Trong số các Giám muc, linh mục, tu sĩ hiện diện, có nhiều vị đến từ các nước lân cận.
Thánh đường tòa lạc ở Quảng trường Golan, trung tâm thành phố và được khởi công xây cất cách đây đúng 100 năm (1919) và hoàn thành 2 năm sau đó.
Tại nhà thờ chính tòa Rabat vào lúc quá 10 giờ rưỡi và tại cửa thánh đường, ĐTC được cha sở và 3 LM đặc trách mục vụ chào đón, rồi cùng tiến lên gian cung thánh. ĐTC quì cầu nguyện trong linh lặng trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa trước khi lắng nghe chứng từ ngắn của một linh mục.
Việc mục vụ xã hội là một trong những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội tại Maroc
Cha Germain Goussa, một linh mục cao niên, đã chào ĐTC. Cha nói:
”Kính thưa ĐTC, trước mặt ngài ở đây là các LM và tu sĩ thuộc giáo phận Rabat và Tanger. Một số vị đã ở đây từ hơn 50 năm và chỉ có 1 LM duy nhất nhập tịch thuộc giáo phận Rabat. Chúng con gồm 50 LM và 10 tu huynh đến từ mọi đại lục, trong tư cách là Fidei Donum, ”hồng ân đức tin”, hoặc thuộc nhiều dòng tu khác nhau. Năm nay là năm kỷ niệm 800 năm dòng Phanxicô hiện diện tại Maroc. Chúng con luôn được đón tiếp tại Vương quốc này... Chúng con đảm trách nhiều khía cạnh khác nhau trong việc mục vụ dưới mọi hình thức.. Chúng con chia sẻ hồng ân LM trong việc xây dựng Giáo Hội tại Maroc.. một Giáo Hội tỏa sáng và sống đức bác ái qua việc đón tiếp và qua tổ chức Carias. Việc mục vụ xã hội là một trong những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội tại Maroc: đón tiếp những người di dân mà ĐTC đã gặp hôm qua, viếng thăm các tù nhân, dạy học và huấn luyện trong các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học. Chúng con cũng là một Giáo Hội đại kết với sự hiện diện của các Giáo Hội Kitô khác tại đây..
”Kính thưa ĐTC, cuộc viếng thăm của Ngài tại Maroc là một vinh dự lớn cho chúng con và khích lệ chúng con gia tăng nỗ lực gấp đôi trong sứ mạng giảng dạy và thánh hóa dân Chúa. Chúng con lập lại với ĐTC lời hứa không bao giờ lỗi ơn gọi của chúng con.”
Cộng tác với tín hữu Hồi giáo
Tiếp lời cha Goussa, nữ tu Mary Donlon, Giám tỉnh dòng Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM), cho biết có khoảng 175 nữ tu thuộc 20 dòng đang phục vụ tại Maroc, trong đó có 2 đan viện và hai tu hội đời.
Sơ Donlon cũng cho biết các nữ tu theo đuổi cuộc đối thoại bằng cuộc sống qua sự cộng tác tích cực với các anh chị em Hồi giáo trong việc dạy học, y tế công cộng và phục vụ những người khuyết tật, các bà mẹ độc thân và người di dân đông đảo tại Maroc này.
Chị Giám tỉnh cũng nhắc đến sự hiện diện của các nữ tu cao niên, như chị Ersilia Mantonvani, 97 tuổi, người Ý thuộc dòng Phansinh, vừa mừng 80 năm tu dòng hôm lễ thánh Giuse 19-3 vừa qua.. Nhiều nữ tu cao niên khác không thể hiện diện tại đây, nhưng các chị hiệp thông qua kinh nguyện.
Huấn từ của ĐTC
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc các LM tu sĩ về sứ vụ làm men giữa lòng xã hội bằng sự gặp gỡ, đối thoại bác ái, để làm cho Nước Chúa được hiển trị.
Nhúm men ít ỏi của các mối phúc và tình huynh đệ
Trước hết, ĐTC nhận định rằng các Kitô hữu tại Maroc là một cộng đoàn bé nhỏ, nhưng đó không phải là vấn đề, không phải là điều đáng lo lắng. Ngài so sánh họ như một nhúm men ít ỏi mà Mẹ Giáo hội muốn trộn vào một khối bột to lớn cho đến khi tất cả dậy men. ĐTC nói:
”Thật ra, Chúa Giêsu không chọn và sai chúng ta để chúng ta trở nên đông đảo! Ngài đã gọi chúng ta cho một sứ vụ. Ngài đặt chúng ta vào trong xã hội như chút men ít ỏi: men của các mối phúc và của tình yêu thương huynh đệ mà nhờ đó, tất cả các Kitô hữu chúng ta có thể tham gia vào việc làm cho Nước Chúa hiện diện”.
Khả năng kiến tạo và kích thích sự thay đổi, sự ngạc nhiên và cảm thông
Do đó, ĐTC khẳng định rằng sứ vụ của chúng ta, những người chịu phép rửa, các linh mục, tu sĩ, không được quyết định bởi con số hay những nơi chúng ta hiện diện, nhưng chính từ khả năng kiến tạo và kích thích sự thay đổi, sự ngạc nhiên và cảm thông; bởi cách thức mà chúng ta sống như các môn đệ của Chúa Giêsu. ĐTC nói: ”Những con đường truyền giáo không ngang qua việc chiêu dụ tín đồ, nhưng qua cách chúng ta ở cùng Chúa Giêsu và tha nhân. Do đó, vấn đề không phải là vì con số ít ỏi nhưng là do sự vô nghĩa, trở thành muối đã mất hương vị Tin mừng, hay như ánh sáng nhưng không còn chiếu sáng nữa (cfr Mt 5,13-15).
Kitô hữu là gặp gỡ đối thoại như Chúa Giêsu đã đến gặp gỡ chúng ta
ĐTC giải thích tiếp: ”Là Kitô hữu không phải là gắn bó với một học thuyết, hay một đền thờ hay một nhóm chủng tộc. Nhưng Kitô hữu là gặp gỡ. Chúng ta là các Kitô hữu bởi vì chúng ta được yêu thương và gặp gỡ chứ không phải là kết quả của việc chiêu dụ tín đồ. Là Kitô hữu là biết tha thứ và được mời gọi hành động theo cùng cách Thiên Chúa hành động nơi chúng ta, để "từ điều này, tất cả sẽ biết rằng các con là môn đệ Thầy: nếu các con yêu thương nhau (Ga 13,35)”.
Giáo hội không đối thoại để chiêu dụ tín đồ
Tiếp đến ĐTC nhắc rằng Giáo hội phải bước vào cuộc đối thoại, nghĩa là không dựa vào một khuôn mẫu, cũng không theo chiến dịch để tăng số tín đồ. Giáo hội đối thoại là vì trung thành với Chúa Giêsu, Đấng ngay từ đầu, được thúc đẩy bởi tình yêu, đã muốn bước vào cuộc đối thoại như một người bạn và mời gọi chúng ta tham gia vào tình bạn của người. Ngay từ khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã tham dự vào cuộc đối thoại cứu độ và bằng hữu và được ơn ích từ cuộc đối thoại này.
Đối thoại với sự hiền lành và khiêm nhường
Người Kitô hữu ở miền đất này, học trở thành bí tích sống động của cuộc đối thoại, cuộc đối thoại theo gương Chúa Giêsu, với thái độ hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29), với tình yêu mạnh mẽ và vô vị lợi, không tính toán và không giới hạn, trong sự tôn trọng tự do của con người. ĐTC nhắc đến gương mẫu của thánh Phanxicô Assisi, chân phước Charles de Foucault.
Cầu nguyện cho người dân được ủy thác cho chúng ta
Những người thánh hiến được mời gọi sống cuộc đối thoại cứu độ này đặc biệt như lời khẩn cầu cho dân tộc được ủy thác cho chúng ta. Trong lời nguyện của mình, người thánh hiến, vị linh mục đưa đến bàn thờ, cuộc sống của các anh chị em. Cuộc đối thoại này phải trở thành lời cầu nguyện mà chúng ta có thể thực hành cách cụ thể mỗi ngày nhân danh tình huynh đệ của con người, tình huynh đệ bao gồm tất cả mọi người, liên kết họ và làm cho họ trở nên bình đẳng. Lời cầu nguyện không phân biệt, không chia rẽ và không loại trừ. Lời cầu nguyện không với bạo lực, không thù oán, không có sự trổi vượt sắc tộc, tôn giáo, kinh tế nhưng với sức mạnh cảm thông được tưới xuống từ Thánh giá cho mọi người. Đây là kinh nghiệm mà phần đông anh chị em đã sống.
Đại kết của lòng bác ái
ĐTC cũng khuyến khích các Kitô hữu làm cho sự hiện diện và tình yêu Chúa Kitô được tỏ hiện. Ngài nói: ”Hãy tiếp tục trở nên gần gũi với những người bị bỏ lại đàng sau, những người bé nhỏ nghèo khổ, các tù nhân và những người di dân”. ĐTC cầu chúc cho lòng bác ái của họ luôn sống động và là con đường hiệp thông giữa các Kitô hữu thuộc mọi hệ phái hiện diện tại Maroc. Ngài gọi đó là đại kết của lòng bác ái.
Chứng tá của lịch sử; dấu chỉ của tình huynh đệ
Cuối cùng, ĐTC cám ơn sự hiện diện và sứ vụ của họ tại Maroc, cám ơn sự phục vụ khiêm nhường và âm thầm của họ. ĐTC nói rằng họ là chứng tá của một lịch sử vinh quang với những hy sinh, hy vọng, chiến đấu hàng ngày, cuộc sống hao mòn trong phục vụ, nhưng họ cũng có một lịch sử vĩ đại cần xây dựng. ĐTC mời gọi họ hãy tiếp tục là dấu chỉ của tình huynh đệ mà Thiên Chúa gọi mời chúng ta.
ĐTC mời gọi mọi người đặt mình dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria qua lời Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người:
SIT NOMEN DOMINI
Cuối buổi gặp gỡ và đọc kinh, ĐTC đã chào thăm 3 vị lãnh đạo của Hội đồng các Giáo Hội Kitô Maroc, qui tụ 5 Giáo Hội tại đây gồm Công Giáo, Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống Hy lạp và Chính Thống Nga. Hội đồng được thành lập sau khi Maroc được độc lập hồi năm 1956 để thăng tiến đối thoại đại kết và sự cộng tác giữa các cộng đoàn Kitô tại nước này.
Giã từ nhà thờ chính tòa thánh Phêrô, lúc quá 11 giờ rưỡi, ĐTC đã về tòa Sứ Thần, để dùng bữa trưa với các GM Maroc và một số vị trong đoàn tùy tùng của ngài.
Hồng Thủy - Vatican
Thánh lễ duy nhất ĐTC cử hành tại Maroc
Chiều chúa nhật 31-3-2019, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ duy nhất trong cuộc viếng thăm 2 ngày tại Maroc. Ngài mời gọi các tín hữu làm chứng về lòng thương xót của Chúa trong đời sống thường nhật.
Lúc 2 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã đến Trung tâm thể thao Hoàng Thân Moulay Abdellah ở thủ đô Rabat, cách Tòa Sứ thần Tòa Thánh 8 cây số để cử hành thánh lễ duy nhất trong chuyến viếng thăm này. Hoàng thân Moulay Abdella là con út của Vua Mohammed V và là em của Vua Hassan II, tức là chú ruột của Vua Mohammed VI hiện nay của Maroc.
Hơn 8 ngàn tín hữu đến từ nhiều nơi ở Maroc đã có mặt tại thao trường để chào đón ĐTC và tham dự thánh lễ do ngài chủ sự. Đồng tế với ĐTC có các Hồng Y GM thuộc đoàn tùy tùng, 2 vị TGM tại Maroc, và khoảng 10 GM từ các nước lân cận như Algérie, Tây Ban Nha, cùng với hàng chục linh mục.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng thuật lại dụ ngôn người cha nhân từ chờ đợi và vui mừng đón tiếp người con thứ hoang đàng trở về, còn người con cả thì giận dữ trước thái độ của người cha đón tiếp đứa con hư hỏng trở về và truyền mở tiệc ăn mừng. ĐTC nhận xét rằng:
Thái độ của người con cả
”Trong sự thiếu khả năng tham dự bữa tiệc mừng, người con cả không những không nhìn nhận đứa em và cũng chẳng nhìn nhận cha mình. Anh ta thích thân phận kẻ mồ côi hơn là tình huynh đệ, thích cô lập hơn là gặp gỡ, thích cay đắng hơn là tiệc mừng. Không những anh ta chẳng hiểu và tha thứ cho đứa em, nhưng cũng chẳng chấp nhận sự kiện mình có một người cha có khả năng tha thứ, sẵn sàng chờ đợi và cảnh giác để không ai bị loại trừ, tắt một lời, đó là một người cha có khả năng cảm thương.
Dụ ngôn phản ánh thực tại nhân loại
Từ nhận xét đó, ĐTC nói: ”Trên ngưỡng cửa nhà ấy, dường như có biểu lộ mầu nhiệm nhân loại chúng ta: một đàng có tiệc mừng vì người con được tìm lại, và đàng khác có một thứ tâm tình nổi loạn và phẫn nộ vì sự kiện người ta ăn mừng sự trở về của đứa em. Một đàng là sự đón tiếp người đã cảm nghiệm lầm than và đau khổ, hôi hám và mong được ăn thực phẩm heo ăn; đàng khác là sự giận dữ vì người ta dành chỗ cho kẻ không xứng đáng và không đáng được hưởng vòng tay ôm như thế.
Vì thế, nơi đây một lần nữa, ta thấy sự căng thẳng xuất hiện nơi dân chúng, trong các cộng đoàn chúng ta và thậm chí nơi chính chúng ta nữa. Một sự căng thẳng, đi từ Cain và Abel, đang ở trong chúng ta và chúng ta được mời gọi nhìn thẳng mặt nó. Ai là người có quyền ở lại giữa chúng ta, được một chỗ nơi bàn ăn của chúng ta, trong các cuộc hội họp, giữa những lo âu và bận tâm của chúng ta, trong các quảng trường và thành thị của chúng ta? Dường như câu hỏi giết em này tiếp tục vang âm: ”Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (Xc St4,9)
Nhân loại bị chia rẽ và oán thù
ĐTC giải thích rằng ”Chắc chắn cũng có bao nhiêu hoàn cảnh có thể nuôi dưỡng chia rẽ và xung đột; không thể chối là có những tình trạng có thể đưa chúng ta đến chỗ xung đột và chia rẽ. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Chúng ta luôn bị đe dọa vì cám dỗ tin tưởng nơi oán ghét và báo thù như những hình thức hợp pháp để đạt công lý một cách mau lẹ và hữu hiệu. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy oán ghét, chia rẽ và báo thù chỉ giết hại tâm hồn dân chúng ta, làm cho niềm hy vọng của con cái chúng ta bị ô nhiễm, và phá hủy, tước mất tất cả những chỉ chúng ta yêu mến”.
Để vượt thắng cần hướng nhìn trái tim Người Cha
Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn và chiêm ngắm trái tim Người Cha. Chỉ từ đó chúng ta mới có thể khám phá mỗi ngày chúng ta là anh chị em với nhau. Chỉ từ chân trời mở rộng ấy mới có thể giúp chúng ta vượt thắng những tiêu chuẩn thiển cận, chia rẽ, và nhờ đó chúng ta mới có thể đạt tới một cái nhìn không chủ trương che đậy hoặc phủ nhận những khác biệt giữa chúng ta, bằng cách tìm kiếm một sự ép buộc hiệp nhất hoặc âm thầm gạt ra ngoài lề. Chỉ khi nào chúng ta có khả năng mỗi ngày ngước mắt lên trời và đọc kinh ”Lạy Cha chúng con”, chúng ta mới có thể đi vào năng động giúp chúng ta nhìn và dám sống với nhau, không phải như kẻ thù, nhưng như anh chị em với nhau”.
Tham gia vào tình thương xót của Cha
Tiếp tục bài giảng, ĐTC giải thích lời người Cha nói với người con cả: “Tất cả những gì của cha là của con” (Lv 15,31), đây không phải chỉ là của cải vật chất, nhưng còn là sự tham gia vào chính tình thương và lòng cảm thương của Cha. Đó là gia tài và là sự phong phú lớn nhất của Kitô hữu.
”Tất cả những gì của cha là của con”, cả khả năng thương xót của cha nữa. Chúng ta đừng chiều theo cám dỗ thu hẹp thân phận làm con của chúng ta vào vấn đề luật lệ và cấm đoán, các nghĩa vụ và những chu toàn. Sự kiện chúng ta thuộc về cha và sứ mạng của chúng ta không nảy sinh từ sự duy ý chí, duy luật lệ, duy tương đối hoặc duy hoàn hảo, nhưng từ những người tin tưởng, hằng ngày khiêm tốn và kiên trì cầu khẩn: ”Xin cho nước Cha được hiển trị!”
Mỗi người bổ túc phần kết bỏ ngỏ của dụ ngôn
ĐTC nhận xét rằng dụ ngôn Tin Mừng ở đây để ngỏ phần kết. Chúng ta thấy người cha xin người con cả hãy vào dự tiệc lòng thương xót. Thánh Sử Tin Mừng không cho biết đâu là quyết định của người con cả về vấn đề này? Anh ta có vào dự tiệc mừng không? Chúng ta có thể nghĩ rằng phần kết thúc này được bỏ ngỏ với mục đích để mỗi cộng đoàn, mỗi người chúng ta, có thể viết vào đó bằng cuộc sống của mình, bằng cái nhìn và thái độ đối với người khác. Kitô hữu biết rằng trong nhà Cha có nhiều chỗ, chỉ những ai không muốn vào để tham gia niềm vui mới ở ngoài mà thôi.
Cám ơn và khích lệ các tín hữu tại Maroc
Và ĐTC cám ơn các tín hữu Công Giáo Maroc vì cách thức của họ làm chứng cho Tin Mừng lòng thương xót tại đất nước này. Ngài nói:
”Cám ơn anh chị em vì những cố gắng đã làm để các cộng đoàn của anh chị em trở thành những ốc đảo của lòng thương xót. Tôi khuyến khích và thúc giục anh chị em hãy tiếp tục làm tăng trưởng nền văn hóa thương xót, một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác trong thái độ dửng dưng hoặc quay đi nơi khác khi thấy đau khổ của tha nhân”. Anh chị em hãy tiếp tục gần gũi những người bé nhỏ và nghèo hèn, những người bị phủ nhận, bị bỏ rơi và bị làm ngơ không biết tới, hãy tiếp tục là dấu chỉ vòng tay ôm và con tim của Chúa Cha”
Lời cám ơn của Đức TGM giáo phận Rabat
Cuối thánh lễ, Đức TGM Lopez Romero của giáo phận Rabat sở tại đã ngỏ lời cám ơn ĐTC vì đã đến đây để ”củng cố chúng con trong đức tin và khích lệ chúng con trong sứ mạng xây dựng Nước Chúa trên phần đất Maroc này... Cuộc viếng thăm của ĐTC là một sự khích lệ cho tất cả chúng con. ĐTC vẫn liên tục mời gọi các Kitô hữu đi ra ngoài, tới những khu ngoại biên, và ĐTC cũng thực hiện nêu gương cho chúng con..
”Cám ơn ĐTC đã khích lệ chúng con dấn thân bênh vực những người nghèo khổ túng thiếu nhất, và cũng nâng đỡ chúng con trong cuộc đối thoại giữa người Hồi giáo và Kitô.. Chúng con muốn được như ĐTC, trở thành những người kiến tạo những nhịp cầu, chứ không xây tường, hoặc đào hào đào hố, và cũng chẳng lập những hàng rào tại biên giới.”
Lời cám ơn cuối lễ của ĐTC
Trước khi rời địa điểm hành lễ, ĐTC còn lên tiếng ”chúc tụng Chúa đã cho ngài được thực hiện chuyến viếng thăm này, để trở thành người phục vụ Hy Vọng trước mặt và cùng với anh chị em”. Ngài cũng cám ơn Nhà Vua, chính quyền, các GM, LM tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu và giáo dân ở Maroc đang phục vụ cuộc sống sứ mạng của Giáo Hội, cũng như tất cả những người đã cộng tác vào việc tổ chức chuyến viếng thăm của ngài.
ĐTC bày tỏ lòng biết ơn và khuyến khích các tín hữu hãy kiên trì trên con đường đối thoại và cộng tác với các anh chị em Hồi giáo, cộng tác để tình huynh đệ đại đồng này được trơ nên cụ thể, tình huynh đệ bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
Thánh lễ kết thúc lúc 4 giờ rưỡi chiều và liền đó, ĐTC đã ra phi trường thủ đô Rabat. Tại đây Quốc vương Mohammed VI đã chờ sẵn đễ tiễn biệt ngài trong nghi thức đơn sơ.
Chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không hoàng gia Maroc cất cánh lúc quá 5 giờ chiều, chở ĐTC và đoàn người cùng đi, theo dự kiến sẽ về Roma lúc 9 giờ rưỡi tối, kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ thứ 28 của ngài tại nước ngoài.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
ĐTC Phanxicô gặp gỡ di dân tại Rabat
Đức thánh cha Phanxicô đã nói về vấn đề khủng hoảng di cư trong buổi gặp gỡ di dân tại Trung tâm Caritas ở thủ đô Rabat trong khuôn khổ chuyến tông du Marốc.
ĐTC Phanxicô khẳng định rằng buổi gặp gỡ này đã cho ngài thêm một cơ hội bày tỏ sự gần gũi mọi người, được cùng chia sẻ về “vết thương” vẫn đang tiếp tục khiến thế giới chúng ta đau khổ trong đầu thế kỷ 21 này.
Đức thánh cha nhắc về hiệp ước toàn cầu, được thông qua tại Hội nghị Liên chính phủ được tổ chức ở Marrakech, Marốc vào tháng 12.2018. Ngài nhấn mạnh: Hiệp ước này là một bước quan trọng hướng về cộng đồng quốc tế, không chỉ dành cho di dân, mà còn là khuôn mặt mà chúng ta muốn mang lại cho xã hội, cùng với những giá trị của cuộc sống nhân loại.
ĐTC Phanxicô nói với những người di dân hiện diện tại Trung tâm Caritas Rabat: “Các con không bị gạt ra bên lề, các con là trung tâm của trái tim Giáo hội”. Theo ngài, 4 từ “Chào đón - Bảo vệ - Thăng tiến - Hòa nhập” sẽ là khung tham chiếu cho chúng ta để chung tay xây dựng một cuộc sống có giá trị, an toàn và thân thiện hơn.
Kết thúc buổi gặp gỡ, Đức thánh cha nhắn nhủ: “Các con thân mến, Giáo hội hiểu được những nỗi đau mà các con đang gánh chịu. Giáo hội sẽ đồng hành với các con. Mỗi người đều có quyền được sống, mơ ước và tìm ra nơi xứng đáng trong ‘ngôi nhà chung’ của chúng ta. Mọi người đều có quyền có tương lai”.
(Vatican News, 30/03/2019)
Gia Hy
Nguồn: hdgmvietnam.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn