Mừng năm mươi ba tuổi Hiến Chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa.

Chủ nhật - 30/06/2019 04:32  1064

MỪNG NĂM MƯƠI BA TUỔI HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

Chúng ta đã thực thi được những gì theo giáo huấn mục vụ của Công Đồng Vatican II về Sách Thánh.
 
L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan s.j.
Lời mở 
Đang sống và phục vụ Hội Thánh tại quê hương của Chúa, tôi rất vui mừng được tin về cuộc Đại Hội Kinh Thánh Toàn Quốc 2019.
Đọc bản dự thảo nội dung ba ngày Đại Hội, tôi hiểu đây là một đại hội có tính cách mục vụ hơn là chuyên môn, nghĩa là nhắm vào những người đang có nhiệm vụ giảng Lời Chúa, dạy giáo lý, giúp suy niệm Lời Chúa… và tất cả những ai muốn đọc Sách Thánh, vì Sách Thánh là Lời Chúa cho mọi người, ai cũng phải được nghe, và ai biết chữ là có thể cầm lấy mà đọc. Nội dung này thực ra xoay quanh việc thực thi những chỉ đạo mục vụ, mà Hiến Chế tín lý về Mạc Khải đưa ra trong chương cuối, cho các thành phần có trách nhiệm phục vụ Lời Chúa trong Hội Thánh, [tuy điểm này được ghi cuối cùng ở mục này) trong dự thảo nội dung].
Cuộc đời tôi, kể từ ngày rời ghế học trò của Giáo Hoàng Học Viện Thánh kinh ở Rô-ma, trước khi nhà trường kịp in bằng cử nhân Kinh Thánh cho tôi, để về tới quê hương ngày 24/4/1975 cho tới nay, vẫn liên tục diễn ra trong việc tự nuôi mình và nuôi anh chị em bằng Lời Chúa. Tôi được nhà Dòng gởi đi học Kinh Thánh với chủ đích sẽ giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Pi-ô X ở Đalat. Nhưng khi về phục vụ trong hoàn cảnh mới mẻ của Đất Nước thì lập tức tôi phải đảm nhận trách nhiệm Bề Trên Miền Dòng Tên Việt Nam, đồng thời được gọi giúp Đức Tổng Giám Mục Saigon, giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong hậu trường, bằng suy tư thần học và mục vụ. Tôi chỉ biết bám vào Lời Chúa và giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II.
Sau những năm thăng trầm trên quê hương, rồi những năm bay đi khắp năm châu bốn bể vì nhiệm vụ tại Trung Ương Dòng Tên ở Rô-ma, tôi « trở về nguồn » từ mười năm nay, phục vụchi nhánh Giáo Hoàng Học ViệnThánh Kinh tại Giê-ru-sa-lem, nơi tôi được phúc tập tễnh bước vào năm dự bị của chương trình Cử Nhân Kinh Thánh cách đây 47 năm, niên khóa 1972-1973.
Nhân dịp Đại Hội này, với tư cách chứng nhân và người tham gia của những nỗ lực phục vụ Hội Thánh Việt Nam, trong những năm tháng mà nay nhìn lại có thể nhận ra là bước chuyển mình của lịch sử Đất Nước và Hội Thánh, tôi muốn góp một chút suy tư về kinh nghiệm của bản thân, gởi lại cho thế hệ đang lên, trước khi đi theo các bậc đàn anh.
Thoáng nhìn lại vị trí của Sách Thánh trong lịch sử Hội Thánh
Trong lịch sử của Hội Thánh Công Giáo phương Tây, trước Công Đồng Vatican II, suốt nhiều thế kỷ, từ khi tiếng La-tinh không còn là ngôn ngữ hàng ngày, người thường dân chẳng hiểu gì nữa, thì Hội Thánh vẫn cứ cử hành các bí tích và đọc sách Thánh bằng tiếng La-tinh
[1]. Người Pháp nói là “đi nghe lễ”! Tại các nước châu Phi, châu Á, tiếng la-tinh chẳng liên hệ gì với các thứ tiếng bản địa, cũng vẫn phải cử hành các bí tích và thánh lễ bằng tiếng La-tinh. Hội Thánh phương Đông thì đã sớm có bản dịch Sách Thánh ra các thứ tiếng mà Hội Thánh vẫn quý trọng cũng như các bản dịch tiếng La-tinh (x. Hc Mạc khải, s.22).
Ở Việt Nam ta, thì ngày chúa nhật “Thầy Cả” cứ đứng ở bục bàn thờ rầm rì đọc một mình bằng tiếng la-tinh, vài cậu giúp lễ thưa thuộc lòng bằng thứ tiếng la-tinh đánh vần theo tiếng Việt :« ạt Đe-um qui le-ti-phi-cát giu-ven-tu-tem me-am » ; « ẹt cum xịt-pi-ri-tutu-o ». Dân chúng thì chỉ nghe “xì xè xì la lo”, nên nói là “đi xem lễ” … Tuy nhiên chúng ta có cái may mắn là ngay từ khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng và qui tụ cộng đoàn tín hữu (từ năm 1615), các thừa sai Dòng Tên đã học tiếng Việt, học chữ nôm, và có sáng kiến dịch các bài Phúc Âm chúa nhật và lễ trọng ra tiếng Việt, in bằng chữ nôm, đồng thời soạn những bài gẫm, ngắm lễ. Ngày chúa nhật, giáo dân từ các họ nhánh kéo về nhà thờ xứ, bắt đầu đọc các kinh ngày chúa nhật, đọc “kinh bản hỏi” (sách giáo lý viết theo kiểu hỏi - thưa). Trước khi bắt đầu thánh lễ, “Thầy Giảng” ngâm nga bài “E-van ngày lễ cả hôm nay…”. Bắt đầu thánh lễ thì “Hội Hát” - gồm các thiếu nữ chưa lập gia đình, gọi là hội “nữ lưu” - ngắm lễ theo cung điệu, giúp mọi người hiệp với “Thầy Cả” từng bước trên bục bàn thờ
[2].
Cuộc cải cách của ông Martin Luther cuối thế kỷ 15 bên phương Tây, thay vì thức tỉnh lại gây nên một phản ứng tự vệ của Hội Thánh phương Tây, được Công Đồng Tri-đen-ti-nô củng cố. Phải chờ 400 năm sau, đến công đồng Va-ti-ca-nô II, chúng ta mới được thấy sự cởi mở đón nhận việc công bố Lời Chúa và cử hành phụng vụ bằng ngôn ngữ của các dân tộc trên khắp thế giới.
Các Đức Giáo Hoàng, từ Đức Lê-ô XIII đến Pi-ô XII đã cổ võ việc dịch Sách Thánh ra các thứ tiếng và cho những nguyên tắc chỉ đạo giúp vận dụng các tiến bộ khoa học của cách ngành liên hệ (như khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ) vào việc nghiên cứu Sách Thánh - là Lời Thiên Chúa đã thành lời người phàm, trước khi Lời Chúa thành người phàm–để có thể trình bày Lời Chúa cho con người của thời hiện đại.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II, với Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, đưa Hội Thánh vào một kỷ nguyên mới trong cách tiếp cận và phục vụ Lời Chúa.
Nhân dịp Đại Hội Kinh Thánh Toàn Quốc 2019, tôi đọc lại chương VI (chương cuối của Hiến Chế) có tính mục vụ, rất cụ thể, và nhìn lại xem 53 năm đã qua từ ngày (18/11/1965) Hiến Chế này được Công Đồng ban hành, tại Việt Nam, chúng ta đã thực hiện được những gì, và hy vọng những người tham dự cuộc Đại Hội kỳ này, cũng như Ủy Ban Thánh Kinh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sẽ lấy đà vươn lên đóng góp hữu hiệu hơn cho công việc phục vụ Lời Chúa. Hội Thánh tại Việt Nam đang có nguồn nhân lực hùng hậu, với những người Việt Nam (thuộc thế hệ tương đối trẻ) đã được đào tạo chuyên môn về Thánh Kinh và Thần Học Thánh Kinh, tại các trường chuyên môn từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những vị đang giảng dạy tại các chủng viện và học viện của các dòng tu, nam nữ tại Việt Nam và hải ngoại, và có cả những vị giảng dạy tại các trường chuyên môn về Thánh Kinh và thần học trên thế giới.
Thời đại “điện tử” này chúng ta có nhiều thuận lợi để tham khảo những công trình nghiên cứu Sách Thánh và mục vụ Sách Thánh trên khắp thế giới, và liên kết với nhau. Làm việc chung với nhau vốn là một điểm yếu của chúng ta. Ai cũng muốn yên thân với “trọng trách của mình” trong chủng viện, học viện; với công việc được bề trên giao phó [đừng quên là có những vị bề trên chủ trương “đèn nhà ai nấy rạng”, và không muốn “người của mình” tiêu hao sức lực và thời giờ hợp tác với anh chị em cùng ngành]. Các ngành khoa học, trong đó kể cả khoa nghiên cứu về Sách Thánh và mục vụ Lời Chúa, cần sự hợp tác trong cộng đồng Hội Thánh để cùng nhau tiến bước. Ấy là chưa kể tật “cá nhân chủ nghĩa”,thói“tự sùng bái”, làm như thể từ khi mình “thành cha giáo” rồi thì trái đất đứng yên mà nghe, như vị giáo sư kia soạn bài một lần, rồi giảng dạy suốt năm mươi năm, không thay một chấm một phết, bắt học trò học thuộc lòng “cua” của mình để trả bài, không được sai một chấm một phết…trong khi mực nước hồ Ga-li-lê hay Biển Chết đã cạn xuống hàng chục mét! Và bao nhiêu nghiên cứu về Sách Thánh khiến cho những hiểu biết về Lời Chúa đã ở xa phía trước… Tội nghiệp bao thế hệ học trò! Chính tôi đã nghe lời than này từ một số linh mục: sau bốn năm học với cha giáo… bây giờ mình làm cha phó, cha sở, đọc bài Phúc Âm ngày chúa nhật rồi không biết sàng thế nào cho ra bài giảng trong thánh lễ !
Tôi rất vui mừng và hãnh diện khi thấy thế hệ đàn em - và cả học trò của tôi - nay vượt xa thế hệ của tôi. Thế hệ tôi và thế hệ đàn anh, chưa người Việt Nam nào có bằng tiến sỹ Thánh Kinh, nay thì đã có và sắp có thêm vài vị nữa. Tôi chỉ ước mong một điều, là thế hệ này sẽ tỏ ra xứng đáng với ơn gọi phục vụ Lời Chúa, biết hợp tác với nhau và góp phần đào tạo những người có khả năng phục vụ Lời Chúa, như Công Đồng và Hội Thánh hằng mong ước. Tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy thế hệ trẻ phục vụ Lời Chúa cách năng động, mới mẻ, hữu hiệu hơn mãi, trước khihát bài ca “Nunc Dimittis” và theo cụ già Si-mê-ôn đi gặp bà nội và bu tôi, xin giới thiệu cho gia nhập ca đoàn thiên quốc.
  1. Đọc lại giáo huấn mục vụ trong Hiến Chế về Mạc Khải (Ch. VI, s.21-26)
Sau năm chương có tính tín lý về Mạc Khải và Sách Thánh, Công đồng chuyển sang huấn thị mang tính mục vụ qua lời khẳng định: “Hội Thánh vẫn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng Vụ Thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để trao ban cho các tín hữu... Vì vậy, toàn thể việc rao giảng trong Hội Thánh cũng như chính nếp sống đạo của người Ki-tô hữu phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn (Hc Mk, s. 21).


1.1 Hệ luận thực hành thứ nhất
Hệ luận thực hành thứ nhất Công Đồng rút ra từ nguyên lý này là BẢN DỊCH SÁCH THÁNH RA TIẾNG CỦA MỖI DÂN TỘC.
Lối vào Sách Thánh cần phải được mở rộng cho các Ki-tô hữu. Chính vì thế, ngay từ buổi đầu, Giáo Hội đã thừa nhận các bản dịch Cựu Ước Hy-lạp cổ, được gọi là bản Bảy Mươi. Giáo Hội vẫn luôn quý trọng các bản dịch Đông Phương khác và các bản dịch La-tinh, nhất là bản dịch thường gọi là bản Phổ Thông. Tuy nhiên, vì Lời Thiên Chúa phải luôn tiện dụng cho mọi thời đại, nên Giáo Hội như một người mẹ, ân cần lo liệu sao cho có các bản dịch thích hợp và đúng nghĩa sang các ngôn ngữ khác, nhất là dịch từ nguyên bản các Sách Thánh
[3] . Tất cả các Ki-tô hữu cũng có thể sử dụng cả những bản dịch, do hoàn cảnh thuận tiện và được giáo quyền chấp thuận, được thực hiện với sự cộng tác của các anh em ly khai. (Hc MK, s. 22)
    1. Hệ luận thực hành thứ hai
Hiền thê của Ngôi Lời Nhập Thể tức là Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, cố gắng hiểu biết Thánh Kinh ngày càng sâu xa hơn, để không ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình.
1.2.1 - Học với các Giáo Phụ và Phụng vụ (Hc MK, s. 23)
Do đó Giáo Hội có lý, khi khuyến khích việc học hỏi các thánh Giáo Phụ và các nghi lễ Phụng Vụ của Đông phương cũng như Tây phương.
Sách Thánh được viết ra trong Hội Thánh và cho Hội Thánh, nên phải được đọc trong dòng chảy liên tục của Hội Thánh. Các Giáo Phụ là những người kế thừa gia sản các Tông Đồ để lại, gồm Sách Thánh và những lời rao giảng từ ban đầu truyền lại, và chuyển giao cho những thế hệ đến sau cho tới chúng ta hôm nay.
Phụng Vụ là khung cảnh đọc và giải nghĩa Sách Thánh của Hội Thánh từ ban đầu cho tới nay. Phụng Vụ các Bí tích và Phụng Vụ các Giờ Kinh đều bắt đầu từ Lời Chúa. Khi canh tân phụng vụ, Công Đồng Va-ti-ca-nô đã trả lại cho chúng ta truyền thống tốt đẹp này. Vì thế Phụng Vụ của Hội Thánh, cả phương Đông lẫn phương Tây, đều là nguồn giúp chúng ta học hỏi Lời Chúa, trong cách hiểu Lời Chúa vẫn được truyền đạt qua các thế hệ.
1.2.2 – Các nhà chú giải và nghiên cứu thần học (Hc MK s.23)
Phần các nhà chú giải và nghiên cứu thần học, phải tận tình hiệp lực làm việc dưới sự quan tâm của Huấn Quyền, cố gắng dùng những phương thế thích hợp để nghiên cứu và trình bày Thánh Kinh, sao cho đại đa số những người phục vụ Lời Chúa có thể cung cấp hữu hiệu cho Dân Chúa lương thực Thánh Kinh có sức soi sáng tâm trí, củng cố ý chí và thiêu đốt lòng con người yêu mến Thiên Chúa. Thánh Công Đồng khuyên nhủ con cái Giáo Hội đang nghiên cứu Kinh Thánh, hãy can đảm tiếp tục đến cùng công việc đã khởi sự tốt đẹp, với năng lực ngày càng đổi mới, trọn niềm hăng say, phù hợp với cảm thức của Giáo Hội.
Hai nguyên tắc được nhắc nhở: dưới sự quan tâm của Huấn Quyền và dùng các phương thế thích hợp. Sách Thánh là của Hội Thánh, mà Hội Thánh của Chúa không phải là một nhóm ô hợp, nhưng là một cộng đồng do Chúa thiết lập, Chúa ví như xây một ngôi  nhà, và cắt đặt những người được ủy thác trách nhiệm mục tử,với ơn Thánh Thần do bí tích chức thánh thông cho, để gìn giữ và rao giảng giáo lý tông truyền [Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền]. Ngày nay có rất nhiều người tự tiện chiếm đoạt Sách Thánh và giải thích theo ý mình, lôi kéo một số người theo mình, lập những giáo phái mới. Tại nước Mỹ có hàng ngàn phái tự xưng là “Tin Lành” (Evangelical) và năm nào cũng có thêm những giáo phái mới như nấm mọc trong rừng. Với phương tiện truyền thông ngày nay, ai cũng có thể mở một trang facebook để tự rao giảng… và nói gì cũng có người nghe theo.
Các phương pháp nghiên cứu hiện nay cũng rất phong phú đa dạng, nhiều khi dựa trên những triết thuyết cũ và mới, không phải luôn phù hợp với đức tin. Vì thế, từ thời Đức Lê-ô XIII tới nay, các Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng để hướng dẫn các nhà nghiên cứu muốn trung thành với giáo lý tông truyền của Hội Thánh. Nay thì Ủy Ban Kinh Thánh của Tòa Thánh giúp Đức Giáo Hoàng trong việc tỉnh thức này để bảo vệ Hội Thánh của Chúa.
1.2.3 - Mục đích của công việc nghiên cứu là “sao cho đại đa số những người phục vụ Lời Chúa có thể cung cấp hữu hiệu cho Dân Chúa lương thực Thánh Kinhcó sức soi sáng tâm trí, củng cố ý chíthiêu đốt lòng con người yêu mến Thiên Chúa.” Mục đích này cho ta những tiêu chí để lượng giá thành quả của công trình nghiên cứu và lời rao giảng.
    1. Hệ luận thực hành thứ ba, liên quan tới khoa thần học và thừa tác vụ Lời Chúa (Hc MK, s.24)
1.3.1 - Khoa thần học
Khoa thần học dựa trên Lời Thiên Chúa được viết trong Sách Thánh, cùng với Thánh Truyền, như dựa trên một nền tảng trường tồn, nhơ đó thần học được củng cố thật vững chắc và luôn trẻ trung, để tất cả chân lý tiềm ẩn trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô luôn được nghiên cứu dưới ánh sáng đức tin. Thánh Kinh chứa đựng Lời Thiên Chúa, và vì được linh hứng nên thật sự là Lời của Thiên Chúa; bởi thế việc nghiên cứu Thánh Kinh phải trở nên như linh hồn của khoa thần học.
1.3.2 – Thừa tác vụ Lời Chúa
Chính lời Thánh Kinh nuôi dưỡng cách tuyệt hảo và làm tăng trưởng trọn vẹn thừa tác vụ Lời Chúa, bao gồm việc giảng thuyết của các Chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Ki-tô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ có một chỗ đứng đặc biệt.
Công Đồng trình bày rõ ràng, khỏi cần giải thích! Nhìn lại kinh nghiệm trong đời tôi và thế hệ của tôi, chúng tôi học thần học như những luận đề: giải thích từ ngữ, rồi đưa ra ba lý chứng: Thánh Kinh, Thánh Truyền và Quyền Giáo Huấn. Thánh Kinh không được trình bày như là nguồn mạch, nhưng là lý chứng để xác nhận một luận đề thần học. Việc dạy giáo lý cũng như rứa, giảng thuyết cũng như vậy, rồi bài giảng phụng vụ (homily/homelia) cũng như thế. Ấy là chưa kể những bài giảng gồm mọi chuyện trên trời dưới đất, trừ Lời Chúa! Ở xa quê, thỉnh thoảng thấy trên youtube vang vọng những quảng cáo bài giảng của linh mục này nghe cười muốn bể bụng,hay linh mục nọ với nhiều hiệu quả khác… khiến tôi thấy tội nghiệp cho những người tín hữu đến Nhà Thờ tìm lương thực Lời Chúa, lại gặp  cái quán “treo đầu dê bán thịt chó”.
1.4 - Hệ luận thực hành thứ tư: Những người có trách nhiệm phục vụ Lời (Hc MK, s. 25).
1.4. 1 – Những người chính thức phục vụ Lời Chúa
Vì thế tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Ki-tô và những người chính thức phục vụ Lời Chúa với tư cách là phó tế hoặc giảng viên giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh, nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng, để đừng có ai trở thành[như thánh Âu-tinh]“kẻ hời hợt rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài miệng bởi đã không lắng nghe Lời đó trong lòng” trong khi họ phải thông truyền, nhất là trong Phụng vụ thánh, những kho báu vô tận của Lời Thiên Chúa cho các tín hữu đã được giao phó
Một chi tiết mới mẻ và quan trọng ở đây mà chúng ta chưa chú ý đến hoặc chưa thực thi, đó là Công Đồng kể các giảng viên giáo lý vào số những người chính thức phục vụ lời Thiên Chúa.Điều này đòi hỏi canh tân cách dạy giáo lý và kèm theo là quan niệm vai trò giảng viên giáo lý  và việcđào tạo giảng viên giáo lý.
1.4.2 -  Mọi tín hữu
Thánh Công Đồng ân cần và đặc biệt khuyến khích mọi Ki-tô hữu, nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến « sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giê-su Ki-tô » (Pl 3, 8) nhờ năng đọc Sách Thánh. « Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô ». Vì thế, họ phải siêng n ăng tìm đến với chính bản văn Thánh Kinh, hoặc nhờ phụng vụ Thánh chứa đựng dồi dào Lời Chúa, hoặc nhờ việc sốt sáng đọc Sách Thánh, hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác hiện đang được phổ biến khắp nơi với sự chuẩn nhận và quantâm của các vị Chủ chăn trong Giáo Hội. Nhưng đừng quên rằng kinh nguyện phải đi đôi với với việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì [như lời thánh Am-brô-si-ô] « chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các lời Người tuyên phán »
Ki-tô hữu là người đi theo, người bạn hữu của của Đức Ki-tô [không phải là « có » Đức Ki-tô]. Không biết thì làm sao có thể đi theo, làm sao có thể thành bạn của người mình không quen không biết. Muốn biết Đức Ki-tô « cách tuyệt vời » như thánh Phao-lô mời gọi thì chỉ có cách nghe Chúa thổ lộ và đáp lại bằng cách đọc, nghiền ngẫm Lời Chúa và thân thưa với Chúa. Có biết mới yêu (vô tri bất mộ), có yêu mới theo – càng biết càng yêu, càng yêu càng theo – càng theo càng biết, càng biết càng yêu… Ki-tô hữu và đặc biệt các tu sĩ là những người được ơn từ bỏ mọi sự, mà trước hết là từ bỏ chính mình để đi theo đàng sau Chúa, như các tông đồ xưa, chỉ có thể sống ơn gọi của mình khi buông mình để được cuốn vào năng động « ba thì » của biết – yêu – theo, nhờ tác động của « Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống » (x. Ga 6, 63).
Thời Công Đồng Va-ti-ca-nô II chưa có những phương tiện truyền thông bấm nút ngày nay, khi một điện thoại cầm tay có thể mang theo trọn bộ Sách Thánh! Vấn đề là chúng ta có tận dụng để nghe Lời Chúa, hay dùng để nghe và xem mọi sự phù phiếm của thế gian!? Bấm một nút có thể nghe Lời Chúa, bấm một nút có thể lọt vào mê hồn trận của Xa-tan, vốn là “sư tử gầm thét tìm mồi để cắn xé” (1Pr 5, 8).
1.4.3 – Các Giám Mục
Các Giám Mục là những người « gìn giữ giáo lý tông truyền », có phận sự tìm phương cách thích hợp để dạy các tín hữu đã được ủy thác cho các Ngài biết sử dụng các Sách Thánh, nhất là Tân Ước, và đặc biệt là các sách tin Mừng, qua các bản dịch có kèm theo những chú thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Giáo Hội có thể tiếp xúc với Lời Chúa cách bảo đảm và ích lợi, cũng như được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.
Công Đồng nhắc các giám mục sau cùng, vì các ngài có nhiệm vụ thúc đẩy và giúp thực thi những điều đã kể trước mà phục vụ đoàn chiên của Chúa. Chỉ có điều là các Ngài đều có thể than như thánh Giáo Hoàng Lê-ô Cả đã nhìn nhận: “Là giám mục, chúng tôi phải lo toan quá nhiều chuyện, nên không làm việc chính yếu thuộc phận vụ được trao”! Tôi chẳng dám làm “trứng khôn hơn rận” mà bình luận lời Công Đồng nói với các Đức Giám Mục.
Một điểm đặc biệt đáng chú ý ngày nay, khi nhiều nhóm thiện chí ở Việt Nam muốn phổ biến các bản dịch Sách Thánh, đó là lời Công Đồng căn dặn: “Các bản dịch có kèm theo những chú thích cần thiết và đầy đủ.” Anh em Tin Lành thường phổ biến Sách Thánh không có chú thích. Nay có nhiều nhóm, đặc biệt nhóm “chứng nhân Giê-hô-va”, đi gõ cửa từng nhà để nói về Sách Thánh và tặng Sách Thánh của họ in, với nhiều ngụy biện, méo mó. Tôi nhớ chuyện cha Viện Trưởng Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh mới gặp: cha đi bộ trên đường phố ở Rô-ma, hai người “chứng nhân Giê-hô-va” đưa tặng cha cuốn Kinh Thánh, họ nói“đây là bản dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Anh!” Nếu người tín hữu không được học hỏi những điều căn bản về Sách Thánh thì dễ bị siêu lòng vì những ngụy biện, méo mó kiểu này.
Cuối cùng, Công Đồng cổ võ việc phổ biến Sách Thánh“với các ghi chú cần thiết, tiện dụng và thích hợp” cả cho người ngoài Ki-tô giáo:

Hơn nữa, các vị chăn dắt các linh hồn, cũng như các Ki-tô hữu, dù trong bậc sống nào cũng nên khôn ngoan phổ biến các ấn bản Thánh Kinh với các ghi chú cần thiết, tiện dụng và thích hợp cho cả những người ngoài Ki-tô giáo. (Hc MK, s. 25)
  1. Ôn lại vài nét lịch sử về bản dịch Sách Thánh bằng tiếng Việt.
Sau bản dịch “E-van ngày lễ Cả” từ thế kỷ 17, mãi đầu thế kỷ 20, chúng ta mới có bản dịch trọn bộ sách Thánh từ bản phổ thông bằng tiếng la-tinh, do “Cố Chính Linh”, một thừa sai người nước ngoài. Sau năm 1954, lại có những nỗ lực dịch mới, vẫn theo bản phổ thông bằng tiếng la-tinh do cha Trần đức Huân, rồi cha Gagnon (Nhân), Dòng Chúa Cứu Thế, thực hiện, cả hai vị này đều nhằm cống hiến một bản dịch dễ hiểu cho mọi người Việt Nam.
Tới thập niên 60 mới có mấy vị được học chuyên môn về Kinh Thánh, xuất thân từ “Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh”do Dòng Tên phụ trách tại Rôma, hoặc “Trường Thánh Kinh và Khảo Cổ Pháp” do các cha Dòng Đa-minh Pháp thành lập tại Jerusalem. Cha Nguyễn thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế, tốt nghiệp ở Rô-ma về, “đơn thương độc mã” thực hiện một bản dịch dựa trên các nguyên bản tiếng Do Thái, A-ram và Hy Lạp. Công trình hai mươi năm chưa hoàn tất thì cha bị cướp mạng sống một cách bi thảm vào tháng tư 1975.  Các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã hoàn thành và soạn lại bản dịch của cha Thuấn kịp lúc để in và phát hành trước ngày “thống nhất đất nước” 31/12/1976, vì sau đó nhà nước giữ độc quyền in ấn và phát hành.
Cuối thập niên 60 hay đầu thập niên 70, nảy sinh sáng kiến hợp tác giữa Tin Lành và Công Giáo để thực hiện một bản địch “đại kết” như nhiều nước phương Tây đã làm. Phía Công Giáo thì có cha Trần Phúc Nhân, tốt nghiệp ở Rô-ma, và cha Hoàng đức Ánh, Dòng Đa-minh chi Lyon, tốt nghiệp ở Jerusalem, được mời tham gia. Không may là kế hoạch chưa đi được bao xa thì biến cố 30 tháng tư 1975 khiến các chuyên viên phía Tin Lành phải rời Việt Nam.
Năm 1970, Ủy Ban Phụng Tự xuất bản sách Bài Đọc Thánh Lễ. Do nhu cầu thúc bách, phải tranh thủ xuất bản cho mau, với chủ ý cứ dùng rồi hoàn chỉnh sau. Sau 30 tháng tư 1975 thì các thành viên của Ủy Ban Phụng Tự cũng tản mác đi, nên chẳng có điều kiện chỉnh sửa bản dịch 1970. Chuyện dài và đầy thăng trầm của Ủy Ban Phụng Tự qua bao đời “Đức Cha chủ tịch”, công việc chỉnh sửa bản dịch sách Bài Đọc Thánh Lễ vẫn còn tiếp tục tới nay.
Cũng năm 1970, một nhóm thiện chí gồm cả các vị đã tốt nghiệp ở hai trường chuyên môn về Kinh Thánh tại Rô-ma (cha Trần phúc Nhân và  cha Trần ngọc Thao DCCT), và Giê-ru-sa-lem (cha Nguyễn ngọc Rao và  cha Hoàng Đắc Ánh (cả hai vị thuộc dòng Đa-minh); hai vị chuyên mộn về Phụng Vụ (cha Đỗ xuân Quế O.P. và cha Nguyễn hữu Phú DCCT); nhạc sĩ (cha Hoàng Kim; cha Thiện Cẩm O.P.), thi sĩ (cha Xuân ly Băng) và một số vị khác, rủ nhau ngồi lại dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Một nhóm thiện nguyện với thành phần nhân sự đáp ứng những tiêu chuẩn do Bộ Phụng Tư đưa ra cho việc dịch thuật sách Phụng Vụ. Nhiều tu viện góp phần bằng cách thử nghiệm và góp ý kiến. Sau 30/4, thì chủng viện rồi các học viện của các dòng lần lượt “đóng cửa”, các vị có trách nhiệm giảng dạy bỗng “mất dạy” (chúng tôi vẫn gọi đùa như thế), nên dành nhiều thời giờ hơn cho việc dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ theo cung cách làm việc tập thể, và chú trọng tới yếu tố “hát các giờ Kinh” mà các tu viện quen thực hành.Thánh vịnh, Thánh ca vốn thuộc về thi ca, văn chương cũng như thi ca Việt Nam vốn giàu tính âm nhạc, chỉ cần dịch làm sao để vừa diễn đúng, vừa tận dụng yếu tố âm nhạc có sẵn trong văn và thơ tiếng Việt.
Trước năm 1975, nhóm đã trình bản dịch các Giờ Kinh Sáng, Kinh trưa và Kinh Chiều lên Đức Cha chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự, khi ấy là ĐC Thiên, nhưng Ủy Ban Phụng Tự chỉ cho phép dùng như “sách thiêng liêng” chứ không cho dùng trong giờ kinh phung vụ, dù là trong cộng đoàn các tu viện. Sau năm 1976 thì càng không có hy vọng in sách. Dù hoàn cảnh thực tế cả trong đạo lẫn ngoài đời như tắt hết hy vọng công trình của mình sẽ được sử dụng, nhưng theo gương tổ phụ Áp-ra-ham (x. Rm 4, 18), anh chị em cùng làm việc vẫn hy vọng sẽ có ngày công trình đóng góp của mình được nhận và được xuất bản.
Sau khi hoàn thành bản dịch trọn bộ Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhóm tiếp tục dịch những phần Sách Thánh không có trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ để hoàn thành bản dịch trọn bộ Sách Thánh. Được nhà Dòng và Giáo Hội nuôi cho đi học, anh chị em đều xác tín là phải phục vụ với những nén bạc đã nhận được. Dù công trình đóng góp có được các vị hữu trách trong Hội Thánh nhận hay chỉ là “sách thiêng liêng” thì cũng tốt thôi.
Sau những năm cửa đóng then cài, “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, Nhà Nước cũng hé mở cánh cửa cho gió lùa vào. Các anh em Tin Lành đã cùng xây dựng kế hoạch thực hiện “bản dịch đại kết”, dùng ngay cơ hội trở lại thăm bạn bè xưa. Thấy hai cha thành viên của công trình bỏ dở 15 năm trước, đã cùng một nhóm bạn bè thực hiện bản dịch Kinh Thánh, họ tới thăm, rồi xin được cùng đánh giá công trình dịch thuật, xem có đủ tiêu chuẩn quốc tế không. Sau một tuần cùng nhau làm việc, họ nhìn nhận giá trị của công trình đã thực hiện, và đứng ra tài trợ để in ấn Sách Thánh, nhằm phổ biến với giá rẻ nhất có thể được. Tiền thu được sẽ dùng để in lại theo nhu cầu, không đủ thì họ bù thêm. Nhờ thế mà sau gần ba chục năm giá bán sách, tính theo đô-la Mỹ, vẫn ở mức tương đương năm đầu tiên

Trong khi đó thì Đức Cha Chủ Tịch Ủy ban Phụng Tự, lúc ấy là ĐC Nguyễn sơn Lâm, đã mạnh dạn đề nghị Hội Đồng Giám Mục chấp thuận bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ của nhóm thiện chí. Năm 1991, Hội Đồng Giám Mục đã chấp thuận. Ban Tôn Giáo của chính phủ cũng đồng ý. Nhà in của Nhà Nước vui vẻ làm công việc in ấn, và Nhà Xuất Bản của Ban Tôn Giáo đứng ra xuất bản – vì chẳng ai khác có quyền xuất bản sách của các tôn giáo[4].
Hai năm sau, 1993 thì bản dịch phần Tân Ước cũng được các vị hữu trách trong Hội Đồng Giám Mục cho “imprimatur” và đã ra mắt, tuy phải in bằng giấy thường, vì lúc đó chưa mua được giấy bible. Năm 1998 thì cuốn Kinh Thánh trọn bộ đã được in trên giấy bible, bán với giá tương đương 3 đô-la một cuốn.
Tưởng cũng nên nhắc lại cho thế hệ “cháu ngoan Bác Hồ” biết: sau 30 tháng 4 năm 1975 bỗng nảy sinh nỗi đói khát Lời Chúa. Sách của cha Huân, cha Gagnon, cha Thuấn chẳng mấy lúc đã hết sạch. Anh em Tin Lành còn một kho sách Thánh, bản dịch từ thời nhà văn Phan Khôi giúp thực hiện, cũng rộng tay mở cửa phân phát. Rồi tất cả đều cạn kiệt.
Một hiện tương mới
Mấy năm gần đây, có một nhóm gồm người trong nước và ngoài nước chủ trương phải dịch Sách Thánh từ « bản Phổ Thông Mới » (Nova Vulgata) do Đức Gioan Phao-lô II cho phát hành năm 1979, mới đúng ý của Giáo Hội Rô-ma. Tôi ngạc nhiên xem lại Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Công Đồng Vatican II và Tông Hiến Scripturarum Thesaurus (Kho tàng Sách Thánh) của Đức Gioan-Phaolô II công bố bản Phổ Thông Mới, thành quả công trình duyệt lại bản dịch Latinh phổ thông, đã dùng trong Hội Thánh Rô-ma từ thời thánh Giê-rô-ni-mô.Sau bao nhiêu thời chép tay, rồi in ấn từ khi có máy in, cần phải duyệt lại để gột bỏ những sai sót, biến đổi đã chen vào. Đức Pi-ô XI khởi xướng công việc này từ năm 1934, Công Đồng Va-ti-ca-nô, Đức Phao-lô VI, Đức Gio-an Phao-lô I khích lệ, thúc đẩy; cuối cùng,ngày lễ thánh Mác-cô Thánh Sử, 25/4/1979, Đức Gio-an Phao-lô II công bố bản « Phổ Thông Mới ».
Hai tài liệu quan trọng này đều đề cao giá trị của bản Phổ Thông La-tinh, cũ và mới, để dùng trong phụng vụ, nghiên cứu giảng dạy, đồng thời khuyến khích thực hiện các bản dịch ra tiếng của các dân tộc, «nhất là dịch từ nguyên bản các Sách Thánh » (HC Tín Lý về Mạc khải, 22, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, thuộc HĐGM VN, 2012)
[5]. Tông Hiến « Kho tàng Sách Thánh » trích một hàng trong diễn từ của Đức Phao-lô VI năm 1977,  khẳng định :« Ấn bản Phổ Thông Mới này có thể dùng làm bản quy chiếu cho các bản dịch ra các thứ tiếng nhằm sử dụng trong Phụng Vụ và mục vụ, và nói theo kiểu vị tiền nhiệm chúng tôi là Đức Phao-lô VI : « Được phép nghĩ rằng đây là một thứ cơ sở chắc chắn nào đó để dựa vào mà học hỏi Sách Thánh… nhất là tại những nơi mà việc tham khảo các thư viện chuyên môn bị khó khăn, và việc phổ biến các công trình nghiên cứu thích hợp bị cản trở nhiều hơn[6] ». Từ lời hai vị Giáo Hoàng, « có thể dùng », « được phép nghĩ rằng» đi tới khẳng định « bắt buộc », quả là một bước nhảy vọt. Lời Thánh Phao-lô đã khuyên « đừng vượt quá điều gì đã viết » (1Cr 4, 6) cũng có thể áp dụng ở đây[7].
  1. Sống và phục vụ Lời Chúa hôm nay
Cơn đói khát Lời Chúa vẫn đang thiêu đốt lòng người giáo dân Việt Nam. Đó là một ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhờ máu các Thánh Tử Đạo còn nóng hổi của tổ tiên chúng ta. Làm sao vừa cho ăn cho uống, vừa giữ cho người giáo dân Việt Nam càng khao khát hơn, chứ đừng ngưng khao khát Lời Chúa. Trong sách Tin Mừng thứ tư, Chúa Giê-su hứa : « Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời » (Ga 4, 14). Nhưng trong sách Huấn Ca, Đức Khôn Ngoan lại mời gọi : « Hỡi những kẻ khao khát Ta, nào hãy đến, hãy ăn cho thỏa hoa trái của Ta. Vì nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật và được Ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong. Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát. » (Hc 24, 19-21). Hai lời này không mâu thuẫn với nhau, nhưng diễn tả hai tác động của Lời Chúa. Ăn uống Lời Chúa thì đã có sự sống đời đời trong tâm hồn và chẳng còn đói khát những gì phàm tục. Nhưng sự sống đời đời phát sinh từ Lời Chúa thì cũng được nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa. Ai đã nếm sự ngọt ngào của Lời Chúa thì càng thèm khát Lời Chúa. Tiếc thay vì thời nào cũng có những người có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, lại giảng đủ thứ, trừ Lời Chúa, hoặc biến bục giảng ở nhà thờ thành sân khấu riêng để tìm sự hâm mộ như một diễn giả hay một danh hài. Thánh Phao-lô chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm bản thân của Ngài tại Cô-rin-tô: « Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên ChúaKhi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lời lẽ khôn khéo, hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và Quyền Năng Thiên Chúa.  Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa. » (1Cr 2, 1.3-4)
Vườn nho của Chúa mênh mông, nhu cầu rất nhiều, luôn luôn thiếu thợ, mỗi người được những nén bạc Chúa trao thì cứ đem ra phục vụ Dân Chúa với lòng khiêm tốn. Lời thánh Phao-lô nhắn nhủ vẫn có giá trị cho thời chúng ta: «’Đừng có đi ra ngoài những gì đã viết’, kẻo sinh kiêu ngạo, theo người này mà chống người khác. Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu ? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh » (1Cr 4, 6-7)« Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung. » (1Cr 12, 4-7). « Lời Thiên Chúa có phát xuất từ anh em không? Hay Lời ấy chỉ đến với một mình anh em mà thôi » (1Cr 14, 36).
Tôi nghĩ rằng ban tổ chức Đại Hội và mọi tham dự viên đều mang chung niềm mong ước của các nghị phụ Công Đồng Va-ti-ca-nô II:
Vì thế, ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh, “Lời Thiên Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2Tx 3, 1), và kho tang mặc khải đã được ủy thác cho Giáo Hội ngày càng lấp đầy tâm hồn con người. Cũng như đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ năng tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể, ta được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liên cũng nhận được sự thúc đẩy mới nhờ việc gia tăng lòng sùng kính Lời Chúa, “Lời tồn tại muôn đời” (Is 40, 8; x. 1Pr 1, 23-25).
Cuộc Đại Hội này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho niềm mong ước trên, nếu chúng ta không chỉ nói lý thuyết, nhưng can đảm và khiêm tốn lượng giá những gì đã làm được và những gì còn phải làm, rồi lên kế hoạch cụ thể, thực hành cho một hay ba năm tới.
Đọc dự thảo chương trình và nội dung thì tôi thấy rất nhiều Ủy Ban tham gia, đây là lúc thuận lợi để cùng nhau lên kế hoạch cụ thể. Tôi ngạc nhiên không thấy có mục nào đề cập đến Sách Thánh trong việc đào tạo linh mục và tu sĩ là những người có vai trò đặc biệt trong đời sống của Hội Thánh ở Việt Nam.Các vị giảng dạy Sách Thánh cho linh mục và tu sĩ có dịp nào cùng nhau nhận định? Các người thụ huấn, linh mục và tu sĩ mới thi hành sứ vụ có được phép và có điều kiện để trao đổi và phản hồi về nền huấn luyện để biết “đọc, hiểu, tin, sống và rao giảng Lời Chúa” (lời Giám Mục khi trao Sách Thánh cho phó tế: tin điều con đọc, giảng điều con tin và sống điều con giảng) mình đã thụ hưởng không?
Nguyện xin Chúa chúc lành cho ban tổ chức và mọi người tham dự.
Giê-ru-sa-lem, ngày lễ Hiển Linh năm 2019
 

[1] Sau khi Công Đồng Vatican II canh tân phụng vụ, dùng ngôn ngữ địa phương, thì cho đến nay vẫn còn những người chủ trương, hoặc thích cử hành thánh lễ bằng tiếng la-tinh. Đức Bênêđictô XVI, khi còn là chuyên viên thần học tại Công Đồng Vatican II, đã ghi nhật ký những ngày làm việc cho Công Đồng, Ngài có ghi lại một chi tiết trớ trêu trong cuộc thảo luận về việc nên giữ tiếng la-tinh trong phụng vụ hay không: các vị nói tiếng la-tinh văn chương thì yêu cầu bỏ, con một số vị nói tiếng la-tinh “bồi bếp” đòi giữ lại!
[2] Bà nội tôi coi “hội hát”, nhờ thế mà kén được cô con dâu đảm đang, tức là bu tôi đấy! (ở quê tôi, con cái gọi cha là THẦY, mẹ là BU)
[3]Nguyên bản Sách Thánh Cựu Ước, phần lớn viết bằng tiếng Hip-ri, một phần nhỏ viết bằng tiếng A-ram và một vài sách bằng tiếng Hy-lạp. Các sách Tân Ước trong quy điển của Hội Thánh đều được viết bằng tiếng Hy-lạp.
[4] Tuy nhiên cũng có một cha giáo phụng vụ trẻ tuổi ở chủng viện, mới đi học vài năm ở bên Pháp về, và rất “ăn khách” tại các tu viện nữ, đã nhiệt tình khuyên các dòng nữ đừng mua sách Giờ Kinh mới xuất bản, vì nay mai sẽ có bản dịch hoàn chỉnh hơn… Hai mươi lăm năm đã qua trong đợi chờ, cha giáo trẻ đầy nhiệt huyết, nay đã sắp mừng thọ và hết làm cha giáo chủng viện lâu rồi, vẫn chưa thấy bắt tay vào thực hiện cho Giáo Hội một bản dịch hoàn chỉnh hơn như cha hứa. Làm gì được để phục vụ Hội Thánh thì cứ làm với ý hướng trong sáng, “dù ai nói ngả nói nghiêng, thì ta cứ vững như kiềng ba chân.” “Ai biết đâu mà uốn lưỡi câu cho vừa miệng cá!” Chỉ cần tuân phục Quyền Giáo Huấn trong Hội Thánh của Chúa.
[5] Có lần tôi đọc thấy các vị chủ trương phải dịch từ bản La-tinh Nova Vulgata thắc mắc “nguyên bản” là cái gì? Bản văn Công Đồng bằng tiếng La-tinh là “praesertim ex primigeniis sacrorum Librorum textibus”.
[6] Nguyên văn bằng tiếng La-tinh: “Haec Nova Vulgata editio etiam huiusmodi essere poterit, ut ad eam versiones vulgares referantur, quae usui liturgico et pastorali destinantur; atque, ut verbis utamur Paoli VI, Decessoris nostri, “cogitare licet eam certum quoddam fundamentum esse,in quo studia biblica… initantur, maxime ubi biblotecae, specialibus disciplinis patentes, difficilius consuli possunt et congruentium studio- rum diffusio est impeditior” 
[7] Tôi không biết công trình này đã tới đâu. Lần cuối cùng tôi có dịp góp ý là khi tôi được một email phản kháng việc Ủy Ban Thánh Kinh của HĐGM VN yêu cầu sửa lại bản dịch câu “Spiritus est Deus” (Ga 4, 24): các vị ấy dịch: “Thần Khí là Thiên Chúa”, nhưng trong cấu trúc câu La-tinh thì Thần Khí (Spiritus) là thuộc từ và Thiên Chúa (Deus) là chủ từ: “Thiên Chúa là Thần Khí”, cũng như Ga 1, 1: “Deus erat Verbum”,
Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Tôi có khuyên các vị nên tìm một “cố vấn về tiếng La-tinh”.
Từ đó thì “dây chuông đã bị cắt đứt”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay24,388
  • Tháng hiện tại678,902
  • Tổng lượt truy cập52,847,850

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây