Ngài đưa ra lời mời gọi này trong sứ điệp Video, gửi các tham dự viên cuộc gặp gỡ về hiệp ước giáo dục hoàn cầu, diễn ra dưới dạng trực tuyến, chiều ngày 15/10/2020, tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Roma. Sáng kiến thiết lập hiệp ước hoàn cầu về giáo dục do Đức Thánh cha Phanxicô khởi xướng và Bộ giáo dục Công giáo dấn thân tổ chức và cổ võ. Hội nghị này được trực tiếp truyền đi qua các mạng xã hội, với phần thông dịch trực tiếp bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhận xét rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra bao nhiêu thiệt hại về mặt kinh tế, xã hội, nhưng cả về mặt giáo dục mà nhiều người gọi là một “thảm họa”: khoảng mười triệu trẻ em buộc lòng phải rời bỏ trường học vì khủng hoảng kinh tế do coronavirus gây ra; sự việc này càng gia tăng hố chia cách trong lãnh vực giáo dục: hơn 250 triệu trẻ em ở tuổi đi học bị loại khỏi mọi hoạt động giáo dục.
Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua là một cuộc khủng hoảng toàn diện, không thể thu hẹp hoặc giới hạn vào một lãnh vực mà thôi. Covid-19 cho thấy rõ trên thế giới, điều đang bị khủng hoảng chính là cách thức chúng ta hiểu về thực tại và tương quan giữa chúng ta với nhau”.
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh cha nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, khả năng biến đổi của giáo dục: “Giáo dục là đánh cuộc và mang lại cho hiện tại niềm hy vọng phá vỡ được thái độ duy định mệnh và chủ bại, qua đó có sự ích kỷ của kẻ mạnh, sự xu thời của kẻ yếu và ý thức hệ ảo tưởng muốn áp đặt, tự coi mình như con đường duy nhất có thể hiện hữu... Giáo dục là phương dược tự nhiên chống lại nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân, nhiều khi biến thành một sự tôn thờ cái tôi và đề cao thái độ dửng dưng.”
Đức Thánh cha nói: “Tương lai của chúng ta không thể là sự chia rẽ, làm nghèo khả năng tư tưởng và sáng tạo, lắng nghe, đối thoại và cảm thông nhau. Ngày nay, cần có sự tái quyết tâm dấn thân về giáo dục, bao gồm mọi thành phần của xã hội. Trong tình trạng đại dịch hiện nay, đầy những ngỡ ngàng và đau buồn, chúng ta thấy rằng đây là lúc cần phải ký kết một hiệp ước giáo dục toàn cầu cho và với các thế hệ trẻ, với sự can dự của gia đình, các cộng đoàn, trường học, đại học, các tổ chức, các tôn giáo, chính quyền, toàn thể nhân loại, trong việc đào tạo những con người trưởng thành”.
Trong số những đề nghị cụ thể, Đức Thánh cha kêu gọi hãy đặt con người với các giá trị, phẩm giá của nó, nơi trung tâm của mọi tiến trình giáo dục chính thức hoặc không chính thức, để làm nổi bật đặc tính, vẻ đẹp, độc nhất vô nhị, và đồng thời khả năng của con người tương giao với tha nhân và với thực tại xung quanh, loại bỏ những lối sống tạo điều kiện cho thứ văn hóa gạt bỏ.
(Rei 15-10-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn