Ngày 22 tháng 12, Quốc hội đã thông qua dự luật cấm các “hung bạo trên cơ thể”.
Đây sẽ có thể là một trong các nghị quyết tốt của năm 2017: không được đét đít, không được bạt tai và ngay cả không được đập nhẹ trên tay. Một nghị quyết tốt nhưng cũng là một mệnh lệnh, vì Quốc hội vừa dứt khoát áp dụng hình phạt theo luật bình đẳng và quyền dân sự cấm “mọi hình thức hung bạo trên cơ thể”.
Ông Pierre Suesser, chủ tịch Nghiệp đoàn quốc gia các bác sĩ bảo vệ bà mẹ và trẻ em nói đến một “bước tiến”. Ông cảnh báo: «Giáo dục phải cho phép trẻ con hướng nội hóa các giới hạn. Giáo dục không thể dựa trên các hung bạo hay sỉ nhục, cả về cơ thể lẫn tâm lý. Cậy vào hình phạt thể xác, dù nhẹ, là để cho trẻ con nghĩ nó có thể dùng bạo lực để đạt được mục đích của mình».
“Không có kiểu yêu cho roi cho vọt”
Ngày nay không còn ai khăng khăng “thỉnh thoảng đét đít cũng không sao”. Theo nhà tâm thần nhi khoa Daniel Marcelli, “không có đét đít nào là tốt”. Hành vi này đưa đến sỉ nhục, “một loại chất độc có hại nhất cho cá nhân cũng như cho xã hội”. Thật vậy, “khi lớn lên, trẻ con đã bị sỉ nhục có khuynh hướng đi sỉ nhục các người kém hơn mình”.
Bác sĩ Marcelli nói tiếp: “Đương nhiên, đây không phải là chuyện pháp lý hóa từng cái bạt tai, nhưng làm cho cha mẹ hiểu, đánh là làm giảm giá trị và tự cho mình quyền mà mình không có trên cơ thể một đứa bé”. Một vài người thường nói để tự bào chữa rằng “tôi đã mất kiểm soát”. Bất trắc là khi chúng ta chấp nhận lập luận này để áp dụng cho tất cả, thì đó là “củng cố thái độ của cha mẹ, vì bất cứ một lý do bâng quơ nào cũng có thể làm cho mình mất kiểm soát”, bác sĩ Marcelli nhấn mạnh.
Dù vậy, theo thống kê của Ifop-Le Figaro, năm 2015, bảy trên mười người Pháp nói họ chống việc cấm đét đít. Bác sĩ Daniel Marcelli giải thích: “Đối với nhiều người lớn đã từng bị đánh khi còn nhỏ, nếu họ ủng hộ sự tiến triển này, thì xem như cha mẹ ruột của mình là những người đã đối xử không đúng”.
“Đừng tước đi dụng cụ giáo dục của cha mẹ”
Về phần mình, bà Dominique Marcilhacy, chủ tịch Hiệp hội Gia đình Âu châu, một Hiệp hội có 15 000 hội viên cho rằng: “Cha mẹ đơn giản chỉ muốn để cho họ yên, Nhà Nước đừng can dự vào việc dạy con của họ”.
Theo bà, “không cho cha mẹ đánh con, khi họ không còn một lập luận nào hiệu quả trên con cái thì giống như tước đi của họ một dụng cụ giáo dục, trong khi nhiều người cảm thấy mình không còn phương hướng nào trong bối cảnh xã hội thường quá khoan dung với các ứng xử xấu”.
Bà Claude Halmos, phân tâm gia, “người đấu tranh chống sự đối xử xấu”, bà cũng chống đối với dự luật được thông qua, thật là ngược đời. “Phương tiện pháp lý hiện nay cho phép phạt cha mẹ đối xử tệ với con cái. Và thường thường là họ không bị phạt cho một số hành động hung bạo của họ, nhất là về mặt tình dục, thường khó chứng minh, và người lớn, giới chuyên gia cũng như láng giềng không phải lúc nào cũng dám tố cáo”.
Theo bà Halmos, cần thiết là phải “phân biệt các cha mẹ đối xử xấu này, nhất là những người dùng hình phạt cơ thể như một cách giáo dục của họ, những cha mẹ bình thường, một ngày nào đó quá bực mình hoặc thấy con mình bắt đầu nguy hiểm, đã đánh con vào đít, thì sau khi đánh xong, thường thì họ hối hận”.
“Sự phá hoại ngầm cảm nhận được hợp pháp”
Bà Claude Halmos tin chắc, khi làm luật về vấn đề này, người ta làm cho các cha mẹ đã bị mất định hướng bị bất ổn, “người ta phá hoại ngầm thêm một chút cảm nhận được hợp pháp mà họ cần để củng cố cho quyền uy của họ. Chính xác là khi họ quá ngao ngán, khi họ không thấy mình còn một chút quyền nào trên con cái, thì các cha mẹ này mới dùng đến roi”. Theo bà, “luật này là có thiện hướng tốt, vậy mà nghịch lý, nó lại làm tăng thêm nguy cơ dùng roi”.
Dù sao Bộ Gia đình và tuổi thơ hỗ trợ việc phạt và làm thay đổi luật dân sự, xác quyết rằng, “tái khẳng định việc cấm các hung bạo bình thường và hàng ngày là góp phần xây dựng một thế giới hòa bình”. Nhưng, như bác sĩ nhi khoa Daniel Marcelli nói, cũng cần phải “củng cố các thiết bị giúp đỡ cha mẹ và dự phòng, ngay từ khi sinh con, phải để ý đến các khái niệm về quyền uy và sức khỏe tâm lý”. Không phải “cất cái roi” đi là đủ. Phải giúp cha mẹ tìm các con đường “không roi”.
Điều khoản mới
Theo điều khoản mới của điều 371 của luật dân sự, quyền uy cha mẹ được dùng để bảo vệ con cái “trong an toàn, sức khỏe, tinh thần của con cái, để bảo đảm cho sự giáo dục và phát triển của con cái, trong sự tôn trọng nhân cách của con cái và loại trừ mọi đối xử hung dữ, làm mất phẩm giá và sỉ nhục kể cả dùng đến các hình thức hung bạo đối với cơ thể”.
Điều khoản này sẽ được đọc trong hôn lễ dân sự và được ghi vào quyển sách phát vào tháng thứ tư của lần mang thai đầu tiên. Sắp tới đây điều khoản này sẽ được ghi vào quyển sổ gia đình. Luật dân sự thì không đổi nhưng pháp chế thì có thể tiến triển và đôi khi phải công nhận có “quyền sửa sai”.
la-croix.com, Denis Peiron, 2016-12-26
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
By phanxico.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn