Đức Maria lên trời tiến vào vinh quang thiên quốc.

Chủ nhật - 22/08/2021 09:11  875
Đức Maria lên trời tiến vào vinh quang thiên quốc

 
Joseph Ratzinger


Ở đây, chúng ta phải đối mặt với sự phản đối thậm chí còn gay gắt hơn cho rằng việc Đức Maria chỗi dậy là một sự kiện phải được chứng minh ​​và thông tri, chứ không phải chỉ được dàn dựng. Đây là luận điểm đằng sau việc phản đối gây gắt từ phía thần học Đức, nhất là qua loạt bài nổi tiếng của B. Altaner trước việc công bố chính thức tín điều Đức mẹ hồn xác lên trời. Với sự uyên bác về lịch sử, tác giả này đã cho thấy rằng theo các nguồn liệu liên quan, người ta không tìm thấy chứng từ nào về giáo thuyết này trước thế kỷ thứ VI. Vì vậy, rõ ràng vấn đề này không thể là truyền thống lịch sử của một sự kiện lịch sử; nếu xem xét hoặc trình bày như thế, thì việc khẳng định tín điều này sẽ bị hiểu sai. Điều này làm cho việc lên trời của Đức Maria rõ ràng khác biệt với sự phục sinh của Đức Giêsu. Sự phục sinh của Ngài chắc chắn vượt trên lịch sử và, theo nghĩa này, nó không cung cấp cho chúng ta một dữ kiện lịch sử thông thường, nhưng điều thiết yếu với việc phục sinh chính là biến cố này tồn tại trong thời gian và tự công bố trong một trình thuật lịch sử. Văn kiện năm 1950 đã chứng thực sự khác biệt trên khi không dùng chữ resurrectio (anastasis) cho Đức Maria, nhưng lại dùng cụm từ assumptio ad coelestem gloriam cho Mẹ - không phải “phục sinh”, mà là “lên trời” vào vinh quang thiên đàng cả hồn lẫn xác. Như vậy, bản văn xác định nội dung của tín biểu như là một khẳng định thần học, chứ không phải là một khẳng định lịch sử.

Vậy điều này có nghĩa là gì? Để làm rõ vấn đề này, người ta sẽ phải chú ý đến sự phát triển lịch sử của tín điều này và các yếu tố cấu thành tín điều. Điều này cho thấy rằng động lực quyết định đằng sau việc tuyên bố tín điều này là lòng sùng kính Đức Maria, có thể nói, gốc rễ, động năng, và mục đích khi công bố tín điều này là nhằm hướng đến hành vi tôn kính hơn là nội dung của nó. Điều này cũng trở nên rõ ràng trong văn kiện công bố tín điều khi viết rằng tín điều Đức Maria lên trời được công bố để vinh danh Chúa Con, tôn vinh Mẹ Người, và mang lại niềm vui của toàn thể Giáo hội. Mục đích của tín điều này hướng đến một hành vi tôn kính, hình thức cao nhất để ca ngợi Đức Mẹ. Những gì được thể hiện qua phụng vụ, thánh thi và nghi lễ bên Đông phương, thì nay lại được diễn tả ở Tây phương qua hình thức của một tuyên bố tín lý, nói cách khác, là nhắm đến một hình thức thánh ca long trọng bậc nhất. Người ta nên hiểu tín điều này theo hướng giải thích như trên. Theo một khía cạnh nào đó, điều này phân biệt hai tín điều cuối cùng về Đức Mẹ với những hình thức tuyên xưng trước đó của Giáo hội, mặc dù yếu tố vinh tụng ca ít nhiều luôn đóng một vai trò nổi bật.

Do đó, chúng ta có thể nói rằng việc công bố tín điều vào năm 1950 là một hành vi tôn kính Đức Mẹ dưới hình thức của một tuyên bố tín lý với mục đích là phụng vụ đức tin bằng cách tôn vinh Đức Mẹ ở mức độ cao nhất. Nội dung của tuyên bố này hoàn toàn hướng đến việc tôn kính, tuy nhiên, ngược lại việc tôn kính này tận dụng nội dung này như là nền tảng của việc tôn kính: lòng tôn kính nhắm đến một người còn sống, đang ở nhà mình, và thực sự đã đạt đến mục đích của đời mình bên kia cái chết. Chúng ta cũng có thể nói rằng công thức của việc Đức Maria lên trời cho thấy rõ ràng những gì mà lòng tôn kính giả định. Mọi việc tôn kính đều liên quan đến vị thánh xác định, và giả định là vị thánh có cuộc sống với Chúa; việc tôn kính chỉ có ý nghĩa nếu đối tượng của nó đang sống và đã đạt được mục tiêu. Khi đó, người ta có thể nói rằng, tín điều Đức Maria lên trời chỉ là mức độ cao nhất của việc phong thánh, theo đó, vị thánh xác định được nhìn nhận theo nghĩa chặt nhất, tức là đạt được sự viên mãn cánh chung trọn vẹn và bất khả phân chia. Ở đây, chúng ta thấy bối cảnh Kinh thánh nền tảng ủng hộ toàn bộ lời tuyên bố trên. Khi lưu ý rằng tín khoản Đức Maria lên trời chỉ diễn giải những gì mà mức độ tôn kính cao nhất giả định, cùng lúc đó, chúng ta cũng phải nhớ rằng chính Tin mừng tiên báo và yêu cầu sự tôn kính đối với Đức Maria: “từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48) – đây là một lời ủy thác cho Giáo hội. Khi ghi chép lại lời này, Luca giả định rằng lời ca tụng Đức Mẹ này đã xuất hiện trong Giáo hội vào thời của ngài và ngài xem đó là một sự ủy thác của Giáo hội cho mọi thế hệ. Luca đã nhìn thấy khởi đầu của sự ủy thác ấy nơi lời chào của bà Êlisabét: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng. . .” (Lc 1,45).

Một lần nữa, hình thức tôn sùng Đức Maria sớm nhất này phản ánh sự thống nhất của Kinh thánh, vốn là đặc tính của toàn bộ chủ đề về Đức Maria: Thiên Chúa của Israel để cho con người gọi tên Ngài, đó là những người mà Ngài tỏ lộ sự cao cả của mình, và Ngài đã trở nên hữu hình và hiện diện trong cuộc sống của họ. Trong dòng lịch sử, có thể nói con người là danh của Ngài, thông qua họ, Ngài có nhiều danh xưng khác nhau, cũng nhờ họ và trong họ Thiên Chúa trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Ngài được gọi là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp. Gọi tên Thiên Chúa bao hàm việc gọi tên các tổ phụ, ngược lại, gọi tên các tổ phụ có nghĩa là tưởng nghĩ đến và nhận ra Thiên Chúa. Không gọi tên những người, mà qua họ, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình, thì cũng giống như sự vô ơn; đó là sự quên lãng — và đó là đặc điểm đức tin của dân Israel, chứa đựng ký ức và là ký ức. Vì vậy, việc chúc tụng Đức Maria hài hoà với hình ảnh trên về Thiên Chúa, vốn liên kết các tổ phụ với danh Thiên Chúa và nhận ra rằng việc tán dương Thiên Chúa trong việc tán dương các tổ phụ. Khi lý luận như thế, chúng ta không thể loại trừ lối giải thích về Thiên Chúa của các tổ phụ mà Đức Giêsu đã trình bày trong Mc 12,18-27. Ở đây, Đức Giêsu đặt chủ đề về Thiên Chúa của các tổ phụ trong bối cảnh của chủ đề phục sinh, kết hợp cả hai chủ đề theo cách tùy thuộc lẫn nhau. Để chứng minh sự sống lại, Đức Giêsu không viện dẫn các văn bản riêng lẻ của văn chương ngôn sứ hay văn chương khải huyền thời sau này (vốn dĩ sẽ không hề có sức thuyết phục nếu đem đi tranh luận với phái Xađốc), mà là từ ý niệm về Thiên Chúa: Thiên Chúa, Đấng tự cho phép mình được gọi là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp, không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Chính sự phục sinh cũng đã chứng minh rằng những tên gọi này thuộc về danh Thiên Chúa: “Còn về vấn đề kẻ chết chỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp — các ông đã sai lầm” (12:26). Quyền thờ kính bao hàm sự đoan chắc về việc chiến thắng sự chết, và sự sống lại.

Dĩ nhiên, một lần nữa chúng ta lại vấp phải sự phản đối. Đúng là chiến thắng sự chết, nhưng tại sao lại đặt nó ở hình thức cao nhất, hình thức cánh chung sau cùng, như công thức cả hồn lẫn xác –  corpore et anima cho thấy (mà người ta hay bị cám dỗ để chỉ dịch đơn giản là “cánh chung”)? Có thể đưa ra một câu trả lời rất thẳng thắn như sau: có thể làm như vậy vì tên gọi này – tên gọi Maria – đại diện cho chính Giáo hội, cho tình trạng cứu rỗi sau cùng của Giáo hội. Tuy nhiên, trước khi nghiên cứu câu trả lời này, tốt hơn chúng ta thảo luận về một khái niệm trung gian khác cũng đóng một vai trò quan trọng trong bản văn công bố tín điều.

Cách thức cuộc sống của con người bị gắn chặt vào một thế giới, nơi cái chết là điều kiện của sự sống, việc chào đời thì mang tính đối nghịch, là tiến trình vừa chết đi vừa trở thành. Những lời phán quyết trong Sáng thế 3,16 mô tả chính xác số phận này của con người, và sự không rõ ràng của nhân vật Eva thể hiện sự mơ hồ của tiến trình trở thành về mặt sinh học: việc chào đời là một phần của cái chết, nó xảy ra dưới dấu hiệu của cái chết và hướng đến cái chết, mà theo một nghĩa nào đó, việc sinh ra đời dự đoán trước, chuẩn bị và cũng có thể giả định về cái chết. Sinh ra đời luôn đồng thời có nghĩa là mở ra cho cái chết. Giờ đây, nếu Đức Maria thật sự là người đã sinh hạ Thiên Chúa, nếu Mẹ đã cưu mang Đấng chấm dứt sự chết và cũng là sự sống theo nghĩa đầy đủ của từ này, thì việc trở thành Mẹ Thiên Chúa thực sự là một “cuộc sinh hạ mới” (nova nativitas): một cách thế sinh hạ mới lồng vào cách thế cũ, giống như Đức Maria là Giao ước mới trong lòng Giao ước cũ, ngay cả với tư cách là một thành phần của Giao ước cũ. Sự sinh hạ này không phải là chết đi nhưng chỉ là trở thành, một sự sống tràn ngập, loại bỏ và mãi mãi bỏ lại cái chết ở phía sau. Một mặt, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” chỉ ngược lại Đấng đồng trinh: sự sống này không được đón nhận thông qua tiến trình chết đi và trở thành mỗi ngày nhưng là sự khởi đầu thuần túy. Mặt khác, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” này cho thấy việc Đức Maria lên trời: từ cuộc hạ sinh này chỉ có sự sống, chứ không có cái chết. “Việc tạo dựng” mới này không đòi buộc phải từ bỏ cái tôi cũ như điều kiện không thể thiếu của nó, đúng hơn việc tạo dựng này đem lại sự xác nhận chung cuộc của cái toàn thể.

Ở đây chúng ta thấy mối liên hệ với tín điều Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội. Có thể diễn giải như sau: toàn thể ân sủng ở đâu, thì toàn thể ơn cứu độ ở đó. Nơi mà ân sủng không còn tồn tại trong tình trạng đứt gãy của việc vừa là người công chính vừa là tội nhân (simul justus et peccator) nữa, nhưng trong tiếng “xin vâng” thuần túy, thì cái chết, viên cai ngục của tội, không có chỗ đứng. Đương nhiên, điều này liên quan đến câu hỏi: Việc lên trời cả hồn lẫn xác trong vinh quang thiên quốc có nghĩa là gì? Rốt cuộc, “bất tử” có nghĩa là gì? Và “chết” nghĩa là gì? Tự sức mình, con người không thể bất tử được, mà chỉ bất tử trong và nhờ vào một điều gì khác, cách sơ bộ, dự kiến, rời rạc, nơi con cái, danh tiếng, nhưng cuối cùng và thực sự con người chỉ bất tử trong và từ Đấng-Hoàn-Toàn-Khác, tức là Thiên Chúa. Chúng ta phải chết vì bị tước đoạt sự tự quyết tuyệt đối quyết tâm ở lại trong chính mình, vốn là sự lừa dối thực sự. Cái chết, tức việc không thể tạo cho mình một chỗ đứng, sự sụp đổ của quyền tự quyết tuyệt đối, không đơn thuần là hiện tượng thể xác mà là một hiện tượng sâu xa bao trùm con người. Tuy nhiên, nơi hoàn toàn không còn khuynh hướng bẩm sinh tự quyết tuyệt đối nơi người ta không chỉ cậy dựa vào chính mình (= có ân sủng), thì không có chết chóc, ngay cả khi thân xác kết thúc. Thay vào đó, toàn thể con người bước vào ơn cứu độ, vì như một toàn thể không suy suyển, con người đứng vĩnh viễn trong ký ức trao ban sự sống của Thiên Chúa, vốn gìn giữ người ấy là chính mình trong cuộc sống của bản thân. 

Giờ đây, chúng ta trở lại với những gì đã được đề cập trước đó. Chúng ta đã nói rằng bất cứ ai được tôn vinh và ngợi khen cùng với danh Thiên Chúa, thì vẫn còn đang sống. Chúng ta cũng nói thêm rằng, khẳng định trên được áp dụng một cách dứt khoát, vô điều kiện, trong và chỉ trong trường hợp của Đức Maria (trong mức độ hiểu biết của chúng ta), bởi vì Mẹ đại diện cho chính Giáo hội, cho tình trạng cứu độ sau cùng của Giáo hội, vốn không còn là một lời hứa đang chờ được hoàn thành nữa nhưng là thực tế. Ở đây, đối với tôi, đoạn Cl 3,3 thật quan trọng: “anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” Nghĩa là, có một điều gì đó tương tự như sự “thăng thiên” của người được rửa tội, mà Ep 2,6 cũng đã trình bày rõ ràng: “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời”. Theo bản văn này thì Phép rửa là sự tham dự việc lên trời cũng như sống lại của Đức Giêsu. Như thế, dựa vào trình thuật Kinh thánh vừa nêu, người được rửa tội đã có sự sống trên trời và họ hiện sống cuộc sống ẩn thân (cuộc sống cá vị nhất) ở trần gian này nơi Thiên Chúa được tôn vinh. Công thức “lên trời” cả hồn lẫn xác của Đức Maria làm mất đi mọi dấu vết của sự tùy tiện suy đoán về quan điểm này. Việc Đức Maria lên trời thực ra chỉ là hình thức cao nhất của việc phong thánh. Mẹ đã sinh hạ Chúa “bằng tâm hồn trước khi [sinh hạ] bằng thân xác của Mẹ” (Augustinô), và do đó, có thể xác định được đức tin của Đức Maria, nghĩa là bản chất nội tại của phép rửa theo Lc 1,45, mà không gặp sự cản trở nào, nhận ra nơi Mẹ chính cái tinh túy của phép rửa. Vì vậy, người ta nói rằng, nơi Mẹ, cái chết được mặc lấy sự vinh thắng của Đức Kitô (x. 1Cr 15, 53) và toàn thể những gì vẫn còn đang chống lại phép rửa (đức tin) đã bị chinh phục hoàn toàn thông qua cái chết của cuộc sống trần thế. Dựa trên nền tảng của Tân ước, thông qua việc kết hợp Lc 1,45 và Ep 2,6, lời khẳng định này đề cập đến Đức Maria một cách rõ ràng, và nó tạo nên mối liên hệ với những bối cảnh có tính dự hình luận (typological) mà chúng ta đang nghiên cứu: toàn thể con người Mẹ đã chịu phép rửa, với tư cách là thực tại cá vị của Giáo hội đích thực, Mẹ không chỉ là sự chắc chắn cứu độ hứa ban cho Giáo hội, mà đồng thời còn là sự chắc chắn cứu độ mà Giáo hội cảm nhận được. Giáo hội đã được cứu độ nơi Mẹ: Israel mới không còn bị chối từ nữa. Nó đã được cất nhắc về trời. Có những bản văn quý giá của các Giáo phụ về chủ đề này, tuy nhiên, chúng cũng chỉ mở rộng thêm những gì đã được đề cập trong Kinh thánh mà thôi.

Để kết luận, tôi muốn đưa ra thêm một lời nhận xét: trong câu chuyện Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, thánh Luca kể lại rằng khi lời chào của Đức Maria vang lên, thì Gioan “đã nhảy lên vui sướng trong lòng mẹ” (1,44). Để diễn tả niềm vui ấy, Luca dùng chính từ σκιρτᾶν (nhảy lên) mà ngài dùng để diễn tả niềm vui của những người được các mối phúc nhắm đến (Lc 6,23). Từ này cũng xuất hiện nơi một trong những bản dịch Hy Lạp cổ của Cựu ước để mô tả việc nhảy mừng của vua Đavít trước Hòm bia Giao ước sau khi đưa hòm bia trở về quê hương (2Sm 6,16). Có lẽ Laurentin hoàn toàn đúng khi nhận ra toàn bộ khung cảnh của chuyến viếng thăm bà Êlisabét có cấu trúc tương tự như trình thuật đưa Hòm bia Giao ước trở về; do đó, việc đứa bé nhảy lên trong lòng thân mẫu tiếp nối niềm vui sướng ngất ngây của Đavít với sự đảm bảo Thiên Chúa đang ở gần. Mặc dù vậy, những gì được diễn tả ở đây thì dường như đã bị lãng quên trong thời đại của chúng ta cho dù nó thuộc về trung tâm của đức tin; điều thiết yếu với đức tin chính là niềm hân hoan trước biến cố Ngôi Lời trở thành người, là việc nhảy mừng trước Hòm bia Giao ước, trong niềm hạnh phúc đến quên mình của người đã nhận ra sự gần gũi cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ dựa trên nền tảng này, người ta mới có thể hiểu được lòng sùng kính đối với Đức Maria. Vượt trên mọi vấn đề, lòng sùng kính Đức Mẹ là niềm vui vô ngần về một dân Israel chân chính, không thể hủy diệt; đó là niềm hạnh phúc khi bước vào niềm vui của bài ca Magnificat và do đó đây là lời ca ngợi Đấng mà toàn thể con người Thiếu nữ Sion mang ơn và cũng là Đấng Mẹ đã cưu mang, Hòm bia Giao ước đích thực, không thể phá hủy, bền vững muôn đời.



Nguồn: Joseph Ratzinger, Daughter Zion - Meditations on the Church’s Marian Belief, translated by John M. McDermott (San Francisco, CA: Ignatius Press, 1983).
Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Đức Trịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập120
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại688,107
  • Tổng lượt truy cập52,857,055

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây