Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski – Đại Diện Đức Giáo Hoàng – Thăm Mục Vụ Giáo Phận Đàlạt
Chủ nhật - 14/07/2019 05:04
1485
Sáng ngày 9/7/2019 Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski đã đến Bảo Lộc, gặp gỡ cộng đoàn Dân Chúa hai Giáo hạt Bảo Lộc và Madagui, trong chương trình 3 ngày tại Giáo phận Đàlạt. Tháp tùng Đức Tổng có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nguyên TGM Hà Nội, hai Đức Cha Antôn và Đaminh, Giám mục Giáo phận Dalat. Tất cả các linh mục và các cộng đoàn dòng tu ở Bảo Lộc và Madagui, cùng rất đông giáo dân khu vực Bảo Lộc đã đến nhà thờ Bảo Lộc để được gặp gỡ và lắng nghe những tâm tình của vị đại diện Tòa Thánh đến giáo phận nhà.
Sau khi viếng Chúa Thánh Thể ít phút, Đức Cha Antôn đã giới thiệu Đức TGM Marek Zalewski với cộng đoàn hiện diện. Ngài mang quốc tịch Balan, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh ở Singapour, đồng thời làm đại diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam. Tiếp đến Cha Giuse Nguyễn Văn Khấn - quản hạt Bảo Lộc - chào mừng Đức Tổng và Cha Phaolô Vũ Đức Vượng - quản hạt Madagui - báo cáo về tình hình nhân sự và sinh hoạt của hai giáo hạt phía nam của Giáo phận Dalat. Sau đó cộng đoàn được nghe vị Đại diện Tòa thánh nói lên nhưng tâm tư tình cảm của Ngài, đặc biệt Ngài chuyển lời chào thăm và phép lành Tòa Thánh của Đức GH Phanxicô.
Tiếp theo là thánh lễ “Cầu Cho Việc Rao Giảng Tin Mừng” được Đức TGM chủ tế, đồng tế với Ngài có Đức Hồng Y Phêrô, hai ĐGM giáo phận và hơn 70 linh mục của hai giáo hạt Bảo Lộc và Madagui.
Cuối thánh lễ, Đức Cha Antôn ngỏ lời cảm ơn Đức TGM đã đến thăm giáo phận trong 3 ngày qua cùng xin Đức Tổng chuyển tâm tình tri ân sâu xa của cộng đoàn Giáo phận Dalat đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Mầu nhiệm và sứ vụ hiệp thông của Hội Thánh được thể hiện rõ ràng qua chuyến viếng thăm của vị đại diện Tòa Thánh đối với cộng đoàn Giáo hội địa phương.
Vào buổi chiều ngày 9/6/2019, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski trở về Saigon, để hôm sau về lại nơi làm việc của Ngài ở Singapour.
Bá Trí
Xem thêm hình
Bài Giảng Của Đức TGM Marek Zalewski Tại Nhà Thờ Chính Tòa Và Nhà Thờ Gx. Lăngbiang Đalat, Ngày 7-7-2019
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng cho người khác. Trong các bài đọc vừa nghe chứa chất nhiều niềm vui, nhưng cũng không thiếu tính cách cấp bách và khó khăn. Các bài đọc này phản ảnh thực tế của việc tìm theo chân Chúa và trung thành với Ngài.
Bài đọc một trích sách tiên tri Isaia, đoạn đề cập đến nỗi thống khổ của kiếp sống lưu đày, của việc trở về lại đất hứa mà còn phải chiến đấu gian nan để trung thành với TC ở ngay phần đất này. Đoạn này nói nhiều đến gian khổ, tuy nhiên cũng để lộ nét vui tươi qua hình ảnh ví Thiên Chúa như người mẹ nuôi nấng con cái mình. Tác giả đi từ nỗi gian truân mà dân chúng đang gánh chịu để cho thấy rằng TC thực sự có chăm sóc họ. Cũng thế, mỗi khi gặp gian khổ, rất thường chúng ta hồ nghi tình yêu của TC và sự chăm sóc quan phòng của ngài.
Bài đọc hai trích thư gửi tín hữu Galata mời gọi chúng ta hãy vui mừng trong thập giá, vui mừng trong đau khổ phải chịu để theo chân Chúa. Rõ ràng đây là lối cắt nghĩa của đức tin Kitô giáo về cùng một thực tế là đau khổ mà tiền nhân Do thái giáo đã phải chịu trong cuộc sống lưu đày. Đây cũng là thách đố cho mỗi người chúng ta: khi bị đau khổ, mắng nhiếc, chế nhạo, chúng ta có thể đồng hóa mình với Chúa Kitô, hoặc nổi loạn và chối từ các đau khổ. Bài học ở đây thật rõ ràng: tìm kiếm chính Chúa Giêsu và chấp nhận đau khổ như con đường của hiệp nhất và bình an.
Phúc âm thánh Luca hôm nay nói với chúng ta về việc sai các môn đệ:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!”
Rõ ràng là Chúa Giêsu đoán trước những người Ngài sai đi sẽ được đón tiếp cũng như sẽ bị ruồng rẫy. Có thể họ không được đón nhận trong yêu thương và cởi mở.
Các môn đệ chỉ việc nói với những ai ruồng rẫy mình là họ sẽ bị xét xử về việc không đón tiếp này. Thật không dễ tí nào! Không cần biện luận, không hèn hạ, chỉ tuyên bố một sự thật.
Chúng ta ngày hôm nay cũng đối diện cùng một thách đố: rao truyền Chúa Giêsu Kitô
Rao truyền Chúa Giêsu trong cách chúng ta sống, trong cách đối mặt với nghịch cảnh, với đau khổ và lúc bị khước từ. Thật không dễ dàng bước theo con đường của Chúa, nhưng lại giúp chúng ta ý thức về tình thương của Chúa và sự chăm sóc đầy tình mẫu tử của Ngài. Chúa Giêsu đã sai chúng ta đi! Vậy chúng ta hãy sống trong Chúa Giêsu.
Bài Giảng Của Đức TGM Marek Zalewski Tại Trại phong Di Linh, Ngày 8-7-2019
Chúa mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức: “Anh em hãy ở đây và tỉnh thức với ta” “hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ." Trước những lời nhắc nhở liên lỉ của Chúa Giêsu là phải tỉnh thức, chúng ta vẫn rơi vào tình trạng thờ ơ, không đoái nhìn đến sự đau khổ của Chúa chúng ta. Chúng ta từ chối không nhìn nhận tội lỗi của chúng ta, tội lỗi mà Chúa Giêsu đã nhận lấy tất cả vào mình; thay vào đó, chúng ta nhắm mắt lại và chỉ biết sống cho chính mình. Ngay cả lúc Chúa đến và đánh thức, chúng ta cũng vẫn không nghe theo.
Tuy nhiên, đây chính lại là lý do tại sao Chúa Giêsu đến. Ngài đến để có thể liên lỉ đánh thức chúng ta. Tự sức mình, chúng ta chìm vào giấc ngủ của sự chết của tối tăm, nhưng Chúa Giêsu đã chấp nhận mang lấy tất cả để, nếu chọn theo Ngài, chúng ta có thể ra khỏi giấc ngủ và tỉnh thức.
Đó cũng là giây phút khi Chúa Giêsu, vâng theo Thánh ý Chúa Cha, mang vào mình tội lỗi của toàn nhân loại và trở thành Đấng gánh tội trần gian. Ngài cảm nghiệm nỗi đau đớn cực hình của tất cả những ai, vô trách nhiệm, đã khước từ nhìn nhận tội lỗi của mình và không hề thống hối ăn năn.
Đó là khởi đầu của sự cô đơn tột độ mà Chúa Giêsu đã cam chịu để đền bù sự công thẳng của TC Cha, vì món nợ của chúng ta. Ngài đã bị đối xử như một tội nhân trong khi nơi Ngài không có dấu vết tội lỗi nào; đây là căn nguyên của cơn hấp hối ghê gớm nhất chưa từng có trên hoàn cầu.
Bài Giảng Của Đức TGM Marek Zalewski Tại Nhà Thờ Bảo Lộc, Ngày 9-7-2019
Thánh sử Matthêu kết thúc cuốn phúc âm của ngài với lời nhắn nhủ cho các tông đồ và qua các ngài cho các kitô hữu ở mọi thời đại. Giống như cha mẹ trước khi ra khỏi nhà đi xa có thể tóm tắt vào phút chót các chỉ thị cho những đứa con lớn ở lại nhà, cũng vậy Chúa Giêsu trao các mệnh lệnh vừa nghe cho Giáo Hội của Ngài. Động từ chính ở đây là làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Rửa tội và dạy dỗ là những yếu tố quan trọng trong tiến trình làm người môn đệ, nhưng tự nó không chính yếu. Trong tư thế Giáo hội, công việc của chúng ta không hoàn tất với việc cử hành các bí tích và dạy dỗ người trẻ.
Một số người công giáo, được rửa tội và giáo dục trong các trường công giáo với chương trình giáo lý hẳn hoi, nhưng không bao giờ có thể được gọi cách chuẩn mực là người môn đệ, nghĩa là một người đói khát đón nhận Chúa Giêsu và sống tin vào Ngài. Một số giáo dân khác có thể đã lơ là nếp sống làm người môn đệ và mải mê theo đuổi các mục đích cá nhân trong cuộc sống.
Như thế, hiệu quả sứ vụ của chúng ta không thể tính toán cách xác đáng qua việc đếm số người lãnh nhận các bí tích hoặc với số liệu các học sinh ghi danh. Chúng ta cần phải làm tất cả những việc này nhưng trong cách thế thuyết phục hơn để họ trở thành người môn đệ đích thực.
Hai chữ ở câu cuối phúc âm “vậy đây!” không phải chỉ là một thán từ, nhưng là một hình thức động từ, một mệnh lệnh yêu cầu nhìn xem cách cẩn thận, chú ý. Chúa Giêsu muốn các môn đệ đừng bao giờ quên rằng Ngài thật sự hiện diện với họ dù chỉ trong chốc lát nữa họ sẽ không còn trông thấy Chúa với thân xác như trước khi Ngài lên trời.
Chúng ta, các kitô hữu của thời đại này, được khuyến khích có cùng niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu như các tông đồ xưa khi các ngài đồng hành bên cạnh Ngài. Chúa Giêsu vẫn luôn là Thầy dạy, còn chúng ta là môn đệ.
Nguồn: simonhoadalat.com