Bốn tấm biển chỉ đường cho người môn đệ thừa sai - Linh mục Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ sáu - 15/11/2024 07:15  493
BỐN TẤM BIỂN CHỈ ĐƯỜNG
CHO NGƯỜI MÔN ĐỆ THỪA SAI

Linh mục Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thời gian gần đây, trong nhiều văn kiện Hội Thánh và đặc biệt trong các bài giảng và tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, người ta gặp thấy một danh từ kép Người Môn Đệ Thừa Sai (Discepolo missionario, Disciple missionnaire). Hình ảnh này rất thân quen trong Tin Mừng. Anrê và Philipphê sau khi được thầy mình là Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu, đã gặp và ở lại với Đức Giêsu ngày hôm ấy. Sau đó Anrê đã giới thiệu Đức Giêsu cho Phêrô, anh mình; còn Philipphê thì giới thiệu cho Nathanael, bạn mình (x. Ga 1,35-51). Người phụ nữ Samaria đã gặp Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp, trò chuyện với Ngài và sau đó, để vò lại, về thành loan báo cho mọi người về Đức Giêsu (x. Ga 4,7-30). Phaolô sau khi đã gặp Đức Giêsu trên đường Đamát qua biến cố ngã ngựa, đã bắt đầu rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường (x. Cv 9, 1-20).
Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 11, 21b-26)
Trong những ngày ấy, có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên nhận tên là "Kitô hữu".
Dựa trên đoạn sách Công Vụ tông đồ, chứng từ truyền giáo của Phaolô và Barnaba chúng ta dừng lại suy gẫm 4 điểm thiết yếu, 4 tấm biển chỉ đường cho cuộc sống của người môn đệ thừa sai, cách riêng cho anh em Linh mục chúng ta.
1. GẦN GŨI VỚI CHÚA
Ơn gọi làm người môn đệ thừa sai xuất phát từ chính ý muốn của Thiên Chúa. Chính Chúa chọn tôi, gọi tôi và sai tôi. ‘Saolô, Saolô tại sao ngươi bắt bớ Ta? –Thưa Ngài, Ngài là ai?- Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ... Lời Chúa nói với Khanania: Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại… Saolô bách hại Hội Thánh. Trên đường Đamát ông đã gặp Chúa Giêsu trong biến cố ngã ngựa, làm biến đổi cuộc đời ông. Ông đã rút lui về Tarxê trong ba năm. Là thời gian để sống gần gũi với Chúa Giêsu, để sau đó có thể tuyên bố rằng: Tôi sống không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi.
Người môn đệ thừa sai làm công việc mà Chúa chỉ định, việc của Chúa. Không làm việc của riêng mình, việc mình ưa thích. Để biết rõ công việc Chúa giao, Người môn đệ thừa sai cần sống gần gũi với Chúa. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15: 5-7).
Người Linh mục được kêu gọi để nuôi dưỡng sự gần gũi này, sự thân mật này với Chúa, và từ mối quan hệ này, Linh mục sẽ có thể rút ra tất cả sức mạnh cần thiết cho chức vụ của mình. Có thể nói, mối quan hệ của chúng ta với Chúa là điều “gắn kết” chúng ta với Ngài. Nếu không có mối quan hệ mật thiết và gần gũi này với Chúa, thánh chức của chúng ta sẽ không có kết quả. Gần gũi với Chúa Giêsu và tiếp xúc hàng ngày với lời của ngài, cho phép chúng ta đo lường cuộc sống của mình rập theo lời Ngài và bảo vệ bản thân khỏi “những vấp ngã”.
Trong thực tế, nhiều khủng hoảng trong đời sống linh mục bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa: Đời sống thiêng liêng có lúc chỉ còn là những thực hành tôn giáo. Sự thân mật với Chúa sinh ra từ lời cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe lời Người, cử hành thánh lễ, thinh lặng tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, phó thác cho Mẹ Maria, đồng hành dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của một cha linh hướng và thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải… Nếu không có những “hình thức gần gũi này”, người linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi không mang lại lợi ích gì.
2. GẦN GŨI VỚI GIÁM MỤC
Phaolô có một thời gian ngắn ở Giêrusalem để gặp Phêrô và Giacôbê (x. Gl 1,17-20).
Vâng phục không phải là một thuộc tính kỷ luật nhưng là dấu hiệu sâu xa nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông. Vâng phục (hay vâng lời bề trên) là học cách lắng nghe, để nhớ rằng không ai “sở hữu” [độc quyền] ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn này chỉ được hiểu thông qua sự phân định. Vì thế, vâng phục là chú ý lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn ấy được nhận biết một cách chính xác trong mối quan hệ, cụ thể là mối quan hệ với người khác– trong trường hợp linh mục là với Giám mục của mình, gần gũi với Giám mục.
Giám mục giáo phận, dù ngài là ai, đối với mỗi linh mục và cho mỗi Giáo hội điạ phương, vẫn luôn duy trì một mối dây liên kết giúp phân định ý muốn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng chính Giám mục chỉ có thể là một phương tiện cho sự phân định này nếu chính ngài chú ý đến đời sống của các linh mục của ngài và của dân thánh Thiên Chúa được giao phó cho ngài chăm sóc.
Không phải ngẫu nhiên mà những thế lực chống Giáo Hội, để phá hủy thành quả công việc của Giáo hội, thường tìm cách phá hoại các mối dây liên kết thiết lập và gìn giữ chúng ta trong sự hiệp thông. Bảo vệ mối liên kết của người linh mục với Giáo hội địa phương của mình, với giáo phận mà anh ta thuộc về, và với vị Giám mục của mình, làm cho đời sống linh mục trở nên đáng tin cậy và chắc chắn. Vâng phục là quyết định cơ bản để chấp nhận những gì được yêu cầu nơi chúng ta, và làm như vậy như một dấu chỉ cụ thể của bí tích cứu độ phổ quát đó là Giáo hội. Điều này nhất thiết đòi hỏi các linh mục phải cầu nguyện cho Giám mục của mình và được tự do bày tỏ ý kiến của mình với sự tôn trọng và chân thành. Nó cũng đòi hỏi các Giám mục phải thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ. Nếu chúng ta có thể duy trì mối ràng buộc gần gũi này, chúng ta sẽ tiến lên một cách an toàn trên con đường sứ vụ Chúa trao.
3. GẦN GŨI VỚI CÁC LINH MỤC KHÁC
Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia
Chính trên nền tảng của sự hiệp thông với Giám mục mà một hình thức gần gũi thứ ba xuất hiện, đó là sự gần gũi của tình huynh đệ linh mục. Chúa Giêsu hiện diện ở bất cứ nơi nào có những người yêu thương nhau: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18: 20). Tình huynh đệ, giống như sự vâng phục, không thể là một sự áp đặt luân lý từ bên ngoài. Tình huynh đệ có nghĩa là lựa chọn có ý thức để theo đuổi sự thánh thiện cùng với những người khác, chứ không phải tự chính mình. Câu ngạn ngữ Châu Phi đã nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng người khác”. Đôi khi có vẻ như Giáo hội chậm chạp, và điều đó đúng. Tuy nhiên, đó là sự chậm chạp của những người đã chọn bước đi trong tình huynh đệ.
Mặt khác, chúng ta đừng bao giờ xem tình huynh đệ là điều không tưởng, Không! Tất cả chúng ta đều biết khó khăn như thế nào để sống trong cộng đồng, bên cạnh những người mà chúng ta đã chọn gọi là anh em của mình. Tình yêu thương huynh đệ chỉ có thể tồn tại và diễn ra, với điều kiện là chúng ta không biến nó trở thành ngọt lịm như loại đường hoá học (Saccharine -ý ĐTC Phanxicô muốn nói ở đây có nghĩa là tình huynh đệ giữa các anh em linh mục không nên giả tạo như loại đường hoá học –). Hãy để cho mình được thử thách và cảm kích bởi những lời của Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13: 35).
Tình huynh đệ linh mục phát triển mạnh thì người linh mục mới có thể trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn. Đời sống độc thân là một món quà (từ Thiên Chúa) mà Giáo hội Công giáo Roma đã bảo vệ và gìn giữ, nhưng nó là một món quà, để được sống như một phương tiện nên thánh, đòi hỏi những quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ với lòng quý trọng và sự tốt lành thực sự bắt nguồn sâu xa từ Chúa Kitô. Không có bạn bè thân và không có đời sống cầu nguyện, đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng nỗi và là một phản chứng cho vẻ đẹp của chính chức vụ linh mục.
4. GẦN GŨI VỚI MỌI NGƯỜI
Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên nhận tên là "Kitô hữu".
Mối quan hệ của linh mục với dân thánh của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta không phải là nghĩa vụ mà là ân sủng: “Yêu thương người khác là sức mạnh thiêng liêng lôi kéo chúng ta kết hợp với Chúa” (Evangelii Gaudium, số 272). Vì lý do này, vị trí thích hợp của mỗi linh mục là ở giữa mọi người, trong mối quan hệ mật thiết với những người khác. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng “để trở thành những người truyền bá Phúc âm nhằm thánh hóa các linh hồn, chúng ta cần phát triển tinh thần gần gũi với cuộc sống của mọi người và khám phá ra rằng đây chính là nguồn của niềm vui lớn hơn.
Là những người loan báo Tin Mừng cho các linh hồn, chúng ta cần phát triển hương vị thiêng liêng của việc sống chan hoà với dân và khám phá ra rằng điều này tự nó là một nguồn vui tuyệt vời. Truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Ngài. Ngài chọn chúng ta từ giữa dân của Ngài và sai chúng ta đến với dân của Ngài; nếu không có ý thức thuộc về dân này, chúng ta không thể hiểu được căn tính thâm sâu của mình. (x. Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng, số 268).
Sự gần gũi với Dân Chúa đòi hỏi chúng ta phải bắt chước “phong cách” riêng của Chúa. Phong cách đó thể hiện sự gần gũi, từ bi và dịu dàng, trong đó chúng ta đóng vai trò không phải là thẩm phán, mà là những người Samaritanô nhân hậu, những người thấu hiểu những vết thương của anh chị em mình, những đau khổ thầm lặng của họ. Một phong cách gần gũi cho phép chúng ta xoa dịu vết thương và công bố một năm hồng ân của Chúa (x. Is 61: 2). Cần phải nhớ rằng người giáo dân đang mong ước tìm thấy những người chủ chăn theo phong cách của Chúa Giêsu. Không phải “những người làm chức năng giáo sĩ” hay “những chuyên gia tâm linh”, mà là những người mục tử (shepherds) đầy lòng trắc ẩn và quan tâm.
Có một hình thức cầu nguyện thúc đẩy chúng ta đặc biệt dấn thân cho công cuộc truyền giáo và tìm kiếm lợi ích của người khác, đó là: kinh nguyện chuyển cầu. Chúng ta hãy dừng lại ít phút và nhìn vào cõi lòng của Thánh Phaolô để xem kinh nguyện của ngài như thế nào. Kinh nguyện của ngài đầy ắp những con người: “...Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, ... bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi” (Pl 1:4, 7). Thái độ này trở thành một kinh nguyện tạ ơn Thiên Chúa cho người khác: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Kitô Giêsu” (1 Cr 1:4); “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em” (Pl 1:3)
Khi cầu nguyện, vị linh mục mang trong mình nỗi buồn và niềm vui của đoàn dân mình, mà ngài trình bày trong thinh lặng với Chúa, để được xức dầu bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là niềm hy vọng của mỗi chủ chăn, kẻ tin cậy và làm việc không mệt mỏi để xin Thiên Chúa ban phước lành cho đoàn dân của mình (anh chị em giáo dân trong xứ đạo của mình).
KẾT
Những hình thức gần gũi mà Chúa đòi hỏi không phải là một gánh nặng thêm vào nhưng là một món quà mà Người ban để giữ cho ơn gọi linh mục của chúng ta được sống động và kết quả. Ngài cho các anh em linh mục những tấm biển chỉ đường để đánh giá cao và khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo: gần gũi với Thiên Chúa, với Giám mục, với anh em linh mục và với những người được giao phó cho mình chăm sóc. Một sự gần gũi theo “phong cách” của chính Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi với chúng ta, đầy lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu dàng.

Linh mục Phêrô Phạm Ngọc Lê

Dựa theo:
- Discorso del Santo Padre Francesco ai partecipanti al simposio "per una teologia fondamentale del sacerdozio" [Aula Paolo VI Giovedì, 17 febbraio 2022]
-Tông Huấn Evangelii Gaudium

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại683,969
  • Tổng lượt truy cập52,852,917

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây