ᾖ ὁ θεὸς [τὰ] πάντα ἐν πᾶσιν] (1 Cr 15,28). Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô khẳng định: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).
Về sự hòa hợp với Thiên Chúa: Khi nói về sự hòa hợp giữa con người với Thiên Chúa, điều chúng ta cần quan tâm là tương quan giữa con người và Thiên Chúa không phải là tương quan ngang bằng hay tương quan hỗ trợ nhưng là tương quan lệ thuộc. Quả thực, con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa để hiện diện, tồn tại, phát triển và thành toàn trong Vương Quốc của Người. Con người chỉ có thể hòa hợp với Thiên Chúa khi nhận ra rằng mình cần hướng về Người trong mọi biến cố của cuộc sống. Con người hòa hợp với Thiên Chúa khi nhận thức rằng Thiên Chúa là Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối và Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đi Đường Hòa Hợp để đến với gia đình nhân loại. Con người hòa hợp với Thiên Chúa khi đi trên Đường Đức Giê-su, Đường Hòa Hợp, trong hành trình trần thế này với niềm xác tín rằng Đường của Người đem lại sự hòa hợp trong đời sống cá nhân, đời sống cộng đoàn cũng như các tương quan khác của con người trong thế giới thụ tạo.
Giáo Hội là bí tích của Đức Giê-su, do đó, Giáo Hội là bí tích của Đường Hòa Hợp. Điều này có nghĩa rằng Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ của Đường Đức Giê-su giữa lòng nhân thế. Quả thực, căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su. Chẳng hạn, Giáo Hội loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng Hòa Hợp của Người cho anh chị em trong gia đình nhân loại. Giáo Hội cử hành các bí tích thánh hầu đem lại sự hòa hợp cho con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Giáo Hội hiện diện ở trần gian với mục đích đưa mọi người về với Nước Thiên Chúa, Nước Hòa Hợp Viên Mãn. Theo Công Đồng Vatican II: “Tiên vàn, Giáo Hội biết rằng sứ điệp của mình hòa hợp với những khát vọng thâm sâu nhất của tâm hồn người ta, khi Giáo Hội bảo vệ phẩm giá của ơn gọi con người, phục hồi niềm hy vọng cho những ai không còn hy vọng vào bất cứ gì cao xa hơn số mệnh hiện tại của mình” (GS 21). Là thành phần của Giáo Hội, Thân Thể mầu nhiệm Đức Giê-su, các Ki-tô hữu được mời gọi đi theo Đường của Người để được Người biến đổi và trở nên khí cụ đem lại hòa hợp cho bản thân, cho cộng đoàn cũng như tham dự vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng Hòa Hợp cho mọi người.
Là bí tích của Đức Giê-su, Đường Hòa Hợp, Giáo Hội không chỉ là Giáo Hội giảng dạy (teaching Church) mà còn là Giáo Hội lắng nghe (listening Church) và là Giáo Hội học hỏi (learning Church) nữa. Nói cách khác, Giáo Hội luôn ý thức về sự hòa hợp giữa giảng dạy, lắng nghe và học hỏi, bằng không, Giáo Hội sẽ mất cơ hội đón nhận những gì hòa hợp, tốt đẹp, lành thánh nơi các nền văn hóa và truyền thống. Để được như vậy, Giáo Hội cần quan tâm đến tính bao gồm (inclusivity), tham dự (participation), đồng trách nhiệm (co-responsibility), cởi mở (openness), đối thoại (dialogue), hội nhập văn hóa (inculturation) trong đời sống cũng như sứ mệnh của mình. Đặc biệt, Giáo Hội cần hướng về Thiên Chúa để kín múc ánh sáng hòa hợp từ Người, đồng thời, hướng về mọi dân tộc trong các nền văn hóa để đón nhận và tích hợp những giá trị hòa hợp mà Thiên Chúa tặng ban cho họ.
Như đã được đề cập ở trên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng tội lỗi của con người dẫn đến biết bao hình thức bất hòa hợp trong lịch sử nhân loại. Niềm khao khát hòa bình, hòa hợp không bao giờ vắng bóng trong tâm thức của con người qua dòng lịch sử. Mặc khải Ki-tô Giáo cũng cho chúng ta biết rằng hòa hợp trước hết không phải là cố gắng của con người nhưng là ân ban của Thiên Chúa. Sự đóng góp cho hòa hợp xét về phía con người có chăng là nhờ lắng nghe, tin tưởng và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa rằng tự thân con người không thể đem lại hòa hợp đích thực cho bản thân, gia đình, xã hội hay bất cứ hình thức tập thể nào trong môi trường nhân loại. Điều đáng để chúng ta quan tâm là luôn ý thức rằng lịch sử nhân loại cũng là lịch sử Thiên Chúa diễn tả tình yêu của Người qua việc khôi phục con người và muôn vật muôn loài từ cảnh bất hòa hợp tới cảnh hòa hợp và dẫn đưa con người về với Nước Thiên Chúa.
Chúng ta đang sống giữa thế giới đa ngôn ngữ. Việc giao tiếp, trao đổi giữa người với người không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, ngôn ngữ hòa hợp là ngôn ngữ của tất cả mọi người. Ngôn ngữ hòa hợp là ngôn ngữ của kẻ mù chữ, của giới bình dân, của người khoa bảng. Ngôn ngữ hòa hợp là ngôn ngữ của bất cứ ngành khoa học nào trong gia đình nhân loại. Ở đâu ngôn ngữ hòa hợp được cổ vũ, được sử dụng, được thực hành, thì ở đó con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Ở đâu ngôn ngữ hòa hợp bị coi thường, ở đó con người phải đương đầu với biết bao hình thức bất hạnh. Trong bối cảnh hội nhập văn hóa (inculturation) và đối thoại liên tôn (interreligious dialogue) của thế giới hôm nay, ngôn ngữ hòa hợp phải là ngôn ngữ đóng vai trò chính yếu cho các cuộc gặp gỡ. Khi mọi người trong gia đình nhân loại ý thức rằng ngôn ngữ hòa hợp là ngôn ngữ chung và ai cũng gẫm suy, học hỏi, thực hành ngôn ngữ này thì chắc chắn rằng mọi người sẽ được bình an, hạnh phúc và thế giới sẽ được yên vui, thịnh vượng.
Con cái của gia đình nhân loại được mời gọi trở thành những người xây dựng hòa hợp (harmonymakers), cũng đồng nghĩa với xây dựng hòa bình (peacemakers). Trong Tám Mối Phúc mà Đức Giê-su công bố, Mối Phúc Thứ Bảy là “phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” [μακάριοι οἱ εἰρηνοποιοί, ὅτι αὐτοὶ υἱοὶ θεοῦ κληθήσονται] (Mt 5,9). Trong bối cảnh hội nhập văn hóa, từ hòa bình trong câu này có thể được thay bằng từ hòa hợp. Khi diễn tả Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Quả thực, Đức Giê-su muốn những ai theo Người cần lắng nghe và đóng góp phần mình trong việc kiến tạo môi trường hòa hợp nơi mình hiện diện và hoạt động. Đức Giê-su cho mọi người biết rằng hòa hợp vừa là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, vừa là tác vụ của con người trong việc cộng tác với Thiên Chúa hầu làm cho tinh thần hòa hợp ngày càng được hiển thị và thẩm thấu đến mọi chiều kích của đời sống cá nhân cũng như các tương quan xã hội. Ngỏ lời với đại diện các tôn giáo trên thế giới quy tụ tại Át-xi-di trong buổi kết thúc Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Thế Giới (27/10/1986), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh rằng: “Từ muôn phương, chúng ta tới Át-xi-di như là dấu chỉ của con đường chung mà loài người được mời gọi tiến bước. Hoặc chúng ta học cách đi cùng nhau trong bình an và hòa hợp hoặc chúng ta lìa xa nhau và hủy diệt chính mình cũng như những người khác.”   
Nói đến hòa hợp là nói đến sự tôn trọng những gì khác biệt. Điều này có nghĩa rằng các thực tại có thể đi vào mối tương quan hòa hợp với nhau trong khi vẫn bảo toàn những nét đặc trưng của mình. Hòa hợp ‘tôn trọng’ sự đa dạng hay bản sắc của các thực tại. Nói cách khác, hòa hợp không có nghĩa là đồng nhất bởi vì hòa hợp ‘ủng hộ’ tính phân biệt khách quan của các thực tại. Hòa hợp không bao giờ là ‘bạn’ của những gì rập khuôn hay chủ nghĩa hổ lốn (syncretism) mà là ‘đồng minh’ của những gì đa dạng trong hiệp nhất hay trật tự trong đặc thù. Do đó, khi nói rằng Đường Đức Giê-su là Đường Hòa Hợp có nghĩa rằng Đường này không đe dọa, gây bất đồng hay xung khắc với những gì chân thực, tốt đẹp và lành thánh trong môi trường tôn giáo, văn hóa, truyền thống của muôn dân muôn nước trên mặt đất này. Đường Hòa Hợp của Đức Giê-su là Đường mở ra cho mọi người bất luận sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa hay truyền thống. Hành trình trần thế của Đức Giê-su cũng là hành trình mời gọi mọi người ‘hãy đến mà xem’ Đường của Người hầu có thể nhận ra rằng đây chính là Đường nối kết Thiên Chúa với con người và muôn vật muôn loài.

Dưới nhãn quan chung của một số nền văn hóa Á Châu, hòa hợp thường được hiểu theo ‘chiều ngang’, nghĩa là tương quan quân bình ổn định hay cân đối bất tận giữa các thực thể tương đương nhưng trái chiều, trái dấu, chẳng hạn như tương quan âm và dương ( và , yin và yang), trắng và đen, tốt và xấu. Dưới nhãn quan nội dung đức tin Ki-tô Giáo, như đã được trình bày ở trên, hòa hợp của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo có tính tương đối và là ‘hòa hợp có hướng’, hướng về Thiên Chúa là Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối. Do đó, những xung khắc hay căng thẳng của muôn vật muôn loài cũng như con người trên bình diện cá nhân và tập thể là không tránh khỏi. Thay vì vội vã tìm cách thiết lập hòa hợp theo thiên kiến của mình, con người cần tập làm quen với những xung khắc hay căng thẳng. Con người cần tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, kiên nhẫn và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn theo thánh ý Người. Như Đức Giê-su dặn các môn đệ cho phép lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến mùa gặt, con người cũng cần kiên nhẫn với những gì bất hòa hợp trong cuộc sống mình (Mt 13,24-30). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng con người không thể tự mình cùng lúc trả lời các câu hỏi hay đem lại sự hòa hợp tức thời cho mọi vấn đề nảy sinh.
Con người thường ‘sa chước cám dỗ’ muốn đưa ra giải pháp nhanh chóng cho mọi câu hỏi hay vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế lại không cho phép con người làm việc đó cách xứng hợp. Trong mọi hoàn cảnh, con người cần phải kiên nhẫn và tập cho mình khả năng cũng như thói quen thinh lặng cần thiết trước những sự vật, hiện tượng, biến cố khó có thể giải quyết rốt ráo trong một lúc, một thời hay một nơi nào đó. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết rằng ai cũng ý thức được tầm quan trọng của hòa hợp trong đời sống cá nhân cũng như các hình thức cộng đoàn. Tuy nhiên, thay vì hướng lên Đức Giê-su và đi Đường Hòa Hợp của Người, mỗi người lại chiều theo ý riêng và muốn người khác xây dựng hòa hợp theo thiên kiến của mình. Hậu quả là sự bất hòa hợp nơi mỗi người và trong các hình thức cộng đoàn ngày càng gia tăng. Do đó, điều cần thiết là mọi người hãy hướng lên Đức Giê-su, Đường Hòa Hợp, để kín múc nguồn năng lực hòa hợp dồi dào nơi Người cho bản thân mình và cộng tác đắc lực với Người trong việc đem lại hòa hợp đích thực cho anh chị em đồng loại.
Tin Mừng Đức Giê-su là Tin Mừng Hòa Hợp và ngôn ngữ hòa hợp chính là ngôn ngữ của việc loan báo Tin Mừng. Quả thực, để có thể loan báo Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại, trước hết, người loan báo phải sống hòa hợp với họ, tôn trọng họ. Đức Giê-su đã ‘hội nhập’ hoàn toàn vào bối cảnh văn hóa của con người để gặp gỡ, lắng nghe và giúp con người nhìn sâu hơn, nhìn xa hơn tầm nhìn vốn có của mình. Đức Giê-su đã giúp mọi người mở rộng tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa và mặc khải của Người cho gia đình nhân loại. Chúng ta không thể là nhân chứng cho Đường Hòa Hợp của Đức Giê-su nếu chúng ta không để Người hành động và biến đổi. Chúng ta hãy mở rộng tâm trí để đón nhận Người và xin Người cho chúng ta trở thành khí cụ đem lại hòa hợp cho anh chị em mình. Như vậy, trong việc loan báo Tin Mừng, các thành phần của Giáo Hội cần có tinh thần hòa hợp, tinh thần cộng đoàn. Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: Rao giảng Tin Mừng không phải là một việc làm cá nhân, lẻ loi, thuộc riêng một ai nhưng là một công việc của toàn thể Giáo Hội” (Evangelii Nuntiandi 60). Hơn nữa, những người loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cần ý thức về sự tích hợp những yếu tố đem lại hòa hợp cho con người từ các nền văn hóa mới. Nói cách khác, việc loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người đi đôi với việc xác tín rằng những gì đem lại hòa hợp đích thực cho con người thì không xa lạ với Tin Mừng Hòa Hợp mà Đức Giê-su rao giảng và minh chứng bằng cuộc sống Người.
Lời cuối cùng của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là lời mời gọi các môn đệ đến với muôn dân muôn nước (Mt 28,18-20). Đức Giê-su không dặn các môn đệ rằng họ ở một chỗ để gọi người khác đến nhưng dặn họ ‘hãy đi’. Điều này hoàn toàn phù hợp với nghĩa của từ hòa hợp (ưu tiên là mũi tên đi ra) bởi vì hòa hợp luôn luôn giả định việc đến với người khác, đồng hành với họ và chia vui sẻ buồn với họ. Người ta sẽ đến với Tin Mừng, đến với Đức Giê-su khi ai đó có kinh nghiệm về Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cùng đi với họ. Hơn ai hết, thánh Phao-lô hiểu rõ và diễn tả đúng ý định của Thầy mình: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10,14-15). Trước hết, Đường Hòa Hợp của Đức Giê-su là ‘Đường hướng ngoại’. Ý tưởng này đáng được quan tâm, bởi vì nhiều lúc các Ki-tô hữu quan tâm đến ‘hướng nội’ hơn là ‘hướng ngoại’, muốn người khác đến với mình hơn là mình đến với họ như Thiên Chúa, như Đức Giê-su, luôn đi bước trước trong chương trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa con người cũng như muôn vật muôn loài. Do đó, để có thể hiệp thông hay hiệp nhất nên một (mũi tên đi vào) cần phải có hòa hợp (mũi tên đi ra). Nói cách khác, đi ra trước, đi vào sau. Đi ra và đi vào là hai thì của cùng một thực tại diễn tả cách thức Đức Giê-su đi ra (nhập thể) và đi vào (quy tụ) hầu biến đổi và dẫn đưa con người cũng như muôn vật muôn loài về với Thiên Chúa, Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối.
Chúng ta có thể kết luận rằng thuật ngữ hòa hợp không được sử dụng trong các bản gốc Kinh Thánh. Tuy nhiên, hàm ý của thuật ngữ này được diễn tả qua các hành động hay hành vi cũng như các thuật ngữ tương đương trong toàn bộ Kinh Thánh. Điều này cho phép chúng ta nhận thức tầm quan trọng của hòa hợp trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu. Đặc biệt, với thuật ngữ hòa hợp, chúng ta xác quyết rằng Thiên Chúa là Đấng Hòa Hợp Tuyệt Đối. Đức Giê-su là Con Người Hòa Hợp và cũng là Đường Hòa Hợp giữa lòng nhân loại. Nhờ Đường của Đức Giê-su, trời cao đất thấp gặp nhau; dân Do-thái và dân ngoại được liên kết; người thánh thiện và kẻ tội lỗi đều nằm trong ‘biên giới lòng thương xót Chúa’. Chính Đức Giê-su đã thiết lập Giáo Hội như là Bí Tích Hòa Hợp của Người để Giáo Hội tiếp tục là dấu chỉ và khí cụ hòa hợp đích thực trong gia đình nhân loại cho đến tận thế. Chúng ta có thể diễn tả mặc khải của Thiên Chúa theo ngôn ngữ hòa hợp như sau: (1) Thiên Chúa sáng tạo con người và muôn vật muôn loài trong cảnh hòa hợp; (2) Khi con người phạm tội cũng là khi con người làm méo mó, biến dạng các hình thức hòa hợp vốn có; (3) Thiên Chúa hứa ban Đức Giê-su, Con Người Hòa Hợp và cũng là Đường Hòa Hợp cho gia đình nhân loại; (4) Cựu Ước được xem là thời kỳ chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giê-su, (5) Tân Ước bắt đầu với sự hiện diện và hoạt động của Người, (6) Đức Giê-su đã thiết lập Giáo Hội, bí tích của Người, bí tích của Đường Hòa Hợp giữa lòng nhân loại; (7) Mọi người được mời gọi hiệp thông với Giáo Hội hầu đón nhận, sống và diễn tả Đức Giê-su, Đường Hòa Hợp, trong hành trình trần thế của mình.
Xem thêm:
Tháng 01/2022: Đức Giê-su Ki-tô – Đường giao ước mới
Tháng 12/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường nhập thể
Tháng 11/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường công chính
Tháng 10/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường vâng phục
Tháng 09/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường tha thứ tội lỗi
Tháng 08/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường kiện toàn Lời Chúa
Tháng 07/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường kiện toàn lề luật
Tháng 06/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường ở lại
Tháng 05/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thượng Tế Tối Cao
Tháng 04/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường Chiên Thiên Chúa
Tháng 03/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường kêu gọi hoán cải
Tháng 02/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường quyền năng
Tháng 01/2021: Đức Giê-su Ki-tô – Đường bình an
Tháng 12/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường ánh sáng
Tháng 11/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường tôi tớ
Tháng 10/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường khiêm hạ
Tháng 09/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường thinh lặng
Tháng 08/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường thánh thiện
Tháng 07/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường Mục tử nhân lành
Tháng 06/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường Trái Tim
Tháng 05/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường Chữa Lành
Tháng 04/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường tình yêu
Tháng 03/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường thập giá
Tháng 02/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường xuống với con người
Tháng 01/2020: Đức Giê-su Ki-tô – Đường Hoàng tử bình an
Tháng 12/2019: Giới thiệu

 
Nguồn: hdgmvietnam.com
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay19,802
  • Tháng hiện tại654,706
  • Tổng lượt truy cập53,639,741

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây