Thánh Luca thuật lại cho chúng ta, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, mấy người phụ nữ trước đây đã theo Chúa đến viếng mộ Người, và thực hành nghi thức tẩm liệm, vì trước đó, việc an táng Chúa Giêsu được làm vội vàng do những quy định của ngày lễ Vượt Qua. Tuy vậy, khi đến mộ, các bà hoảng sợ trước một sự kiện khác thường, đó là hai người đàn ông y phục sáng chói. Những người này nói với các bà: Người đã trỗi dậy rồi! Người đã phục sinh! Những lời này làm cho nỗi kinh hoàng của các bà trở thành niềm vui. Sau những ngày bi thương của Tuần Thánh, Phụng vụ khẳng định với chúng ta: Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ những kẻ chết. Hãy vui lên, vì Người đã phục sinh!
Khi Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng, một số phụ nữ đi theo Người, vừa để đón nhận giáo huấn của Chúa, vừa để phục vụ Người và các môn đệ trong những nhu cầu cuộc sống. Tuy vậy, mặc dù gần Chúa hằng ngày, họ vẫn chưa sẵn sàng đón nhận ý nghĩa của thập giá cũng như cuộc khổ nạn đau thương của Người. Đối với họ, việc Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên cây thập giá là chấm hết mọi chuyện. Vì vậy, họ ra mồ từ sáng sớm để tẩm liệm xác Chúa. Lời nói của hai vị sứ thần áo trắng đã giúp họ tỉnh ngộ. Hai vị này cũng nhắc các bà hãy nhớ lại những gì Chúa đã nói trước đó, để xác tín vào sự phục sinh của Chúa. Chúa phục sinh đã đổi mới quan niệm của những người phụ nữ này, giúp họ có một quan niệm mới mẻ về sứ vụ thiên sai cũng như cuộc khổ nạn thập giá. Ngay lập tức, họ chạy đi báo tin cho các tông đồ. Niềm xác tín nơi Chúa Phục sinh đã thúc đầy các bà loan báo tin vui này cho mọi người.
Về phần các môn đệ, sự kiện phục sinh của Chúa được các ông coi như “chuyện vớ vẩn” cũng theo cách diễn tả của Thánh Luca (x. Lc 24,11). Thế mới rõ, sau ba năm theo Thày Giêsu, họ vẫn chưa hiểu rõ sứ mạng của Người. Dưới cái nhìn của họ, Chúa Giêsu chỉ giống như một vĩ nhân của thời đại, hoặc như một nhà cách mạng đứng lên lãnh đạo đám dân nghèo để đấu tranh đòi quyền sống và những nhu cầu cần thiết xứng với phẩm giá con người. Việc hai môn đệ chán nản bỏ Giêrusalem, “chốn phồn hoa đô thị và đầy ảo tưởng”, để trở về với chốn cũ quê xưa, cho thấy quan niệm mang tính trần thế của họ về Thày mình. Bỏ Giêrusalem cũng là chấm hết việc theo Thày Giêsu. Chúa phục sinh đã mở mắt cho họ (x. Lc 24,31), không chỉ để nhận ra Người là vị Thày đã chết và đã sống lại, nhưng còn nhận ra sứ vụ thiên sai của Người, để rồi từ đó, các ông xác tín một niềm đi theo Chúa, sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau. Niềm xác tín nơi Chúa Phục sinh giúp các môn đệ thấu hiểu sứ điệp Tin Mừng.
Ý thức bổn phận được sai đi để tiếp nối sứ mạng của Chúa, Đấng đã về trời và sẽ ngự đến, các môn đệ chuyên cần loan báo Lời Chúa cho cộng đoàn tín hữu. Sự kiện Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết giúp các ông nhớ lại những gì Chúa đã rao giảng, và nhìn với một lăng kính mới, chúng ta gọi là “hậu phục sinh”. Niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh đã liên kết mọi tín hữu với nhau, đến nỗi mọi người không còn kể của gì là của riêng, nhưng đều là của chung, dưới sự hướng dẫn của các tông đồ (x. Cv 2,42-47). Niềm tin này cũng giúp mọi tín hữu san bằng những khoảng cách, xóa đi mọi khác biệt, để nhất tâm phụng thờ Chúa và xây dựng vương quốc của Người. Tin vào Đấng phục sinh cũng giúp cho nhiều người gốc Do Thái, sẵn sàng từ bỏ Do Thái giáo, từ bỏ phụng vụ hội đường để gia nhập cộng đoàn Kitô hữu. Đây là sự can đảm đáng khâm phục. Vì dưới cái nhìn của các kỳ mục và phần đông dân chúng Do Thái, cộng đoàn Kitô hữu lúc bấy giờ là nhóm “lạc giáo”, “rối đạo”. Vị thủ lãnh của cộng đoàn này đã bị đại diện chính quyền La Mã cũng như Công nghị Do Thái ra quyết định tử hình, và án tử hình đã được thi hành cách công khai, người đương thời ai cũng biết. Vậy mà cộng đoàn ấy lại đang phát triển mạnh mẽ, nhờ sức sống của Đấng phục sinh. Các tông đồ tin vào lời Chúa đã hứa: “Này đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa ấy đã giúp các ông kiên định vững vàng, dù phải trải qua nhiều đau khổ do đòn vọt và sự chống đối tư bề. Niềm xác tin nơi Chúa Phục sinh đã giúp cộng đoàn tín hữu tăng trưởng mạnh mẽ và liên kết mật thiết với nhau trong tình bác ái.
Trước sự lan rộng và tăng trưởng của một nhóm người nhỏ bé, chính quyền dân sự cũng lo ngại, nhất là một số kỳ mục Do Thái. Một số người đã từng tham gia vào việc giết Chúa Giêsu, nay lại tìm cách vu khống cho các tín hữu. Họ căm giận và tìm cách tiêu diệt những ai tin vào Danh Giêsu. Trong số họ, có một thanh niên thuộc dòng dõi biệt phái và rất nhiệt thành với danh Đức Giavê, đã xin giấy giới thiệu của thày Thượng tế để truy bắt và tàn sát các Kitô hữu. Chàng thanh niên ấy là Saolô. Saolô lên đường trong tâm trạng đằng đằng sát khí, bắt trói giải về Giêrusalem tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu, bất luận đàn ông hay đàn bà (x. Cv 9,1-2). Chúa Giêsu phục sinh đã đến gặp Saolô trên đường đi Đamát. Những lời chất vấn của Chúa đã biến đổi cuộc đời ông. Nếu Saolô chưa có mặt cùng với các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, thì cuộc gặp gỡ này chính là một lễ Ngũ Tuần Chúa dành riêng cho ông. Chúa đã giúp ông ngộ ra rằng, không thể “đưa chân đạp mũi nhọn” được, vì sẽ chuốc lấy nguy hiểm thất bại. Chúa đã đổi hướng cuộc đời ông. Ông vẫn nhiệt thành hăng hái như thế, nhưng thay vì giết các Kitô hữu, thì ông lại rao giảng về Đấng họ tin theo. Ông là một tông đồ đặc biệt, được chính Chúa giáo huấn, để truyền lại những giáo huấn đó cho các tín hữu (x 1 Cr 11,23). Dọc theo lịch sử hai ngàn năm, Đấng Phục sinh đã quy phục biết bao Saolô, biến đổi họ từ những người thù ghét Giáo Hội trở nên những tông đồ nhiệt thành. Chúa Phục sinh đã biến đổi lòng người, giúp họ nhận ra Chân lý và trở nên người loan báo Chân lý.
Người đã phục sinh! Giáo Hội hôm nay tiếp tục loan báo với toàn thế giới tin vui này, mặc dù theo quan niệm của nhiều người, việc Chúa sống lại là điều không tưởng. Chẳng phải thời nay người ta mới nghĩ thế, mà ngay từ thời ban đầu, đã có nhiều người không tin vào sự kiện phục sinh của Chúa, thậm chí còn hối lộ để thuê người phao tin rằng: xác Chúa Giêsu đã bị các môn đệ đánh cắp! (x. Mt 28,11-15). Đối với chúng ta là Kitô hữu, mầu nhiệm Phục sinh soi sáng cuộc đời, đem lại niềm vui và thắp lên hy vọng giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống. Chúa Giêsu đã sống lại. Chúng ta được mời gọi hãy sống lại với Người. Trong bài giáo lý ngày thứ Tư, 28-3-2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Nếu anh chị em đã được sống lại với Đức Kitô, thì hãy tìm kiếm những sự trên trời, chứ không phải những sự dưới đất” (Col 3,1-3). Anh chị em hãy nhìn lên, nhìn lên chân trời, mở rộng chân trời của mình: đây là đức tin của chúng ta, đây là sự công chính hoá của chúng ta, đây là tình trạng ân sủng! Thực ra, qua Bí tích Rửa tội chúng ta đã sống lại với Chúa Giêsu và đã chết với những sự việc và luận lý của thế gian; chúng ta đã được tái sinh như những thụ tạo mới: một thực tại đòi buộc phải trở nên một sự hiện hữu cụ thể từng ngày”. Niềm xác tín nơi Chúa Phục sinh giúp chúng ta canh tân đổi mới mỗi ngày.
Mừng lễ Phục Sinh, Bạn và tôi, chúng ta phải trở nên con người mới. “Những cái cũ đã qua, và đây, mọi sự đang trở nên mới.” (2 Cr 5,17). Nhờ những điều mới mẻ ấy, với ơn Chúa, chúng ta đang góp phần thắp sáng cuộc đời, với ánh sáng của Đấng Phục sinh. Hải Phòng, Lễ Phục sinh 2018
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org