LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA
Bài 2: Nền tảng Kinh Thánh và Sắc chỉ của Năm Thánh
Trong bài 1 cho chủ đề Năm Thánh, chúng tôi đã trình bày những chi tiết về: Ý niệm, tên gọi; Các thể loại; Chu kỳ Năm Thánh và vấn đề về ân xá mà các tín hữu được hưởng nhận trong Năm Thánh. Với bài số 2 này, chúng tôi kính mời Quý Độc Giả tìm hiểu về Nền tảng Kinh Thánh của Năm Thánh; Sắc chỉ Năm Thánh, Cửa Thánh và việc mở Cửa Thánh khi Năm Thánh chính thức được Đức Thánh Cha khai mở tại Giáo đô Rôma của Hội Thánh Công Giáo.
1. Nền tảng Kinh Thánh
Như ở đề tài 1 chúng tôi đã nói, Chúa Giêsu khi thành lập và trao cho Giáo Hội sứ mạng là “Bí tích phổ quát của ơn cứu độ”,[1] ngài đã thiết lập các phương tiện là: Lời Chúa, Các bí tích và các thừa tác vụ thánh, để “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.[2] Ngoài ra, trong tiến trình lịch sử cứu độ, cách đặc biệt qua Giáo Hội, Năm Thánh cũng là một trong những phương tiện và dụng cụ để qua đó, Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ cho con người. Do đó, Năm Thánh có nền tảng từ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, được “mạc khải” qua chương trình và thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
1.1 Từ Cựu Ước
Kinh Thánh Cựu Ước có rất nhiều bản văn trong các sách: Lv 25; Lv 27, 16-24, Xh 23,10-11, Ðnl 15,1-6 và Ds 36,4 Hạn từ “Giubileo” được hiểu trước hết là “tiếng tù và”, loại kèn làm từ sừng của con cừu đực, được thổi vang thành tiếng vọng từ Giêrusalem, xuyên qua không gian đến khắp bờ cõi Israel Tìm hiểu trong toàn bộ bản văn Kinh thánh Cựu ước, có 27 lần thuật ngữ joel được sử dụng với 6 lần có nghĩa là “tù và”, 21 lần mang ý nghĩa là “Năm hân hoan” Chúng ta cùng đọc cách chăm chú bản văn sách Lêvi với những quy định về Năm Thánh như sau:
Các Năm Thánh. 1Trên núi Xi-nai, ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: 2“Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất Ta sắp ban cho các ngươi, đất phải nghỉ một sa-bát kính ĐỨC CHÚA. 3Trong sáu năm, (các) ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của (các) ngươi, trong sáu năm, (các) ngươi sẽ tỉa vườn nho của (các) ngươi, và (các) ngươi sẽ thu hoa lợi. 4Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sa-bát, một thời kỳ đất nghỉ, một sa-bát kính ĐỨC CHÚA: (các) ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của (các) ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi; 5(các) ngươi không được gặt lúa tự nhiên mọc sau mùa gặt, không được hái những chùm nho từ vườn nho không cắt tỉa của (các) ngươi: đó sẽ là một năm đất nghỉ. 6Sản phẩm tự nhiên của đất trong năm sa-bát sẽ nuôi các ngươi, tôi tớ nam nữ của (các) ngươi, người làm thuê của (các) ngươi, khách trọ nhà (các) ngươi; tóm lại các người trú ngụ nơi (các) ngươi. 7Còn gia súc và dã thú ở trong đất (các) ngươi, thì tất cả hoa lợi của đất sẽ là lương thực cho chúng”.
Năm Toàn xá. 8(Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. 9Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. 10Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là Năm Thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ, lệnh Ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ Toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. 11Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ Toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. 12Vì đó là thời kỳ Toàn xá, một Năm Thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng.
13Năm Toàn Xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. 14Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình. 15Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau Năm Toàn Xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. 16Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch. 17Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của (các) ngươi.
Thiên Chúa bảo đảm về năm Sabát. 18Các ngươi phải đem ra thực hành các quy tắc của Ta, phải giữ và đem ra thực hành các quyết định của Ta, và các ngươi sẽ được sống yên hàn trên đất ấy. 19Đất sẽ sinh hoa trái, các ngươi sẽ được ăn no nê và được sống yên hàn tại đó.
20Có lẽ các ngươi sẽ nói: “Năm thứ bảy chúng tôi sẽ ăn gì, nếu chúng tôi không gieo vãi và không thu hoa lợi?” 21Ta sẽ truyền cho phúc lành của Ta đến với các ngươi vào năm thứ sáu, và phúc lành sẽ sinh hoa lợi đủ cho ba năm. 22Năm thứ tám, các ngươi sẽ gieo vãi, nhưng sẽ lấy hoa lợi cũ mà ăn; đến năm thứ chín, đến khi gặt hoa lợi năm ấy, các ngươi sẽ ăn hoa lợi cũ.
Chuộc đất, chuộc nhà. 23Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta. 24Trong toàn xứ sẽ thuộc quyền sở hữu của các ngươi, các ngươi phải cho người ta quyền chuộc lại đất. 25Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu và phải bán một phần sở hữu của nó, thì người có quyền chuộc, tức là người bà con gần nhất, sẽ đến chuộc lại cái mà người anh em nó đã bán. 26Nếu ai không có bà con có quyền chuộc, nhưng lại có phương tiện và kiếm được tiền chuộc, 27thì nó sẽ tính những năm từ khi bán, còn trội bao nhiêu, nó sẽ trả cho người mua, và sẽ trở về phần sở hữu của mình. 28Nhưng nếu nó không kiếm được phương tiện để trả tiền lại cho người kia, thì của nó bán sẽ ở lại trong tay người mua cho đến Năm Toàn Xá; đến thời kỳ Toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình.
29Nếu người nào bán nhà ở, trong một thành có tường luỹ, thì quyền chuộc sẽ kéo dài đến hết năm bán; quyền chuộc nhà sẽ kéo dài một năm. 30Nếu trong vòng một năm trọn mà nhà không được chuộc, thì nhà ở trong thành có tường luỹ sẽ thuộc hẳn về người mua và con cháu nó; vào Năm Toàn Xá, nhà sẽ không ra khỏi tay nó. 31Nhà cửa trong các làng không có tường luỹ chung quanh, thì được kể như đồng ruộng; người ta có quyền chuộc những nhà ấy, và Năm Toàn Xá những nhà ấy sẽ ra khỏi tay người mua.
32Còn các thành của các thầy Lê-vi, nhà cửa trong các thành thuộc quyền sở hữu của chúng, thì các thầy Lê-vi mãi mãi có quyền chuộc. 33Dù một thầy Lê-vi đã mua, thì nhà đã bán – trong một thành là sở hữu của nó – sẽ ra khỏi tay người mua vào thời kỳ Toàn xá, vì nhà cửa trong các thành của các thầy Lê-vi là sở hữu của chúng giữa con cái Ít-ra-en. 34Còn đồng cỏ chung quanh các thành của chúng thì không được bán, vì đó là phần sở hữu vĩnh viễn của chúng.
Chuộc người. 35Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu, và không trả nợ được (các) ngươi, thì (các) ngươi phải nâng đỡ nó, dù nó là ngoại kiều hay khách trọ, để nó có thể sống bên (các) ngươi. 36Với nó, (các) ngươi không được lấy lãi ăn lời, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa, và người anh em của (các) ngươi sẽ có thể sống bên (các) ngươi. 37(Các) ngươi không được cho nó vay bạc của (các) ngươi để lấy lãi và vay lương thực của (các) ngươi để ăn lời. 38Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, để ban cho các ngươi đất Ca-na-an và để làm Thiên chúa của các ngươi.
39Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh (các) ngươi và phải bán mình cho (các) ngươi, thì (các) ngươi không được bắt nó làm công việc của người nô lệ; 40nó sẽ ở với (các) ngươi như một người làm thuê, một khách trọ, và sẽ phục vụ trong nhà (các) ngươi cho đến Năm Toàn Xá; 41khi đó, nó cùng với con cái nó sẽ ra khỏi nhà (các) ngươi, sẽ trở về thị tộc mình, sẽ trở về phần sở hữu của cha ông nó. 42Quả thế, chúng là tôi tớ của Ta, mà Ta đã đưa ra khỏi đất Ai-cập, không được bán chúng như bán nô lệ. 43(Các) ngươi không được thống trị chúng cách hà khắc, nhưng hãy kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi.
44Tôi tớ nam nữ mà (các) ngươi sẽ có, phải là những người thuộc các dân tộc chung quanh các ngươi; các ngươi sẽ mua tôi tớ nam nữ từ các dân tộc ấy. 45Các ngươi cũng có thể mua trong số con cái các khách trọ, trú ngụ giữa các ngươi, trong các gia đình của chúng đang ở giữa các ngươi, những kẻ chúng đã sinh ra trên đất các ngươi: chúng sẽ là sở hữu của các ngươi. 46Các ngươi sẽ để chúng lại làm gia nghiệp cho con cái các ngươi mai sau; để con cái các ngươi giữ làm sở hữu. Các ngươi có thể bắt chúng làm nô lệ mãi mãi, nhưng anh em các ngươi là con cái Ít-ra-en, thì không ai trong các ngươi được thống trị cách hà khắc.
47Nếu một ngoại kiều hay khách trọ giữa (các) ngươi có phương tiện, và nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh nó và phải bán mình cho ngoại kiều đó hoặc cho khách trọ giữa (các) ngươi, hoặc cho con cháu một gia đình ngoại kiều, 48thì sau khi bán mình, người anh em ấy vẫn có quyền chuộc: một người trong các anh em nó có thể chuộc nó; 49chú bác nó hay con của chú bác nó, hay một người bà con ruột thịt trong gia tộc nó có thể chuộc nó; hoặc nếu có phương tiện thì có thể tự chuộc mình. 50Với người đã mua nó, nó sẽ tính thời gian từ năm nó bán mình cho đến Năm Toàn Xá, và giá tiền bán nó cứ tuỳ số năm mà tính, theo lương công nhật của người làm thuê. 51Nếu còn nhiều năm, thì nó cứ tuỳ theo số năm ấy mà khấu trừ vào tiền bán nó, để trả tiền chuộc mình. 52Nếu còn lại ít năm trước Năm Toàn Xá, thì nó sẽ tính theo số năm ấy mà trả tiền chuộc. 53Nó sẽ ở với người kia như một người làm thuê từ năm nọ sang năm kia, nhưng người kia không được thống trị nó cách hà khắc.
54Nếu nó không được chuộc bằng những cách trên, thì nó sẽ được ra đi, nó cùng với các con nó, vào Năm Toàn Xá. 55Thật vậy, con cái Ít-ra-en làm tôi tớ cho Ta, chúng là tôi tớ của Ta, những kẻ Ta đã đưa ra khỏi đất Ai-cập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi”.[3]
Khi so sánh với Bản Bảy Mươi (LXX), hạn từ “joel”, thay vì dịch là “năm hân hoan”, hay Năm Hồng ân, Nhóm Bảy Mươi đã dịch chữ ,”yôvēl) thành “áphesis”, theo Hy ngữ có nghĩa là “sự tha thứ “ֵלבוֹי”, “giải thoát” hay“xá tội” [4]
1.2. Đến Tân Ước
Trong Kinh Thánh Tân ước, bản văn Hy lạp không sử dụng hạn từ “Giubileo”. Theo Tin mừng Luca, thánh sử không đề cập đến hạn từ hay hành động “giubileo”, nhưng sử dụng thuật ngữ áphesis: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.[5] (πνεῦμα κυρίου ἐπ’ ἐμέ οὗ ἕνεκεν ἔχρισέν με εὐαγγελίζεσθαι πτωχοῖς ἀπέσταλκέν με ἰὰσασθαι τοὺς συντετριμμέ νους τὴν καρδίαν κηρύξαι αἰχμαλώτοις ἄφεσιν καὶ τυφλοῖς ἀνάβλεψιν ἀποστεῖλαι τεθραυσμένους ἐν ἀφέσει”.
Chúa Giêsu vào Hội đường ngày Sabat và đọc Sách Thánh,
(Hình minh họa)
Như vậy, từ ý nghĩa chỉ về một sự kiện văn hóa thiêng liêng đặc trưng, sự kiện ấy bắt đầu bằng tiếng tù và thổi vang lên, và hình ảnh của con cừu trong dịp lễ trọng thể Kippur, tức Lễ Chuộc Tội cho Israel, mạc khải mang tính cách tiệm tiến, theo đó ý nghĩa của Kinh thánh liên quan đến Năm Thánh, đưa dẫn chúng ta đến một khái niệm luân lý, đạo đức, thực hành mang tính hiện sinh như: tha nợ, giải phóng nô lệ. Do đó, ý nghĩa của Năm Thánh đã được chuyển biến từ ngôn ngữ và hành vi phụng tự sang ngôn ngữ và kinh nghiệm, thực hành đạo đức - xã hội.
Với nền tảng Kinh thánh như thế, cho đến hiện tại, Hội thánh Công giáo chúng ta không giản lược Năm Thánh Kitô giáo chỉ với những cử hành hay nghi lễ bên ngoài, nhưng đây phải là một thực tại được sống, được thực hành cách cụ thể, một yếu tố tác động cách sâu xa đến đời sống bác ái Kitô giáo. Năm Thánh phải là thời gian giúp tái tạo niềm tin và hy vọng. Với bản văn sách Lêvi trên đây, Năm Toàn Xá của Do Thái Giáo bắt đầu vào ngày thứ mười, người ta thổi tù và: “8Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. 9Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là Năm Thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh Ân xá cho mọi người sống tại đó.”[6] Trong Năm Toàn Xá này, đất đai cũng được nghỉ ngơi theo lệnh truyền của Thiên Chúa: “4một thời kỳ đất nghỉ, một Sabát kính Đức Chúa: các ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của (các) ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi; 5các ngươi không được gặt lúa tự nhiên mọc sau mùa gặt, không được hái những chùm nho từ vườn nho không cắt tỉa của các ngươi: đó sẽ là một năm đất nghỉ”.[7] Như vậy, Năm Toàn Xá cũng chính là thời gian để con người thực hiện hành động Laudato Si’, cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho vũ trụ thiên nhiên này thêm tốt đẹp và phong phú hơn. Đàng khác, Năm Thánh cũng là thời gian “xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng tình huynh đệ, công bằng, bác ái, yêu thương. Việc xóa nợ và hoàn trả nguyên vẹn (cho chủ sở hữu ban đầu) những mảnh đất bị chuyển nhượng và bán đi là một đòi buộc của Năm Toàn Xá. Đây cũng là dịp để phóng thích tù nhân, trả tự do cho nô lệ, giải thoát người bị giam cầm “Nếu người anh em của các ngươi lâm cảnh túng thiếu, và không trả nợ được các ngươi, thì các ngươi phải nâng đỡ nó, dù nó là ngoại kiều hay khách trọ, để nó có thể sống bên các ngươi. Với nó, các ngươi không được lấy lãi ăn lời”.[8] “Nếu người anh em của các ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh các ngươi và phải bán mình cho các ngươi, thì các ngươi không được bắt nó làm công việc của người nô lệ”.[9] Còn Sách Đệ Nhị Luật thì viết: “Tuyệt nhiên giữa anh em sẽ không có người nghèo [...] và nếu trong anh em có người nào đang túng thiếu, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng”,[10] tất cả các việc làm này đều nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa. Có thể nói rằng, Năm Hồng Ân là sự mở rộng luật Sabát của người Do thái theo cách thức một tuần có bảy ngày, trong đó, 6 ngày làm việc và phải có 1 ngày nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa. Năm Toàn Xá cũng là thời gian đặc biệt để sống đức ái: đất đai phải được nghỉ ngơi và nô lệ được trả tự do, nợ nần được tha, đồng thời mọi người phải sống đoàn kết, yêu thương, hòa hợp, hòa giải với nhau và với cả kẻ thù của mình.
Mặc dầu Năm Thánh Kitô giáo có nền tảng từ truyền thống Cựu ước, nhưng đến thời Tân ước, Giáo hội Công giáo đón mừng Năm Thánh với một chiều kích trọn vẹn hơn, bởi vì Thiên Chúa đã thi ân cho nhân loại trong Ðức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa Cứu Độ, là Ngôi Lời Nhập Thể mạc khải mầu nhiệm và chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho toàn thể vũ hoàn. Chính việc Ðức Giêsu đến trong thế gian, Ngài đã thực sự đem lại thời kỳ hồng phúc, thời đại cứu rỗi (X. Lc 4,16).
2. Sắc chỉ Năm Thánh
Sắc chỉ hay Tông sắc (Bulla Apostolica) là thư bổ nhiệm chức vụ trong Giáo hội do Đức Giáo Hoàng ban hành. Nhưng từ ngữ Bulla cũng được sử dụng để chỉ về con dấu và cũng được chỉ về chính Văn kiện Giáo hoàng, có ấn triện của Đức Thánh Cha được đóng ấn trên tài liệu quan trọng ấy.
Năm 1300, khi khai mở Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Hội thánh, Đức Thánh Cha Bônifactiô VIII đã ban hành Tông sắc Antiquorum Habet Fida Relatio, ngày 22/02/1300.
Đức Thánh cha Bônifactiô VII (1294-1303)
Tông sắc Habet Fida Relatio, ban hành ngày 22/02/1300
Tông sắc Urigenitus Dei Filius ngày 27/01/1343 của Đức Thánh Cha Clémenté VI
Đức Thánh Cha Clémenté VI
Tông sắc của Đức Thánh Cha Urbanô VIII
Gần chúng ta nhất, để công bố việc khai mở Năm Thánh thường lệ 2025, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông sắc “Spes Non Confudit”– “Niềm Hy vọng không làm thất vọng”, ngày 09/5/2024.[11]
Xin đón đọc bài 3: Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của Cửa Thánh.
Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam (23/12/2024)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn