Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu: Noi gương Thánh Tâm Chúa
Lòng sùng kính Thánh Tâm không chỉ là việc tôn vinh ảnh tượng Thánh Tâm bên ngoài, nhưng là nhận biết tình yêu lớn lao của Người đối với chúng ta, để yêu mến Người ngày càng nhiều hơn. Yêu không chỉ bằng lời nói, mà bằng việc làm. Và yêu mến Người để đền bù những sự xúc phạm đến Thánh Tâm Người. Luôn suy niệm lời Người kêu gọi: “Ít là con, hãy yêu mến Cha”.
1. “ Hãy học với Tôi”
Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu không cốt ở những sinh hoạt bên ngoài, dưới những chiêu bài rầm rộ, lôi kéo sự chú ý của đám đông, nhưng bắt đầu cách âm thầm khiêm tốn, là suy niệm Lời Chúa và chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa. Một cách đơn sơ nhưng vững chắc là trở lại giáo huấn Tin Mừng.
Để trở nên mục tử theo lòng Chúa, chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng Thánh Tâm mà còn học nơi Thánh Tâm những đức tính cần thiết cho người môn đệ và người tông đồ. Đức tính cốt yếu mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách minh nhiên, đó là: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học với Tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Hiền lành và khiêm nhượng. Dễ nói, nhưng khó thực hành. Tuy nhiên khi một người thực sự là môn đệ của Thầy chí thánh, thì luôn phảng phất bóng dáng của Thầy, mà dấu ấn là “hiền lành và khiêm nhượng”.
Nơi Thánh Claude la Colombière, vị Tông đồ Thánh Tâm người ta đọc thấy những nét đặc trưng của Thánh Tâm: “Mang nhiều đau khổ trong tâm hồn, bệnh tật trong thân xác, ngài luôn giữ được “trái tim không cay đắng, không chua chát, nhưng đầy trìu mến với những người thù địch, và không một bất công nào, không một ngược đãi nào có thể làm dấy lên một chút hận thù”.
Nhất là một lòng tín thác lớn lao vào sự trợ giúp của Thánh Tâm. Có lẽ không đức hạnh nào đẹp lòng Chúa hơn là hoàn toàn tin tưởng và trông cậy Chúa, như Người nói về Claude la Colombière, “tôi tớ trung tín và người bạn hoàn hảo”: “chớ gì cha ấy đừng ngã lòng trước những khó khăn mà cha sẽ gặp phải, vì sẽ không thiếu những trở ngại; nhưng cha ấy phải hiểu rằng người nào biết quên mình hoàn toàn để chỉ trông cậy vào Cha, người ấy là kẻ toàn năng.”
Nhưng trước khi học được sự hiền lành và khiêm nhượng, người môn đệ phải học và xin cùng Chúa ban cho trái tim biết yêu thương như chính Chúa, vì đây là giới răn mới mà Chúa truyền dạy cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; 15,12).
2. Yêu như Thầy đã yêu
Học yêu thương như Thầy đã yêu, chứ không phải theo cách của loài người và cũng không theo cách riêng, tức là trí tưởng tượng, của mỗi người.
1/ Học yêu thương như Thầy: trước tiên là phải học luôn sống theo ý Cha (Ga 4,34). Và vì yêu thương Cha, nên Người đã tự hiến: “để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 15,31).
Vì tình yêu đối với Cha, Chúa Giêsu đã học vâng phục, tự hạ… “cho đến chết và chết trên cây thập tự“ (x.Ph 2,8).
Yêu thương đối với Chúa Giêsu là dâng hiến chính mình cho Cha, để cứu độ nhân loại: “Vì họ con xin thánh hiến chính mình…” (Ga 17,19).
2/ Kế đến học yêu thương như Thầy là học con đường phục vụ như những người tôi tớ giữa cộng đồng Giáo hội và anh em đồng loại.
“Thầy ở giữa anh em như người phục vụ” (Lc 22,25-28).
“Con Người không đến để được hầu hạ, phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10,45).
Nhưng cần phải hiểu ý nghĩa của từ phục vụ trên môi miệng Chúa Giêsu. Ơ thế gian người ta cũng sử dụng (hay đúng hơn lạm dụng) từ phục vụ “theo nghĩa lợi dụng kẻ khác cho ý đồ riêng tư của mình. Không có gì đáng ghê tởm hơn là việc phục vụ của những kẻ có quyền chức muốn tỏ ra mình là kẻ ban ơn, giáng phúc. Phục vụ trong sự huênh hoang tự đắc và đầy vẻ thương hại, nếu không nói là khinh thị đối với những kẻ thấp kém hơn mình.
Việc phục vụ của Chúa Giêsu là việc phục vụ khiêm tốn, như người tối tớ quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,13-16). Chẳng những thế, việc phục vụ của Chúa Giêsu còn đi đến tận cùng bằng “việc hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).