Các bài học từ chuyện con gà trong năm mới Đinh Dậu 2017.

Chủ nhật - 15/01/2017 22:08  1530
Bài Học Tâm Linh khởi đi từ chuyện con gà
 
Dẫn nhập 
Thế giới này là một kỳ công tuyệt vời của Thiên Chúa; chiêm ngắm tác phẩm vĩ đại ấy, chúng ta có thể biết được Tác Giả của kỳ công này tuyệt mỹ và kỳ tài biết bao. Không có vật gì hiện hữu trên trần gian này, mà không phản ánh tình thương và và sự tốt lành của Thiên Chúa. Và qua vạn vật, chúng ta cũng có thể rút ra bài học làm thăng tiến đời sống con người. Những phát minh của khoa học, không phải là bắt chước những gì đã có sẵn trong thế giới tự nhiên đó sao?
Vậy chẳng lẽ, qua đời sống, những đặc tính của các loài sinh vật, con người không rút tỉa được gì cho đời sống tâm linh của mình ? Nhìn đàn kiến tha mồi, chúng ta có thể học được bài học "đoàn kết là sức mạnh", bài học về sự cần mẫn; nhìn con chó trung thành với chủ, chẳng lẽ con người lại không được nhắc nhở để sống hai chữ tín trung; hay nhìn bày ong thợ vây quanh ong chúa, chúng ta cũng có thể học được thế nào là tinh thần tùng phục. Trước thềm xuân mới Ất Dậu, chúng ta thử rút ra vài gợi ý cho đời sống tâm linh từ chuyện con gà.
Trong văn hoá Việt Nam, đặc biệt với nét tranh Làng Hồ, hình ảnh chú lợn ủn ỉn, hình ảnh "con gà cục tác lá chanh" . là những nét chấm phá rất tuyệt vời về một làng quê Việt Nam an bình, dung dị; với những triết lý sống rất nhân bản, thiên nhiên gần gụi với con người. Cảnh vật có thể nói thay cho con người, có những điều nhiều khi con người không diễn tả hết được. Hãy nhìn những chú gà trống cần mẫn báo giờ thức trước bình minh, nhìn những mẹ gà che chở con mình dưới cánh, nhìn cách chúng kiếm mồi cho con, cách chúng mạo hiểm để bảo vệ đoàn con của mình; và hãy nghe những tiếng "c.ụ.c t.á.c" của gà mẹ khi vừa đẻ trứng... Chúng ta có thể rút ra bài học tâm linh từ những chuyện hết sức vụn vặt và đời thường như thế.
1. Bài học về sự thức tỉnh
Chẳng biết từ bao giờ, tiếng gà trống gáy đã là tiếng đồng hồ báo thức diệu kỳ cho con người ở những vùng quê êm ả. Sự thức tỉnh đều đặn, và tiếng gáy vang vọng của những chú gà đã làm nên nét đặc sắc của buổi binh minh thôn giã. Từ tiếng gà gáy sáng đó, chúng ta suy nghĩ về sự thức tỉnh của lòng người.
Thức tỉnh là không ngủ mê. Thức tỉnh là nhiệm vụ của người lính canh. Trong khi mọi người yên giấc, người tuần phiên phải luôn thức tỉnh để canh phòng. Ðức Giêsu đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta về sự tỉnh thức : "Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến" (Mt 24,42). Hãy tỉnh thức và sẵn sàng như những đầy tớ luôn mau mắn khi nghe tiếng chủ gọi và mở cửa ngay, như những trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị sẵn dầu đèn để đón Chàng Rể, dầu cho Chàng đến bất chợt lúc đêm hôm khuya khoắt (Xc. Mt 25,1-13).
Trong đời sống đức tin, sự thức tỉnh luôn là điều hệ trọng. Thức tỉnh để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống; thức tỉnh để thấy được mình đang đi đúng hướng hay trệch đường; thức tỉnh để khám phá ra dấu chỉ tình thương Thiên Chúa trên hành trình đức tin; thức tỉnh để đọc ra những dấu chỉ của thời đại mình đang sống; thức tỉnh để luôn sẵng sàng mở cửa đón Chúa vào dùng bữa với mình; thức tỉnh để chu toàn nhiệm vụ của người lính canh trước sự rình mò của bao thế lực sự dữ. Cha Anthony de Mello đã xuất bản cả một tập sách suy niệm với chủ đề về sự thức tỉnh này.
Trong thực tế cuộc sống, rất nhiều khi ta ngủ mê giữa ban ngày, ngủ mê trong danh, lạc, thú; ngủ mê với những thành kiến và muôn vàn nỗi lắng lo bề bộn. Rất cần một tiếng "gà gáy" trong đời sống tâm linh, để phản tỉnh, như Tông đồ Phêrô đã phản tỉnh và nhận ra được sự bất trung của mình đồng thời khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa. Rất cần một tiếng gà gáy báo hiệu từ sâu thẳm nội tâm, để chúng ta có thể làm một cuộc trở về và định hướng cho một hành trình đức tin phía trước còn diệu vợi. Nhìn lại và định hướng, đó chính là cán cân giúp cho cuộc sống được thăng bằng. Sẽ chẳng bao giờ biết nhìn lại, biết định hướng, nếu mình cứ ngủ mê. Một lần nữa tiếng gà lại nhắc nhở chúng ta: hãy thức tỉnh. Từ sự thức tỉnh này, chúng ta lại tiếp tục quan sát để rút ra bài học quý giá thứ hai: 
2. Bài học về tình yêu thương
Hãy quan sát hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, chúng ta sẽ thấy được dấu chỉ của một tình yêu hết sức tuyệt vời. Tình yêu luôn là sự bao bọc, che chở. Ngôn sứ Isaia đã mượn hình ảnh này để diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho con người : Thiên Chúa yêu thương dân Người như mẹ hiền ấp ủ con thơ (Xc Is 49,13-16). Cả dòng lịch sử cứu độ, là lịch sử của một dòng chảy yêu thương. Xuyên bao tất cả mọi biến cố chính trị, văn hoá, xã hội.Thiên Chúa đã yêu thương dẫn dắt dân Người. Dân đã đọc ra trong tất cả những biến chuyển của dòng lịch sử ấy, là cả một bàn tay quan phòng và che chở của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta ngang qua một cách thức rất con người. Sách Diễm Ca diễn tả tình yêu này bằng ngôn ngữ tỏ tình, tỏ tình với cô nàng là người yêu sắp cưới (Xc. Dc 4,12-16). Êdêkien quảng diễn tình yêu Thiên Chúa như tình yêu của chồng đối với vợ, Thiên Chúa yêu thương bao bọc Israel từ thuở ban đầu (Xc. Ed 16, 1-14). Hôsê thì lại cho thấy một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa đó là sự quảng đại, thứ tha, trung tín, như người chồng sẵn sàng tái lập hôn ước với người vợ bất trung, mà chính cuộc đời ông như là một dấu chỉ (Xc. Hs 2, 16-25). Qua những cách diễn tả rất con người như thế, chúng ta có thể phần nào nhận ra và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và đọc ra chính lịch sử đời mình trong dòng lịch sử tình yêu. Tình yêu cốt ở điều này, là Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước (Xc. 1Ga 4, 7-27). Tình yêu Thiên Chúa ví tựa dòng sông, và thượng nguồn chính là nơi bị lưỡi giáo đâm thâu, nơi trái tim Ðức Giêsu mở ra để nguồn suối cứu độ tuồn trào, nơi phát sinh các bí tích của Hội thánh.
Bài học về tình yêu thương chẳng ai có thể thuộc được trong một sớm một chiều, bởi tình yêu luôn là huyền nhiệm, là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, là báu vật được chôn dấu kỹ ngay trong chính thửa đất tâm hồn của mỗi con người; tình yêu luôn có đấy, nhưng con người luôn phải khát khao tìm kiếm và nỗ lực đáp trả. Chỉ có ai dám can đảm đánh đổi, đánh đổi cả gia tài, đánh đổi cả mạng sống, thì mới có thể cảm nhận được thực sự thế nào là tình yêu. Qua hình ảnh đôi cánh gà mẹ ấp ủ con, tuy không thể nói lên nhiều, nhưng cũng có thể nhắc nhở cho chúng ta một điều vô cùng quý giá : như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, Chúa thương yêu ấp ủ ta đêm ngày.
Với bài học về tình yêu thương , chúng ta còn được mở ra thêm với bài học mới, bài học về sự hy sinh quên mình:
3. Bài học về sự quên mình
Cứ nhìn cảnh gà mẹ chăn con, ta học được nhiều điều thú vị. Mẹ gà luôn liên tục c.ụ.c c.ụ.c gọi con, chân đào bới tứ túng để tìm mồi, và khi tìm thấy thức ăn, mẹ gà dành hết cho con. Thiên Chúa phú bẩm thật tài tình, từ thú vật cho tới loài người, tình mẫu tử lúc nào cũng mênh mông và tuyệt vời như thế. Một chút nhìn ngắm và quan sát cuộc sống, ta có thể khái quát một đặc tính của tình yêu, đó là sự trao ban, sự hy sinh quên mình. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa chính là một tình yêu như thế.
Kinh thánh cho chúng ta rất nhiều hình ảnh về một tình yêu chất nặng sự hy sinh này. Từ trong Cựu ước, hy lễ của I-xa-ác đã là hình ảnh báo trước về hy tế tình yêu của Chúa Kitô (Xc. St 22), hy lễ chiên vượt qua (Xc. Xh 12,1-27) là dấu chỉ rất điển hình về sự hy sinh đó; và rồi chính Ðức Giêsu, Ðấng các ngôn sứ, đặc biệt là Isaia đã phác hoạ là hình ảnh của người Tôi Trung chịu chết cho muôn người (Xc. Is 42, 49, 50, 52). Không còn tình yêu nào vĩ đại và hùng hồn hơn tình yêu của Ðức Giêsu, khi Người chịu chết trên thập giá, khi Người chịu lưỡi đòng đâm thâu, khi Người trao trọn bản thân mình làm lương thực cho con người trong bí tích Thánh Thể. Ðức Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ đến cùng. Khi biết giờ đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Người rửa chân cho họ trong bữa Tiệc Ly và ban cho họ giới răn yêu thương (Xc. Ga 13, 1-17). Ðể trao lại cho họ bảo chứng tình yêu này, và cho họ được tham dự vào cuộc Vượt Qua của mình, Người thiết lập Bí tích Thánh Thể để tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Người và truyền lệnh cho các tông đồ mà "Người đã đặt làm tư tế của Giao ước mới, cử hành bí tích này cho tới khi Người lại đến" (Xc. CÐ Trentô : DS 1740).
Ðức Giêsu đã chọn Lễ Vượt Qua để thực hiện điều Người báo trước ở Caphanaum là ban Mình Máu Người cho các môn đệ:
"Ðã đến ngày lễ Bánh không men, Ðức Giêsu sai các ông Phêrô, Gioan đi và dặn : "Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua ." Các ông ra đi . và dọn tiệc Vượt Qua. Khi tới giờ ăn tiệc Vượt Qua, Ðức Giêsu vào bàn với các tông đồ. Người nói với các ông: "Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa" . Rồi Người cầm lấy tấm bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các ông và nói : "Ðây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa mới làm, mà tưởng nhớ đến Thầy". Rồi đến tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em" (Lc 22,7-8; 13-16; 19-20).
Trong bữa Tiệc Ly, khi Ðức Giêsu cùng mừng lễ với các tông đồ, Người đã đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho lễ Vượt Qua của Người Do Thái. Tiệc Ly tiên trưng cho cuộc Vượt Qua mới : trong cuộc tử nạn và phục sinh, Ðức Giêsu vượt qua để về cùng Chúa Cha. Cuộc Vượt Qua này được cử hành trong bí tích Thánh Thể, bí tích này hoàn tất lễ Vượt Qua của người Do Thái và tiên báo vuộc Vượt Qua cuối cùng của Hội thánh vào vinh quang Nước Trời (GLHTCG số 1340).
Thiết tưởng nên khép lại bài học về một tình yêu hy sinh đến quên mình bằng cách dừng lại nơi bí tích Thánh Thể; từ nguồn mạch Thánh Thể này, chúng ta lại có một khởi điểm mới để tiếp tục khám phá ra thế nào là một tình yêu luôn trao ban, trao ban đến tận cùng. Và bây giờ, chúng ta lại trở về với xuất phát điểm là hình ảnh con gà, để tìm ra một bài học khác, bài học cần thiết cho đời sống tâm linh: 
4. Bài học về lòng can đảm
Bài học này ta rút ra được từ hình ảnh mẹ gà can đảm chiến đấu mãnh liệt với kẻ thù để bảo vệ đoàn con, mặc cho nguy hiểm, mặc cho kẻ thù có thể mạnh mẽ hơn mình. Ở những bài học trước, chúng ta tập trung về phía Thiên Chúa; riêng về hai bài học sau này, chúng ta nhấn mạnh về phía con người nhiều hơn.
Trong các nhân đức luân lý, can đảm là một trong bốn nhân đức trụ. Chúng ta thấy lòng can đảm này sẽ nổi bật trong các chứng từ của những vị tử đạo. Chúng ta không được diễm phúc tử đạo, nhưng lời mời gọi sống đạo, cũng cần lòng can đảm không kém. Chúng ta có can đảm chọn lựa Chúa, chọn lựa thánh ý Thiên Chúa, thay vì chọn lựa tiền bạc, danh vọng, ý riêng của mình? Chúng ta có can đảm nói không với những chước cám dỗ? Chúng ta có can đảm ra khỏi con người nhỏ hẹp ích kỷ của mình, để có thể yêu thương mọi người, yêu thương không tính toán? Chúng ta có can đảm làm chứng cho Chúa ngay trong sự tẻ nhạt của cuộc sống đời thường?.
Hàng loạt câu hỏi tương tự như thế có thể được đặt ra, và câu trả lời không phải chỉ là "điền vào chỗ trống cho thích hợp" mà phải là một sự can đảm chọn lựa trong cuộc sống. Có thể nói, đời sống Kitô hữu, là một cuộc đời phải luôn can đảm chiến đấu; chiến đấu để giữ vững đức tin, chiến đấu để vượt thắng những nhỏ nhoi ích kỷ, chiến đấu để vượt qua yếu đuối và tội lỗi. Tóm lại một điều, chẳng có cuộc chiến đấu nào mà không cần đến lòng can đảm cả. Chẳng ngờ bài học từ chuyện một con gà, mà sao cũng quá khó, quá cam go! Can đảm chẳng phải là điều ngửa tay để xin cho, mà là mời gọi chúng ta phải nỗ lực tập luyện luôn mãi, phấn đấu luôn mãi, hy sinh luôn mãi.
Chúng ta đã lướt qua bài học về sự thức tỉnh, bài học về lòng yêu thương, bài học về sự hy sinh quên mình, và bài học về lòng can đảm; bây giờ xin tạm khép lại hành trình với bài học cuối:
5. Bài học về việc loan báo niềm vui
Niềm vui chẳng phải chỉ đến khi tiếng gà gáy gọi bình minh khởi đầu một ngày mới; nhưng niềm vui còn tràn ập tới khi mẹ gà đẻ trứng, từng tiếng cục ta cục tác vang rộn lòng người. Chứng kiến hiện tượng này, chúng ta chợt liên tưởng đến chắc hẳn đây phải là những lời loan báo niềm vui, niềm vui được thoát thai từ những nỗi đau đớn.
Thời đại chúng ta đang thiếu những lời loan báo niềm vui như thế. Hơn bao giờ hết, con người hôm nay cần được loan báo niềm vui, niềm hy vọng. Bởi vì con người vốn là bất toàn, và chẳng bao giờ con người nguôi ngoai niềm hy vọng hướng về Trọn Vẹn. Con người luôn là thân phận lữ hành, và niềm hy vọng vẫn là điều không thể thiếu đối với con người trong cuộc hành hương.
Nếu phải gọi tên niềm hy vọng của con người cụ thể hôm nay là gì, ta có thể tạm gọi đó là niềm hy vọng hạnh phúc. Người ta xoay sở mọi cách để có được hạnh phúc. Người ta lao đầu vào chính trường, vào chính trị, vào làm ăn kinh tế, hay ngay cả vào các đời sống tôn giáo, cùng là để tìm hạnh phúc. Ngay cả những kẻ lãng tử, xì ke ma tuý, đua xe, nhậu nhẹt. tất cả cũng đều muốn tìm cho đời mình một ý nghĩa, một niềm vui, hay là đi tìm hạnh phúc. Và con người chẳng bao giờ có hạnh phúc thật sự, bao lâu nỗi ám ảnh của thần chết vẫn ở bên cạnh mình. Như vậy, niềm hy vọng hạnh phúc có thể gọi tên cụ thể hơn là niềm hy vọng con người được bất tử. Nhưng "nhân sinh tự thủy thùy vô tử" - từ xưa đến nay, nào có ai không phải chết bao giờ? Ngày nay, xã hội càng văn minh, càng dồi dào vật chất, càng ê hề hưởng thụ, thì dường như nhu cầu tâm linh của con người ngày càng mãnh liệt hơn. Nhiều giáo phái ra đời, nhiều con người tìm về những gì là tín ngưỡng, là tâm linh, là tôn giáo, đặc biệt người ta khát khao những giá trị như là cầu nguyện, tĩnh lặng, thiền. Ðó là những dấu chỉ khao khát hạnh phúc, khao khát sự trường tồn, bất tử.
Bên cạnh đó, cuộc sống đâu phải lúc nào cũng mát mái xuôi chèo. Thử thách, thất bại, cô đơn. là những đà trượt đẩy con người vào nỗi thất vọng khủng khiếp. Khủng hoảng trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi; chính vì thế, rất cần những con người loan báo niềm vui; vui để vượt qua thử thách, vui để nhận ra dấu hiệu của sự sống ngay trong những đổ nát và khủng khoảng của cuộc đời mình. Mỗi chúng ta cần phải là người tuần canh như là tiếng gà gáy báo sáng, để thức tỉnh lòng người; cần phải là người loan báo niềm vui như tiếng gà cục tác sau khi đẻ trứng, để nhắc nhở mọi người về một niềm vui tiềm ẩn, niềm vui từ những khó khăn, khủng hoảng và thử thách trong cuộc sống. Nẻo đường hy vọng phải là một lối mở tâm linh cho con người thời đại hôm nay. 
Kết luận
Thiên Chúa có nhiều cách để nói với con người; qua vạn vật, Người đã gởi gắm nơi đấy sứ điệp yêu thương, và nhiều bài học về đời sống tâm linh quý giá. Khởi đi từ hình ảnh con gà, chúng ta đã gợi ra một vài điều suy niệm. Mong rằng, qua mọi hình ảnh, mọi biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống, chúng ta luôn nhận ra dấu vết Thiên Chúa in đậm trong cõi nhân sinh này.
Trong hành trình tâm linh, mỗi người phải đọc ra lịch sử cứu độ đời mình trong dòng lịch sử cứu độ chung của cả nhân loại. Tất cả những biến cố xảy ra trong lịch sử chung hay trong chính lịch sử đời ta, đều là những dấu chỉ, là tiếng nói của Thiên Chúa mà con người cần phải khám phá.
Tuy nhiên, trong cuộc đời thường không thiếu những trang bi đát, tăm tối, làm sao để nhận ra dấu ấn tình yêu Thiên Chúa? Ðừng quên rằng lịch sử của bao vị thánh lớn cũng khởi đi từ những trang tăm tối như thế. Nếu không khám phá ra kế hoạch của Chúa, hay không biết đâu là thánh ý Chúa, con người phải mày mò khổ sở và có nguy cơ rơi vào tình trạng sai lầm thê thảm. Chính vì đường lối Thiên Chúa không phải là đường lối của con người, nên kinh nghiệm thực tế cho thấy không dễ dàng gì chúng ta nhận ra được điều gọi là ý muốn của Thiên Chúa.
Do vậy, những bài học về sự thức tỉnh, về tình yêu thương, về sự hy sinh, về ý chí can trường, về việc loan báo niềm vui, là những hành trang cần thiết cho đời sống tâm linh của mỗi người chúng ta. Ðể rồi dù khi con người gặp phải khủng hoảng, đi vào "đêm tối của đức tin", Thiên Chúa dường như vắng bóng, thì con người vẫn còn một lối đi về để nhận ra Thiên Chúa luôn hiện diện đầy yêu thương, đang huớng dẫn mình ngay cả trong lúc đen tối nhất.
Quốc Văn, OP daminhvn.net
Chú gà trên tháp nhà thờ
 
Ðó đây ở Âu châu trên cao ngọn tháp nhà thờ ngoài Thánh gía, còn có tượng chú gà trống tạc đúc bằng đồng hay sắt thép.
Tại sao tượng hình chú gà trống lại được dựng trên nơi đó?
Có người nói nhà thờ nào có con gà trên mái nóc là nhờ Công giáo. Với những nhà thờ xây cất từ xa xưa thường có tượng chú gà. Những nhà thờ mới xây gần đây không có tượng chú gà đỗ trên đó. Và hầu như những nhà thờ của Tin Lành, bên Ðức, thường không có tượng chú gà.
Tượng Chú gà trống trên nóc tháp nhà thờ mang ba ý nghĩa:
1. Chú gà trống thường cất tiếng gáy vào khoảng từ hai giờ đến sáu giờ sáng. Ngày xưa khi chưa có đồng hồ báo chỉ giờ, nhất là ở miền thôn quê, người dân nghe tiếng gà gáy biết tới giờ canh thức.
Tượng chú gà trống trên mái tháp nhà thờ là biểu tượng „người báo tin“ đêm đã qua, ngày sáng mới đang tới. Ðây cũng là hình ảnh báo tin Chúa Giêsu Kitô trở lại, nên mọi người hãy tỉnh thức đón chờ Người.
2. Tượng chú gà đó báo thời tiết. Chú là người đầu tiên tiếp cận ánh sáng mặt trời khi đêm đen tối đã qua và mặt trời ló dạng xuất hiện.
Vì thế chú mang biểu tượng „người báo tin“ sự chiến thắng sống lại của Chúa Giêsu Kitô từ trong bóng tối tội lỗi đi vào ánh sáng.
3. Chú gà trống đó còn là hình ảnh „ người nhắc bảo“. Ngày xưa trong sân xử án Chúa Giêsu, chú gà trống đã gáy lúc canh ba, tiếng gà gáy đã thức tỉnh lương tâm, vâng, lòng tin của Ông Thánh Phero ( Mt 26, 34.75.).
Nghe tiếng gà gáy Ông nhớ lại Lời Chúa đã nói với Ông: „ trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần lần!“. Tiêng gà gáy thức tỉnh Ông ăn năn hối lỗi, trở về cùng Chúa, về cùng niềm tin.
Ngày nay, tiếng gáy của chú gà trống không còn được căn cứ để biết giờ giấc đánh thức như xưa nữa. Hình tượng chú vẫn là hình ảnh đẹp không chỉ về nghệ thuật, vẻ oai nghi dũng mãnh của chú, mà tiếng gà gáy của„ người báo tin - người đánh thức nhắc nhở “ trong đời sống đức tin và tình người vẫn luôn cần thiết.

 
Lm. Nguyễn ngọc Long 
Nguồn: chungnhanduckito.net/
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại680,978
  • Tổng lượt truy cập52,849,926

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây