Mục vụ giới trẻ theo hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ tư - 27/10/2021 23:27  839
 “Giới trẻ ngày nay”. Đó là những lời vừa tích cực, vừa tiêu cực người lớn dùng để đối chiếu giới trẻ hôm nay với họ thời còn trẻ. Nhiều người rất thích, rất kỳ vọng nơi giới trẻ. Nhưng không ít người vẫn nhìn giới trẻ bằng những thành kiến, cho rằng giới trẻ ngày nay không còn biết vâng lời, lao động, tôn giáo, luân lý là gì nữa[1].
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi những người tuổi từ 16 đến 29 là người trẻ[2]. Đây là cả một thế giới vừa phong phú, vừa khác biệt. Thái độ của họ rất đa dạng trước đức tin, trước Hội Thánh và nhất là trước những vấn đề luân lý. Bản thân của mỗi người trong họ rất phức tạp, sáng khác, chiều khác, vừa lên tiếng chống đối hôn nhân thì đùng một cái lại thành anh si tình[3].
Người ta vẫn coi giới trẻ là tương lai của thế giới, nhưng Đức thánh cha Phanxicô lại coi họ là hiện tại của thế giới vì họ đang làm phong phú thế giới ấy[4]. Ngài còn khẳng định, không có giới trẻ mà chỉ có những người trẻ với những thực tại riêng của họ[5].
d
I. NHỮNG NGƯỜI TRẺ HÔM NAY
II. MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC NGƯỜI TRẺ HÔM NAY
     1. Môi trường kỹ thuật số

     2. Di dân
     3. Các hình thức lạm dụng
III. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

     1. Người trẻ là tác nhân chính của mục vụ giới trẻ
     2. Tiến trình hành động chính
     3. Ta sẽ chỉ dừng lại với tiến trình thứ hai: phát triển
     4. Việc gặp gỡ Thiên Chúa
     5. Cầu nguyện
     6. Kết hợp với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài
     7. Lớn lên trong tình huynh đệ, đời sống cộng đoàn và phục vụ
     8. Xây dựng tình huynh đệ và môi trường huynh đệ
     9. Xây dựng cộng đoàn
     10. Biến người trẻ thành tông đồ

I. NHỮNG NGƯỜI TRẺ HÔM NAY

Người trẻ hôm nay rất đa dạng. Có những người, vì đức tin, đã phải đấu tranh giữ vững địa vị của mình, phải chịu nhiều bắt bớ, kể cả cái chết[6]. Một số bạn trẻ lại thấy người lớn không chuyển giao cho họ những giá trị căn bản về sự sống và gặp nhiều khó khăn trong việc truyền bá đức tin trong các quốc gia không tôn trọng tự do ngôn luận[7].
Có những người đang sống trong các vùng chiến tranh, đang có kinh nghiệm về bạo động dưới mọi hình thức: bắt cóc, tra tấn, tội phạm có tổ chức, buôn người, nô lệ, khai thác tình dục, bạo hành tình dục. Những người khác vì áp lực hay không còn chọn lựa nào khác phải sống bằng cách tham gia các băng nhóm tội phạm có vũ trang, buôn bán ma túy, khủng bố. Những tội phạm này cùng với đủ mọi thứ nghiện ngập đã khiến họ rơi vào vòng lao lý[8].
Những người khác do vướng vào các ý thức hệ, bị lạm dụng, khai thác trở thành bia đỡ đạn hay thành các lực lượng biểu tình tàn phá, khủng bố, chế nhạo, căm thù người khác, thành mục tiêu của các thế lực kinh tế, chính trị có tính hủy diệt[9].
Những người còn lại phải gánh chịu sự kỳ thị, bị loại trừ vì lý do chủng tộc và tôn giáo. Nhiều thiếu niên có thai, phá thai, những em khác lại nghiện ngập ma túy, bài bạc, các thứ dâm ô[10].
Một số bạn trẻ cảm thấy đau đớn vì thất bại, sai lầm, và mặc cảm tội lỗi trong quá khứ. Họ cảm thấy sự kỳ thị, bất công và không được yêu thương, chăm sóc[11].
Tuy nhiên, ta cũng thấy được những khía cạnh tích cực nơi người trẻ, đó là một khát vọng Thiên Chúa, tuy còn mờ nhạt và không phải là Thiên Chúa của mặc khải. Một số khác tha thiết với tình huynh đệ, khao khát phát huy tài năng. Những người khác lại có một sự bén nhạy đặc biệt về nghệ thuật hay khát mong sự hài hòa với thiên nhiên, và nhu cầu truyền thông. Nơi những người khác ta lại thấy sự khắc khoải muốn sống khác. Trong tất cả những thứ ấy, ta có thể tìm được những khởi điểm, các tài nguyên nội tâm mở ra cho sự khôn ngoan và khích lệ[12].

II. MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC NGƯỜI TRẺ HÔM NAY

Thượng Hội đồng Giám mục đưa ra ba khía cạnh quan trọng nhất của xã hội hôm nay[13]:

1. Môi trường kỹ thuật số

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa kỹ thuật số cao, một nền văn hóa tác động sâu đậm trên ý thức về thời gian và không gian, về việc biết mình, biết người khác và thế giới chung quanh, về khả năng truyền thông, học hỏi và mối tương quan với tha nhân và thế giới. Khi tiếp cận thực tại, hình ảnh được ưa chuộng hơn việc lắng nghe đã khiến con người ngày nay khó phát huy được cảm thức phê phán[14].
Các phương tiện truyền thông hôm nay đem lại cho con người nhiều cơ hội đối thoại, gặp gỡ, trao đổi, giúp tiếp cận được các thông tin độc lập, tạo được những diễn đàn gặp gỡ người trẻ[15]. Thế nhưng môi trường kỹ thuật số cũng là môi trường của cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo động, đó là chưa kể các trang đen, truyền bá dâm ô và nạn người khai thác người vì mục đích tình dục, đẩy người ta tới nguy cơ  nghiện ngập, cô lập mất dần cảm thức về thực tại cụ thể, chặn đứng những mối tương quan liên vị[16].
Thế giới kỹ thuật số này cũng tạo ra các lợi nhuận khổng lồ về kinh tế, khiến người ta có thể điều khiển lương tâm con người và tiến trình dân chủ, Vì đánh mất sự thật, thế giới này quảng bá các thông tin giả và bóp méo sự thật để kiếm lời[17]. Thế giới ảo này cũng tạo nên “cuộc di dân kỹ thuật số”, kéo theo việc thoát ly gia đình và loại bỏ các giá trị tôn giáo và văn hóa[18].

2. Di dân

Di dân là một hiện tượng thuộc cơ chế chứ không phải là một hiện tượng nhất thời. Di dân có nhiều lý do, có thể do sự hấp dẫn của xã hội phương Tây[19], có thể vì muốn thoát khỏi chiến tranh, bạo động và những cuộc bắt bớ về văn hóa và tôn giáo. Di dân làm ta nhớ mình chỉ là người xa lạ, người lưu đày nơi dương thế (Hr 11, 13). Những người di dân có thể làm phong phú nền văn hóa và kinh tế tại những nơi đón nhận họ, nhưng cũng có thể thành nạn nhân khốn khổ của xã hội ấy[20]). Để tránh tình trạng bị lạm dụng, Đức thánh cha Phanxicô khuyến dụ các bạn trẻ, không nên để người ta sử dụng mình chống lại những người trẻ mới tới đất nước mình, coi họ là một mối đe dọa và không bình đẳng về phẩm giá với những người khác[21].

3. Các hình thức lạm dụng

Có nhiều thứ lạm dụng như lạm dụng quyền bính, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục và tài chính. Chủ nghĩa giáo sĩ là một cám dỗ thường xuyên đối với những linh mục nào coi thừa tác vụ của mình là việc thực thi quyền bính chứ không phải là một sự phục vụ tự do và quảng đại[22]. Nhưng có lẽ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là quái đản nhất, đáng phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, của Hội thánh và con người[23].
Người trẻ hôm nay đang sống trong một xã hội như thế, Hội thánh phải đến với họ và cho họ những gì để sự hiện diện và hoạt động của họ thật sự làm phong phú Hội thánh và xã hội về mọi mặt, nhất là mặt tâm linh.

III. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Đức thánh cha, trong Tông huấn Christus Vivit, nhấn mạnh:
Mục vụ giới trẻ, như vẫn được thực hiện cách truyền thống, đã và vẫn đang chịu tác động lớn bởi những thay đổi về văn hóa và xã hội, nên cả cộng đoàn phải tham gia vào việc tin mừng hóa giới trẻ[24].

1. Người trẻ là tác nhân chính của mục vụ giới trẻ

Người trẻ chính là tác nhân chính của mục vụ giới trẻ, nên cần giúp họ sử dụng nhận thức, hiểu biết, sự chân thành và ngôn ngữ của mình để diễn tả những vấn đề và quan tâm của những người trẻ khác[25].
Cần có những kiểu cách và chiến lược mới, chương trình cần uyển chuyển, mời họ đến với các sự kiện không chỉ để học mà còn để trao đổi, ăn mừng, ca hát, nghe các chuyện thật và kinh nghiệm về việc cùng gặp gỡ vị Thiên Chúa đang sống[26]
Cần để tâm tới mọi phương pháp, ngôn ngữ có thể đưa người trẻ tới với Đức Kitô và Hội thánh, tận dụng mọi sự có thể đem lại kết quả tốt đẹp để truyền bá niềm vui Tin mừng[27].
Cần đồng hành và tạo điều kiện cho người trẻ được đồng trách nhiệm, nghĩa là đón nhận với lòng biết ơn những đóng góp của người trẻ, cả giáo dân lẫn người thánh hiến[28].
Thượng Hội đồng yêu cầu dẹp bỏ những phương pháp nào không đem lại kết quả, không thể đối thoại với nền văn hóa của người trẻ hôm nay[29].

2. Tiến trình hành động chính

Sau khi đưa ra những đề nghị trên, Tông huấn đề cập tới hai tiến trình hành động chính: quá trình tiếp cận tức cách hấp dẫn những người trẻ mới đến với một kinh nghiệm nào đó về Chúa và phát triển, giúp những người đã có kinh nghiệm về Chúa trưởng thành trong kinh nghiệm ấy.

3. Ta sẽ chỉ dừng lại với tiến trình thứ hai: phát triển

Tông huấn nhìn nhận, tại một số nơi, Hội thánh đã giúp người trẻ có được một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, có được cuộc gặp gỡ Đức Kitô đánh động lòng họ. Nhưng sau đó là hàng loạt các buổi gặp gỡ nói về những vấn đề tín lý và luân lý, những sự xấu trong thế giới hôm nay, về Hội thánh, học thuyết xã hội của Hội thánh, khiết tịnh, hôn nhân, kế hoạch hóa gia dinh..., khiến nhiều người trẻ chán ngán, không còn tha thiết với việc gặp gỡ Đức Kitô và đánh mất niềm vui của việc đi theo Ngài, họ trở thành thất vọng hoặc tiêu cực. Vi thế, Tông huấn kêu gọi trước hết cần thức tỉnh và củng cố những kinh nghiệm lớn đang nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu[30]. Đó là phát triển kinh nghiệm nền tảng của việc gặp gỡ Thiên Chúa nhờ sự chết và phục sinh của Đức Kitô và lớn lên trong tình huynh đệ, đời sống cộng đoàn và phục vụ[31].

4. Việc gặp gỡ Thiên Chúa

Việc gặp gỡ Thiên Chúa nhờ sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu quan trọng đến độ Tông huấn quả quyết: “mọi nền đào tạo Kitô giáo đều phải bao hàm việc đi sâu hơn vào trong Kerygma”[32] và phải làm cho chúng nhập thể vào đời ta cách trọn vẹn hơn. Vì thế mục vụ giới trẻ phải bao hàm những cơ hội canh tân và đào sâu kinh nghiệm đích thân về tình yêu Thiên Chúa và về Đức Kitô đang sống[33].
Muốn thế, cần tạo cho người trẻ tinh thần cầu nguyện, chiêm ngắm và sống mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô.

5. Cầu nguyện

Không cầu nguyện thì không thể làm gì cho Thiên Chúa, cho Hội thánh, cho con người và cho chính mình. Các thánh luôn có tinh thần cầu nguyện và nhu cầu hiệp thông với Thiên Chúa, luôn khát mong Thiên Chúa, luôn quên mình để ca tụng và chiêm ngắm Chúa[34]. Nên:
- Cần giúp người trẻ biết khát vọng Thiên Chúa và diễn tả khát vọng ấy ra trong đời sống hằng ngày: ăn, uống, trò chuyện với người khác, hay làm bất cứ việc gì, giúp họ luôn đến với Thiên Chúa và hết lòng gắn bó với Ngài.[35]
- Giúp họ thiết lập sự thân tình với Chúa Giêsu, vì Ngài không bao giờ bỏ họ, tuy có lúc im lặng. Khi họ cần Ngài, Ngài liền có mặt (Gr 29, 14), họ đi bất cứ đâu, Ngài cũng vẫn đồng hành (Jos 1, 9). Ngài không bao giờ hủy bỏ giao ước nhưng luôn xin họ “ở lại trong Ngài” (Ga 15, 4). Và dẫu họ lầm đường lạc lối, Ngài vẫn cứ thủy chung (2 Tim 2, 13)[36]
- Giúp họ cầu nguyện luôn, vì cầu nguyện làm cho họ có thể chia sẻ với Chúa mọi khía cạnh của cuộc sống, có thể tin tưởng nghỉ ngơi trong vòng tay Ngài, có thể tham dự vào sự sống và tình yêu của Ngài. Khi cầu nguyện, họ làm tất cả mọi sự cho Ngài[37].
- Vì cầu nguyện “là giao tiếp thân mật và thường xuyên chuyện trò một mình với Đấng ta biết là luôn yêu thương ta”[38], nên cần giúp giới trẻ thường xuyên nói chuyện với Thiên Chúa như với người yêu mình về mọi sự xảy ra cho đời mình[39], giúp họ mở lòng ra cho sự gặp gỡ diện đối diện với Thiên Chúa, hầu có thể nghe được tiếng thì thầm của Chúa trong thinh lặng[40].
- Trong sự thinh lặng ấy và dưới ánh sáng của Thần Khí, giúp họ nhận ra Chúa đang mời gọi họ đi trên những con đường thánh thiện nào. Nếu không, các quyết định của họ có thể chỉ là vẻ lòe loẹt bên ngoài. Điều thiết yếu là dành thời gian ở với Chúa, lắng nghe lời Ngài, và luôn học với Ngài[41].
- Vì cầu nguyện xin ơn là cách diễn tả một tâm hồn phó thác cho Thiên Chúa, nên cần giúp người trẻ biết trân trọng việc cầu nguyện này, tâm hồn họ sẽ yên tĩnh và kiên trì trong hy vọng.
- Chuyển cầu có một giá trị đặc biệt, diễn tả mối tương quan huynh đệ của ta với tha nhân, nên cần giúp người trẻ biết cầu nguyện cho người khác, nhất là những người đau khổ, để họ xứng đáng với lời ca tụng: “Đây là người yêu thương anh em mình và cầu nguyện nhiều cho dân chúng” (2 Mcb 15, 14)[42].
- Vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (x. Tv 119, 105), nên cần giúp người trẻ đọc lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện (Tv 119, 103) để Lời ấy biến đổi cuộc đời họ và giúp họ làm cho việc tôn sùng lời Chúa thành trọng tâm và căn tính của đời mình[43].
- Khi họ đón nhận Chúa Giêsu nhờ việc Hiệp lễ, cần giúp họ để Ngài thực hiện cách trọn vẹn hơn công trình biến đổi đời sống họ[44].

6. Kết hợp với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài

- Giúp họ chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, chết và phục sinh, vì việc chiêm ngắm ấy luôn phục hồi loài người, cả khi họ đang bị các rắc rối trong cuộc đời này tàn phá[45]. Khi nhìn vào dung nhan Đức Kitô, họ sẽ cảm thấy mình được chữa lành và biến đổi, sẽ thấy mình đang đi vào trong cõi lòng của Chúa, vào trong các thương tích của Ngài, vì đó là nơi ở của lòng thương xót của Thiên Chúa[46].
- Nhất là giúp họ kết hợp bản thân mình với sự chết và phục sinh của Chúa[47] qua việc mang lấy tâm tư của Chúa Giêsu khi Ngài chết trên thập giá. Khi chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã bình thản để cho Cha có toàn quyền trên mạng sống, danh dự và sự nghiệp của Ngài vì tin rằng Cha chỉ muốn điều tốt lành cho Ngài. Kitô hữu cũng phải thế. Khi chấp nhận chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trút đổ mình cho tới cùng, nên Cha đã làm đầy Ngài bằng chính Cha, đến độ nghe Danh thánh Ngài, mọi gối phải quỳ xuống bái lạy và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng, Đức Giêsu Kitô là Chúa (Pl 2, 11). Kitô hữu cũng phải thế. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầm lấy mọi sự Ngài lãnh nhận, đặt vào trong tay Cha thế nào, thì Kitô hữu cũng được mời gọi sống y như thế.
Sống trọn vẹn mầu nhiệm sự chết này của Chúa Giêsu, họ sẽ chói chang vinh quang phục sinh của Ngài. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận[48] đã đích thân kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu khi đón nhận kiếp tù tội mà không được xét xử, tức không có tội, cách phi thường, nên đã chinh phục được nhiều người về cho Chúa[49].
Giúp họ không ngừng chết và trỗi dậy cách mới mẻ với Đức Kitô, làm phát sinh trong cuộc sống họ các khía cạnh khác nhau của cuộc sống trần thế của Ngài, để cho các khía cạnh ấy nhập thể vào trong các chọn lựa và thái độ của họ[50]. Ai kết hợp với Chúa Giêsu thì cũng sẽ yêu thương, phục vụ và tha thứ như Ngài.

7. Lớn lên trong tình huynh đệ, đời sống cộng đoàn và phục vụ

Các giám mục New Zealand đã dạy ta cách chí lý rằng ta có thể yêu thương bằng tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, vì Chúa phục sinh vẫn luôn chia sẻ cuộc sống đầy quyền năng của Ngài với cuộc đời mỏng giòn của ta. Tình yêu ấy vô điều kiện và luôn trung thành. Khi ta cố yêu như Đức Kitô đã yêu thương ta, chính là lúc Đức Kitô đang chia sẻ với ta sự sống phục sinh của Ngài[51], vì “Đức Kitô làm cho ta có thể sống trong Ngài tất cả những gì Ngài đã sống, và Ngài đang sống tất cả những cái ấy trong ta”[52].

8. Xây dựng tình huynh đệ và môi trường huynh đệ

Chính vì thế mà Đức thánh cha Phanxicô nhấn mạnh rằng mục vụ giới trẻ phải tận dụng các phương thế và tài nguyên, để giúp họ lớn lên trong tình huynh đệ, sống với nhau như anh chị em, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đoàn, phục vụ và gần gũi người nghèo. Ngài còn nhấn mạnh, nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13, 34), và là cách tốt nhất để diễn tả lòng yêu mến ta dành cho Thiên Chúa, thì đây chắc chắn phải là ưu tiên số một trong chương trình mục vụ giới trẻ.
Vì con người nói chung và giới trẻ nói riêng đang cảm thấy bị mồ côi, bị mất gốc, nên cần tạo nên một môi trường cởi mở và yêu thương, hấp dẫn và đầy tình huynh đệ nơi người ta có thể sống có mục đích[53]. Như thế cũng là tạo nên một gia đình, nơi người ta cảm thấy được gắn kết với nhau không chỉ bằng các mối dây thực tiễn và thực dụng mà gắn kết với nhau theo cách có tính người hơn, bớt hờ hững lạnh lùng hơn, làm việc chung với nhau, không loại trừ ai, nhẫn nại, tha thứ cho nhau và bắt đầu lại mỗi ngày[54].
Tạo nên một gia đình như thế rất quan trọng vì khi ta sống tách biệt với tha nhân, ta khó có thể chống lại nhục dục, cạm bẫy, cám dỗ của ma quỷ và tính ích kỷ của thế gian này[55].

9. Xây dựng cộng đoàn

Việc lớn lên trong sự thánh thiện là một cuộc hành trình, sát cánh cùng tha nhân trong cộng đoàn. Sống và làm việc với người khác chắc chắn là một con đường phát triển thiêng liêng. Vì khi sống với những người khác ta sẽ được nắn đúc và tôi luyện[56].
Mỗi cộng đoàn đều được mời gọi tạo nên một “không gian được Thiên Chúa soi sáng để có thể kinh nghiệm được sự hiện diện kín ẩn của Chúa phục sinh”[57]. Chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể với nhau bao giờ cũng nuôi dưỡng tình huynh đệ và làm cho ta thành một cộng đoàn thừa sai thánh thiện[58].
Cuộc sống chung, bất kể trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu hay bất cứ cộng đoàn nào khác, bao giờ cũng được hình thành bởi những chuyện nho nhỏ hằng ngày. Điều này rất đúng với cộng đoàn thánh duy nhất do Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse tạo nên, một cộng đoàn phản ánh cách mẫu mực vẻ tuyệt mỹ của sự hiệp thông Ba Ngôi. Điều đó cũng đúng với cuộc sống mà Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ và với những người bình thường[59].
Cộng đoàn nào ấp ủ các chi tiết nhỏ của tình yêu[60], các thành viên quan tâm, chăm sóc nhau và tạo được môi trường cởi mở và tin mừng hóa, bao giờ cũng là nơi Chúa phục sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn ấy theo kế hoạch của Chúa Cha[61]. Trái với chủ nghĩa cá nhân của những người theo chủ nghĩa tiêu thụ, con đường tiến tới sự thánh thiện duy nhất của ta là làm cho ta đồng hóa hơn nữa với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu : “để mọi người nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21)[62].

10. Biến người trẻ thành tông đồ

Ngoài việc xây dựng cộng đoàn, mục vụ giới trẻ cũng cần cung cấp cho người trẻ những nơi họ có thể biến thành của mình, nơi họ có thể tự do lui tới, thấy mình được đón tiếp và gặp gỡ những bạn trẻ khác lúc vui, lúc buồn, nơi họ có thể chia sẻ âm nhạc, chơi trò chơi, chơi thể thao nhưng cũng có thể suy tư, cầu nguyện. Tại những nơi ấy có thể cho nhiều mà không tốn kém bao nhiêu[63].
Kinh nghiệm nhóm cũng là những tài nguyên quan trọng để chia sẻ đức tin và giúp nhau làm chứng, người trẻ hướng dẫn người trẻ và làm việc tông đồ nơi những người trẻ khác[64]. Làm thế không tách họ ra khỏi các cộng đoàn và tổ chức hay phong trào của giáo xứ mà làm cho họ hội nhập cách tốt hơn vào trong các cộng đoàn cởi mở, sống đức tin, hân hoan làm cho Đức Kitô tỏa sáng, vui tươi, tự do, huynh đệ và dấn thân, Đó là những cộng đoàn người trẻ cảm thấy có thể vun xới các mối tương quan quý giá[65].
Như thế, điều quan trọng là giúp người trẻ thành tác nhân chính của mục vụ giới trẻ, để chính họ đến với những người trẻ khác, đưa những người ấy về với Chúa Giêsu và Hội thánh. Muốn thế, cần giúp người trẻ một kinh nghiệm đích thân sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa và cảm nhận được ơn cứu chuộc của một Đức Kitô đang sống bằng cách kết hợp với cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, chuyên cần cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi đã kinh nghiệm được tình yêu Thiên Chúa cách cụ thể, chính họ sẽ xây dựng một cộng đoàn huynh đệ, sẽ tạo sân chơi cho các bạn trẻ khác, để những người này cũng sẽ kinh nghiệm được tình yêu ấy của Thiên Chúa và xây dựng một cộng đoàn thấm đẫm tình Chúa, tình người.
Hy vọng, bài viết này, dựa vào các Tông huấn của Đức thánh cha Phanxicô đem lại một cái nhìn mới và một đường lối mới cho mục vụ giới trẻ hôm nay.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 124 (Tháng 5 & 6 năm 2021)

 

[1] Rey - Mermet, Một Lối Nhìn Mới về Luân lý, tr. 11
[2] Christus Vivit, 58.
[3] Rey - Mermet, Một Lối Nhìn Mới về Luân lý, tr. 11
[4]Christus Vivit, 64.
[5] Christus Vivit, 71.
[6] Christus Vivit, 72
[7] Christus Vivit, 80.
[8] Christus Vivit, 72.
[9] Christus Vivit, 73.
[10] Christus Vivit,74
[11] Christus Vivit, 83
[12] Christus Vivit, 84.
[13] Christus Vivit, 85
[14] Christus Vivit, 86.
[15] Christus Vivit, 87.
[16] Christus Vivit, 88
[17] Christus Vivit, 89
[18] Christus Vivit, 90.
[19] Christus Vivit, 92
[20] christus Vivit, 93
[21] Christus Vivit, 94
[22] Christus Vivit, 98.
[23] Christus Vivit, 96.
[24] Christus Vivit, 202
[25] Christus Vivit, 203
[26] Christus Vivit, 204
[27] Christus Vivit, 205
[28] Christus Vivit, 206
[29] Christus Vivit, 208.
[30] Christus Vivit, 212
[31] Christus Vivit, 213
[32] No, 165, AAS 105 (2013), 1089.
[33] Ibid., 214
[34] Gaudete et Exsultate, 147.
[35] ID., Counsels to a Religious on How to Attain Perfection, 9.
[36] Christus Vivit, 154.
[37] Christus Vivit 155.
[38] Tự thuật 8, 5.
[39] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Orientale Lumen (2 May 1995), 16: AAS 87 (1995), 762.
[40] Gaudete et Exultate, 149.
[41] Gaudete et Exultate, 150
[42] Gaudete et Exsultate, 154.
[43] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ẤN ĐỘ, Tuyên bố chung quyết của Hội nghị lần thứ 21, 18.2. 2009, 3.2.
[44] Gaudete et Exsultate, 156; xem Christus Vivit, 224.
[45] Gaudete et Exsultate, 151
[46] Cf. BERNARD OF CLAIRVAUX, Sermones in Canticum Canticorum, 61, 3-5: PL 183:1071-1073.
[47] Gaudete et Exsultate, 20
[48] Năm chiếc Bánh và hai con cá, Pauline Books and Media, 2003, pp. 9,
[49] Gaudete et Exsultate, 18
[50] Spiritual Exercises, 102-312.
[51] Gaudete et Exsultate, 18.
[52] Ibid., 521. Gaudete et Exsultate, 20
[53] Christus Vivit, 216.
[54] Christus Vivit, 217
[55] Gaudete et Exsultate, 140
[56] Precautions, 15.
[57] JOHN PAUL II, Tông huấn Vita Consecrata (25 March 1996), 42: AAS 88 (1996), 416.
[58] Gaudete et Exsultate, 142
[59] Gaudete et Exsultate
[60] Tôi nghĩ cách đặc biệt về ba từ khóa “làm ơn”, “cám ơn” và “xin lỗi”. “Những từ ngữ chính xác, được nói và thời điểm chính xác, bao giờ cũng bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu”: Tông huấn Hậu thượng Hội đồng,Exhortation Amoris Laetitia (19 March 2016), 133: AAS 108 (2016), 363.
[61] Gaudete et Exsultate, 145
[62] Gaudete et Exsultate 146.
[63] Christus Vivit, 218
[64] Christus Vivit, 219.
[65] Christus Vivit, 220.
Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR
Nguồn: hdgmvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay19,099
  • Tháng hiện tại647,102
  • Tổng lượt truy cập53,632,137

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây