GIÁO XỨ LƯƠNG SƠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ hai - 05/02/2018 18:23
1503
GIÁO XỨ LƯƠNG SƠN
Địa chỉ: 16 Thu Bồn, Văn Đăng 3, xã Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa
Điện thoại: 58. 383 9930
Thành lập: 1955
Bổn mạng: Đức Mẹ hồn xác lên trời, kính ngày 15.08
Số giáo dân: 580
Linh mục quản xứ: Phêrô Nguyễn Văn Mân
Giáo xứ Lương Sơn cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 12 km về phía Bắc

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Thời gian chiến tranh 1945 - 1954, khoảng 7 gia đình ở Lương Sơn lánh nạn tại Phú Xương (Vĩnh Hải ngày nay) đã học đạo và được Cha Bernard Dương Liên Mỹ (dòng Phanxicô) rửa tội, nhưng khi về lại Lương Sơn họ không còn giữ đạo nữa.
Sau hiệp định Genève (07.1954), trại định cư Trung Đức được thiết lập tại một khu đất gần bờ biển thuộc thôn Võ Tánh, sau gọi là thôn Văn Đăng, thuộc xã Vĩnh Lương, để đồng bào di cư có thể sinh sống sống bằng nghề biển. Số dân di cư thuộc Giáo phận Vinh đến đây lúc đầu khoảng 500 người, sau lên đến hơn 1000, đa số là người Công giáo thuộc các xứ vùng Hà Tĩnh như: Yên Lĩnh, Trung Nghĩa, Nghĩa Yên, và một số thuộc các xứ của tỉnh Nghệ An như: Trang Cảnh, Cầu Rầm, Ngọc Thủy, Nhượng Bạn.
Lúc đầu, giáo dân mới đến chưa có nhà thờ nên lấy nhà định cư làm nhà nguyện. Một năm sau, Cha Phêrô Phùng Viết Mỹ đã xây dựng nhà thờ mới với sườn gỗ, vách đất, và mái lợp tôn xi măng. Tuy nhiên, vì điều kiện sinh sống làm ăn không phát triển và hoàn cảnh chiến tranh nên một số đông giáo dân đã chuyển đi Bình Tuy và Ban Mê Thuột. Một vài linh mục được sai đến Lương Sơn đã cố gắng phát triển giáo xứ, mở trường học nhưng cũng không thể tồn tại vì nhiều lý do. Lương Sơn trải qua nhiều thăng trầm. Có lúc, giáo xứ không có vị chủ chăn nào thường trú để chăm sóc giáo xứ. Số ít giáo dân còn lại phải vào giáo xứ Ba Làng để tham dự thánh lễ.
Từ năm 1975 đến năm 1996, quý cha từ giáo xứ Thanh Hải, Chợ Mới, Đại chủng viện Sao Biển, các cha Dòng Phanxicô đến dâng thánh lễ, và cử hành bí tích vào thứ Bảy, Chúa nhật và các ngày lễ trọng.
Ngày 06.10.1996, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa bổ nhiệm Cha Anrê Nguyễn Lộc Huệ làm quản xứ Lương Sơn. Từ đó, giáo xứ mới bắt đầu xây dựng lại và phát triển.
Ngày 07.04.1999, lễ đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng nhà thờ mới. Sau 12 tháng thi công, công trình đã được hoàn tất. Ngày 22.06.2000, ngôi nhà thờ được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa cung hiến dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ hồn xác lên trời.
Từ đầu năm 1997 đến nay, Giáo xứ Lương Sơn được các thầy Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang đến giúp mục vụ vào mỗi Chúa nhật.
LINH MỤC PHỤ TRÁCH GIÁO XỨ
Quý cha: Phanxicô Xaviê Phạm Sĩ Tăng (1954 - 1955), Phêrô Phùng Viết Mỹ (1955 - 1957), Giuse Trần Chính Cư (1957 - 1960), Đôminicô Nguyễn Trung Thành (1960 - 1963), Phanxicô Phan Văn Sự (1964), Phêrô Lê Hồng Thanh (1964 - 1975), Alexis Nguyễn Thạch Ngọc (1975 – 1976), Phêrô Phạm Ngọc Phi (1976 - 1981), Matthêu Nguyễn Vinh Phúc, OFM (1981 - 1990), Camillô Trần Văn Phúc, OFM (1990 - 1996), Anrê Nguyễn Lộc Huệ (1996 - 20.04.2006), Giuse Lê Anh Tuấn (phó xứ: 2003, quản xứ 2006 - 2008), Phêrô Trần Văn Điện (10.2008 - 01.2013), Phêrô Nguyễn Văn Mân (từ 16.01.2013).
DÒNG TU, ĐOÀN THỂ VÀ HOA QUẢ ƠN GỌI
Trước nhu cầu mục vụ của giáo xứ, các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ đến lập cộng đoàn (02.09.2000) và sau đó có thêm cộng đoàn nữ tu Carmel Thánh Tâm. Các nữ tu phụ trách một số công việc mục vụ và điều hành nhà trẻ, mẫu giáo.
Ngoài ra, các đoàn thể cũng cộng tác tích cực trong việc xây dựng đời sống giáo xứ ngày càng thăng tiến trong tình yêu thương phục vụ. Giáo xứ có Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu với 19 thành viên, Hội Bà mẹ Công với số hội viên là 22. Ban giáo lý có 13 thầy cô giáo lý viên, dạy giáo lý cho các em, phụ trách giờ Chầu và thánh lễ riêng hàng tuần, tổ chức các sinh hoạt mục vụ cho các em thiếu nhi. Hai ca đoàn với 50 ca viên phụ trách các giờ phụng vụ và tham gia các buổi văn nghệ sinh hoạt giáo xứ. Hội Tôbia lo an táng có 15 thành viên.
Giáo xứ đã đóng góp cho Giáo Hội: Cha Luca Lê Hoàng Vũ và Thầy Gioan Lê Đình Thuần, SVD, và nữ tu Têrêsa Phạm Thị Ánh Thơ dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ
Giáo xứ Lương Sơn hiện chia thành 4 giáo họ với tổng số giáo dân là 580 thuộc155 hộ gia đình. Một con số quá khiêm tốn trên một địa bàn rộng lớn thuộc xã Vĩnh Lương. Đời sống của giáo dân phần lớn là làm rẫy và làm biển, số ít còn lại thì buôn bán nhỏ và làm thuê hay công nhân.
Nhìn lại, mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng có thể nói lòng tin kiên vững và lòng cậy trông vào lòng Chúa thương xót của giáo dân Lương Sơn trước phong ba bão táp đã tạo nên một giáo xứ Lương Sơn khang trang và đạo đức như hiện nay.
Tác giả bài viết: BTT